
Một trăm năm thoáng qua, ngày đó nhạc sĩ Phạm Duy đã sinh ra đời, đã sống, đã sáng tác, để lại cho đời nhiều ca khúc giá trị. Những ca khúc đã cùng ông "trôi theo mệnh nước nổi trôi" từ thập niên 1940 cho đến thập niên 2000. Từ tình yêu quê hương cho đến tình yêu đôi lứa trải rộng nhiều đề tài, từ không gian là nước Việt Nam cho đến Hoa Kỳ nơi ông đã lưu vong từ năm 1975 cho đến năm 2005, từ những bài thơ được ông phổ nhạc, từ những ca khúc ngoại quốc được ông đặt lời Việt cho đến những bài hát nhạc và lời của chính ông, tạo nên một sự nghiệp âm nhạc to lớn mà chưa có nhạc sĩ Việt Nam nào sánh bằng.
Kiến thức tổng quát của Phạm Duy rất rộng giúp cho ông đặt lời ca phong phú trải rộng nhiều chủ đề. Về nhạc lý ông học dự thính nhạc viện Pháp, vốn liếng đó giúp dòng nhạc của Phạm Duy biến hóa linh động. Nhạc của Phạm Duy vừa mang nét dân tộc vừa phảng phất nét Tây Phương. Ông có những ca khúc giá trị nghệ thuật, giá trị nhạc lý để giới chuyên môn chiêm ngưỡng và học hỏi. Chính đầu óc sáng tạo của nhạc sĩ Phạm Duy với cảm xúc dồi dào và kiến thức âm nhạc để tạo nên những ca khúc tuyệt diệu. Tôi vẫn ngưỡng mộ những đoạn Chuyển Cung (Modulation) trong các ca khúc của Phạm Duy. Nếu chọn chỉ một bài hát tiêu biểu trong mấy trăm bài hát của ông thì đó là Tình Hoài Hương. Bài này thấm đượm nỗi yêu quê hương, lời ca hay mà câu nhạc cũng hay. Nhất là những đoạn Chuyển Cung phong phú. Tôi đã có dịp cùng nói chuyện với ông, từng chở ông đi ăn cháo ở Quận Cam, từng nghe ông kể chuyện âm nhạc. Ông rất cởi mở, nói năng thoải mái. Trong đời của mình, hân hạnh được tao ngộ cùng một danh nhân là niềm vui quí mến.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phạm Duy, danh nhân nước Việt Nam. Trong tương lai, khi những vấn đề gai góc chính trị tàn phai theo năm tháng, tôi tin sẽ có một tên đường mang tên Phạm Duy ở quê nhà.
Trần Chí Phúc