Gần đây, thỉnh thoảng tôi thức giấc nửa đêm. Nằm trong giường ấm êm chờ giấc ngủ trở lại cũng được thôi nhưng tôi cứ phải tung chăn mền, mở laptop xem chuyện đó đây trên internet. Từ tin tức chiến tranh Israel-Palestine đến hình ảnh quần áo hóa trang Halloween. Nhưng có tin nhỏ này làm tôi chú ý: Một cuộc thăm dò*, trong đó 1,000 người Mỹ trưởng thành tham dự, cho thấy 92% thích hẹn hò với những người đã hay đang được điều trị tâm lý.
Halloween là dịp những người giàu trí tưởng tượng mua vui. Một bà, người mẫu nổi tiếng trước đây, đăng hình mình nằm khoả thân với lời cảnh cáo ‘sự yên lặng trước cơn bão' trong khi chờ hoá trang thành con công xanh cầu kỳ, lộng lẫy. Năm mươi tuổi mà thân hình bà nhìn vẫn còn đẹp lắm. Vì sao khoả thân? Muốn được chú ý? Không đâu, con đường nghệ thuật, tằm đến thác vẫn còn vương tơ, làm sao dừng lại được!
Một bà cựu người mẫu khác, hoá trang làm noir gangster, tay anh chị. Trong chiếc quần bikini và áo ngắn nửa vời đơn giản, bà tạo ấn tượng tức thì. Lịch sử xã hội đen chưa bao giờ được hân hạnh đón nhận một thành viên thu hút như bà, tôi đoan chắc. Khuôn mặt bà khá đặc biệt nhưng thân hình còn đặc biệt hơn nhiều. Bà này không nổi tiếng mấy nên phải qua vài chặng quan san Google tôi mới thu thập được kiến thức mình muốn. A, bà mới bốn mươi bốn thôi. Bên dưới là do trời ban, nhưng bên trên là của người ban. Bà nói đã làm giải phẫu thẩm mỹ để vẽ đẹp được trọn vẹn, dưới trên hoà hợp.
Tôi có cảm tình với bà người mẫu này ngay. Thành thật, tự tin, biết mình. Bà có cái tính cách mà xã hội đang khuyến khích cổ võ mọi người nên có: Tự nhận thức, tự phản ảnh bản thân. Tính cách này rất cần thiết cho việc phát triển cá nhân. Muốn đi tới thì phải biết mình đang ở nơi đâu, đúng chứ?
Nhưng nhìn vào đáy tâm tư mình để phát triển và từ đó có đời sống thăng bằng, lạc quan không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhất là khi những kinh nghiệm không vui, không tốt, những gút mắc chưa giải quyết núp trong ngõ kẹt của ý thức hay lặn tuốt trong tiềm thức. Muốn lôi chúng ra và bảo chúng né sang một bên cho ta đi tới là cả một quá trình. Đòi hỏi sự kiên trì, thành thật với chính mình và cả sự cố vấn, giúp đỡ của bác sĩ tâm lý vì DIY, tự biên tự diễn đôi khi không đưa đến kết quả.
Sự cần thiết của cố vấn tâm lý được thấy rõ trong cuộc thăm dò nói trên. Nếu kết luận của nó phản ánh thực tại, ta có thể nói cái nhìn của xã hội đối với vấn đề sức khỏe tâm thần đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, những người có vấn đề tâm lý thường phải đối phó với chúng trong đơn độc vì lo ngại bị kỳ thị, hiểu lầm. Không ai muốn bị cho là yếu đuối, bất bình thường hay ‘tửng tửng'. Giờ, chúng được nhìn một cách chính xác hơn. Vấn đề sức khỏe tâm thần chỉ là vấn đề sức khoẻ như các vấn đề sức khoẻ khác. Và khi có vấn đề về sức khỏe thì tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia về sức khoẻ là một trong những điều nên làm.
Nếu kết quả của cuộc thăm dò phản ánh thực tại, thì chẳng những điều trị tâm lý được coi là bình thường mà còn được đánh giá cao trong quan hệ nam nữ. Vì sao? Người làm cuộc khảo sát cho rằng điều trị giúp người được điều trị có công cụ để giải quyết các vấn đề của mình, thấu hiểu cảm xúc của mình hơn (và sau đó là của những người khác). Từ đó, có thể suy diễn là người nhận sự điều trị tâm lý dễ trở nên một đối tượng tình yêu đáng chuộng: Thấu hiểu cảm xúc của mình, biết cảm thông, lắng nghe và kiên nhẫn với người khác.
Nhưng, có một chữ ‘nhưng’ rất lớn ở đây, vì sao người tham dự cuộc thăm dò lại thích hẹn hò những người đã nhận được cố vấn tâm lý? Vì họ mong muốn có một mối quan hệ tình cảm sâu sắc với một đối tượng thấu hiểu cảm xúc của chính mình, biết cảm thông, lắng nghe và kiên nhẫn? Hay vì chính họ đã từng có vấn đề tâm lý và tìm kiếm một đối tượng ‘đồng hội đồng thuyền'?
Câu hỏi này là câu hỏi rất không vui. Cứ tưởng tượng 92% người trưởng thành trong nước Mỹ đã có một lúc nào đó trải nghiệm vấn đề tâm thần lớn nhỏ nào đó. Cứ tưởng tượng ảnh hưởng của chúng trên cuộc sống những người này!
Dalai Lama nói “ Mọi người đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc thực sự không phải là có tiền bạc hay quyền lực mà là đạt được sự bình yên nội tâm. Nếu tâm an lạc thì ngày đêm sẽ vui vẻ.”
Trích dẫn câu nói nổi tiếng này, tôi chỉ cố ‘gây ấn tượng’ thôi vì ai trong chúng ta cũng biết sự thật đó. Nội tâm bình yên là điều kiện cần có cho hạnh phúc. Nhưng sự bình yên nội tâm của một người, tuy dứt khoát không tuỳ thuộc và quyền lực hay tiền bạc, lại tuỳ thuộc vào tình trạng xã hội và môi trường chung quanh. Khi thế giới bất an, có thể nào con người tìm được bình yên nội tâm? Khi cả một thế hệ thấy cuộc sống hiện tại khó khăn và tương lai bấp bênh, có thể nào họ giữ được tâm thần yên ổn?
Có thể nào một người tìm được sự bình an nội tâm khi các câu hỏi lớn không được trả lời thích đáng? Các vụ xả súng hàng loạt, nguyên do là gì? Do bệnh tâm thần không được quan tâm? Do việc cho phép mua khí giới bừa bãi? Ai là người trả giá cho chính sách, chủ trương sai lầm? Các nhà lập pháp hay học sinh ngồi trong lớp học?
Trẻ em, người dân vô tội bị giết ở Israel. Trẻ em, người dân vô tội bị giết ở Palestine. Người bị lưu lạc trở thành người gây lưu lạc. Một chính quyền dựa trên các khủng bố công khai tàn bạo. Một chính quyền khác trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế. Quyền tự vệ của một dân tộc có giới hạn hay không? Quyền sống của một dân tộc khác có cần được tôn trọng? Những người gốc Do Thái ở Mỹ và Âu châu đang sống trong lo âu vì sự kỳ thị đã tăng lên. Có bao giờ sự kỳ thị mất đi và người quá khích nhận ra họ không liên quan gì tới việc làm của chính quyền Israel hiện tại? Sự vận động hành lang của người Mỹ gốc Do Thái có quá mức không? Làm sao hạn chế nó?
Câu trả lời đồng nhất cho những câu hỏi trên chắc không bao giờ có được. Lằn ranh giữa những gì có thể chấp nhận được và những gì không chấp nhận được ngày càng lu mờ và kim chỉ nam chung không còn định hướng. Khi mỗi cá nhân phải liên tục tìm lối đi và sự thăng bằng cho chính mình, không có gì lạ nếu nội tâm mất bình yên và vấn đề tâm lý nảy sinh.
Có thể cuộc thăm dò không đủ rộng, không hoàn toàn chính xác. Có thể tôi đã suy diễn quá xa. Có thể xã hội phát triển đến đâu thì cũng có những nan đề không giải quyết được. Nhưng nếu bạn là người thức giấc nửa đêm, chắc bạn chia sẻ với tôi kinh nghiệm này: Con người có khả năng tạo niềm vui vô thưởng vô phạt cho chính mình và quên bẵng ở nơi khác cái chết và thương đau đang tiếp diễn, quên bẵng chung quanh có nhiều người đang gượng đứng lên.
Tuy nhiên, niềm vui và tiếng cười không làm cân bằng nỗi đau và tiếng khóc bao giờ.
KC Nguyễn
*https://www.cnbc.com/2023/10/25/survey-92-percent-of-us-adults-prefer-to-date-people-whove-been-to-therapy.html
Gửi ý kiến của bạn