Trang Thơ Mùa Thu

13/10/202300:00:00(Xem: 1835)

 

bui-giang-phan tan hai
Tranh Phan Tấn Hải

 

Mùa thứ ba trong năm đã chớm về. Autumn ngoài nghĩa mùa thu, còn mang nghĩa ẩn dụ là chỉ lúc xế chiều, lúc ngày sắp tàn, là mùa mà ban ngày ngắn và dần lạnh hơn. Bên cạnh hình ảnh biểu tượng là mùa lá rụng, lại cũng là mùa phần lớn trái cây được thu hoạch, vì gắn với đời sống thiên nhiên này mà từ rất lâu văn hóa Tây phương đã nhân cách hóa mùa thu là người phụ nữ trẻ đẹp đầy sức sống với mái tóc gắn đầy lá hoa quả chín, là hình ảnh vừa nên thơ vừa chứa đựng sức sống diệu kỳ của mùa gặt hái.

Nhìn về mặt thơ mộng của mùa thu, đúng vậy, không ai phủ nhận được nét quyến rũ của bản giao hưởng màu sắc lá vàng cùng tiếng hát của gió, và thấu được quyền lực của mùa thu qua những bài thơ được viết ra bởi sự khêu gợi dịu dàng kỳ bí của nó, qua các tác giả Rainer Maria Rilke, Edna St. Vincent Millay, Bùi Giáng, Phạm Phú Hải, Tần Vy, Giáng Vân, Trần Hoàng Phố, Pháp Hoan, Kwang Kyu Kim, Phương Uy, Vy Thảo, Nguyễn Thị Khánh Minh, Trần Mộng Tú, Trịnh Y Thư. – NTKM.

 

***

 

RAINER MARIA RILKE (1875-1926)

 

Ngày Thu

 

Thưa Chúa tể, giờ đã điểm, mùa hạ vô cùng lớn.
Hãy trải bóng Người lên những chiếc đồng hồ mặt trời,
Và trên cánh đồng trơ rạ hãy thả những cơn gió được tự do.

Lệnh truyền cho quả cuối mùa chín tới;
Ban phát cho chúng thêm đôi ngày nắng ấm phương Nam,
Dồn thịt da chúng trở nên căng mộng hoàn toàn
Rồi ép lấy vị ngọt cuối cùng vào rượu nồng sóng sánh.

Ai giờ không nhà cửa, sẽ không cần xây cất.
Ai cô đơn, sẽ còn mãi cô đơn,
Sẽ thức giấc, đọc, viết những bức thư dài
Và trên những con đường làng bồn chồn rảo bước
Khi những chiếc lá vàng rơi xuống tự trên cao.

 

(Pháp Hoan dịch từ nguyên tác tiếng Đức)

 

*

 

EDNA ST. VINCENT MILLAY (1892-1950)

 

Mùa Xuân và Mùa Thu

 

Vào mùa xuân, mùa xuân của năm

Tôi bước cạnh người tôi yêu – trên đường

Những thân cây thì đen và vỏ ướt

Tôi vẫn còn thấy chúng – vào mùa thu của năm.

 

Chàng bẻ cho tôi

một cành đào đơm bông

xa lối đi và khó với.

 

Vào mùa thu, mùa thu của năm

Tôi bước cạnh người tôi yêu – trên đường

Những con quạ bay lên – tiếng kêu khàn đặc

Tôi vẫn còn nghe chúng – vào mùa thu của năm.

 

Chàng chế giễu hết thảy những điều tôi ca ngợi

và đánh vỡ trái tim tôi

bằng những điều vặt vãnh bình thường.

 

Mùa xuân sẽ tuôn trào bao mạch sống

Mùa thu sẽ rụng rơi bao lá vàng

Vỏ cây sẽ rỉ từng giọt nước

Bầy chim sẽ gọi mừng hoan ca

Có bao nhiêu điều đẹp xinh để thấy

Có bao nhiêu điều ngọt ngào để nghe

Vào mùa xuân của năm – vào mùa thu của năm.

 

Chẳng phải vì tình yêu ra đi

mà tôi đau đớn

Tôi đau đớn

Khi thấy tình yêu ra đi

vì những điều vặt vãnh bình thường. 

 

(Đỗ Tư Nghĩa dịch)

 

 

*

 

BÙI GIÁNG (1928-1996)

 

Nghe

 

Cúi đầu nghe tạnh

Mưa chiều rừng gió đi mau

Con đường trăng lạnh

Hang rừng bông rụng hoa đau

 

Cồn xưa cỏ mọc

Lá sông chảy xuống chân trời

Chảy lên mái tóc

Một mùa thu gục bên tôi

 

Người kia đứng lại

Nghe trời đẩy xuống hai vai

Con đường thơ dại

Còn đây lá cũ một vài

 

(Trích từ tập Mưa Nguồn, 1993)

 

*

 

PHẠM PHÚ HẢI (1950-2009)

 

A, AA, AAA, AAAA…

 

Lạnh mùa thu ở trong núi đá

Có con cá nhỏ chết bên cầu

Có con chim nhỏ vì vui quá

Cũng chết bên cầu ấy, bữa xưa

 

Có một thư sinh lên núi đá

Hỏi thăm đường tới chốn Bất lai

Trăng khuya úp mở sau ngàn lá

Bướm đỏ đàn đàn chấp chới bay

 

Có lão tiều phu trong núi đá

Mười năm say hương quế, quên về

Lều đựng gió đầy rung mái gió

Một cầu cổ nguyệt chảy tràn khuya

 

Trăng khuyết xuôi trăng tròn trăng khuyết ngược        

Bứt tháng, hái ngày, phơi khô năm

Năm khô râu cũ đùn râu mới

Sợi sợi ấn ngời Vô lượng quang

 

Xuất định bốn bề sương giọt giọt

Con chim xưa sống lại bên cầu

Tiều lão mặt trời vai tịch tịnh

Mặt trời rơi xuống giữa dòng sâu

 

Chẳng đến đâu chẳng từ đâu đến

Con chim ngày cũ hót inh rừng

Bên cầu đứng ngắm hai dòng nước

Một chảy xuôi đông một ngược nguồn

 

Không ở đâu không đâu chẳng ở

Cá hồi dương lội ngược chiêm bao

Cầu gãy hai bờ xưa tương ngộ

Trùng phùng từng hột đất xôn xao

 

Mùa thu núi đá lạnh vô cùng…

 

1972

 

*

 

TẦN VY

 

Ý nghĩ (trích đoạn)

 

Buổi bình minh rạng rỡ hình ảnh anh

Những trốn tránh thừa thãi như bóng tối lẩn quất

Giấc mơ ngọt ngào của nụ hồng sớm mai

Trên những cành gai sương thu đọng thành lệ xót

 

Đỉnh đời cao, cây cối muộn phiền

Mùa thu phục sinh những chiều lá úa

Nỗi nhớ vang vang khúc tình ca cũ

Mênh mông trước mắt, thủy triều sầu

Đường cỏ hoang kỷ niệm không lối về

Mưa đổ xuống những tháng năm ngây ngất

Nỗi xúc động còn day dứt hoài

Nắng đã vơi nắng, đời sắp tà

Trận cuồng vọng đã dừng lay động

Vắng lặng đìu hiu như hấp hối thinh không.

 

*

 

GIÁNG VÂN

 

Em đã bỏ đi

 

Em sẽ phàn nàn hay cãi cọ

Về những cư xử tệ với mình?

Ồ không.

Em đã bỏ đi

Rất xa

Những cái cây mùa cũ rụng lá

Mọc lên bao nhiêu chồi non tơ

Sao người còn đứng đó

Lặng im

 

Quán cà phê cũ

Đóng cửa rồi

Người chủ không biết giờ ở đâu

Anh chàng chơi ghi ta em không còn gặp lại

Nhớ Từ Công Phụng

Mùa thu mây ngàn

Sương mù tím loang chiều muộn.

 

Những câu thơ da diết

Đã trôi vào hư không.

 

*

 

TRẦN HOÀNG PHỐ

 

Bình yên và tĩnh lặng

 

Một nhánh mơ rơi xuống cửa sổ lòng tôi

một ngày thu nhẹ như một hơi thở

 

Cho tôi một chút dịu dàng như gió

Gió đậu trên vai lá

Lặng ngắm những bông hoa ngũ sắc 

mở những đôi mắt hồn nhiên thật to

 

Cho tôi chút lặng yên như hồ thu

Linh hồn tôi

là nước tĩnh lặng

Bên trong của bông sen dậy mùi hương

Nhẹ và thơm như má trẻ thơ

 

Một chiếc lá giấc mơ rơi xuống

bên sân lòng tôi

Bình yên và tĩnh lặng

như giấc ngủ nhẹ của cái chết

 

*

 

PHÁP HOAN

 

Tượng Phật không đầu
trăng thu tìm thấy
trong lòng suối sâu.

 

(Trích trong 26 bài Haiku của Pháp Hoan)

 

*

 

KWANG KYU KIM

 

Bầu trời Mùa Thu

 

Không một gợn mây

Và bầu trời mùa thu thẳm xanh trống rỗng

Không có gì bao bọc trái đất

Không có gì che phủ bầu trời

Chỉ nắng trải mênh mông

Và gió thổi

 

Trái tim tôi bức bối

Phải chăng cần một chiếc lá vàng rơi qua bầu trời?

Lời cầu nguyện bao giờ được ban phát

Và như có một mệnh lệnh

Tất cả được xóa sạch

 

Không một gợn mây

Bầu trời mùa thu thẳm xanh hiện ra nỗi sợ hãi mơ hồ

 

(Nguyễn Quang Thiều dịch trong tập 5 Nhà Thơ Hiện Đại Hàn Quốc, 2002)

 

*

 

PHƯƠNG UY

 

Khúc vô ngôn tháng Tám

 

 

mùa lặng lẽ theo mùa

rơi qua âm u tháng Tám 

bỏ lại anh lạc lõng phía câu ca không lời

dẫu hồn nhiên đứng lơ ngơ giữa ngã tư, ngã năm, hay ngã bảy

vẫn nghe lòng lưa thưa vắng

một mình thôi.

 

mùa đang bão rớt

hiếm hoi ngày chút nắng xanh xao

mặt trời ngủ quên

mặt trời không hát.

chút ấm áp bên em giờ cũng hư hao.


anh lạc giữa muôn phương ngã tư đường tấp nập

lạc điệu trên tay bài thơ cũ vô ngôn

nghe chữ nghĩa biến thiên theo mùa gió rớt

anh lao đao

đi nốt những đoạn buồn.


anh đã sáng lóa tình yêu bằng muôn trùng ảo tưởng

như lũ ve gào mùa bất lực đẫm mồ hôi

để một ngày thảng thốt nhớ ra

mình chỉ là làn khói xưa đi lạc

rồi đã biến tan như chưa từng đến bên người (*)


đêm hạ huyền nghe sương rủ trên nhánh trăng liềm khép mắt

anh lẫn lộn giữa nỗi buồn và nỗi nhớ em

nghe trên mái nhà cơn gió cô đơn của mùa áp thấp

thổi lặng câm cơn độc thoại cũ mèm

 

(*) Hà Mây

 

*

 

VY THẢO

 

Ta nằm ngoài cả những lá ngoài kia sẽ chết

 

Ta nằm ngoài mọi thứ

Ý nghĩ đó văng vẳng bên tai

Khi ta đi dạo trên dòng sông thu sắp cạn trơ đáy

 

Tiếng cá quẫy xào xạo lòng sông mỏng nước

Mỏng dòng

Mỏng màu thu phai

 

Thu phai điều gì

Kể ta biết

Thu phai những lá ngoài sông

Thu phai cả áo em ta

Thu phai cả hồn ta lợt lạt

Thu phai những mối tình lướt qua ta như con gió

Khi mà một cái chợp mắt trăm năm trôi qua

 

Ta nằm ngoài mọi thứ

Ta nằm ngoài em mỏng manh

Ta nằm ngoài em dịu dàng

Ta nằm ngoài cả những lá ngoài kia sẽ chết.

 

*

 

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

 

Gió sẽ thổi mùa thu đi

 

Gió nức lạnh

Lời chia tay còn ngậm

Sợi đàn căng. Một nốt nhạc chưa buông

Đêm ẩn dấu ánh nhìn

Nước mắt đừng rơi

Lời chia tay thôi đừng nói

Con đường sẽ nặng những âm thanh

 

Gió sẽ thổi mùa thu đi

Cuối dốc sương

Anh còn thấy được không

Mầu áo em vàng và tóc em bay

Ngày mai anh ạ

Sẽ chỉ còn dư âm của mùa chuyển mơ hồ

Mất dấu một lời hẹn

Và dường như, cũng thế,

Lời nói yêu em

 

Cứ lặng lẽ, những ra đi

Tự nhiên như

Em luôn có một khoảng không

Đầy tay

buồn bã

 

(Trích tập thơ Ký Ức Của Bóng, NXB Sống &Phố Văn 2013)

 

*

 

TRẦN MỘNG TÚ

 

Mười hai bài thơ mùa thu (Theo vận Haiku: 5-7-5)

 

Tiếng ngỗng ngang mái nhà

Ngập ngừng bên hiên hoa cúc nở

A mùa thu gõ cửa

 

Bàn chân lạnh trong chăn

Buổi sáng co mình ngoài cửa sổ

Mùi trà xanh trong bếp

 

Con sóc ngậm hạt dẻ

Nhẩy qua những cành phong chớm đỏ

Đánh rơi một mảnh Thu

 

Buổi sáng thổi xôi đậu

Màu xôi vàng như màu hoa cau

Ngửi được mùa Thu tới

 

Rượu mận ủ năm ngoái

Bây giờ đã lên men ngất ngây

Rót ra mời mùa Thu

 

Giọt sương buổi sáng rơi

Trên chiếc lá phong vừa chớm đỏ

Như một vệt son môi

 

Những lá sen mùa Hạ

Rủ nhau nằm úp mặt trong bùn

Ếch nghiêng đầu gọi Thu

 

Cái dốc sau nhà tôi

Nai vào tìm ăn dâu mùa Thu

Có phải nai năm ngoái

 

Trên con đường cũ này

Tôi đi tìm người bạn năm đó

Chỉ tìm được mùa Thu

 

Cây Mộc Liên nhà tôi

Bắt đầu thi nhau rụng lá Hè

Tôi vuốt Thu trong tóc

 

Sương mùa Thu lạ lắm

Trông xa đẹp như hạt ngọc trai

Không phải đâu, hạt lệ.

 

Tôi với người yêu đi

Dưới những hàng cây mới chớm đỏ

Trái tim chín từ hôm qua.

 

(Mùa Thu 2022)

 

*

 

TRỊNH Y THƯ

 

Còn mình ta đứng giữa trời

nhìn con nước chảy cát phơi hai dòng

bến bờ nửa mảnh thu phong

cũng tàn xiêu cả rêu rong ngập hồn.

 

Nghe trong tôi niềm mênh mang

nghe đâu đây thoảng nhặt khoan tiếng lòng

rơi rơi êm vào hư không

bay bay chiếc lá cuối cùng về đâu.

 

(Trích từ bài thơ Con Nước Vô Danh gồm 42 bài tứ tuyệt lục bát)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đó là tựa đề một bài viết của nhà thơ Phan Tấn Hải, và đây là kết của bài: “Chữ nghĩa không vô ích. Chúng ta trong cõi này hãy rủ nhau làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ, in thơ, hát thơ… Nếu chúng ta không đủ sức nương vào thơ để ngộ nhập tri kiến Phật, và nếu chúng ta cũng không có đủ sức mạnh của hát thơ để chữa sản nạn như thời Vua Hùng Vương, ít nhất thơ cũng giúp chúng ta giảm được những đau đớn của trần gian này, kể cả khi buộc phải nghe tới bốn dòng thơ ly biệt tương tự của Cha Rồng và Mẹ Tiên thời lập quốc dân tộc Việt Nam (Ta là giống Rồng / Mình là giống Tiên / Thủy thổ khắc nhau / Không ở cùng được.) Nàng thơ ơi, hãy cứu lấy trần gian này. Hãy biến tất cả những trận mưa bom trên trần gian này thành các trận mưa thơ…” (Phan Tấn Hải, Thơ sẽ chữa lành thế giới
Ta về một cõi tâm không / Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn / Còn yêu một thuở đi hoang / Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya / Ta đi dẫm nắng bên đèo / Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều / Nguyên sơ là dáng yêu kiều / Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ / Còn đây góc núi trơ vơ / Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao
Nhà văn Jon Fosse vừa đoạt giải Nobel Văn chương về kịch nghệ năm nay, 2023. Ngoài ra, ông cũng nổi tiếng trong lãnh vực thơ và truyện. Tác phẩm của ông được dịch ra khoảng 50 ngôn ngữ. Tìm hiểu về mục đích sáng tác, ông cho biết, “I hope they can find a kind of peace in, or from, my writing.” (Tôi hy vọng người đọc có thể tìm thấy sự bình an trong các tác phẩm của tôi.) Tác phẩm nổi tiếng với nội dung sâu đậm của ông là dãy “Septology”. Đây là một từ vựng mới, có ý nghĩa là một loạt bảy cuốn sách. Có lẽ, Septology phát xuất từ “Heptalogy” mà ví dụ rõ rệt nhất là dãy tác phẩm Harry Potter.
Nhà phê bình văn học Trung Quốc đời nhà Thanh, Viên Mai, có nói, “Làm người không nên có cái tôi, nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi”. Thi hào Tagore cho rằng, “Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ảnh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”. Cả hai nhận định này đều đề cao cái Tôi-làm-Thơ, và cách biểu hiện những thuộc tính về Tôi ấy như thế nào trên ngôn từ thơ. Có hai yếu tố không ai phủ nhận được là cảm xúc và sáng tạo, chính hai yếu tố này định hình phong cách của nhà thơ. Cảm xúc thực được chuyển tải qua thi ngữ, thi ảnh mới mẻ, cá biệt, thì thơ càng có sắc thái nổi bật để lại dấu ấn riêng trong lòng người đọc, dường như không quá để nói rằng điều này định đoạt sinh mệnh một bài thơ. Thơ chỉ thực sự sống khi nó phản ảnh được bản ngã độc đáo của nhà thơ.
Tháng 7. Mùa hè đang gửi đến đây một sứ giả vô cùng dễ thương. Phượng tím. Đi đâu chợt cũng bị màu tím thơ mộng ấy níu mắt nhìn, làm dịu đi cái nóng chói chan. Bạn đang ở đâu, buổi sáng rực nắng đi chơi hay chiều mệt nhoài sau giờ làm việc, hay tối, hay khuya, hàn huyên bạn thiết, hoặc giả nói chuyện một mình, tất cả những tâm trạng thời gian đó, bạn sẽ tìm thấy được trong Căn phòng chứa đựng mọi khoảnh khắc, nơi các nhà thơ Hoàng Trúc Ly, Duy Thanh, Nguyễn Thùy Song Thanh, Tomas Transtromer, Âu Thị Phục An, Chiêu Anh Nguyễn, Nguyễn thị Khánh Minh, Trương Đình Phượng, Inrasara, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Xuân Thiệp, đọc cho bạn nghe những vần thơ mang âm hưởng chói chan của mặt trời mùa hạ, hoang mạc gai xương rồng, mật ngọt của thiên nhiên…
Một mùa hè, khi chàng vẫn còn trẻ, chàng đứng bên cửa sổ và tự hỏi họ đã đi đâu, những người đàn bà ngồi bên biển, ngắm nhìn, chờ đợi một điều gì đó không bao giờ đến, gió nhẹ phả vào da họ, gửi những lọn tóc xoã ngang môi họ. Họ đã ngã xuống từ mùa nào, họ đã lạc lối từ ý niệm nào của nét yêu kiều? Đã lâu rồi kể từ khi chàng nhìn thấy họ trong vẻ lộng lẫy đơn độc, trĩu nặng trong nỗi biếng lười, dệt nên câu chuyện buồn về niềm hy vọng bị bỏ rơi. Đấy là mùa hè chàng lang thang trong màn đêm kỳ vĩ, trong biển tối, như thể lần đầu tiên, để tự toả ra ánh sáng của chính mình, nhưng những gì chàng toả ra là bóng tối, những gì chàng tìm thấy là đêm.
… Đã bao năm rồi, biết bao nhiêu nước chảy qua cầu, có quá nhiều điều để không thể nào quên. Ngay trong tù đày, những hình ảnh hồi tưởng chưa bao giờ là cuộc duyệt binh vĩ đại đầy màu sắc và ồn ào của ngày Quân Lực; mà luôn luôn là những bước chân diễn hành thầm lặng của một tiểu đội lính vô danh ở ngày giờ cuối cùng của một thành phố trước khi mất tên Sài Gòn. Người chuẩn úy ấy bây giờ ở đâu, trong một trại cải tạo nào, còn sống hay đã chết, số phận những người lính can đảm kỷ luật tới giờ phút chót ấy bây giờ ra sao, cũng không ai được biết. Liệu có thêm được một dòng chữ nào giữa những trang quân sử viết dở dang để nói về cuộc diễn binh kỳ lạ cấp tiểu đội mang biểu tượng hào hùng của quân lực ở ngày giờ cuối cùng trước khi cả toàn quân tan hàng rã ngũ... (Ngô Thế Vinh, trong tập truyện Mặt Trận Sài Gòn.)
LTS: “19 Hè 72” là một bài trường ca của nhà thơ Ngu Yên viết về chiến tranh Việt Nam với những hình ảnh thống khổ và chết chóc đau thương do chiến tranh gây nên. Và để tri ân người lính Việt Nam Cộng Hòa. Khác với những trường ca thường thấy trước đây, nhà thơ đã kết hợp một cách sáng tạo giữa thi ca với tài liệu từ những trang bút ký, hình ảnh chiến tranh, ca khúc, thậm chí quân sử, để thơ không chỉ là những câu chữ thuần túy nữa, mà là một bức tranh linh động và xúc động khiến người đọc không khỏi bồi hồi khi đọc, dù những điều được nhắc đến trong bài thơ xảy ra cách nay đã trên nửa thế kỷ. Việt Báo trân trọng giời thiệu.
Dấu thời gian để lại trên con đường nó đi qua là tàn phai, là những đổi thay tác động vào tâm thái vui buồn của ta, tạo nên hoài niệm, và ước mơ. Vậy cái lúc đang thở, bạn có biết thời gian đang có mặt không, và có nhìn kỹ người bạn đồng hành ấy không. Phải chăng lúc dừng lại đó là ta đang thức cùng hiện tại? Trong Kinh Người Biết Sống Một Mình, Đức Phật dạy: Đừng tìm về quá khứ/ Đừng tưởng tới tương lai/ Quá khứ đã không còn/ Tương lai thì chưa tới/ Hãy quán chiếu sự sống/ Trong giờ phút hiện tại/ Kẻ thức giả an trú/ Vững chãi và thảnh thơi.
Gió gỡ bóng tối rừng thông./ Sáng trăng lang bạt theo dòng lân tinh./ Suốt ngày đuổi bắt ái tình./ Sương mù nhảy múa bóng hình yêu đương./ Hải âu lạc cánh tây phương./ Cao, cao, ngọn nến dễ thường ngôi sao.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.