Bạn hãy hình dung rằng, nếu thi ca Việt Nam không có Inrasara... Và hãy hình
dung rằng một vùng ven biển Miền Trung không có những Tháp Champa... Lúc bấy giờ,
bạn mới thấy rằng nét đẹp thi ca của Inrasara, nét đẹp điêu khắc cổ của Tháp
Chàm tuy là những gì mong manh, lung linh... rồi sẽ tới lúc bị thời gian phủ
cát lên, vùi dập, nhưng vẫn là nét đẹp làm cho cõi trần gian này tuyệt vời hơn.
Nhưng như dường, chính quyền người Kinh, vẫn chỉ nhìn qua lợi ích trước mắt, mà
không hề xem đó là những nét đẹp di sản trong phần hồn dân tộc đa sắc, đa dạng.
Và vì nhìn thô bạo như thế, nên cách đối xử cũng thô bạo, rất mực trần gian, bất
kể các Tháp Champa là hiện thân của tôn giáo cổ (và đương thời) của người Chăm.
Hãy biết tôn trọng những vẻ đẹp đó, và hãy đối xử cho thật tử tế.
Bài viết tựa đề “"Đất ruộng của Tháp" ngày ấy và bây giờ” của tác giả
Glang Anak trên trang Dân Làm Báo giải thích về việc quản lý các tháp Champa,
cho biết nhà nước không chỉ tịch thu Tháp, biến thành điểm du lịch, mà còn cản
trở việc thờ cúng của tín ngưỡng người Chăm, và tich thu hẳn các ruộng theo
truyền thống là để nuôi dưỡng hoạt động cuả Tháp Champa. Nói ngắn gọn, lấy sạch,
lấy hết, lấy không để lại gì cho người Chăm. Việc lấy sạch sẽ này cũng không phải
truyền thống văn hóa người Kinh, xin minh xác như thế, mà hẳn là, do cách diễn
giải tùy hứng của cán bộ, có lẽ.
Tác giả Glang Anak giải thích:
“...việc thờ cúng Tháp rất có tôn ti trật tự và theo những nghi lễ rất trang
nghiêm. Chính vì vậy mà các chức sắc Chăm phụ trách Tháp vừa làm tròn trách nhiệm
ở nơi thờ tự theo lễ nghi, vừa được hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ khoản thu lợi
do được canh tác trên ruộng đất của Tháp.
Sau năm 1975, tất cả các ruộng đất của Tháp bị Nhà nước tịch thu. Các chức sắc
Chăm phụ trách Tháp bị “mời về nhà”, giao Tháp lại cho các công ty du lịch khai
thác. Điều này đã tác động rất lớn đến đời sống tâm linh tín ngưỡng và phát
kinh tế xã hội của người Chăm. Cụ thể:
Về tín ngưỡng
Chức sắc Chăm không được quyền tự do thờ cúng trong tháp. Đến các ngày lễ lớn
như lễ Yuer Yang (tháng 4 Chăm lịch), lễ Katé (tháng 7 Chăm lịch), lễ Cambur
(tháng 9 Chăm lịch) và lễ Peh Ba-mbang Yang “lễ mở cửa tháp” (tháng 11 Chăm lịch)
thì phải làm giấy tờ xin phép chính quyền các cấp. Rất nhiêu khê và phiền phức.
Riêng đối với người dân Chăm, khi gặp chuyện khó khăn trong làm ăn, con cái bệnh
đau hay gặp chuyện không may, họ thường cầu nguyện thần linh Champa và tự lên
Tháp cúng kính theo lời cầu nguyện. Nhưng nay, người Chăm không được vào tháp
cúng kính theo tín ngưỡng tâm linh mà buộc phải mua vé du lịch để vào và thường
chỉ được khấn lạy. Vì xung quanh Tháp thường có bảo vệ theo dõi các hoạt động
trong đền Tháp và họ cảm thấy rất khó chịu khi có người lạ xuất hiện theo dõi trong
các buổi cúng kính. Từ đó có rất ít người Chăm đến cúng Tháp và thực hiện nghi
lễ theo tín ngưỡng của mình.
Về kinh tế:
Tất cả “đất ruộng của Tháp” đã bị Nhà nước tịch thu sau năm 1975 nên Tháp không
có nguồn thu nào để lo chuyện thờ cúng theo nghi lễ hàng năm.
Mỗi mùa lễ cúng, một vài chức sắc phải đứng ra quyên góp từ người dân. Nhưng
người dân Chăm nay rất nghèo vì ruộng đất của họ đã bị Nhà nước thu hồi. Do đó
việc quyên góp cúng Tháp cũng rất khó khăn.
Người Chăm bức xúc cho rằng đất đai của dân Nhà nước đã thu hồi; “đất ruộng của
Tháp” Nhà nước cũng tịch thu, do đó một lượng lớn đất đai, canh tác mà tổ tiên
họ đã dành riêng để phục vụ cho cúng Tháp nay đã không còn sở hữu của người
Chăm.
Một số nơi du lịch có đầu tư kinh phí cho một số hoạt động trên Tháp như múa
Chăm, đánh trống Paranưng… Nhưng tất cả các hoạt động mang tính “văn nghệ” này
chỉ nhằm thu hút khách du lịch chứ không phải hoạt động tâm linh tín ngưỡng thật
của người Chăm. Nhiều người than phiền rằng đây là những hoạt động “lừa dối thần
linh Champa” vì không đúng với nghi lễ thật của họ...”(ngưng trích)
Đạo lý của dân tộc Việt, sau bốn ngàn năm và trở thành một khối đa dạng nhiều
dân tộc vẫn xem việc “lấy sạch, lấy hết” là điều không nên tí nào. Huống gì là,
chuyện này không thuần tuý vật chất, mà là tín ngưỡng tâm linh.
Hãy hình dung rằng khi ca Việt không có Inrasara, và điêu khắc Việt thiếu những
tháp Champa...
Hãy tử tế với nhau. Hãy tương nhượng, hãy trả cho dân tộc Chăm những gì hợp lý
-- họ là một phần của chúng ta, họ đau đớn đã nhiều thế kỷ, và tới lúc chính phủ
phải biết cách an ủi, tôn trọng phần tín ngưỡng và hỗ trợ việc phục hồi sinh hoạt
đúng nghĩa của các tháp Champa.
Đó cũng là nhân quyền vậy: trước tiên là quyền sống đúng nghĩa của con người,
sau nữa là quyền sống của dân tộc Champa. Hãy nhớ, họ không đòi ly khai, không
đòi độc lập. Tại sao kéo dài nỗi đau của người Champa?