Hôm nay,  

Chuyện Về Chị Ba Sen Của Tôi

22/03/201600:00:00(Xem: 7970)

Gia đình tôi rất đông anh chị em, có đến tất cả là 11 người gồm 3 anh em trai và 8 chị em gái. Chúng tôi gốc gác ở miền quê, thuộc tỉnh Nam Định trong vùng đồng bằng sông Hồng ngoài Bắc. Vì họ hàng bên họ nội cũng như bên họ ngọai đều sinh sống trong một ngôi làng hay vài ba làng kế cận, nên bà con rất gần gũi gắn bó với nhau.

Bà chị cả là chị Chắt bị bệnh câm điếc từ nhỏ, nên mọi việc trong nhà đều do người chị thứ ba là chị Sen cáng đáng giúp đỡ cha mẹ để chăm sóc lũ em nhỏ như tôi. Vì thế mà chị không được đi học nhiều, chỉ cỡ vài ba năm theo học ở trường làng mà thôi. Mẹ tôi kể là từ nhỏ chị Sen rất tháo vát, biết lo lắng mọi việc trong nhà đâu ra đó. Chị hơn tôi đến trên một con giáp, nên ngay từ tấm bé tôi có sự quyến luyến với người chị dịu hiền này, với bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ trong khung cảnh đồng quê êm ả nơi xóm làng có lũy tre xanh bao bọc xung quanh. Chị tôi mất tại Mỹ năm 1993 vào tuổi 75, giữa lúc tôi còn đang bị giam giữ tại nhà tù Hàm Tân, Phan Thiết.

Nay sắp đến ngày giỗ năm thứ 17, tôi muốn ghi lại một số kỷ niệm thân thương với chị là người tôi luôn luôn yêu mến quý trọng. Chị tôi lập gia đình sớm với anh Tống Huy Chỉnh, nên mấy cháu lớn cuả anh chị cũng không thua kém về tuổi tác là bao nhiêu so với tôi. Vì thế chị hay rủ tôi khi nào rảnh rỗi như vào các kỳ nghỉ hè, không phải đi học, thì đến ở nhà chị và chơi với mấy cháu. Chị lại làm món ăn rất khéo và mau lẹ gọn gàng, nên tuổi nhỏ còn ham ăn ham chơi, tôi rất thích được đến ở nhà chị chỉ cách xa nhà cha mẹ tôi chừng 5-6 kilomet thôi.

Chị rất tháo vát năng nổ và có nhiều sáng kiến trong lối sắp xếp công việc làm ăn kinh doanh. Nhận thấy anh rất khéo tay, nên ngay từ hồi còn ở thị xã Bùi chu lúc vưà mới thành lập, chị đã bày vẽ ra chuyện chế biến và buôn bán nữ trang bằng vàng là các thứ mà người dân quê thường rất ưa chuộng để cất giữ làm vốn liếng, mà khi cần thì có thể dễ dàng đem bán đi. Và đến khi di cư vào Nam năm 1955, chị cũng tìm cách mở lại hàng vàng ở khu Ngã Ba Ông Tạ là nơi có rất đông người Bắc tới định cư. Tiệm vàng này có tên là Trường Nguyên, nên mọi người mới gọi anh chị tôi là “Ông Bà Trường Nguyên”.

Hồi đó tôi còn đang học ở trường Luật Saigon, vào các ngày nghỉ tôi thường về ở với chị, nhiều hơn hồi xưa ở ngoài Bắc nữa. Vì lúc này cha mẹ tôi đều đã qua đời ở ngoài Bắc, nên lũ em còn nhỏ tuổi chúng tôi phải phân tán chia nhau ra mà tá túc tại nhà các anh chị lớn, mà đã có nhà riêng đủ rộng rãi để chứa chấp các em. Chị luôn khích lệ cổ võ cho tôi trong chuyện học hành thi cử. Nhờ vậy mà tôi đã học xong hết cấp đại học.

Tôi rất nhớ những chuyện chị tâm sự với tôi. Điển hình như lúc tôi ngồi tại quầy bán hàng vàng với chị, thì có lần chị nói: “Em có biết không, làm cái nghề buôn bán này, thì có nhiều cám dỗ để mà tham lam, gạt gẫm khách hàng hầu kiếm lợi tối đa cho mình. Như vậy là phạm tội lường gạt, là “lỗi đức công bằng”. Riêng một mình chị thì phạm tội để có thêm tiền cho chồng con ăn xài. Như vậy là cả nhà được hưởng lợi, mà riêng chị thì mắc tội để sau này bị vướng mắt trước tòa phán xét nghiêm ngặt của Chúa. Do đó mà chị phải cảnh giác, không làm chuyện lừa gạt khiến gây thiệt hại cho thân chủ khách hàng…” Lời chị nói như thế đó càng làm cho tôi nhớ lại điều mà mẹ tôi thường hay nhắc nhủ chúng tôi về bổn phận của con nhà có đạo là phải giữ “đức công bằng”. Bà cụ nói: “ Chúng con phải hết sức tránh, không được để cho mình phạm lỗi đối với bà con, vì làm điều gian dối khiến gây thiệt hại cho họ. Đó còn là cái tội trước mặt Chúa nữa…”

Dịp khác, chị còn nói: “Đứa trẻ chỉ có thể lớn lên được, đó là nhờ ở tình yêu thương ấp ủ trong cái nôi êm ấm của gia đình bằng tình yêu thương của cha mẹ, của các anh chị em và bà con họ hàng nội ngoại …” Điều bà chị của anh nói rõ ràng là “ do kinh nghiệm bản thân, chứ không phải là do sách vở mà trích dẫn ra “: Đó là nhận xét của chị bác sĩ Olivette người Bỉ nói với tôi, khi tôi nhắc lại câu nói trên do chị Ba tâm sự với tôi vào năm 1969-70 ở Saigon, lúc chính vợ chồng tôi cũng đã có mấy đứa con rồi.

Tôi thấy anh chị suốt đời đã rất thuận thảo và đồng lòng hợp ý chăm sóc rất chu đáo cho các cháu, cũng như là lo lắng bảo bọc lũ em như chúng tôi. Điểm đặc biệt tại nhà anh chị là vì bận rộn với chuyện kinh doanh làm ăn, phải vắng nhà, thì anh chị giao toàn quyền cho Cô Đoán như là một vị “Quản gia”, để quán xuyến mọi việc trong nhà, nhất là lo trông coi mấy cháu nhỏ. Cô được sự tín nhiệm hoàn toàn trong mọi việc nội trợ, đến nỗi mà mấy cháu nhỏ phải nói với tôi: “ Tụi cháu sợ Cô Đoán la rày, hơn là sợ bố mẹ chúng cháu “. Sự đối xử tế nhị như thế làm cho Cô Đoán thật cảm phục.

Không những đối với con ruột, mà ngay cả đối với các con dâu, con rể, thì chị cũng đối xử rất ngọt ngào, hiền dịu. Cháu Hà là con dâu trưởng nhiều lần tâm sự với tôi: “ Cháu chưa thấy một bà mẹ chồng nào mà lại đối xử với con dâu tốt đẹp, tươm tất như mẹ của anh Hiền chồng cháu”. Cháu Hưng là con trai út, thì cũng tâm sự: “ Cháu đi tìm người con gái nào mà có được đức tính như mẹ của cháu, thì mới có thể xin cưới cô ta làm vợ được. Nhưng mà, cháu kiếm hoài vẫn chưa gặp được người nào nết na, dịu hiền như mẹ cháu cả. Thật là khó đấy! “

Còn luật sư Đỗ Xuân Hòa, thì cũng thường nói: Ít có bà cụ nào mà có sự khôn ngoan chín chắn và có tấm lòng nhân hậu dịu dàng như bà cụ Trường Nguyên. Luật sư Hòa có bà xã nhận chị tôi là “ người đỡ đầu khi chị gia nhập đạo công giáo”, nên hai anh chị thường có dịp lui tới thăm nom gặp gỡ với gia đình chị tôi. Vì thế mà cả hai vợ chồng rất gắn bó với toàn thể gia đình. Luật sư Hòa còn nói rõ: “ Mọi việc trong nhà, thì hầu hết là do bà cụ sắp xếp, tổ chức đâu ra đấy. Mà ông cụ thường luôn thuận thảo, tán đồng theo ý kiến rất xác đáng có tình có lý của bà, nhờ vậy nên công việc đều êm xuôi “thuận chèo mát mái” cả.

Cụ thể là nhờ tính cương quyết, kiên trì của chị mà toàn bộ gia đình mới có thể đi thoát khỏi chế độ cộng sản vào năm 1975. Chị đã lo bố trí ghe thuyền tươm tất để tất cả gia đình và một số bà con khác có thể êm thắm ra khơi tại bãi biển Vũng Tàu, đúng vào lúc miền Nam sụp đổ vào tay quân đội cộng sản vào ngày 30 Tháng tư oan nghiệt năm đó. Tôi vẫn còn nhớ lúc gặp chị vào cuối tháng Tư năm 1975 tại xưởng làm nước mắm của chị tại khu Bến Đá Vũng Tàu, thì chị dặn tôi: “Em ở Saigon ráng thu xếp đưa gia đình di tản đi thôi. Người trí thúc như em, thật khó mà sống với cộng sản được. Cái chuyện “cha chung không ai khóc” khiến cho nền kinh tế tập trung kiểu cộng sản mỗi ngày một lụn bại, làm dân chúng đói khổ lầm than mà thôi!” Để chị yên tâm, tôi cũng nói là em có thể kiếm máy bay cho cả gia đình đi từ Saigon cho tiện, vì các cháu còn nhỏ dại. Và đó là lần sau cùng hai chị em chúng tôi gặp nhau.

Vì anh chị đều tận tâm chăm sóc dìu dắt lũ con như thế, nên các cháu đều thành đạt về nghề nghiệp, cũng như noi theo được tấm gương đạo hạnh tốt lành của cha mẹ. Đặc biệt là các cháu đều tham gia rất tích cực vào các loại công tác xã hội từ thiện, cũng như công việc xây dụng của giáo hội công giáo. Điển hình như cháu Hồng Vân là trưởng nữ và chồng là bác sĩ Nguyễn Duy Thuần, khi còn sinh tiền làm ăn ở bên Texas, thì cả hai vợ chồng đã hết sức góp phần yểm trợ cho các giáo phận ở ngoài Bắc và được Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng công khai tán dương công đức vào lúc cháu Vân Thuần qua đời vì bạo bệnh.

Riêng về phần anh, thì Chúa đã cho anh sống tới tuổi thọ khá cao. Năm 2009 này, anh đã bước qua tuổi 95, kể là vào loại “thượng thọ” được rồi. Mà anh vẫn còn minh mẫn sáng suốt. Anh vẫn thường kể lại về những kỷ niệm thật tươi đẹp với chị trong suốt bao nhiêu năm chung sống với nhau. Và bây giờ các cháu đều trưởng thành chững chạc, sinh hoạt thuận thảo quây quần với nhau trên đất Mỹ. Các cháu đều hết lòng biết ơn cha mẹ đã hy sinh trọn cuộc đời để vun đắp cho các cháu trở thành người có nhân cách thanh cao, có nghề nghiệp đàng hoàng, và nhất là có lòng đạo hạnh và niềm tin sắt đá vững vàng. Rõ rệt đây là trường hợp “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.

Về phần bản thân mình là người em của chị, tôi thật tự hào là có được một người chị vừa nết na đạo hạnh, vừa có tài ba để xây dựng được một gia đình yên vui hạnh phúc với lũ con, cháu và chắt thật là đông đúc, mà lại rất thuận hòa yêu thương gắn bó mật thiết với nhau. Chị tôi chẳng phải là một bậc nữ lưu tài ba nổi tiếng ngoài xã hội; chị chẳng có công trạng lớn lao đáng kể gì đối với làng quê, đối với quốc gia, để mà được tung hô ca tụng. Mà chị chỉ là một phụ nữ bình thường, là một người mẹ, một người chị suốt cả cuộc đời chỉ biết hoạt động bên trong ngưỡng cửa của gia đình. Nhưng rõ rệt là chị đã để lại một tấm gương sáng ngời với một nhân cách cao quý, một tinh thần hy sinh tận tụy cho gia đình nhỏ của riêng mình, cũng như cho cả đại gia đình bên nội và bên ngoại của các cháu. Chị là người đã giữ mãi được cái ngọn lửa yêu thương nồng ấm của truyền thống gia phong gia đạo, do cha mẹ chúng tôi truyền lại. Từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, tôi đã học hỏi được biết bao nhiêu điều tốt đẹp quý báu nơi chị.Tôi thật biết ơn chị và cũng phấn khởi với chị xuyên qua những điều cao quý như thế đó.

Tôi luôn tưởng nhớ về chị với tấm lòng yêu thương quý trọng của một người em nhỏ trong gia đình. Và tôi cũng luôn cố gắng để xứng đáng với người chị tuyệt vời của mình nữa./

California, Tháng 12 Năm 2009

Đoàn Thanh Liêm

Ý kiến bạn đọc
22/03/201613:12:00
Khách
Cám ơn tác giả đã chia xẻ với đọc giả một phần riêng tư của mình và nhắc nhở những người công giáo lúc nào cũng phải phục vụ tha nhân với Đức Công Bằng và Cha Mẹ Hiền Lành Để Đức cho con.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tình hình kinh tế Việt Nam đan xen mảng xám trong nhiều lĩnh vực của hệ thống tổ chức khiến nhà đầu tư lo âu và mức tiêu dùng của dân co lại...
Lá vẫn còn xanh. Hè vẫn còn nấn ná. Trời vẫn chưa muốn vào thu mà (không dưng) sáng nay California chợt thoáng chút âm u, và lấm tấm vài hạt mưa nho nhỏ. Mưa chưa ướt đất nhưng cũng đủ làm cho tôi hơi thấy ngại ngần khi nghĩ đến chuyện phải ra khỏi nhà chỉ vì một ly cà phê nóng.
Sau khi nâng cấp ngoại giao lên “Đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden (10-11/09/2023), thế đứng chính trị của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc đã tự tin hơn.
Theo tin Tổng Hợp ngày 10/9/2023, theo chân bốn đời tổng thống tiền nhiệm, Tổng Thống Joe Biden thăm Việt Nam với đoàn tùy tùng hủng hậu bao gồm các viên chức cao cấp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Bộ Ngoại Giao cùng những công ty khổng lồ…không ngoài mục đích biến Việt Nam thành quốc gia hùng mạnh, độc lập, tự chủ để không còn lệ thuộc vào Trung Quốc...
Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp “chiến lược toàn diện”, sau 28 năm ngoại giao từ năm 1995. Quyết định này được công bố ở Hà Nội chiều ngày 10/09/2023 trong chuyến thăm 1 ngày rưỡi của Tổng thống Joe Biden...
Năm nay đánh dấu kỷ niệm mười năm thành lập “SK/VĐ&CĐ” (SK/VĐ&CĐ) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất và đầy tham vọng nhất trong lịch sử nhân loại. Trung Quốc đã cho vay hơn 100 ngàn tỷ đô la Mỹ cho hơn 100 quốc gia qua chương trình này, nó làm giảm chi tiêu của phương Tây ở các nước đang phát triển và dấy lên lo ngại về sự lan rộng quyền lực và ảnh hưởng của Bắc Kinh...
Vào tháng 7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết rằng cuối cùng ông sẽ từ bỏ phản đối Thụy Điển gia nhập Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hungary, quốc gia ủng hộ lệnh cấm của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có dấu hiệu cho thấy họ sẽ không cản trở việc Thụy Điển gia nhập nếu Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh. Điều đó có nghĩa là, sau cuộc bỏ phiếu theo thủ tục vào mùa thu này, Thụy Điển sẵn sàng trở thành thành viên thứ 32 của NATO.
Ngày 2 tháng 9 năm 45, ông Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên Ngôn Độc Lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Bữa đó, tui không có mặt. Lý do: không phải vì quá bận, hay vì có chuyện chi đó (đố kỵ) với đám Cộng Sản mà chỉ vì tôi chưa kịp… ra đời! Dù sinh sau đẻ muộn, tôi cũng nghe được hơi nhiều chuyện “không được tử tế gì cho lắm” quanh cái ngày này, ngày khai sinh ra cái gọi là nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.” Trước hết, xin ghi lại vài mẩu tin có liên quan đến ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng Ban Tổ Chức Ngày 2 Tháng 9, được trích dẫn nguyên văn từ những cơ quan truyền thông (*) của Nhà Nước, mười lăm năm sau đó
Mặc dù những bất đồng là phổ biến giữa các nhà lãnh đạo được bầu và các thống đốc Ngân hàng trung ương, nhưng chúng lại không bình thường ở các quốc gia độc đảng. Khi chúng xảy ra, đó thường là dấu hiệu của một cuộc tranh giành quyền lực. Điều đó dường như đang xảy ra ở Việt Nam, quốc gia đang phải chịu suy thoái kinh tế và có thể sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 6,5% cho cả năm. Theo những người quen thuộc với tình hình, mặc dù bất cứ điều gì gần với mức đó sẽ khiến nhiều thị trường mới nổi ghen tị, nhưng việc không đạt được mục tiêu trên có thể gây tổn hại đến sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Lời người dịch: Trong bài viết sau đây, tác giả Jeffrey D. Sachs đưa ra ba luận điểm thiếu thuyết phục. Một là, nền kinh tế Trung Quốc đình đốn phần lớn là do Mỹ gây ra nhằm làm chậm mức tăng trưởng của Trung Quốc. Làm như vậy, Mỹ đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là mối nguy hiểm cho sự thịnh vượng trong toàn cầu. Do đó, Mỹ nên dừng lại. Cuộc thương chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không phải chỉ Hoa Kỳ đơn phương gây ra và còn tiếp diễn. Cả hai đang tận dụng mọi ưu thế để cải thiện vị thế của mình. Ai sẽ có khả năng làm cho đối phương suy yếu kinh tế, còn cần nhiều thời gian và nỗ lực. Các chính sách ngăn chận của Trump và Biden đã có kết qủa tốt đẹp. Ai sẽ thắng cử trong năm 2024 cũng phải tiếp tục phát huy thành quả này.
CTA BACK TO SCHOOL BANNER
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.