Đó là một câu tự hỏi trong khi đại dịch Covid 19 từng bước giết thêm vài nghìn người cho đủ con số 100.000 mà một số người trong chính phủ cũng như chính tổng thống Trump từng ước tính.
Pandemic Covid 19 là một đại họa cho cả thế giới nói chung, Hoa Kỳ nói riêng và điều người ta tính toán, nghiên cứu là làm thế nào chặn đứng được hiểm họa kia vì con số người chết tại Mỹ mỗi ngày hằng nghìn người làm cho ai cũng phải kinh khiếp sợ hãi. Mỹ ngày hôm nay là trung tâm của đại dịch toàn cầu này sau khi những nước khác xuống thang trường hợp nhiễm bệnh và người chết như Ý, Tây ban Nha, Anh, Pháp, Iran … Vài ngày gần đây thêm Nga, Brazil đang trên đà muốn vượt qua Mỹ số người nhiễm bệnh và chết hằng ngày khiến Trump phải ra lệnh cấm những chuyến bay từ Brazil vào Mỹ.
Nước Mỹ đang trong thời kỳ phải nói rất mờ mịt về một tương lai có thể phục hồi kinh tế nguyên trạng như trước bởi nhiều lý do. Dưới sự lãnh đạo của D. Trump không ai thấy được chính sách rõ ràng trong việc giải quyết căn bệnh hiểm nghèo nguy hiểm này. Trải qua ba tháng không hề thấy dấu hiệu lạc quan dù số người nhiểm bệnh và chết ở một số tiểu bang có giảm nhưng nhìn chung trên bình diện quốc gia căn bệnh không hề có dấu hiệu xuống thang hay ngăn chặn được.
Những nhà khoa học cố gắng tìm vaccine để khống chế cơn đại dịch nhưng công việc này mất thì giờ và giả dụ có tìm ra được thuốc để khống chế con virus Covis 19 thì cũng phải đến năm sau mới đến tay công chúng được. Những người hay tổ chức, công ty có thẩm quyền trong lãnh vực này như A. Fauci, Birx, CDC, Moderna… FDA đều cho biết như thế. Riêng tổng thống phát biểu những câu nói hàm hồ và vô bổ cho chúng ta thấy nếu có được biện pháp tốt để có thể chống lại hữu hiệu cơn dịch này thật ngoài tầm tay. Nói như thế không phải không lý do, mà qua cách làm việc của tổng thống, nước Mỹ ngày càng chìm sâu vào vũng lầy đại dịch mà không thể nào rút ra được. Tình trạng bi quan này cho thấy việc ước tính bi thảm hơn khi có những người trong chính phủ tuyên bố người Mỹ có thể chết hàng triệu người trước khi đẩy lui được con Covid 19 không phải là chuyện đùa.
Một tổng thống bất tài, vô khả năng nhiều mặt như D. Trump thật ra cũng hiếm thấy trong suốt lịch sử Hoa Kỳ. Một người như ông ta so sánh với tài năng của Hilary Clinton mà đắc cử tổng thống năm 2016 phải làm cho chúng ta suy nghĩ. Đó cũng là câu trả lời cho nhiều người thắc mắc tại sao D. Trump có nhiều vấn đề ngay từ ngày đầu tiên nhiệm chức tổng thống. Điều này sẽ từng bước sáng tỏ một khi ông ta không còn làm tổng thống. Trump lên làm tổng thống với ưu thế 100% bởi hạ viện và thượng viện trong tay Cộng hòa đa số. Bởi thế nên ông ta được bao che kín kẽ, và những việc làm của ông ta chưa hề xảy ra với những vị tổng thống trước kia như che dấu tờ khai thuế mười năm, nói dối liên tục và dựng lên bao lý thuyết âm mưu cũng chỉ để đánh lạc hướng, hay che dấu những thất bại của mình. Với Ủy ban Muller(Special Counsel) thành lập ngày 17/5/2017 của bộ Tư pháp nhằm điều tra việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016, Trump vẫn may mắn tránh khỏi nhờ vào phe đa số cộng hòa bao che và đặc biệt hơn nữa việc Truất quyền lãnh đạo (Impeachment) tháng 02/2020 vừa rồi cũng nhờ thượng viện bỏ phiếu vô hiệu hóa tại phiên xử. Và có lẽ chuyện làm cho người ta lấy làm nghi hoặc nhất là trong nhiệm kỳ 2016-2020 này việc quyền Hành pháp đương nhiệm có tính vô hạn và một tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố? Lúc này mới có chuyện đặt câu hỏi tổng thống có ở trên pháp luật hay không? Và manh nha câu trả lời là Trump có biểu hiện độc tài, gia đình trị (autocrate, nepotist)? Không thấy câu trả lời trừ những bài báo và truyền thông Hoa Kỳ liên tục nêu lên vấn đề này trong hơn ba năm qua.
Mới đây một bài báo của Washington Post ngày 5/25/2020 viết, “Nếu anh cho nhiều nhân vật Cộng hòa ở Washington DC serum Sự Thật, họ sẽ nói, “Dĩ nhiên, Trump không xứng với một Tổng thống. Dĩ nhiên, ông ta hủ hóa, không năng lực, là một người thô bỉ, trơ tráo nhất khi bước vào phòng Bầu dục. Nhưng tôi có thể chịu điều đó vì nếu ông ta tái đắc cử có nghĩa Cộng hòa còn nắm giữ quyền lực, còn được thêm bao chánh án bảo thủ và tất cả những chính sách ưu đãi cho chúng ta.”
Điều này cũng cho thấy bộ mặt của chính trị Mỹ: Tính đảng phái (partisanship) ưu tiên hơn quyền lợi người dân đặc biệt nơi đảng Cộng hòa đại biểu cho giai cấp giàu có nước Mỹ mà D. Trump là một điển hình. Không đảng phái chính trị nào mà cương lĩnh đi ngược với quyền lợi người dân và đất nước cả, nhưng một chính sách của đảng cầm quyền có thể cho thấy khả năng lãnh đạo của lãnh tụ cầm quyền cũng như tầm nhìn chiến lược của đảng phái ấy. Nhiệm kỳ tổng thống Hoa kỳ chỉ vỏn vẹn bốn năm và một tổng thống chỉ có thể đắc cử thêm nhiệm kỳ thứ hai thế nên một tổng thống Hoa kỳ rất dễ nhìn thấy khả năng lãnh đạo của ông ta và tài năng đến đâu cũng chỉ biểu hiện trong bốn hoặc tám năm mà thôi. Trong vài thập niên gần đây cho thấy cứ một tổng thống cộng hòa thất bại đặc biệt về kinh tế thì tổng thống dân chủ kế tiếp phải xây dựng lại trên sự thất bại của người tiền nhiệm. Bill Clinton, Barak Obama là hình mẫu cụ thể nhất. Ngày hôm nay đáng lẽ ra nền kinh tế tiếp tục phát triển từ tám năm gầy dựng của Obama lên đỉnh cao vào nhiệm kỳ của D. Trump lại sụp đổ dễ dàng vì đại dịch (pandemic) Covid 19. Khi nói như thế có nhiều người sẽ phê phán người viết sai lệch, phủ nhận tài năng kinh bang tế thế của D. Trump.
D. Trump không hề có tài năng gì cả ngay trong tiểu sử bản thân, mang danh tỷ phú qua điều tra của những tờ báo lớn của Mỹ cho thấy ông ta may mắn thừa hưởng gia sản của cha mẹ để lại. Tiếp theo chỉ là những lần khai phá sản liên tục và cho đến hôm nay việc không công khai tờ khai thuế có thể chỉ vì muốn che giấu sự phá sản và nợ nần các nhà băng hiện tại của ông ta. Khi lên làm tổng thống D. Trump không có Agenda nên không ai biết chính sách đối nội hay đối ngoại của ông như thế nào. Theo như những nhà nghiên cứu chính trị cho rằng Trump theo chủ nghĩa dân túy (Popularism) và là một nhân vật cộng hòa bảo thủ (conservative). Trước tiên sau hơn ba năm làm tổng thống Trump thay vì dân túy, chỉ tỏ ra một kẻ mị dân (demagogue) qua sự liên tục dối trá. Fact checks cho biết: Cho đến 3 tháng tư, ngày thứ 1,170 ông ta đã nói dối trá, sai sự thật đến 18,000 lần.
Chủ trương Protectionist (chính sách thuế quan bảo vệ) của D. Trump trong bối cảnh toàn cầu hóa của thế kỷ 21 cho thấy ông ta đưa nước Mỹ vào sự cô lập. Cuộc chiến tranh mậu dịch Tariff War với Trung quốc chỉ thỏa mãn tự ái cá nhân kiểu Trumpet và tính bài Trung quốc của một số người cho rằng Trung quốc chơi tay trên Mỹ trong việc ngoại thương. Thực chất vấn đề chênh lệch cán cân mậu dịch là việc bình thường và giải quyết từng bước qua điều chỉnh lại bằng thương ước. Trong khi đánh thuế mạnh vào một số mặt hàng của Trung quốc và họ cũng đánh thuế ngược lại một số mặt hàng của Mỹ cho thấy tuy thu thêm một số lượng tiền nhưng giá cả nâng cao khiến người tiêu thụ Hoa kỳ phải lãnh đủ. Chưa kể việc đánh giá không đúng tiềm năng to lớn của một thị trường trên cả tỷ người của Trung quốc chỉ đưa đến việc thiệt hại cho giới nông dân Mỹ trong ba năm qua (vấn đề xuất cảng đậu nành bị ách tắc do Trung quốc làm khó dễ). Những nhà kinh tế của Mỹ và cả thế giới đều thấy sự thất bại của Tariff War chỉ trừ D. Trump ồn ào bốc phét là chiến thắng vốn dĩ chiến thuật “cả vú lấp miệng em” của ông ta.
Đối ngoại D. Trump xử dụng kiểu giải kết và đe dọa giải kết ở một số điểm nóng trên thế giới vốn dĩ Hoa Kỳ giữ vai trò lãnh đạo cho đến giờ. Đây cũng là những hứa hẹn hoặc cam kết của ông ta lúc ứng cử năm 2016 liên hệ đến chiến lược đối ngoại của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Việc rút quân ở Afghanistan, Irak, Syria … vẫn là điểm mấu chốt của bất kỳ tổng thống Mỹ nào lúc tranh cử nhắm đến. Tuy nhiên đây là vấn đề tế nhị liên hệ trực tiếp vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ như một cường quốc số 1 và cả uy tín một quốc gia từng chen vai sát cánh với nhiều đồng minh trên thế giới. Trong gần bốn năm, D. Trump thực hiện việc xem xét lại những ràng buộc chiến lược này với bạn bè, đồng minh qua kiểu cò kè, tính toán lời lỗ hơn thua của một con buôn nhỏ. Phải nói con buôn nhỏ vì nếu là một nhà làm ăn lớn người ta không bao giờ để mất uy tín chỉ vì số tiền vượt trội mình bỏ ra. Đây cũng là một điển hình chứng minh tại sao D. Trump thất bại và nhiều lần khai phá sản trong công cuộc làm ăn của mình. Hoa Kỳ một cường quốc dĩ nhiên là một nước giàu có, hùng mạnh. Việc bỏ tiền ra nhiều hơn những nước khác cũng chỉ để cho những nước khác thấy sự hùng mạnh giàu có của mình và cũng là lý do duy nhất họ phải bắt buộc nhường quyền lãnh đạo, và nói thẳng ra tiếng nói của mình ai cũng phải kiêng dè lắng nghe. Việc này đã chứng minh cho thấy qua chính sách của bao đời tống thống Hoa kỳ. Chỉ có đến D. Trump mới có việc ngay cả khối NATO cũng khiến cho đồng minh châu Âu nghi hoặc về thái độ của một tổng thống.
Việc nhìn thực lực của ba nước lớn Hoa Kỳ, Nga và Trung quốc, chúng ta thấy ngay Mỹ từng bước để cho họ tự xem ngang hàng với mình. Nga ngày hôm nay có gì? Chỉ còn kho vũ khí chiến lược từ thời Liên Xô để lại là con át chủ bài trong khi nền kinh tế không ngóc đầu lên được vì những trừng phạt kinh tế của Liên Âu và Mỹ. Ảnh hưởng quân sự ở Trung đông nhìn mặt chiến lược có thể thấy nếu Mỹ rút quân, Nga lăm le nhảy vào thế chỗ. Trường hợp Syria chúng ta thấy rõ Mỹ giúp Nga vươn lên tầm chiến lược ngang mình. Còn Trung quốc thế nào? Đây mới là vấn đề đáng quan tâm. Đọc lại những bài báo nghiên cứu chiến lược toàn cầu của Mỹ cho thấy Trung quốc là một thực thể tiềm năng cường quốc không thể phủ nhận được. Vấn đề là nhanh hay chậm Trung quốc ngang hàng với Mỹ về mặt kinh tế để rồi mặt quân sự kiện toàn theo sau. Nhiều người bảo rằng Mỹ giúp Trung quốc hùng mạnh là điều sai lầm. Việc Mỹ giúp hay không giúp gì Trung quốc, Trung quốc vẫn từng bước giàu có và hùng mạnh. Bởi nhiều người cứ mãi đánh giá Trung quốc của thời kỳ Mao trạch Đông, cách mạng Văn hóa… Lịch sử vốn động đích (dynamic) bài học Liên Xô rõ trước mắt, tình trạng trì trệ, ứ đọng có thể tiếp tục kéo dài nếu còn bao vách ngăn che chắn. Toàn cầu hóa đã tháo gỡ những vách ngăn che chắn kia. Nó không chỉ giúp cho người u mê, cố chấp thấy được bầu trời xanh cao bao la bên ngoài mà còn thấy lại mình ngu dốt u mê đến thế nào để mà sửa đổi.
Lịch sử Trung quốc cho thấy bản chất thực dụng của dân tộc họ và công việc thương mại buôn bán làm ăn là sở trường của họ giúp đất nước phát triển mau lẹ. Chủ nghĩa cộng sản thời kỳ Mao trạch Đông đã xóa bỏ khả năng này và dìm đất nước cả tỉ dân vào sự nghèo đói, kiệt quệ. Mãi đến khi Đặng tiểu Bình lãnh đạo với bốn hiện đại hóa chính là phục hồi trở lại bản chất tiềm năng kia và đất nước Trung hoa tuy còn mang danh cộng sản qua tổ chức cai trị, cầm quyền nhưng nền kinh tế hiện nguyên hình là chủ nghĩa tư bản. Buôn bán tự do là động năng phát triển mạnh nhất của chủ nghĩa tư bản đã nhanh chóng trong hơn hai thập niên biến Trung quốc giàu mạnh như ngày hôm nay. Và một khi giàu mạnh, Trung quốc một lần nữa cho thấy họ không từ bỏ dã tâm bành trướng và hiện trạng đường lưỡi bò biển đông do chính họ vạch vẽ ra là một điển hình. Vấn đề có thể đặt ra lúc này là liệu toàn cầu hóa giúp cho Trung quốc giàu có hùng mạnh và cũng chính nó có thể chặt đứt dã tâm bá quyền âm mưu thôn tính những nước nhỏ chung quanh hay không? Chính sách của D. Trump đối với Trung quốc cần xem xét lại một cách kỹ lưỡng vì bản chất con buôn của ông ta.
Trước cơn đại dịch, kinh tế Hoa Kỳ đang ở đỉnh cao, số người thất nghiệp rất thấp và hình như ai nấy đều tự hào và tự mãn điều ấy cho đến khi thảm họa Coronavirus xảy ra. Phải nói sự tương phản quá xa nếu so sánh sự phồn thịnh và cơn suy thoái còn hơn cơn Đại suy thoái (Great Depression) vào năm 1930. Ngày hôm nay số người khai xin tiền thất nghiệp đã đến hơn 40 triệu người và tình trạng nhập nhằng của các tiểu bang vì chính sách mơ hồ của D. Trump về cơn đại dịch. Ông ta bất lực trong việc điều hành nên đã giao việc về các thống đốc tiểu bang. Nhìn tổng quát không sai nhưng đây là một cách trốn tránh trách nhiệm. Nếu được tốt đẹp, Trump sẽ bảo do quyết định đúng đắn của mình còn nếu sai thiệt hại sẽ bảo tại các thống đốc tiểu bang bất tài. Điều làm cho người dân chán nản hơn cả về một tổng thống vô thẩm quyền, không năng lực (unfit, incompetent president) khi tuyên bố, thuốc Hydrochloroquine uống vào có thể ngăn chận virus Covid 19, và bản thân ông ta đã uống hai tuần lễ. Trump cho biết mập mờ rằng nhờ vậy mà trong test hằng ngày, ông ta đều negative với con virus. Trump kêu gào, “… uống vào có mất mát thiệt hại gì đâu!” theo kiểu trước cái chết uống thứ thuốc trị bệnh sốt rét, Lupus này có thể “phước chủ may thầy” nói theo kiểu dân gian Việt nam mà khỏi bệnh. Còn thêm bao tuyên bố xằng bậy về “thuốc sát trùng, tia cực tím” trong việc xử dụng để tiêu diệt coranavirus càng khiến chúng ta ngạc nhiên hơn khi một tổng thống lại có thể nói điều giống như một ông lang vườn chữa bệnh. Người viết lấy làm lạ là giới báo chí khi chất vấn tổng thống không ai hỏi, “Nếu một người bệnh nào đó nghe theo tổng thống, uống thuốc và sau đó chết thì cái chết đó ai chịu trách nhiệm?” Nhìn chung, Trump chính trị hóa cơn đại dịch coronavirus trong khi thẩm quyền thực sự ở những nhà khoa học vì họ có thể vạch, đề ra phương hướng chữa trị hoặc ngăn chận để có thể giảm thiệt hại nhân mạng một cách tối đa trong lúc chưa tìm ra thuốc chủng. Ủy ban hành động (Task Force) mà Trump lập ra chỉ có hình thức vì ông ta quyết định theo ý kiến riêng của mình nhiều hơn. Do đó nhiều khi phát biểu của A. Fauci lại mâu thuẫn tuyên bố của D. Trump. Điều đáng lên án hơn cả là Trump không hề chấp hành nghiêm chỉnh việc mà mọi người được yêu cầu phải chấp hành như mang mặt nạ (mask) để phòng ngừa lây nhiễm, mà còn xem đó như điều mình không thích nên không cần làm.
Bên cạnh đó, nếu có quá nhiều câu hỏi qui trách nhiệm việc ngăn chận đại dịch pandemic cho ông ta, Trump sẽ bảo tất cả đều do China. Lúc này mọi người sẽ quay về lý do gây nên cơn đại dịch và người ta sẽ nghe ông và đám người chung quanh ông mạt sát nguyền rủa và cả việc kiện tụng China mà quên mất thực tế những người nhiễm bệnh đang chết đều đặn hằng ngày tại những điểm nóng ở các tiểu bang New York, Illinois, New Jersey, Massachusetts, California … Nếu như Tổng thống lăn xả vào việc nghiên cứu, đóng góp kế hoạch, ý kiến sớm thì việc thiệt hại sẽ giảm xuống, nhưng việc của ông không ai thấy rõ ràng. Rất nhiều mâu thuẫn trong việc tuyên bố cách thức phòng chống, cung cấp vật liêu như quần áo, mặt nạ, máy thở giúp những người ở tuyến đầu như bác sĩ, y tá, nhân viên cấp cứu và cũng như dứt khoát áp dụng nghiêm chỉnh luật lệ trong việc cách ly xã hội (social distancing), ở nhà (stay-home), testing với triệu chứng và không triệu chứng bệnh (testing with and without symtoms).
Sau ba tháng phòng chống pandemic Covid 19 với tình trạng cả nước lockdown, nền kinh tế Mỹ hoàn toàn tê liệt và suy sụp. Chìa khóa giải quyết có hai vấn đề sinh tử như nhau là dịch bệnh và nền kinh tế quốc gia. Hai vấn đề này không tách biệt riêng lẻ mà gắn bó với nhau và có tính nhân quả (causality). Vì dịch bệnh nên kinh tế suy sụy thế nên muốn kinh tế phục hồi vấn đề dịch bệnh dứt khoát phải được giải quyết. Nhưng chưa tìm ra vaccine phòng chống trong khi số người chết và lây nhiểm qua tests cho thấy không hề chặn đứng được thì giải quyết như thế nào? Một số trung tâm dịch bệnh có dấu hiệu giảm số người chết và nhiễm bệnh khiến ai cũng hi vọng. Tuy nhiên đối với các bác sĩ, nhà khoa học vẫn bi quan vì sợ con virus chỉ lùi sau đó có bộc phát trở lại dữ dội hơn nếu lơ là việc phòng chống. Tuy nhiên tổng thống D. Trump lại nghĩ khác. Ông ta suy nghĩ giản dị hơn nhiều. Ông ta yêu cầu các tiểu bang mở cửa trở lại và tất cả mọi người quay trở lại làm việc với một số việc phòng chống cơ bản như giữ khoảng cách 6’, mang mặt nạ, và đến làm việc phải test xem mình có mắc bệnh hay không? Nói như thế xong, coi như đó là chính sách của ông còn chi tiết của việc thực thi như thế nào, hình như ông không biết hay không thèm quan tâm. Bởi sau đó việc test thiếu thốn vật liệu ở khắp nhiều tiểu bang trong khi ngay trung ương bảo rằng vật liệu như swabs cung cấp đủ để thực hiện tests hàng ngày và Trump bảo rằng mỗi ngày có thể thực hiện 5 triệu tests. Trên bản thảo kế hoạch Liên bang đảm trách cung cấp đủ vật liệu cho việc test qui mô cả nước để mọi công nhân có thể trở lại làm việc mà không sợ nguy hiểm nhiễm bệnh. Liên bang ước tính mỗi ngày phải đạt đến 300,000 tests trong khi đó thực tế thống kê trên cả nước cho thấy mỗi ngày có đến 400,000 tests nhưng tình trạng con số nhiểm bệnh giảm không thấy lạc quan chút nào. Thực tế việc thiếu thốn vật liệu để test từ sự phàn nàn, kêu ca của nhiều tiểu bang. Liên bang với đạo luật DPA (Defence Production Act) thuận lợi hoàn toàn trong việc vận dung các công ty sản xuật công cụ cần thiết cho việc chữa và phòng bệnh nhưng kết quả việc này cho thấy “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” vì sự chậm chạp và vụng về lẫn độc đoán trong việc áp dụng luật DPA. Kết quả trong thời kỳ đỉnh cao của bệnh vào tháng tư, thiếu thốn Mask che mặt, quần áo cách ly, máy thở Ventilator khiến phải nhập cảng từ nhiều nước trong đó có cả từ Trung quốc để rồi một trận chiến than phiền phẩm chất hàng hóa mua. Thiệt hại đầu tiên là giới y tế tuyến đầu phải lãnh chịu như Bác sĩ, Y tá, nhân viên cấp cứu sau đó đến người dân.
Nhìn chung sự kêu gọi trở lại làm việc và những bàn cãi thảo luận không nên kéo dài việc trợ cấp thêm 600 đô la mỗi tuần sắp sửa hết hạn vào tháng 7 cho những người thất nghiệp, chính quyền D. Trump với lời bàn rằng “thêm tiền khiến người thất nghiệp nản lòng không thèm trở về làm việc”, cùng một ảo tưởng cho rằng nếu mọi người trở lại làm việc, nền kinh tế nhanh chóng phục hồi như trước. Đấy là chiến thuật của D. Trump và đảng Cộng hòa hiện tại nhằm phục vụ cho việc bầu cử vào tháng 11 sắp tới.
Cách thức làm việc độc đoán, ảo tưởng và đầy tính áp lực cho thấy hoàn toàn un-populist không như ý nghĩa dân túy (populist) mà nhiều chuyên gia chính trị gán cho D. Trump nhãn hiệu này từ năm vận động bầu cử 2016. Lần này qua pandemic Covid 19 là một thử thách cho thấy một D. Trump tài ba vực dậy một nền kinh tế bị tê liệt hay không, có lẽ cũng chứng minh cho thấy con người thật của ông ta. Một Celebrity với sự nổi tiếng không hề do sự tốt lành, tài năng mà chỉ do tai tiếng tạo nên. Cá nhân D. Trump có thể làm người ta chú ý giúp vui lúc trà dư tửu hậu không nói làm gì, nhưng ở vai trò một người lãnh đạo cả một đất nước thì nhiệm kỳ bốn năm quả quá dài từ những sai lầm tai hại, tai tiếng của ông ta mà người dân phải gánh chịu! Liệu chúng ta có thể chịu đựng thêm bốn năm nữa hay không?
Hồ Lạc Hồng