Hôm nay,  

Giấc mơ trại gà

03/05/202220:17:00(Xem: 3531)


poultry-farm 

(Kỷ niệm đi thăm trại gà của anh NP).

 

Chúng tôi đến trại gà sau 2 tiếng lái xe từ thành phố Dallas đến thành phố nhỏ Palestine. Từ lâu tôi đã cả gan mơ làm chủ một trại gà và mê cách nuôi gà công nghiệp tại Mỹ với những chuồng trại hàng trăm ngàn con gà mà không tốn nhiều công sức lao động. Một nghề gặt hái ra tiền nếu chịu đầu tư tiền bạc và chăm chỉ làm việc.

 

Tôi tò mò và yêu thích những cảnh thiên nhiên hoang vắng, vài hình ảnh trại gà tôi xem trên Net chỉ là một góc cạnh, tôi tưởng tượng ra một trang trại rộng lớn với những khu rừng và những cánh đồng cỏ xanh mướt, vừa nuôi gà vừa có cảnh để ngắm và rong chơi thơ thẩn bướm hoa.

 

Thế nên tôi luôn mong muốn được đến thăm một trại gà.

 

Trại gà này thuộc gia đình họ hàng người em dâu. Tôi theo chân hai vợ chồng đứa em đến đây một buổi sáng chủ nhật nhiều nắng nóng của mùa hè Texas. Đường vào trại gà càng lúc càng hoang sơ, dân cư thưa thớt, xe chạy trên những con đường nhỏ dẫn vào trang trại bốn bề lặng thinh như chốn không người.

 

– Trại gà đây rồi!

 

Tôi reo lên khi xe rẽ vào trang trại và đậu lại trước căn mobile home, nhưng chúng tôi khựng lại không dám xuống xe vì thấy 3 con chó mặt dữ như bà chằng lửa đang nhổm dậy từ gầm chiếc xe tải đậu trước nhà và gầm gừ chui ra nghinh đón chúng tôi. Tôi ngó nhìn xung quanh, trước mặt căn mobile home xéo về phía bên phải là một nhà kho hoang phế, mái lợp tôn, vách tôn đa phần hoen rỉ nắng mưa và xập xệ, chắc chủ nhân chưa rảnh để gỡ bỏ. Phía bên trái chúng tôi là một khu đất thấp mấy con bò đen đang thong thả gặm cỏ.

 

Những con chó và những con bò để tôi biết chắc nơi này đang có cuộc sống.

 

Chủ nhân đã từ những bậc thang căn mobile home bước xuống đón khách, có chủ nhân nên 3 con chó ngoan ngoãn để yên chúng tôi trèo lên thang vào nhà. Căn nhà có máy lạnh và thêm cái quạt máy đang quay cho tôi cảm giác thoải mái tạm quên nắng ngoài sân hôm nay hơn 90 độ F.

 

Cô em dâu của tôi lôi từ những túi quà mang theo, nào heo quay, vịt quay, rau trái, bún, bánh, đồ khô… y như đi tiếp tế cho tù nhân. Nơi đây xa phố, càng xa chợ búa Việt Nam nên cô em đã mang tặng ông anh họ của cô nhiều thứ. Muốn đi chợ Việt Nam phải mất 2 giờ xe về Dallas hay Houston.

 

Chủ nhân mới xây dựng trại gà được 1 năm, chỉ tính riêng 8 chuồng gà mới tinh là 2 triệu 7 trên khu đất rộng mênh mông hơn 250 acres, trị giá đất là 600 ngàn đồng. Họ không mua được miếng đất nhỏ hơn nên đành bỏ phí đất vì công ty gà Sanderson chỉ cho xây 8 chuồng gà trong khu vực này. Đất rộng rãi dư thừa, ráng chịu. Ngoài xây chuồng gà chủ nhân phải thuê người đổ đất làm nền nhà cho cao ráo bằng phẳng, nơi đặt chiếc mobile home quay ra mặt ngõ, đổ đất làm con đường từ nhà đến những chuồng gà phía đằng sau nhà, khoảng cách không xa là bao. Tất cả đều là con đường đất, màu đất cày xới đã cả năm nhưng dường như vẫn còn tươi vì xe cộ và bàn chân con người chưa giẫm đạp lên bao nhiêu. Rồi mắc điện câu nước để dùng trong gia đình, chưa kể đào 3 cái giếng bơm nước dùng cho lũ gà cưng uống, v.v…

 

Chủ nhân nói tổng số giá trị toàn thể đất đai, trại gà, nhà ở cũng như xe cộ và những công trình phụ thuộc để phục vụ cho trại gà nói tròn số là 4 triệu đô la Mỹ. Nếu mua trại gà cũ 8 chuồng vẫn còn tốt để yên chí tiếp tục nuôi gà kiếm tiền thì khoảng 2 triệu. Nhưng nếu ít vốn mua trại gà quá cũ, giá rẻ hơn, nay hư chỗ này mai hư thứ khác, gặp thời tiết mưa gió bão bùng hay tuyết rơi nhiều, vách hở mái nhà đổ sập sẽ là cơn ác mộng nơi chốn “lưu đày”.

 

Nhiều người Việt Nam với bản tính chịu khó dành dụm tiền bạc và chịu khó làm ăn đã làm chủ trại gà khắp nơi trên đất Mỹ. Chuyện vui buồn trại gà thì đủ kiểu, hoàn cảnh ai thích hợp hay quyết tâm muốn làm giàu thì yêu nghề và bám trụ lâu dài, gia đình  nào “phân ly”, kẻ ở  quê người ở phố cho con cái học hành là một sự hi sinh lớn. Những trại gà được rao bán thường xuyên, có thể sau nhiều năm miệt mài với gà, chủ nhân đã kiếm đủ mớ vốn ước mơ nên bỏ rừng về phố hoặc có thể chủ nhân thất vọng nửa đường bỏ cuộc. Mỗi người một cảnh, một tâm trạng.

 

Chúng tôi nói chuyện xong là háo hức đòi đi xem trại gà rồi ăn cơm sau dù rằng bụng đang đói. Lần đầu tiên trong đời tôi được ngồi lên một chiếc xe nông nghiệp, loại xe dùng để chạy trong farm do chủ nhân lái dẫn đường và xe người em theo sau. Chiếc xe chạy trên con đường đất tung bụi mù, 3 con chó chắc ngày tháng buồn tênh vì vắng người nay có đám khách nhộn nhịp chúng hớn hở như phát cuồng chạy băng mình trong bụi cát và nắng nóng theo sau xe chúng tôi.

 

Ngoài khu nhà ở và khu chuồng trại được phát quang, phía xa mênh mông là cây hoang bụi rậm có lẽ chủ nhân cũng chẳng mấy khi có thì giờ đến đó, để mặc chúng tự vươn lên tồn tại hay lụi tàn với nắng mưa bốn mùa. Con đường đất tương đối bằng phẳng dẫn đến gần những chuồng gà thì bỗng lổm chổm đá, những cục đá trắng to như quả trứng vịt, như những nắm đấm tay, chắc để tiết kiệm tiền nếu đổ bê tông hay trải nhựa. Bà nào cô nào mà đi giày cao gót đến đây sẽ không thể nào bước nổi, mà nếu cố bước thì sẽ ngã giập mặt u đầu.

 

Chủ nhân gõ cửa chuồng gà như thông báo với chúng là có khách đến thăm nè rồi mới mở cửa, mùi phân gà xông ra và trong ánh đèn mờ cả lũ gà nhốn nháo xoè cánh chạy xô vào nhau thấy mà thương.

 

Mỗi chuồng gà dài 600 feet, rộng 50 feet, chứa 28 ngàn con. Chủ nhân chỉ thuê một anh Mễ làm full-time, hằng ngày chủ cùng người làm đi rảo qua các chuồng trại kiểm tra nhiệt độ, đồ ăn thức uống và nhặt gà chết để thiêu hủy chúng. Ngoài công việc làm liên quan đến gà anh Mễ thỉnh thoảng cắt cỏ xung quanh 8 trại gà. Anh Mễ sáng đến làm chiều về dù chủ nhân đã hậu hĩ mua một căn mobile home đặt sau căn mobile home chủ nhân để anh ta có thể sinh sống hẳn trong trại gà, nhưng anh thà lái xe đi về mỗi lần hơn nửa tiếng để thấy phố thấy nhà còn hơn thuận tiện nhưng phải sống trong cảnh hoang vắng đìu hiu. Ông chủ vì của cải sự nghiệp của ông thì ráng ở lại chứ anh Mễ mắc mớ chi.

 

Xe lại đưa chúng tôi trở về căn mobile home, những con chó vẫn hớn hở băng mình chạy theo trong đám bụi và nắng hè. Khi xuống xe, tôi bất chợt thấy ngoài xa một chiếc xe chở những cuộn cỏ đang chạy ra phía cổng trang trại và được chủ nhân giải thích:

 

–  Mỗi cuộn cỏ trị giá ít nhất 50 đồng, mỗi lần họ cắt được khoảng 200 cuộn, 250 acres đất của tôi được cắt cỏ miễn phí và họ thì được cỏ miễn phí.

 

Tôi tính toán và tiếc rẻ:

 

–  Những 10 ngàn đồng cho 200 cuộn cỏ kia chứ ít gì. Sao anh không tự làm và bán cỏ kiếm thêm tiền?

 

–  Chị ơi tôi chẳng ba đầu sáu tay mà làm hết mọi thứ, với lại phải sắm sửa máy móc, máy cắt cỏ và máy cuộn cỏ lại.

 

Tôi lại tính toán giùm nhà giàu:

 

–  Sao anh không tận dụng nuôi nhiều bò trên cánh rừng bao la này khỏi phải cắt cỏ lại ra huê lợi?

 

–  Chị ơi, nuôi bò kiểu kinh tế thì phải có bài bản chứ không phải cứ thả rong chúng rồi tới ngày bán lấy tiền. Tôi chỉ nuôi chơi dăm bảy con bò đen Angus như chị thấy trước sân kia cho vui thôi. Cũng như nuôi gà, trông giàn thực phẩm cho ăn cho uống tự động tưởng là nhàn hạ nhưng lúc nào chúng tôi cũng phải để mắt tới chúng, xem gà chết nhiều hay ít, hệ thống đồ ăn nước uống có gì trục trặc không, nửa đêm hay lúc trời mưa to gió lớn sấm sét đùng đùng được báo động thì giá nào cũng phải mò ra chuồng gà lo bảo vệ chúng.

 

Những lúc mưa gió thế tôi cuộn mình trong chăn nghe tiếng mưa rơi bên ngoài mà mơ mộng, thì những chủ trại gà như anh ta lo âu và vất vả quá chừng. Tôi hơi run:

 

–  Nửa đêm anh cũng phải ra chuồng gà hả? Không… sợ ma hả? Đường đi không có lấy một cột đèn, xa xa là rừng đen kịt dày đặc bóng tối.

 

–  Chứ còn gì nữa, đèn xe mình chiếu lên soi đường mà đi, lúc đó sợ gà gặp nạn chứ không thì giờ đâu mà sợ ma.

 

Chủ nhân khoe thêm:

 

–  Có khuya tôi không ngủ được thức dậy pha trà uống và mang đèn pin ra ngoài hàng hiên thấy những đôi mắt xanh lè của những chú nai tơ nhìn tôi, chúng ghé vào hiên nhà ngủ qua đêm.

 

Tôi rùng mình:

 

– Tôi mà gặp những đôi mắt xanh lè trong bóng đêm là ngã bất tỉnh rồi trước khi kịp nhận ra đó là mắt con nai tơ.

 

–  Chỉ có tôi và nai trong đêm khuya, chúng tôi như bạn hiền, bạn tri kỷ.

 

Tôi chưa hết lo sợ:

 

– Thế anh có nhìn ra phía nhà kho hoang phế trước sân nhà anh không? Lỡ… có ai núp trong đó và… bước ra vẫy tay chào anh. Còn căn mobile home anh Mễ không chịu ở, bỏ trống phía sau nhà anh nữa, lỡ có… hồn ma bóng quế nào vào đấy tá túc và trong những đêm khuya canh vắng mưa gió chập chùng hồn ma đến gõ cửa nhà anh cho đỡ đơn lạnh, lẻ loi?

 

Chủ nhân kêu lên:

 

– Trời, đầu óc chị giàu tưởng tượng quá chừng. Tôi chưa bao giờ nghĩ ra điều này.

 

Tôi chưa buông tha:

 

– Thôi thì anh không sợ ma chết nhưng anh biết sợ ma sống chứ? Nếu như có kẻ lạ vào đây anh tính sao?

 

Thấy tôi vẽ ra bao cảnh hãi hùng, chủ nhân không thèm trả lời cho mỏi miệng, anh ta dẫn chúng tôi đi đến từng góc nhà góc bếp, nơi nào cũng có dựng sẵn hai cây súng trường, súng để khơi khơi như que củi và trong phòng ngủ thì anh thủ sẵn khẩu súng lục, anh giơ cao túi đựng những viên đạn và khẩu súng lục lên khoe, vô tình một vài viên đạn rơi xuống sàn làm tôi hoảng hốt nhảy ra xa và hét lên:

 

–  Ối giời ôi! Đạn!!!

 

Chủ nhân bật cười:

 

–  Chị nhát gan nên tưởng ai cũng nhát gan. Ha ha… Này nhé từ ngoài ngõ vào đến sân nhà khoảng nửa dặm đường, kẻ lạ bước vào là sai trái rồi, 3 con chó dữ của tôi sẽ xông ra cho tôi đủ thời gian lên đạn phòng vệ.

 

Chúng tôi ăn uống và chuyện trò đến chiều thì chuẩn bị ra về, chủ nhân bưng ra vỉ trứng gà và hũ trứng muối to tổ bố, giới thiệu:

 

– Trứng gà của farm người Việt Nam bên cạnh biếu tặng, farm tôi nuôi gà thịt, farm kia nuôi gà đẻ trứng. Tuy gọi là “bên cạnh” nhưng vẫn “ngàn trùng xa cách”, cả tháng dễ gì thấy mặt nhau. Đây là trứng gà hai tròng không ấp được nên chủ trại tha hồ ăn hay cho hàng xóm thay vì vứt bỏ, tôi ăn trứng không hết nên làm trứng muối khô, nhúng trứng vào rượu mai quế lộ rồi lăn trứng vào muối, xếp vào hũ đậy lại 4 tuần là ăn được. Thơm ngon lắm, tặng khách ăn lấy thảo.

 

Tôi thích thú:

 

– Trứng gà hai tròng hèn gì to quá, cứ tưởng trứng ngỗng hay trứng gà tây, tôi thích trứng muối khô không cần nước này lắm.

 

Tiễn chúng tôi ra xe ba con chó cũng xôn xao cùng chủ nhân, chúng luẩn quẩn bên chúng tôi như lưu luyến phút chia tay. Chủ nhân giơ tay chào chúng tôi và nói:

 

– Chốc nữa tôi lại rảo qua 8 chuồng gà để xem lần cuối có con nào chết không rồi mới yên tâm cho buổi tối đi ngủ.

 

Thì mỗi con gà là tiền của anh ta mà, bao nhiêu gà bao nhiêu trọng lượng là bấy nhiêu tiền, nếu để gà chết nhiều thì income cũng hao theo. Công việc nào cũng có những vất vả khó khăn của nó, đồng tiền chân chính nào cũng có tâm huyết và mồ hôi của con người.

 

Xe chạy ra khỏi cổng trang trại, chiều đang xuống dần. Trại gà nơi hoang vắng theo tôi trên đường về. Tôi đang nghĩ đến chốc nữa chủ nhân trại gà lái chiếc xe nông nghiệp chạy trên con đường đất đầy bụi, chân anh đi đôi giày ủng cao, tay anh đeo găng và anh sẽ gõ cửa vào trại gà, căng mắt nhìn trong đám gà xớn xác chạy quẩn vào nhau ấy để tìm con nào nằm lật ngửa thì cứu chúng, đỡ chúng dậy, con nào nằm chết bất động hay yếu ớt loạng choạng thì mang chúng ra khỏi tập thể gà đông đảo khỏe mạnh kia.

 

Rảo qua 8 chuồng gà có nghĩa là kiểm tra hơn 200 ngàn con gà là công việc không nhẹ nhàng nhanh chóng. Vậy mà anh ta nói “rảo qua” cứ tưởng như một cuộc đi dạo chơi thú vị. Mong rằng xong việc tối nay anh sẽ có giấc ngủ bình yên, đừng có tin báo động nào vào trong cell phone của anh để dựng anh thức dậy giữa đêm khuya canh vắng.

 

Tôi về đến nhà lúc 8 giờ tối, đứng trước cửa nhà mình, nhìn xung quanh nhà cửa san sát liền nhau, này bên phải là nhà anh Mỹ đen, bên trái nhà bác Mễ, đối diện là nhà chị Mễ và phía sau lưng nhà tôi là khu apartment đông đúc. Tôi cảm thấy ấm áp làm sao, những hàng xóm thân quen của tôi bỗng dễ thương làm sao. Thế mà có lắm lúc cao hứng tôi ước mơ bán quách căn nhà này đi, tom góp tiền để “pay-down” sang một trại gà, để được làm giàu mau chóng và để được sống trong cảnh yên ả nên thơ của trang trại mà tôi từng vẽ ra trong đầu.

 

Đó chỉ là một giấc mơ hoang đường. Vì tôi chẳng có tiền triệu để nhảy vào kinh doanh một trại gà và vì tôi là một kẻ nhát gan, sợ đủ thứ. Sợ thất bại, người ta làm ăn thành công tới phiên mình thì thua lỗ. Sợ trộm cướp ban ngày và sợ ma ban đêm nơi trại gà mênh mông vắng vẻ chẳng thấy mặt mũi hay bóng dáng người láng giềng nào.

 

Hôm nay được tận mắt thấy trại gà chẳng thơ mộng như tôi tưởng, được tận tai nghe chủ nhân trại gà kể những thuận lợi và vất vả khó khăn. Giấc mơ của tôi bay mất.

 

Vào nhà thay đồ xong tôi cảm thấy đói bụng, lục cơm nguội ra ăn với chút đồ ăn còn trong tủ lạnh tôi thấy bình yên và thoải mái trong căn nhà đèn sáng choang, ngoài kia có nhà cửa hàng xóm đông vui, thỉnh thoảng có tiếng xe chạy qua chạy lại. Còn giờ này nơi trang trại hẻo lánh xa phố xa nhà, nơi không có lấy một cột đèn đường trên 250 acres đất, chỉ có rừng cây và bóng tối, anh chủ nhân trại gà đã lái chiếc xe nông nghiệp từ nhà đến chuồng trại, mò mẫm đi qua từng sân trại lổn nhổn đá cục để rảo hết lượt 8 chuồng gà chưa nhỉ?

 

Nguyễn Thị Thanh Dương

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nay ăn nhờ ở đậu nơi đất nước người, lấy chi mà “những điều trông thấy” kiểu như ngày xưa ấy. Nhưng thấy ý kiến của “bà hàng xóm” là một giải pháp khả dĩ, tôi nghĩ phải làm sao cho ra một bài viết vui vui thích hợp với xã hội đang sống. Trăn trở mãi rồi cũng eureka. Tôi đặt cái khung cho những bài mà tôi gọi là “phiếm”. Thứ nhất, đề tài bám vào những chuyện thời sự, nhất là những chuyện có liên quan nhiều tới cộng đồng người Việt sinh sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Thứ hai, phải viết với lối văn vui vui, tếu tếu nhưng vẫn giữ chừng mực. Thứ ba, phải có hơi hướm văn chương bằng cách dùng những giai thoại hoặc/và những chuyện thực nhưng vui khi tiếp xúc với các bạn văn.
“Sự thật bắt đầu bằng tưởng tượng.” Không phải là câu nói cao siêu rỗng, mà phải nghiền ngẫm rất lâu trong hệ lụy thăng trầm mới có thể cảm nhận. Đó là lý do người ta thường đố: sự thật ở đâu? Không ai thấy rõ sự thật nên nó trở thành phương tiện cho tôn giáo, mục đích cho khoa học, triết học, và giấc mơ cho văn chương nghệ thuật. Cũng là một thứ bình phong, mồi nhử, cạm bẫy trong đời sống thường nhật cho những người bình thường dễ tin.
Đêm 7/3/2025, trong khán phòng của Bowers Museum, một tiếng nói đậm chất “đài phát thanh” vang lên, dẫn dắt hàng trăm khán giả bên dưới bước vào đêm nhạc Mừng Sinh Nhật Khánh Ly 80 Tuổi. Một tháng sau, cũng tại Bowers Musem, người MC này bước lên sân khấu dẫn dắt những buổi hội luận về báo chí, văn học tại Hội Chợ Sách “Viet Book Fest” lần thứ 3 do Hội Văn Học và Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức. Cô cũng là Giám Đốc Điều Hành, người lèo lái con tàu VAALA 34 năm nay.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, đại học UC Irvine tổ chức ba sự kiện văn hóa trong ba ngày 7,8,9 tháng 5 năm 2025. Mở đầu là hội thảo “Những Câu Chuyện Từ Việt Nam Tới Hoa Kỳ - 50 Năm Lịch Sử Và Cộng Đồng”; kế đến là buổi hoà nhạc The Odyssey—From Vietnam To America của nghệ sỹ đoạt giải Emmy Vân Ánh Võ; kết thúc là buổi chiếu phim New wave của đạo diễn Elizabeth Ai. Trong ba sự kiện này, buổi hòa nhạc The Odyssey đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, kéo dài từ nhiều tháng trước. Trên sân khấu, Vân Ánh đã nhiều lần cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã giúp cô đem được buổi trình diễn đến với Quận Cam, thủ phủ của người Việt tị nạn ở Mỹ.
Một tay cầm micro, tay kia cố gắng lật trang sách để giữ nó cố định, Thái Nguyễn chỉ vào hình ảnh cô tài tử Hollywood gốc Việt đang tiếp nhận những ‘hào quang ánh sáng’ của báo chí điện ảnh Mỹ, trong tà áo dài màu xanh lá cây đậm, giới thiệu về sách thiếu nhi Mai’s áo dài: “Đây là lần đầu tiên áo dài Việt Nam hiện diện trên thảm đỏ Oscar!”
Từ đó, nàng được mang tên Nữ Hoàng Chân Đất (hay Nữ Hoàng Sân Cỏ)(*). Những bước chân trần tìm về dấu vết tình yêu nguyên thủy. Những bước chân đi khâu vá lại vết thương của một thời máu xương điên loạn.
“Nếu không có tiếng hát Khánh Ly thì chúng ta có những gì, còn gì?” Nếu chỉ được chọn một câu để nói về người ca sĩ đã cống hiến gần cả cuộc đời cho âm nhạc, thì tôi xin chọn câu nói trên của MC Lê Đình Ysa trong “Đêm mừng Khánh Ly 80 tuổi” được nhóm bạn trẻ Nina Hòa Bình Lê, Ann Phong, Lê Đình Ysa, Nguyễn Lập Hậu & Jimmy Nhựt Hà... tổ chức vào tối thứ Sáu 7/3/2025 tại quận Cam, Nam California.
Người ta thường gói ghém một cuộc đời trong dăm ba trang giấy để gọi là hồi ký. Người ta cũng thường dùng thước đo của 10 năm, 20 năm, 30 năm… để hoài niệm một điều gì đó, cho dù là hạnh phúc hay mất mát. Nhưng không dễ gì để tái hiện cả một cuộc đời dài 80 năm, trong đó có lịch sử, có tình yêu, có nhân quả, có triết lý sống, có ân tình, có nghệ thuật, có tài năng… chỉ trong một đêm. Vậy mà, Đêm-Khánh-Ly-80-Tuổi, đã làm được điều đó.
Bước vào phòng triển lãm, ba bức tranh đầu tiên bên tay phải đập vào mắt người thưởng ngoạn là ba tác phẩm của họa sĩ Ann Phong: “I Told You, The Earth Is Warming Up”; “Looking Back, Looking Forward”; “If We Don’t Care For Nature, It Will Disappear.” Chọn ba tác phẩm này cho cuộc triển lãm, họa sĩ giải thích: “Các tác phẩm nghệ thuật của tôi phản ánh mối quan hệ giữa người với người; trách nhiệm mà chúng ta phải có đối với trái đất nơi chúng ta đang sống. Thật đau lòng khi chứng kiến ​​thiên nhiên bị tàn phá bởi lòng tham và sự thiếu hiểu biết của con người. Có vẻ như khi chúng ta càng làm cho cuộc sống của mình trở nên tiện nghi, thì chúng ta càng tạo ra nhiều ô nhiễm hơn; càng làm cạn kiệt tài nguyên của trái đất một cách bất cẩn hơn…”
Quý bạn yêu nhạc muốn ủng hộ đêm nhạc Mắt Nâu với những tình khúc của Hoàng Tử Bé - Jayden Nguyễn tại Coffee Factory (15582 Brookhurst St, Westminster, CA 92683) vào ngày Lễ Tình Nhân, Thứ Sáu, 14 tháng 2, xin vui lòng nhắn tin đến 714-592-8941 để đặt vé.
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.