Hôm nay,  

Bài Thơ Trên “Đảo Thiên-Thần”

11/02/202200:00:00(Xem: 3326)

 

hinh-phai-1
 Angel Island vào cuối thế kỷ 19, nhìn từ Sausalito. Nguồn: Marin IJ

 
 
Du khách đến Vùng Vịnh Bay Area thường hỏi thăm về đảo Alcatraz — tuy nhỏ nhưng nổi tiếng nhờ có nhà tù khét tiếng đã được làm phim với Clint Eastwood thủ vai chính. Thế nhưng ít ai biết đến, hoặc tò mò muốn ghé thăm, Angel Island (Đảo Thiên-Thần) mặc dù nó từng đóng một vai trò khá đáng kể trong vở kịch di dân của nước Mỹ.
 
Angel Island là hòn đảo lớn thứ nhì trong Vịnh San Francisco, với diện tích hơn 3km vuông. Cách đây mười ngàn năm chỏm đất này còn dính với đất liền, nhưng sau thời kỳ Băng-Hà mực nước biển lên cao biến nó thành hòn đảo. Khoảng hai nghìn năm trước, nơi đây là vùng săn bắn và đánh cá của thổ dân da Đỏ Miwok. Sau khi người Âu-Châu khám phá ra tân-thế-giới, người Tây-Ban-Nha đã dùng nơi này để nuôi bò.
 
Ngày nay Angel Island là một khu lâm viên của tiểu bang California, đồng thời là một di tích lịch sử cấp quốc gia. Điểm cao nhất trên đảo là ngọn núi cao 240 mét mang tên Mount Livermore. Từ bờ Bắc của đảo có thể nhìn thấy vùng trồng nho Sonoma và Napa xanh ngát. Vào những ngày nắng đẹp, đứng ở bờ Nam có thể thấy thành phố San Jose và San Francisco xa xa.
 
hinh phai 6
Thuyền nhân vừa đổ bộ lên Angel Island. Nguồn: National Archives
 
Mệnh danh “Ellis Island của Miền Tây”, Angel Island là trạm dừng đầu tiên của thuyền nhân vượt Thái-Bình-Dương đến Mỹ — tương tự như Ellis Island ở New York, nơi có tượng Nữ-Thần chào đón “đoàn người lam lũ, thèm hít thở không khí Tự-Do” (the huddled masses yearning to breathe free). Nhưng khác với Ellis Island là nơi đón tiếp dân da trắng đến từ Âu-Châu, những người được Angel Island đón nhận đa phần là dân da vàng và da nâu từ Trung-Mỹ, Nam-Mỹ và Á-Châu (có cả người Việt). Đông nhất là người Hoa.
 
Câu chuyện về Đảo Thiên-Thần bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ 19 và kéo dài đến năm 1940. Không chỉ là một trại tạm trú bình thường, nó còn mang dấu tích của  và biểu tượng của nạn kỳ thị dân da vàng mà cho đến nay vẫn ít được ai nhắc đến.
 
Vào những năm giữa thế kỷ 19, khi vàng được khám phá ở California, người Hoa đã ồ ạt di cư sang Mỹ. Lúc bấy giờ thời gian của chuyến hải hành từ Trung-Hoa lục địa hay Hồng-Kông sang Cali cũng ngang ngửa từ Boston hay New York bằng đường bộ. Người Hoa không chỉ sang Mỹ để đào mỏ mà còn làm những công việc tay chân khác. Họ cung cấp một nguồn lao động rẻ tiền và kiếm sống bằng đủ nghề phục vụ người da trắng. Dẫu vậy, họ không có nhiều quyền lợi cũng như không được phép trở thành công dân. Người da trắng gọi họ là “coolies” (cu-li) hoặc miệt thị hơn nữa thì là “chink”. Như nhiều cộng đồng di dân khác, người Hoa sống túm tụm với nhau trong các khu xóm gọi là Chinatown, lớn nhất là ở San Francisco.
 
Khi chính phủ liên bang cần xây đường xe lửa xuyên lục địa — Transcontinental Railroad, vào những năm sau Nội-Chiến, họ đã phải mướn nhân công Hoa-kiều mặc dù bị các nhóm tư bản da trắng phản đối dữ dội. Nhiều người Mỹ viện cớ dân Á-Châu nhỏ con, yếu đuối, không thể nào kham nổi công việc cực nhọc này. Thế nhưng sau nhiều tuần lễ đăng báo tuyển mộ, chỉ có vài trăm người da trắng ghi danh. Năm 1865 ông Leland Stanford — cựu thống đốc California và giám đốc công ty hoả xa Central Pacific (sau này sáng lập đại học Stanford) — điều trần trước Quốc-Hội rằng nếu không có nhân công Hoa-kiều thì đường sắt Transcontinental Railroad sẽ không thể nào hoàn tất kịp theo yêu cầu của nhà nước. Nhờ vậy mà số người Hoa được Quốc-Hội cho phép nhập cư tăng mạnh.
 
hinh-phai-2
Lao động Hoa-kiều xây đường sắt ở Utah. Nguồn: Canyonlands Natural History Association
 
Khởi đầu với một đội ngũ chỉ 21 người, hơn 20 ngàn công nhân Hoa-kiều đã góp công xây dựng đường hoả xa xuyên bang, thay đổi bộ mặt và lịch sử Hoa-Kỳ. Hàng ngàn người Hoa đã bỏ mạng trên các vùng rừng núi và sa mạc, nhất là khu vực hiểm trở gần Reno, Nevada. Sau khi tuyến đường sắt tại các tiểu bang miền Tây hoàn tất năm 1969, lao động Hoa-kiều phải tìm việc khác để làm. Cùng lúc đó, kinh tế nước Mỹ bước vào một giai đoạn thoái trào — The Long Depression, khởi đầu từ các thành phố lớn ở bờ Đông. Dân da trắng từ các thành phố miền Đông tràn sang California tìm việc, đa số quy tụ ở San Francisco. Hiềm khích bắt đầu xảy ra.
 
Công nhân Hoa-kiều nhờ chịu lãnh lương rẻ hơn nên lấy được job của người da trắng, đã vậy họ lại không buôn bán, xài tiền với doanh nghiệp da trắng nên càng bị ganh ghét. Thập niên 1870 là lúc các cuộc xung đột giữa người da trắng và da vàng xảy ra thường xuyên. Năm 1871, một cuộc tàn sát thảm khốc đã diễn ra tại Chinatown ở Los Angeles, khi ấy mới chỉ có khoảng 170 người Hoa trú ngụ. Hơn 500 người da trắng và Mễ đã giết hại và treo cổ gần 20 người Hoa. Không kẻ phạm pháp nào bị kết án. Năm 1877 đến phiên Chinatown ở San Francisco bị tấn công trong ba ngày liền. Lúc bấy giờ dân số San Francisco đã lên đến 200,000 người — 10% là Hoa kiều, và tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức 20%. Bộ phim “Warrior” trên HBO, với Dustin Nguyễn và Diana Đoàn, cũng dùng bối cảnh San Francisco vào thời điểm này với nhiều màn đâm chém khá gay cấn (ai chưa xem nên xem cho biết).

hinh-phai-3

Chinatown, San Francisco đầu thập niên 1900. Ảnh: Arnold Genthe

 
Tình hình ngày càng căng thẳng. Đến năm 1882 thì Quốc-Hội thông qua đạo luật “Chinese Exclusion Act”, cấm hầu hết người Hoa nhập cư vào Mỹ trừ một vài thành phần đặc biệt như ngoại giao, nhà giáo, các nhà chuyên môn v.v. Đây là đạo luật đầu tiên — và duy nhất, trong lịch sử Hoa-Kỳ nhắm vào một sắc dân hay chủng tộc. Sau khi đạo luật có hiệu lực, di dân đến từ Á-Châu bị đưa lên các nhà tù nổi của sở di trú đậu trong Vịnh San Francisco để được thanh lọc. Với những điều kiện khắt khe của đạo luật “Chinese Exclusion”, số người Hoa bị từ chối và trục xuất khá cao. Nhưng vì lý do kinh tế và chiến tranh nha phiến ở Trung-Quốc vào cuối thế kỷ 19, người Hoa vẫn tiếp tục tìm cách bỏ nước ra đi.
 
Sang đầu thế kỷ 20, bệnh dịch hạch nổi lên khắp nơi. Cùng vào thời điểm đó, một trào lưu khoa học nửa mùa mang tên Eugenics lan tràn trong giới trí thức Âu-Mỹ. Xuất phát từ Anh, phong trào Eugenics xâm nhập vào chính trường Mỹ và có ảnh hưởng sâu rộng đến chính sách di dân. Nó dựa trên giả thuyết con người ta có thể chọn lọc gen để đẻ ra những đứa con có giống tốt và loại trừ những giống xấu. Tất nhiên tốt xấu ở đây được nhìn qua lăng kính của màu da và sắc tộc. Và từ góc nhìn của người Caucasian da trắng thì các giống da màu đều xấu hơn, không thể pha trộn với genes của họ. Eugenics chính là hạt mầm dẫn đến Holocaust của Hitler, tiêu diệt hàng triệu người Do-Thái và gypsies sau này.

hinh phai 7

Nơi tiếp đón người di dân trên Đảo Thiên-Thần. Nguồn: National Archives

 
Do hai lý do nói trên, năm 1910 chính quyền cho xây một khu tạm giam trên Đảo Thiên-Thần để thanh lọc và xử lý người nhập cư, tương tự như Ellis Island ở New York. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu và sổ sách còn được lưu trữ, có sự khác biệt rõ rệt giữa hai trạm tạm trú. Ở Ellis Island, đa số di dân là da trắng đến từ Âu-Châu; trong số đó chỉ có khoảng 20% là bị giữ lại trong trại tạm trú. Thời gian họ ở trong trại cũng không lâu; trung bình chỉ độ một hai ngày để kiểm tra lý lịch, giấy tờ v.v. Hầu hết (98%) được cho phép vào nước Mỹ. Trong khi đó thì gần hai phần ba người nhập cư qua cảng San Francisco bị đưa vô trại tạm giam trên đảo Angel Island. Đa số bị giữ lại nhiều ngày, có khi nhiều tuần, nhiều tháng. Một người bị giam đến 756 ngày!
 
Phần lớn những người bị nhốt trên đảo Angel Island đến từ Á Châu — Đại Hàn, Phi Luật Tân, Ấn Độ v.v. Nhưng đông nhất là từ vùng Quảng Đông bên Tàu. Để làm khó dễ những người không biết nói tiếng Anh này, nhân viên di trú đặt ra những câu hỏi thật khúc mắc nhằm đánh rớt họ. Có nhiều câu hỏi thật ngớ ngẩn, như nhà anh cách nhà kế bên cạnh bao nhiêu feet? Mục đích chính của sở di trú thật ra chỉ để trục xuất càng nhiều người càng tốt. Chỉ những người lanh lẹ, giỏi tiếng Anh và có tiền mới có thể kiện cáo và có cơ hội thắng kiện để được vào Mỹ. Nó là một hình thức thanh lọc và kỳ thị có hệ thống, được luật hoá hết sức bất công nhưng cực kỳ tinh vi. Kết quả là nó đã dẫn đến nhiều trường hợp thương tâm, mà câu chuyện sau đây chỉ là một ví dụ.
 
hinh phai 8
Giường cho người bị tạm giam trên Đảo Thiên-Thần. Nguồn: National Archives
  
Năm 1924, vài tuần trước khi một đạo luật mới mang tên “Immigration Act” có hiệu lực, Soto Shee cùng chồng là Lim Lee và đứa con trai đầu lòng mới 7 tháng rời Hồng-Kông sang Mỹ để đoàn tụ với bố của Lim Lee là một công dân Mỹ sống ở San Francisco. Lúc bấy giờ Soto đang mang thai đứa con thứ nhì trong bụng. Khi họ cập bến San Francisco, chiếu theo luật di trú mới, chỉ mỗi một mình Lim Lee là được lên bờ. Soto và đứa con trai bị đưa sang Angel Island. Tại đây con trai cô mắc bệnh viêm ruột và qua đời, phải đưa xác cho bố đứa bé là Lim Lee ở San Francisco để chôn. Luật sư của Soto xin phép cho cô rời trại để dự đám tang nhưng bị từ chối. Không những vậy, sở di trú còn ra lệnh trục xuất Soto trở về Tàu. Quá tuyệt vọng, Soto treo cổ tự tử. May sao cô được cứu sống kịp thời. Đến lúc đó nhân viên di trú mới chịu cho Soto ở lại để đi đám tang con mình.
 
Ít lâu sau khi xuất trại Angel Island, Soto cho ra đời một bé gái; hai vợ chồng đặt tên con là Mỹ Hảo, tiếng Anh là Mabel, để đánh dấu cuộc sống mới ở Mỹ-quốc. Tuy nhiên, họ vẫn phải tiếp tục tranh đấu để Soto không bị trục xuất. Phải mất nhiều năm trời họ mới hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ. Cuối cùng thì Soto Shee cũng được định cư hợp pháp. Bà sinh cả thảy tám người con và sống cho đến năm 96 tuổi.
 
hinh-phai-5
Một căn trại trên Đảo Thiên-Thần. Nguồn: National Archives
  
Angel Island được dùng làm trại tạm trú cho người nhập cư gần 30 năm. Năm 1940 nó bị đóng cửa sau một trận hoả hoạn. Trong khoảng thời gian 30 năm ấy Angel Island đã đón nhận gần nửa triệu người đến từ 80 quốc gia khác nhau, hơn phân nửa đến từ Trung-Quốc. Đến năm 1943 thì luật “Chinese Exclusion” bị Quốc-Hội dẹp bỏ. Sang thập niên 1950-60 các điều kiện di trú được nới lỏng dần. Người di dân từ Á-Châu được quyền trở thành công dân như xưa.
 
Thời Đệ-Nhị Thế-Chiến, Angel Island được dùng làm nơi thanh lọc và xử lý tù binh chiến tranh và trại tập trung người Mỹ gốc Nhật. Sau năm 1946 trại bị bỏ hoang cho tới năm 1963 thì được sáp nhập vào hệ thống State Park của California. Năm 1970 Sở Lâm-Viên Tiểu-Bang ra quyết định đập bỏ các trại tạm giam và xây một khu State Park mới với các trò chơi dã ngoại như cưỡi ngựa, cước du, cắm trại v.v.
  
hinh phai 9
Một căn trại trên Đảo Thiên-Thần. Nguồn: Angel Island Immigration Station Foundation
 
Lúc bấy giờ, một nhân viên của State Park tên Alexander Weiss khám phá trên các bức tường của các lán trại có rất nhiều bài thơ chữ Hán và Nhật, một số bài còn được khắc vào gỗ. Bản thân Weiss cũng là một di dân từ Áo quốc. Hồi còn trẻ, Weiss từng phiêu dạt từ miền Đông nước Mỹ sang San Francisco, làm đủ thứ nghề để kiếm sống kể cả thuỷ thủ trong Hải Quân Mỹ.  Là một nhạc sĩ và thi sĩ, đồng thời là nhà hoạt động dân quyền từng tham dự các cuộc biểu tình bằng xe bus của nhóm Mississippi Freedom Riders vào thập niên 1960, Weiss đã bỏ ra 20 năm trời để lấy được mảnh bằng đại học tại San Francisco State University. Hơn ai hết, Weiss nhận ra Angel Island là một mảng lịch sử hiếm quý cần được lưu giữ và bảo vệ.
 
Nhờ sự vận động không mỏi mệt của Weiss, cùng với sự hậu thuẫn từ cộng đồng Á Châu, giới sinh viên, văn nghệ sĩ và các nhóm bảo tồn di sản văn hoá trong Vùng Vịnh, năm 1976 thống đốc Jerry Brown ban hành một đạo luật biến các khu trại trên Angel Island thành một khu di tích lịch sử. Các căn nhà được trùng tu lại, và các bài thơ trên tường được phục hồi và bảo quản cẩn thận. Năm 1983, trại di dân Angel Island được mở cửa cho công chúng vào xem. Angel Island trở thành một địa điểm tham quan cho những ai muốn tìm hiểu thêm về cuộc hành trình đầy máu và nước mắt của những thế hệ di dân da vàng cách đây một thế kỷ.
 
Hơn hai trăm bài thơ chữ Hán đã được phát hiện tại đây, đa số làm theo thể thơ Đường cổ điển. Thêm vào đó là hàng trăm những hàng chữ rải rác đó đây bằng tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Ấn và nhiều thứ tiếng khác… Nó là chứng tích của bao thế hệ di dân đã bị nhốt tại đây với tương lai mờ mịt, bất định. Nó là những tiếng thở dài và tiếng kêu trong tuyệt vọng của những con người đang lây lất trong cảnh tù đày bất đắc dĩ. Nó là nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ anh chị em; nhớ người yêu bên kia bờ Thái Bình Dương xa tắp.
 
 
hinh-phai-4
Một bài thơ khắc trên tường. Nguồn: Angel Island ISF
 
Là người Việt, có lẽ chúng ta dễ dàng cảm thông và thấu hiểu tâm trạng của những thuyền nhân và tù nhân này. Người viết tuy chưa bước chân lên Angel Island bao giờ, nhưng lần tới có dịp ghé Vùng Vịnh chắc chắn sẽ tìm cách đến thăm Đảo Thiên-Thần để nhìn tận mắt những bài thơ và nét chữ của những người di dân thuở trước. Trong khi chờ đợi, xin mời các bạn thưởng thức một bài thơ của một tác giả vô danh, vừa mới được dịch sang tiếng Việt.
 
Bài 43
 
囚困木屋天復天
自由束縛豈堪言
舉目誰歡惟靜坐
關心自悶不成眠
日永樽空愁莫解
夜長枕冷倩誰憐
參透箇中孤苦味
何如歸去學耕田
 
Tù khốn mộc ốc thiên phục thiên
Tự do thúc phược khởi kham nghiên
Cử mục thuỳ hoan duy tĩnh toạ
Quan tâm tự muộn bất thành miên
Nhật vĩnh tôn không sầu mạc giải
Dạ trường chấm lãnh thính thuỳ liên
Tham thấu cá trung cô khổ vị
Hà như quy khứ học canh điền
 
oOo
 
Trong gian nhà gỗ giữa trại giam
Ta ngồi thúc thủ đếm thời gian
Nhìn quanh chẳng thấy ai vui cả
Ngủ không tròn giấc chả buồn than
Môi khô chén rượu vơi ngày ngục
Gối lạnh đêm tù rối ruột gan
Biết tỏ cùng ai niềm cô khổ—
Hay ta về lại với ruộng làng?
 
-ianbui
2022.01.01

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Westminster, CA – Học Khu Westminster hân hoan tổ chức mừng lễ tốt nghiệp của các học sinh đầu tiên trong chương trình Song Ngữ Tiếng Việt (VDLI) tiên phong của học khu. Đây là khóa học sinh đầu tiên ra trường và các em sẽ được ghi nhận tại buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt được tổ chức vào thứ Ba, ngày 28 tháng Năm, lúc 6:00 giờ chiều tại phòng Gymnasium của Trường Trung Cấp Warner (14171 Newland St, Westminster, CA 92683).
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
Vì hình ảnh ảm đạm, buồn sầu, như tiếng kêu đòi tắt nghẹn. Tôi, tác giả, đi giữa lòng thủ đô Hà Nội mà không thấy gì cả, không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Cờ đỏ là quốc kỳ. Mưa sa làm cho những lá quốc kỳ sũng nước, bèo nhèo, nhếch nhác, úng rữa. Một hình ảnh thảm hại. Hình ảnh thảm hại là dự phóng cho tương lai thảm hại. Và thất bại. Lạ một điều, người ta chỉ trích dẫn năm dòng thơ này, tổng cộng 14 chữ, mà không ai trích dẫn cả bài thơ, và hẳn là hơn 90% những người biết năm dòng này thì không từng biết, chưa bao giờ đọc, cả bài thơ, và tin rằng đó là những lời tâm huyết của nhà thơ Trần Dần nói về thời cuộc mà ông nhận thức được vào thời điểm 1955.
Viet Book Fest cho thấy thế hệ trẻ gốc Việt nay đã vượt qua được những ràng buộc cơm áo gạo tiền của thế hệ đi trước, để cộng đồng Việt nay có thể vươn lên với giấc mơ văn học nghệ thuật trên đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.