Hôm nay,  

Đọc Thơ Nguyễn Lương Vỵ

03/11/202015:24:00(Xem: 3404)
blank

Đọc Thơ Nguyễn Lương Vỵ

 

Phan Tấn Hải

 

Tôi luôn luôn nhìn thơ như một cõi khác --- không phải cõi xa, không phải cõi gần, không phải cõi khác, không phải cõi nhiều hay cõi ít… khi so với cõi đời thường của chúng ta. Thơ chính là ngay trong đời sống này, thơ gắn liền với hơi thở chúng ta, thơ hiển lộ ngay trước mắt chúng ta, thơ bước liền theo nét bút chúng ta ghi xuống, nhưng thơ vẫn luôn luôn là một thế giới khác. Thơ là những cuộn mây phả theo đầu ngón tay khi tôi cầm bút lên, thơ là cõi vui chơi của trẻ nhỏ hiện ra khi tôi ghi xuống trang giấy từ chữ đầu tới chữ cuối, thơ là mùi trầm hương từ Hy Mã Lạp Sơn bay về xông ướp trang giấy ngay khi tôi suy nghĩ về chữ. Vâng, thơ là thế giới khác. Vâng, thơ là Niết Bàn. Vâng, đó là thơ, của người xưa, của người nay, của muôn nghìn người đang tập làm thơ dù chỉ mới một ngày, hay đã làm thơ trọn một đời. Và như thế, tôi là một trong những người may mắn đã tập làm thơ từ thời rất nhỏ, đã làm thơ gần như trọn một đời, và đã đọc thơ rất mực trân trọng như đang bước vào một thế giới khác. Cũng như thế, trong các nhà thơ đã cho tôi nhìn ra một thế giới rất riêng và rất khác, có Nguyễn Lương Vỵ.

.

Một nửa thế kỷ làm thơ. Nguyễn Lương Vỵ đã đi tới mốc thời gian đó. Đó là những gì của đếm ngày, đếm tháng. Thực sự, trong cõi thơ không có thời gian đo đếm. Cho dù mẹ đã xa thật xa, khi trang thơ mở lại, dáng ngồi của mẹ vẫn hiện ra trước mắt Nguyễn Lương Vỵ: “Bấc lụi nhớ đèn thiu / Mẹ ngồi đau dáng núi / Khuya khoắt nhớ trăm chiều / Chong mắt người viễn xứ.” (Bóng Ngày Qua I).

Trong thơ, không gian và thời gian hiển lộ trong một cõi riêng, một cõi tái sinh trong tâm tưởng và lung linh trong giấy mực. Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã khuất núi nhiều thập niên, và khi nghe được dòng thơ họ Hàn âm vang lẫm liệt, Nguyễn Lương Vỵ viết: “Ngồi im bên mộ Hàn / Nghe chiều vang búng huyết / Nghe thơ rền lẫm liệt / Nghe vũ trụ tan hoang…” (Viếng Mộ Hàn Mặc Tử, 1969).
.

Thơ Nguyễn Lương Vỵ (NLV) có thể chia theo nhiều khung riêng. Thí dụ, quê nhà và hải ngoại. Hay, thơ thời kỳ trước và sau 1975. Hay, thơ theo thể truyền thống 5 chữ, 7 chữ, lục bát, hay tự do.

Hay như, khi thơ NLY hiển lộ trong thế giới âm thanh (Hú / Mú mù mu / Vú vù vu / Mệt lả hiên trời / Chép môi khuya / Rạch tiếng đàn trong cỏ / Rạch tiếng gió trong xương / Ôi hương máu / Gai âm… “Hú”).

Hay như, khi thơ NLV lên thác xuống ghềnh với dấu chấm câu (Sóng như bông – Bông như sóng / Ru. Thét. Gào. Im. Ngất. Động / Sông nở gió – Bông nở em / Em nở ta. A! Cồi mộng!!!.... “Ghi Chú Thơ Nguyễn Xuân Hoàng”).

Hay như, khi thơ NLV đưa chúng ta trở về một góc quê nhà phương ngữ (Kể chuyện nữa đi Mẹ / Chuyện chị con cũng nghe / Chuyện chi mô rứa hè / Giọng Quảng Nôm giòn rụm… “Nắng Xuân Phân”)

Nhưng trong tận cùng, vẫn là một chất Nguyễn Lương Vỵ rất riêng. Cái chất riêng này làm độc giả nhìn thấy thơ anh không lẫn vào thơ người khác. Nơi đây, chúng ta thử đối chiếu thơ Nguyễn Lương Vỵ của năm đầu tiên xuất hiện trên các tạp chí thi ca Sài Gòn với gần nửa thế kỷ sau.

.

Thơ NLV trong năm 1969, qua bài “Cảm Ứng” chỉ ngắn với bốn câu, trong tâm thức vừa lãng mạn, vừa nổi loạn thời mới lớn tại quê nhà:

Biển đắp một tòa sương
Lạnh đôi bờ vú nhỏ
Nàng tắm trong tịch dương
Núi gầm lên khóc nhớ…

Đó là hình ảnh đẹp của một nàng thiếu nữ đang tắm biển, rất buồn (tắm trong ánh chiều), rất như không thực (như sương), bất như ý (lạnh đôi bờ vú – biểu tượng của nữ tính, của nhan sắc và của bất an), và hứa hẹn cuộc đời sẽ rất mực truân chuyên (núi gầm lên khóc nhớ).

.

Như thế là có phần khác với hình ảnh thơ NLV của 47 năm sau, khi anh viết trên chuyến bay ngày 24.02.2016 từ Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, đến phi trường LAX, California --- bài thơ viết theo thể 7 chữ, mỗi đoạn 4 câu, và dài 9 đoạn, nhan đề “Nếp Gấp Thời Gian 4” trích hai đoạn như sau:

Khuya. Chia tay. Tạm biệt Sài Gòn.
Hẹn. Vết bầm. Vết sướt. Vết son.
Hẹn. Bụi bến. Bụi bờ. Bụi bặm.
Hẹn. Cầu bơ. Cầu bất. Dại. Khôn.

Còn. Chút hương. Tam Kỳ. Đà Nẵng.
Chút cô liêu. Gửi lại. Sông Hàn.
Chút kỷ niệm. Bay theo. Mây trắng.
Chút lầm than. Lầm lũi. Chưa tan!

.

Giọng thơ đầy gập ghềnh, liên tục ngắt đoạn --- có phải đó là tiếng khóc, hay những lời rất mực ngập ngừng của người con xa xứ? Hay chàng có gì muốn nói, và không mở lời được? Hình ảnh đầy những bất như ý (bầm, sướt, bụi, bờ…). Xuyên suốt cả thơ Nguyễn Lương Vỵ như thế là một ý thức về khổ, về những bất như ý trong cõi này. Không phải là một tuyên thuyết chính thức về Khổ Đế trong nhà Phật, nhưng là một kinh nghiệm bản thân của thi sĩ về bất toàn cõi này, khi còn là một chàng trai mới lớn nhìn một thiếu nữ tắm, cho tới khi là một nhà thơ ở giữa thập niên của lứa tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” (60 tuổi có thể nghe được cả ý kiến bất đồng). Nói ngắn gọn, chung hết, thơ Nguyễn Lương Vỵ hay, đẹp, buồn, và đầy những tiếng nói bất như ý trong cõi này.

.

Hình ảnh quê hương hiện rõ nhiều lần trong thơ Nguyễn Lương Vỵ. Chúng ta gặp rất nhiều địa danh trong thơ của NLV: Qui Nhơn, Ninh Chữ, Nha Trang, Đèo Cả, Pleiku, Phố Cổ Hội An, Tam Kỳ, Ngũ Hành Sơn, Đà Lạt, Sài Gòn… hầu hết là Miền Trung. Dễ hiểu, bởi vì Nguyễn Lương Vỵ sinh năm 1952 tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Vào Sài Gòn học ở Đại Học Vạn Hạnh, và hoàn tất Cử nhân Triết nơi đây trước năm 1975. Hầu hết các nơi NLV đặt chân tới là Miền Trung và Sài Gòn.

Khi Nguyễn Lương Vỵ làm thơ với các địa danh quê nhà, quá khứ của anh hiện lên trong thơ, buồn nhiều hơn vui. Thơ trong các năm 1969-1975 của NLV một số bài có văn phong cổ thi. Thí dụ, bài thơ 4 dòng, nhan đề “Đèo Cả” làm năm 1971, anh viết: “Lâu lắm qua đèo Cả / Đá vẫn quấn mây mù / Vọng phu xanh tấc dạ / Đá vẫn sầu muôn thu!” Trong đó, hình ảnh “vọng phu” dựa vào cổ tích, và thi sĩ cảm nhận nỗi “sầu” (từ Hán-Việt) chứ không phải nỗi “buồn” (từ Nôm, thuần Việt).

.

Tuy trong thời mới lớn, còn giữ văn phong cổ thi (nói là cổ, không có nghĩa là phải đẩy vào quá khứ, nhưng cổ còn có những giá trị muôn đời) Nguyễn Lương Vỵ đã có nét đẹp của văn phong riêng, như trong bài thơ 4 dòng, nhan đề “Không Ngủ Được” làm năm 1971, như sau:

Suốt đêm không ngủ được
Vuột mất một tứ Thơ
Tự trách mình bội ước
Mảnh trăng quê dại khờ
!

.

Nơi đây, thi sĩ ngủ và thức với Thơ, hẹn và quên với trăng; nơi đây, mảnh trăng quê là người tình có hẹn ước, đã quyện vào thơ và giấc ngủ của chàng. Nửa khuya thức dậy, mới tiếc một dòng thơ đã biền biệt trong mơ.

Nguyễn Lương Vỵ nghĩ nhiều tới người xưa. Thơ anh nhắc tới Hàn Mặc Tử, Nguyễn Du, Quách Tấn, Bùi Giáng và nhiều nhà thơ tiền bối. Có phải anh nghĩ tới bản thân mình và nhớ tới người xưa? Có phải anh băn khoăn về số phận có vẻ như tiền định của bản thân anh và các nhà thơ quá khứ?

Phải chăng chàng trai 20 tuổi tự thấy mình, cũng như người xưa, cũng cặm cụi làm thơ để nhìn thấy chữ làm đầu mình hóa thành núi đá và phải cất tiềng vang rền? Chàng trai Nguyễn Lương Vỵ viết trong bài thơ 4 câu nhan đề “Đỗ Phủ” như sau:

Hằng ngày hằng cặm cụi
Nhẩm thơ cất trong đầu
Cất lâu đầu hóa núi
Núi rền nên núi đau…
11.1972

.

Có phải khi đọc thơ người xưa, Nguyễn Lương Vỵ cảm thương cho người làm thơ thời nay, và cho chính anh? Trong bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, với 4 khổ thơ, nhan đề “Tưởng Niệm Quách Tấn” năm 1997, nơi đây trích khổ thứ ba:

Thơ chìm đêm nguyệt tận
Hấp háy đóa bình minh
Bút se niềm ưu hận
Sương bọc gió thâm tình

Có gì mà cụ Quách Tấn phải ưu với hận? Hai chữ ưu hận gặp nhiều lần trong thơ Nguyễn Lương Vỵ. Điều chúng ta biết rằng cuộc đời Nguyễn Lương Vỵ --- cũng như hàng chục triệu người dân Việt --- đã rất mực gian nan, đầy những biến động phức tạp, không chỉ trong thời nội chiến trước 1975 mà cả sau ngày quê nhà thống nhất. Thơ Quách Tấn buồn, nhưng không có nghĩa “ưu” như là lo âu, buồn phiền, suy tính quan tâm như chữ “ưu” trong nghĩa của câu “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.” Cụ Quách Tấn cũng không có cuộc đời phức tạp để mang nỗi giận (hận) như ý thơ Nguyễn Trãi “Anh hùng di hận kỉ thiên niên”  (Anh hùng để lại mối hận tới mấy ngàn năm). Phải chăng Nguyễn Lương Vỵ nhìn cụ Quách và rồi tự nghĩ tới mình?

.

Nguyễn Lương Vỵ không làm thơ chính trị, nhưng anh có nhiều bài thơ mang các suy nghĩ có thể gọi là “ưu hận” để tới nỗi ngòi bút phải se lại. Vào các năm 1960s, trong những cao điểm của cuộc nội chiến tại xứ Quảng, hình ảnh chặt đầu người đưa ra chợ khủng bố được nhìn thấy thường xuyên. Bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, dài 5 đoạn, nhan đề “Chép Hộ Người Đàn Bà Điên” làm năm 1985 (nhưng có thể suy đoán là chỉ về những hình ảnh trước đó khoảng 20 năm mà nhiều người gia đình xứ Quảng trải qua), Nguyễn Lương Vỵ viết trong đoạn đầu:
.

Chiều sưng húp mồ ma
Ai cắt đầu ta vậy?
Ai moi ruột gan ta
Để bây giờ lửa cháy.

.

Nội chiến đau đớn như vậy: cắt đầu, moi ruột. Trong bài thơ “Chép Trong Vườn Cũ” làm vào tháng 10/1985, Nguyễn Lương Vỵ kể chuyện bước ra từ khói lửa và được nuôi lớn bằng Thơ Ca, trích 2 đoạn trong bài dài 6 đoạn:
.

Ra đi từ chiến tranh
Tự biết ngọn nguồn khát vọng
Tự hiểu vì đâu máu nóng
Hòa âm với rừng với biển gần xa.
.
Bởi quê hương lồng lộng Thơ Ca
Đã nâng gót đời ta nhẹ bước
Đã cho ta hình hài sau trước
Mỗi chiều hôm sấm dậy trong hồn…

.

Thơ Nguyễn Lương Vỵ hầu hết không vui. Kể cả khi viết cho các nàng thiếu nữ, những hình ảnh biền biệt liên tục gặp trong thơ anh, đó là nhớ, là tưởng.

Nguyễn Lương Vỵ viết trong bài “Nhật Ký I” dài chỉ 4 câu: “Tìm một câu thơ tím / Nắn nót bóng ngày qua / Chữ thương đau ngất lịm / Chữ tri tình xót xa.” Than ôi, ghi lại bóng ngày qua, mà chữ buồn tới thương đau ngất lịm.

Hay như, trong bài “Tưởng” chỉ với 4 câu: “Tưởng một chút hương xưa / Tưởng bờ môi năm xưa / Tưởng hoài trong cơn mưa / Thơ dại chết lâu rồi!” Nơi đây, với chàng, Thơ đã chết. Không có nghĩa là chữ đã lìa đời, nhưng là những hình ảnh thơ mộng đã xa rồi.

.

Nguyễn Lương Vỵ trân trọng với các bạn văn, bạn thơ. Chúng ta thấy nhiều bài thơ anh viết tặng, từ các bạn văn thế hệ tiền bối như Bùi Giáng, Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Hoàng, Cung Tích Biền… cho tới thế hệ ngang lứa và trẻ hơn, như Nguyễn Tôn Nhan, Võ Chân Cửu, A Khuê, Vũ Hữu Định, Nguyễn Thị Khánh Minh, Lê Lạc Giao, Lê Giang Trần, Tô Đăng Khoa, Tuấn Khanh, Nguyễn Hoàng Nam, Phan Tấn Hải, Tâm Nhiên… Phương diện khác, Nguyễn Lương Vỵ cũng làm thơ cho nhiều người thân trong gia đình, cho hai người con gái của anh.

Trong khi đó, như bước vào một thế giới khác, Nguyễn Lương Vỵ làm các bài thơ Thiền với văn phong dị thường: kiên cố như núi đá,  thơ mộng như hoa nở, tịch lặng như đêm vắng, sáng rực như trăng rằm. Cảm hứng thơ nơi đây của Nguyễn Lương Vỵ là dịch một số bài thơ Thiền của Trần Thái Tông (Bài "Thi Kệ 'Bốn Núi' Của Trần Thái Tông"), của Trần Nhân Tông (như "Đọc thơ Trần Nhân Tông" và "Cảm Ứng Thơ Trần Nhân Tông"; “Mười bài thơ mùa xuân của Trần Nhân Tông”, “Ba Bài Thơ Mùa Thu Của Trần Nhân Tông”, “Bài Thơ Hữu Cú Vô Cú Của Trần Nhân Tông”).

.

Bài thơ nhan đề “Một Đời” do Nguyễn Lương Vỵ làm năm 2015, khi chợt nhớ 2 câu thơ cuối của thiền sư Không Lộ (? - 1141) trong bài thơ tứ tuyệt “Ngôn Hoài” (Bày Tỏ Tấm Lòng) với 2 câu: Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh (Có lúc lên thẳng đỉnh núi cô quạnh), Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư (Kêu dài một tiếng, lạnh cả bầu trời). Bài thơ “Một Đời” dài 3 đoạn, pha lẫn ngôn ngữ văn phạm thời nay (dấu hỏi ?, dấu chấm than !, và dấu ba chấm…) với đoạn đầu trích như sau:
.

Một đời một dấu hỏi
Một dấu than tiếp sau
Ba dấu chấm nhìn nhau
Bốn bề ngày nín bặt
Mưa bụi sớm nay nhắc
Nẻo quên chiều xa trông
Hú dài lạnh hư không
Thiền sư về trên núi.

.

 

Không chỉ dịch và làm thơ về các Thiền sư cổ thời, Nguyễn Lương Vỵ cũng làm thơ tặng người hộ trì chánh pháp thời nay, trong đó nổi bật có bài thơ “Gươm Báu” làm tặng BS Đỗ Hồng Ngọc, sau khi nhà thơ đọc xong cuốn tản văn "Gươm Báu Trao Tay" của nhà văn, bác sĩ họ Đỗ. Bài thơ “Gươm Báu” dài 3 đoạn, và trích nơi đây là đoạn cuối:
.

A! Quay về chơn tâm
Chuông đưa xanh linh ngữ
Bái vọng mây thiền tự
Tri ân tuệ nhãn kinh
Vượt lên bóng với hình
Như nhiên liền sáng tỏ
Đất trời trong lá cỏ
Đáy hồ reo thiên cao...

.

Tuyệt vời là Nguyễn Lương Vỵ. Có những câu thơ của anh hay tới nỗi, tôi đọc hoài vẫn thích, vẫn nghe âm vang rung động, vẫn thấy xao xuyến như các cậu học trò lần đầu được học về thơ. Trong các thi tập Nguyễn Lương Vỵ, gần như trang nào cũng có những câu tôi ưa thích. Một khía cạnh khác của thơ anh là, lẫn trong các dòng thơ đẹp vẫn là một nỗi buồn, và đọc thơ anh cũng là nếm được giữa những ngọt ngào thơ mộng là vị đắng của đời. Như hai câu cuối trong bài “Người Hải Ngoại” của Nguyễn Lương Vỵ:
.

Gió đưa cây cải ngọt ngào
Rau răm nhẫn nại xin chào đắng cay…

Xin chúc mừng 50 năm Nguyễn Lương Vỵ làm thơ.

.

Đọc thêm:

--- Nguyễn Thị Khánh Minh: Nguyễn Lương Vỵ. Những Viên Cuội Thời Gian

https://vietbao.com/p301420a305615/nguyen-luong-vy-nhung-vien-cuoi-thoi-gian

--- Văn Học Press: Tuyển Tập Thơ 50 năm (1969-2019) Nguyễn Lương Vỵ

https://vietbao.com/a305596/tuyen-tap-tho-50-nam-1969-2019-nguyen-luong-vy

.

 

 

 



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Phim cao bồi được tái hiện ở các sân trường, lớp học ở một tiểu bang. Khi những người biểu tình hô vang “Bàn tay của bạn dính máu”, Hạ viện tiểu bang Tennessee hôm thứ Ba đã thông qua dự luật cho phép một số giáo viên và nhân viên mang súng ngắn trong khuôn viên trường học. Đạo luật này trước đây đã được Thượng viện tiểu bang thông qua và tờ báo Tennessean loan tin rằng nó "gần như được đảm bảo sẽ trở thành luật trong vòng vài tuần"
Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố hôm thứ Ba nói rằng châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trong năm 2023, với lũ lụt và bão đứng đầu danh sách các yếu tố gây thương vong và thiệt hại kinh tế. Các nhà khoa học cảnh báo về điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt vì biến đổi khí hậu do khí nhà kính do con người thải ra khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn. Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Một học sinh trung học ở North Carolina đã bị truy tố tội hành hung sau khi bị camera ghi lại cảnh tát vào mặt một giáo viên trong một cuộc trao đổi mà học sinh này chửi mắng cô giáo bằng ngôn từ tục tĩu. Vụ này liên quan đến thiếu niên được ẩn danh vì là vị thành niên, xảy ra tại trường trung học Parkland ở Winston-Salem vào ngày 15 tháng 4, theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Forsyth (FCSO) cho biết trên Facebook.
Nhà văn, sử gia Nguyên Vũ - Vũ Ngự Chiêu đã ra đi. Tên khai sanh là Vũ Ngự Chiêu, sử dụng hai bút hiệu là Nguyên Vũ và Chính Đạo. Ông sinh ngày 6 tháng 10/1942 tại Hải Dương, VN, và từ trần ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 82 tuổi.
Donald Trump đã tung ra một loạt bài đăng trên mạng xã hội yêu cầu quyền miễn tố của tổng thống và đe dọa những người tiền nhiệm trước khi bước vào ngày thứ tư của phiên tòa hình sự hôm thứ Sáu. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ nghe các tranh luận vào tuần tới trong đơn kháng cáo của Trump đối với vụ truy tố về lật đổ cuộc bầu cử ở Washington, D.C.,
Các thành viên trong đại gia đình của dòng họ Kennedy phần lớn đã xa lánh chiến dịch tranh cử tổng thống của Robert F. Kennedy Jr., gọi nó là nguy hiểm và chính thức ủng hộ việc Tổng thống Biden tái tranh cử. Dòng họ Kennedy đã đưa ra sự chứng thực chính thức và nhấn mạnh vào thứ Năm, Politico đưa tin, xuất hiện cùng Biden vào thứ Năm tại Philadelphia.
Nếu có thể kéo dài tuổi thọ hoặc thậm chí là bất tử, liệu chúng ta có thực sự muốn điều đó không? Trong cuốn sách mới có tựa đề “Why We Die: The New Science of Aging and the Quest for Immortality” (Tạm dịch “Tại Sao Chúng Ta Chết: Phát Hiện Mới Về Lão Hóa và Đi Tìm Sự Bất Tử”), Venki Ramakrishnan, khoa học gia về sinh học phân tử đoạt giải Nobel, đã sàng lọc các nghiên cứu từ trong quá khứ đến tiên tiến nhất để tìm hiểu những lý thuyết kéo dài tuổi thọ cùng với những hạn chế thực tế. Trong quá trình tìm hiểu, ông cũng đặt ra các câu hỏi quan trọng về những vấn đề liên quan đến xã hội, chính trị và đạo đức của những nỗ lực đi tìm sự sống vĩnh cửu.
Canada: Sáu người đã bị bắt trong vụ trộm vàng trị giá hàng chục triệu đô la năm ngoái tại Sân bay Quốc tế Pearson ở Toronto, theo lời cảnh sát Canada và Mỹ cho biết hôm thứ Tư. Cảnh sát cũng đã ra lệnh truy nã ba người khác. Tất cả 9 nghi phạm đã bị truy tố tội trộm với hơn 19 tội danh.
Diễm biến mất. Giáo sư nói với tôi con người không thể tự biến mất. Bà hỏi chủ tiệm tóc kỹ hơn, cô chủ tiệm nói lý do cô khẳng định Diễm “biến mất”, là vì tất cả bạn bè của Diễm ở Bình Tân, ở thị trấn, ở quê của mẹ, đều cùng một thời điểm đột ngột mất liên lạc với Diễm. Không phải là chặn Zalo hay block Facebook, mà đơn giản là biến mất. Chủ tiệm tóc có vài học trò học xong nghề cũng lên mở tiệm hoặc làm thuê gần Bình Tân, Quận 12, là những chị Diễm thường ghé ở nhờ mỗi khi lên Sài Gòn. Họ đều nói họ mất liên lạc với Diễm cùng một thời điểm.
Biden kêu gọi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) tăng gấp ba lần mức thuế 7,5% hiện tại đối với thép và nhôm nhập cảng từ Trung Quốc, với lý do TQ cạnh tranh không công bằng đối với công nhân Mỹ từ “các sản phẩm thay thế giá rẻ giả tạo của Trung Quốc được sản xuất với lượng khí thải cao hơn”.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.