Thu chưa đến nhưng dấu hiệu tàn phai, héo úa, đổ nát cũng đã biến hiện từng ngày trên những tán lá, và trên những trang báo, trang mạng xã hội, màn ảnh truyền hình…
Đại dịch bùng phát, hoành hành khắp thế giới, tiếp tục cướp đi nhiều mạng sống, làm điêu đứng hoạt động y tế, kinh tế, giáo dục… của nhiều quốc gia - đặc biệt là các nước nghèo ở Nam Mỹ và Á châu. 19 tỉnh thành miền nam Việt Nam bị lệnh giãn cách toàn xã hội. Không thể ra đường kiếm sống, đi chợ, gây nên khủng hoảng khó khăn, thiếu thốn lương thực nhiều ngày cho hàng triệu đồng bào nằm trong các khu vực bị phong tỏa.
Thế Vận Hội vẫn được khai mạc tại Tokyo với sự tham gia của hơn 11,000 vận động viên, 950 quan khách dự khán, và lần đầu tiên trong lịch sử: không một khán giả nào được phép vào sân vận động với sức dung chứa 70,000 chỗ ngồi.
Do hiện tượng ấm lên toàn cầu, biến đổi khí hậu, thảm thực vật cằn khô, lượng mưa giảm, nắng nóng chết người, nhiệt độ ở một số khu vực tăng lên kỷ lục (hơn 43 độ C / 110 độ F), khiến cháy rừng dữ dội tại miền Tây Bắc Mỹ. Năm nay không chỉ ở California mà còn ở Oregon, Washington, Nevada cũng như một số nơi thuộc tỉnh bang British Columbia, Canada: hàng trăm nghìn mẫu rừng cháy suốt và lan nhanh không thể kiểm soát nổi. Khói từ những đám cháy rừng miền tây kéo qua đến tận miền đông Hoa Kỳ.
Thuốc chủng ngừa Covid-19 dư thừa ở nước này—vì nhiều người vẫn không chịu tiêm, lại thiếu trầm trọng ở nước khác. Đâu đó tại một số tiểu bang và thành phố ở Hoa Kỳ, vẫn còn kiện tụng về việc cho phép không cần mang khẩu trang, hay bắt buộc mang khẩu trang cho học sinh vào lớp. Trong khi đó, phụ huynh học sinh ở các nước nghèo đang bị dịch tràn lan thì có thể thấy trước viễn ảnh trường sẽ không khai giảng vào niên khóa tới; và nếu có khai giảng, không chắc có đủ tiền đóng học phí và mua sắm học cụ cho con em, vì trước nhất phải lo kiếm miếng ăn cho gia đình.
Đói thiếu, nghèo khổ, cùng với bất công xã hội, chặn bít mọi con đường hướng đến tương lai.
Tương lai, theo một góc cạnh nào đó từ đời sống thực tế xã hội, có vẻ như chỉ dành cho những hoàn cảnh tương đối ổn định, và có chiều hướng ưu đãi cho những hoàn cảnh đã nằm trên thang bậc cao sang, ưu tú. Từ nơi ổn định, người ta mới có thể nghĩ đến một tương lai xa hơn, nghĩ đến một cơ hội phát triển nào đó được dự phóng hoặc mơ tưởng từ lâu trong quá khứ. Nhưng đối với những kẻ bần cùng, khốn khó, tương lai là thứ xa xỉ, chưa hề hiện hữu. Đầu tắt mặt tối, chạy ăn từng bữa, chỉ có ngày hôm nay, chỉ có hiện tại hay một thời hạn rất gần, rất ngắn trong ngày. Những tia hy vọng nào đó chợt loé lên trong phút giây là lịm tắt ngay sau đó.
Nhưng dù thế nào, trong cuộc sống bần cùng hay phú quý, đối với người cha người mẹ, tương lai chính là những đứa con. Con là vốn liếng của cha mẹ. Cha mẹ đầu tư vốn liếng này cho tương lai của mình, mà kỳ thực chính là tương lai của con. Tương lai của con là tương lai của cha mẹ. Con hơn cha là nhà có phúc. Bởi vậy, cha mẹ sẽ vui khi con cái vượt trội hơn mình. Từ thể chất đến tinh thần, từ kiến thức đến kinh nghiệm sinh nhai lăn lóc với đời, mỗi thứ con đều hơn mình là hạnh phúc lắm rồi. Ôm ấp, lắng nghe, trò chuyện cùng con từ thuở con còn trong bụng mẹ. Cho đến khi sinh con ra, nhìn ngắm, nâng niu, hát ru, bú mớm, thay tã cho con mỗi ngày… cha mẹ nào có nệ hà chi; chỉ biết thương con thì chăm sóc con, lo cho con miếng ăn, lo cho con đến trường. Rồi một ngày con vụt lớn lên thành một chàng trai khôi ngô, thành một thiếu nữ kiều diễm. Con đi theo lý tưởng; con đi theo tình yêu. Sự thực này cha mẹ đã liệu trước, nhưng khi con rời xa rồi, cha mẹ vẫn cảm thấy hụt hẫng, ngỡ như điều ấy không thể xảy ra, không nên xảy ra. Con thương, con hiếu với cha mẹ thì phải ở mãi bên cha mẹ – cha mẹ thường nghĩ vậy. Nhưng thực tế là một ngày nào đó, con sẽ rời xa cha mẹ để sống với tương lai của con. Tợ như cha mẹ đã từng rời bỏ ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại. Con không thể quấn quýt mãi bên cha mẹ; mà cha mẹ thương con, cũng không thể níu kéo, ràng buộc con phải suốt đời quanh quẩn bên những cội cây già cỗi. Con là tương lai của cha mẹ, và con cũng sẽ có tương lai nơi những đứa con của con. Đời sống của cha mẹ, vì vậy, là một cuộc hy sinh. Hy sinh quá khứ (ông bà, tổ tiên), hy sinh hiện tại (cha mẹ), tất cả vì tương lai (con cái). Sóng sau vượt sóng trước. Dòng chảy của huyết thống, của gia tộc, là đi tới, tiến lên. Trong dòng chảy đó, luôn có sự tiếp nối không ngừng của quá khứ, hiện tại và tương lai. Hiện tại là tương lai của một quá khứ, mà cũng là quá khứ của một tương lai. Không có đứt đoạn. Cho nên, sự hy sinh của cha mẹ hiện tại hay của con cái (khi làm cha mẹ ở tương lai của chúng), không có nghĩa là vong ân, vong bản, phủ nhận quá khứ, mà chỉ là, sống thì phải đi về hướng tương lai. Sống mà không có tương lai, không cố gắng vượt khỏi số phận hiện tại mới chính là sự chối bỏ cội nguồn, phụ lòng cha mẹ, tổ tiên.
Lệnh giãn cách xã hội, ngăn sông cấm chợ, lại được kéo dài thêm cho đến đầu tháng sau tại 19 tỉnh thành miền nam, và cũng đã được áp dụng nghiêm nhặt tại Hà-nội và nhiều tỉnh thành khác khắp đất nước. Con số bệnh nhân bị lây nhiễm và tử vong tiếp tục tăng lên từng ngày.
Dân tình đói khổ. Những người bán hàng rong độ nhật loay hoay không biết làm sao có bữa ăn cho gia đình. Những đứa bé đi bán vé số kiếm cơm không thể ra đường. Hàng quán đóng cửa, dân tiểu thương ở nhà, lo âu nghe ngóng tin tức. Công nhân nghỉ việc nằm nhà, cách ly. Những cụ già neo đơn, những gia đình lúc nhúc trẻ con, mong chờ những hộp cơm từ thiện như phép lạ từ đâu chợt đến. Bệnh viện vốn chưa bao giờ đủ giường cho bệnh nhân, lại càng không có chỗ để tiếp nhận những ca cấp cứu vì nhiễm dịch.
Ở một xứ sở tự do, giàu mạnh hàng đầu thế giới, trên mạng truyền thông xã hội, vẫn còn có những tranh cãi và chỉ trích nhau về việc nên hay không nên chích ngừa, thuốc chích ngừa có đáng tin hay không, cần hay không cần mang khẩu trang, siêu vi khuẩn corona có thật hay chỉ là tin giả — trong khi trên thế giới đã có hơn 190 triệu người bị lây nhiễm và hơn 4 triệu người tử vong vì dịch bệnh này.
Bất công xã hội vẫn luôn là vấn nạn của loài người, nhất là nơi những quốc gia đảng trị và độc tài. Những cuộc biểu tình của quần chúng và các phong trào đòi hỏi bình đẳng xã hội cứ trỗi lên rồi lại chìm xuống, nơi này nơi kia, như sóng nhấp nhô vỗ vào những tường đá kiên cố bên bờ đại dương thống khổ.
Những người cha mẹ âu lo ôm lấy con thơ, không biết mình có đủ khả năng bảo vệ con trước những cơn sóng dữ. Hôm qua không có việc làm, hôm nay không có thức ăn, không biết ngày mai con có thể đến trường được hay không. Con không có ăn, con không đến trường, thì tương lai của con là gì, con là gì ở tương lai?
Thu chưa đến mà lá đã ươm màu. Nhớ những mùa thu quê hương. Nhớ bên sông lộng gió, có những con chuồn chuồn chợt bay đến rồi chợt vút đi. Nhớ hoàng hôn xuống, ửng một trời hồng tía; đàn cò trắng im lặng vỗ cánh bay về dãy núi phía tây. Nhớ những cơn mưa phùn trên thành phố yên vui. Nhớ con đường dốc ngập xác lá me dẫn lên ngôi chùa trên núi. Nhớ ngôi trường xưa ngày khai giảng vẫn còn xác phượng cuối hè nhuộm đỏ góc sân chơi. Nhớ ngôi nhà cổ kính một thời bầy trẻ lớn lên trong vòng tay bảo bọc yêu thương của ba mẹ. Và con nhớ ba mẹ lắm! Tưởng chừng ba mẹ chưa hề xa con. Tưởng chừng con chưa hề xa ba mẹ. Ba mẹ ơi, thu sắp về rồi. Con suy nghĩ lan man đủ thứ chuyện rồi cũng nhớ ba, nhớ mẹ. Ồ, tương lai của con, không là gì cả. Chỉ là trong phút giây hiện tại này, con nhớ ba mẹ khi thu chớm sang.
Mùa thu. Đã có những thu buồn lê thê đi qua cuộc đời, và đi qua những phận người. Đã có những lá vàng rơi ngập công viên mà người quét lá đi đâu biền biệt… Nhưng cái gì rồi cũng trôi qua. Tương lai của thu sẽ là xuân. Tương lai của xuân, lại là thu. Không có xuân trường cửu thì cũng không có thu trường cửu. Hôm sau một người quét lá nào đó sẽ quay trở lại, cặm cụi làm công việc bỏ dỡ của người hôm trước. Và ngày mai, lá sẽ ươm xanh trên những nhành khô khi bình minh vỡ tràn.
California, ngày 25 tháng 07 năm 2021
Vĩnh Hảo