Hôm nay,  

Những thi khúc về Mẹ

13/05/202321:57:00(Xem: 2622)

mother 2 


Mẹ là biểu tượng cho vẻ đẹp trường cửu. Một vẻ đẹp không thể nghĩ bàn. Chỉ có thể thẩm thấu trọn vẹn bằng cảm xúc của trái tim và hạt lệ, để biết rằng, với mẹ, ta đã được hưởng tình thương yêu, bao dung độ lượng đến ngần nào! Chỉ trong vòng tay mẹ, ta mới rung động được với nhịp giao hòa của bao la trời đất, ta mới cảm hết biên giới của ấm áp. Điều ấy, chúng ta sẽ thấy được nơi thơ của các nhà thơ Du Tử Lê, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Xuân Thiệp, Đỗ Hồng Ngọc, Pháp Hoan, Nguyễn Đức Cường, Hoàng Xuân Sơn, Vũ Hoàng Thư, Trangđai Glassey Trầnguyễn, Nguyễn thị Khánh Minh, Trịnh Y Thư. (NTKM).

 

***

 

DU TỬ LÊ (1942-2019)

 

Cõi Mẹ Về

(Trích đoạn)


em đâu biết, tôi có những giấc mơ
tỉnh ra còn ngỡ
như có chuyến xe lửa vừa mới khởi hành
về Hà Đông
nơi mẹ tôi được sinh ra, lớn lên,
rồi theo chồng đi miết.
quê ngoại với tôi tới giờ vẫn còn là niềm bí mật
như những sợi tơ giăng khắp bầu trời
tôi từng vói, mà, chưa lần nắm được.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
thấy rõ mẹ về
đắp lại tôi, tấm chăn
vuốt lại tôi, mái tóc...
đã bao năm mất hút sau lưng,
mà, mẹ tôi vẫn không thể tin rằng mái tóc xanh của con bà đã bạc
những đường kẻ dọc, ngang vầng trán tối
đôi mắt nay đã mờ
(đôi mắt trong veo nhìn theo mẹ tôi những ngày họp chợ)
đôi mắt giờ sụp lở nắng, mưa.

mẹ tôi hỏi sao tóc con lại trắng?
những sợi gân nào lấp ló dưới da nhăn?
tôi hỏi bà, lúc rày người có khỏe?
mẹ tôi cười
quết trầu đỏ,
đôi làn môi cắn chỉ
bà vẫn buồn như thuở bố đi luôn…

 

– Du Tử Lê

(Trích từ tập thơ  Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu,

Văn Học Nhân Chứng xuất bản, 1989)

 

***

 

NGUYỄN LƯƠNG VỴ (1952-2021)

 

vâng thưa mẹ con đã về bên mẹ
ngồi bên hiên nhà cũ thấm ân tình
trời xuống thấp đất lên cao nắng xế
chiều u trầm chiều êm như trang kinh

 

mẹ rất mỏng như không gian rất mỏng
con rất ngây như thời gian rất ngây
và đôi tay rất ấm trong đôi tay
và đôi mắt rất nồng trong đôi mắt

 

con nhìn mãi chiều thu xa xa lắc
nhìn rất lâu lâu lắm giữa chiều phai
chiều huyễn ảo mẹ đẹp như trăng cài
trên đỉnh núi trên đỉnh trời chói rạng

 

con nhìn mãi chiều thu xa xanh lắm
tiếng hát xanh xanh đất ấm trời êm
như lá nõn như cành non mướt đêm
mẹ ấp ngực ru con theo dòng sữa

 

vâng thưa mẹ con đã ngồi bên cửa
bên niềm vui bên nỗi nhớ đong đầy
mây trắng xóa mắt nhòa theo bóng mây
tim bỗng nhói chiều bỗng gầy heo hút

 

mẹ rất đẹp như đất trời bất tuyệt
như hồn quê như cánh bướm dâng mùa
bông cúc trắng bông cúc vàng đong đưa
nụ cười hiền mẹ vẫn ngồi thinh lặng

 

con nhìn mãi những chiều xa bay trắng
âm bay nghiêng hơi ấm mẹ trong đời
đời nghiêng ngửa đời ly tan lâu rồi
huyết âm mẹ trong con riu ríu lửa

 

con nhìn mãi giọt lệ khô chan chứa
biển rèm vang đồng vọng núi mênh mang
ôi thời gian thời gian ôi thời gian
con ôm mẹ giữa chiều ngân giọng sáo

 

vâng thưa mẹ con lần theo nếp áo
áo sờn vai hai bóng một vuông chiều
chiều rất thẳm chiều rất trầm yêu dấu
như chưa từng… thưa mẹ biết bao nhiêu.

 

– Nguyễn Lương Vỵ
(Trích từ trường ca Âm Tuyết Đỏ Thời Gian,

Văn Học Press ấn hành năm 2019)

 

***

 

NGUYỄN XUÂN THIỆP

 

Hỏi thầm giọt mưa. và nói giùm tôi

(Trích đoạn)

 

Tôi sinh ra dưới cội nghèo.

ngôi nhà ẩn trong xóm cỏ.

mẹ tôi răng đen. mắt hạt nhãn.

thời trẻ tiếng ca xanh dòng sông

mẹ lấy cha. rồi yên phận

nuôi heo. nuôi gà. nuôi con

Ơi em bé. hái búp sen mùa hạ

sen thì hồng. mà tay nhỏ xanh xao

em hái sen. chiều nay ra chợ bán

hương hạ nồng. cùng sợi khói nhà sau

mẹ già tưới cây chanh bên bờ giậu

để một mai đời ngát lộng hương chanh

mẹ còng lưng. mà trời cao vời vợi

dẫu một ngày. giọt nắng rụng xa cành

mai mốt. mẹ qua vùng thảo nguyên

mẹ. ánh trăng vàng trong truyện cổ

lặng soi bên mặt nước hồ gương

đi lang thang qua vùng bia mộ

khi cúi nhìn một cụm hoa lan

thương ôi. mắt nhung xưa. còn mở

 

– Nguyễn Xuân Thiệp

 

***

 

ĐỖ HỒNG NGỌC

 

Bông hồng cho Mẹ

 

Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông

– Đỗ Hồng Ngọc

(Bài thơ này nhạc sĩ Võ Tá Hân đã phổ nhạc, ca sĩ Thu Vàng hát).

 

***

 

PHÁP HOAN

 

Mẹ tôi kể

 

Mẹ tôi kể

khi cỏ cây thôi xao động trong vườn

khi con chim ngủ yên trong tổ ấm.

Mẹ kể về những trái bom

giội lên những mái nhà

như táo mùa thu chín rụng.

Mẹ kể về những người lính

nằm chết trên cánh đồng

mạ non mọc ra từ cổ họng.

Mẹ kể về những dòng sông

về đất nước thời tuổi thơ của mẹ

nơi những ký ức vẫn âm thầm ngủ

như trái bom ngủ quên trong vườn

mỗi đêm nằm trên giường

tôi luôn nghe thấy tiếng đập của nó

sâu trong lòng đất đá

bốn mươi bảy năm qua

trong khu vườn những giấc mơ của mẹ.

 

– Pháp Hoan

(Nguồn: vanviet.info)

 

***

 

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG

 

Mẹ là ngôi chùa nhỏ

 

Con ngồi đây lặng lẽ,

Thương nhớ hoài mùa Xuân.

Con ngồi đây quạnh quẽ,

Riêng Mẹ đã bao lần.

 

Mẹ là ngôi Chùa nhỏ,

Đón con về nương thân.

Mẹ là đôi mắt tỏ,

Tha cho con lỗi lầm.

 

Mẹ là Xuân bay qua,

Nuôi đời con khôn lớn.

Mẹ là hương sen ngát,

Về trong mộng hiền lành.

 

Như bầu trời lồng lộng,

Là mặt đất bao la,

Là mưa rào tuôn xuống,

Cho đường con thắm hoa.

 

Mẹ là nắng thênh thang,

Bình minh xưa chói rạng.

Là mây chiều lãng mạn,

Những ngày Thơ huy hoàng.

 

Mẹ là đêm thức giấc,

Đêm xanh biếc ngàn sao.

Là vô cùng đôi mắt,

Có sương mù trên cao.

 

Mẹ đi suốt mùa Hè,

Qua hối hả mùa Thu,

Và mùa Đông tất tả,

Riêng cho con mùa Xuân.

 

– Nguyễn Đức Cường

(Trích từ tập thơ Chân Dung)

 

***

 

TRANGĐÀI GLASSEY TRẦNGUYỄN

 

Mừng tuổi con

 

khi yêu một người/ là ta được chiêm ngắm dung nhan của Thượng Đế/ mẹ cũng vậy/ trong phút đầu gặp con/ con chào đời/ trời đất thở ra tơ... (Mùa Yêu Con)

 

 

mừng Con chưa đầy tuổi

phúc, lộc, thọ, khang, ninh

má hồng xinh hơn mai

môi tươi hơn đào thắm

 

Con về ươm Xuân lạ

én xếp nhạc cành xa

tình bao kiếp giao hòa

mùa đông thôi ở giá

 

mùa Xuân còn ngáy ngủ

nằm lún vào má Con

cái đồng tiền thật tròn

mỗi lần con nhóp nhép

 

lún luôn vào tim Mẹ

tròn giếng sữa cho con

sữa chảy từ trái tim

tỏa ra hai bầu ngực

 

sân trời mai vàng rực

Mẹ kín một lộc non

mùa Xuân mới cho Con

Mẹ chảy vào trời đất

 

– TrangĐài Glassey Trầnguyễn

 

***

 

HOÀNG XUÂN SƠN

 

Tháng 7 nhớ Mẹ

                                               

tháng 7 tôi ngồi trong kệ

nghe ra trời đất tụng kinh

lung linh đại thừa bóng mẹ

nhìn vô. chỉ thấy một mình

 

chỉ thấy sương chiều bạc tóc

buộc một con sông mấy đò

trôi đi ngả nào không biết

chỉ biết mình ngồi co ro

 

chợt nhớ khi còn quyến luyến

thương làm sao khúc túy ân

say say một hồn vô ngã

chìm trong xứ mẹ ân cần

 

mà tôi vẫn còn lóng ngóng

lân tuất áo mẹ phương nào

giọt nước mắt chìm trong ngấn

chìm khuất                   

                  bóng mẹ

phương                        

                                  nào…

 

– Hoàng Xuân Sơn

 

***

 

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

 

Mẹ

 

Đầy tay mẹ dậy thơ thơm ngát

Đời hồng trong những áng văn chương

Mẹ cười, nhân ái bừng xuân sắc

Bao nỗi đau kia cũng nhẹ thường

 

– Nguyễn thị Khánh Minh

 

***

 

VŨ HOÀNG THƯ

 

Ngày Lễ Mẹ

 

Rách da bật máu thân mình

Mẹ đau quằn quại cho hình con ra

Vá trời thân một Nữ Oa

Oan khiên Mẹ chịu, hải hà Mẹ kham

 

Thăm Mẹ

 

mẹ nằm ngó biển xa xăm

trầm hương xin đốt lệ đằm tình thâm

mẹ ơi lỗi hẹn bao lần

mộ phần ngả bạc theo màu tóc phai

 

– Vũ Hoàng Thư

 

***

 

TRỊNH Y THƯ

 

Về Mẹ

 

Mẹ dòng nước mắt chia hai

Mẹ trong huyền sử mẹ ngoài trùng dương

Mẹ từ khung gác miếu đường

Mẹ qua biển lớn thịt xương nát lìa

Mẹ tân khổ

Mẹ đầm đìa

Mẹ chào tay vẫy những chia ly đời

Mẹ giam tủi nhục trong người

Mẹ ôm hơi thở thốt lời từ bi

Mẹ nhìn theo lũ con đi

Mẹ soi ký ức những khi khóc thầm.

 

– Trịnh Y Thư

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Dịch thơ, nói theo Bùi Giáng, là “điều khảm kha nhất” và đó phải là thơ hay bởi, trừ những ngoại lệ đặc biệt, chẳng dịch giả nào phí thì giờ với thơ dở. [1] Sự “khảm kha”, như thế, phải thuộc về cái nghệ thuật chuyển đạt, sao cho giữ được hồn cốt làm nên cái hay của bài thơ trong một ngôn ngữ khác.
Phòng triển lãm "For Me and You" ở Gallery One trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đa ngành của Ann Phong và Gloria Gem Sánchez trình bày sự giống nhau về ý tưởng của hai họa sĩ Ann Phong và Sanchez khi cả hai đều sử dụng vật liệu hỗn hợp tạo dựng tác phẩm để phản ánh sự suy nghĩ về cách sống, cách quản lý môi trường của chúng ta đồng thời thu hút sự chú ý đến tác động chung của chúng ta đối với hệ sinh thái mà chúng ta đang sinh sống và truyền lại cho các thế hệ tương lai. Triển lãm "For Me And You" tại: Irvine Fine Art Center: 14321 Yale Ave, Irvine, CA 92604. Khai mạc vào thứ Bảy 16 tháng 11, 2024. Từ 2-4 giờ chiều. Cuộc triển lãm kéo dài từ 16 tháng 11, 2024 đến 25 tháng 1, 2025. Ngày giờ mở cửa: Thứ Hai-Thứ Năm 10am-9pm. Thứ Sáu-Thứ Bảy: 10am-5pm. Đóng cửa Chủ Nhật.
Trong thế hệ ca nhạc sĩ trẻ của nền âm nhạc Sài Gòn trước 1975, cặp uyên ương Lê Uyên - Phương có một chỗ đứng đặc biệt, độc nhất. Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phương kéo dài từ đầu thập niên 1970s ở Miền Nam sang đến tận Hoa Kỳ sau 1975, cho đến khi ông mất vào năm 1999. Nhiều ca khúc Lê Uyên Phương cho đến nay vẫn chưa được chính thức phổ biến, phát hành. Để tưởng nhớ 25 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa, ca sĩ Lê Uyên sẽ tổ chức đêm nhạc chủ đề “Lê Uyên Phương 25 Năm Cuộc Đời– Tình Yêu – Âm Nhạc” tại Saigon Grand Center thành phố Fountain Valley vào ngày 7 tháng 12 2024.
Cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ và trên toàn thế giới đang tiến tới một cột mốc quan trọng: 50 năm ly hương kể từ sau biến cố Tháng Tư Đen 1975. Nhiều tác phẩm trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật được thực hiện có liên quan đến sự kiện này. Tại đại hội điện ảnh Viet Film Fest 2024 vừa được tổ chức vào đầu tháng 10, bộ phim đoạt giải Trống Đồng dành cho phim dài xuất sắc nhất là New Wave của nữ đạo diễn Elizabeth Ai. Bộ phim tài liệu này ghi nhận lại một hiện tượng âm nhạc quan trọng của thế hệ người Việt trong thập niên 1980s: dòng nhạc new wave. Thế nhưng bộ phim không chỉ dừng lại ở khía cạnh âm nhạc, mà đào sâu hơn vào mâu thuẫn trong những gia đình Việt Nam trong những ngày đầu định cư ở Mỹ.
Thời gian là thứ được người ta ví như vó câu, vụt một cái là biến mất, chẳng bao giờ trở lại, có muốn níu cũng vô ích. Họa sĩ Phan Nguyên không dại chi mà níu, anh ghi lại rồi mặc cho nó sổng ra chạy đi. Tôi muốn nói tới anh, một người đã âm thầm lưu giữ những mảnh vụn thời gian của giới văn học nghệ thuật bằng cách ghi lại trong “Mượn Dấu Thời Gian”, tên tiếng Pháp là “Emprunt Empreinte”. Anh tâm tình: “Là một “sân chơi” rất riêng của Phan Nguyên từ khá lâu với giới văn nghệ sĩ, thân hữu gần xa, trong và ngoài nước, không phân biệt tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, chính kiến gì cả, miễn là họ đã có những tác phẩm hay, đẹp để lại cho đời và cho thế hệ mai sau, miễn là họ đã đóng góp cái phần tinh túy nhất của con người, của chính mình cho văn học nghệ thuật Việt Nam hay thế giới nói chung”.
Để ta cùng vượt thời gian, không gian. Một trăm năm nữa, nếu có cơ duyên hội ngộ, vẫn chuyện trò tự nhiên, vui vẻ, như từng gặp gỡ tự bao giờ. Vui vẻ, vì cả đời chỉ thích viết văn, làm thơ. Viết văn, trừ trường hợp bất khả kháng, tôi vẫn cố gắng viết vui, cho bạn đọc đỡ nản. Nay tự nhiên lâm cảnh ngặt nghèo, phải đem chuyện vật lý, khoa học, Vũ trụ càn khôn, vừa nhàm chán vừa khó hiểu, ra trình làng… nên càng phải cố viết vui, viết giễu. Để may ra vớt vát được phần nào.
Trong lãnh vực sáng tác từ ngôn ngữ cho đến tác phẩm trực quan, các chuyên gia và các tác giả đang quan tâm đến khả năng sáng tạo của AI, sự hiện diện và tác dụng của trí thông minh nhân tạo sẽ làm thay đổi quan niệm và phương pháp, kỹ thuật và nghệ thuật truyền thống. Các chuyên gia về máy học dự đoán rằng AI sẽ "viết" một cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times vào năm 2049 (Grace và cộng sự, 2018; Hall, 2018). Lãnh vực sáng tạo tính toán đã được xác định là biên giới tiếp theo trong nghiên cứu AI (Colton & Wiggins, 2012) và có ý nghĩa hấp dẫn đối với ngành công nghiệp văn học. Các thuật toán có khả năng tạo ra ngôn ngữ tự nhiên (Gatt & Krahmer, 2018) Các nghiên cứu về sáng tạo tính toán tập trung vào việc xác định các yếu tố cốt lõi của các hình thức sáng tạo (như văn học, nghệ thuật thị giác và âm nhạc) theo góc nhìn thuật toán, với mục đích sao chép hoặc kích thích sự sáng tạo của con người (Turner, 2014; Besold và cộng sự, 2015; Veale và cộng sự, 2019).
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.