Trên địa bàn thành phố Hà Nội, it ai biết, từ lâu đã có những bến gốm Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng... nằm lặng lẽ bên bãi sông Hồng. Nằm ngay dưới Bãi Tre, địa điểm mà người dân Hà Nội vẫn chọn làm nơi ra hóng gió, là một dãy dài thuyền buôn bán gốm. Khác với các bến gốm khác, cư dân là những người nghèo đến từ nhiều vùng khác nhau, cùng tụ lại mà thành bến, ở bến Tứ Liên hầu hết dân cư đều là người Lập Thạch (Phú Thọ). Gần thế kỷ nay người dân vùng đất này đã bám vào những bãi sông, theo nghề buôn bán gốm, sứ. Có lẽ cũng bởi mảnh đất trung du nghèo khó, đất ít và cằn cỗi, làm không đủ ăn, khiến họ phải bỏ quê bôn ba ra tận đây. Kinh Tế-Đô Thị viết về bến gốm này như sau.
Con đường đất dẫn ra bến Tứ Liên, ngày mưa trệu trạo dưới những bánh xe thồ nặng nhọc. Ra đến sông Hồng, thấy trước mặt một cảnh trên bến dưới thuyền thật tấp nập, đây có lẽ là bến gốm lớn nhất ở đây. Trên bờ, dọc triền sông, xe thồ xếp hàng chạy dài chừng 100m. Một vài chiếc thuyền dài loại nhỏ cũng đang hối hả xếp hàng.Cùng là cảnh tha phương và quần tụ nơi sông nước nên người dân các bến gốm luôn đùm bọc, thân thiện với nhau và cởi mở với khách. Họ làm việc cần mẫn như con ong từ sáng tới khuya. Ngày lại ngày, lúc thì đạp, lúc thì đẩy bộ chiếc xe thồ hàng khắp các ngõ ngách trong thành phố. Những người dân của bến gốm chỉ được sống cuộc sống của gia đình, thảnh thơi vào buổi tối. Khi đó bến gốm đông đủ và ồn ã tiếng nói, tiếng trò chuyện, dù đó là sự ồn ã trong mệt mỏi và rã rời. Rồi cảnh ồn ã ấy cũng nhanh chống chìm vào màn đêm sông nước mênh mông.
Đến Bãi Tre vào cuối giờ chiều thấy từng đoàn xe thồ quay gót về bến. Anh Thanh, người đã có nhiều năm bám trụ nơi bến gốm này mời phóng viên xuống thăm con thuyền mà anh gọi là "giang sơn của vợ chồng anh". Đứng trên bờ nhìn xuống, phóng viên có cảm giác con thuyền chỉ đủ cho hai người nằm là hết. Nhưng không, xuống đến nơi mới biết nó đúng là một "căn hộ" nhỏ, rộng chừng 20m2 với đầy ắp hàng, đủ các loại, cao cấp tới bình dân. Nào lộc bình, chén bát, đôn, chậu cảnh, lọ hoa... rồi trăm thứ khác của cuộc sống sinh hoạt, quần áo, chăn màn, xoong nồi... Cứ 2-3 thuyền lại chung nhau một thùng phuy chứa nước sạch đã được lọc phèn. Anh Thanh nói: Ở đây mát và thoáng lắm, hít thở không khí trong lành thoải mái, không bụi bặm như trên đường kia. Nhưng chỉ khổ cái lắm muỗi, còn mọi thiếu thốn khác sống lâu mình không còn cảm giác gì nữa.
Bạn,
Cũng theo báo quốc nội, dân ở đây phần lớn ở những tỉnh ven Hà Nội, đặc biệt miền đất trung du, mỗi nhà không nổi sào ruộng, ăn còn chưa đủ nói gì đến làm giàu. Nhưng kiếm được bằng nghề gốm này cũng chỉ vài năm về trước. Bây giờ hàng hoá nhiều, nhu cầu đồ gốm sứ của người Hà Nội cũng không còn như trước. Muốn bán được nhiều hàng phải chịu khó đi vào các huyện xa.