Hôm nay,  

Cu ky Ba Thới

25/10/202309:15:00(Xem: 1216)
Truyện

Nam Bộ

Nhà Ba Thới ở trong khu vườn rộng. Hồi đó, khi còn cha, cha thường hay mời ban hội đồng về chè chén suốt, nên vui, lúc nào cũng có tiếng cười, tiếng chạm ly leng keng. Thế mà khi cha chết đi, nhà có 5 anh chị em, tự nhiên, lại xa rời nhau. Mỗi người em làm nhà trên một khoảng đất được chia. Bên này ngó qua bên kia thông thống. Mà nhà ai nấy ở, đèn ai nấy sáng, đi ra ngoài gặp nhau ngó lơ, không cười một cái, từ mấy chục năm nay.
    Ba Thới là con trai cả nên được ở ngôi nhà ngói chính. Căn nhà xây cũng được hơn cả trăm năm, từ ông cố nào đó để lại, đến đời cha, căn nhà vẫn bền vững, nhưng đến đời Ba Thới thì bắt đầu oải, sụt lỡ, mục nát. Mái ngói sụp xuống một bên, mưa giọt lỗ chỗ. Ba Thới không lợp lại vì có tiền đâu mà lợp, nên càng ngày mái ngói càng sệ, khiến những người bạn đến chơi, không ai giám đi ngang dưới chỗ ngói sệ, sợ ngói rớt trúng đầu, bị thương, chảy máu, thì biết đền ai.
    Chị Thoàn vợ Ba Thới ở trên xóm Gò Giai. Thoàn học tiểu học cùng Ba Thới tại trường An Mỹ Hạ. Ba Thới học tên Thoàn một lớp. Quen nhau biết mặt nhau, thế thôi. Lúc đó, thời tiểu học, cô bé, cậu bé nào đi học cũng chỉ lo hết giờ tan lớp thì chạy u về nhà lo lùa bò ra đồng ăn cỏ, hay đi câu cá, bắn chim. Chuyện nghĩ đến nhau là không có, vì trái ớt và con bướm của tụi nó còn nhỏ híu, non tơ.
    Đến năm Ba Thới hai mươi mốt tuổi, cha thúc lấy vợ, mi đã lớn sộ rồi, lo kiếm vợ đi, mi thấy con nào được là tau đi nói cho. Ba Thới ú ớ. Tìm kiếm ai đây? Ba Thới cũng có vài mối tình vụn ở xóm vạn đò. Con gái vạn đò ngủ trên ghe suốt năm suốt tháng. Con Thuyết, con Lài, con Tưởng. Đi hỏi mấy con này chắc cha không chịu. Ai lại lấy gái vạn đò không có miếng đất chọi chim. Ba Thới nghĩ vậy nên nói với cha. Con biết ai đâu mà kiếm cha. Cha nói, mi kiếm không được để tau kiếm cho. Thế là cha hỏi ông Tân, người bạn cùng làm hội đồng với cha ở trên xóm Thạnh Mỹ, ông biết có đứa con gái nào bà con với ông cũng được, để tui đi nói cho thằng Ba. Ông Tân suy nghĩ trong đầu, rồi gục gặc, có con Thoàn, con anh hai tui, mươi chín tuổi, trình độ tiểu học. Để tui giới thiệu con nớ về làm dâu ông, được không?
    Thế là Thoàn về làm dâu nhà cha. Ba Thới chấp nhận, vì hồi tiểu học hai đứa đã nhìn biết nhau rồi. Cũng tạm gọi là cố nhân. Cặp vợ chồng sống vui, sống hạnh phúc, suốt mấy chục năm. Tuy không tình tứ như những bản nhạc tình sến sịa, ca tụng tình lúa duyên trăng, trăng rụng xuống cầu, chỉ hai đứa mình thôi nhé. Hai vợ chồng chỉ nói đến việc làm ruộng, cày sâu cuốc bẩm. Sau ngày cha chết rồi đến ngày trời sụp, Ba Thới lại càng ít nói hơn. Đi làm ruộng quanh năm suốt tháng, sáng ra đồng, chiều ra đồng, cày cày, cuốc cuốc...mãi miết như thế, mà chỉ đủ ăn. Lại còn nuôi hai đứa con, một trai một gái, đang đi học, trung học rồi đại học ở tận thành phố xa. Mỗi lần như vậy hai vợ chồng lo gom lúa, thuốc lá, đậu xanh, đậu đen, bán ra lấy tiền để tuần sau thằng hai Lâm về lấy, nó đã nhắn về rồi, không có tiền nó buồn tội nghiệp.
    Rồi đến con Hà cũng đi học xa, vợ chồng Ba Thới lại gom góp tiền cho nó học sư phạm. Cho nên làm mùa, cứ mùa nào phủi lủm ngày đó. Vậy giấc mộng mua chiếc xe gắn máy chạy cả chục năm rồi, nung nấu trong lòng Ba Thới, vẫn chưa thực hiện được. Vẫn chạy chiếc xe đạp đi làm đồng, đi công chuyện, đi thăm bà con, đều dùng con ngựa trời ngóng cổ mà thôi.
    Hai vợ chồng nói vậy chứ cũng có những ngày tháng đẹp, thơ mộng. Nhất là những buổi tối sáng trăng. Trăng nằm trên tầng mây xanh cao chót vót nhả những luồng ánh sáng vàng ròng xuống dãi sân gạch rộng. Hai vợ chồng trải chiếu ra nằm ngắm trăng. Trời ban ngày nắng và nóng làm con người ai cũng khô rang, nhưng buổi tối lại hiền hòa mát mẽ, nhờ những cơn gió thổi qua khu đồng Đất, qua con suối Trà, qua đồng ruộng rộc trước sân nhà, rồi len lỏi qua hàng rào, vào sân, có hai vợ chồng Ba Thới nằm, mát rượi.
    Một cảnh tượng hạnh phúc thường có ở vùng quê. Hai vợ chồng trải chiếu ngắm trăng. Thoàn nằm gối đầu lên đùi Ba Thới, anh thấy không, ông trăng đang nhìn mình kìa. Ba Thới xoa tóc vợ, nhìn thì nhìn chứ mình sợ gì, có lén lút gì đâu? Thoàn đưa tay xoa bóp tấm lưng to bè của chồng, cô vừa xoa vừa bóp, vừa thọc lét, khiến Ba Thới mắc cười, cười lên ồ ồ, nhột tau quá mi, mi bóp nhẹ thôi. Thì ông cúi sát xuống đây tui mới bóp cho ông được. Ba Thới cúi sát người xuống, Thoàn trườn người lên quá lưng, véo một cái đau điếng, Ba Thới la lên, đau tau quá mi. Ba Thơi kêu ré.
    Thoàn nói, ông la lớn quá, để tụi nhỏ còn học bài. Lúc này Ba Thới mới nhớ có hai đứa con đang học bài trong nhà. (Ở một vùng quê mà tiếng gọi tau, mi, giữa đôi vợ chồng, coi như là thường yêu, thì nó cũng có nghĩa như anh anh, em em vậy). Đó là những ngày hạnh phúc nhất của Ba Thới và Thoàn.
    Dù nghèo mà vui hỡi ai không hé môi cười.
 
***
 
Một buổi sáng như bao buổi sáng khác, Thoàn đạp xe xuống chợ Vạn mua đồ. Vừa thu hoạch xong, hai vợ chồng sau khi chi tiêu, suy nghĩ cho con ăn học ở xứ Đà cũng tốn bộn. Nhưng tốn kém bao nhiêu cũng cho tụi nó ăn học đến nơi đến chốn. Còn dư lại một ít, Thoàn định xuống chợ Vạn mua chút đồ dùng, trước nhất là mua cho Ba Thới chiếc áo sơ mi coi được được, chứ Ba Thới bận chiếc áo cũ hoài trông lam lũ quá. Rồi sẽ mua thêm cho Ba Thới đôi giép sa bô, cho anh diện khi đi đến nhà bạn. Rồi Thoàn cũng định mua cho mình chiếc quần lãnh đen, cái áo bà ba màu gụ mỹ á. Thoàn dự tính trong đầu hết rồi, đã lên kế hoạch hết rồi, chỉ còn đạp xe một mạch xuống chợ Mai. Gởi xe đạp ở chợ Mai, Thoàn len lách vào đám đông, cô mua nhanh và gọn, chớ để Ba Thơi chờ cơm ở nhà Thoàn cảm thấy thương.
    Xe đạp chạy vù vù về đến xóm Kỳ, chỉ còn quẹo trái lên đường tỉnh lộ là bon bon đến nhà, vì đường từ xóm Kỳ lên xóm Phước, con đường huyết mạch lưu thông các xã lân cận với nhau, tất cả đều đổ xuống chợ Vạn theo con đường này. Bỗng đâu từ sau, Thoàn nghe một cái rầm. Cái rầm của chiếc xe gắn máy tông mạnh vào đít chiếc xe đạp của Thoàn. Cú húc quá mạnh của một tên học sinh trường tỉnh, con ông cháu cha, chạy thục mạng. Tay học sinh lạn lách tránh chiếc xe đò đi ngược, nên lạc tay lái, tông vào Thoàn. Thoàn ngã nằm xuôi theo chiếc xe, đầu đập mạnh xuống hòn đá ba lác dưới đường, chết ngay tại chỗ. Áo quần Thoàn mua sắm cho gia đình đổ tung tóe vung vải khắp nơi.
    Người đi đường thấy vậy liền kêu xe cứu thương. Họ chở Thoàn vào bịnh viện đa khoa, nhưng đã trễ. Ba Thới hớt hải chạy vào, thấy vợ nằm im dưới tấm ra trắng che kín mặt. Ba Thới khóc rúc lên từng hồi. Tiếng khóc của người đàn ông khóc vợ chết bất ngờ, thật đáng thương, bi thảm quá!
    Chôn cất vợ xong, Ba Thới tĩnh người lại một chút, anh biết mình đứng trước một vực thẳm vô hình sâu hun hút. Hai đứa con từ phố thị xứ  Đà trở về khóc mẹ. Khóc thảm thiết, khóc lăn lộn trước khi quan tài hạ huyệt. Nhưng rồi tụi nhóc cũng phải về nơi cũ lo học hành, chỉ còn lại Ba Thới với căn nhà rộng-thênh-thang-đầy-mối-mọt-rêu-cỏ-xanh-rì.
    Ba Thới ngơ ngác, đi hết nơi này đến nơi khác, đúng là người mất hồn. Chỗ nào có đông người là Ba Thới tấp vô, anh Ba vô chơi, buồn quá hả anh Ba, cô Ba thiệt vắn số, cái rủi ro quá nghiệt, anh Ba há! Ba Thới không trả lời trả vốn. Trong cuộc rượu của mọi người, Ba Thới cầm chai rượu lên rót vào một ly không, rồi nốc cạn. Ba Thới im lặng như pho tượng. Không một lời nói, không một nụ cười, chỉ khi ly rượu xoay vòng đến phiên Ba Thới, anh lại uống một ly đầy, uống cạn, lại rót một ly nữa, một ly nữa. Đám bạn nhìn Ba Thới thương tâm. Cuối cùng Ba Thới xuệnh xuạng bước ra đường, nhảy lên xe đạp chạy vòng vo về căn nhà mốc thếch của mình, cũng hơn một tiếng đồng hồ, vì đi lòng vòng mãi.  Về là leo lên võng ngủ khò.
    Chỗ của Ba Thới ngủ, bên trên có treo một tấm hình của Thoàn. Thoàn bận áo dài xanh da trời trông quê quê nhưng đẹp. Tấm hình màu mà nay đã nhợt nhạt, gần biến thành hình trắng đen. Một bình cắm nhang đặt trên cái bàn cao sát tường. Mỗi-sáng-mỗi-chiều-mỗi-tối, Ba Thới thắp hương đều chi trước di ảnh của Thoàn, người vợ đầu gối tay ấp mấy mươi năm. Bây giờ xa quá rồi em hỉ! Anh nhớ em lắm. Sao em bỏ anh mà đi. Thoàn ơi! Thoàn ơi! Ba Thới khóc lên hồng hộng.
    Ba Thới sống cu ki một mình suốt từ đó, năm năm rồi, tóc đã bạc nhiều. Anh bước qua tuổi bảy ba. Ba Thới-khóc-vợ-hằng-ngày-hằng-đêm-hằng-khuya, khóc-mà-không-ra-nước-mắt. Đó-gọi-là-những-giọt-nước-mắt-khô.

 

– Trần Yên Hòa

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cho đến lúc này, tôi tự hỏi có bao nhiêu con đường mình đã đi qua suốt những năm tháng có mặt trên đời? Nhiều lắm, những con đường quên lãng mất hút với thời gian. Và cũng có những con đường đã vạn lý xa, nhưng trăm năm đằm đắm nhớ nhung nếu như được sống trọn hết một kiếp người...
Một buổi chiều, cũng như mọi buổi chiều khác, tôi được nghe từ loa phóng thanh, một bài hát có tên Tình Khúc Thứ Nhất được xướng ngôn viên giới thiệu tác giả là Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn...
Hình ảnh của tôi và Thi không thể tách rời nhau và cũng không thể tách rời ra khỏi thành phố Hà Nội. Thành phố này đã ghi lại biết bao nhiêu kỷ niệm kể từ những ngày chúng tôi vừa mới thân nhau...
Chúng ta khi sống trên xứ người, đều mang theo một chút quê hương theo mình. Có thể là một con đường, một góc phố, hay một xóm nhỏ yêu thương đã gắn bó một quãng đời dài. Tôi cũng có một quê hương trong trái tim mà mỗi khi nhớ đến vẫn làm tôi thổn thức, rạo rực khôn nguôi...
Mưa Saigon chỉ đủ cho Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến, Mai Thảo xót xa, tiếc nhớ thêm về những dấu yêu xưa, những kỷ niệm cũ thời sống với Hà Nội…
Sài Gòn Nhỏ được mệnh danh là thủ đô của người Việt hải ngoại, một thủ đô nhỏ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sài Gòn Nhỏ hình thành từ sau khi những lớp người Việt di tản đầu tiên được đưa về quận Cam (Orange County)… và từ đó dần dần thành hình vóc dáng và tầm cỡ như ngày nay. Ở đây hầu như tụ hội đầy đủ các cơ quan truyền thông Việt ngữ, các văn nghệ sĩ danh tiếng một thời của miền Nam, trong số đó có tờ Việt Báo là một tờ báo lớn nhất, lâu đời nhất của người Việt hải ngoại. Sáng lập tờ Việt Báo là nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ...
Có lúc nào anh ngộ ra rằng: Tại mình mua lấy những đa đoan?
“Tánh anh nóng nảy, nổi cộc lên thì coi hung lắm, phải đi chùa cho nó trầm tính lại”. Đã một thời, nhiều lần vợ tôi đã nhận xét và đề nghị như vậy...
Lâu lắm rồi chúng tôi – Nguyễn Hoàng Văn, Nguyễn Hưng Quốc, Lê Văn Tài và Võ Quốc Linh – mới có dịp hẹn nhau ở Sydney, tâm tình qua tô phở nóng và ly cà phê lạnh. Đang nhâm nhi cà phê, Võ Quốc Linh bảo phải chụp chung mấy tấm hình bởi, biết đâu được, đây có thể là lần cuối!
Có một dạo tôi thắc mắc mãi về dung mạo của Cúc Tiểu Muội, người đàn bà khiến Nguyễn Tuân, dù chỉ nghe kể qua thôi, cũng phải thốt lên: “Tôi hết sức bị kích thích. Chắc nàng phải đẹp quá. Đẹp hơn cả Mỹ Thuật”...
Tôi đã chuẩn bị mọi thứ để ngày mai chiên chả giò tham dự tiệc lễ Tạ Ơn với lớp ESL do cô giáo Linda tổ chức. Lớp học ESL gần 20 người, một nhóm người Lào thì hùn tiền nhau order món gà tây nướng lò bán trong chợ, còn lại kẻ thì mang giấy napkin, mang nước ngọt, trái cây, bánh kẹo...
Cách nay đã hai tuần lễ, hôm đó là cuối tháng mười dương lịch, 30 tháng 10, mùng 1 tháng 11, dịp lễ hội Halloween. Chúng tôi đi mua bánh biscuit gói nhỏ nhỏ, loại petit beure pocket, kẹo chocolat đủ loại đủ màu, tất cả làm thành từng gói để chờ tối ngày lễ Halloween làm một màn phát quà cho các em nhỏ gõ cửa các nhà làm ma xin quà. Chúng tôi đã sẵn sàng sửa soạn hai bọc khá lớn để góc nhà chờ đợi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.