Hôm nay,  

Toàn Cầu Hóa Mông Muội Cái Đỉnh Ba Chân Bị Lật Nhào

13/02/201900:05:00(Xem: 5758)
ParisAAA
Và Paris: dân áo vàng làm dữ ...


Từ nhiều thế kỷ rồi, cứ ngỡ toàn cầu là cái đỉnh ba chân. Âu Châu đã thống trị thế giới và khuất phục Á Châu trong vài trăm năm. Mỹ Châu mới nổi thì có Hoa Kỳ là siêu cường đứng giữa, đã quân bình cả hai….

Cái đỉnh ba chân với thế chân vạc đó đang lật nhào. Thực tế là trào lưu toàn cầu hóa đang vụn vỡ trước mắt mọi người mà vì nhắm mắt ta chưa thấy. Biết đâu, năm Kỷ Hợi 2019 sẽ phô bày thực tế bấp bênh đó. Hy vọng qua năm Canh Tý 2020, với việc Hoa Kỳ bầu lại Tổng Thống, tất cả sẽ rõ nét định hình.

Chủ biên báo xuân Việt Báo bình chuyện này và nhớ đồng nghiệp Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh…

*
“Hóa chân giá thực” chỉ có nghĩa là “hàng tốt giá rẻ”, mục tiêu hay giấc mơ của hai giới sản xuất và tiêu thụ. Nhưng toàn cầu hay toàn thế giới có nghĩ vậy chăng?

Trải 500 năm, từ 1492 tới 1991, Âu Châu vẽ lại thế giới theo cái nhìn của mình vì vừa tìm ra Mỹ Châu vừa khống chế Á Châu. Nhưng từ năm 1992, khi một siêu cường Âu Châu là Liên Bang Xô Viết sụp đổ, Âu Châu bèn tìm ra một trật tự khác. Không, cần nói rõ hơn: mới chỉ là thứ trật tự trên giấy, được vẽ lại bởi thành phần ưu tú của Âu Châu.

Họ là ai? Là kinh tế gia, chuyên gia chính trị học, doanh gia ngân hàng, quản trị viên các tổ hợp quốc tế, là chính khách, bình luận gia khét tiếng lẫn nhà báo. Những xác định hay diễn tả của họ đã ảnh hưởng tới nhận thức thô thiển của chúng ta. Rằng sau nhiều thế kỷ “nội chiến” và mấy chục năm Chiến Tranh Lạnh, Âu Châu đã tìm ra “phép lạ sống chung trong thịnh vượng”.

Sự tan rã và điêu linh của Cộng Hòa Liên Bang Nam Tư được họ nhét vào ngoặc kép vì giới thượng lưu ưu tú chỉ nói đến sự hình thành của Liên Hiệp Âu Châu, một tập thể đã hội nhập một phần tàn dư của Liên Xô - các mảnh vụn Đông Âu và Trung Âu - vào một cộng đồng thống nhất. Nếu áp dụng phép lạ đó, thiên hạ từ nay sẽ thái bình và phồn thịnh.

Toàn cầu hóa hay “globalization” là cẩm nang, hay câu thần chú của một thứ tôn giáo siêu quốc gia đã đuổi Thượng Đế ra ngoài.

Nhưng từ cõi Viễn Đông của đại lục địa Âu-Á, các nước Á Châu lại nghĩ khác.

Bò ra khỏi “bách niên quốc sỉ” - trăm năm nhục nhã vì bị Âu Châu khuất phục–và ba chục năm chết đói vì thờ Mao Trạch Đông, Trung Quốc phải xoay vào trong để tìm tự thịnh vượng rồi vươn ra ngoài để chinh phục vị trí siêu cường đã mất. Nhật Bản thì chưa ra khỏi mấy thập niên sa sút sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc mà còn phải canh chừng nước láng giềng đang muốn phục hận. Các nước nhỏ hơn tại Đông Bắc Á, như Nam-Bắc Hàn hay Đài Loan, vẫn còn đối phó với nhu cầu an ninh sinh tử. Các quốc gia Đông Nam Á đi sau thì cố thoát khỏi vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997 và tìm thịnh vượng trong giao dịch kinh tế, mâu thuẫn chính trị bên trong từng quốc gia là chuyện nội bộ, xin đừng ai xen lấn, chủ trương chính thức của Hiệp hội ASEAN.

Các nước Á Châu đa diện và đa đoan chưa thể lạc quan như Âu Châu cho nên dù cũng nói toàn cầu hóa, họ nghĩ đến giao dịch hơn là giao chiến. Khái niệm “thế giới đại đồng” chỉ là ảo vì Á Châu từng là nạn nhân của Âu Châu trong trò chơi chữ nghĩa đó.

Cái chân vạc thứ ba là Hoa Kỳ lại còn kỳ dị hơn! Đã từng tham chiến và hao tốn máu xương lẫn tiền bạc trên cả hai trận địa Âu-Á, rồi tái thiết các nước đa sự trong khu vực để chặn đà bành trướng của Liên Xô, Hoa Kỳ tự nhìn lại mình và nêu câu hỏi: vì sao phải mất tiền bảo vệ an ninh của Âu Châu mà mất sức cạnh tranh kinh tế với Châu Á? Đâu là ưu tiên chính đáng của mình?

Câu hỏi đó dẫn tới việc một nhân vật bất ngờ đắc cử Tổng thống là Donald Trump.

Nhìn từ Âu Châu, ông Trump là một tai biến của lịch sử văn minh. Nhiều thành phần thượng lưu ưu tú trên tháp ngà của nước Mỹ cũng nghĩ vậy, trong hai năm ròng họ không biết nói gì hơn là diễn giải theo kiểu Âu Châu. Donald Trump có tội vì rút khỏi Hiệp ước Giảm trừ Khí thải Paris và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP – mà Quốc hội Mỹ không muốn phê chuẩn từ 2015 – đòi xét lại quy cách làm ăn của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, nêu vấn đề về vai trò tốn kém và thiên lệch của Liên Hiệp Quốc, về sức đóng góp thật của các thành viên Âu Châu trong Minh Ước Bắc Đại Tây Dương NATO.

Xung khắc Đông-Tây lại tái sinh. Nhưng hết còn là miền Đông Cộng Sản và miền Tây Dân Chủ với Hoa Kỳ đóng vai chủ chốt mà là Tây Âu văn minh sáng suốt và Hoa Kỳ lạc hậu thiếu văn hóa đã để một nhóm vô học bầu lên một tổng thống bất tài. Đấu tranh giai cấp bùng nổ giữa đám thượng lưu của các đô thị lớn như thủ đô Bruxells của Âu Châu, như Paris, Frankfurt, New York hay San Francisco, Los Angeles bên Mỹ, và thậm chí Thượng Hải của Trung Quốc, chống lại đám trung lưu ít học bên trong Hoa Kỳ và ở vài nơi chậm tiến khác.


Báo chí Âu-Mỹ nhào vào trận đấu với "nhiệt tình cách mạng". Một bên là lớp người văn minh đã thấy ra tương lai hội nhập và hòa đồng của nhân loại. Bên kia là những kẻ lạc loài còn nuối tiếc quyền lợi cục bộ hay chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Nhưng sự thật thế nào?

Sự thật là mọi lãnh tụ, từ Angela Markel, Theresa May, Emmanuel Macron hay Tập Cận Bình, Donald Trump, Vladimir Putin… chỉ là triệu chứng của các chuyển động sâu xa bên dưới mà biết khuếch đại thành chủ thuyết chủ trương, là những điều họ dần dần hệ thống hóa về sau.

Sự thật là lý tưởng toàn cầu hóa được Liên Âu cổ xúy đã dồn ước mơ tầm thường và đáng khinh của nhiều quốc gia hay địa phương vào hố sâu lịch sử bi thảm của Âu Châu. Và khi đề cao lý tưởng đó, giới thượng lưu ở trên phủ nhận sự kiện là kết quả xấu tốt của toàn cầu hóa không được phân phối đồng đều mà còn xúc phạm bản sắc văn hóa, đạo đức hay quy tắc hành xử của nhiều người ở nhiều nơi.

Nhân danh quyền dân chủ, các thành phần này nổi dậy trước khi ông Trump làm Tổng thống Hoa Kỳ. Họ đòi Vương Quốc Anh Thống Nhất United Kingdom rút khỏi Âu Châu, họ đòi quyền tự trị cho khu vực Cataluynia trong xứ Tây Ban Nha, họ bỏ phiếu cho các đảng “dân túy cực đoan” thuộc hai cánh tả hữu, nêu vấn đề về bản sắc Âu Châu hay lý tưởng Thiên Chúa Giáo trước làn sóng di dân hay nạn dân từ nền văn hóa khác. Họ nói tới nền kinh tế bị rút ruột vì việc làm và lợi tức ra khỏi lãnh thổ. Và họ đẩy các chính đảng truyền thống vào khủng hoảng tại Anh, Ý, Đức, Pháp,..

image_1505328109-3d20217598
Và Chú Ba Đại Hán vẽ vời xí phần toàn cầu hóa.


Khái niệm toàn cầu hóa đã rạn nứt ngay tại trung tâm là Liên Âu mà Âu Châu chưa thấy, cứ tưởng là vì Donald Trump.

Khi các đại đô thị mọc lên và phát triển nhờ giao lưu kinh tế thì nhân tài và tuổi trẻ của tỉnh lẻ hay địa phương phải trút về đó, để lại nhiều vùng hoang vu xơ xác, toàn những người già nua lớn tuổi hụt bước. Ngày xưa, sự chuyển dịch đó tiến hành chậm, ngày nay lại có tốc độ nhanh hơn. Trong các trung tâm xầm uất, với truyền thông báo chí đồng hạng, người ta dễ sống và nghĩ như nhau rồi lãng quên những kẻ thất thế.

Thế rồi nhờ phương tiện giao lưu hiện đại - mạng xã hội - thất quân bình giữa các khu vực hay giai cấp giàu nghèo trở thành thông tin tức thời với sức huy động cao. Phong trào Áo Vàng tại Pháp đã khiến Tiểu Đế Emmanuel Macron bẽ bàng.

Hiện tượng toàn cầu hóa được đề cao đã dẫn tới phản ứng quốc gia dân tộc hay quốc thể hóa, nhưng bị giới thượng lưu đả kích là lạc hậu, là phát xít Hitler, khi lớp người ưu tú đó sẵn sàng hợp tác với Liên bang Nga hay Trung Quốc vì lợi ích kinh tế. Chính giới thương lưu ưu tú đó của Âu Châu mới quên gốc nên Liên Âu sẽ còn bị khủng hoảng về bản sắc hay căn cước. Và Hoa Kỳ lại lo rằng sẽ lại tốn tiền cấp cứu Âu Châu, cho nên mâu thuẫn Âu-Mỹ sẽ còn gia tăng.

consumption_society_321865_heo
Mũi tên “xã hội tiêu dùng” chỉ đường cho đàn heo năm hợi.


Tại miền Đông của đại lục Âu-Á, các nước Á Châu thực dụng thì không coi chân lý toàn cầu của Âu Châu là lý tưởng. Họ biết rằng hội nhập kinh tế theo phát triển giao thương theo quy luật thị trường đã giúp Trung Quốc, Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á hay cả Trung Đông và Trung Nam Mỹ tìm ra sự giàu có lẫn kiến năng mới, nhưng không hề quên bài học thực dân và ách thuộc địa Âu Châu vào thế kỷ 19 và 20. Họ cũng chẳng quên bài học của chủ nghĩa cộng sản phát sinh từ Âu Châu và tự hỏi vì sao ngày nay lại phải coi các giá trị đổi thay, thậm chí giả trá, của Âu Châu là chân lý toàn cầu?

Vì tính chất thực dụng, lại không có sức mạnh như Hoa Kỳ để công khai phủ nhận các lý tưởng toàn cầu hóa của Âu Châu, các nước Á Châu nghĩ đến ưu tiên giao dịch. Hãy làm bạn hàng của nhau, chứ đừng làm ông thầy về cách sống. Và không thể coi bất cứ tôn giáo nào, từ Thiên Chúa Giáo tới Hồi Giáo, Phật Giáo hay Ấn Độ Giáo hoặc Khổng Giáo là chân lý tuyệt đối nhân loại phải tôn sùng.

Nhờ địa dư cách ngỡ với nhau, các nước Á Châu là những quần đảo hay bán đảo có thể chủ trương như vậy sau khi đã thấy lý luận của Marx phát sinh từ Âu Châu về một cuộc cách mạng tất yếu là chuyện hoang tưởng. Ngày nay, Âu Châu lại đề ra một sự hoang tưởng mới là trào lưu toàn cầu hóa, sau khi đã tàn sát nhau trong hơn trăm năm.

Trong cái kiềng ba chân, Âu Châu đã tàn lụi và trở thành khán giả ồn ào. Còn lại, Hoa Kỳ và Trung Quốc ở vào thế đối đầu từ hai bờ Thái Bình Dương.

Kẹt giữa hai gọng kìm Hoa - Mỹ, các nước Á Châu - trong đó có Việt Nam - cố là bạn hàng của cả hai đại cường đang đề cao chủ nghĩa quốc gia của họ. Nhưng y hệt Âu Châu ngày xưa, các nước này mong là khi hữu sự thì lá chắn quân sự của Mỹ sẽ giúp từng nước duy trì được quyền tự do, để khỏi đội Mao lên đầu.

Thực tế Kỷ Hợi sẽ cho thấy thế bấp bênh đó.

Hy vọng năm Canh Tý, sẽ định hình rõ nét.

Cung chúc Tân xuân.

Nguyễn Xuân Nghĩa
Chủ biên Việt Báo Xuân



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hình ý quyền là gì? Là một trong ba hệ thống nội gia quyền có nguồn gốc Thiếu Lâm của võ học Trung Hoa: Thái Cực, Bái Quái và Hình Ý Quyền.
Từ lâu rồi, tôi vẫn ước mơ được đi du lịch Bhutan, hay “Thiên Đường Hạ Giới Cuối Cùng” (The Last Shangri-la), thăm viếng một nơi chốn được mệnh danh là “Xứ Sở Hạnh Phúc” vì sự phát triển của đất nước này được đo bằng hạnh phúc toàn diện của người dân chứ không dựa trên tổng sản phẩm trong nước.
Có thể nói rằng may mắn của tôi cũng như một số anh em văn nghệ cùng thế hệ tôi là được ngồi uống trà, trò chuyện với Trần Vàng Sao trong một bối cảnh hết sức đặc biệt.
Ở đây thăm thẳm hiên đời Mù sương quyện đất với trời dưới chân
chàng là ai, ai định nghĩa được chàng chàng là trăng là sao là mênh mang
Trong đầu hắn vẽ ra cảnh một người đàn ông trần truồng rơi vào giữa khoảng trống của hai bức tường, bị bức tường kẹp dính lại ở giữa, lưng ở bức tường phía sau, ngực ở bức tường phía trước, phía sau màu trắng, phía trước màu đen
Nhưng gần hai thế kỷ trước, Phật Giáo đã có ảnh hưởng lớn trong nền văn học Mỹ qua phong trào triết lý và văn học American Transcendentalism (Phong Trào Siêu Việt Mỹ), với các văn thi sĩ lừng danh như Ralph Waldo Emerson (1803-1882), Henry David Thoreau (1817-1862), Walt Whitman (1819-1892).
Xin chào nhau giữa con đường Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp, sống trong thân thiện, tình cảm cộng đồng, lễ nghĩa với tổ tiên ông bà, thụ hưởng cuộc hội hè, ăn chơi trong và sau tết, bà con gọi chung thời gian này là Ăn Tết; Tết Ta.
Những lễ hội đem thêm màu sắc cho ngày Xuân, và làm cho hương vị mùa Xuân thêm mặn mà. Có lẽ dân chúng kinh đô thời ấy cũng trông cho tới ngày được thấy cảnh rước thần đầy màu sắc của lễ Tấn Xuân hay cái nghi vệ huy hoàng của lễ Du Xuân, mong được nghe trăm phát súng lệnh tống cựu nghinh tân đầy náo nức lòng người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.