Người thông dịch mù. Cô thích vậy. Không phải tâm địa cô xấu xa. Có trời biết lòng cô trắng trong. Bằng chứng là hắn đã đối xử với cô rất là tồi tệ, mà cô không một lời rủa xả. Cho dù cô rủa thiên hạ hằng ngày. Với hắn, cô chưa hề có một chút oán hờn hay một lời trách móc. Cô chỉ sợ; chỉ lo cho mình. Và nhất là cho nó; cái sinh vật lạ lẫm, nhẹ bâng như món đồ chơi nhưng cũng nặng nề như đá tảng. Nhưng nói gì thì nói, cô cần một người giỏi tiếng Anh, có tấm lòng bao dung hay ít ra cũng không soi mói đến chuyện của cô. Một người chỉ làm công việc dịch những câu tiếng Anh xí xô từ đám y tá, đám y công và bà nhân viên sở xã hội ra tiếng Việt cho cô hiểu. Một người chỉ biết nói những câu ngắn, gọn. Rõ ràng, minh bạch. Và đừng có cho dù chỉ một chút mỏng teo của cái nheo mày phê phán. Làm được chừng đó công việc, ai khéo léo hơn một người mù. Thế nên cho dù phải gồng người lên, vét sạch từng chút gan dạ trời cho còn sót trong tim, gan, phèo, phổi... cô cũng sẽ làm, và cô sẽ dùng tất cả vốn liếng Anh ngữ có được để đòi cho được một người thông dịch mù.
Buổi sáng. Nắng nhuộm vàng những mái nhà lợp ngói mầu nâu thẫm. Lá rụng úa cả con đường quanh co viền quanh bệnh viện. Cô ngồi bên khung kính cửa sổ. Nắng loang cả vai áo bệnh nhân mầu xanh nhạt. Chiếc áo rộng thùng thình, trống trước trống sau, mặc mà thấy lỏng lẻo như không mặc. Tiếng người đàn bà lanh lảnh trên hệ thống loa. Cô chỉ nghe được mỗi một chữ doctor. Tiếng gọi dồn dập như thúc dục. Chắc phải có cái gì khẩn cấp lắm. Cô nhớ phòng cấp cứu bệnh viện nơi cô oằn người vật vã với cơn đau hai hôm trước. Cô còn nhớ rõ ràng cái ghế có tay dựa nơi cô cong người chống hai tay vào lưng ghế, cố ém cơn đau xé gan xoắn ruột xuống. Chiếc ghế bọc da mầu cà phê sữa lợt. Cô nhớ dòng nước ấm tuồn tuột chảy từ đùi xuống hai ống chân, bò ngoằn ngoèo như con rắn loang loang trên nền xi măng mầu xám. Cô nhớ cái hốt hoảng trộn lẫn với cơn đau. Hai bàn chân rối rắm, chặn bắt dòng nước bò hoang trên nền nhà. Cô không nhìn một ai. Cô không dám nhìn ai. Nhưng cô thấy hết, những con mắt xăm xoi. Rồi người ta chuyển cô vào phòng cấp cứu. Khám khám. Đo đo. Cô nằm trên chiếc giường có bánh xe. Người y công đẩy cô đi tuồn tuột qua bao nhiêu là hành lang. Trần nhà mầu ngà mỏi rời con mắt. Những ngọn đèn trắng vùi sâu trong vách tường. Tiếng chân bước lao xao. Và tiếng loa xáo xác khua động không gian. Tiếng loa ấy. Bây giờ nghe đã thấy quen quen. Nhưng cô vẫn không nghe được gì khác hơn chữ doctor.
Ai đó đẩy hé cánh cửa. Cô vội vã cúi gằm đầu xuống. Đôi chân đi giầy vải mầu trắng bước đến sát bên cô. Hi, how are you? Câu này nghe đã quen, nên cô khẽ gật đầu. I am fine. Những câu nói thông thường học được từ lúc mới qua xứ này. Dễ. Hỏi cái gì khác mới sợ. Nghĩ vậy nhưng tim cô đập loạn cuồng. Con mắt cô len lén nhìn đôi giầy vải mầu trắng buộc dây gọn ghẽ. Bí tất trắng dài tuốt lên phía trên. Hai bắp đùi căng căng. Cái gấu áo cũng mầu trắng. Cái gấu áo có một sợi chỉ tuột mối. Cái gấu áo đong đưa theo bước chân.
Lại một tràng câu hỏi. Bao nhiêu là chữ cuốn lấy nhau, rối bời. Cô cau mày, cố tìm một chút âm quen. Như chữ doctor. Nghe là nhận ra liền, cho dù người ta có nói mau đi nữa. Những con chữ cuốn vào nhau đen thủi đen thui trong đầu cô, những con chữ lùng nhùng trong lỗ tai cô. Chịu thôi. Cô lắc đầu cho những con vật kỳ quặc ấy lọt ra ngoài hai lỗ tai.
Người y tá lại nói. Hay là bà ta hỏi thì phải. Khó quá lắm. Cô nhìn cái thắt lưng chiếc váy của người đàn bà. Chiếc thắt lưng có cái móc kim khí mầu vàng lợt. Cô hít mạnh, lấy hết can đảm nhìn lên tới khoảng ngực nhô cao của người đàn bà. Bất giác cô đưa tay lên ngực mình. Hai bầu vú căng cứng và nóng như hai cục than hồng. Me no speak English. Câu này dễ nói. Từ lúc vào đây đến giờ, cô chỉ có gật đầu hay lắc đầu, thỉnh thoảng yes, đôi lúc cũng no cho có nọ có kia. Và một đôi lần I am fine, thank you theo công thức. Nếu ai hỏi gì gay quá thì cô chỉ việc mi nô sờ pik in lích, thêm một chút cười nửa miệng ngây ngô là xong hết.
Người y tá bước lại sát bên cô. Bàn tay ấm áp nắm lấy cổ tay cô, khẽ kéo đi. À thì ra bà ta muốn cô đi ra ngoài. Cô vội vùi hai chân vào đôi dép Nhật có chiếc quai mầu tím lợt mua ở tiệm Tầu cách đây cả năm trời, và lạch bạch bước theo bà ta. Hơi lạnh thổi trúng cô lúc cô bước ngang qua khe hở chữ nhật của máy lạnh gắn trên trần nhà. Cái lạnh làm cô rùng mình. Hẳn là gai ốc đã nổi lên đầy ở sống lưng và hai đùi. Một phần-cô nghĩ-là vì cái áo trống huyếch trống hoác cô đang khoác trên người.
Người y tá dắt cô đi, miệng nói líu lo những câu không đầu đuôi gì hết ráo. Cô chỉ biết cười. Ngơ ngáo như con bé khờ khạo ở chốn quê mùa đặt chân lên phố chợ. Bây giờ thì cô đã có thêm chút tự tin. Cô khe khẽ ngẩng cái đầu, bàn tay phải vuốt mái tóc phủ trước mặt qua một bên. Hành lang bệnh viện mầu trắng xanh. Cái mầu nhợt nhạt, yếu đuối và đầy vẻ bệnh hoạn nữa. Một người đàn ông mặc quần áo xanh rộng thùng thình cắm cúi đẩy chiếc giường nhỏ có bốn bánh xe. Cô rụt rè liếc người đàn bà nằm trên khoảng chữ nhật hẹp. Tấm vải trắng kéo tới ngực. Cái bao giấy mầu vàng đặt phía dưới chân. Tấm phim đen ló ra ngoài cái bọc giấy. Cô hỉnh mũi hít mạnh. Thói quen của con chó đánh hơi khi đi vào chỗ lạ. Không có cái mùi nồng làm cay lỗ mũi của thuốc sát trùng, của cồn thường ngửi thấy ở những trạm xá bên Việt Nam. Cũng không có cả cái mùi tanh tanh của máu me thường bắt gặp trong những phòng cấp cứu. Chiếc xe đẩy bệnh nhân vùn vụt lướt qua mặt cô và người y tá. Rồi dừng lại trước thang máy.
Đưa tôi đi đâu thế này, hở bà. Cô thầm nghĩ. Phải như cô nói ra được cái câu đơn giản ấy bằng tiếng Anh hoặc là người y tá hiểu được câu tiếng Việt ấy thì cuộc đời sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu.
Đang bước đi vùn vụt, cô chợt sựng lại trước khung cửa chữ nhật. Máy móc gì mà nhấp nháy xanh đỏ đầy ở bên trong. Người y tá kéo tay cô, lại tíu tít một tràng. Trong nguyên cái câu dài dằng dặc ấy, cô nghe được mỗi một tiếng: Ô-kê.
Cô vội vã đáp lại, “Ô kê! Ô kê!”
Không muốn người ta hiểu lầm là mình không biết phép lịch sự phương tây, cô thêm vào câu trả lời một nụ cười.
Bây giờ cô mới thấy mặt người y tá. Khuôn mặt xương xương, khắc khổ, nhưng giọng nói thì ngọt ngào. Và nụ cười nữa. Hiền như nụ cười của mẹ cô. Ơi mẹ! Cô thầm gọi.
Bây giờ cô cũng ngửi được một thứ mùi chua chua, nhàn nhạt khó diễn tả nên lời. Mùi hoi hoi của thân thể hài nhi. Mùi oi oi của tã lót dính phân, nước tiểu trẻ em, mùi tanh tanh phảng phất của thứ nước chảy ra từ thân thể người đàn bà lúc quằn quại cơn đau bụng với cái bào thai tới giờ sinh nở.
Cô nhớ rồi. Phòng nuôi trẻ sơ sinh.
“Come here!” Người y tá dịu dàng.
Hai chữ này cô nghe nhiều lần rồi. Câm hia nghĩa là lại đây. Cô thầm nhủ và rụt rè bước hẳn vào trong cánh cửa thứ nhì. Tiếng khóc oe oe xoáy vào tai cô. Tiếng khóc của những đứa bé đỏ hon hỏn nằm ngo ngoe trong những chiếc lồng đóng kín, có đèn rọi phía trên. Những thân hình đỏ au làm cô rùng mình.
Cô đi quanh quẩn theo người y tá, len lỏi qua những chiếc lồng chữ nhật. Bầy trẻ sinh thiếu tháng trông như những con vật vô tri. Con mắt nhắm nghiền, tóc dính bệt vào da đầu. Cái đầu lớn muốn hơn cả thân mình. Lằn xương sống hằn lên trên nếp da. Nó đây rồi. Ơi cái thằng bé con giống bố! Trái tim cô đập lao xao trong lồng ngực. Cô mỉm cười. Nó đấy! Thằng cu của mẹ đây! Cô nói một mình. Cái thằng làm khổ mẹ ngay từ những ngày mới đầu thai. Cái thằng đạp bụng mẹ như cầu thủ bóng đá. Cái thằng làm mẹ mửa lên mửa xuống bao nhiêu là buổi sáng. Những lần ói mửa khan hết tới cả nước miếng trong cuống họng. Cái thằng làm khổ mẹ rặn muốn vỡ tung cả thân thể, đến nỗi ông bác sĩ phải lấy cái kềm cặp vào đầu nó mà kéo ra. Cái thằng cứng đầu cứng cổ không thua gì bố nó... Bố nó; cái anh chàng lịch thiệp, cao ráo sáng sủa, nói tiếng Anh như gió, lúc được cô khen, đã nhìn sâu vào mắt cô, thì thầm: anh học university ở bên này mà!
Người y tá mở nắp lồng đậy, tắt bóng đèn, khéo léo nâng đầu nó lên, luồn bàn tay dưới cổ nó, tay kia đỡ cái mông đít nhỏ như trái cam sành héo quắt queo. Hai bàn tay nhẹ nhàng bồng nó lên. Giờ này nó còn ngủ. Cái miệng chúm chím, mút mút thấy thương. Bị đánh thức dậy bất ngờ, nó ngọ ngoạy cái đầu rồi bất chợt bật ra những tiếng ọ ọe đầy phiền trách.
Người y tá khéo léo đưa nó cho cô. Cô lúng túng đỡ lấy cục máu đỏ hon hỏn.
“Thức dậy đi cậu cả ạ!” Cô thì thầm.
Người y tá nghiêng đầu nhìn cô. Hai con mắt xanh như nước biển.
Người y tá lại nói gì đó. Cô không hiểu. Cô cũng không buồn trả lời. Nhưng cô mỉm cười thật tươi. Cô thấy bóng mình trong khung kính. Cô thấy nụ cười trên khuôn mặt xanh xao của mình. Nụ cười như lá bùa vạn năng. Cười như thế ai mà ghét cho được. Thành ra cô hay cười. Cô nhìn bóng mình trong khung kính. Cô thấy cô bồng nó trên tay. Ngượng quá đi thôi. Thế đấy. Chỉ quay đi quay lại một tí thôi mà đã lên làm mẹ rồi.
Người y tá kéo chiếc ghế ngồi lại bên cô, rồi thoăn thoắt biến đi. Một lát, bà ta trở lại với bình sữa. Cô ôm gọn nó trong lòng. Gớm, to thế này mà nằm ì trong bụng người ta mà giẫy mà đạp nghĩ có gớm không! Lại còn chui ra bằng cái đường ấy nữa. Xấu hổ cái ông con trai nhé! Cô nói thầm trong đầu. Cô tiếc đây không phải là nhà cô, đây không phải Việt Nam; để cô mắng yêu nó như thế. Nói mà cứ phải thầm thì trong đầu, lúc nào cũng sợ người ta cười thì nghĩ có khổ không!
Cô khẽ đặt đầu nó lên chỗ gập khuỷu của cánh tay trái, bàn tay vòng xuống ôm lấy cái mông dúm dó của nó. Tay kia cô cầm bình sữa, run rẩy đút cái núm vú vào miệng nó. Nó lim dim con mắt, ngọ ngoạy cái đầu. Cái mặt nó nhăn lại như thể ăn phải của chua. Cái thằng khó tính khó nết, cứ y như bố nó. Cô nói thầm. Rồi cô mỉm cười. Rồi cô lại thì thầm một mình. Mà cái thằng bố nó khó tính hay dễ tính mình cũng có biết mẹ gì đâu. Gặp nhau mới có mỗi một lần. Chỉ được cái mã đẹp giai-trán cao, tóc chải ngôi giữa-và nói năng văn vẻ. Còn thì hùng hục đến xấu hổ! Thế thôi. Đã vậy lại còn cái thói bạc tình! Đừng giống cái thằng bố mày nghe không!
Nó ọ ẹ, ngọ ngoạy cái đầu làm cao-hệt như bố nó hồi đó, cũng linh lỉnh, lập lờ lúc ban đầu ra cái điều ta đây ngon cơm, chả việc gì phải vồ vập, để rồi sau đó quần quật như con cọp đói. Nó cũng thế. Hai ba ngày nay cô đã quen với cái mầu mè làm dáng của nó. Lúc cô mới đặt cái núm vú bình sữa vào cái vòng môi tái ngắt nhỏ xíu như sợi dây thun thắt chặt của nó, thế nào nó cũng xoay dọc xoay ngang, chành chẻ, chê lên chê xuống, nhưng rồi sau đó lại chùn chụt-hệt như bố nó-mà mút, mà hút như con đỉa bám nhầy bám nhụa vào thân thể người ta mà mút máu. Cái gì thuộc về nó cũng đều làm cô liên tưởng đến hắn. Thằng bố mày bây giờ có giời mà tìm! Cô vừa thầm nói vừa lắc nhẹ cái thân mình nhẹ tênh của nó. Vậy mà nó cũng nhăn mặt và ọ ẹ muốn khóc. Cô lại phải rung rung hai đùi, làm nhịp ru nó, dỗ dành nó. Nín đi con, nín đi. Mẹ đây, mẹ đây mà... Cô thì thầm với nó, cái câu ngày xưa cô thường nghe mẹ mình dỗ dành đứa em thuở mới biết bò. Mẹ đây. Mẹ đây!
Bà y tá đứng cạnh, cầm lấy cổ tay cô, kéo cái núm vú ra khỏi miệng nó, nâng bình sữa ngửa lên cho hơi rút xèo xèo qua miệng núm vú. Cô thấy người y tá làm cái động tác lạ lùng ấy mấy lần rồi. Thấy cũng hay hay. Thường thì sau đó nó bú một cách suông sẻ hơn cho đến khi hết bình. Cái thằng háu ăn! Cho mày đi ở nhà ông Tây thì người ta mới nuôi nổi, con ạ! Cô mắng yêu nó. Bỗng dưng mí mắt cô cay cay. Cái nồng nồng từ đâu xộc lên lỗ mũi cô. Vừa mới vui đó, mà lòng cô đã buồn tái buồn tê, như thể bầu trời bị phủ kín bởi một đám mây tăm tối.
Người y tá nhìn cô chăm chú, rồi ngọt ngào hỏi một câu ngắn mà cô nghe được hai chữ you và OK.
Cô gật đầu lia lịa, và miệng cô cũng nhanh nhẩu yes đến ba bốn lần. Thôi, đừng nghĩ gì hết. Chuyện phải đến sẽ đến. Nghĩ tới, buồn thêm chứ được ích mẹ gì. Cô nhắc nhở lòng mình như thế. Cứ để từ từ rồi cũng qua đi thôi. Biết đâu nhờ vậy mà nó sẽ nên người. Ở với nhà Tây thì đàng nào cũng khá hơn ở với nhà Việt Nam. Chỉ nguyên cái thứ tiếng Anh tiếng em này nó cũng sẽ ngon hơn mẹ nó rồi. Ngay cả bố nó tiếng Anh đại học cũng chả làm sao hơn nó được. Con hơn cha là nhà có phúc. Mẹ cô ngày xưa vẫn nói thế. Nó sẽ phải hơn bố nó thôi. Mai kia bố con gặp lại nhau chắc là buồn cười phải biết. Nhưng mà biết bố nó ở phương trời nào mà mong gặp cơ chứ! Cái con người bạc tình, bạc nghĩa. Vừa xong việc là đã vội phóng đi như ngựa vía ấy thôi!
Nghĩ ngợi vẩn vơ một hồi mà nó bú hết bình sữa lúc nào cô cũng không hay. Nghe người y tá nhắc, cô cười, đặt bình sữa xuống cái bàn nhỏ cạnh đó. Cô nhẹ nhàng bế xốc nó lên, để cái đầu gật gưỡng như trái cam nhỏ của nó lên vai cô rồi vỗ nhè nhẹ lên lưng chờ nó ợ.
“Good!” Bà y tá trầm trồ.
Cô biết đó là một lời khen. Cô thì thầm với nó, như thể nó đang lắng nghe tất cả những điều cô nói. Mẹ đang tập đây con. Làm đúng, người ta khen; làm sai, người ta mắng. Mỗi lần làm gì sai, người ta cuống lên no, no, làm đúng thì người ta khen good. Tập làm mẹ cũng khó phải không con. Thức khuya dậy sớm. Đêm ngủ, cứ văng vẳng nghe tiếng khóc oe oe. Thế là ngồi bật dậy để đầu óc quay mòng mòng như người say thuốc. Nhưng rồi chẳng biết đi đâu mà tìm. Xứ sở gì đâu kỳ khôi. Đẻ con ra rồi, mẹ một nơi, con một nẻo. Tới giờ thì dẫn lại cho bú. Cho bú xong, thay tã thay lót. Rồi lại mẹ một nơi, con một nẻo như cũ. Con mình mà họ giữ chằm chặp như con họ. Xứ sở gì mà ôm con không đúng cách cũng không sợ con đau bằng sợ người ta mắng. Làm mẹ vất vả như vậy đó. Vậy mà mai kia lớn lên nó vểnh cổ lên mà cãi mẹ.
Nó ợ một cái thật lớn. Bà y tá lại khen good, rồi đỡ lấy nó từ tay cô. Bà ta đặt nó trở lại chiếc lồng ấp. Đúng là lồng ấp thật. Và nó như con gà, con vịt chưa đủ lông đủ cánh. Vậy mà cô phải bỏ nó mà đi!
Cô đứng dựa người sát vào chiếc lồng ấp. Bàn tay nhè nhẹ vuốt cái đầu tóc mịn như ướt nước của nó. Hai con mắt tinh nhanh nhấp nháy. Cái miệng tròn. Đôi môi mỏng. Hai bàn tay nắm chặt. Lớp da lưng mỏng bọc trên cái lồng ngực vênh vẹo. Thân thể trần truồng của nó nhuộm thẫm một mầu vàng như xát nghệ. Bà y tá lấy miếng băng mầu đen tròng lên đầu nó, bịt kín hai mắt, rồi lật úp nó xuống. Nó nằm sấp, đầu nghiêng sang một bên, co quắp như con nhái bén. Cái nắp lồng đậy lại. Đèn mầu trắng đục bật lên. Nó ngọ ngoạy, nhúc nhích như con chó mới sanh, chưa mở mắt.
Lòng cô bỗng dưng nao nao một nỗi niềm khó tả. Đúng là trăm mối ngổn ngang. Cô đứng nhìn nó. Cô thôi nói chuyện với nó. Hơi ấm thân thể nó còn quyện trong lòng bàn tay cô. Xa, gần, gần, xa. Như một nỗi niềm không làm sao hiểu thấu.
Cô muốn sao cho xong chuyện này càng sớm càng tốt. Dạo này nghe nói những người đàn bà mới sinh không được nằm lâu quá ba ngày trong bệnh viện. Ra khỏi đây rồi, cô biết đi đâu. Dĩ nhiên là về chốn cũ rồi. Bố mẹ anh em cô ở cả đó. Và cả thành phố ấy ai cũng biết cô. Ai cũng biết cô là người con gái da trắng tóc dài. Mới theo gia đình qua định cư xứ này chẳng bao lâu. Ai cũng biết cô là người kín cổng cao tường. Ai cũng biết cô xuống đây đi ở trọ học nghề. Bố mẹ anh em cô, ai cũng biết là cô bận học nên sáu bẩy tháng trời qua không về thăm nhà. Thành ra nó sẽ không thể nào về với cô được. Nó phải về làm con nuôi ông tây bà tây nào đó. Càng sớm càng tốt. Không thì bố cô sẽ xé xác cô ra. Và mẹ cô sẽ uống hết hộp thuốc ngủ mà ông bác sĩ gia đình đã ghi toa cho bà uống thường xuyên mỗi đêm để bà dỗ giấc.
Vì vậy cô cần gấp một người thông dịch. Và phải là người thông dịch mù. Để chuyện của cô hoàn toàn được giữ kín.
Bà y tá đưa cô về phòng. Đôi mắt có những nếp nhăn lờ mờ kéo về phía hai bên thái dương nhìn cô, dịu dàng. Cô ngồi ở chiếc ghế dựa kê ở đầu giường. Bà y tá mở ngăn tủ ở góc phòng. Bà lấy cái bọc ny lông đựng đồ của cô ra, gom mấy thứ lặt vặt cô để ở ngăn tủ dưới lại, rồi bàn tay xương xương tuồn tất cả những tã lót, những áo quần, những giấy tờ vào cái túi. Tiếng loạt xoạt vui tai lẫn trong tiếng loa phát ra đâu đó từ trần nhà.
Bà y tá quay lại cười với cô. Rồi ngoắc cô bằng ngón tay trỏ của bàn tay đặt ngửa. Bà ta nói gì đó nghe như gô. Go tiếng Anh nghĩa là đi. Cô hiểu chữ đó. Thành ra cô đứng dậy, lầm lũi bước theo bà ta. Giờ này hành lang bệnh viện, người ở đâu ra mà đông như đi xem hát. Cô lại cúi gằm đầu, riu ríu bước đi sát người đàn bà như thể bà ta che bớt cho cô những ám chướng của cuộc đời.
Những bước chân mạnh dạn của người y tá đưa cô qua một khúc quanh, và dừng lại trước một căn phòng khác. Cô len lén ngước lên. Căn phòng không khác gì chỗ cô ở mấy hôm nay, nhưng sao có tới bốn chiếc giường. Và cô thấy lô nhô hai cái đầu tóc vàng, và một đầu tóc đen giống hệt cô. Tim cô hơi thắt lại. Có người đàn bà? châu trong đó. Hai con mắt soi mói nhìn ra. Hai con mắt mầu nâu trên khuôn mặt no tròn.
Bà y tá đặt những đồ đạc của cô xuống giường, nói gì đó với cô. Cô nheo mày suy nghĩ. Chắc cái nheo mày của cô thấy buồn cười lắm, bởi vì cô liếc thấy người đàn bà tóc đen nằm kế bên toét miệng ra cười. Bà y tá lại líu lo một tràng. Không còn một chữ nào quen thuộc, như chữ doctor, chữ go, chữ thank you cho cô nhận diện mà vội vã trả lời. Nỗi lo âu cuộn lên trong lòng thành cơn lốc nhỏ.
Đem người ta đi đâu thế này. Cô xớn xác nhìn quanh.
“Bả kêu cô nằm giường đó đó!” Người đàn bà tóc đen buột miệng.
A, thì ra bà này là người Việt.
“Dạ...” Cô nhìn người đàn bà bằng con mắt biết ơn.
Bà y tá nói với người đàn bà Việt Nam một tràng tiếng Anh nữa. Tia nhìn của cô bám lấy khuôn mặt tròn xanh xao của người đàn bà, như kẻ đắm tầu bám cứng lấy chiếc bè mỏng mảnh. Cô thấy nét bối rối trên hai vạch kẻ lông mày cong vút.
“Bả nói cô ở đó chờ, hình như chiều có người thông dịch lại gì đó...”
Bà y tá bước đi, vùn vụt như cơn lốc, mang theo nụ cười hiền.
Cô đứng dựa thành giường, bơ vơ như người đi lạc. Cô rụt rè ngó quanh. Bốn người chung một phòng. Hai người tây hờ hững, thản nhiên như không thấy cô, còn người đàn bà Việt Nam thì con mắt táy máy muốn hơn bàn tay của đứa bé nghịch ngợm. Cô thấy lòng mình nổi gai. Căn phòng không còn chút riêng tư. Lúc bác sĩ lại khám, bắt cởi hết áo quần ra, làm sao mà chịu được.
“Chị ơi,” Cô ngập ngừng. “Ở đây bác sĩ có khám cho mình không vậy?”
“Sao không. Ổng sắp lại rồi đó.”
Đôi mắt cô rụt rè nhìn quanh một vòng. Căn phòng sáng choang ánh đèn mà khung cửa rộng thì cũng mở toang hoác. Ai đi qua cũng thấy hết trơn.
“Bác sĩ khám kỹ không chị?” Cô thì thào.
“Sao không. Bệnh viện này toàn bác sĩ tây giỏi không à! Hổng có bác sĩ Việt Nam đâu, cô khỏi lo!”
Cô bấu những ngón chân xuống chiếc dép Nhật, như lấy đà ném ra cái câu khó hỏi, “Bác sĩ có bắt mình cởi quần áo ra hết không chị?”
Người đàn bà bật ra tiếng cười khan, “Sao không! Không cởi làm sao người ta coi chớ... Bộ mới sanh lần đầu hả?”
Cô khẽ gật đầu, bàn tay không ngừng mân mê sợi dây cột chiếc áo choàng bệnh viện.
“Bộ chồng hổng vô thăm sao?”
Cái gì đó quậy lên trong lòng cô một cơn sóng nhỏ. Răng cô líu ríu cắn câu trả lời đang dính ở môi dưới, “Anh ấy... bận.”
“Bộ chồng hổng biết tiếng Anh hả?”
“Dạ biết...”
Cô muốn nói thẳng cho người đàn bà biết là chồng cô tốt nghiệp đại học ở bên này; rằng chồng cô đi làm ở công ty gì đó lương cao lắm. Chỉ thua có lương bác sĩ thôi! Hắn đã quả quyết như thế với cô ngay trong phút đầu tiên của cuộc gặp gỡ khi hắn hỏi cô còn đi học hay đã đi làm; rằng chồng cô nói tiếng Anh như gió, chồng cô không có ậm ờ lúc nói chuyện với mấy người Tây như bà này đâu. Chồng cô đẹp trai. Cao ráo, sáng sủa, thông minh. Một phần chắc cũng nhờ vừng trán cao và mái tóc rẽ đường ngôi giữa. Chỉ phải tội hắn có cái sẹo ở dưới cằm. Cái sẹo mờ lắm rồi, nhưng cô nhớ như in cái vệt mờ nổi lên như vết mèo cào ấy. Bởi vì lúc cái khối nặng thân hình hắn dán cô sát xuống mặt nệm sau ba bốn ly rượu mà hắn liên tục đổ vào miệng cô - rượu wine nhẹ như nước cam vậy mà, không biết uống người ta cười chết - cái sẹo ấy đã đổ đầy tầm mắt cô. Cái sẹo mà hắn hãnh diện khoe rằng hắn bị lúc cứu một người thiếu phụ bị ba bốn tên cướp hành hung. Chồng chưa cưới của cô là con người đầy lòng từ tâm.
Nhưng bây giờ hắn ở đâu?
“Lúc khám cho mình bác sĩ có...” Cô rụt rè chỉ tay ra cửa. “Có đóng cửa lại không chị?”
Người đàn bà lại bật ra một chuỗi cười. Khuôn mặt tròn rung rinh. Tiếng cười khục khặc trong cuống họng.
Rồi chị ta quơ tay chỉ lên trần nhà. Cô nhìn theo lên trần. Ô! Cô thở phào, khoan khoái. Bốn chiếc giường trong căn phòng ngăn cách bằng những tấm vải kéo gọn vào góc tường. Khi cần sự kín đáo, hay lúc khám bệnh, người ta sẽ kéo màn che kín chiếc giường. Vậy cũng được đi. Không ai thấy được mình lúc bác sĩ khám. Thế mà cũng sợ toát cả mồ hôi. Cô hít một hơi thở mạnh, lắng nghe nỗi an bình lâng lâng trong lồng ngực.
“Tên gì dzậy?”
“Em tên Nan.”
“Cha mẹ gì đặt tên con kỳ cục dzậy? Phải Lan không?”
Cô cười, trẻ thơ, “Không phải Lan. Nan mới đúng. Như nan quạt ấy mà.”
“Thiệt tình! Nhà ở đâu dzậy?”
Cô bối rối. Cô cố nhớ cái địa chỉ của con nhỏ bạn. Cái tên tiếng Anh dài thườn thượt làm sao mà nhớ.
“Em chịu thôi. Chả làm sao nhớ được. Chỉ biết phòng số một linh bốn.”
“Cô còn đi học phải không?”
“Dạ...”
“Có chồng sao hổng đeo nhẫn cưới gì hết ráo trọi dzậy?”
“Dạ... Tại lúc vào đây em vội quá thành thử quên đeo nhẫn...”
Bỗng dưng cô thấy mình nhanh trí và thông minh vượt bực. Phải vậy chứ.
“Sanh con trai hay con gái?”
“Dạ, con trai.” Cô mạnh bạo trả lời, với tất cả niềm kiêu hãnh vét được từ đáy sâu trái tim. Có con trai nối dõi tông đường. Cô thường nghe người ta nói thế. Chỉ tiếc là bố nó lại không biết nó đang có mặt trên thế gian này. Sau cái party sinh nhật chị bạn có chồng làm cai trong hãng lắp ráp đồ điện tử; cái party có đủ thứ từ nhẩy đầm qua karaoke đến phòng ngủ êm ấm mượt mà những khăn trải giường sa tanh bóng loáng ấy, cô chả bao giờ gặp lại hắn nữa. Hỏi, chả ai biết hắn là ai. Cái óng chuốt, mượt mà của hắn làm cô quên luôn cả điều quan trọng sống còn là hỏi hắn tên gì. Thành ra hắn là người không tên. Cũng may mà người đàn bà không hỏi chồng cô tên gì.
“Đặt tên Tây hay tên Việt?”
“Dạ...” Cô cúi đầu nghĩ ngợi. Chín tháng trời nay cô đã không ngừng tìm cho nó một cái tên. Cô nhớ cái vòng dây nhựa người ta đeo ở cổ tay nó có chữ Baby Nan. Người ta lấy tên cô đặt đỡ cho nó. Cô nghĩ ra bao nhiêu là tên. Rồi cô chẳng chọn được tên nào. Bây giờ thì cũng chẳng cần đặt tên cho nó làm gì nữa. Bởi vì có đặt tên hay thế nào đi nữa thì lúc về với người ta, người ta cũng sẽ đặt cho nó cái tên khác mà thôi.
Thành ra cô trả lời đại, “Tên Việt.”
“Tên Việt à? Rồi mai mốt làm sao thằng nhỏ đi học. Tui có người bạn đặt tên con là Phúc cho đủ bộ phúc lộc thọ, thằng nhỏ vô trường tối ngày bị người ta phắc... May mà hổng là con gái, con gái bị vậy chịu gì thấu!”
Nói xong, người đàn bà lại cười sằng sặc. Cô cười theo. Như cô đã cười thật ngây ngô với mọi người từ khi được người ta dìu qua khung cửa phòng cấp cứu bệnh viện.
“Cô lắc-kỳ lắm đó. Sanh con gái là ông bà già chồng chửi nhức óc ngay! À mà có ở chung dzới ông bà già chồng hông dzậy?”
Cô lắc đầu.
Rồi cô băn khoăn, “Chị ơi, người phán dịch bên này nhiều không chị?”
“Ơi, mấy cái thằng thông dịch nhiều khi ngu muốn chớt!”
Cô nhìn những bông hoa lấm tấm trên nền gạch. Cô không để tâm đến những điều người đàn bà nói. Cô biết chị ta đang có trong lòng mối hiềm khích nào đó với những người thông dịch. Có khi chỉ là sự ghen tương, ganh ghét nhỏ nhen...
“Tí nữa bà y tá lại, chị nói với bà ấy hộ em nhá...”
“Nói gì?” Người đàn bà nhướng cặp chân mày cạo sửa mỏng như vệt kẻ bút chì lên.
“Xin hộ em người phán dịch...”
“Thì bả đã nói là sẽ có mà!”
“Em xin người phán dịch... mù.”
Đôi mắt người đàn bà tròn xoe. Tròng trắng trào ra, đổ đầy hai con mắt. Miệng chị ta há hốc đúng lúc bóng bà y tá lọt vào khung cửa. Bà y tá hai với cô, rồi nói gì đó với người đàn bà Việt Nam. Chị ta vừa lắc đầu vừa dịch lại cho cô là thay đồ lẹ để đi gặp nhân viên xã hội và người thông dịch.
Và chị ta nói một mình, “Đòi hỏi chi mà ác nhơn ác đức!”
Về phần cô, cô run bắn cả người không biết vì lo âu hay mừng rỡ. Mồ hôi cô ứa ra những chân tóc hai bên thái dương. Chân tay cô bủn rủn. Cô bước vào nhà vệ sinh theo hướng chỉ của người y tá. Hồn vía không còn. Cô thọc bàn chân vào tay áo, kéo hoài không lên. Cô thấy mình nhợt nhạt như xác chết trong tấm gương soi. Cô vặn vòi nước ghé môi sát vào dòng nước mát. Cái miệng khô như đói khát không biết từ đời thuở nào.
Người y tá cầm tay cô, dẫn đi theo cái hành lang dài hun hút.
Những bóng người vùn vụt lướt đi chung quanh.
Và cũng vẫn tiếng loa xao xác.
Hai người bước vào một văn phòng vuông vắn quét vôi mầu xanh nhạt. Bức tranh vẽ một bầu trời xám xịt và một nền đất phủ tuyết trắng ngợp mắt treo trên tường. Chiếc bàn dài gỗ bóng và có đến sáu bảy chiếc ghế có chỗ dựa tay kê chung quanh. Chân cô chùn lại. Người y tá ấn cô ngồi xuống chiếc ghế kê sát lối vào. Dường như thấy vẻ xớn xác trong mắt cô, bà y tá kéo ghế ngồi sát bên cạnh. Bàn tay bà nắm lấy cổ tay cô, như truyền cho cô cái ấm áp của sự che chở, vỗ về.
Bà ta vén tay áo, xem đồng hồ, rồi nói gì đó với cô. Nhưng nhìn nét ngây ngô trong mắt cô, bà chần chừ một lát rồi rút trong túi áo ra cuốn sổ tay nhỏ. Bà xé một tờ, hí hoáy viết rồi đưa cho cô. Cô chăm chú đọc cái chữ ngoằn ngoèo sau con số mười lăm. Chắc là còn mười lăm phút nữa. Cô đoán vậy. Thành ra cô gật đầu và không quên vẽ sơ một nụ cười.
Bà y tá gật gù ra vẻ hài lòng.
Người ta đến. Cô biết người ta đang đến. Cô nhìn chăm chăm xuống những đường vân uốn éo trên mặt bàn gỗ bóng. Người ta xôn xao chào hỏi nhau bằng tiếng Anh. Người ta kéo ghế ngồi chung bàn với cô. Đầu óc cô nặng nề. Mí mắt cô trĩu nặng. Hai bàn tay nắm chặt vùi sâu trong lòng. Cái bụng quặn lên cơn đau xốn lạ lùng. Hai đầu gối run rẩy.
Những chiếc bóng phủ xuống quanh cô. Cô biết những con mắt đang nhìn cô đăm đăm. Cô nghe tiếng mình thở nặng nề hen suyễn.
Cô không nhìn thấy gì ngoài những đường vân ngoằn ngoèo trên mặt bàn. Đường vân trên nền gỗ bóng loáng. Đường vân trông như những vẩy mây của một bầu trời cuối mùa hạ. Bầu trời của một miền đất nước nhiệt đới xa xăm. Cô gài tia nhìn thật sâu, thật chắc vào những đám mây, để khỏi thấy bất kỳ ai. Cô không muốn thấy người đàn ông nào, cô cũng không muốn thấy người đàn bà nào. Tất cả chỉ đem lại cho cô nỗi lo sợ không lòng nào chứa đựng cho hết. Nhưng những người đàn ông, những người đàn bà đang vây quanh cô. Bà y tá choàng tay lên vai cô. Ô kê. Ô kê. Thì thầm vào tai cô. Cô lặng lẽ gật đầu. Rồi nghĩ chỉ gật đầu không thôi là thiếu lịch sự, cô cũng ô kê theo.
Tiếng một người đàn bà. Trong trẻo và mau mắn. Cô hình dung một khuôn mặt trẻ trung. Người đàn bà nói thật nhiều. Cô không gặp được một chữ quen thuộc nào. Rồi tiếng một người đàn ông. Trầm và đục, như tiếng ông thầy giáo dạy Anh ngữ trong lớp học mà cô đã tham dự những ngày mới được bảo lãnh qua bên này. Dường như người đàn ông nhắc tên cô. Cô nghe cái âm nen lập đi lập lại. Nen là tên cô đọc theo tiếng Anh. Thật là ngang ngược. Tên người ta thế mà cứ nhất định là nen với niếc. Cô cảm được những mắt nhìn chải chuốt, cào xước trên tóc, trên vai cô. Cô nghe ớn lạnh ở sống lưng. Người ta nói qua, nói lại. Người ta thảo luận, người ta xử án, người ta quyết định số phận cô. Rồi người ta im lặng. Và trời ơi, một giọng nói dấy lên cái lặng im của căn phòng đóng kín cửa. Giọng nói của một người đàn ông Việt Nam.
“Chào cô, tôi là Trường. Tôi là người thông dịch. Tôi đã ký giấy thề giữ kín chuyện này. Bà trưởng phòng xã hội mới nói là họ không biết ý cô thế nào về việc nuôi đứa con mới sanh. Ông mục sư thì nói nếu cô đồng ý ký giấy thì hiện giờ có vợ chồng ông bác sĩ trong nhà thờ ông ấy xin nuôi...”
Giọng nói quen thuộc. Bây giờ bất cứ người nào nói tiếng Việt Nam đều là quen thuộc với cô. Ơi giọng nói ấm áp và dịu dàng!
Bà y tá ân cần bóp những ngón tay vào vai cô như trấn an. Người đàn bà khác nữa lên tiếng. Giọng nói khàn. Hẳn là một người đàn bà lớn tuổi. Cô chờ nghe giọng nói đã bắt đầu thấy thân quen của người thông dịch.
“Bà giám đốc bệnh viện hỏi cô đồng ý cho con để người khác nuôi phải không?”
Nhát dao phạt ngang những ngọn cây mỏng mảnh. Muôn cành mềm đứt ngang, rũ xuống liệt bại; như đầu óc cô; như thân thể cô, lúc này. Cô nhắm nghiền hai mắt. Cô làm cho khuôn mặt mình dị hình dị dạng để không còn ai nhận ra cô. Để người thanh niên thông dịch không nhớ mặt cô. Mai sau gặp lại, chẳng còn ai nhận ra ai. Cô tiếc sao cả thành phố lớn rộng thênh thang này lại không có được một người thông dịch mù. Mù để hắn ta cho dù có nhớ mãi chuyện này, cũng không hình dung ra nổi khuôn mặt một người mẹ trẻ ký giấy cho đi giọt máu mình mang nặng đẻ đau.
“Cô trả lời có hay không cũng được.” Người thông dịch vẫn dửng dưng.
Hình ảnh nó hiện ra trong đầu cô. Đỏ au. Cái đầu như trái cam. Tóc rậm và mềm. Hai con mắt nhấp nháy. Cái miệng chép chép háu ăn. Cả người vàng ủng như xoa nghệ. Làn da mốc ngời nhăn nheo, già cỗi. Mùi gây gây phát ra từ cái thân thể nhỏ bé, chó con. Tiếng ọ ẹ đòi ăn. Tất cả những gì thuộc về nó trải rộng trong đầu cô. Cả những cái quẫy đạp hồi còn co quắp trong bụng mẹ. Nó lạ lẫm mà thân quen. Xa xôi mà gần gũi vô cùng.
Cô hình dung lúc nó lớn lên, đeo sau lưng chiếc cặp xách, tung tăng đến trường. Cô nghĩ đến một tương lai sáng rỡ chờ nó trong gia đình ông bà bác sĩ Canada giầu lòng nhân ái.
Ông mục sư nói, chậm rãi, thong thả. Người thông dịch lập lại bằng tiếng Việt, “Cô nghĩ cho kỹ rồi trả lời chịu hay không.”
Cô lặng lẽ gật đầu. Giọt nước mắt rụng xuống ngực áo. Cái bụng vẫn còn đau râm ran. Những đường vân ngòng ngoèo trên bàn nhòe đi như khung cảnh mơ hồ trong màn mưa quê nhà.
Giọng nói trong trẻo của bà trưởng phòng xã hội lại vang lên.
Bây giờ cô chẳng buồn nghe xem người ta nói gì nữa. Đầu óc cô rối tung rối mù. Cứ nghĩ đến tương lai của nó, ở với cha mẹ bác sĩ người Canada. Rồi nó sẽ học thành bác sĩ. Mai kia biết đâu lại chả có lúc con khám bệnh cho mẹ đấy nhỉ. Đầu óc cô phiêu linh, trôi dạt về thiên đàng mơ ước; về cõi mộng xa vời.
Nhưng người thông dịch lôi cô về lại trần gian, “Cô sẽ chỉ được phép tìm gặp hay tiếp xúc với nó khi nó đã trên mười tám tuổi, và lúc đó nó có quyền quyết định về ở với cô hay tiếp tục ở với cha mẹ nuôi.”
Cô lặng lẽ gật đầu.
“Sau khi ký giấy này, cô vẫn còn hai mươi bốn tiếng để quyết định xem có nên đổi ý hay không. Sau đó thì không thay đổi được nữa.”
Cô lại lặng lẽ gật đầu.
“Cô có hỏi họ gì không?”
Cái đầu cô lắc lư, lỏng lẻo như sắp tuột ra khỏi cổ.
“Vậy cô ký vào giấy này đi.”
Tờ giấy được chuồi tới trước mặt cô. Cái bút nằm gọn gàng trên tờ giấy li ti những chữ. Cái bút bấm mầu xanh. Cô chằm chặp nhìn nó như nhìn con rắn con rết có nọc độc chết người. Cái bút mầu xanh nhập nhòe. Bà y tá buông cánh tay ôm vai cô xuống, chỉ ngón trỏ vào hàng kẻ. “Cô ký vào chỗ bà ấy chỉ đó.” Tiếng thì thào, nhỏ nhẹ của người đàn ông bỗng dưng nghe quen đến điếng người. Giọng nói quen thuộc. Tất cả những giọng nói tiếng Việt Nam đều quen với cô; không như những giọng nói thứ tiếng xí xô, xí xào.
Cô rút bàn tay gài giữa hai đùi, đặt lên mặt bàn. Cô thấy những ngón tay mình run rẩy. Cái bút lăn đi, như con rắn, con rết trốn không cho cô bắt lấy. Cô chộp lấy nó, cầm chắc giữa lòng bàn tay. Cô cầm bút như kẻ gian cầm dao đâm người vô tội. Đầu bút cắm xuống chỗ có hàng kẻ trên trang giấy. Cô ký ngoằn nghoèo cái tên quê mùa.
Rồi cô đặt bút xuống. Vậy là xong. Cô thầm nghĩ với hình ảnh nó co quắp trong trí tưởng. Nó, cái bọc da mầu nghệ nhăn nhúm co quắp trong chiếc lồng ấp xanh xao ánh đèn. Bây giờ nó là con người ta rồi. Bây giờ nó là con ông bác sĩ Canada rồi. Mọi người lục tục đẩy ghế đứng dậy. Tiếng giấy tờ chạm nhau loạt xoạt. Bàn tay nào vồ lấy cây bút trước mặt cô.
Cơn nghẹn ngào chặn ứ lấy lồng ngực. Vậy là xong. Nó không còn là Baby Nan nữa rồi. Mãi mãi không còn là Baby Nan nữa. Mãi mãi không còn là con của mẹ nữa; con ơi!
Cô chợt khóc rống lên. Người y tá xoay qua, choàng tay ôm lấy vai cô, xì xào trấn an. Những người khác xớ rớ, ngượng ngùng. Người thông dịch đến sát bên cô, lập lại những lời vỗ về của bà y tá, “Bà ấy bảo cô đừng buồn. Về ở với cha mẹ nuôi thì thằng bé sẽ có tương lai hơn.”
Tôi biết mà. Câu phản đối tru réo vang dội trong đầu cô. Tôi biết con tôi sẽ có tương lai. Tôi chỉ buồn vì phải bỏ con tôi. Tôi chỉ lo anh sẽ đi kể cho cả cái thành phố này nghe là tôi chửa hoang. Tôi chỉ sợ những người Việt Nam lắm điều, nhiều chuyện ở đây thôi.
“Cô đừng buồn!” Vẫn cái giọng ngọt ngào.
“Anh im đi!” Cô nuốt ực ngụm nước mắt chạy ngược vào cổ họng. Cô vuốt mái tóc phủ mù trước mặt. Cô chùi nước mắt bằng tay áo. Cô nhìn xoáy vào mặt người thông dịch bằng cái nhìn căm hận. “Tôi cấm anh kể lại... chuyện của...”
Đột nhiên cô á khẩu. Đôi mắt cô trợn trừng. Môi cô trễ xuống. Nước miếng trào xuống hai khóe miệng. Người thông dịch không mù. Người thông dịch quen quá trời là quen. Giọng nói ấy hèn chi gần gũi. Cái trán cao. Tóc chải ngôi giữa. Cái sẹo ở một bên cằm. Trời ơi, cái sẹo này. Cái sẹo đã đè cô xuống thật sâu, thật chặt; cái sẹo đã xô cô xuống vực sâu của không biết bao nhiêu là đau thương khổ lụy.
Chủ Nhật 24 tháng 10, 1999
Gửi ý kiến của bạn