Bạn,
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, trên địa bàn thành phố Sài Gòn, hàng ngàn người dân sống dọc các tuyến đường Bình Long, Thoại Ngọc Hầu, quốc lộ 50... thêm một năm nữa phải đón tết trên những con đường lầy lội, nhếch nhác. Các cơ sở kinh doanh cũng khổ không kém: phải chuyển đến nơi khác hoặc đóng cửa tiệm. Và người dân ở những "con đường đau khổ" sẽ tiếp tục đau khổ vì đường. Báo TT ghi nhận thực trạng này như sau.
Con đường giao thương giữa TP.SG và Long An, Tiền Giang - đoạn từ ấp 1, xã Bình Hưng kéo dài khoảng 6-7 km đến ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.SG, đã xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm nay. Mặt đường từ đại lộ Nam Sài Gòn hướng về Bình Chánh hầu như không còn nhựa mà chỉ toàn đá xanh lởm chởm. Hư hỏng nặng nhất có lẽ là đoạn từ ấp 1 đến ấp 5, xã Phong Phú: mặt đường liên tục trồi sụt, nhô cao lên rồi hạ thấp như những quả đồi nhỏ. Xe máy phải lượn theo hình chữ S, ôtô thì như bò với tốc độ của rùa, cất đầu lên rồi hạ xuống như thuyền gặp sóng lớn. Anh Nguyễn Lại Quân, tài xế xe tải lưu thông qua đây, cho biết: "Qua đoạn đường này phải mất gần 40 phút, trong khi đối với những tuyến đường bình thường khác tôi chỉ cần 15 phút. Không chỉ dễ mắc lầy, những xe tải chở nặng có thể bị gãy nhíp khi qua đoạn đường quá nhiều hố sâu này".
Chỉ vào những mái nhà bám đầy bụi đường, cư dân Nguyễn Văn Nguyện ấp 2, xã Bình Hưng, nói với phóng viên: "Tết đến nơi nhưng đường thật tồi tệ. Khi nắng người dân có thể tưới nước cho đỡ bụi nhưng trời mưa thì đành bó gối ngồi nhà vì đường mênh mông như biển nước. Cũng có năm con đường được tráng nhựa phẳng phiu nhưng do không có hệ thống thoát nước và thường xuyên ngập do triều cường nên chưa kịp đến tết đường lại bị băm nát".
Tương tự, đã 4-5 năm nay, đường Thoại Ngọc Hầu và một số đường khác ở khu vực ngã tư bốn xã đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Cư dân ngụ ở đường Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú) cho biết mấy tháng trước thấy đơn vị thi công đường ống thoát nước đã hi vọng tết này đường sẽ đỡ ngập khi có mưa... Nào ngờ một tuần nay, đơn vị thi công rút đi mất dạng để lại hàng chục hố ga sâu hoắm giữa đường. Chưa hết, trong lúc thi công đường, hố ga, đơn vị thi công làm bít đường thoát nước cũ khiến nước từ cống đen thui trào lên mặt đường, mùi hôi thối xộc lên nồng nặc.
Bạn,
Theo ghi nhận của phóng viên TT, đường Bình Long (Quận Tân Phú và Bình Tân) bị hư hỏng nặng nhất bởi nhiều đoạn mặt đường chỉ toàn đất bùn và nước đọng đóng rêu xanh. Có đoạn người dân hai bên đường bị ngăn cách bởi con "kênh" sâu 30-40 cm. Nước ngập, đường hư không chỉ gây khó khăn việc đi lại mà còn ảnh hưởng lớn đến việc mua bán kinh doanh, nhất là những ngày cận tết như thế này.