Mỗi khi ông đi qua bà đi lại là Thịnh mời chào đon đả trong tiếng chợ búa huyên náo:
– Mua gà không bác ơi, chị ơi, anh ơi…
Thịnh cứ nhìn mặt đặt tên mà gọi, cô bác đi chợ đã dừng chân ngồi xuống bên lồng gà của Thịnh lựa chọn mua mua bán bán. Nghe giọng miền Trung của nó rao hàng bà Cam ngứa cả tai, bên này bà Cam cũng gân cổ lên réo mời:
– Gà ngon đây! Bảo đảm giá cả rẻ hơn những hàng gà khác đây!
Có bà nội trợ ghé lồng gà bà Cam xem không vừa ý bèn sang bên “con đó” mua làm bà Cam tức bà khách thì ít mà hận con Thịnh thì nhiều. Xưa nay bà Cam bán gà chợ An Đông nổi tiếng, khó có ai thoát khỏi tay bà một khi đã sà vào hỏi mua là phải mua xong mới đi khỏi được. Nay có những khách quen đã né mặt bà, họ đến thẳng hàng con Thịnh mua bán lẹ làng mau chóng hơn, vừa ý hơn. Rõ ràng là con Thịnh đã cướp khách hàng của bà.
Hôm anh quản lý chợ dắt con nhỏ này đến ngồi cạnh chỗ bà Cam, Thịnh đội nón lá sùm sụp và mặc áo ngắn trong áo dài tay ngoài che nắng trông luộm thuộm đã mất cảm tình. Thịnh xê dịch ba cái lồng gà to tìm chỗ đặt cho gọn gàng không xâm lấn sang chỗ bên cạnh. Bà đã liếc xéo và chỉ muốn Thịnh nhích sang phần đất của bà là bà sẽ sinh sự chửi té tát cho nó biết tay. Bà Cam thêm một đối thủ cạnh tranh buôn bán từ đấy.
Chợ An Đông không chỉ mình bà Cam bán gà nhưng xưa nay mức độ bán hàng của bà vẫn khấm khá đều đặn, từ khi có con Thịnh từ xó xỉnh miền Trung nào đến đây thì lợi tức của bà kém hẳn, vì Thịnh ngồi ngay bên cạnh, lời chào mời lanh lảnh và ngọt ngào chiều khách bảo sao khách chẳng mua gà của nó. Con Thịnh tuổi đáng con cái bà, kinh nghiệm ở đâu ra mà buôn bán giỏi thế. Bà ghét con Thịnh, ghét cả cái tên như con trai của nó. Cầu cho nó ế chồng tàn đời. Bà Cam rủa thế.
*
Tuấn đi xe đạp mang chiếc lồng gà nhỏ trong có mấy con gà ra chợ cho mẹ. Bà Cam không có đó, Thịnh bên cạnh thấy Tuấn đứng lóng ngóng liền nhanh nhẩu nói:
– Bà Cam đi tiểu đằng kia rồi, chốc bà quay lại.
Tuấn lễ phép:
– Chị cho em gởi mẹ em 3 con gà này, nói của bác Sính chung cư là mẹ em hiểu.
– Xời ơi! Sao anh ăn nói lịch sự quá vậy. Chẳng bù…
Thịnh định nói “chẳng bù cho mẹ anh chua ngoa lắm cơ” nhưng vội dừng lại kịp thời. Tuấn quay đầu xe đạp:
– Cám ơn chị. Em về.
Bà Cam lù lù đi tới:
– Tuấn hả con? Chị chị em em gì. Con nhỏ này thua con 1 tuổi.
Tuấn giao gà cho mẹ xong đạp xe về ngay không biết “cô em” bán gà thua 1 tuổi đang tủm tỉm cười nhìn theo. Hôm qua bà Sính ở cùng chung cư Ngô Gia Tự than thở với bà Cam mấy con gà nhà nuôi có vẻ lờ đờ, bà Sính đã nhét tỏi cho gà ăn, tỉnh lại, hôm nay nhờ bà Cam mang ra chợ bán tống táng giùm được đồng nào hay đồng ấy nên bây giờ Tuấn phải mang gà ra chợ cho mẹ. Vụ này khá béo bở, kiếm lời ngon lành, bà Cam vừa mồm mép vừa chèo kéo mọi cách sẽ bán được mấy con gà sắp rù này.
*
Bà Cam nghỉ chợ hai ngày vì bị cảm, nằm nhà bà lo cho mình thì ít mà lo cho mấy con gà nhốt trong lồng nuôi trong nhà sẽ xuống cân mất giá thì nhiều. Thịnh hỏi thăm ai đó nên đã biết địa chỉ nhà bà. Thấy “địch thủ” đến thăm bà Cam ngạc nhiên và… nghi ngờ cảnh giác hay là nó đến xem mình ốm đau thế nào, sắp chết chưa để nó ăn mừng? Nhưng bà cảm động quá khi thấy Thịnh mang túi quà tới và ân cần hỏi han. Hôm nay Thịnh ăn mặc đẹp, trông xinh đẹp hẳn ra, Tuấn không nhận ra “chị” bán gà đầu đội nón lá lụp sụp ngoài chợ hôm nọ nữa và chàng cũng cảm động không thua gì mẹ. Thịnh còn biết nhà bà Cam chỉ có một mẹ một con trai, nên nàng đã mua đồ tới đây lăng xăng nấu bồi dưỡng cho bà Cam nồi cháo thịt bò kiểu miền Trung ăn thật ngon miệng, bà Cam phục tài con này nấu ăn ngon. Trước khi ra về Thịnh còn đề nghị mang mấy lồng gà của bà ra chợ bán giùm, chứ để ở nhà tốn thóc gạo lỗ vốn.
Bà Cam biết gia cảnh còn nhỏ miền Trung này thật đáng thương và đáng nể, em trai thi đậu đại học nhưng cha mẹ không có tiền cho con vào Sài Gòn học hành. Thịnh đã trải qua nỗi buồn này, học xong trung học Thịnh không dám mơ gì hơn vì biết nhà mình nghèo, nên hiểu em, thương em, quyết cùng em vào Sài Gòn, Thịnh kiếm đủ thứ nghề làm ăn buôn bán dù cực nhọc để nuôi em ăn học, khi xin được một chỗ bán gà trong chợ An Đông thì Thịnh đã kiếm tiền ổn định hơn và mỗi ngày mỗi đông khách, khấm khá thêm vì mua bán ngay thẳng thật thà.
Bà Cam cũng là người xông pha từ trong nhà ra ngoài ngõ, bà đã ra chợ An Đông buôn bán kiếm thêm tiền lo cho gia đình, chồng bà là nhà giáo sau 1975 được lưu dụng lương ba cọc ba đồng hiền lành an phận. Thời buổi bao cấp cuộc sống khó khăn nhưng bữa cơm nhà bà vẫn là cơm gạo trắng có tôm cá thịt thà đầy đủ. Ông qua đời khi thằng Tuấn vừa đậu vào đại học sư phạm.
Hai tâm hồn đồng điệu gặp nhau thông cảm nhau hơn bao giờ, bà Cam và Thịnh không còn kèn cựa nhau ngoài chợ nữa mà trái lại Thịnh hay qua lại nhà bà Cam như chỗ thân tình. Bà Cam tinh ý biết Thịnh thích Tuấn và Tuấn cũng thích Thịnh. Hai đứa đã yêu nhau nên khi Tuấn đòi lấy vợ, lấy Thịnh, thì bà Cam không ngạc nhiên. Nay mai Tuấn ra trường là thày giáo cũng hiền lành an phận như bố, Tuấn cần có một người vợ lanh lợi giỏi giang bên cạnh như chồng bà đã có bà. Không ai khác ngoài Thịnh đủ tiêu chuẩn cho bà kén chọn để nên duyên với con trai bà. Thịnh tài giỏi tay trắng từ miền Trung nghèo khổ tha phương vào Sài Gòn nuôi em ăn học và có ít vốn liếng trong tay.
Lấy chồng, nhờ mẹ chồng giúp thêm vốn Thịnh đã sang được một sạp vải trong chợ An Đông, nàng ngồi chảnh chọe bên đống vải đủ màu sắc thơm tho không còn là con nhỏ bán gà phơi mặt ngồi ngoài chợ bên mấy lồng gà nhếch nhác nữa.
*
Với tài sản của nhà chồng và của nàng, Thịnh đã móc nối hùn vốn trong một chuyến vượt biên, mang được gia đình nhỏ của nàng gồm hai vợ chồng hai đứa con nhỏ, bà mẹ chồng và đứa em trai của nàng cùng theo.
Sang Mỹ trong khi Tuấn học lại thì Thịnh đi làm nail. Khi Tuấn ra trường kỹ sư thì Thịnh đã làm chủ một tiệm nail đông khách, nàng biết cách làm ăn, luôn giá cả hợp lý và chất lượng thì khách hàng sẽ tín nhiệm và lâu dài. Điều này chính bà Cam cũng phải phục con dâu, ngày xưa bán gà bà chuyên qua mặt khách hàng, gà sắp toi, sắp rù bà vẫn đẩy đưa hay bắt chẹt khách phải mua bằng được hèn gì càng về sau hàng gà của bà càng ế. Lúc còn ở Việt Nam Tuấn là thày giáo nàng bán vải ngoài chợ, nay Tuấn là kỹ sư nàng là chủ tiệm nail, thời nào vai vế nàng cũng không bằng chồng nhưng kiếm tiền không thua gì chồng.
Hiện nay chị em Thịnh đã bảo lãnh kẻ trước người sau tất cả gia đình còn lại sang Mỹ, đám người miền Trung ấy ai cũng đến tiêm nail của Thịnh khởi đầu kiếm tiền sau đó chăm chỉ học hành, chịu khó làm việc nên ai phận nấy đều có cuộc sống riêng đầy đủ.
Bà Cam sống chung với vợ chồng Tuấn-Thịnh. Hai bà bán gà chợ An Đông ngày xưa, một nhỏ tuổi, một lớn tuổi là đối thủ của nhau có ngờ đâu sẽ là tình thân ràng buộc và sống chung nhà mấy chục năm như thế này. Bà Cam hài lòng thấy con dâu cùng chồng nó nên nhà nên cửa, hai đứa cháu nội ngoan học giỏi, bà thầm cám ơn trời Phật, số phận đưa đẩy cho bà gặp Thịnh, dù thuở ban đầu ấy bà chỉ muốn băm vằm nó ra mấy chục mảnh mỗi khi mất khách hàng vào tay nó.
Nhưng cuộc sống không sao tránh khỏi những va chạm bất đồng. Bà Cam đã 90 sức khỏe vẫn tốt so với tuổi tác, thỉnh thoảng bà dở chứng, dở hơi, giận hờn sinh sự, lải nhải la mắng con dâu. Ngày xưa chỉ là người dưng cạnh tranh nhau buôn bán, bà Cam liếc nguýt, chửi cạnh khóe xỏ xiên Thịnh còn nhịn được, thì ngày nay Thịnh chấp nhất làm gì bà mẹ chồng tuổi già tính nết thất thường. Nàng thường nói:
– Ôi, cứ để bà đanh đá chửi cho sướng miệng. Thế mới đúng là bà Cam bán gà chợ An Đông ngày xưa chứ.
– Nguyễn Thị Thanh Dương
(August 21, 2022)