Tại Chợ Lớn có một khu tam giác gồm 3 con đường hợp lại: Lương Nhữ Học, Nguyễn Trãi, Triệu Quang Phục, nơi đây đã hình thành khu trung tâm sản xuất đầu lân cho toàn thành phố Sài Gòn. Đến nay, các nhà nghiên cứu về địa lý nhân văn khu vực Chợ Lớn chưa xác định được phố lân có từ bao giờ, với cư dân địa phương thì có người nói nơi đây là khu bán và làm lân xưa nhất ở Chợ Lớn, cũng khoảng hơn 50 năm rồi, khi đó con đường Lương Nhữ Học có tên là đường Lồng Đèn, đường Triệu Quang Phục có tên là đường Canton mà người Hoa sống lâu năm ở đây gọi là đường Quảng Đông. Những người già ở chung quanh đây thì cho biết nơi đây khởi đầu là bán hàng mã, và vào những dịp Trung thu, Tết nguyên đán thì nhộn nhịp hơn vì bán lồng đèn.
Trong dịp Tết vừa qua, một phóng viên báo Phụ Nữ đã đi tìm gặp những người bán lâu đời nhất ở khu phố thì chẳng còn ai, hỏi thăm chỉ còn mỗi mình một bà già ở số 146 Lương Nhữ Học. Theo lời bà kể, lúc song thân mở tiệm bán hàng, bà khoảng 14, 15 tuổi. Lúc đó, khi đường còn vắng vẻ lắm, cả con đường chỉ có khoảng 5 nhà mở tiệm. Mặc dù thế, ai muốn mua lân cho con em chơi, đều tìm đến khu này. Bà nói thêm: ngày trước lân chỉ có một loại, người ta hay mua cho con nít chơi, qua mùa mà không bán hết, lân bị bong hồ, phải dán lại. Bây giờ lân làm sắc sảo hơn, đủ kiểu, đủ màu sắc, đủ kích cỡ, có lân nhỏ xíu để làm kỷ niệm hay chưng trong tủ kính. Khách không chỉ là chú bé mà có cả khách nước ngoài. Bà cho biết, người ta thích đến phố này để mua lân, bởi vì ở đây từ con lân vài ngàn dành cho đám con nít chơi, đến lân bạc triệu dành cho các đoàn múa lân biểu diễn đều có cả.
Những người làm lân cho biết rằng làm cho con nít chơi thì khác, lân để các đoàn múa lân biểu diễn thì khác. Trước khi biểu diễn, lân phải qua điểm nhãn mới linh. Về truyền thuyết con lân, họ kể lại như sau: Ngày xưa, xưa lắm, ở bên Trung Hoa, cứ vào tháng chạp, mùa thu hoạch, là xuất hiện một con quái vật chuyên quấy phá, ăn cắp trái chín và bắt cóc con nít trong làng. Sau đó dân làng họp lại quyết đấu với con vật tai ác này. Người lớn thì thủ gậy gộc, con nít thì dùng những gì có thể gây tiếng ồn để phân tán đầu óc của nó. Chẳng biết con vật bị giết hay con người thu phục được nó, mà sau đó mỗi năm, người dân ăn mừng sự việc bằng cách làm lại hình tượng của lân, với những điệu múa chồm lên chồm xuống như bay lượn. Cũng từ đó, múa lân đi đôi với tiếng kèn, tiếng trống thùng thình và tiếng chập chõa liên hồi và lân thường chỉ xuất hiện vào những ngày Tết như mang phước lành cho nhân loại. Giải thích về màu sắc của con lân, các chuyên gia về lân cho biết ba màu của lân tượng trưng cho ba ông quan thờ cúng trong nhà theo phong tục người Hoa, đó là màu đỏ tượng trưng cho ông Quan Công, màu đen tượng trưng cho ông Trương Phi, màu đen tượng trưng cho ông Lưu Bị.
Bạn,
Theo ghi nhận của báo Phụ Nữ, cư dân khu phố chẳng ai mà không biết đến ông Trương Văn, năm nay 63 tuổi, gia đình ông làm nghề lân lâu nhất đường Triệu Quang Phục với nhãn hiệu Hồng Hạnh Hiên. Ông cũng không nhớ đã theo cha học nghề như thế nào, ông chỉ loáng thoáng nhớ ông nội mình hàng ngày cặm cụi bên những chiếc khung thật lớn, vẽ vời lên đó thành một vật khổng lồ, về sau này ông vẫn thường nghe cha kể lại, đây là nghề của ông nội đem từ Trung Hoa sang. Ông nội làm lân trước khi có đoàn lân, mà đoàn lân lớn tuổi nhất là đoàn Liên Nghĩa Đường, đã gần 80 năm thành lập. Ông nói đã sống bằng nghề cha truyền con nối với ba đời làm nghề lân ở Việt Nam.