Mấy hôm trước, lũ lụt tàn phá nhiều tỉnh Miền Trung. Cả nhóm 15 thủy điện cùng
lúc xả lụt. Dân chúng và nhiều chuyên gia quy tội cho thủy điện phá hoại môi
trường, và cả quy trình xả lũ sát nhân...
Tất nhiên, chính phủ đâu có chịu nhận tội, bèn đưa ra vài “chuyên gia” nói rằng
lũ lụt là tội của trời, còn Đảng là đỉnh cao trí tuệ, không sai bao giờ.
Bài viết trên Tuần Việt Nam tưạ đề “Thủy điện không sinh nước sao gây lụt được?”
đã phỏng vấn một số chuyên gia trong đó có “TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư
vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON) cho rằng, “thiếu cơ sở khoa học
để kết tội thủy điện”...”
Ông Phúc nói, theo báo này ghi lại:
“...Tôi xin hỏi lại, các nhà máy thủy điện có sinh ra nước không? Hoàn toàn không!
Như vậy, lũ ở đây là lũ trời, tức là lũ tự nhiên...
...Như vậy khái niệm “lũ chồng lũ” trong trường hợp này hoàn toàn phí lý! Chỉ
có “lũ chồng lũ” xảy ra nếu hồ thủy điện bị vỡ.
Nhưng hồ bị vỡ và gây ra thảm họa là các hồ của công trình thủy điện lớn. Còn mấy
cái hồ của các nhà máy thủy điện ở miền Trung thuộc loại nhỏ, nếu có vỡ cũng chẳng
gây ra thêm ảnh hưởng gì đáng kể!
Trong đợt lũ vừa qua ở miền Trung có hồ thủy điện nào bị vỡ đâu? Nên nói “lũ chồng
lũ” là sai với thực tế. Cũng như quy kết các nhà máy thủy điện này gây ra lũ
càng sai hơn!
Trên một dòng sông nếu có nhiều nhà máy thủy điện thì cũng chỉ có một dòng lũ của
trời thôi...”(ngưng trích)
Cũng trên báo Tuần Việt Nam, bài viết tựa đề “Các nước đã phá bỏ nhiều thủy điện”
trong đó ghi nhận lời giải thích từ Tiến sĩ Nguyễn Quang Tân, Điều phối viên
Chương trình Quốc gia Chương trình Việt Nam của tổ chức RECOFTC (Regional
Community Forestry Training Centre).
Tiến sĩ Nguyễn Quang Tân nói:
“...thuỷ điện đã phá vỡ hệ thống sinh thái rất nhiều. Tôi đã nhìn thấy nhiều
nơi, sau khi xây dựng thuỷ điện xong; cánh rừng đẹp đẽ biến mất và thay vào đó
là những khu đất trống hoặc bị sạt lở. Câu hỏi đặt ra là: thực sự lợi ích thuỷ
điện mang lại có bù đắp được những mất mát mà nó gây ra hay không?
Nhìn lại những nước phát triển ở Châu Âu, họ không chỉ xây dựng đập thuỷ điện
mà còn xây đập tưới tiêu nước rất nhiều từ thế kỷ trước. Kinh nghiệm của họ
trong hàng trăm năm nay cho thấy rằng lợi ích của những đập đó không bù được những
tác hại mà chúng gây ra, cả tác hại tới kinh tế cộng đồng và môi trường sinh
thái. Môi trường sống của thuỷ hải sản bị thay đổi hoàn toàn, kéo theo tác động
tới cây trồng và động vật.
Hiện nay Châu Âu cũng như Mỹ đã phá bỏ rất nhiều đập thuỷ điện...
...Những cái chúng ta gọi là đem lại thu nhập kinh tế trong thời điểm trước mắt
lại đang khiến chúng ta phải trả giá bằng chính kinh tế, và bằng hậu quả sinh
thái môi trường cho chính thế hệ chúng ta và con chúng ta.
Câu hỏi hiện nay rất nhiều người đặt ra là thuỷ điện tác hại đến môi trường đã
quá rõ ràng qua đợt lụt vừa qua. Chúng ta không cần tranh cãi thêm về vấn đề
này nữa...
...Tôi không có ý định nói chúng ta phải xoá bỏ hết thuỷ điện. Chúng ta không
thể phát triển kinh tế - xã hội mà thiếu điện, đó là điều đương nhiên.
Tuy nhiên nên cân nhắc những lựa chọn khác như điện gió, mô hình khá phát triển
ở Châu Âu. Chúng ta có bờ biển dài, rất giàu năng lượng gió và nắng, điều kiện
làm điện gió và điện mặt trời là khả thi. Thuỷ điện không phải và không nên là
lựa chọn duy nhất...”(ngưng trích)
Chúng ta nên suy nghĩ thế nào? Và nếu nhớ lại, chính phủ Việt Nam cũng đã từng
phản đối chính phủ Lào về một dự án thủy điện.
Bản tin BBC ngày 18-1-2013 trong bản tin tưạ đề “VN lại đề nghị Lào ngưng xây đập”
đã viết, trích:
“Việt Nam lại lên tiếng đề nghị Lào ngưng công trình xây đập thủy điện Xayaburi
trị giá 3,5 tỷ USD để điều tra thêm về tác động môi trường, theo phản ánh của
giới vận động sau cuộc họp Ủy ban sông Mekong.
Theo Reuters, kết quả một cuộc họp của Ủy ban sông Mekong hôm 18/1/2013 cho hay
cả Việt Nam và Campuchia, hay nước ở hạ nguồn dòng sông đều không hài lòng với
Lào.
Các nhà vận động nói Campuchia đã cáo buộc rằng Lào “không chịu tư vấn về công
trình” trên sông Mekong.
Được biết sau cuộc họp nhiều tranh cãi trong hai ngày 16 và 17/1, Việt Nam ra
tuyên bố đề nghị Lào tạm ngưng tiến hành công tác xây tiếp trên thượng nguồn
sông Mekong để chờ tới khi một nghiên cứu về tác động môi trường được hoàn tất...
Hồi 2010 Việt Nam và Campuchia cùng nêu quan ngại đập Xayaburi sẽ làm chết cá
và ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu người dân bên bờ Mekong, chảy từ Trung
Quốc qua các nước Đông Dương và thành dòng Cửu Long ở Việt Nam trước khi đổ ra
Biển Đông.”(ngưng trích)
Đó là chưa có chuyện chết người như ở Miền Trung mấy tuần qua. Vậy mà, khi xả
lũ, chết người, vẫn có người tung hô thủy điện.
Vẫn còn may, vì chưa ai dựng xác ông Hồ dậy để hoan hô thủy điện...