Truyện
Thật ra, cho đến ngày "tan hàng" khăn gói đi tù, Nhạc chưa có một căn nhà cho vợ con chui ra, chui vào. Là một sĩ quan ở đơn vị tác chiến, anh chẳng có phương tiện gì để làm ra tiền, ngoài một đám lính chỉ biết bóp cò, gài mìn và hô xung phong, khi đụng trận. Với số lương trung úy, cộng thêm một vợ, ba con, được khoảng bốn chục ngàn đồng một tháng, mà tiền để xây hay mua một căn nhà nho nhỏ cũng gần hơn triệu bạc, nên Nhạc cứ khất đi, khất lại hoài, với Hậu:
(Cho 3 con, NaNa, Tiểu Muội, Ô Mai để nhớ những ngày cùng khổ).
Thật ra, cho đến ngày "tan hàng" khăn gói đi tù, Nhạc chưa có một căn nhà cho vợ con chui ra, chui vào. Là một sĩ quan ở đơn vị tác chiến, anh chẳng có phương tiện gì để làm ra tiền, ngoài một đám lính chỉ biết bóp cò, gài mìn và hô xung phong, khi đụng trận. Với số lương trung úy, cộng thêm một vợ, ba con, được khoảng bốn chục ngàn đồng một tháng, mà tiền để xây hay mua một căn nhà nho nhỏ cũng gần hơn triệu bạc, nên Nhạc cứ khất đi, khất lại hoài, với Hậu:
– Mình tạm ở nhà thuê một thời gian đi em, khi nào anh về làm tiểu đoàn trưởng, anh sẽ lo cho em và con hết mình.
Hậu chỉ biết cười buồn. Nàng không nói gì, vì biết chồng mình đi tác chiến cũng khổ quá, mà lại nguy hiểm vô cùng. Mong giữ cho mạng sống được an toàn đã là điều may mắn lắm rồi, còn đòi hỏi gì đến chuyện nhà cửa. Nhưng Hậu cũng quá khổ với chuyện thuê nhà. Ở chung đụng với chủ nhà cũng bực bội vô cùng.
Đám con ba đứa của vợ chồng Nhạc, đứa thì mới biết đi, đứa thì còn ẳm trên tay. Đó là cái lỗi tại Nhạc. Mỗi khi đi hành quân về là Nhạc ào vô nàng như con hổ đói. Nàng cũng vậy, hai ba tháng xa chồng nàng cũng nhớ thương chồng lắm, nên hai người không giữ gìn, phòng ngừa gì cả, cứ nhắm mắt nhắm mũi, chúi mũi chúi lái mà hưởng thụ. Đến khi Hậu nghe khó ở trong người, thèm chua, nàng mới biết mình đã dính bầu. Nhạc đang đi hành quân nghe tin vợ mang thai thì mừng húm lên, lần này phải có một thằng con trai để làm giống. Cứ như thế, ba đứa con trong bốn năm chen nhau ra liên tục. Chuyện mơ ước có căn nhà riêng không được thực hiện. Nhạc chưa lên làm được tiểu đoàn trưởng, dù anh đã thăng cấp đại úy được mấy tháng, là đến ngày "trời sụp". Nhạc vô tù, còn Hậu thì lê thê lếch thếch ở vùng kinh tế mới.
Đến những gần bảy năm sau, Nhạc mới được trở về, mới đưa vợ con từ kinh tế mới về thành phố. Có một điều lạ là người từ thành phố đưa đi kình tế mới, mà vì đói khát quá phải trở về, phải sống "bất hợp pháp" mới thiệt là kỳ.
Nhạc bị kêu lên công an phường nhiều lần. Công an khu vực, công an đường phố hù dọa đủ điều, cuối cùng là vợ chồng Nhạc bị lệnh trục xuất ra khỏi thành phố. Người công an khu vực lên lớp:
– Anh là thành phần ngụy, được nhà nước cho về đoàn tụ cùng gia đình, sao anh không tìm nơi có đất đai để sản xuất ra hoa màu, của cải vật chất để sống, mà phải sống chui rúc làm chi. Nay có lệnh của công an quận, trục xuất gia đình anh, anh đi đâu thì đi.
Vợ Nhạc sống dưới chế độ mới này đã mấy năm, từ ngày "đứt phim" đến nay, nên đã biết rõ cái tâm địa của những tay công an ưa hù doạ dân lành để kiếm bạc cắc, nên tối hôm đó, Hậu gom được đâu mấy chục ngàn, mua cho người công an khu vực túp thuốc lá Sa mít có cán, bỏ nhỏ nó mấy tiếng.
Viên công an ra vẻ như ban ơn cho Hậu:
– Gia đình chị là thành phần nguy hiểm, tôi nương tay cho chị cư trú, nhưng phải kín đáo nghe.
Hậu vâng dạ cho qua chuyện.
Nhạc suốt ngày "đi cày" trên chiếc xích lô, chạy khắp hết các ngã đường thành phố. Mới đầu thì anh sỉ diện, dù gì cũng là một sĩ quan. Anh bận quần tây, áo sơ mi hay áo thun sạch sẽ. Nhưng dần dà, vì sự làm việc quá cực nhọc, Nhạc trở thành tay phu xích lô nhà nghề thực thụ lúc nào không hay. Bận quần đùi, áo cánh, chạy xe trên đường cười nói nhăng nhít, đón khách, giành giựt, chữi thề, văng tục. Nhiều khi nhìn lại mình, anh thấy như mình không phải là mình ngày trước nữa. Còn Hậu thì mua đi bán lại quần áo cũ ở chợ trời, bỏ mấy đứa con ở nhà leo nheo lóc nhóc. Mỗi khi hai vợ chồng đi về, ai cũng hốc hác mệt nhừ người, lại nghe người chủ nhà than phiền về ba đứa con "phá như giặc" của chàng, nên Nhạc luôn ước có một cái nhà, dù cái nhà đó có thế nào đi nữa cũng là quyền tự do của gia đình anh. Nhưng với lợi tức hai vợ chồng kiếm được thì còn lâu giấc mộng "có cái nhà riêng" mới thành.
***
Phường 6, quận Tân Bình, có một khu gò mả ăn xuyên qua đường Nguyễn Văn Thoại, nay là Lý Thường Kiệt, gọi là khu mả Thánh. Khu mả toàn chôn cất những người theo đạo công giáo, vì xóm này, nguyên trước kia là là xóm công giáo di cư. Khu mả một ngày một chồng chất lên, trải rộng ra. Đến ngày "trời sụp" thì bên Ủy ban không cho dân chôn cất thân nhân ở đây nữa, lấy cớ là chính quyền cách mạng cần đất cho dân sinh sống hơn là dùng chôn người chết. Và trong dân chúng có tin đồn râm rang là các nghĩa địa sẽ được giải tỏa. Từ các nghĩa địa lớn như nghĩa địa Đô thành, Triều Châu, Quảng Đông, đã giải tỏa xong. Bây giờ đến lượt các nghĩa địa nhỏ cũng rục rịch trong diện giải tỏa. Khu mả Thánh cũng ở trong diện trên. Tin đồn sẽ xây ở đây nào nào chợ, nào nhà thương, trường học...
Nhạc sáng nào cũng ra ngồi trước quán cà phê vỉa hè gần khu nghĩa địa. Cà phê ở đây chua loét, nhưng được cái rẻ, lại ngồi tán gẫu bao lâu cũng được. Nhạc ngồi nhâm nhi ly cà phê đen cho thoải mái một chút, trước khi lên yên xe xích lô làm kiếp "dân biểu", nghĩa là dân biểu chạy đi đâu, phải chạy đi đó.
Tình cờ, có tư Thung ngồi sà bên anh tán chuyện. Tự nhiên, tư Thung gợi ý:
– Chú Nhạc biết không? Khu nghĩa địa này sắp giải tỏa, sẽ thành lập ở đây khu chợ tương lai, sẽ tấp nập vô cùng. Bên kia khu gò mả là nhà tôi. Tôi có chiếm được một lô đất nhỏ, ai có mua, chú giới thiệu tôi bán được, tôi chia tiền cò cho chú. Nhạc hỏi lại:
– Miếng đất có giấy tờ gì không, chú?
Tư Thung vểnh môi, nói chắc như đinh đóng cột:
– Giấy tờ gì, đây là đất nghĩa địa, ai chiếm được là quyền sở hữu, với lại tôi là thương binh cách mạng, tôi có quyền.
Tư Thung là tay bộ đội phục viên, không biết có công trạng gì với cách mạng không? Chỉ biết là trong chiến tranh, y đã ở trong lực lượng vũ trang "giải phóng miền nam", rồi y bị thương, bị mất một mắt. Bây giờ về vườn y được phường cắt cử trông coi khu nghĩa địa, y tưởng y là một công thần của chế độ mới, nên lúc nào y cũng vênh váo, chẳng coi ai ra gì.
Nhạc nghĩ đến hoàn cảnh của mình, một miếng đất bên gò mả cũng chả có để dựng một cái nhà, dù là cái chòi đi nữa cũng tự do hơn là ở nhà thuê. Tự nhiên sự ham muốn dâng lên làm anh hồi hộp lạ lùng. Anh hỏi lại tư Thung:
– Miếng đất đó chú "để" bao nhiêu?
– Rẻ rề, ba chỉ thôi.
Nhạc nhẩm tính vốn liếng trong gia đình mình, tất cả không có hơn một chỉ vàng. Chiếc xích lô là cái cần câu cơm thì anh thuê của người ta. Còn vốn liếng chợ trời của Hậu cũng chỉ mấy chục ngàn, mua vô bán ra mà thôi. Nhưng suy nghĩ lại, nếu mua được miếng đất ba chỉ vàng cũng còn rẻ chán. Anh nhẩm tính đến những người thân, bạn bè...Thật ra chẳng còn ai để mà nhờ đỡ. Chế độ mới chưa được mười năm đã làm con người rạt rày thấy rõ. Chỉ có giai cấp mới phất lên mà thôi. Đó là giai cấp cán bộ, công an...ngày càng giàu.
Nhạc đã cắn câu miếng đất. Hình như trong trí tưởng anh, hình ảnh người chủ nhà nói xách nói mé mỗi khi con anh đùa nghịch phá phách và cả hình ảnh Hậu nữa, nỗi buồn của người đàn bà khi phải sống chung đụng trong một căn nhà với người chủ khó tính, làm nàng gầy hẳn đi. Thương vợ, thương con quá nên Nhạc đánh liều, bảo tư Thung:
– Tôi cũng đang cần miếng đất để cất một cái nhà nho nhỏ cho có chỗ rúc ra rúc vào. Tôi đi cải tạo về nay đã mất hết, chú có thương tôi thì bớt cho chút đỉnh, tôi lấy miếng đất đó cho.
Tư Thung làm ra vẻ nhân đạo:
– Tôi biết hoàn cảnh của chú, nhưng giá như vậy là quá rẻ rồi. Bớt mấy ngàn đồng để uống cà phê thì được, chứ bớt nhiều không được đâu. Nhạc đi tới quyết định:
– Thôi chú giữ miếng đất đó cho tôi. Tôi về chạy thêm coi được bao nhiêu, đủ được thì tôi lấy, chú đừng để cho ai nghe.
Dù chưa thấy miếng đất bên gò mả thế nào, nhưng Nhạc vẫn vui mừng, khi nghĩ đến cái nhà lợp lá được dựng lên, buổi tối, cha, con, chồng, vợ sẽ quây quần quanh bàn ăn cơm. Rồi các con anh sẽ có chỗ học bài. Nghĩ đến đó, Nhạc thấy như một niềm hạnh phúc rạt rào ùa đến với anh, như anh vừa trúng số độc đắc không bằng.
Suốt một tuần sau đó, Nhạc và Hậu đã đến gõ cửa không biết bao nhiêu nhà, bà con thân, sơ, bạn bè quen, lạ, gom góp từng tí, từng li mới đủ ba chỉ vàng về chung cho tư Thung, lấy miếng đất.
Hậu mua một bộ đồ trẻ con mới, thật đẹp, bỏ vô hộp đàng hoàng, kèm theo năm gói thuốc lá Samit có cán, đem đến nhà người công an khu vực, "nhờ anh giúp đỡ để dựng cái nhà ở tạm". Người công an nhận món quà, nói xởi lởi:
– Chị yên tâm, cứ dựng đi, tôi làm lơ cho.
Đêm đó, Nhạc và Hậu thao thức mãi, thầm thì to nhỏ. Còn phải kiếm đâu ra khoảng một chỉ vàng nữa, mua lá và cây, cùng trả công thợ. Cuối cùng thì hai vợ chồng đồng ý phải chơi một chân hụi, hốt trước, trả sau. Sau khi thống nhất ý định, hai người coi như là hai kẻ sung sướng nhất trần đời, ôm nhau hôn hít, làm tình ào ạt, rồi quấn nhau ngủ ngon lành, như trên đời này không có ai hạnh phúc bằng họ.
Căn nhà được vẻ ra trong trí tưởng của hai người là một căn nhà lá đơn sơ, ngang 3 mét, dài 10 mét, xây cất bằng vật liệu nhẹ, dự định trong một chỉ vàng, tính bằng tiền chơi hụi hốt đầu tiên với giá tiền lời cao cắt cổ, nhưng Hậu cũng cố cắn răng hốt cho bằng được. Cầm món tiền hốt hụi trong tay, Hậu mới thấy an tâm, căn nhà trong trí tưởng mới hiện hình lên một chút. Hậu đưa hết số tiền cho Nhạc để Nhạc lên đến tận Tân Phú, nơi có những vựa vật liệu xây dựng bình dân. Tư Thung chỉ vẽ đường đi nước bước cho Nhạc như sau:
– Chú cứ từ từ mà làm nhà. Làm như cất tạm bợ để qua mặt chính quyền. Rồi sau đó mình sẽ làm thành hình sau. Tui đoan với chú là chắc ăn trăm phần trăm, chính quyền cách mạng là của nhân dân lao động mà. Nhạc nghĩ:
– Dù mình cư ngụ bất hợp pháp, nhưng là dân ở phường này ai cũng biết, nay mình là phu chạy xích lô, chắc phường quận cũng không làm khó dễ gì đâu.
Hậu còn muốn chắc ăn hơn, nàng đã ém miệng công an phường, mỗi người một túp thuốc Samit. Trong những năm Nhạc đi tù, Hậu ở nhà một mình, lo chạy vạy nuôi con, nàng đã gặp biết bao gương mặt công an. Tên nào nói năng cũng xoành xoạch như sách vở giáo điều, từ trung ương đưa xuống địa phương, nhưng hai tay lúc nào cũng giơ ra nhận tiền hối lộ. Nó không chừa một mánh khóe nào để thu lợi vào cho cá nhân, từ bao thuốc lá Hoa Mai hay Đà Lạt, đến bao thuốc lá thơm có cán thịnh hành là thuốc Samit nhập lậu từ đường Campuchia.
Trước ngày dựng nhà, Hậu sửa soạn sẳn một mâm cổ bàn nhỏ để cúng đất, cúng các vong hồn chôn chung quanh khu nghĩa địa, để cho gia đình nàng được về cư ngụ gần gũi. Cúng tất cả để được bình yên.
Nhìn khuôn mặt Hậu trịnh trọng xì xụp lạy đất trời, Nhạc nghe lòng mình cũng reo vui như đang xây một căn nhà mới, khang trang, đẹp đẽ, chứ không phải một túp lều bên khu nghĩa địa như thế này đâu. Cái hạnh phúc bé nhỏ nhưng vô cùng cảm động này còn hơn cái hạnh phúc của gia đình nhà mẹ Lê trong Gió Đầu Mùa của nhà văn Thạch Lam, khi được chén cơm gạo mới sốt dẽo đầu mùa. Cái hạnh phúc của hơn năm mươi năm sau, của những người mang danh giải phóng đến thế này đây, một cái chòi bên khu nghĩa địa.
Thương nhất là ba đứa con của Nhạc, từ ngày biết cha mẹ mình sắp dựng nhà, tụi nó vui lên nhiều lắm. Ở nhà chung thuê của chủ, tụi nó không được tự do nô đùa chạy nhảy, hở ra một chút là bị rầy ngay. Tuổi thơ chỉ có trước mặt một vùng đen tối.
Cây lá đã được mua xong, Nhạc thuê xe ba gát chở về, vừa đổ trên nền nhà mới đắp, thì từ đâu, xuất hiện ba người công an mặc áo vàng, mang xắc cốt. Cái xắc cốt và màu áo vàng của công an là một ám ảnh với Nhạc, nó gây sự ghê sợ bàng hoàng trong kí ức anh, trong những ngày bị cưỡng bách lao động ở trại tập trung. Màu áo vàng mà anh thường gọi là bọn "bò vàng", đi đến đâu như mang niềm bất hạnh cho mọi người đến đó.
Ba người cán bộ cách mạng thấy Nhạc đang lui cui phụ với mấy người thợ đắp lại cái nền nhà, liền hỏi ngay:
– Ai là chủ dựng nhà này? Ở đây là đất đã quy hoạch nghĩa địa của chính quyền địa phương, không được phép dựng nhà bừa bãi. Anh phải dừng công trình lại ngay.
Nhạc nghe bàng hoàng, biết mình đã gặp thứ dữ, nên đành xuống nước:
– Thưa ông! Tôi không có nhà ở, vợ con lê thê lếch thếch, buôn gánh bán bưng, có chỗ đất trống tôi xin cất cái chòi ở tạm.
Người mang xắc cốt có hàm răng vàng kín miệng, lớn tiếng:
– Chúng tôi là cán bộ bên phòng nhà đất quận, nghe báo cáo ở địa phương có xây cất nhà lậu, trái quy định của nhà nước nên xuống ngay hiện trường, bắt bị cáo phải dừng ngay công tác. Nếu đương sự tiếp tục, tôi sẽ nhờ các đồng chí công an bắt giải về công an quận, mọi khiếu nại sẽ giải quyết sau.
Nhạc nghe chuyện bắt giữ nên không giám tiếp tục xin xỏ nữa. Anh bảo mấy người thợ nghỉ làm. Người trưởng đoàn nhà đất liền ghi chép vào một biên bản đã được đánh máy sẳn và bắt anh ký vào. Trên đầu dòng luôn luôn có câu: Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc. Anh đọc thoáng qua, đó là một biên bản, trong đó có những danh từ rất dao to búa lớn như là "phòng nhà đất quận đã phá vỡ một âm mưu xây cất nhà bất hợp pháp, gây rối trật tự, trị an, làm xáo trộn an ninh và cuộc sống của nhân dân". Ơi! Những danh từ đọc qua nghe đến ớn xương sống, dễ vô lại trại tập trung như chơi.
Lần làm nhà đó là một thất bại lớn trong cuộc đời Nhạc. Nhạc đã nợ nần của bà con, anh em, bạn bè, một số quá lớn, gần 5 chỉ vàng. Món nợ đó như một trái núi đè lên cuộc đời anh. Anh trở thành một kẻ lừa lọc, giựt hụi. Không giám nhìn mặt ai, sống chui, sống nhũi, để trốn chủ nợ. Anh không có cách gì kiếm ra được 5 chỉ vàng để trả. Gia đình anh lại phải dắt díu đi kinh tế mới lần thứ hai.
Lần này là một cuộc chạy trốn.
– Trần Yên Hòa
Gửi ý kiến của bạn