Tùy bút
Đường trần một chuyến long đong
Loay hoay được mất xoay vòng tử sinh
-- Chúc Thanh
Sống đã là khó. Mà sống sao cho hạnh phúc lại càng khó hơn. Sự thật, khó hay dễ sống là tùy mỗi người, điều này ai cũng thấy đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rõ trong tác phẩm «Sống hạnh phúc chết bằng an» của ngài.
Cứ mỗi lần nhớ tới Đức Đạt Lai Lạt Ma là tôi nhớ về thầy Nhất Hạnh vì có lẽ cả hai vị này có cùng quan điểm về hạnh phúc. Hạnh phúc của con người, không chỉ là con người của tôn giáo mà là hạnh phúc của con người nói chung, con người trong toàn thế giới bao la. Hai vị đó tu hành như là để đi tìm giải pháp mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân hơn là chỉ để thành các vị Bồ Tát thuần nghĩa (Nói Với Tuổi Đôi Mươi).
Nghe tin thầy Nhất Hạnh ra đi, tôi thốt giật mình dù vẫn biết thầy đã sửa soạn cho ngày này từ lâu, và ngày đến đã đến, 22 tháng 1 năm 2022, ngày viên tịch của ngài, ở nơi ngài bắt đầu cuộc sống «trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thần phật».
Cây đại tùng già cỗi
Nghiêng bóng mình bên song
Chiếc lá nào vừa rụng
Rơi nhẹ nhàng thong dong…
Khi có sự mất mát, thì ai cũng buồn. Nhưng sư ông bảo là không nên buồn lâu, vì khi ta buồn, ta làm cho những người xung quanh và cảnh vật xung quanh càng buồn thêm.
Tôi cũng cố gắng an nhiên và tự tại để hồi tưởng lại về những ngày xưa thật xưa.
Từ cái thuở có thể gọi là thanh xuân của tuổi sinh viên chập chững vào đại học, năm dự bị niên khóa 1964-1965 chúng tôi chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa trường đại học Văn khoa Saigon. Trường tọa lạc ở góc đường Nguyễn Trung Trực và đường Gia Long, cạnh thư viện quốc gia, cũng không xa dinh Độc Lập là mấy. Trường đơn giản, mặt tiền bằng đá hơi hơi xám, có gắn bốn chữ Đại Học Văn Khoa bằng kim khí sáng loáng. Giản dị, khiêm tốn, không màu mè đồ sộ, nhưng rất “văn khoa!”
Văn khoa có lẽ nhờ cái sân cỏ trong vòng rào. Trường chỉ có tòa nhà chính mặt tiền Nguyễn Trung Trực uy nghi gồm khoảng bốn giảng đường chia làm hai tầng. Còn phía sau là những giảng đường phụ, xây một tầng hơi giống những loại nhà tiền chế được vây bọc bằng một sân cỏ, cỏ mọc tự do trong vòng rào xi-măng có từng trụ rất thoáng. Chỗ để xe và lối ra vào cũng đầy cỏ, cỏ gai, cỏ dại, cỏ mọc tự do, nên quần áo tụi sinh viên càng thướt tha chừng nào thì càng dính nhiều gai cỏ dại chừng nấy.
Nếu không có dịp này mà nhớ về kỷ niệm với giảng sư Nhất Hạnh, thì có lẽ tôi quên khuấy, quên bẵng luôn cái sân trường Văn khoa ngày ấy. Tôi không có nói quá đâu, khi tụi tôi đi lên cỏ, lối đi thì hẹp, cỏ mọc tràn lan ra, cỏ phải nằm xẹp xuống, sau đó lại hồn nhiên ngóc đầu lên… Bởi vậy, khi ca sĩ Khánh Ly đến đó hát nhạc Trịnh Công Sơn, nàng được mệnh danh là nữ hoàng chân đất, Khánh Ly đi chân không, khỏi cần giầy dép cũng không hề đau chân nhờ cỏ mọc dầy, mọc lộn xộn.
Năm 1963, tôi học năm dự bị, nghĩa là môn nào cũng phải học một số giờ nhất định: nhóm chúng tôi, hơn 10 đứa, ngơ ngác vào trường mới, học được nhiều thứ lạ mà thiệt ra, học cũng chẳng bao nhiêu, so với năm lớp 12… ở Văn khoa thời khóa biểu coi như đại khái bao gồm: Một buổi, coi như nửa ngày học báo chí kịch nghệ với thầy Phạm Việt Tuyền. Một số giờ, coi như nửa buổi, văn chương bình dân, học với linh mục Thanh Lãng. Hán tự học với thầy Lưu Khôn và cụ Tú Lãm. Văn minh Việt Nam học với giáo sư Phạm Văn Diêu. Sinh ngữ Pháp văn học với giáo sư Lê Trung Nhiên. Sinh ngữ Anh văn với giáo sư Đỗ Khánh Hoan. Triết học nhập môn thì chúng tôi có nhiều nhóm: Triết lý đông phương với thầy Nguyễn Đăng Thục; Triết lý tây phương với thầy Nguyễn Văn Trung; Triết lý tổng quan với thầy Thích Nhất Hạnh.
Tôi phải nhắc và nhớ tới đây, vì chỉ ở năm học dự bị này, chúng tôi mới có nhiều giờ với thầy Thích Nhất Hạnh. Học thầy một năm thôi, nhưng chúng tôi đi đầy đủ tất cả các buổi giảng của thầy, giảng đường đông sinh viên, gần như chật cả, chúng tôi chia nhau đi giữ chỗ trước bằng những quyển sách hay sắc tay để lên ghế nhận phần xí chỗ. Và cũng cãi nhau nhiều vì có những đứa ngang tàng bỏ giỏ sách của một bạn nào đó xuống đất mà ngồi đại xuống ghế. Có những buổi chúng tôi lưỡng lự, không biết nên vào giảng đường nào, tôi vào phòng, rồi lại ra, ra rồi lại vào, tại vì tôi cũng tiếc giảng đường đối diện có linh mục Thanh Lãng đang kể chuyện Hà Ô Lôi cũng rất lôi cuốn, nhưng sau coi bảng thấy linh mục ghi sẽ giảng lại cours này vào tuần tới, nên tôi mới dứt khoát vào giảng đường của thầy Nhất Hạnh.
Thầy Nhất Hạnh, một ông thầy tu Phật giáo nhỏ nhẹ, điềm tĩnh, nói vừa phải, đủ nghe như kể chuyện, vì không thấy ông dùng micro mà chúng tôi vẫn nghe được, tại vì phòng học không ồn ào, tại vì học trò vô đây muốn nghe giảng và ghi bài liên tục, ít làm tiếng động.
So với vóc dáng người Việt Nam, ông vừa người, có hơi gầy, không cao lắm nhưng không nhỏ bé đâu. Ở mỗi phòng giảng rộng, có một cái bục dài và phía trên bục, sau bàn giảng sư là một tấm bảng đen chữ nhật chiều ngang chạy dài 2m80 và chiều cao 1m50 thầy đứng thong dong, hay đi qua đi lại luôn, khi giảng bài, thấy thầy cao hơn cả bảng đen, thầy giảng chậm rãi, rõ ràng, một nửa bảng thầy ghi dàn bài chi tiết, còn một nửa bảng, thầy vẽ những hình tượng schémas dẫn nhập cố gắng cho học trò hiểu mau hơn và chi tiết hơn… triết học nhập môn mà!
Thời gian ấy quá lâu, quá lâu rồi, tôi cũng không còn nhớ rõ những gì đã học được ở trường Văn khoa. Tôi quên, là quên phần nửa cạn, còn phần nửa sâu, vô tình lại rơi vào A Lại Gia Thức!
Vả lại cuộc đời dằng dặc có muôn vàn cái phải quên đi, phải học thêm vô để mà sống. Những biến động bên ngoài xã hội, chiến tranh gay go… mỗi gia đình mỗi cá nhân đều là những hạt bắp, những hạt gạo, lăn qua lăn lại trong cái tổng thể chao đảo là chiến tranh, là bom đạn, là biểu tình, là đảo chánh thường xuyên…
Thương hải biến vi tang điền là gì? Cuộc đời dâu bể, ai mà không trải qua mấy mươi năm chạy giặc, chạy loạn, xô đẩy, đi định cư, trôi giạt theo cơm áo gạo tiền, vận mạng…
Nửa thế kỷ qua đi, nay chúng tôi tạm dừng xoay sở vì tuổi già sức yếu rồi. Còn thầy chúng tôi thì đã đến, đã làm việc hết mình suốt cuộc đời, và vừa ra đi: nghĩ về thầy:
Đường trần một chuyến long đong
Loay hoay được mất xoay vòng tử sinh!
Nhớ hình hài thầy, đảnh lễ thầy, cố nhớ lại, nhớ lời thầy giảng khi xưa, nhớ có những lúc, chúng tôi cứ nghĩ thầy là thầy giáo, lại cũng là thầy tu thì chúng tôi phải hỏi thầy cho rõ lẽ về Phật giáo là gì? Ông Phật là ai? Thầy đã từng giảng giải ngọn nguồn rành mạch rằng “Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni mở ra, khai thị cho nhân loại một con đường tuyệt vời, tuyệt đẹp”. Thì tất nhiên phải là con đường đẹp thầy mới đi theo chứ. Rồi ai muốn đi theo, làm theo thì tùy ý, thầy ung dung nói về “con đường giác ngộ” ấy, thầy nhấn mạnh cách sống mà ta cứ sống với hiện tại là về sống an trú trong ta, nghĩa là chuyên tâm chú ý vào cái ta đang làm, để có những lợi ích gần nhất như: Ít thất bại và không rơi vào trầm cảm. Có sức khỏe tốt, không sợ hãi, không lo âu, nên cơ thể vận động điều hòa, tim mạch bình an. Thảng hoặc có gặp khó khăn rắc rối trong cuộc sống, dĩ nhiên là có, và luôn luôn có… thì ta có nhiều hy vọng, với tâm trí sáng suốt, sẽ tự giải thoát được những nút thắt đó trong hoàn cảnh bớt gay go nhất.
Thầy Nhất Hạnh giảng thoáng và dễ hiểu hơn ở chùa. Có lẽ đây là một trường đại học, một trung tâm giáo dục và đối tượng nghe giảng vấn đề tâm linh buổi ấy, không phải hoàn toàn là Phật tử đồng nhất, cho một buổi lễ thuần tôn giáo. Thì đúng vậy, trường không phải là chùa.
Thầy kể chuyện con đường giác ngộ và nhận xét về Phật pháp nhiệm mầu. Phật pháp là nhiệm mầu! Và Phật pháp chỉ nhiệm mầu khi Phật tử đi đúng vào con đường tuyệt vời ấy.
Con đường tuyệt đẹp đấy, không rắc rối như đa số người thường nghĩ, chỉ giản dị có 3 điều:
– Không làm việc ác.
– Siêng làm điều lành.
– Giữ tâm ý thanh tịnh.
Giáo lý của Phật đơn giản là vậy thôi, mà người ta làm thành rắc rối rồi suy nghĩ ra rất phức tạp. Bởi suy diễn cho thêm phức tạp nên nhiều người e ngại khi đi vào con đường nhất quán đó.
Thầy luôn dậy chúng tôi câu này: “Thực tập Phật pháp mình có hạnh phúc ngay”. Khi thầy nói câu đó, thì tụi sinh viên nhìn thầy đúng nghĩa là một sư ông, nhưng là một sư ông giảng sư đang là một giảng sư đại học.
Giảng sư ông muốn truyền đạt cho sinh viên điều gì? Đó là sư ông đang dạy sinh viên của người cách sống, là không có gì hạnh phúc bằng ta biết ta đang làm gì trong giây phút hiện tại. Ta đang nghe giảng bài. Ta đang đi, ta đang nói. Ta đang cười. Ta đang suy ngẫm xem người đối diện với ta đang nói với ta điều nào đúng, điều nào sai…
Ta biết ta đang làm gì lúc này, là ta đã về, đã tới, là đi không sai đường, đấy là hạnh phúc và hạnh phúc có thiệt! Điều đó rất đơn giản, rất dễ hiểu.
Khi ta an trú trong hiện tại, khỏi phải suy nghĩ vu vơ, là lúc ta đang hạnh phúc, có hạnh phúc.
An trú trong hiện tại còn gọi là chánh niệm. Chữ chánh niệm nghiêng về tôn giáo nhiều hơn.
Chữ an trú trong hiện tại, mang ý nghĩa thông thường về đời sống nhiều hơn.
Vậy an trú trong hiện tại và chánh niệm là đồng nghĩa. Thế nhưng có rất nhiều người, vẫn theo lời và ý của giảng sư, là có rất nhiều người theo đạo Phật, học Phật pháp từ lâu, từ bé cho tới lớn, vẫn không hiểu được thế nào là an trú trong hiện tại, hay nói khác đi đồng nghĩa đi vào chánh niệm.
Hoặc họ có thể hiểu cái ý, đại khái là cái từ, nhưng họ không nắm bắt được và không thực hành được. Thí dụ : Bà A đang leo lên cầu thang mà lại nghĩ là từ sáng tới giờ ta đã tiêu béng mất 50 đô la rồi… thì dễ có nguy cơ té lầu thang! Vẫn theo ý của thầy, là có điều cũng rất lạ lùng là có những người chưa bao giờ học Phật, họ tới nghe và chỉ trong 5 phút, hay 10 phút hay lâu hơn chút xíu, là họ hiểu liền, làm được liền và họ cảm thấy hạnh phúc!
Có thể gọi đó là đốn ngộ? Tức là cảm nhận trực tiếp.
Có phải như thầy Ngưỡng Sơn, trong thiền tông đã đốn ngộ được Phật pháp chỉ sau mấy mũi kim may xuyên qua, xuyên lại khi may áo? Đốn ngộ rất là vi diệu! Điều đó thầy Thích Nhất Hạnh bảo là hết sức lạ lùng.
Lại nói về những người đã tu học Phật pháp lâu năm, năm năm, tháng tháng, và đã từng phát nguyện: «Pháp môn vô lượng thệ nguyện học!» Mà học hoài hoài, vẫn không nắm bắt được chánh niệm, tại sao ? Họ cũng không kém thông minh đâu, hay là họ coi thường, họ cho là quá dễ? Cũng có thể là họ nghĩ đạo Phật rất là sâu sa, triết lý từng chồng sách này qua kinh nọ.
«Làm quan thì sợ đi qua cửa ải. Làm ni, làm sãi thì sợ chú lăng nghiêm?»
Họ cứ cho là nếu không cao siêu, không bí ẩn, không khó khăn thì sao gọi là đạo? Cứ ngoan cố cứng đầu vậy, chẳng khi nào lại đến gần được, còn nói gì tiếp nhận được Phật pháp ! Không biết ta đang làm gì, kể cả không biết tam quy, ngũ giới, e có khi cả đời ta đi vào rừng lượm lá, đi mãi, lại về tay không!
Chấp nhận sống với hiện tại, an trú trong chánh niệm là có hạnh phúc. Phật đã dậy như vậy. Tương tự, một tác giả phương tây cũng viết rằng:
L’instant présent
Aujourd’hui est le plus beau jour de notre vie, car hier n’existe plus,
et demain ne se lèvera peut être jamais le passé nous étouffe dans les regrets et les remords,
le futur nous berce d’illusion. Appécions le soleil qui se lève, réjouissons-nous de le voir se coucher. Arrêtons de dire «il est trop tôt» ou «il est trop tard». Le bonheur est là, il est l’instant présent. (Guillaume Russo)
Xin tạm dịch:
Phút giây hiện tại
Hôm nay là ngày đẹp nhất cuộc đời chúng ta, vì hôm qua không còn nữa,
Và ngày mai có thể sẽ không bao giờ tới,
Quá khứ làm chúng ta ngôp thở bởi những nuối tiếc và ray rứt,
Tương lai ru ngủ chúng ta bằng đầy ảo ảnh, chúng ta thưởng ngoạn mặt trời lên, chiêm ngưỡng mặt trời lặn,
Hãy ngừng nói là quá sớm hay quá trễ,
Hạnh phúc là đây, là phút giây hiện tại.
– Chúc Thanh
Paris mùa đông 2021
Kính nhớ về thầy Nhất Hạnh
A Di Đà Phật