Hôm nay,  

Trăng

10/10/202313:00:00(Xem: 1426)
Tùy bút

full-moon
Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi…
 
Trăng thu, màu vàng cổ tích…
    Trăng thu, màu gợi nhớ dĩ vãng. Chỉ có một màu trăng mịn đẹp và huyền ảo óng ả là màu trăng ở quê nhà Việt Nam mà thôi. Dưới ánh sáng trăng thuần túy, nhà cửa, cây cối, sóng nước, vườn hoa, công viên, bãi cát… tất cả tạo vật như được bao phủ bởi một lớp lụa mỏng màu trứng sáo. Rồi trăng thanh đến thì có gió mát, hoa lá đong đưa và ngoài sân có tiếng trẻ nhỏ cười tíu tít ngồi nghe bà kể chuyện đời xưa. « Khi ấu thơ, ngồi trong bóng trăng, nhìn theo áng mây đưa » nay lớn lên ta đã đi xa dần, xa dần mãi cái nôi của tuổi thơ, cái nôi đầy ắp bóng trăng thanh để hòa mình vào nếp sống văn minh cơ khí chan hòa ánh điện. Ở đây, chị Hằng không còn là hình ảnh âu yếm nở nụ cười với thế gian vào mỗi đêm rằm, nhất là rằm tháng 8, trung thu không mùa nữa. Chị Hằng thậm thụt ở sau vẩn mây da cá lạnh lẽo như có quỷ nhập tràng, chị Hằng thui thủi đằng sau cùng những tòa nhà cao ốc chọc trời, chị Hằng không có chỗ đứng trong lòng người khi văn minh điện hóa vùng lên và tình yêu thiên nhiên tan biến, nên chị Hằng đến lặng lẽ đi âm thầm không ai biết ai hay.
    Nhưng rồi mỗi độ thu về, không gian chớm lạnh, chúng ta không khỏi chạnh lòng nhớ tới trăng, bóng hình mà khi xưa thi nhân Lý Bạch đã say sưa nhẩy ùm xuống nước để mong tìm thấy cho được… trăng, có một thời kỳ nàng đã chiếm một địa vị độc tôn trong thi ca Trung Hoa và cả trong thi ca Việt Nam, Hàn Mạc Tử đã ca tụng trăng đồng nghĩa với yêu đương:
 
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi…
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi…
 
Trong khóm vi lau dào dạt mãi
Tiếng lòng ai nói ? Sao im đi ?
Ô kìa ! Bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe…
(Bẽn lẽn)
 
Hàn Mạc Tử đã mơ được “ngủ với trăng” và ông đã ngửi được mùi của trăng:
 
Thơ em cũng giống lòng em vậy
Là nghĩa thơm tho như ánh trăng… 
 
Có lúc như cuồng si trăng, HMA đã cao to:
 
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên ước hẹn hò
 
Khi tỉnh lại, ông nhận riêng trăng của mình:
 
Trăng vàng, trăng ngọc bán sao đang
 
Cũng một vầng trăng ấy, Quang Dũng, người ở Sơn Tây, đã tả “cố quận” dưới trăng như sau:
 
Trăng sáng vẫn vờn đôi bóng cau
Ngồi đây mà gởi nhớ phương nào
Gió mát lung linh vầng bắc đẩu
Tiếng hè ếch nhái rộn bờ ao
Ngồi đây năm năm miền ly hương
Quê người đôi gót mãi tha phương
Có những chiều, chiều trăng đỉnh núi
Nhà ai chà gạo giã đêm sương
 
Em ơi, em ơi đêm dần vơi
Trông về phương ấy ngóng trông người
Trăng có soi qua vầng tóc bạc
Nẻo về cố quận nhớ thương ơi…
 
Một thi nhân khác, Yến Lan, đã mang trăng rải lên mình ngư ông bến My Lăng, đã mang trăng phủ lên mình chàng kỵ mã oai hùng dựng một cảnh uy nghi và nên thơ như cổ tích nhiệm màu:
 
Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buồn câu.
Trăng thì đầy, rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
 
Ông không muốn rung người qua tiếng địch,
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.
Và đìu hiu, đìu hiu trời tĩnh mịch,
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.
 
Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời nhưng chỉ giải trăng trăng
Chiều nghi ngút dài trôi về nẻo quạnh
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng
 
Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng trăng đầy màu áo ngọc lưu ly.
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.
 
Thi hào Nguyễn Du, trong tác phẩm bất hủ, “Đoạn Trường Tân Thanh” đã nhân cách hóa trăng, giao cho trăng một nhiệm vụ đi theo dõi nàng Kiều. Khi Kiều nặng lời thề thốt cùng Kim Trọng, vầng trăng sáng tỏ làm chứng cho đôi người trẻ:
 
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
 
Buổi tối Kiều vừa đi lễ Đạp Thanh về, vừa thổn thức vì bóng hình Kim Trọng, vừa tương tủi cho thân phận ngôi mộ Đạm Tiên, lòng Kiều đang ngổn ngang trăm mối, thì cũng bóng trăng đến, đến tò mò qua song cửa, đây không phải là bóng trăng kiểu “Thị tại môn tiền náo, Nguyệt lai môn hạ nhàn”, mà là một óng trăng tọc mạch và hiếu kỳ, muốn chọc ghẹo tâm tư rối bời của Thúy Kiều:
 
Gương nga chênh chếch dòm song,
Vàng gieo ngấm nước cây lồng bóng sân…
 
Rồi khi đêm đã khuya, Kiều đánh bạo lẻn sang nhà Kim Trọng, vầng trăng đồng lõa:
 
Tiêng sen sẽ động giấc hòe,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.
 
Qua bao nhiêu trôi nổi lặn lội, Kiều về sống với Thúc Sinh như vợ chồng, khi người chồng ra đi, nàng ở lại, nàng nhớ thương và tưởng chừng:
 
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường.
 
Ở điểm này Nguyễn Du và Hàn Mạc Tử gặp nhau:
 
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi.
(Một nửa trăng) – HMT
 
Đó là những vầng trăng rung động của thi nhân. Và vầng trăng còn là một cái gì thật gần gũi với đời sống trẻ thơ Việt Nam, trong “trăng rằm quê ngoại”, Kiên Giang đã hứa hẹn qua lời mẹ ru con:
 
Con ơi con ngủ cho say
Đợi phiên đò chót mẹ đi chợ Đồng.
Mẹ tìm hoa tím, hoa hồng
Tối nay mẹ phất đèn lồng trung thu.
 
Trẻ em Việt Nam mà nghe phất đèn lồng trung thu thì đứa nào đứa nấy mừng lắm, mừng đến nỗi bỏ cả ăn cơm. Tại vì đấy là rằm tháng tám là tết nhi đồng. Tết nhi đồng trẻ con sẽ có lồng đèn đủ thứ con, đèn con cá, đèn con thỏ, đèn con gà, đèn ông sao, đèn bươm bướm… Chúng sẽ có bánh trung thu, bánh dẻo, bánh nướng ăn ngon miệng, chúng sẽ tung tăng nối đuôi nhau rước đèn và cùng nhau hát vang:
 
Tít trên cao dáng tròn xinh xinh
Soi xuống trần ánh sáng dịu dàng
Rằm tháng tám bóng trăng trong sáng
Em múa ca vui đón chị Hằng
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh !
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh !
Em rước đèn này đến cung trăng.
 
Ở Việt Nam, gần trung thu, làm cha mẹ ai cũng lo chuẩn bị mua đèn mua bánh cho con, ai không có cho con thì tự coi như thiếu bổn phận. Nhà văn Tả Châu Vũ Trọng Phụng, đến lúc lìa đời, ông cứ ấm ức mãi: “Con tôi nó chỉ ao ước có mỗi một cái lồng đèn con cá mà tôi cũng không mua nổi cho nó.” Nhà văn Việt Nam đa số khi nào cũng nghèo.
    Tôi chạnh lòng nghĩ về ông Vũ Trọng Phụng. Làm cha mẹ, ai cũng thông cảm nỗi buồn không có tiền mua đèn trung thu cho con. Ông không gặp thời, ông sinh ra quá sớm và thời vận mạng của ông đã qua đi.
 

– Chúc Thanh

(Paris, 9/2023)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm ấy là ngày mùng một Tết, không khí trang trọng và linh thiêng của ngày đầu năm như rạng rỡ và đầm ấm bao quanh Quảng Hương Già Lam, chùa mang tên Quảng Hương, là tên của một vị tăng đã hy sinh vì đạo pháp năm 1963...
Thường một nghệ sĩ được gọi chỉ một danh xưng, nhưng đối với Nguyễn Đình Toàn thì phải gọi là nhà văn nhạc sĩ mới đầy đủ; vì ông có nhiều tài năng về văn nghệ. Bao nhiêu người nhắc đến giọng đọc cùng lời văn của ông trong chương trình giới thiệu nhạc chủ đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, đã quyến rũ nhiều thính giả...
Mùa lễ cuối năm ở Mỹ là mùa sum vầy, ai rồi cũng nhớ nhà, người thân vào mùa lễ cuối năm đã về, ai cũng muốn trở về, gặp lại người xưa chốn cũ nên gọi là mùa sum vầy cũng không có gì là quá đáng, nhưng không phải ai cũng có một nơi để về trong trời đất bao la chỗ đến, nhưng về đâu là câu hỏi muôn đời của kiếp nhân sinh...
Cho đến lúc này, tôi tự hỏi có bao nhiêu con đường mình đã đi qua suốt những năm tháng có mặt trên đời? Nhiều lắm, những con đường quên lãng mất hút với thời gian. Và cũng có những con đường đã vạn lý xa, nhưng trăm năm đằm đắm nhớ nhung nếu như được sống trọn hết một kiếp người...
Một buổi chiều, cũng như mọi buổi chiều khác, tôi được nghe từ loa phóng thanh, một bài hát có tên Tình Khúc Thứ Nhất được xướng ngôn viên giới thiệu tác giả là Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn...
Hình ảnh của tôi và Thi không thể tách rời nhau và cũng không thể tách rời ra khỏi thành phố Hà Nội. Thành phố này đã ghi lại biết bao nhiêu kỷ niệm kể từ những ngày chúng tôi vừa mới thân nhau...
Chúng ta khi sống trên xứ người, đều mang theo một chút quê hương theo mình. Có thể là một con đường, một góc phố, hay một xóm nhỏ yêu thương đã gắn bó một quãng đời dài. Tôi cũng có một quê hương trong trái tim mà mỗi khi nhớ đến vẫn làm tôi thổn thức, rạo rực khôn nguôi...
Mưa Saigon chỉ đủ cho Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến, Mai Thảo xót xa, tiếc nhớ thêm về những dấu yêu xưa, những kỷ niệm cũ thời sống với Hà Nội…
Sài Gòn Nhỏ được mệnh danh là thủ đô của người Việt hải ngoại, một thủ đô nhỏ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sài Gòn Nhỏ hình thành từ sau khi những lớp người Việt di tản đầu tiên được đưa về quận Cam (Orange County)… và từ đó dần dần thành hình vóc dáng và tầm cỡ như ngày nay. Ở đây hầu như tụ hội đầy đủ các cơ quan truyền thông Việt ngữ, các văn nghệ sĩ danh tiếng một thời của miền Nam, trong số đó có tờ Việt Báo là một tờ báo lớn nhất, lâu đời nhất của người Việt hải ngoại. Sáng lập tờ Việt Báo là nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ...
Có lúc nào anh ngộ ra rằng: Tại mình mua lấy những đa đoan?
“Tánh anh nóng nảy, nổi cộc lên thì coi hung lắm, phải đi chùa cho nó trầm tính lại”. Đã một thời, nhiều lần vợ tôi đã nhận xét và đề nghị như vậy...
Lâu lắm rồi chúng tôi – Nguyễn Hoàng Văn, Nguyễn Hưng Quốc, Lê Văn Tài và Võ Quốc Linh – mới có dịp hẹn nhau ở Sydney, tâm tình qua tô phở nóng và ly cà phê lạnh. Đang nhâm nhi cà phê, Võ Quốc Linh bảo phải chụp chung mấy tấm hình bởi, biết đâu được, đây có thể là lần cuối!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.