Hôm nay,  

Em Xẩm Tiều

07/09/202318:02:00(Xem: 1443)
Truyện

young-chinese

Cách đường lớn có mấy mươi mét mà con hẻm 69/3/17 này là cả một thế giới khác. Chùa Ông Bổn nằm ngay ngã ba giao nhau của mấy con hẻm luôn, từ đây tỏa ra và chạy quanh quẹo sâu vô trong những xóm nhỏ khác nữa. Những con hẻm ở đây cả ngày chẳng có nắng giọi, chỉ trừ lúc giữa trưa, những ngôi nhà cao tầng bao quanh ở mặt tiền che chắn hết nắng trời. Cái không khí mát dịu hơn bên ngoài nhưng cũng rất ủm thủm ẩm thấp.
    Hậu đến đây đã nhiều lần nhưng vẫn không làm sao nhớ nổi hết lối đi, cứ  mò mẩn men theo lối quen thuộc nhất là từ cầu Ba Li Kao mà vô, đi lớ ngớ là lạc đường cứ chạy vòng vèo mất thì giờ. Bạn của Hậu là Diệc Thành, một thằng bạn người Tiều chánh gốc, hai đứa chơi thân với nhau. Lần đầu Hậu biết xóm này là vì theo nó đi thăm bà cô họ của nó. Nó kêu bả là cô Phùng, người Việt mình kêu là Phượng, bà già Tiều răng rụng gần hết nên móm xọm, tóc cắt ngang vai, lúc nào cũng mặc bộ đồ xá xẩu truyền thống của người Tiều. Cô Phùng dễ thương, hiền lành nhưng phải cái tật nói liệu. Lần đầu gặp cô Phùng, bả xổ một tràng tiếng Tiều làm Hậu điếc luôn. Diệc Thành mới nói với bả:
    – Cô Phùng à, bạn con người Việt Nam, nó hổng biết tiếng Tiều đâu!
    – Ây da, vậy hả? mà sao nị làm bạn với nó được?
    – Cô Phùng, nhà nó ở gần nhà con mà, lâu rồi cô Phùng hổng tới nhà con nên quên hết.
Diệc Thành nói xong đem mấy món đồ ra đưa cho cô Phùng. Bà già nhìn thấy có vẻ thích thú, cười híp mắt:
    – Tó chè, tó chè! Ây da, ông Dậu tốt với Phùng quá!
    Cô Phùng cầm tay Diệc Thành lắc lắc rồi quay qua Hậu:
    – Xính xáng nị cành lồi hủ mé?
    Hậu hổng hiểu, nhìn Diệc Thành cầu cứu, Diệc Thành cười:
    – Cô Phùng hỏi mày ăn uống gì chưa đấy!
    Diệc Thành lại nhắc cô Phùng:
    – Cô Phùng à, bạn con hổng biết tiếng Tiều đâu!
    – Ây da, ngộ lại quên nữa rồi, xúi quẩy thiệt đa, ngộ già dồi nên trí óc nó hổng còn ngon lành nữa.
    Hậu vỗ vỗ bàn tay gầy guộc xương xẩu với làn da trắng thiếu nắng của cô Phùng:
    – Hổng có sao cô Phùng, con là bạn của Diệc Thành mà.
    – Ây da, dỉm tu tắc, ây da, sao cũng được mà!
    Cô Phùng hồi trẻ chắc đẹp lắm, giờ già rồi mà đường nét trên mặt vẫn còn rất rõ. Cô Phùng sống với cô con gái là cô Lìn trong căn nhà nhỏ và cũ xì, khói muội ám đen cả đồ vật, mọi thứ trong nhà cứ như đồ của hai thế kỷ trước. Căn nhà ẩm thấp tối tăm, ánh đèn neon nhợt nhạt bật cả ngày đêm, thời gian dường như đọng lại ở trong ngôi nhà này và cả những ngôi nhà khác ở trong mấy con hẻm quanh đây. Còn đang mãi ngắm nghía và suy tưởng lung tung, chợt cô Lìn từ nhà sau bước ra, cô Lìn mặc cái bộ đồ rộng rinh, mặt bôi phấn hồng hồng, miệng cười lỏn lẻn.
    – Ây da, Diệc Thành mới tới hả? vậy còn đây là ai?
    – Chế à, bạn của Diệc Thành
    – Ây da, đẹp chai quá chời luôn!
    Nói nhiêu tiếng Việt đó xong cô Lìn xổ toàn tiếng Tiều với Diệc Thành, Hậu đực mặt nghe chứ có hiểu gì đâu, chẳng qua Hậu biết chào hỏi chút chút thôi. Bất chợt cô Lìn nằm xoãi ra giữa nhà, tay chân co giật nhẹ, miệng méo xẹo, hai mắt nhắm nghiền. Hậu hoảng kinh ngỡ cô Lìn trúng gió hay mắc kinh phong. Cô Phùng và Diệc Thành thì thản nhiên như chẳng có gì xảy ra. Diệc Thành nói với Hậu:
    – Cậu lại ôm chế một cái đi!
    – Í, đâu có được, chế của mầy cũng là chế tao, sao làm vậy!
    – Không sao đâu, hổng có ý bậy bạ gì đâu. Mầy ôm một cái là làm phước đó! Chế mắc bệnh đàng dưới, thỉnh thoảng bị lên cơn nhất là những khi gặp trai đẹp. Những lúc ấy chỉ cần có đàn ông con trai ôm nhẹ một cái cho có mùi hơn đàn ông thì sẽ khỏi ngay.
    Hậu thấy thật khó xử nhưng người ta đang như vậy mà không giúp cũng không được nên miễn cưỡng bước lại ôm cô Lìn, quả thật cứ như phép màu, chỉ chốc lát là cô Lìn tỉnh lại cười nói huyên thuyên như thể chưa xảy ra chuyện gì.
    Ra khỏi nhà cô Phùng, Hậu nói với Diệc Thành ghé vô chùa Ông bỔn chơi, đi qua nhiều lần mà chưa bao giờ vô. Chùa nhỏ xíu chứ hổng lớn như miếu Nhị Phủ, trong ngoài chùa toàn tiếng Tàu. Hậu hổng đọc được, chánh điện có quá nhiều tượng. Hậu chỉ biết có mỗi tượng Quan Công và ông nhật bà nguyệt trên nóc, tiếng là chùa nhưng hổng thấy thờ Phật, chỉ thấy Ông Bổn và mấy vị thần người Tàu thôi. Chùa có năm bà già Tiều, giống hệt cô Phùng, tuổi cũng trạc vậy. Diệc Thành nói mấy bả cô đơn nên ở nhờ chùa và cũng là người chăm nom đèn đóm hoa quả, quét dọn chùa luôn. Thực Phẩm thì có mấy đại gia tộc Trần và những xì thẩu khác cung cấp.
 
***
 
Hậu lên Sài Gòn ở nhờ nhà Dì Tư để đi học, nhà Dì Tư là láng giềng thân với nhà Diệc Thành, hai đứa trạc tuổi nhau nên chơi thân luôn. Nhà Diệc Thành là đầu mối bỏ hạt keo PP, PE cho xưởng túi nylon của nhà Dì Tư, mỗi tuần Diệc Thành đến nhà Dì Tư để cộng sổ thâu tiền. Hai thằng gặp nhau, nói chuyện linh tinh hạp tánh và nó dạy cho Hậu những câu tiếng Tiều thông dụng hàng ngày. Những lúc rảnh nó ghé qua chở Hậu đi chơi. Hậu thích ngắm nghía phố phường nên nó chở Hậu đi khắp các ngỏ ngách của Chợ Lớn. Nhờ vậy mà Hậu khám phá ra một thế giới khác biệt với xã hội người Việt, một thế giới lắng đọng trầm tích ở đằng sau những con đường sầm uất ở bên ngoài. Một thế giới tĩnh lặng gần như thời gian ngừng trôi, rất khác với sự hào nhoáng của mặt tiền Đồng Khánh, Châu Văn Liêm, Lê Quang Sung, Hải Thượng Lãng Ông, Tuệ Tĩnh, Dương Công Trình...Những xóm nhỏ người Hoa vô cùng đông đúc, nhà cửa ken kín, những xóm người Hoa cứ như là những tiểu trấn bên Tàu từ thời xa xưa. Dưới quê của Hậu vốn khác với Sài Gòn, chưa bao giờ thấy những xóm toàn người Hoa như thế, đừng nói là dưới quê, ngay cả Sài Gòn trung tâm cũng khác hẳn với Chợ Lớn. Phải nói Chợ Lớn và những hẻm phía sau đường lớn là một thế giới khác biệt đã làm Hậu mê mẩn, ngoài ra những món ăn của người Tàu cũng kích thích Hậu, Hậu quất không chừa món nào từ mì xào, hủ tíu xào, bột chiên, tào phớ, chế mà phủ, lục tào xá, xá bấu, coón sại… món nào cũng ngon bá cháy luôn. Người Việt cũng biết làm mì xào nhưng không thể nào ngon bằng, cho dù có là nhà hàng sang trọng cũng không bằng dĩa mì xào lề đường ở Chợ Lớn. Ngon quá, ăn cỡ nào cũng không hết thèm nhưng ngon hơn như thế nào thì Hậu hổng biết tả.
    Một lần Diệc Thành chở Hậu về nhà nó chơi, gặp bữa cơm vậy là ăn luôn. Hậu thấy nồi cháo trắng đặc sệt to tướng trên bàn. Cháo trắng ăn với củ cải muối, xá bấu, Cải cà na, coón sại… ăn cháo trắng mà lại ăn bằng đũa. Hậu thấy lạ quá, Diệc Thần nói:
    – Người Tiều giàu hay nghèo cũng đều ăn cháo trắng, ăn hằng ngày, có người ăn cả ba buổi trong ngày.
    Vậy ra cháo trắng là món đặc sản quốc hồn quốc túy của người Tiều, dù ở đâu, dù đi đâu thì người Tiều cũng luôn ăn cháo trắng. Những xì thẩu của chợ lớn ăn không thiếu món ngon vật lạ gì trên đời nhưng trong bữa ăn vẫn có chén cháo trắng. Nhà Diệc Thần là một xì thẩu ở Chợ Lớn, cả nhà nói tiếng Tiều với nhau, chỉ nói tiếng Việt khi giao tiếp với người Việt. Ngoài A Dánh là ba và A Má là mẹ, Diệc Thần có cô em gái kề rất đẹp, đẹp như sách vở viết vậy, con nhỏ trắng phỉu, má hồng hồng, hổng biết ra đường ăn mặc sao chứ ở nhà cứ mặc mấy bộ đồ sặc sỡ bông hoa như mấy cô xẩm Tiều trong phim bộ Hồng Kông. Lần đầu gặp ẻm, Hậu thích ghê luôn vậy đó:
    – Nỉ hạo, nị đẹp quá, tui tên Hậu.
    – Nỉ hạo, anh là cháu dì Tư hãng túi nylon Hồng Ký phải không?
    Hậu hơi bất ngờ vì sự dạn dĩ và mau miệng của ẻm. Hậu cứ ngỡ ẻm bẻn lẽn, mắc cỡ như những cô gái ngoan ở nhà. Hậu trổ tài miệng lưỡi:
    – Diệc Thần là bạn anh, vậy mà nó xạo, nó nói em đẹp
    Đến lượt ẻm hơi bị thốn, vẻ mặt hơi chững lại nhưng vẫn tự tin:
    – Bộ em xấu hả?
    – Không phải vậy, phải nói là rất đẹp, đẹp bá cháy luôn, chỉ nói đẹp là xạo, là dìm hàng con người ta.
    Ẻm được khen nên thích chí cười nắc nẻ, vẻ mặt tươi như hoa và hồng hào như đánh phấn:
    – Con trai Diệt Nam dẻo miệng dễ sợ.
    Hậu và ẻm đang nói chuyện ngon lành thì Diệc Thần xía vô:
    – Hậu, mầy bán đứng tao để tán  Kíu Cúa em gái tao?
    – Hổng phải, tao chỉ đính chính thôi, mầy nói Kíu Cúa đẹp nhưng thật ra phải nói là rất đẹp mới đúng.
    Bấy giờ đang giấc xế, mọi người bắc ghế ngồi ngoài hiên chơi, trời nắng chang chang nhưng chẳng nhằm nhò gì. Có lẽ mọi người cũng quen với cái nắng Sài Gòn kể từ sanh ra rồi.  Hậu rủ:
    – Tụi mình xuống Nguyễn Tri Phương ăn bò bía nha?
    Gì chứ nói chuyện ăn hàng thì xưa nay chưa có ai từ chối bao giờ, Diệc Thần chở Kíu Cúa bằng chiếc Attila mới cáu, Hậu chạy song song bằng chiếc Future. Người ta nói con gái ăn ít giữ eo hoặc nói chữ “nữ thực như miêu”, điều này hình như hổng đúng với Kíu Cúa. Em quất thiệt tình luôn, những ngón tay thon dài túm cuốn bò bía quẹt tương rất điệu nghệ và tém sạch sẽ, nhìn Kíu Cúa ăn không thôi cũng đủ sướng như thể mình ăn. Bò bía, cóc, me, xoài ngâm...Kíu Cúa hổng chừa món nào, ấy vậy mà dáng em vẫn đẹp đúng nghĩa mình hạc xương mai, có lẽ tạng người của em nó thế. Hậu thích Kíu Cúa ra mặt, Kíu Cúa cũng biết nhưng cứ cười nói tỉnh bơ.
    Có lần dì Tư nói với Hậu:
    – Người Tiều họ hổng có lấy người Việt đâu!
    Có lẽ dì Tư thấy Hậu chơi với Diệc Thần, thích Kíu Cúa nên dì Tư nghĩ Hậu muốn tán Kíu Cúa. Hậu cũng biết sự khác biệt văn hóa và tập quán của hai dân tộc rất lớn, ấy là chưa nói đến những quan niệm, những luật lệ bất thành văn khác. Thật ra thì Hậu có thích Kíu Cúa nhưng không có ý định tán tỉnh gì, chỉ là đi chơi chung thế thôi. Hậu biết người Tiều quanh đây rất nhiều, họ ở Chợ Lớn đã nhiều đời. Họ chỉ lấy nhau trong cộng đồng của họ chứ chẳng lấy vợ hay lấy chồng người Việt, chí ít là trong sự thấy biết ít ỏi của mình. Hậu chưa thấy có mối tình trai Việt gái Tiều hay trai Tiều gái Việt ở đây. Không ít lần Hậu ghẹo Diệc Thần:
    – Nị gả Kíu Cúa cho ngộ đi, ngộ sẽ kêu nị là a ca.
    – Nị cứ kêu ngộ là  a ca  trước  cũng được! Sau này Kíu Cúa chịu thì ngộ gả cho.
    – Đâu có được! Phải có danh chánh trước thì ngôn mới thuận!
    – Nị tập kêu ngộ bằng a ca trước cho quen, mai kia có lấy  được Kíu Cúa thì kêu ngộ bằng a ca khỏi mắc cỡ.
    Kíu Cúa ngồi nghe hai đứa khịa, cười khanh khách, tiếng cười giòn và trong trẻo như con trẻ:
    – Bộ tui là cục đất hay sao mà ông thì đòi lấy, ông thì muốn gả?
    Hậu nhìn mặt Kíu Cúa cười:
    – Tại Kíu Cúa đẹp quá, hổng phải mình Hậu muốn lấy mà bất cứ người đàn ông nào trên đời cũng mơ được lấy.
    Diệc Thần xía vô:
    – Vậy từ giờ kêu ngộ bằng ca ca hén?
    – Còn lâu, chừng nào Kíu Cúa chịu là ngộ kêu liền.
    Kíu Cúa dẩu đôi môi đỏ mọng:
    – Chuyện của hai ông hén, mắc mớ gì tới tui! Với tui hổng có gả hay lấy gì hết trơn á!
    Ly sâm bổ lượng cạn hết nước, Kíu Cúa dùng ống hút khều khều mấy hạt câu kỷ tử đỏ như màu môi, nhấm nhấm mấy hạt còn sót. Hậu thầm nghĩ trong bụng: “Giá mà cắn chung hạt câu kỷ tử với đôi môi ấy thì sướng phải biết”. Kíu Cúa là con gái nhạy cảm, ẻm như đọc được tâm tư của Hậu nên nghi ngờ:
    – Nị cười gì Kíu Cúa vậy?
    – Hổng có chi, chỉ là cảm thấy vui và thoải mái lắm!
    –Vậy thì lúc nào muốn vui thì qua bao nị đi ăn hén!
    – Chuyện nhỏ!
    Diệc Thần ngồi im lặng, cắm cúi vào cái điện thoại di động cá nhân. Hậu lên tiếng:
    – Tối thứ bảy này tụi mình đi bar chơi?
    Không ngước mắt lên, Diệc Thần hỏi:
    – Bar nào?
    – Lan Quế Phường chơi hoài, nay qua Apocalypse Now đổi không khí!
    – Ừ! Dỉm tú tắc, sao cũng được!
    Đêm vũ trường thật máu lửa, đèn chớp chớp quét loang loáng, âm thanh dập làm cho tim tưng tưng theo. Mọi người lắc lư nhún nhảy theo nhạc như thể đang lên đồng, chẳng ai biết đến người xung quanh. Kíu Cúa mặc quần ôm áo chẽn hở eo, dáng vô cùng bốc lửa, eo thon, chân dài, tướng tá khiến ai cũng phải trầm trồ. Diệc Thần diện như công tử trong phim, nó đặt trước một cái bàn đứng gần trung tâm. Anh bồi mang ra chai Chivas  khui ra rót mấy ly shoot. Anh ta nói vài lời miệng lưỡi sau khi nhận tiền bo rồi lui đi. Quất vài ly bắt đầu tưng tưng, Hậu và anh em Diệc Thành hòa vào những người đang nhảy nhót, càng lúc càng hưng phấn lạ thường. Đêm vũ trường tràn đầy sức dụ hoặc quyến rũ, đã chơi rồi mà bỏ thì cứ thèm thèm thiếu thiếu thế nào ấy. Đêm vũ trường xả hết năng lượng thừa, xả luôn cả những căng thẳng mệt mỏi trong đời sống hàng ngày. Đêm vũ trường cho mình thể hiện mình một cách đúng với bản chất mình nhất.
    Những bàn xung quanh dân chơi hút shisha, hookah nhả khói mờ mịt, mùi bồ đà hăng hắc khắp nơi, quan sát một tí sẽ thấy những tay chơi cắn Ime, phê thuốc lắc. Mấy em cave lượn lờ săn mồi. Kíu Cúa nhìn Hậu cười đá mắt về mấy cô cave, vít đầu Hậu, hét vào tai:
    – Nị chọn một em đi!
    Hậu cười to, trong lòng hưng phấn muốn hôn Kíu Cúa một cái. Hậu thích Kíu Cúa thật, Diệc Thần cũng biết nhưng điều này quả thật tế nhị khó nói ra. Thực tế thì Kíu Cúa vẫn là em gái Diệc Thành, bởi vậy Hậu phải giữ đúng phép một người anh.
    Đêm càng khuya, dân chơi càng đông và sự dậm dật càng tăng thêm, máy lạnh chạy hết công suất, mùi khói thuốc, mùi rượu, mùi phấn son và mùi hơi người quyện vào nhau tạo thành một  cái mùi rất đặc trưng của vũ trường. Có mấy tay chơi phê thuốc cứ kê tai vào mấy cái loa để mặc cho âm thanh dập vào màng nhĩ.  Vũ trường Apocalypse Now là vũ trường chơi rất sung nhưng lịch lãm và an toàn, ở đây khách Việt nhiều hơn. Lan Quế Phường thì khách Tàu, Đài Loan, Đại Hàn nhiều hơn, mức độ chịu chơi, mức độ máu lửa thì cả hai cũng ngang ngửa nhau. Trước khi quen và chơi với anh em Diệc Thần, Hậu chỉ chơi ở Apolocalyse now, sau này mới qua Lan Quế Phường. Hậu với Diệc Thành nghéo tay không bao giờ thử bồ đà hay thuốc lắc!
    Cả ba quẩy đến hai giờ sáng thấy cũng đã đời lắm rồi nên chẩu, về đến nhà  Hậu không thay đồ cứ vậy lăn ra ngủ, trong giấc ngủ lạc vào cơn mơ lạ, thấy mình đang sống giữa một cổ trấn xa xưa nào đó. Hậu đi vào một phạn điếm và ở đấy gặp một em xẩm đẹp não nùng, đẹp thiên kiều bá mị không bút mực nào tả được. Nhìn em xẩm quen lắm nhưng không tài nào nhớ ra là đã gặp ở đâu, em xẩm hút hồn gã lai khách đường xa, làm cho gã ngẩn ngơ như lạc cung trời mộng. Gã khách lạ mê mẩn em xẩm nhưng biết mình không có cửa nào. Cả phạn điếm đầy những tài chủ và công tử địa phương, bọn họ sẵn sàng bỏ ra ngàn vàng để mong được em xẩm, ấy vậy mà rốt cuộc em lại chọn lấy gã du khách viễn phương. Em xẩm ôm hồ cầm khảy khúc “Du tử trong phạn điếm một đêm mưa”. Tiếng là để mua vui cho tửu khách trong phạn điếm nhưng thực chất tỏ tình hoài với chàng lữ khách phương xa.
    Bớ chàng trai Việt
    Khách đường xa đến đây trêu hoa ghẹo nguyệt
    Tình đầu mày cuối mắt
    Biết chàng nho nhã thi thơ
    Ngặt đời không như mơ
    Thiếp phận xẩm ca xang mua vui cho khách điếm
    Bớ chàng khách Việt!
    Em gái Tiều khó có thể theo người
    Luật bất thành văn mà bao đời vẫn thế
    Em, xẩm Tiều
    Giữ trong tâm chút thương yêu
    Nào đâu dám mộng uyên ương hồ điệp
    Không tấu khúc “Phượng cầu hoàng”
    Tình khôn ngăn cản...

 

– Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, 0723

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Bảo Thương. Lấy bối cảnh là những năm sau cuộc chiến, vết thương đau đớn của dân tộc lúc ấy nhức nhối, và sau nửa thế kỷ nó vẫn chưa lành... Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Hà Nội của tôi đẹp lắm, đẹp hơn hẳn lên vì Hà Nội có Thi. Thi và Hà Nội như quyện vào nhau. Tôi có Thi để tôi đưa nàng đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh và kể cho nàng nghe về những cái hay cái đẹp của văn hóa thủ đô văn vật này cùng với những thăng trầm trong chiều dài lịch sử nghìn năm của Thăng Long-Hà Nội...
Cũng giống như nhiều thành phố khác của Canada và của các xứ lạnh trên thế giới, Edmonton của tôi đón mùa thu vàng xao xuyến lòng người mỗi độ “gió heo may lại về”...
Bất chợt một đêm, vô tình mở một kênh YouTube, lắng nghe tiếng trống múa lân rộn ràng vang lên cùng giọng hát hồn nhiên trong trẻo, gợi nhớ một thời xa lơ, xa lắc: “Tết trung thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường/ Lòng vui sướng với đèn trong tay/ Em múa ca trong ánh trăng rằm/ Đèn ông sao với đèn cá chép/ Đèn thiên nga với đèn bướm bướm/ Em rước đèn này đến cung trăng...”
Cái vòng tròn vô hình lại quay trọn môt vòng, mùa thu lại về với đất trời Bắc Mỹ. Dùng ngôn từ để ca ngợi vẻ đẹp của mùa thu thì có khác gì lấy thước thợ may đo trời đất. Dùng âm nhạc để tụng ca thì cũng chỉ là khích thích tâm tưởng cứ như dùng thuốc thế thôi...
Ông ta hất mẹ té xuống đất, phóng người ra khỏi nhà bằng ngả sau, nhìn trước nhìn sau rồi biến mất. Mẹ không sao thốt nổi nửa lời, hàng nước mắt long lanh, quẹt nhanh. Vội vàng run rẩy quơ hết đống bạc trên bàn cho vào một cái túi nhỏ giấu dưới đáy tủ, sợ lỡ có ai nhìn thấy thì lại mắc họa vào thân. Tôi ghì cái mền vào lòng, cắn chặt đôi môi cho khỏi bật khóc thành tiếng, hi hí mắt giả ngủ, nằm yên, thầm khẩn cầu Trời Phật cho ông ta biến mất khỏi cuộc đời khốn khổ của mẹ con tôi...
Chị xinh đẹp, vẻ đẹp quyến rũ của con gái xứ Bình Thuận. Dáng người dong dỏng cao. Đôi mắt to, đen láy với nước da trắng hồng, mịn màng. Chiếc mũi dọc dừa cân đối với đôi bờ môi gợi cảm. Khuôn ngực đầy đặn, vòng eo thon vòng 3 nở nang cân đối rất nữ tính...
Tôi không biết hát nhưng thích nghe nhạc và thuộc cả một “kho tàng” nhạc đủ loại của nhiều tác giả như Phạm Duy, Văn Phụng, Hoàng Trọng, Trịnh Công Sơn…( còn nhiều nữa, không thể kể hết) và đặc biệt tôi cũng mê dòng nhạc Bolero...
Mười chín tuổi, tôi trở thành một dân quân du kích. Tôi được phát một khẩu súng và một băng đạn. Tôi cũng được tập bắn súng, nhưng mỗi lần tập chỉ được bắn ba phát vì không có nhiều đạn. Khẩu súng là vật bất ly thân, mặc dù công việc của tôi mỗi ngày là trồng ngô sắn, và đi mua lương thực như thịt cá về cho nhà bếp...
Người đàn bà tóc búi cao, cổ thon dài tuy trang điểm nhẹ vẫn để lộ nét đẹp mặn mà một thời son trẻ. Sau vài cử chỉ khách sáo ban đầu, tôi dần nhận ra ánh mắt và nụ cười quen thuộc dù đã bốn mươi năm. Thời gian lướt nhanh thoáng chợt, đã bốn mươi năm, làm sao không thay đổi mặt người!
Tiếng súng nửa đêm vang dội cả một vùng phía đông của Kiev, toàn thể chúng tôi đang gật gù sắp ngủ trên nền xi-măng cứng lạnh, thì tỉnh ngay dậy, trên tay ai cũng sẵn khẩu súng dài được cấp để chống lại bọn “xâm lăng phát-xít”; nếu không gọi họ là kẻ xâm lăng thì tôi suy nghĩ mãi không còn một danh từ nào nhân đạo hơn để đặt cho họ nữa; nhà chúng tôi đang sống, đất nước chúng tôi đang hòa bình, bỗng có một bạo chúa cường quyền hùng mạnh hơn ở sát cạnh dùng vũ lực lấn chiếm tàn phá nơi chúng tôi đang ở thì chỉ có bọn xâm lăng phát-xít mới làm việc này?!
Năm nay 2023, thời tiết nóng quá nóng ở khắp nơi, kể cả ở Châu Âu, nhất là đang mùa hè, khi nóng hung có tới 39° và 40° kéo dài cả hàng tuần lễ không mưa, làm ai ai cũng khó thở. Nhưng mà nghĩ tới nghĩ lui, ít ai dám than thở, nhìn ra xa coi, Canada cháy rừng, Hy Lạp vừa cháy xong là lụt lội. Maroc động đất, Lybia bão lụt, vỡ đập, sa mạc không có chỗ thoát nước, chết gần hai, ba ngàn người, chưa kể Ukraine, chiến tranh vẫn triền miên kéo dài!
CTA BACK TO SCHOOL BANNER
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.