Ngày 29 tháng 9 năm 2021 là ngày giỗ thứ 20 cho một cựu tổng thống chính danh cuối cùng của nước Việt Nam Cộng Hòa. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mất ngày 29/09/2001 tại Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ.
Quay lại lịch sử lập quốc từ ngày phân chia đất nước ra làm đôi sau cuộc di cư năm 54-55 của hơn một triệu người miền Bắc vào Nam, lấy vĩ tuyến 17 là lằn vẽ trên bản đồ và cầu Hiền Lương sông Bến Hải ở Quảng Trị là ranh giới thực tế phân chia Việt Nam thành hai chế độ Nam Bắc khác nhau, chúng ta sẽ nói gì về vị Tổng thống thứ hai của nước Việt Nam Cộng Hòa này?
Từ ngày 26 tháng 10 năm 1955, miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống, một quốc gia mới được thành lập gọi tên là nước Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Vị Tổng Thống đầu tiên là Ngô Đinh Diệm được bầu ra và đã đươc 77 quốc gia trên thế giới công nhận thiết lập ngoại giao.
Tới năm 1963, Tồng Thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh lật đổ ngày 1/11/63 và giết chết bởi một số tướng lãnh quân đội miền Nam 2/11/63.
Chế độ đệ nhất Cộng Hòa chỉ tồn tại được 8 năm 7 ngày.
Cuộc ám sát này cho đến nay đã được phân tích và mổ xẻ với rất nhiều kết luận khác nhau. Cuối cùng, câu hỏi vẫn không có câu trả lời chính xác, một chuyện thường xẩy ra trong chính trị.
Sau ngày đảo chánh 1/11/1963, 18 tháng kế tiếp là một loạt khủng hoảng chính trị đến hơn 10 lần trong việc thành lập chính phủ và lãnh đạo quốc gia, có dính dáng tới các tướng lãnh miền Nam hay các chính trị gia miền Nam như tướng Nguyễn Khánh, ông Trần Văn Hương, ông Phan Huy Quát, tướng Dương Văn Đức, tướng Lâm Văn Phát.
Cuối cùng, một chánh phủ mới ra đời.
Tháng 6 năm 1966, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do tướng Nguyễn Văn Thiệu và tướng Nguyễn Cao Kỳ điều hành tuyên bố mở cuộc tổng tuyển cử Quốc Hội Lập Hiến ngày 3 tháng 9 năm 1966.
Quốc hội được thành hình với 118 đại biểu đắc cử, bản hiến pháp Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam được ban bố ngày 1 tháng 4 năm 1967.
Ngày 31 tháng 10 năm 1967, cuộc bầu cử Tổng Thống và phó Tổng Thống VNCH đã hoàn tất với tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng Thống và Phó Tổng Thống là tướng Nguyễn Cao Kỳ ( 1967-1971) rồi ông Trần Văn Hương kế nhiệm sau đó ( 1971-1975 ).
Bản hiến pháp đó đã là cơ sở pháp lý của nước VNCH cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Nhiệm kỳ của TT Thiệu đã kéo dài được 7 năm 172 ngày.
Cộng chung 2 nhiệm kỳ TT của ông Diệm 8 năm 7 ngày và ông Thiêu 7 năm 172 ngày, nước VNCH đã tồn tại được 15 năm 179 ngày, chưa đủ cho một thế hệ sinh ra và trưởng thành để trở thành một người công dân chính thức của đất nước.
Quốc gia VNCH ở miền Nam mảnh đất Việt Nam được lập ra từ năm 1955 và bị cưỡng chiếm bởi chế độ Cộng Sản gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ở miền Bắc ngày 30/04/1975.
Kể từ ngày 30/4/1975 cho tới ngày 29/9/2021, lịch sử đã trôi qua được 16,954 ngày hay 46 năm 164 ngày. Như vậy, đã có hơn 2 thế hệ: 1 được sinh ra và 1 trở thành cha mẹ.
Kể từ ngày 29/9/2001 cho tới 29/09/2021, đã được 20 năm va hôm nay ngày 29/09/2021 chính là ngày kỷ niệm 20 năm ông qua đời.
Trong 20 năm trôi qua, những người trẻ VN sinh ra từ năm 2001 cũng đã thành nhân đi vào trường đời, có đủ suy nghĩ và phân tích lý luận khi học hỏi, tìm hiểu và khám phá ra thế giới chung quanh mình, một thế giới mà có lẽ cho đến khi chết hay 100 tuổi vẫn không bao giờ hiểu và biết hết mọi chuyện, ngay cả đời sống chung quanh kề cận ở trong gia đình và ngoài xã hội, trong đất nước và ngoài thế giới.
Không những về chuyện hiện tại mà còn kể cả chuyện quá khứ và tương lai.
Riêng về chính trị, đó là một thế giới thật khó hiểu và hỏa mù mà mỗi người chỉ nhìn thấy được một góc cạnh của nó. Khổ nỗi mỗi góc cạnh lại khác nhau như người mù sờ voi.
Thôi hãy để câu hỏi đó cho những ai muốn làm lịch sử, muốn viết lịch sử và muốn thay đổi lịch sử đi tìm câu trả lời.
Ở đây, câu hỏi đó không nên có một chỗ đứng trong ngày 29/9/2021, ngày giỗ thứ 20 của vị Tổng Thống thứ 2 của nước VNCH trong 7 năm 172 ngày.
Viêc đi tìm hiểu này cũng giống như cảm nghĩ của tôi về nhân vật của một cuộn phim hay một vở kịch sau khi xem, tôi sẽ ra về với sung sướng hay thích thú và có nụ cười thở phào nhẹ nhàng hay có thể sẽ mặt mày buồn bã nặng chĩu và nhăn nhó khó chịu.
Tôi chỉ và sẽ chỉ muốn là một người như vậy thôi, tôi tự chọn lựa nỗi xúc động của mình, của chính con tim của mình và không muốn một ai nào đó thay đổi dòng máu đang chảy qua trái tim của tôi, xin đừng chặn lại hay bóp nghẽn hoặc bơm thêm máu của mọi người vào trái tim của tôi để tôi biến thành người khác.
Ngày 31 tháng 10 năm 1967 có lẽ là tiền đề định mệnh của số phận một người, một vị TT đổi từ một tướng lãnh sang một người công dân bình thường với một nửa con người mang gươm cầm súng và một nửa con người còn lại là lèo lái quốc gia .
Định mệnh đó đã trải qua 7 năm 172 ngày cho đến 30/04/1975 nhưng không phải là kết thúc cho số phận con người đó.
Gươm súng đã buông, thuyền chèo đã vỡ, số phận đó trôi đến một hoang đảo có người nhưng vẫn cảm thấy cô liêu và uất hận.
Để đến ngày 29/09/2001, đấy mới là sự kết thúc một đời người nhưng với tôi, nó vẫn không phải là kết thúc của một câu chuyện, của một số phận hay của một tranh luận.
Sự cô liêu và uất hận không biết nói cùng ai đã làm cho cuộc đời và thế giới chung quanh ông trở thành hoang đảo nhưng trong tâm khảm của ông, ngày tháng cũ và vận mệnh của đất nước trong suốt 7 năm 172 ngày, nó vẫn còn nguyên, không thêm không bớt.
Ngày 22/10/1972, ông đã nổi giận khi trả lời câu hỏi cho Cố Vấn Kissinger của tổng thống Mỹ Nixon khi ông được yêu cầu ký vào dự thảo hiệp định đình chiến mà Kissinger và Lê Đức Thọ soạn thảo tại Paris:
“Tôi không đồng ý về việc một số nhân viên của quý vị đi nói khắp Sài Gòn là tôi đã ký. Tôi chưa ký kết gì cả. Tôi không phản đối hòa bình nhưng tôi chưa nhận được một trả lời thỏa đáng nào của quý vị cho nên tôi sẽ không ký”.
T.T. Thiệu nói thêm: “Vâng, đó là lập trường cuối cùng của tôi. Tôi sẽ không ký và tôi xin ngài thông báo cho Tổng thống Nixon biết như thế. Xin quý vị trở lại Washington và nói với Tổng thống Nixon rằng tôi cần được trả lời”.
Ông chỉ tay vào bản đồ Việt Nam rồi nói:
“Có gì quan trọng khi Hoa Kỳ để mất một quốc gia nhỏ bé như Nam Việt Nam? Chúng tôi không hơn gì một chấm nhỏ trên bản đồ của thế giới đối với các ông… … Nhưng đối với chúng tôi, đó là một sự chọn lựa giữa sự sống và sự chết.” (Nguồn Trích dẫn: trong bài viết của Bui Mạnh Trinh theo link sau: https://sites.google.com/site/fullpageload/can-tra-lai-su-that-cho-tong-thong-nguyen-van-thieu)
Ông đã quyết chọn sự sống bằng tất cả mọi cách và mọi giá để chống lại kẻ thù phương Bắc và với những gì quốc gia VNCH có thể làm được:
Trong lá thư sau gửi cho TT Ford của Hoa Kỳ, đã cho thấy tấm lòng yêu quê hương và tự do của một vị Tổng Thống VNCH, người lãnh đạo đất nước trong những giây phút cuối cùng của lịch sử đã cố làm một chuyện gì để giữ lại miền Nam, mảnh đất Tự Do.
Lá thư được viết với một sự cầu khẩn tha thiết và chân thành nhưng không phải là tình cho không biếu không mà cũng có trao đổi quyền lợi, một sự trao đổi trên thực tế chẳng có thể cân xứng với những gì đã được mua bán sắp xếp đằng sau đó.
Cay đắng thay không biết thư không tem đó có đến được tay người nhận và được mở ra đọc hay không?
“ Thưa Tổng Thống, tôi đề nghị Tổng Thống yêu cầu Quốc Hội đồng ý cho chúng tôi vay dài hạn lần cuối cùng số tiền 3 tỷ đô la, được phân chia trong 3 năm và kỳ hạn hoàn trả là 10 năm với mức lãi suất do Quốc Hội quyết định. Tiềm năng về dầu hỏa và nguồn lợi về nông nghiệp của chúng tôi sẽ thế chấp cho món nợ này. Số tiền vay này được gọi là "Freedom Loan".
Số tiền này sẽ cho phép chúng tôi 1 cơ hội để được tồn tại trong 1 đất nước Tự Do và Dân Chủ.
Chúng tôi kêu gọi lương tâm và lòng nhân đạo của nhân dân Hoa Kỳ đối với cảnh ngộ của đất nước chúng tôi, 1 người bạn đồng minh trung thành với nhân dân Hoa Kỳ trong suốt 20 năm sóng gió, 1 dân tộc đã chịu nhiều hy sinh vì chiến tranh, đau khổ vì Cộng sản trong 2 thập niên chiến đấu để giữ mảnh đất Tự Do này. Một dân tộc như vậy xứng đáng với lòng thông cảm và sự giúp đỡ.
Trong giờ phút vô cùng khẩn thiết, chúng tôi mong muốn Tổng Thống thúc giục Quốc Hội xem xét dễ dàng, cấp bách cho lời yêu cầu của tôi là được vay "số tiền vì Tự Do". Đây sẽ là hành động cầu xin cuối cùng của tôi, 1 người bạn đồng minh, gởi đến Tổng Thống và toàn thể nhân dân Hoa Kỳ.
Trân trọng kính chào.
Nguyễn Văn Thiệu
Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà"
(Nguồn trích dẫn: Diễn Đàn Lịch Sử Việt Nam.
https://www.facebook.com/lichsuvn.net/posts/1871611659523018/)”
Nhưng cuối cùng, ông đã phải buông tay vì vận mệnh của miền Nam, nước VNCH đã được an bài bởi các cường quốc trên thế giới.
Nhìn lại lịch sử tương tự như sau thế chiến thứ 2, những mảnh đất quốc gia và khu vực chiến tranh trên thế giới đã được phân chia như thế nào? Mô hình đó có phải lại được áp dụng lên đất nước Việt Nam của chúng ta hay không?
Xin đừng hỏi tôi vì tôi không đủ sức viết lại lịch sử và biết phân tích lịch sử trong ngày hôm nay, một ngày tôi muốn trang trọng tưởng niệm và chỉ muốn nói đến một vị tổng thống thứ 2 của nước VNCH bỏ lại 7 năm 172 ngày sau lưng để chỉ còn đếm từng ngày cô đơn trôi qua ở những mảnh đất xa lạ từ Đài Loan cho đến Anh Quốc và Hoa Kỳ.
Mỗi ngày lặng im và mỗi ngày buồn tủi khi không biết chia xẻ cùng ai, khi không còn gì để nói và cũng không còn gì để mà lấy lại.
Có kỷ niệm hay tưởng niệm với tôi, có lẽ cũng xin được lặng im ghi nhớ những ngày tháng còn lại của vị Tổng Thống thứ 2 của VNCH.
Trước và sau biến cố 30/4/75, trong quân đội VNCH, thế giới đã nhìn thấy có nhiều sĩ quan chỉ huy cao cấp đã chọn quyết định ở lại với thuộc cấp, có nhiểu chiến sĩ từ cấp tướng tới binh sĩ đã tự sát một cách oai hùng nhưng cũng có rất nhiều người đủ các cấp bậc đã bỏ chạy đi.
Câu chuyện của cuộc đời họ gần như có 2 mặt. Trang mặt trước đã đến rồi được lật qua và đã để lại một nửa hình ảnh của đời người. Nếu chỉ nhìn thấy một nửa đó và đi tới kết luận cuối cùng thì tội cho họ thật sự. Hãy cộng thêm một nửa còn lại thì có lẽ sẽ thấy được toàn vẹn bóng dáng của một con người từ lúc sinh ra cho đến khi chết.
Một nửa đầu, tôi xin để cho những người muốn viết lịch sử, muốn làm lịch sử hay muốn thay đổi lịch sử làm. Một nửa sau, tôi xin được đứng để xem lịch sử từ góc cạnh của nhân ái, từ bi và nghiệp chướng, những niềm tin chân thiện mỹ bình thường của đạo Phật, tôi đã chọn cho cuộc sống cá nhân của tôi.
Lặng im, ẩn dật, tủi buồn và một mình cô độc là những câu trả lời cho tất cả mọi người muốn biết về một nửa đời còn lại của một vị tổng thống khi bỏ nước ra đi trong chiến tranh.
Câu trả lời đó theo tôi có lẽ đã quá đủ dù không thể xóa tan được một nửa đời hình ảnh trước của mình nhưng nếu có ai muốn hỏi thêm hay nghĩ gì khác thì tùy họ.
Riêng tôi, sẽ không vinh danh và cũng không kết tội ai vào ngày hôm nay và sẽ khép lại vĩnh viễn trang sách cuối cùng của mình.
Trước khi xếp quyển sách đó nằm im vĩnh viễn ở một nơi gọi là ngôi mộ lịch sử, tôi chỉ muốn viết lại hai câu nói của vị tổng thống cuối cùng của một đất nước, một vùng đất tự do mới chỉ được sinh ra và lớn dậy với tuổi non dại 15 năm 179 ngày, cái tuổi chưa trưởng thành mà tên đã bị xóa trên quả địa cầu.
1- “ Đừng tin những gì Cộng Sản nói, hãy nhìn những gì Cộng Sản làm”
2- “Đối với chúng tôi, đặt bút ký vào một hiệp ước tương đương với sự đầu hàng là chấp nhận một bản án tử hình, vì cuộc sống không có tự do là sự chết. Không, nó còn tệ hơn là sự chết.”
Nguyễn Văn Thiệu, vị Tổng Thống thứ hai của nước VNCH với 7 năm 172 đêm ngày đã làm hết sức mình để lèo lái con thuyền quốc gia nhưng không đến được bến bờ và đã chìm tan nát trong biển động.
Lặng im, ẩn dật, tủi buồn và một mình cô độc, người thuyền trưởng đó đã chết dần chết mòn kể từ lúc rời bỏ thuyền và trôi về hoang đảo của loài người.
Hôm nay, hai nửa hình ảnh của vị thuyền trưởng này đã được ghép lại với nhau đầy đủ để tôi được nhìn rõ và có thể thắp một nén hương tưởng nhớ tới một người, một vị Tổng Thống thứ 2 của nước VNCH, của một đất nước không còn trên quả đất nhưng tên gọi vẫn nằm trong trái tim của hàng triệu người tỵ nạn trên khắp các lục địa và chắc chắn hơn nữa, vẫn có thể tìm thấy được dễ dàng ở các thư viện của nhiều quốc gia trên thế giới và trên mạng lưới internet của loài người.
Kể từ ngày 30/4/1975 cho tới ngày 29/9/2021, tên gọi đó, sách vở và hình ảnh đó đã nằm im trong 16,954 ngày hay 46 năm 164 ngày nhưng lịch sử đó đã đóng lại hay chưa?
Chắc chắn là chưa.
Nguyễn Ngọc Phúc