Theo Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia:
Phong trào Đông Du là một phong trào cách mạng ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Phong trào có mục đích kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ cho việc giành lại độc lập cho nước nhà…
Ngày 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ (1905), Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ (một thành viên cũ của phong trào Cần vương, làm người dẫn đường) xuống tàu thủy tại Hải Phòng, theo đường biển bí mật sang Quảng Đông, Hồng Kông, Thượng Hải rồi đi tới Hoành Tân (Yokohama) thuộc Nhật Bản…”
“Để làm tan rã phong trào Đông Du, Pháp còn ký với Nhật hiệp ước vào tháng 9 năm 1908. Theo đó, Pháp cho Nhật vào Việt Nam mua bán; đổi lại, Nhật sẽ không cho các nhà cách mạng và lưu học sinh Việt Nam ở Nhật nữa.
Như vậy (là) kể như xong!
Tới cuối thế kỷ, cũng từ Hải Phòng, Việt Nam lại phát động một phong trào Đông Du khác, ngó bộ rầm rộ và khí thế hơn nhiều. Đợt này thì Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia (Hà Nội) chưa kịp cập nhật, tôi cũng chỉ biết được (phần nào) là nhờ nghe qua nhà văn Bùi Ngọc Tấn.
Ông kể lại mẩu chuyện nhỏ của một vị bác sĩ, một ông công nhân và một chàng thủy thủ – cả ba đều là nhân viên thuộc công ty Liên Hợp Hải Sản Biển Đông – và chuyến Đông Du ngắn ngủi của họ (vào năm 1990) khi Nhà Nước Việt Nam vừa quyết định mở cửa ra với thế giới bên ngoài:
“Ngày thứ ba ở Nhật là chủ nhật rồi. Các cửa hàng Ô sa ka vẫn đóng cửa. Không mua được gì. Leo lên boong đứng vơ vẩn, gặp Đay to sù như một con gấu nhô từ cầu thang lên cùng với một thuỷ thủ.
“Sáng nay trực à, bác sĩ ?”
“Không. Các ông đi đâu đấy?”
“Lên phố xem có cái gì không ? Nằm mốc ở tầu làm gì.”
“Chờ tí. Tôi đi với.”
Bá chạy vội về buồng khoác cái túi giả da toòng teng một bên vai chạy ra... Ba người đi. Đi xem phố xá, xem người Nhật sống như thế nào. Và cũng cầu may, biết đâu mua được thứ gì đó. Gọi là lang thang nhưng đâu phải vô mục đích. Và vẫn cứ dán mắt vào các nhà hai bên phố.
Người ta cũng mở cửa đấy nhưng không bán hàng. Và nhà nào cũng có một túi ni lông đen để ở lòng đường sát với vỉa hè. Túi đựng rác. Bá tò mò nhìn trước nhìn sau không có ai ngoài hai người bạn, cúi xuống mở một túi ra xem: Ba chiếc cốc pha lê cực đẹp. Có chân, hoa văn vàng óng, và những mảnh vỡ của chiếc cốc thứ tư. Rác là như vậy đấy. Anh nhặt ba chiếc cốc đút vào chiếc túi tuỳ thân, mặc cho hai người bạn đồng hành chế giễu:
“Thưa bác sĩ, sao bác sĩ mất vệ sinh thế. Nhặt ở túi rác đem về uống.”
Bá cười:
“Đẹp thế mà chỉ vỡ một chiếc họ đã vất đi thì phí quá. Đem về bày tủ li.”
Đúng là vậy. Anh không tham. Chỉ thấy không thể để ba chiếc ly pha lê nằm trong đống rác. Một sự lãng phí chẳng thể nào tha thứ.
Bỗng nhiên hiện ra trước mắt ba người một bãi rác khổng lồ. Tủ đứng, tủ nằm. Xa lông. Máy giặt. Nồi cơm điện cũ. Rồi ghế xoay. Bá ngồi ngay lên chiếc ghế xoay. Xoay một vòng. Bốn bánh xe dưới chân đưa anh đi một quãng. Chà chà. Thật mê ly. Có cái ghế xoay này đặt trong nhà ngồi thư giãn, xem sách, đọc báo hay nghe nhạc thật tuyệt vời. Bảo đảm cả thành phố không ai có.
Đang thả tâm hồn bay bổng, nhìn theo Đay và Niệm đi sâu hơn nữa vào bãi rác, bỗng nghe tiếng reo, anh giật mình đứng lên bước nhanh về phía họ: Một đống quạt bàn hiện ra trước mắt.
Cái nào cũng còn nguyên bảo hiểm, cánh, cả giây và phích điện dù có chiếc bảo hiểm đã rỉ và bầu thì đã tróc sơn. Chỉ nhìn nét mặt họ, anh cũng biết anh không có phần ở đống quạt cũ này. Vì lúc họ tìm ra, anh không có mặt, anh còn đang đu đưa với chiếc ghế xoay. Cái ghế xoay chết tiệt! Đay cùng anh thuỷ thủ nhặt quạt bàn xếp thành một hàng rồi tìm ra một chiếc gậy gỗ xâu gần chục chiếc quạt lại.
Thật sung sướng khi nghe Niệm nói: “Phần ông Bá một chiếc, thôi, cứ xâu cả vào đây, khiêng về tầu, ông ấy lấy sau.”
Thật là một tấm lòng vàng…
Khiêng vác trên vỉa hè, gặp người Nhật và cả những người mắt xanh mũi lõ sải bộ trên hè, không ai bảo ai cả ba đều cúi gầm mặt. Niệm kêu to, trấn an bạn và cũng là để trấn an chính mình:
– Làm đéo gì mà xấu hổ. Họ biết mình là ai.
Rồi trừng mắt hỏi Bá:
– Ông là người nước nào. Tôi là người Ma lai xi a. Quốc tịch Ma lai xi a chính hiệu.
Đay cười nhạt:
– Thôi. Cứ nói Căm pu chia cho xong. Dân Mã lai nó đếch thèm những thứ này đâu. Sang đây mới thấy mình là cuối hạng người. Có phải không bác sĩ ?
Bá gật đầu:
– Đúng là cuối hạng người…
Ấy thế mà khi về đến Việt Nam chúng mình lại là nhất. Chúng mình là đầu hạng người. Ai nhìn chúng mình cũng nể. Ai cũng thèm được như chúng mình. Chúng mình chon von chót vót…
Khi anh có quyết định xuống tầu vận tải nước ngoài, dù vẫn còn ở trên bờ, dù anh vẫn y xì là anh, chẳng có tí gì thay đổi, anh đã thấy mọi người nhìn anh bằng con mắt khác rồi, anh đã là một con người khác, chính anh cũng cảm thấy mình đã là một con người khác (và vợ anh càng khác nữa).
Ngay chuyến này thôi, với những ngày vắng mặt ở Việt Nam để đi sang nước Nhật này, trở về với mấy món hàng cũ trong tay, anh thực sự ở một mặt bằng khác, một nấc thang giá trị khác, một tầng lớp khác, một tầm cao khác. Đúng. Chỉ cần vắng mặt ở Việt Nam ít ngày thôi rồi trở về, anh đã là một con người khác” (Bùi Ngọc Tấn. Biển Và Chim Bói Cá. Hội Nhà Văn. Hà Nội: 2008, 458 – 461).
Cuộc Đông Du thứ hai, xem ra, quá khoẻ khi so với chuyến đi hồi đầu thế kỷ. Lần này, chả ai phải đi chui nữa. Dân Việt đường đường chính chính dong thuyền qua đến xứ người. Họ đi từ một đất nước Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc, và được trang bị bởi Chủ Nghĩa Bách Chiến Bách Thắng Vô Địch Muôn Năm nên chả còn phải cần cầu viện ai hay cầu học (thêm) điều gì nữa ráo.
Chỉ cần đi ra nước ngoài vài hôm, rồi “trở về với mấy món hàng cũ trong tay” là nghiễm nhiên đã “thực sự ở một mặt bằng khác, một nấc thang giá trị khác, một tầng lớp khác, một tầm cao khác.”
Đúng là một phép lạ!
Phép lạ này cũng đã được ông (cựu) chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Đại Hội Việt Kiều, vào hôm 22 tháng 11 năm 2009 (“Chưa bao giờ mình lại cất cao tiếng nói như thế … và vị thế của mình bây giờ cũng ngang hàng với người ta, nói năng cũng đúng mức, đàng hoàng.”) và đã được ông TBT kiêm CTN Nguyễn Phú Trọng ân cần nhắc lại vào hôm 26/01/2017: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”
Trước đó, ý tưởng lạc quan tương tự cũng đã được tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa diễn đạt cách khác (bóng bẩy và thâm thúy hơn) là “bay cùng đàn sếu,” khi ông đề cập đến chuyến công du của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại Nhật Bản, hồi năm 2006, với rất nhiều hy vọng và tin tưởng: “… về một nước Việt Nam sải cánh bay cùng các quốc gia đồng văn.”
Sự hy vọng, và tin tưởng này (e) khó có thể trở thành tựu dưới chế độ hiện hành. Làm sao chúng ta có thể “bay cùng đàn sếu” khi người dân Việt vẫn còn cúi mặt xuống những bãi rác và quí vị lãnh đạo thì túi đã nặng chặt Mỹ Kim mà mắt vẫn cứ láo liên hăm hở cố… kiếm thêm chút nữa!
– Tưởng Năng Tiến
Gửi ý kiến của bạn