Hôm nay,  

Thơ Tháng Tư

23/04/202313:39:00(Xem: 1867)

30 Thang Tu

NGUYỄN HÀN CHUNG

 

 

Tiếng khóc tháng tư

Tôi lắng nghe tiếng khóc đâu
đó nấc lên ngày tháng tư lắng
nghe từng âm âm ức ức mà
phỏng đoán tiếng khóc
ấy là khóc mừng vui sum
họp hay tủi hờn chia ly

Tiếng khóc gào tru
tréo những cái miệng méo
xệch những bàn tay cấu vào
tấm ảnh tiếng gầm gừ ùng
ục trong cổ họng nước mắt trào
ra trộn với nước mũi chảy
xuống tận cằm dính vào những
ngấn cổ trắng nõn

Tiếng khóc ngằn ngặt của con
bé đòi bú tiếng khóc rấm
rứt của bà mẹ già tiếng khóc xé
ruột của người vợ trẻ nhỏ xuống
vầng trán của đứa con thơ từ
nay không còn bố nữa

Tiếng khóc hức hức xen
lẫn tiếng cười hả hê giọng
Nam pha Bắc mùi thuốc
lào khét nghẹt phả lên từ những
điếu cày bằng trúc bóng loáng
gợi tôi nhớ câu thơ trong bài
cáo Bình Ngô chặt hết trúc Nam
sơn không ghi hết tội

Bốn mươi năm qua rồi những
tiếng khóc xuyên thấu màng
nhĩ tôi thời trai trẻ trong giấc
mơ đồng hiện tiếng khóc mù
sương.
 

Tam đoạn luận thơ

 

1

Những người làm thơ dở ghét bỏ những người làm thơ hay

Những người làm thơ hay khinh thị những người làm thơ dở

Người không làm thơ nhưng thích thơ coi thường cả hai

 

2

Những người quản lý thơ coi thường ra mặt các nha lại thơ

Những nha lại thơ coi thường lén lút các nhà quản lý thơ

Những người làm thơ ngoài luồng khinh mạn cả hai

 

3

Những người làm thơ vần vè chê bai những người làm thơ cách tân không làm được thơ vần hay

Những người làm thơ cách tân chê bai những người làm thơ vần là tư duy nô lệ người đi trước

Những người không biết làm thơ khi đọc thơ không biết tin ai nên

chỉ ưa thích những gì họ cảm nhận được

Và họ cho đó là thơ
Vì họ cho đó là thơ.

***

 

TRẦN YÊN HÒA

 

 

Quên đi ngày tháng đó

 

Hãy quên đi ngày tháng đó

Ngày tháng hực lửa trên toàn cõi

Từ bắc chí nam

Từ trường sơn ra biển cả

Đâu đâu cũng có người chết

Máu và nước mắt

Đâu đâu cũng tan hoang những phận đời mất mát

Tôi đã nhìn thấy một tháng tư máu đỏ lòm

 

Máu chảy thẫm dưới đất sâu

Trên rừng núi cao

Hay ngoài biển cả

Máu và người chết từ trường sơn xuống đồng bằng

Quảng Trị Thừa Thiên Huế

Đại lộ kinh hoàng

Đà Nẵng Tam Kỳ Hội An

Rùng mình hoảng loạn

Pleiku Ban Mê Thuột Tỉnh lộ 7

Ngập xác người

Thù và bạn

Sài Gòn thất thủ

tan hoang

 

Nhớ làm gì những tên người

hồ chí minh võ nguyên giáp phạm văn đồng lê duẩn trường chinh lê đức thọ văn tiến dũng trần văn trà

ngô đình diệm nguyễn văn thiệu nguyễn cao kỳ nguyễn văn toàn, lâm ngươn tánh...

Nhớ làm gì nhớ làm gì

Họ đã về với đất

Tiếng thơm, tiếng ô nhục

Có cả

Vắt trên hai vai

 

Hãy quên đi ngày tháng đó

 

Hãy vô cảm

Lạnh băng

Hơn bốn mươi tám năm qua

Như một cơn kinh hoàng đã ngủ

Hãy để nó ngủ đi

Hãy quên nó đi

 

Quên

Tôi quên

Tôi cố quên

Ngậm đắng nuốt cay quên

Những huênh hoang

Của kẻ thắng cuộc

Những đau thương

 Của kẻ thua cuộc

Chung quy cũng là

Cái tôi

 

Tôi

Cái tôi

Là Tự Do

Là Dân chủ

Không ai biết điều này

 

Tôi

Tôi thôi

Xin công bố

30-4-2023

Quên

Quên tất cả

Hãy quên

 

Nhưng Tự Do

Tôi xin viết hai chữ Tự Do

Viết hoa

Bằng Máu và Nước Mắt

 

Em yêu dấu!

Hãy cho anh

Được Tự Do.

Nói

Và Viết

 

Em Yêu Dấu

Cảm ơn em

Đã cho anh

Cái Tự Do đó

 

(30-4-2023)

 

 

Thơ (Xuôi, Xui) Tháng Tư

 

Tháng tư nằm nhà nghe gió thốc tháo ngoài hiên

Nghe mưa từ sáng sớm rầm rì trên mái tôn tí tách

Mưa đồng nghĩa với nỗi buồn, đồng nghĩa với sự cô đơn khiến ta thầm thì độc thoại

Mưa đồng nghĩa với nỗi nhớ em, nhớ muôn vàn, nhớ đến từ mọi ngả, dầu đầu óc kín bưng không muốn mở ra một nơi nào của trang ký ức.

 

Tháng tư đặc quánh những ngã đường đi và đến không ai cho mình đến và chẳng ai cho mình đi

Ở nhà, ở nhà như một lệnh gọi từ con tim nhân gian.

 

Em không phải là một hình ảnh có màu sắc, có hình hài

Em của ngày xưa áo trắng, xanh, vàng, tím, em học trò, em dạy học, em bán buôn, em chợ trời, em công chức, em làm neo, em linh tinh, lang tang trên mọi nẻo đường, cùng khắp trong tâm trí ta một thời lộng gió

Em trở về từ bản ngã, từ thiện tâm, từ muôn trùng ý tưởng buông xuôi vô vọng

Em bây giờ, ở đâu? hở nhỏ

Những ngày tháng tư, anh chỉ thấy những con đường vắng hoe người đi lại, thành phố vắng hoe, xe cộ vắng hoe không tiếng nói.

 

Những ngày tháng tư, không chợ búa, không gặp bạn bè, không lai rai ba sợi kể cả không em, là thế đó.

 

Những ngày tháng tư, không trường học, không tiếng ê a của lũ trẻ. Tất cả đã vắng hoe lòng ta, như vắng hoe một tình yêu dạo nọ.

 

Thôi thì trùm mền ngủ cho xong, nhưng có ngủ cũng phải thức dậy để thấy vắng tanh, rỗng không, một tháng tư này

Còn lại là nhớ về nơi, cố xứ

Cố xứ

Cố xứ

Cố xứ

Ơi! cố xứ thân yêu, của tôi.

 

***

 

Lại nhớ lại một tháng tư, xưa

Một ngày tháng tư máu đỏ lòm từ long khánh đồng nai ngã ba dầu dây cầu bình triệu

Người người lê thê lếch thếch bế bồng nhau đi tìm con đường sống

Ai ai cũng chạy cũng muốn tránh xa cơn đại dịch chiến tranh đã đè lên cổ người dân suốt hai mươi mốt năm ròng

Trên những chặng đường chạy giặc

Giặc từ trên cao, là đạn pháo, là bom

Giặc từ dưới đất, là mìn,

Giặc từ đường bộ, là đắp mô,

Giặc từ trong bìa rừng, trong hốc đá, bên lũy tre, trong các chòi canh, bắn xối xả xuống dân, những vết đạn thù

 

Bắn thì bắn, dân cứ chạy đi, chạy đi, chạy đi

Dân như con sâu, cái kiến, con ốc sên, loài bò sát

Dân hy vọng mơ hồ, chạy là sẽ thoát,

Để thoát khỏi bị chặt móng tay, bị chặt móng chân, bị cắt lỗ tai hay bị bắn trực xạ bằng những lọat tiểu liên AK-47.

 

Chạy được, là sẽ thoát.

Thoát khỏi bị cắt quần ống loe, tóc hippy dài ngoẵng, dài ngoằng

 

Chạy từ Tam Kỳ, Đà Nẵng.

Chạy từ Quảng Ngãi Chu Lai Qui Nhơn Bình Định Tuy Hòa Nha Trang Phan Thiết

Chạy từ Long Khánh đến Sài Gòn

Chạy bộ bằng hai chân trần nứt nẻ tươm máu dưới những viên đá ba lát trên đường quốc lộ số một hay trên đường rầy xe lửa

Điểm dừng cuối cùng, ở đó, Sài Gòn

Nhưng rồi phải chạy tiếp

Phải chạy ra biển bằng thuyền, hay, đeo bám trên máy bay trực thăng

Đeo bám được là sẽ thoát

Nhưng hai cánh tay đeo bám mỏi nhừ đành thả lỏng rơi tòm xuống biển sâu

Biển sâu quá không thấy tăm hơi

Chắc làm mồi cho cá

Những người không chạy thoát được đều bị lùa vào những trại  tập trung

Trảng Lớn Long Giao Long Khánh Suối Máu Thành Ông Năm Xuân Phước

Hay được đưa ra bắc trong những chiếc tàu chở súc vật đến những trại Hà Nam Ninh, Cổng Trời

Không bị chặt móng tay cắt móng chân cạo trọc đầu hay cắt quần ống loe

nhưng đau thương khổ hạnh bằng lao động cưỡng bách suốt năm năm mười năm mười lăm hay mười bảy năm

Khổ hạnh như một loài ma trơi

Sống không bằng chết

 

Bây giờ tháng tư về cận kề là nỗi hoang mang bơ vơ tận cùng đơn độc

Ta bị chôn chân tại nhà bị những con vius corona vây khốn

Tháng tư nào cũng bị vây khốn là nghĩa làm sao

Tháng tư với những chiếc mặt nạ (khẩu trang)

Những chiếc mặt nạ xanh màu hy vọng

Những chiếc mặt nạ đen

Đen một màu đen ma quái chết chóc

Những mặt nạ cười

Ai cũng đeo trên mặt mình chiếc mặt nạ của riêng mình

Chiếc mặt nạ đánh bóng hay bôi đen

Như một tháng tư được nhìn dưới những khuôn mặt

Không phải của mình

Rồi sẽ hết tháng tư

Sẽ hết những con virus chết tiệt

Sẽ nhận được tiền một ngàn hai mà báo đài la ó hơn cả tháng qua.

 

– Trần Yên Hòa

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.