Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được một hồ sơ do Phật giáo đồ ở Hà Nội chuyển đến Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, nhờ can thiệp. Sự vụ xẩy ra như sau :
Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Ba Đình ký văn thư mang số 177/UB-VP, ngày 10.4.2000, gửi Hoà thượng trụ trì Thích Thanh Khánh yêu sách trục xuất Đại đức Thích Tâm Kiên, thế danh Nguyễn Vũ Cường, ra khỏi chùa Một Cột, hạn chót vào ngày 30.4.2000. Lý do đưa ra là Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội (thuộc Giáo hội Phật giáo Nhà nước) yêu cầu thực hiện. Khiến quần chúng Phật tử ở Hà Nội vô cùng bất mãn. Họ đặt câu hỏi: Tại sao việc của nội bộ Phật giáo không do Phật giáo giải quyết mà lại mượn tay chính quyền can thiệp"
Đây là lần thứ ba việc bức bách tái diễn. Giữa năm 1999, Uỷ ban Nhân dân quận Ba Đình ra Quyết định số 927/QĐ-UB do bà Nguyễn Thanh Hiển, Phó chủ tịch, ký ngày 26.7.99, tự chuyên thông báo việc đề cử “ông Thích Thanh Phúc, Trưởng ban Đại diện Phật giáo quận Ba Đình, về trụ trì chùa Một Cột” thay “Cụ Thích Thanh Khánh”, không hề hỏi ý kiến trước cũng không cho biết lý do. Ngày 4.10.99, UBND quận Ba Đình lại ra Công văn số 689/CN trục xuất Đại đức Thích Tâm Kiên ra khỏi chùa Một Cột vì lý do “vi phạm đạo hạnh làm hoen ố nơi cửa chùa”. Ngày 5.10.99 Uỷ ban Nhân dân Hà Nội họp với Thường trực Thành hội Phật giáo Hà Nội ra Thông báo giải thích lý do “đưa sư Thích Thanh Phúc về trông nom quản lý chùa thay Cụ Thích Thanh Khánh già yếu, mắt kém”, và trục xuất “ông Cường (ĐĐ. Thích Tâm Kiên) ra khỏi chùa”.
HT. Thích Thanh Khánh đã viết “Đơn khiếu nại” đề ngày 27.7.99 gửi các cơ quan Đảng và Nhà nước tuyên bố bác bỏ không tuân thủ Công văn số 927/QĐ-UB, vì theo Hoà thượng: “Hiến chương của Trung ương Giáo hội có ghi rõ: Chùa thuộc Sơn môn nào thì do Sơn môn đó quản lý. Mà Công văn 927/QĐ-UB là của chính quyền quận Ba Đình, như vậy đã đúng luật pháp chưa"”
Trước tình trạng phi lý và đàn áp tự do tôn giáo như thế, Phật tử Chùa Một Cột vô cùng phẫn nộ, nên viết kiến nghị gửi UBND quận Ba Đình, Thành hội Phật giáo Hà Nội và các Cơ quan ngôn luận, báo chí tố cáo việc này. Kiến nghị bác bỏ tất cả luận cứ của nhà cầm quyền Hà Nội. Họ cho rằng tất cả Quyết định, Công văn của nhà cầm quyền là “trái pháp luật và kém văn hoá”. Họ lý luận : “Căn cứ điều 21 Nghị định 26/NĐCP, 19.4.99, của Chính phủ về việc hoạt động tôn giáo, UBND chỉ được chấp thuận (việc bổ nhiệm nhà tu hành) chứ đâu cho phép UBND ra Quyết định bổ nhiệm người trụ trì chùa" Và Chủ tịch mới có quyền ký, sao đây lại là Phó chủ tịch ký"” Rồi họ chất vấn: “Việc làm này của UBND quận Ba Đình có thể xem là biểu thị thái độ cửa quyền đối với đạo Phật không" (...) Và xin phép hỏi Mặt trận Tổ quốc có chức năng và quyền hạn thế nào trong việc bổ nhiệm người trụ trì tôn giáo"”
Trước đây, chùa do Hoà thượng Thích Tâm Cẩn làm trụ trì. Do tuổi cao, bệnh nặng, Hoà thượng viên tịch cuối năm 1996. Vào tháng 4 năm ấy, biết mình sắp về cõi Phật, Hoà thượng cho mời HT. Thích Thanh Khánh đến căn dặn nhờ kế tục làm trụ trì Chùa Một Cột, lo việc hậu sự (tang lễ), và hướng dẫn tu học cho người đệ tử duy nhất của Hoà thượng là Đại đức Thích Tâm Kiên (thế danh Nguyễn Vũ Cường).
Để công khai hoá sự việc, Hoà thượng mở hội nghị bàn giao công việc vào lúc 14 giờ ngày 15.7.1996 tại hội trường Mặt trận Tổ quốc quận Ba Đình, với sự hiện diện của Uỷ ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Ban Phật giáo thuộc quận Ba Đình và phường Đội Cấn, cùng chư Tăng trong Sơn môn pháp phái của Chùa Một Cột. Hội nghị bàn về việc tang lễ và người kế đăng (thay thế). Biên bản của hội nghị ghi rõ người kế đăng trụ trì chùa Một Cột là HT. Thích Thanh Khánh “chịu trách nhệm hoàn toàn với đầy đủ tư cách pháp nhân (kiểm tra, giám sát, đối nội, đối ngoại). Còn Đại đức Thích Tâm Kiên “có trách nhiệm trông coi, bảo quản tài sản và mọi công việc của chùa”. Biên bản được ông Nguyễn Đình Khiêm, Đại diện Uỷ ban Nhân dân phường Đội Cấn, TT. Thích Thanh Phúc, Đại diện Ban Phật giáo quận, và bà Nguyễn Thị Nhiễu, Đại diện Mặt trận Tổ quốc quận ký tên và đóng dấu xác nhận.
Thế nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đã đi ngược lời di huấn của cố HT. Thích Tâm Cẩn để đoạt chiếm Chùa Một Cột cho những mục tiêu phi tôn giáo. Vào các năm 1986 - 87, nhà cầm quyền mở chiến dịch “đoạt tự”, chiếm dụng hay phá hoại các chùa ở Hà Nội, như vụ phá hoại chùa Tràng Tín, và chủ trương biến Chùa Một Cột làm Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nhưng quần chúng Phật tử đã phản ứng mạnh. Nhờ thế chùa còn được tôn nghiêm thờ tự cho đến nay.
Từ sự kiện Hoà thượng Thích Thanh Khánh, trụ trì Chùa Một Cột, phản đối và không tuân thủ lệnh trục xuất của nhà cầm quyền. Tiếp đến việc Phật tử Chùa Một Cột đồng thanh ký tên đặt vấn đề tôn giáo và chính trị. Đây là dấu hiệu mới của Phật giáo đồ Bắc Hà đang chỗi dậy đòi quyền sống trong tự do tôn giáo, sau thời gian im lặng triền miên 45 năm.
Khi được tin, Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, có trụ sở tại Paris, đã tức thời chuyển hồ sơ Chùa Một Cột đến Uỷ ban Nhân quyền LHQ ở Genève yêu cầu can thiệp. LHQ đã chính thức gửi văn thư về Hà Nội chất vấn. Hy vọng với áp lực của LHQ và sự đấu tranh bảo vệ Chánh pháp của Phật giáo đồ Thăng Long, Nhà cầm quyền Hà Nội phải trả lại quyền tự do sinh hoạt tôn giáo cho Chùa Một Cột.
Chùa Một Cột còn gọi Chùa Nhất Trụ là biểu tượng văn hoá và tinh thần của Thăng Long / Hà Nội. Được xây dựng từ năm 1049, mang tên chùa Diên Hựu. Nhân vua Lý Thái Tông nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên toà sen cầm tay dẫn vua lên toà. Thức dậy vua kể cho bá quan nghe. Nhiều người cho là điềm chẳng lành. Thiền sư Thiền Tuệ bèn khuyên vua xây một ngôi chùa dựng trên cột đá làm toà sen như đã thấy trong mộng, rồi nhờ chư Tăng trì chú kinh hành quanh chùa cầu cho vua tuổi thọ. Vì vậy mà có tên Diên Hựu, nghĩa là kéo dài tuổi thọ. Năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho đào hồ quanh cột đá, đặt tên hồ Linh Chiểu.
Cảnh quan chùa Một Cột ngày nay là kiến trúc để lại từ thời Lý, dù trải qua nhiều lần tôn tạo, hưng công.
KHỦNG BỐ TINH THẦN TĂNG NI VÀ SÁCH NHIỄU CÁC CHÙA VIỆN Ở MIỀN NAM
Sau vụ đấu tố Thượng toạ Thích Không Tánh tại Thủ Đức, sách nhiễu, khám xét Thanh Minh Thiền viện ở Saigon, và chùa Già Lam ở Gò vấp, nhà cầm quyền tiếp tục cuộc khủng bố tinh thần Tăng Ni và các chùa viện trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại các tỉnh miền Trung (Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị) và đồng bằng sông Cửu Long.
Trường hợp tiêu biểu và lộ liễu nhất có thể thấy qua việc đòi dẹp tượng Quán Thế Âm và trục xuất Sư cô Thích Nữ Như Hiếu ra khỏi Tịnh thất Viên Thành. Ngôi chùa này là cơ sở của Thượng toạ Thích Đức Chơn tạo lập từ năm 1990 tại xã Phú Riềng, huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé. Mười năm qua vẫn sinh hoạt tôn giáo bình thường. Bỗng nhiên ngày 28.2.2000, ông Trần Đức Thuỷ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Huyện Phước Long, ra Quyết định mang số 293/QĐ-UB truyền lệnh “Đình chỉ mọi hoạt động mang tính thờ cúng Phật giáo”, và “buộc Sư cô Nguyễn Thị Mỹ Yến (Pháp danh Như Hiếu) dỡ bảng Tịnh thất Viên Thành từ ngày 24.2.2000 đến hết ngày 29.2.2000 phải xong (...) Nếu quá thời hạn trên Sư cô Như Hiếu không thực hiện, Uỷ ban Nhân dân xã Phú Riềng phối hợp cùng Công an Huyện tổ chức đóng cửa niêm phong căn nhà này để thi hành tốt pháp luật”.
Hẳn nhiên Sư cô Như Hiếu không thi hành một mệnh lệnh phi pháp và đàn áp tự do tính ngưỡng như thế. Ban Hộ tự cùng quần chúng nam nữ Phật tử xã Phú Riềng đứng lên phản đối quyết liệt để bảo vệ Chùa và Chánh Pháp. Trước áp lực của quần chúng nhân dân, nhà cầm quyền không thực hiện được Quyết định ban đầu, đành lui một bước để chuẩn bị tiến lên ba bước như thủ thuật thường lệ, cũng như đang áp dụng tại chùa Một Cột ở Hà Nội.
Ngày 3.4.2000, ông Trần Đức Thuỷ lại ra văn thư mang số 87/UB-TG, ra lệnh cho Sư cô Như Hiếu phải “tiến hành thuê mướn nhân công di chuyển bức tượng Quan Âm lộ thiên trước nhà ở vào trong nhà. Thời gian thực hiện từ 5.4.2000 đến hết ngày 10.4.2000 phải xong (...) Nếu quá thời hạn trên bà Nguyễn thị Mỹ Yến (tức Sư cô Như Hiếu) chưa thực hiện xong, UBND xã cần ra quyết định cưỡng chế, thuê nhân công tháo dỡ, di dời và xử lý hành chính. (...) Tuyệt đối không được lợi dụng việc di dời để quay phim, chụp ảnh tuyên truyền xuyên tạc chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề tôn giáo”.
Trước hiện trạng ngược đãi và đàn áp Phật giáo quy mô và có hệ thống như thế, đệ tử của Cố Hoà thượng Thích Trí Thủ, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Nhà nước), là Thượng toạ Thích Đức Chơn đã viết một bức thư từ chùa Già Lam ngày 6.4.2000 báo tin sự trạng phi pháp cho các Ban Hộ tự và toàn thể Cư sĩ nam nữ Phật tử tại các chùa Pháp Tịnh, Pháp Lạc, Thanh Trí, Long Hưng, Phước Sơn, Long Sơn, Phúc Hậu và Quang Minh ở Huyện Phước Long.
TT. Thích Đức Chơn khẳng định: “Chính quyền Huyện Phước Long đàn áp Phật giáo, không có tự do tín ngưỡng! Tại sao Tịnh thất Viên Thành sinh hoạt 10 năm qua là hợp pháp, nay cho là bất hợp pháp để dẹp chùa và đập phá tượng Phật. Như vậy là mục đích gì"” Rồi Thượng toạ kêu gọi: “Tôi thề quyết hy sinh tính mạng để bảo vệ Chùa, bảo vệ tượng Phật, bảo vệ Tự do tín ngưỡng. Nay tôi kêu gọi toàn thể Phật tử Phước Long, Bình Phước hãy đoàn kết cùng tôi bảo vệ Chánh Pháp. Nếu không bảo vệ được Tịnh thất Viên Thành, các chùa khác sẽ lần lượt bị triệt hạ một cách đau đớn và nhục nhã. Chính quyền huyện Phước Long đã vi phạm tự do tín ngưỡng, vi phạm nhân quyền!”
Làm tại Paris, ngày 16.5.2000
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế