Mê Cung
Đào Văn Bình
Mê cung là một nhạc sĩ tài hoa nhưng nghèo, nghèo là vì chàng không có máu con buôn. Trong khi những cai thầu văn nghệ nhờ phát hành băng nhạc, tổ chức đại nhạc hội trở nên giầu có, những cô ca sĩ nhờ hát nhạc của chàng mà trở nên nổi tiếng, lấy được chồng giàu sang thì chàng vẫn nghèo. Nói tóm lại chàng giống như cây cải bị lũ rầy cai thầu văn nghệ nhung nhúc bám vào thân hình. Còn những bông cải vàng rực kia lại bị lũ buớm - tức mấy cô ca sĩ bay đến hút nhụy rồi lại nhởn nhơ bay đi hút mật ở những chùm hoa khác làm cho cây cải mỗi lúc mỗi trở nên héo tàn. Chính vì vậy mà chàng đâm ra hận đời rồi từ đó chán đời. Từ hận đời, chán đời nên chàng không muốn chơi với đời nữa mà lại muốn chơi với ma. Mê Cung cho rằng ma chính là người ta đã chết đi. Một khi đã chết rồi, từ dưới âm phủ ma quay nhìn lại cuộc đời thì thấy cuộc đời tựa như một giấc chiêm bao, chẳng ra cái quái gì cho nên chẳng còn muốn giành giựt hơn thua với đời nữa. Một khi chẳng muốn hơn thua với đời thì chắc hẳn ma rất dễ thương ? Từ đó chàng có ý tìm ma để sinh sống.
Thế nhưng trong khi nhịp độ đô thị hóa tăng nhanh như thế này thì làm gì còn có chỗ nào gọi là “ma thiên lãnh“ để cho ma trú ngụ nữa ? Chàng đã vào Nghĩa Địa Bình Hòa ngủ thử vài đêm nhưng cũng chẳng thấy ma đâu cả. Thất vọng đã toan bỏ cuộc, trong khi đi hớt tóc ở Chợ Bà Chiểu chàng nghe lóm được mẩu đối thoại của hai cụ già đang ngồi đánh cờ tướng. Một cụ nói:
- Tôi chẳng bao giờ tin chuyện ma quỷ ấy thế mà cũng phải tin. Này, bác có biết chuyện con ma nhà Ông Đội Trạch không ?
Cụ già thứ hai ngưng một nước cờ, nói :
- Có phải bác muốn nói con ma ở ngôi nhà cổ cuối đường Ngô Tùng Châu không ?
Cụ già thứ nhất vội đáp :
- Đúng vậy. Câu chuyện này tôi đã được nghe ông cụ tôi kể từ hồi tôi còn bé. Ông Đội Trạch lúc nhỏ có tên là Thằng Cu Trạch, là con của một người giữ ngựa cho Tây sau được xung vào lính pạc-ti-dăng. Nhờ gan dạ, dám trá hàng đầu phục nghĩa quân của Cụ Nguyễn Trung Trực rồi sau đó dẫn Tây đến đánh úp mà Tây phong đến chức đội xếp, được Thống Đốc Nam Kỳ sắc phong Bắc Đẩu Bội Tinh và được treo cờ Tam Tài (1) trong nhà. Nhờ thế lực đó mà Đội Trạch trở nên giàu có nức tiếng ở Gia Định. Đội Trạch có cô con gái tên Mộng Nguyệt. Vì là con thứ hai trong gia đình cho nên người ăn người làm trong nhà thường gọi là Cô Ba. Mộng Nguyệt có một sắc đẹp thật não nùng. Vợ chồng Đội Trạch cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa nên cho học đánh đàn dương cầm, nữ công gia chánh, học trường đầm. Khi Cô Mộng Nguyệït đậu xong bằng Đíp-lôm (2) và cũng vừa tới tuổi cập kê, vợ chồng Đội Trạch ý muốn làm xuôi với gia đình Đốc Phủ Chương ở Chợ Lớn. Gia đình Đốc Phủ Chương có người con trai lớn là Cậu Hai André năm đó đã đậu xong bằng Bắc Đơ (3). Khi hai người gặp nhau thì Cậu Hai André mê đắm ngay sắc đẹp của Cô Ba Mộng Nguyệt. Còn Cô Ba thì cũng bị những nét hào hoa, đẹp trai của Cậu Hai André chinh phục. Thế nhưng đời cũng có lắm cái trớ trêu. Tuy cùng làm tay sai cho Thực Dân Pháp nhưng Đốc Phủ Chương lại chê Đội Trạch là dân lính tẩy không có học, không xứng đáng làm xuôi gia cho nên tìm cách chia uyên rẽ thúy. Khi nghe tin Cậu Hai André kết hôn với con gái của một ông hội đồng ở miệt Hậu Giang thì thì Cô Ba ngất xỉu. Cô ốm tương tư vì nhớ thương cậu Hai André và cũng vì uất hận nữa. Sau đó bệnh mỗi ngày mỗi nặng không thuốc nào chữa khỏi và cổ qua đời lúc mới vừa mười chín tuổi. Ông bà Đội Trạch cho chôn con gái ở vườn sau nhà, giữ gìn lại tất cả đồ đạc, kỷ niệm và bữa cơm nào cũng làm một mâm cơm để bên cạnh giường cũ như thể Cô Ba vẫn còn sống. Ít năm sau, vì quá nhớ thương con, Bà Đội lâm bệnh rồi qua đời rồi vài năm sau, ông cũng theo bà về nơi tiên cảnh. Người ta đồn rằng hình như Cô Ba chết nhằm giờ linh cho nên cô không đầu thai được. Vả lại cổ hận Cậu Hai bạc tình cho nên thường hiện lên để trêu ghẹo người ta và có đêm bắt cả đàn ông, con trai vào ân ái để trả thù Cậu Hai nữa.
Tới đây thì ông già thứ hai ngắt lời:
- Chuyện đó thì tôi không được rõ lắm. Mặc dù ngôi nhà cổ không ai ở nhưng thỉnh thoảng đêm tối đi ngang qua tôi thấy trên lầu đèn thắp sáng, thấp thoáng có bóng của một cô gái trong bộ đồ ngủ và cả tiếng đàn dương cầm vang lên thánh thót!
Nghe tới đây thì gai ốc trong người Mê Cung nổi cả lên nhưng từ nỗi lo sợ lại nẩy lên một niềm khát khao là chàng sẽ được gặp ma và sống với ma. Sau khi trả tiền xong, Mê Cung hối hả về nhà để sắp đặt một chương trình theo đúng như mộng ước của chàng.
♦ ♦ ♦
Hôm ấy là ngày chủ nhật vào khoảng mười giờ sáng, Mê Cung thuê xe xích-lô để đi tới ngôi nhà cổ đúng như câu chuyện mà chàng đã nghe được. Trả tiền xong, xốc lại chiếc ba-lô mà trong đó chàng có mang theo mấy bộ quần áo, vật dụng cá nhân, chàng mạnh dạn tiến tới chiếc cổng sắt. Đây đúng là một tòa dinh thự cổ của một gia đình quyền quý năm xưa. Trong sân, những tàng cây cổ thụ cành lá la đà làm cho khung cảnh trở nên âm u. Dường như căn nhà ít được ai chăm sóc, quyét dọn cho nên lá khô và rêu xanh phủ khắp cho nên tất cả tỏa ra một cái gì đó trông rờn rợn. Sau khi đã giật một vài hồi chuông, loại chuông kéo bằng giây, Mê Cung hồi hộp đứng chờ. Chờ một lúc không thấy ai trả lời, chàng giật thêm vài hồi nữa nhưng vẫn không có tiếng ai đáp lại. Cuối cùng chàng đánh bạo thò đầu qua song của sắt gọi lớn vào bên trong:
- Có ai trong nhà không, cho hỏi thăm với ?
Chàng phải gọi đi gọi lại như thế hai ba lần thì từ mé vườn phía sau mới có một bóng người lẹp xẹp bước ra. Đó là một ông già gù, đi chân đất, mặc một bộ đồ bà ba màu cháo lòng. Vì mái tóc bạc phủ xuống trán, nhất là đôi mắt lé, cái miệng lại méo cho nên ông ta trông giống nhân vật Quasimodo trong câu truyện Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà. Nhìn thấy ông ta Mê Cung muốn thoái lui nhưng tới nông nỗi này thì chàng đâu còn đường nào khác nữa. Chàng đánh bạo lên tiếng:
- Thưa bác cháu muốn hỏi thăm...
Không để chàng nói hết câu, ông già gù chặn ngang với giọng bực bội:
- Cậu là ai ? Tới đây có chuyện gì ?
Mê Cung nhanh nhẹn đáp:
- Cháu là nhạc sĩ Mê Cung…, (chàng định nói thêm “rất nổi tiếng” nhưng may mà kềm lại được) xin được vào thăm căn nhà này.
Lão già gù cau mày nói:
- Ngôi nhà này có cái gì lạ đâu mà cậu muốn vào thăm ? Nè, nhạc sĩ thì ra cái quái gì đâu mà khoe ?
Nghe câu nói móc họng như vậy Mê Cung hiểu rằng nếu chàng còn giải thích lằng nhằng thêm nữa thì câu chuyện tất không xong. Chàng thò tay vào túi, móc ra tờ giấy một trăm đồng, ấn vội vào tay ông già gù, hạ giọng nói:
- Bác cầm lấy để uống cà phê. Làm ơn cho cháu vào xem một chút thôi !
Dường như tiền bạc cũng có khả năng làm thay đổi tình cảm của con người cho nên sau một vài giây ngần ngừ, lão già “ hừ “ lên một tiếng rồi từ từ rút trong cạp quần ra một xâu chìa khóa – loại chìa khóa cổ mỗi chiếc dài gần bằng cả một gang tay. Khi lão già tra chiếc chìa khóa, mở cánh của sắt thì chàng lanh lẹ lách mình vào. Sau khi đã khóa cánh cửa sắt trở lại, lão già khập khễnh đi trước còn Mê Cung lặng lẽ theo sau.
Trên đường đi hai người băng qua một sân lát gạch rộng. Có lẽ tiếng xào xạc đạp lên lá khô đã làm kinh động mấy con dơi quạ đang đeo mình trên mấy cành cây cho nên chúng bay túa ra ngoài làm Mê Cung thất kinh hồn vía. Lão già dẫn Mê Cung đi vòng ra phía sau, tới một khu nhà vừa là bếp vừa là nhà ở của đám gia nhân trước đây – giờ thì đóng cửa im ỉm, chỉ có một căn với cánh cửa khép hờ. Có lẽ chỉ có mình lão già ở trong căn phòng cho nên đồ đạc thật đơn sơ, trên nóc mạng nhện giăng tứ tung. Sau khi ấm trà đã được dọn ra, nhấp vội một ngụm, Mê Cung thành thực kể cho lão già nghe câu chuyện nghe được ở Chợ Bà Chiểu cùng ý định của chàng khi đến căn nhà này. Nghe xong lão già cười khẩy, nói:
- Thời buổi này mà còn tin chuyện ma! Nhà này làm gì có ma. Chuyện ma là chuyện mua vui, để hù dọa con nít, để trám chỗ trống trên mấy tờ báo !
Rồi bằng một giọng trầm trầm lão già kể:
- Sau khi Cụ Đội chết đi thì mười năm sau ông già lão cũng qua đời. Lão thay cha làm quản gia cho cái dinh này cũng đã hơn bốn mươi năm rồi. Lúc sanh tiền Cụ Đội có người con trai là Cậu Hai Albert du học bên Pháp. Khi cha còn sống, Cậu Hai thỉnh thoảng có về đây nhưng kể từ khi Cậu Hai qua đời thì con cháu cậu ít khi về và chỉ gửi tiền để trả tiền công cho ta làm quản gia coi sóc căn nhà. Nói tóm lại cái dinh này nay trở thành nhà tự của dòng họ Cụ Đội chứ có phải căn nhà ma đâu.
Nói đến đây lão già ngừng lại, lấy tay chỉ ra ngoài rồi nheo mắt nói:
- Đấy mả của Cô Ba nằm đó. Cô Ba mất cách đây hơn năm mươi năm rồi.
Theo ngón tay của lão già, Mê Cung nhìn ra ngoài. Đó là một ngôi mả đá bao quanh bởi một bồn hoa trồng bông mười giờ, giờ này đang bắt đầu nở rộ. Bên trên là một tấm bia thật lớn có cẩn một tấm hình thật đẹp của Cô Ba Mộng Nguyệt. Mặc dù lão già nói thế nhưng trước khung cảnh âm u của toà dinh thự, hơn nữa vì lão già bị lé cho nên con mắt lão trở nên tinh quái. Cái miệng méo làm cho nụ cười của lão trở nên hóm hỉnh cho nên càng kích thích sự tò mò của Mê Cung. Mê Cung nghĩ rằng lão già cố bịa chuyện để tống chàng đi cho rảnh nợ cho nên chàng khẩn khoản:
- Thưa bác, dù biết vậy nhưng cũng xin cho cháu ở lại đây một đêm thôi. Nếu cháu có làm chuyện gì bậy bạ thì cũng chạy đâu cho thoát, có phải vậy không bác ?
Lão gìa lại “hừ “ một tiếng rồi nói:
- Dĩ nhiên ta chẳng sợ chú mày làm chuyện bậy bạ, song có điều....
Lão chợt dừng lại, tư lự giây lát rồi gật gù nói:
- Thôi được rồi. Âu cũng là điều trùng hợp. Đáng lý ra hôm nay đã tới kỳ vợ ta từ dưới quê lên thăm nhưng không hiểu có chuyện gì không mà bả trễ hẹn làm ta nóng ruột quá. Đã mấy năm nay ta cũng chưa có dịp về thăm nhà ở miệt Cao Lãnh. Thấy chú mày là người thiệt thà ta cũng có cảm tình. Ta sẽ giao chìa khóa cho chú mày và sẽ trở về nội trong ngày mai. Chú mày có thể xem một vòng cho biết nhưng tuyệt đối không được đưa người lạ vào đây nghe chưa.
Nghe nói vậy, Mê Cung mừng rỡ ôm lấy lão già, cám ơn rối rít. Sau đó lão già gù gom một mớ quần áo, vật dụng bỏ vào tay nải. Mê Cung tiễn lão ra ngoài cửa, gọi xích-lô để chở lão ra bến xe.
Khi lão già đi rồi, Mê Cung cũng đi bộ ra ngoài Chợ Bà Chiểu mua ổ bánh mì, khoanh chả lụa và vài chai bia rồi quay trở lại tòa dinh thự. Ngay dưới tàng cây soài cổ thụ là một chiếc bàn đá và mấy chiếc ghế bành bằng mây. Chàng thoải mái ngồi dựa ngửa ở đó để uống bia và trong lòng thầm cầu mong sao tối nay sẽ được gặp ma tâm sự cho thỏa tình mong ước. Do men rượu, do bầu không khí tịch mịch, do ngọn gió hiu hiu gợi cảm, Mê Cung đã thiếp đi vào giấc ngủ trưa lúc nào không hay. Khi Mê Cung tỉnh giấc thì trời đã về chiều. Vì toà dinh thự được bao phủ bởi những tàng cây cổ thụ cho nên bên trong sân trời tối nhanh hơn ở bên ngoài. Mê Cung đã toan đi xuống nhà bếp để gom góp đồ đạc rồi sau đó sẽ mở cánh cửa hông của tòa dinh thự để bước vào bên trong thì có tiếng ai réo gọi ở ngoài cổng. Chàng vội chạy ra và trước sự ngạc nhiên của chàng, người đang đứng đó không ai khác hơn là một cô gái trạc độ mười chín, hai mươi tuổi. Đứng sát vào cổng sắt chàng lên tiếng hỏi:
- Cô tìm ai ?
Thay vì trả lời, cô gái lại hỏi chàng:
- Ba em có nhà không ? Sao em gọi mãi mà không thấy ai trả lời ?
Mê Cung ngạc nhiên hỏi:
- Ba nào ?
- Ủa ? Anh ở đây mà không biết ba em à ? Ba em là ông già, ông già quản gia của cái dinh này đó ! Anh mở cửa cho em vô đi.
À thì ra đây là cô con gái của lão già gù. Mê Cung vội vã mở cổng cho cô gái lách mình vào. Cô gái đầu đội chiếc nón lá, mặc áo bà ba trắng và chiếc quần lãnh đen, tay xách một chiếc giỏ. Dù lúc này trời đã xâm xẩm tối, tuy không nhìn thấy rõ mặt nhưng Mê Cung nhận thấy cô gái có thân hình hết sức cân đối, dáng đi uyển chuyển. Vừa bước vào bên trong cô gái đã liến thoắng hỏi:
- Thế ba em đâu rồi ?
Mê Cung vội đáp:
- Sáng nay chờ mãi không thấy ai lên, bác nóng ruột lấy xe về dưới quê rồi.
Nghe trả lời vậy cô gái nói với giọng có pha một chút ân hận:
- Âu cũng là lỗi tại em. Bắc Mỹ Thuận tối qua bị kẹt cho nên em không sao lên đây đúng hẹn làm ba nóng ruột phải về dưới đó. Không biết về ba có quở không. Nếu có gì thì xin anh cũng nói giúp em một tiếng.
Rồi không đợi chàng hỏi gì thêm, cô gái nồng nàn kể lể:
- Cứ ba tháng một lần mẹ em đều sai em lên đây để thăm và mang một số đồ tiếp tế cho ba. Em đã lên đây từ lúc mười mấy tuổi cho nên toà nhà này em rành lắm. Mà ủa, anh tới đây để làm gì ?
Bằng giọng nói thành thực Mê Cung kể cho cô gái lý do tại sao mà chàng có mặt tại ngôi nhà cổ này. Nghe xong cô gái cười khúch khích, nói:
- Trông anh bảnh trai thế mà cũng tin chuyện ma qủy. Chắc anh chọn lầm chỗ rồi đó. Căn nhà này không có ma đâu nhưng cũng có cái ngồ ngộ, để lát nữa em chỉ cho anh coi.
Nói xong cô gái lanh lẹn cầm lấy chùm chìa khóa, mở cửa hông để hai người cùng bước vào. Trước sự ngạc nhiên của Mê Cung, mặc dù bên trong trời tối như thế mà cô gái vừa đi vừa chỉ rõ nơi nào là chỗ bật điện, nơi nào là chỗ bật quạt trần, nơi nào là chỗ bật đèn ngủ v.v.. Sau khi căn phòng đã tỏa sáng, cô gái hướng dẫn Mê Cung bước lên lầu. Cũng giống như ở dưới nhà, cô gái quen thuộc từng nơi, từng chỗ như thể cô ta là chủ nhân của căn nhà này. Sau khi đèn đã được bật lên, trước mắt Mê Cung hiện ra một căn phòng khách thật sang của một gia đình quyền quý năm xưa. Những đồ đạc kê trong phòng đều là những đồ cổ đắt giá như những chiếc ghế sa-lông cẩn ốc sà-cừ, cặp ngà voi, những chiếc lục bình, những chiếc thống, chậu hoa, một chiếc máy hát quay tay với hiệu con chó ngồi xổm kê ở một góc. Trên bức tường cao, ngay trên nóc cầu thang từ dưới nhà bước lên là tấm hình khá lớn của Ông Đội trong bộ khăn đóng áo dài, với bộ râu mép trông rất uy dũng, vai choàng một cái đai cờ tam tài, ngực gắn chiếc huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Bên cạnh là hình Bà Đội đeo bông tai, quấn tóc trần, mặc áo dài nhung, cổ đeo kiềng vàng ra dáng con người quyền thế.
Trong khi Mê Cung còn đang say mê ngắm nghía thì thì cô gái đã lanh lẹn kéo những tấm rèm cửa sổ sang một bên. Giờ đây từ bên trong người ta có thể nhìn thấy những tàng cây cổ thụ ở ngoài sân, lấp lánh dưới ánh trăng đang đong đưa theo ngọn gió nhẹ. Khi đã kéo những tấm màn cửa sang một bên, cô gái quay trở lại, cầm lấy tay Mê Cung rồi vui vẻ nói:
- Em sẽ cho anh xem phòng của Cô Ba năm xưa.
Thế rồi dưới sự hướng dẫn của cô gái, Mê Cung bước vào căn phòng phía sau. Quả như lời giới thiệu, đây đúng là phòng ngủ của một tiểu thư con nhà khuê các. Một chiếc giường Hồng-Kông với những cây trụ bằng đồng kê sát vào tường nằm ngay chính giữa của bức vách, bên trên trải khăn hồng với một chiếc gối thêu hình chim phượng, một chiếc gối ôm bằng vải sa-tanh màu hoàng cúc và một con gấu búp-bê màu nâu đậm. Hai bên chiếc giường là một chiếc đèn ngủ và một kệ nhỏ để sách. Kế đó là hai chiếc tủ áo với những cánh cửa bằng kính. Đối diện với chiếc giường ngủ là chiếc bàn trang điểm trạm trổ rất tinh vi có gắn một tấm gương Tàu hình trái soan. Trên mặt bàn trang điểm là một vài thỏi son môi, một chiếc gương cầm tay và một vài cái lược. Ngay trên nóc chiếc bàn trang điểm, một tấm hình bán thân rọi lớn của Cô Ba Mộng Nguyệt được trang trọng treo trên tường. Trong khi Mê Cung còn đang mải mê ngắm nhìn những đồ vật trong phòng thì cô gái đã nhanh nhẹn mở cánh cửa tủ, lấy ở trong đó ra một bộ đồ ngủ rồi nhoẻn miệng cười, nói:
Truyện "Mê Cung" ở trang 218-240 trong tuyển tập Mê Cung của Đào Văn Bình. Sách lưu hành ở: https://www.amzn.com/1080780491/ . Đặc biệt, đồng hương Bắc California có thể gặp tác giả Đào Văn Bình và nhiều nhà văn khác, cũng như sẽ gặp khoảng 300 đầu sách tại Hội Chợ Sách tại San Jose vào ngày 19/10/2019. Thông tin về Hội Sách như sau.
Thư Mời tham dự Chương trình CÓ MẶT CHO NHAU 2
Sacramento, ngày 12 tháng 9, 2019
THƯ MỜI
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng, Ni,
Kính thưa quý vị thiện hữu tri thức, quý cư sĩ, và quý đồng hương,
Kính thưa quý Huynh trưởng, Đoàn sinh GĐPT và giới trẻ xa gần,
Nhằm tạo một cơ hội sinh hoạt chung để chia sẻ, truyền lửa cho nhau, và thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật, Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung, một buổi sinh hoạt CÓ MẶT CHO NHAU 2 sẽ được tổ chức tại Tully Community Branch Library, 880 Tully Rd. San Jose, CA 95111, vào lúc 2:30--5:45 chiều, Thứ Bảy, ngày 19 tháng 10, 2019.
Buổi sinh hoạt này gồm có các tiết mục như sau:
1. Book Fair và Ra Mắt Sách của NXB Lotus Media, Inc., Hương Tích Phật Việt, Viet Ananda Foundation, Hoa Đàm, Lotus Media, Tủ Sách Phổ Hoà, etc... trong đó có tác phẩm của Thầy Như Điển, Thầy Từ Lực, Thầy Nguyên Tạng, Thầy Thiện Long (Hàn Long Ẩn), cư sĩ Thiện Quả, Nguyên Giác, Nguyên Minh, Như Hùng, Vĩnh Hảo, Trần Kiêm Đoàn, Trần Trung Đạo, Nguyễn Hoàng Lãng Du, Tâm Thường Định, v.v…
2. Panelists: Chia sẻ thao thức và kinh nghiệm hoằng pháp (Thượng tọa Thích Thiện Long, Đại đức Thích Pháp Cẩn, Cư sỹ Thiện Quả, Nguyên Minh, Nguyên Thọ, Nguyên Toàn, Tâm Thường Định và quý cư sĩ hiện tiền).
3. Publishers: Giới thiệu các nhà xuất bản Phật giáo Việt Nam tại California.
4. Practices: Phần thực tập Chánh niệm sẽ được xen kẽ trong chương trình.
Thành kính cung thỉnh Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni và trân trọng kính mời chư thiện tri thức, quý vị cư sĩ, và đồng hương; quý Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử cùng các bạn trẻ hoan hỷ dành ít thì giờ đến để CÓ MẶT CHO NHAU 2.
Sự hiện diện của quý Thầy Cô và quý vị là động lực lớn, là đạo tình đầm ấm, và là tấm lòng quý giá trên đời dành cho nhau. Mọi sự liên lạc, ủng hộ hay đóng góp xây dựng, xin email về Htr. tamthuongdinh@gmail.com; Cell: (916)-607-4066 hoặc cư sĩ Thiện Trí (408) 218-0747. Nếu ủng hộ tịnh tài, xin Venmo @PheBach hoặc PayPal @tamthuongdinh.
Trân trọng kính cung thỉnh và kính mời.
Thay mặt Ban Tổ Chức
Htr. Tâm Thường Định - Bạch Xuân Phẻ --- Htr. Tâm Định - Nguyễn Xuân Hiệp
Chương trình này có sự bảo trợ và giúp đỡ của:
1. Chùa Kim Quang; Chùa Phổ Từ; Chùa Thiên Trúc,
2. BHD GĐPT Hoa Kỳ và đơn vị GĐPT Thiện Tâm
3. Việt Báo, Thư Viện Hoa Sen, Viet Ananda Foundation
4. Liên Phật Hội, Bodhi Media, Asian World Media
5. Viet Cali Today, Nguyệt San Chánh Pháp
6. Bodhi M. Foundation, Thao Bach Foundation
7. Simplified Builders, C. Mindfulness LLC