Hôm nay,  
DAVEMIN.COM

Đi tìm người thương binh

11/01/202309:03:00(Xem: 2530)
Truyện

binh

Gần cuối năm, trời đêm mát dịu. Sân Nhà Thờ đã vắng. Những ngọn đèn giăng mắc trên hang đá, trên các cành cây, trông như những vì sao nhấp nháy. Ngôi nhà thờ quen thuộc với Ny từ mấy mươi năm nay, không chỉ là những buổi lễ vang tiếng kinh cầu, mà còn là những phút im lặng đứng trước hang đá ngoài sân. Còn nữa, là những buổi tặng quà. Những người được mời lãnh quà đến từ khắp hướng. Họ là những thương phế binh.

 

Ny còn muốn nán lại khi đã phụ dọn dẹp xong sau buổi lễ tặng quà. Ny đứng đây, muốn nhớ lại những cảm nhận của mình khi phát quà cho các chú các bác, khi đối diện với họ. Ny không ngăn được sự xúc động trước những người thiếu mất một phần thân thể. Trong niềm xót xa ấy, Ny nghe một nỗi khao khát muốn biết về thời trẻ trung của họ, khi họ là những con người toàn vẹn, lăn xả trên mặt trận, cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Và trong lúc họ ngã xuống, gửi vào đất một phần thân thể, họ ra sao? Những ngày tháng đó họ sống thế nào? Lứa tuổi của Ny so với họ là quá nhỏ. Ny biết gì về chiến tranh, biết gì về những người lính? Có một chút! Ny biết một vài cựu quân nhân sống trong xóm đạo nơi Ny sinh ra và lớn lên. Nhưng đó chỉ là một phần của không gian và thời gian. Khi họ rời khỏi chiến trường thì Ny chỉ mới bước vào năm đầu tiểu học.

 

Ny ngồi xuống thềm đá, bâng khuâng nhớ lại lời một anh tình nguyện viên hỏi mình lúc trưa:

 

“Tại sao chị chọn đến giúp những buổi tặng quà?”

 

Ny đáp:

 

“Có nhiều lý do, nhưng phần lớn là do tôi cảm kích trước tấm lòng của các Thầy, các Cha, tôi muốn phụ giúp họ để làm công việc tri ân thương phế binh. Còn với các vị thương phế binh, tôi chỉ nghe qua lời kể của cha mẹ tôi, và qua sách vở.”

 

Anh tình nguyện viên nói:

 

“Có lẽ tôi cũng vậy. Lứa tuổi của mình… biết về họ quá ít!”

 

*

 

Ny về đến nhà, vào phòng, mở tủ sách của mình. Cái tủ sách không để ở phòng ngoài, bởi chỉ một mình Ny dùng. Nó như một cái kho báu của riêng Ny. Trong đó, có những quyển sách Ny giấu lại, có những quyển Ny đi lùng mua. Từ lúc lên năm, Ny đã được mang danh hiệu là “con mọt sách” bởi lòng ham mê đọc sách. Ny sớm biết đọc, biết viết. Ny đọc sách dành cho nhi đồng, thiếu nhi. Rồi thì sách truyện viết cho tuổi học trò, cho tuổi mới lớn. Một ngày, Ny hết hồn khi thấy ba mẹ mang hết sách trong nhà đi nộp cho phường khóm. Ny đã lén trộm một vài quyển sách Ny thích, giấu kỹ. Dần dần về sau này, khi lớn lên, Ny đã đi mua sách ở các tiệm bán sách cũ, gầy lại cho mình một tủ sách. Ba mẹ biết, không trách mắng, trái lại, thỉnh thoảng ba mẹ cũng mượn sách của Ny để xem.

 

Ny ngồi lặng yên, nhớ đến tuổi nhỏ của mình. Ny lớn lên theo cái tủ sách, hay nói cách khác, cái tủ sách lớn lên theo Ny. Bỗng nhiên, một cách không chủ ý, Ny giở lại những trang sách cũ, viết về người thương binh. Ny băn khoăn, tự hỏi cây bút nữ mà Ny yêu mến bây giờ ra sao. Từ lâu, Ny coi như chị đã là người thuộc về quá khứ. Nhưng những gì chị viết về người thương binh Việt Nam Cộng Hòa hầu như không bao giờ cũ đối với Ny. Ny say sưa đọc lại những trang sách. Đó tạm là lời giải đáp cho những thắc mắc của Ny. Hầu như chỉ cần nhắm mắt lại, để cho những câu chữ của tác giả thấm vào ý tưởng của mình, là có thể đã được sống phần nào trong cái không gian, trong cái thời gian ấy. Giờ đây, Ny có thêm cái cảm giác đau đớn của người đang bị thương, đang quỵ ngã, đang nhức nhối với vết thương từng ngày chờ bình phục, cũng như sự hụt hẫng vì mất đi một phần thân thể quen thuộc. Và, cũng như tác giả, Ny thấy mình đang ngồi trong một chiếc xe lăn. Ny khám phá qua nhiều tác phẩm, cây bút nữ mà Ny yêu mến đã nhắc nhiều đến một cái tên là Danh.

 

Và thế là Ny có một công việc mới: đi tìm Anh Danh. Ny nghĩ ngay đến danh sách mà các Cha đang nắm giữ. Có thể nào trong số ấy sẽ có những chú, những bác tên Danh không? Cùng với một chìa khóa nữa là nơi trú ngụ của người ấy ở vùng Phước Tuy, Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm bị thương: 1973, sau khi hiệp định Paris được ký kết. Ny tự cười mình vì đã coi yếu tố trong truyện như là thật. Nhưng có lẽ điều tác giả lặp đi lặp lại yếu tố đó đã tạo một ấn tượng sâu sắc trong Ny. Hơn nữa, Ny từng tham gia những buổi tặng quà cho Quý Ông Bà Thương Phế Binh, nên nếu biết được có một “Anh Danh” thật sự trong số họ thì cũng là một điều có ý nghĩa cho Ny.

 

*

 

Rất nhiều người mang tên Danh, nhưng ở Phước Tuy thì lại không có. Nhiều lúc Ny tự chê mình lẩm cẩm. Nhưng có một cái gì đó thôi thúc Ny tiếp tục tìm kiếm. Tình cờ, nghe một người bạn khoe đã tìm được người quen qua Facebook, Ny nghĩ mình sẽ thử. Nhưng không có ai trùng khớp với những yếu tố mà Ny có được. Ny lại tự cười mình đã đi gõ cửa một căn nhà mà người mình tìm không hề vào đó.

 

Nhưng có lẽ Trời thương Ny, trong khi lướt tìm trên internet, Ny đã đọc được những bài mới của cây bút mà Ny yêu mến. Không phải trong Facebook, mà qua những trang báo điện tử. Báo điện tử, nghe ngộ ngộ. Nhưng là báo có thật, báo mà mọi người đều có thể đọc mà không cần phải nhịn ăn quà sáng để dành tiền mua như các học sinh ngày xưa. Và cũng nhờ là “điện tử” nên chuyện gì cũng hóa dễ dàng. Chỉ cần gõ vào mục “Liên Lạc” của các trang báo đó là có thể hy vọng “gặp” được tác giả mình muốn tìm.

 

Và Ny chỉ có thể email qua lại với cây bút nữ ấy, vì hai người ở hai nửa trái đất, xa lắc lơ.

 

“Hồi còn bé thật bé, em đã đọc truyện của chị. Khi đó, có người nói chị đã chết. Thời ấy, chuyện gì cũng dễ xảy ra. Em tin. Nhưng lớn lên, em nghĩ biết đâu chị vẫn còn. Và chị “còn” thật! Thế giới internet thật dễ thương! Em vui khi thấy chị vẫn viết.”

 

“Chị rất vui khi biết thì ra có một “con mọt sách” lén đem sách chui vào tủ áo để đọc. Lúc đó thì em đáng bị phạt vì dám đọc sách người lớn.”

 

“Hi hi, thật ra thì không phải sách người lớn như cách nghĩ thông thường. Em thích đọc sách người lớn do chị viết.”

 

“Ôi, nếu em có thể nghe được tiếng thở dài của chị lúc này! Chị chỉ lớn so với tuổi của em thôi! Văn của chị lúc đó là dành cho tuổi vào đời, tuổi của học sinh, sinh viên. Mà chị có làm được bao nhiêu đâu, khi tất cả mọi thứ đều vào trong đống lửa.”

 

“Nhưng qua chị, em cảm nhận được một góc của chiến tranh. Em hiểu phần nào những người lính, đặc biệt những người thương binh. Em từng ước gì em bằng tuổi chị, có thể nếm trải những giờ phút song hành với nỗi đau trong cuộc chiến.”

 

“Không bao nhiêu đâu em! Những gì mình nếm trải quá ít, chỉ là bên lề, không thể sánh bằng sự gian khổ và hy sinh to tát của họ. Trò chuyện với em, chị như sống lại với hình ảnh những người thương binh trong màu áo xanh của bệnh viện, với những vết thương đỏ ngầu, nhầy nhụa, những chỗ nhiễm trùng vàng khè, những lỗ sâu hoáy đen ngòm do đạn chui vào, những chỗ cụt mất bàn tay, bàn chân. Chứng kiến và săn sóc cho họ, lòng chị đau xót lắm em à! Và họ đã từng là những người trẻ tuổi đầy sinh lực và nhiệt huyết, dầy dạn trên chiến trường, từng băng rừng lội suối, xung phong trên những ngọn đồi ngụt khói, cắm cho được lá cờ thiêng trên vòng thành vừa chiếm lại. Họ đã cống hiến nhiều quá!” 

 

“Và chị đã được nhìn thấy họ khi họ còn trẻ.”

 

“Đúng vậy, em gái!”

 

“Chị ơi! Em muốn biết về anh Danh. Anh Danh có phải chỉ là nhân vật trong truyện, hay là một người có thật ngoài đời?”

 

“Em nghĩ sao?”

 

“Em tin là có ngoài đời, vì nó đi kèm với một địa danh.”

 

“Địa danh sao?”

 

“Dạ, em thấy chị nói đến Phước Tuy, nên suy đoán…”

 

“À đó là chị trích những bức thư từ Phước Tuy, của một người bạn lính, hay chính xác là một người bạn thương binh.”

 

“Vậy chị có liên lạc với anh ấy sau năm 75 không?”

 

“Chị có viết thư gửi bưu điện. Thời đó không có điện thoại riêng, cũng chưa có email, internet. Nhưng không có thư hồi âm em ạ! Rồi chị ra trường, đi làm việc xa, chị không có dịp tìm lại anh ấy.”

 

“Chị ơi, em có điều kiện tìm tên anh ấy trong danh sách những người nhận quà từ Nhà Thờ nhưng không thành công. Vậy bây giờ chị còn địa chỉ không? Em sẽ giúp chị tìm lại.”

 

“Chị còn.”

 

Ny nhận được địa chỉ. Ny ngẩn người. Anh có một cái tên không phải là Danh. Danh chỉ là chữ lót!

 

*

 

“Ảnh trước ở đây với cha mẹ. Ảnh đi lính hồi Mùa Hè Đỏ Lửa. Rồi sau Hiệp định Paris, vẫn chưa hết chiến tranh, ảnh bị thương, cưa mất một chân. Ảnh ngồi xe lăn, sau thì làm chân giả. Ảnh nộp đơn thi lại Tú Tài, chăm học lắm! Nhưng sau “ngày Ba Mươi tháng Tư” khoảng vài tuần thì ảnh đi đâu không biết. Cha mẹ ảnh bán nhà rồi cũng đi luôn. Chúng tôi chỉ biết chừng đó.”

 

Ny đứng trước ngôi nhà xưa kia là nhà của Anh Danh. Mấy mươi năm qua rồi, người biết Anh Danh chắc cũng không còn nhiều. Tìm ra được câu trả lời này, Ny không biết là mừng hay thất vọng. Có một điều là, đến tận ngôi làng nơi Anh Danh từng ở, Ny tưởng tượng mình nhìn thấy một chút hình bóng Anh Danh mỗi ngày lăn xe ra vào căn nhà, chan hòa sinh hoạt với chòm xóm. Đến một hôm anh về nhà, mang theo nỗi vui được gắn chân giả. Ny như “thấy” được nỗi vui ấy, một nỗi vui xót xa, như Hạ Huyên đã từng được chia sẻ cùng với Danh cách nay nhiều năm trước.

 

“Chị ơi, em đi tìm Anh Danh, chính ra là đi tìm cảm xúc cho chính mình, sau những tác phẩm của chị, và sau những chuyến công tác của em. Và em đã có một chút.”

 

“Cám ơn em đã thay chị tìm đến quê của Anh Danh. Chị hy vọng nếu anh ấy còn sống, sẽ có ngày mình biết được tin của anh ấy. Em gái của chị không phải đã có một chút, mà đã có rất nhiều đó! Chị nhìn thấy những Anh Danh thời trẻ, những Anh Danh của quá khứ. Em thì nhìn thấy những Anh Danh trong hiện tại.”

 

*

 

Vâng, Ny đã tìm thấy những Anh Danh trong hiện tại, qua các nếp nhăn trên gương mặt, qua màu da đen sạm nắng gió vì dãi dầu kiếm sống, qua giọng nói khàn đục, qua những vết sẹo đã chai cứng quắt queo. Anh Danh của Hạ Huyên còn tiếp tục ước mơ trở lại lớp học, còn về sống ở quê nhà sau khi để lại một phần thân thể trên chiến trường. Còn vô vàn những “Anh Danh” khác, ngày Ba Mươi tháng Tư đang nằm trong bệnh viện, bị đuổi ra ngoài trong khi vết thương còn rỉ máu. Họ dìu dắt nhau đi về đâu? Có nhiều người kiếm sống lây lất trong góc chợ, trên bến xe, bến phà, đàn hát những bài nhạc lính cũ. Họ hầu như đã bị bỏ rơi.

 

Những Anh Danh trẻ của Hạ Huyên không phải thần thánh. Như Hạ Huyên viết, họ cũng biết vui biết buồn. Bị thương, bị đau thì họ khóc. Có người thương binh trẻ đau quá còn kêu “Má ơi!” Họ rất thật. Họ không hô khẩu hiệu. Khi là thương binh thì vậy. Xuất viện, nếu còn có thể được, họ tiếp tục ra mặt trận. Khi bị bỏ lại phía sau cuộc chiến, họ cũng là những người ở lại mảnh đất bị cướp đoạt. Họ tha phương cầu thực ngay trên quê hương của mình, nhưng sống ra sống. Họ nâng niu, cất giữ bộ quân phục mà họ đã khó khăn tìm mua lại, để nhớ thời họ đi chinh chiến. Họ không mấy khi mặc. Không phải vì họ sợ bị cấm mặc. Mà vì họ trân quý nó, không muốn lạm dụng nó. Họ đã vinh hạnh khoác lại bộ quân phục để đến tiễn đưa Người Nhạc Sĩ Lính yêu mến của họ vừa qua đời trong khu xóm nghèo, giơ tay nghiêm trang chào vĩnh biệt ông.

 

Thời trai trẻ của họ, những Anh Danh, đã qua rồi! Nay họ ở khắp mọi nơi, Phước Tuy, Đà Lạt, Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau, Huế, Quảng Trị… Nhưng họ sẽ không bao giờ quên họ đã từng là Người Lính, mang trong tim câu “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm” và sống với tinh thần đó.

 

– Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong lãnh vực sáng tác từ ngôn ngữ cho đến tác phẩm trực quan, các chuyên gia và các tác giả đang quan tâm đến khả năng sáng tạo của AI, sự hiện diện và tác dụng của trí thông minh nhân tạo sẽ làm thay đổi quan niệm và phương pháp, kỹ thuật và nghệ thuật truyền thống. Các chuyên gia về máy học dự đoán rằng AI sẽ "viết" một cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times vào năm 2049 (Grace và cộng sự, 2018; Hall, 2018). Lãnh vực sáng tạo tính toán đã được xác định là biên giới tiếp theo trong nghiên cứu AI (Colton & Wiggins, 2012) và có ý nghĩa hấp dẫn đối với ngành công nghiệp văn học. Các thuật toán có khả năng tạo ra ngôn ngữ tự nhiên (Gatt & Krahmer, 2018) Các nghiên cứu về sáng tạo tính toán tập trung vào việc xác định các yếu tố cốt lõi của các hình thức sáng tạo (như văn học, nghệ thuật thị giác và âm nhạc) theo góc nhìn thuật toán, với mục đích sao chép hoặc kích thích sự sáng tạo của con người (Turner, 2014; Besold và cộng sự, 2015; Veale và cộng sự, 2019).
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Westminster, CA – Học Khu Westminster hân hoan tổ chức mừng lễ tốt nghiệp của các học sinh đầu tiên trong chương trình Song Ngữ Tiếng Việt (VDLI) tiên phong của học khu. Đây là khóa học sinh đầu tiên ra trường và các em sẽ được ghi nhận tại buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt được tổ chức vào thứ Ba, ngày 28 tháng Năm, lúc 6:00 giờ chiều tại phòng Gymnasium của Trường Trung Cấp Warner (14171 Newland St, Westminster, CA 92683).
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
Vì hình ảnh ảm đạm, buồn sầu, như tiếng kêu đòi tắt nghẹn. Tôi, tác giả, đi giữa lòng thủ đô Hà Nội mà không thấy gì cả, không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Cờ đỏ là quốc kỳ. Mưa sa làm cho những lá quốc kỳ sũng nước, bèo nhèo, nhếch nhác, úng rữa. Một hình ảnh thảm hại. Hình ảnh thảm hại là dự phóng cho tương lai thảm hại. Và thất bại. Lạ một điều, người ta chỉ trích dẫn năm dòng thơ này, tổng cộng 14 chữ, mà không ai trích dẫn cả bài thơ, và hẳn là hơn 90% những người biết năm dòng này thì không từng biết, chưa bao giờ đọc, cả bài thơ, và tin rằng đó là những lời tâm huyết của nhà thơ Trần Dần nói về thời cuộc mà ông nhận thức được vào thời điểm 1955.
Viet Book Fest cho thấy thế hệ trẻ gốc Việt nay đã vượt qua được những ràng buộc cơm áo gạo tiền của thế hệ đi trước, để cộng đồng Việt nay có thể vươn lên với giấc mơ văn học nghệ thuật trên đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
DAVEMIN.COM
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.