Về tình trạng tiếp nhận bệnh nhi từ các tỉnh chuyển về Sài Gòn, báo quốc nội dẫn lời của bác sĩ Bạch Văn Cam, trưởng khối Cấp cứu-Hồi sức/Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho báo này biết: Theo luật, mỗi bệnh viện phải để dành 205 số giường bệnh để miễn giảm bệnh viện phí cho bệnh nhân nghèo và diện được bảo trợ, trẻ em dưới 6 tuổi phải được miễn phí hoàn toàn. Nhưng thực tế nhiều bệnh viện chỉ dành từ 3-5% số giường bệnh, còn cha mẹ các cháu bé vẫn phải trả dưới các hình thức khác nhau: tiền khám bệnh, tiền thuốc, tiền nằm bệnh viện gọi chung là tiền dịch vụ. Ở bệnh viện tỉnh, tình trạng ngại nhận bệnh nhi nghèo ngày càng phổ biến, người bệnh dễ bị đẩy từ bệnh viện này đến bệnh viện khác.
Theo bác sĩ Cam, bệnh nhân nhi đồng đang là gánh nặng cho các bệnh viện đa khoa. Vì vậy, các bệnh viện đa khoa ở các tỉnh, thành thường có khuynh hướng giảm bớt hoặc khống chế số giường dành cho bệnh nhân nhi đồng lại. Ngoài ra, một số bác sĩ ở các bệnh viện quận, huyện do không làm tròn bổn phận, trách miệng của mình nên đã làm mất lòng tin nơi người dân. Khi họ đưa con em mình đến khám hoặc chữa bệnh, phần lớn các bác sĩ chỉ khám qua loa, chỉ dẫn sơ sài, gặp những ca nặng nhưng không nguy hiểm đến tính mạng, lập tức cho chuyển lên tuyến cao nhất, tập cho họ có cảm giác chỉ có bác sĩ ở thành phố mới là vị cứu tinh. Lẽ tất nhiên, không cọ xát với thực tế, lâu ngày tay nghề các bác sĩ tuyến trước sẽ giảm, càng dễ sai lầm nghiêm trọng hơn.
Hiện nay, chỉ có bệnh viện Nhi Đồng và vài bệnh viện Thành phố lo cho các bệnh nhân nhi đồng, tương lai con số này sẽ ít đi. Theo bác sĩ Trần Tấn Tâm, số bệnh nhân nhi đồng nghèo có thể chữa được ở các bệnh viện tỉnh nhưng bị từ chối, bị đùn đẩy lên các bệnh viện tuyến cao nhất rất nhiều. Chỉ tính riêng ở bệnh viện Nhi Đồng 1 số bệnh nhân nhi đồng nghèo từ tuyến trước hàng năm đã chiếm 4)5 tổng số bệnh nhân ở đây.
Bạn,
Cũng theo báo này, vấn đề đau đầu hiện nay của bệnh viện Nhi Đồng 1 ở chỗ, bác sĩ tuyến trước dự sinh hoạt chuyên môn càng nhiều càng tích cực chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, đôi khi lạm dụng. BSTâm nói: cần có biện pháp chế tài để ngăn chận tình trạng bất cứ bệnh gì của trẻ em, bệnh viện tuyến trước cũng chuyển lên cho chúng tôi. Theo ông, chỉ khi nào có các ca vượt khả năng chuyên môn, cần điều trị theo chuyên khoa như bệnh não, phỏng nặng, tim bẩm sinh...thì mới chuyển bệnh nhân đến những bệnh viện, trung tâm chuyên khoa như bệnh viện Nhi Đồng 1, Trung tâm Cấp cứu Trưng Vương. Hậu quả là nhiều trẻ đã chết trên đường đi vì những bác sĩ né tránh nhiệm của người thầy thuốc.