Hôm nay,  

Chuyện Tết Năm Thân Viết Sau Khi Ra Tù

23/02/201900:05:00(Xem: 5735)
DQSy_Tieu su
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ


. . .
Chiến dịch kiểm kê tài sản đánh tư sản thương mại, rồi đánh tiểu thương, rồi kiểm kê văn hóa đạt tới cao độ vào năm 1978, cả Sài Gòn sống trong cơn sốt kinh hoàng chạy đồ, bán đồ, gửi đồ, gửi sách, giấu vàng. Đám cán bộ nòng cốt đã chuẩn bị thiết lập một đấu trường điển hình ở ngay đầu xa lộ Biên Hòa.

Phúc thay cho những người miền Nam thật thà, rộng rãi, bộc trực, chính quyền bị mắc sâu vào cuộc chiến Việt Miên, rồi lại cuộc chiến biên giới Hoa Việt (1979), cả guồng máy đấu tố, khủng bố miền Nam giảm hẳn tốc độ.

Tất cả những người dân Việt miền Nam nghe những lời nguyền rủa, kết tội Việt Nam ngu xuẩn hiếu chiến trên các đài phát thanh quốc tế đều cảm thấy như họ nguyền rủa ai, kết tội ai, tuyệt nhiên không một ai đồng hóa mình với danh từ Việt Nam giả trá đó.

Người Việt Nam thực không phải thế, nước Việt Nam thực không phải thế.

Cụ vào Nam đúng trưa ngày 27 Tết năm Thân, chỉ để chứng kiến đám con cháu ra đi

Bà nội bảy mươi bảy tuổi chẳng bao giờ ngờ chuyến đi từ Hà Nội vô Sài Gòn này lại chỉ để chứng kiến đám con cháu nội ngoại trong Nam ra đi gần trọn ổ. Thật buồn! Nhưng qua kinh nghiệm và cảm nghĩ bản thân, cụ cũng thấy rằng điều đó chẳng thể tránh được.

Đây là lần thứ hai cụ vô Nam đấy. Lần đầu cụ vô Sài Gòn vào tháng 3 năm 1977. Ngày đó thằng con trưởng của cụ (di cư vô Nam từ 1954) đã bị bắt giữ rồi. Tuy nhiên cụ tuyên bố với đám con cháu miền Bắc: “Tao vào Nam là anh chúng mày, bác chúng mày được tha!” Giọng cụ tuyên bố chắc nịch. Nhi – chú con trai thứ hai của cụ - cười hỏi: “Chắc cụ đã xin thẻ (sâm) và được thánh dạy như vậy, có phải không cụ?”

Cụ không trả lời. Cụ tập trung hết sức lực vào việc xin giấy tờ tại Công an huyện Từ Liêm, khu Ba Đình. Vô Nam lần thứ nhất đó, cụ chờ thằng trưởng mười ba tháng liền, nó vẫn không được tha. Cụ đành về Bắc, thật ngao ngán. Cụ thương thằng trưởng sau hai mươi ba năm xa cách, bố chết ngoài Bắc không được gặp mặt, mẹ vô Nam cũng không được gặp mặt. Cụ thương thằng trưởng đến chảy nước mắt. So với anh em trong Nam, nó nghèo hơn cả, nhưng bao giờ cũng giàu tình thương người, mà sao cứ gặp toàn vất vả.

Cụ trở về Bắc lần đó được ngót hai năm, tháng Giêng 1980 nhận được điện báo tin thằng trưởng của cụ được tha. Thế là cụ tức tốc đi lo liệu giấy tờ lấy. Cô cán bộ Công an huyện sau khi nhận đơn bèn hẹn cụ tuần sau. Tuần sau cụ tới cô lại khất cụ tuần nữa. Thế là cụ dậm chân, dận đầu gậy, sau đó cụ đập bàn nữa. Cụ nói lớn, lúc thì nghẹn ngào, lúc thì chảy nước mắt: “Ô hay, cô nói gì lạ, nhà tôi luôn luôn chấp hành tốt chính sách, sao cô lại thất hứa. Nhà cô có người già không…Tôi ao ước trong bao nhiêu năm để vào Nam gặp con gặp cháu. Tôi già thế này rồi, tôi mà chết không gặp được con cháu, tôi oán cô ba đời…”

Bao nhiêu cán bộ ở các phòng xung quanh nghe cụ to tiếng đều đổ xô lại, lựa lời xin cụ nguôi nguôi đi, một người đưa cụ gặp thẳng anh trưởng phòng. Nữ cán bộ nói với những người còn lại: “Mọi lần cụ dễ tính lắm kia.” Vì vậy mà lần này kịp giấy tờ để cụ vào Nam trước Tết Canh Thân, đúng trưa ngày 27 Tết, bằng đường hàng không.

Mẹ con sau hai mươi sáu năm trời xa cách (trên một phần tư thế kỷ) được gặp nhau trước Tết; lũ cháu nội ngoại được quây quần quanh bà ríu rít chuẩn bị đón Xuân. Lũ cháu ngoại là đám con Quỳ, đứa con gái đứng hàng thứ tư trong tổng số bảy đứa con của cụ.

Như vậy là sau hiệp định Genève 1954, năm con (ba trai, hai gái) ở lại miền Bắc, hai đứa (thằng trưởng và Quỳ) di cư vô Nam. Cháu nội cũng như cháu ngoại, mặt mũi đứa nào cũng vằng vặc, mô Phật, và nhất là đứa nào tâm địa cũng trung hậu, điều này làm cụ mừng nhất. Suốt từ 1954 đến nay có ngày nào đêm nào cụ quên niệm Phật đâu: “Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn linh cảm Quan Thế Âm Bồ Tát!” “Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát độ cho gia đình con sinh tâm hiền, diệt tâm tham, trên thuận dưới hòa một nhà êm ấm!”

DQSy Dinh Cuong
Doãn Quốc Sỹ hải ngoại Đinh Cường vẽ.



Tối lũ cháu nhỏ nội ngoại tranh nhau ngủ với cụ (kể cả đứa đã lớn tới mười lăm, mười bảy tuổi) để được cụ gãi đầu và xoa lưng trước khi ngủ. Hạnh phúc mẹ gặp con, bà gặp cháu của một đại gia đình thương yêu hòa thuận thực không bút nào tả xiết. Vậy mà cụ có ngờ đâu chỉ sau đó ít lâu cụ chứng kiến cảnh chúng nó ra đi dần, có đứa bị bắt giữ rồi được thả, rồi lại ra đi nữa.

“Đừng đòi hỏi tuyệt đối, người thánh thiện đến đâu cũng có điểm bất toàn, gia đình hạnh phúc đến đâu cũng có điểm đen bất toàn.” Ấy giá là nhà hiền triết thì tự an ủi như vậy, nhưng cụ tâm Phật, cụ chỉ biết niệm Phật, tin Phật, thương và yêu tất cả mọi người. Cụ tin như hai với hai là bốn là cụ, con cháu cụ và tất cả những người tốt trên thế gian đều được trời Phật phù hộ dù gặp nghịch cảnh nào đi nữa. Và ở nghịch cảnh nào cụ cũng tìm ra được khía cạnh tốt đẹp để vui với nghịch cảnh đó, hoặc đương nhiên coi nghịch cảnh đó không còn nghịch cảnh chút nào nữa.

Cụ há đã chẳng từng nói nhiều với mọi người về việc cụ được gặp thằng trưởng: “Thật là Trời Phật tận thương tận độ tôi mới được gặp cháu nó (hoặc em nó), mà cháu nó (hoặc em nó) cũng được Trời Phật tận thương tận độ mới gặp được tôi. Mẹ con được gặp nhau!”

Ấy thằng trưởng của cụ tuổi trời cũng gần sáu mươi rồi, nhưng dưới mắt cụ thì nó cũng không khác gì hồi nó còn là thằng cu Tèo đánh bi đánh đáo, nên cụ vẫn đơn giản dùng những từ ngữ “cháu nó, em nó” để chỉ nó. Mọi người vẫn gọi ông là ông giáo, vì ông đi dạy học.

Từ lúc đột nhiên khám phá ra lũ con cháu trong Nam đang tuần tự ra đi dần cụ chỉ biết niệm Phật, hầu như thường xuyên niệm Phật, kể cả đêm khuya lúc cụ thiếp ngủ tâm tưởng của cụ vẫn hướng về lời niệm. Và sáng sớm cụ đốt ba nén nhang thật ngát (bao giờ cụ cũng kén mua và dự trữ bằng được những bó nhang thật ngát) vái bốn phương rồi một nén cắm lên bàn thờ Phật, một nén cắm lên bàn thờ tổ tiên, một nén cắm lên bà thờ lộ thiên mà cụ thường khấn vái thổ thần và bách linh. Nguyên do sự nhận xét của cụ như sau.

Qua Tết chừng mười hôm cụ thấy con cháu tụ họp xì xào bàn tán, chợt về chợt đi với vài khuôn mặt lạ. Thoạt cụ không để ý.

Một buổi trưa con Hoa chợt lướt tới ôm cụ và hôn nhẹ lên gò má, nói rất nhanh: “Cháu đi thăm người bạn vài ngày bà nhé!” Rồi quay lướt đi nhanh, cụ không kịp nhìn khuôn mặt nó.

Bữa cơm chiều cụ hỏi bố nó: “Con Hoa bảo đi thăm bạn vài ngày, thế bạn nó ở đâu?” Bố nó đáp: “Bạn nó ở Bình Dương cụ ạ.” Cụ nhận thấy dáng điệu bố nó cực kỳ bứt rứt. Vài ngày qua đi, không thấy Hoa về, vẫn trong bữa ăn cụ hỏi: “Ô hay, thời buổi gạo châu củi quế, muối hạt trai này sao nó đến chơi nhà bạn lâu dữ thế!”

Lần này bố nó nói thật là nó đã cùng Lịch, chồng chưa cưới của nó, vượt biên bằng đường biển. Lúc đó cụ mới rụng rời người vỡ lẽ rằng buổi trưa hôm đó nó đã ôm hôn từ biệt bà nội.

Khổ thay hôm sau cả nhà hay tin chiếc ghe vượt biên của chúng không thoát. Cả đám người trên ghe đều bị bắt giữ hiện giam ở khám lớn Mỹ Tho thì phải. Bố nó nói: “Xin cụ đừng lo, đàn bà con gái và trẻ nhỏ thường chỉ bị giữ trong vòng một tháng là thả thôi.” Ly, con em nó, cấp tốc đi Mỹ Tho, không đúng ngày thăm nuôi phải về không; lần thứ hai hai chị em mới gặp nhau.



Cụ được biết thêm, trước đây nửa năm Hoa đã vượt biên lần đầu và cũng bị giam hơn một tháng mới được thả. Nào biết lần này bao giờ nó mới được thả đây. Tội nghiệp con bé, nó ẩn tuổi bà nội, tuổi Thìn. Tuổi Thìn bao giờ cũng vất vả thế đấy!

DQS-di
Sau 4 năm tù đầy cộng sản lần đầu, trở về Saigon, nhà văn tiếp tục viết. “Đi” xuất bản  tại hải ngoại, và nhà văn tù thêm 10 năm.



Bà Giáo, Ông Giáo

Bà giáo vẫn cần mẫn trong coi “vườn trẻ” của bà trên lầu và âm thầm đợi Hoa về. Bà không quên – quên làm sao được – lần trước nó ở trại giam Thốt Nốt về trong như “người dưới hố đào lên.”

Vườn trẻ của bà từ sau ngày “giải phóng” là căn gác nhà bà, trong nom ba đứa trẻ con mấy nhà hàng xóm, mỗi ngày được hai đồng mỗi đứa. Bà yêu trẻ, chăm nom chúng như chăm nom con cháu mình. Thôi thì cho chúng nó ăn, chúng nó bú, dọn cứt dọn đái, dỗ chúng nó ngủ, trưa tắm cho chúng một lần, chiều trước khi trả về cho cha mẹ chúng, tắm một lần nữa. Vào lúc cả ba đứa cùng quấy hoặc đứa la thét, đía ỉa, đứa đái, trong bà tả xung hữu đột thật tội nghiệp. Lần đầu tiên, Chu, cô em chồng từ Hà Nội vô, thấy chị dâu như vậy cứ luôn miệng xót xa: “Chị trong nom lũ trẻ như thế này thật là đổi bát máu lấy bát cơm.” Nghe vậy, bà giáo nói: “Ấy cô đừng lo, tôi hoạt động như vậy lại không ốm, nhàn nhã cái là ốm liền, số tôi vất vả mà.”

Đám con lớn ở nhà thấy mẹ quá vất vả đã có lần bảo mẹ thôi giữ trẻ. Bà hỏi chúng nó: “Ồ tao trả lũ trẻ về cho bố mẹ chúng nó, đứa nào tháng tháng kiếm thêm trăm tám chục đồng cho tao đây? Chúng mày ra đường trong đám người đội mưa đội nắng bán hàng trên các vỉa hè, thấy bóng cảnh sát áo vàng, mũ vàng lại lật đật ôm đồ chạy, chúng mày sẽ thấy tao trông trẻ ở ngay nhà còn sướng chán.” Đám con im thin thít không cãi vào đâu được.

Một lần Ánh – đứa con gái thứ hai đã tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ban Anh Văn “Thời Ngụy” – hiện dạy ở trường cấp ba Vũng vào những ngày nghỉ về thấy mẹ vất vả cũng đã đề nghị mẹ thôi không trông trẻ nữa. Bà giáo bảo cô con: “Lương mày giáo viên cấp ba, 51 đồng thêm vài lần chúng bán cho một ít nhu yếu phẩm, liệu có bằng nửa số tiền trăm tám tao kiếm ở ngay nhà này không?”

Một lần mẹ đi chợ, Ly phải dọn cứt lau đái mấy đứa trẻ cáu quá hét lên: “Tụi quỷ này, ỉa đái vô tổ chức!” Vừa lúc bà giáo xách giỏ chợ về, bà chỉnh Ly ngay tức khắc: “Chỉ người lớn mới có thể thành quỷ, trẻ con bao giờ cũng là thiên thần!”

Duy một lần – hiếm hoi lắm – đúng vào lúc cả ba đứa trẻ cùng khóc dữ quá như khúc tam tấu bi ai đến đoạn Fortissimo, bà vừa xoay quanh dỗ đứa này, đưa võng cho đứa kia, đặt bình sữa vào miệng cho đứa nọ bú vừa nói nghe xúc động vô cùng: “Vào thời buổi này người lớn không khóc thì thôi, chúng bay khóc làm gì!”

Riêng về ông Giáo, từ lúc hay tin con bé bị bắt giữ ở khám Mỹ Tho, ông luôn luôn hướng về ngày nó sắp được thả nên dáng điệu bớt bứt rứt hẳn. Bà nội nhận xét rất đúng: buổi trưa hôm nào, sau khi con Hoa đi, dáng điệu bố nó cực kỳ bứt rứt.

Ông Giáo bị bắt vào ngày song tứ 4-4- 1976 – thuộc diện “văn-nghệ-phản-động.” Họ thoạt giữ ông ở sở Công an đô thành, rồi chuyển sang T.20 tức trại giam Phan Đăng Lưu bên Gia Định, ở đây hơn một năm họ chuyển ông lên trại lao động cưỡng bách tại một thung lũng thuộc cao nguyên Gia Lai-Kontum.

Cô trưởng nữ Hoa – lời ông Giáo vẫn thường gọi vậy – là đứa con đầu tiên vượt ngót chín trăm cây số từ Sài Gòn lên vùng thung lũng cao nguyên đó thăm nuôi bố. Ngồi đối diện với bố, Hoa chỉ biết khóc. Quen chứng kiến cảnh ông bố hiền hậu từ xưa tới nay được người ta quý mến nay chứng kiến lũ người thô lậu lời ăn tiếng nói nhất cử nhất động biểu lộ căm hờn hách dịch, Hoa chỉ biết khóc. Rút cục mười lăm phút bố con được phép đối diện chẳng nói với nhau được bao lời.

Sau hơn hai năm bố ở trại lao động cưỡng bách này, Hoa lại một lần tới thăm nuôi bố. Ông bố cười nói: “Bố có cảm tưởng trước đây con khai mạc, giờ đây con bế mạc một chu kỳ, bố được thả đến nơi.” Lời nói vui để tự an ủi đó, ai dè đúng sự thực. Ba tuần sau ông Giáo được thả do sự can thiệp trực tiếp của Hội Ân Xá Quốc Tế với chính quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa.

Khoảng thời gian hơn hai năm ông Giáo ở thung lũng cao nguyên thì tại Sài Gòn Hoa làm lễ hứa hôn với Lịch, chàng trai quắc thước tháo vát, sĩ quan Không Quân mới học tập về, từng đã theo đuổi Hoa từ nhiều năm về trước, hồi còn chính phủ Quốc Gia. Khi nhận được tin này ông Giáo mừng lắm và viết thư về giục gia đình làm lễ thành hôn cho hai trẻ sớm ngày nào hay ngày đó đi. Tuổi xuân có hạn, chúng nó trai to gái lớn cả rồi. Ông Giáo nhận được thư bà giáo nói chúng nó mới đi kinh tế mới về nên gầy lắm. Thoạt ông thật thà tưởng chúng ngoan ngoãn theo lệnh chính phủ đi lập nghiệp tại vùng kinh tế nào rồi thất bại trở về. Nhưng khi đọc hết bức thư qua vài lời bóng gió nữa, ông vỡ lẽ chúng đã vượt biên bằng đường biển thất bại. Đó là khoảng tháng ba năm 1979. Nguyên do như thế này.

Lịch, vị hôn phu của Hoa, đã học được nghề tài công (lái tàu), anh chàng lái tàu rất thận trọng, có lương tâm nhà nghề. Một ụ đóng ghe ở khoảng giữa Long Xuyên và Cần Thơ vừa hoàn thành một chiếc ghe lớn (mà danh từ thời thượng cứ gọi là tàu) bề dài 22 mét, bề ngang 4 mét. Chủ ghe bắt liên lạc mời Lịch phụ trách chân tài công trong thủy thủ đoàn. Thế là Hoa Lịch quyết định cùng vượt biên trên chuyến tàu đó.

Hai hôm đầu Lịch cùng thủy thủ đoàn sắp xếp chỗ ngồi cho khách vượt biên nơi hầm tầu, thu xếp lương thực, dự trữ nước ngọt cùng than để thổi, nấu. Hết ngày thứ ba, về khuya, ba du kích xã ập tới bắt giữ trọn ổ cả thủy thủ đoàn lẫn một số khách vượt biên. Kế đó công an xã tới.

Lý do: tiền đã chạy đầy đủ với cấp tỉnh nhưng vì sự chia chác từ trên xuống dưới không đều, công an bèn lật mặt bắt. Họ bắt mọi người phải rời thuyền tức khắc, lúc đó khoảng mười hai giờ khuya rồi, Lịch đã kịp nói với Hoa: “Em hãy lục trong lẳng xách tay của em và liệng đi hết bằng tài công, giấy tờ học tập và chứng chỉ đại học.” Hoa vừa đi vừa mò ra được những giấy tờ đó, vò nát cho gọn nhỏ mà không dám vứt xuống đường vì đêm đen giấy trắng công an áp tải có thể phát hiện ra ngay. Mãi tới lúc mọi người ra tới đường lớn, có chiếc Citroen đợi đó, Hoa mới có dịp lẳng những giấy tờ vo tròn đó vào một bụi rậm.

Lần đó họ nhốt mọi người ở một trại tập trung giữa đồng không mông quạnh thuộc vùng Thốt Nốt, ăn uống tắm rửa đều là nước lạch. Điều kiện vệ sinh quá thiếu thốn, hầu hết mọi người đều ghẻ lở, tiêu chảy, riêng Hoa bị kiết lỵ khá nặng, may xin lại được số thuốc họ tịch thu, loại trụ sinh cực mạnh, Hoa mới khỏi.

Bị giam giữ trên một tháng, đám vượt biên đó được thả. Về nhà mẹ thoạt không nhận ra Hoa. “Trời ơi, làm sao mà mày như người dưới hố đào lên thế con!” Bà giáo vừa nắm tay con vừa khóc vừa nói. Nhẫn, vòng vàng, tiền, tờ giấy hai mươi đô-la, tất cả mất sạch.

Doãn Quốc Sỹ

[Trích Đi, truyện dài. Tiểu tựa do Việt Báo đặt theo nội dung. Bạn đọc có thể coi “Đi” và các tác phẩm khác của Doãn Quốc Sỹ tại địa chỉ trang web: www.doanquocsy.com ]

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hình ý quyền là gì? Là một trong ba hệ thống nội gia quyền có nguồn gốc Thiếu Lâm của võ học Trung Hoa: Thái Cực, Bái Quái và Hình Ý Quyền.
Từ lâu rồi, tôi vẫn ước mơ được đi du lịch Bhutan, hay “Thiên Đường Hạ Giới Cuối Cùng” (The Last Shangri-la), thăm viếng một nơi chốn được mệnh danh là “Xứ Sở Hạnh Phúc” vì sự phát triển của đất nước này được đo bằng hạnh phúc toàn diện của người dân chứ không dựa trên tổng sản phẩm trong nước.
Có thể nói rằng may mắn của tôi cũng như một số anh em văn nghệ cùng thế hệ tôi là được ngồi uống trà, trò chuyện với Trần Vàng Sao trong một bối cảnh hết sức đặc biệt.
Ở đây thăm thẳm hiên đời Mù sương quyện đất với trời dưới chân
chàng là ai, ai định nghĩa được chàng chàng là trăng là sao là mênh mang
Trong đầu hắn vẽ ra cảnh một người đàn ông trần truồng rơi vào giữa khoảng trống của hai bức tường, bị bức tường kẹp dính lại ở giữa, lưng ở bức tường phía sau, ngực ở bức tường phía trước, phía sau màu trắng, phía trước màu đen
Nhưng gần hai thế kỷ trước, Phật Giáo đã có ảnh hưởng lớn trong nền văn học Mỹ qua phong trào triết lý và văn học American Transcendentalism (Phong Trào Siêu Việt Mỹ), với các văn thi sĩ lừng danh như Ralph Waldo Emerson (1803-1882), Henry David Thoreau (1817-1862), Walt Whitman (1819-1892).
Xin chào nhau giữa con đường Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp, sống trong thân thiện, tình cảm cộng đồng, lễ nghĩa với tổ tiên ông bà, thụ hưởng cuộc hội hè, ăn chơi trong và sau tết, bà con gọi chung thời gian này là Ăn Tết; Tết Ta.
Những lễ hội đem thêm màu sắc cho ngày Xuân, và làm cho hương vị mùa Xuân thêm mặn mà. Có lẽ dân chúng kinh đô thời ấy cũng trông cho tới ngày được thấy cảnh rước thần đầy màu sắc của lễ Tấn Xuân hay cái nghi vệ huy hoàng của lễ Du Xuân, mong được nghe trăm phát súng lệnh tống cựu nghinh tân đầy náo nức lòng người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.