Hôm nay,  

Tản Mạn Ký Sự Hè 2013: Con Đường Liên Âu, Thâu Cả Châu Về Một Mối

08/11/201300:00:00(Xem: 10829)
Thăm dân cho biết sự tình
Trọng người xứ Đức mình kinh-sắc nhiều
Thế chiến: cảnh vật tiêu điều
Ngày nay đổi mới: trăm chiều bình an!


Liên-Âu là tên gọi tắt của Liên-Hiệp Âu-Châu (European Union). Mơ ước của nhiều dân tộc có chung gốc châu Âu về một sự thống/hợp nhất (unity) đã hiện hữu từ thời cổ Hy-lạp, và rõ nhất là khi châu Âu bị dân Thổ (Turk, không phải giống người Âu) xâm lấn hồi thế kỷ 15. Nhưng khái niệm và phương pháp về sự hợp nhất như thế nào, giữa các quốc gia châu Âu, để phù hợp với nhân-bản mới là nan đề hệ trọng. Nhiều vị lãnh đạo (vua chúa hoặc lãnh tụ) trong châu Âu đã mang những tư tưởng phản nhân quyền như: đại-đế (Hy-lạp, Pháp), quốc-xã (Đức), phát-xít (Ý), cộng-sản (Nga), … và xử/tận dụng con đường bạo lực để thống nhất thiên hạ, nên đã dẫn đến lịch sử chiến tranh đẵm máu, không những riêng cho loài người tại châu Âu, mà còn lan rộng trên khắp toàn thế giới. Với nhiều kinh nghiệm xương máu trong quá khứ, diễn trình xây dựng một Liên-Âu hòa bình đã trải qua nhiều giai đoạn, ngày càng tỉnh thức và tiến bộ hơn.

Sau thế chiến thứ hai, mơ ước thống hợp tại Âu châu lại trổi dậy với những chương trình đồng thuận, khôn ngoan, nhân đạo, cụ thể và thực tiễn hơn những thời kỳ bạo loạn của các thế kỷ trước. Tổ chức Liên-Âu ra đời, từng bước từ kinh tế cho đến chính trị. Bắt đầu với 6 xứ: Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hà-lan và Luxemburg từ năm 1952. Hiện nay có đến 28 quốc gia thành viên (2013) trong Liên-Âu và với đồng tiền Euro, tiền xu và tiền giấy, được xài chung cho 17 xứ (2002).

Hiện nay, tuy đã đạt được nhiều thành quả, Liên-Âu vẫn còn nhiều trở ngại. Bên trong: sự tự hào dân tộc (văn hóa), phát triển giàu nghèo (kinh tế), và chủ quyền đất nước (chính trị) giữa những quốc gia vẫn chưa đồng đều, tạo thành rào cản. Bên ngoài: Mỹ-quốc dòm ngó, kỳ đà cản mũi, và Trung-cộng dụ dỗ, đẩy đưa lôi kéo; làm chậm bước tiến hội nhập. Tóm lại, cả thế giới gồm 3 cái chợ trời: chợ Tây (Liên-Âu), chợ Mỹ, chợ Tàu, đang đua nhau giành giật thiên hạ! Lẽ dĩ nhiên, còn nhiều cái chợ trời khác đã nổi lên, nhưng còn nhỏ chưa đáng kể.

Vai trò của Đức và Pháp rất là quan trọng trong khả năng lãnh đạo tổ chức cho Liên-Âu. Nhất là việc ổn định và giữ giá cho đồng tiền Euro (€) được vững bền trên thị trường quốc tế. Cơ sở tài chánh trung ương (mũi tên đỏ hình giữa, đang còn xây) và kỹ nghệ xe hơi của Đức, một phần nào, giúp cho nền kinh tế của Liên-Âu được phát triển đều đặn, tuy chậm nhưng chắc (Hình 1).

Chúng tôi tạm biệt nước Pháp. Từ ga Paris Est, lấy xe lửa tốc hành TGV đi đến ga Mnchen Hbf (DB Bahn) của nước Đức. Đi một chiều tốn 93 € (EUR, đôla Tây) bằng 123.75 $ (USD, đôla Mỹ) cho một người và mất 6 tiếng 17 phút để di chuyển cho một đoạn đường dài 687.04 km (427 miles). Tôi có nhiều thời giờ trên xe: tha hồ đọc sách và đánh một giấc ngủ trưa/chiều thoải mái.

Đây là một bản nghiên cứu sơ khởi về tình trạng kinh tế của xứ Đức và 3 cái chợ trời Tây-Mỹ-Tàu cho bà con dễ theo dõi (tính theo năm 2012):

GDP (Gross Domestic Product) của Đức là 3.25 trỉ US đôla (một trỉ bằng 1000 tỉ) là xứ phát triển hàng đầu của khối Liên-Âu (16.58 trỉ), cạnh tranh với chợ Mỹ (15.94 trỉ) và chợ Tàu (12.61 trỉ). Thất nghiệp của Đức chỉ có 5.4% ít nhất so với Mỹ, Tàu và toàn khối Âu châu; đó là lý do tại sao dân Đông-Âu thích chạy qua Đông-Đức, rồi lọt vô Tây-Đức để tìm công ăn việc làm tốt hơn. Khi bức tường Berlin sụp đổ hồi năm 1990 thì đã có mấy chục ngàn dân lao động ViệtNam gốc miền Bắc đang làm việc tại các vùng cộng-sản tràn qua khu Tây-Đức để được một cuộc sống an cư lạc nghiệp tốt hơn.

Theo tài liệu The World Factbook của cơ quan CIA của Mỹ: xứ Đức có trên 81 triệu dân, trong đó khoảng 150 ngàn người là di dân gốc Việt. Tuy người Việt chỉ chiếm có 0.19% của toàn xứ Đức nhưng lại là dân thiểu số gốc Á châu đông nhất. Trung bình trong 1000 dân Đức, số sinh là 8.37, số tử là 11.17 và số di cư nhập vào là 0.89; nghĩa là mất đi 1.91, hay 0.19% dân số bị giảm đi trong năm, tính theo năm 2013. Một sự trùng hợp hi hữu về con số 0.19% hiện diện của người Đức-gốc-Việt mà tôi gọi tắt là người Đức-Việt (theo kiểu Pháp-Việt, Mỹ-Việt, Ca-Việt, Úc-Việt).

Bối cảnh kinh tế và chính trị của xứ Đức đã ảnh hưởng đến phong thái sinh hoạt của người Việt đang trên đà hội nhập vào xã hội địa phương rất nhiều. Từ những nguồn gốc di dân vào những thời điểm khác nhau trong lịch sử chiến tranh ViệtNam đã đem đến xứ Đức những người Việt mang ý thức hệ khác biệt và lối sống khác nhau. Thí dụ: dân du học trước 1975, dân tỵ nạn cộng sản (thuyền nhân) sau 1975, dân lao động xã hội chủ nghĩa những thời 1950, 1980 và 1989, và dân đã vào quốc tịch Đức.

Với khung cảnh tự do, dân chủ và luật lệ công minh của xứ Đức, đầu óc thù hận giữa hai miền Nam-Bắc, giữa cộng-sản và cộng-hoà, giữa chống cộng và thân cộng trước năm 1975 đã dần dà được chuyển hoá thành những nhóm hoặc tổ chức xã hội dân sự (civil society organization) thích đáng và hữu hiệu hơn vì những nhà hoạt động có tầm nhìn tập hợp, thông thoáng và tiến bộ hơn. Hoàn cảnh đặc biệt của xứ Đức đã tôi luyện cho những công dân Đức-Việt có những mô hình lãnh đạo hợp thời thế hơn những đồng bào ViệtNam cư ngụ ở những quốc gia hải ngoại khác.

Những giả-định (assumptions) của tôi về hiện trạng người Đức-Việt cần được kiểm định và tái kiểm định bằng những cuộc thăm viếng địa phương (field trips). Có người gọi là tham quan, có người gọi là điền dã. Gọi bằng gì cũng được, miễn là cho xem nội dung ký sự là xong. Đây là lần thứ ba chúng tôi đến xứ Đức, vừa sinh hoạt vừa trao đổi trong tinh thần nối-vòng-Trăm-Việt với các bạn Đức-Việt của thời đại hoàn-cầu-hoá. Bài ký sự tản mạn này sẽ ghi lại 5 địa điểm mà chúng tôi ghé ngang trong vòng hai tuần lễ: 1. Mnchen (dân ngoại gọi là Munich), 2. Stuttgart, 3. Frankfurt, 4. Udenheim và 5. Hannover.
lien-au-bang-gia-resized
Hình ảnh Liên Âu.

1. Thành Phố MNCHEN (Munich)

Ra đón chúng tôi tại nhà ga Mnchen (Hình 3) là anh Phạm Hoàng. Anh Hoàng gốc là một người trí thức đi du học từ miền Bắc ViệtNam. Anh học ngành đạo diễn âm nhạc tại xứ cộng-sản Bulgary (Bảo-gia-lợi) đến năm thứ sáu thì sang Đức tỵ nạn, trước khi tốt nghiệp. Hồi thanh niên, anh đã là sĩ quan cộng-sản làm việc trong một đơn vị nghệ thuật, gọi là đoàn ca múa quân khu 4. Đến năm 1975, anh đi từ miền Bắc vào tiếp thu và cai trị miền Nam ViệtNam trong ủy ban quân quản. Vào Nam, anh thấy rõ thời thế hơn, rồi sau đó giải ngũ, xin học bổng và được nhà nước gửi qua vùng Đông-Âu lên đại học chuyên ngành.

Sống trong bối cảnh dân chủ và tự do ở nước ngoài và khi ý thức được con đường dân-chủ-hoá là sinh lộ cho dân tộc, anh đã quyết định không trở về giúp cho chế độ độc tài. Anh Phạm Hoàng đã trở thành một trong những nhà bất đồng chính kiến với nhà nước cộng sản ViệtNam đầu tiên tại Đông-Âu. Những tờ báo tranh đấu Cánh Én cho dân chủ và nhân quyền được ra đời vào thập niên 1990. Không phải chỉ có thuyền nhân gốc miền Nam chạy tỵ nạn cộng sản mới chống cộng, người gốc miền Bắc cũng chống cộng không kém! Cộng sản là phản thiên nhiên, nên gốc Nam hay gốc Bắc, khi thức tỉnh đều đứng dậy. Không có cảnh độc quyền chống cộng. Hiện anh Hoàng, người Đức-Việt, định cư và lập nghiệp tại thành phố kỹ nghệ xe hơi BMW trong mấy chục năm nay.

Tôi quen anh Phạm Hoàng được 5 năm nay và rất mến trọng anh vì nghĩa khí của anh ta. Năm 2009, anh có ghé San José thăm chúng tôi, nên năm nay chúng tôi đi thăm lại. Có qua có lại mới toại lòng nhau! Anh Hoàng nói với chúng tôi: anh chị đến đây bằng xe lửa, dân Đức rất chuộng xe đạp, nhưng chúng ta sẽ đi thăm hãng làm xe hơi. Xe Bế-Em-Về. ‘Bế-Em-Về’ là trung tâm năng lực (làm ra tiền) cho thành phố Mnchen, là niềm tự hào của xứ Đức, và là món hàng hảo hạng mà nhiều người trên thế giới thích sở hữu được một chiếc!

1.1 Hãng Xe BMW

Nghe đến cụm từ ‘bế em về’ là đã thấy hấp dẫn rồi! Nhưng tại sao lại gọi xe BMW là bế em về? Lúc đầu tôi nghĩ: chắc tại chủ nhân có xe hơi BMW sang đẹp thì dễ dàng rước kiều nữ lên xe quá giang, rồi sau đó bế em về nhà lẹ làng. Trật! Bạn tôi giải thích: tên hãng xe BMW, âm đọc theo tiếng Anh là bi-em-đắp-bờ-du, âm đọc theo tiếng Pháp là bê-em-đúp-bờ-lơ-vê, âm đúng của tiếng Đức đọc là bê-em-vê (chữ W phát âm như chữ V), và đến khi phát âm theo tiếng Việt, bà con ta bỏ thêm dấu cho dễ nhớ. Bê-Em-Vê thành ra Bế-Em-Về, công thức theo kiểu toán học như sau:

BMW > BMV > Bê-Em-Vê > Bế-Em-Về

Khuôn viên kỹ nghệ BMW (BMW Group) rất là rộng lớn. Nhóm BMW gồm có 5 nhãn hiệu xe hơi nổi tiếng: BMW, BMW i, BMW M, MINI, Rolls-Royce và xe môtô (motorcycle). Khuôn viên được chia làm bốn khu khác nhau: Khu Tower lo về giấy tờ buôn bán (hình số 2, hàng trên, Hình 4); Khu Museum là bảo tàng viện chưng bày lịch sử trên 90 năm của hãng (hình số 3 và 4, hàng trên, Hình 4); Khu Welt là nơi triển lãm các kiểu xe thời thượng (hình 1 và 2, hàng dưới, Hình 4); và Khu Werk lo việc sản xuất và chế biến. Hằng năm, hãng BMW cho ra lò 200 ngàn xe hơi và 300 ngàn đầu máy. Hãng xử dụng 9000 nhân công thuộc 50 quốc gia khác nhau.

Vì khuôn viên kỹ nghệ quá rộng, nên chúng tôi chỉ ghé thăm hai khu Museum và Welt mà thôi. Còn hai khu kia, Tower và Werk, BMW chỉ lo đếm tiền và làm việc nặng nhọc, có gì đâu mà coi!

Khu triển lãm BMW Welt cho xem gần cả trăm kiểu xe khác nhau (Hình 5). Mới đầu vào còn mê, đụng đâu rờ đấy, xem hoài mơ-huyền (mờ) cả mắt. Nhân viên tiếp thị còn mời lên xe ngồi thử và bảo chụp hình làm kỷ niệm nữa, đủ trò mời mọc. Dân chúng Đức sành tiếng Anh hơn dân chúng Pháp, do đó việc đàm thoại cũng dễ dàng hơn cho khách du lịch từ Hoa-kỳ. Các cô nhân viên tiếp thị của Bế-Em-Về ngọt ngào hết chỗ chê.

Thiệt tình: Bế-Em-Về vừa đẹp vừa sang, vừa khôn vừa ngoan, chỉ tội giá cả hơi cao, nên tôi không thèm để ý. Tới khi dòm kỹ, giá chỉ có 50000 đô mà túi mình chỉ còn có 50 đồng. Thôi đành nuốt nước bọt, dzọt cho thật lẹ!

Kiểu xe Ngheomaham! Xe đạp cho thuê Đây mới thiệt là xe của mình

Hình 6: Xe hơi, xe đạp – Xe nào cũng là xe !?$

Tuy đã có một chiếc BMW cũ ở nhà mà VT.Thảo thấy kiểu xe mới nào cũng thích rờ, thích mở cửa bước vào, thử xem cho biết (hình trái, Hình 6). Phần tôi, tôi chịu an phận: tôi chỉ lo thủ chiếc xe Honda Civic cũ rích là đủ, chạy trên cả chục năm rồi. No problemo (không có vấn đề gì hết)! Tôi không thuộc loại ngheomaham (nghèo mà ham). Có một điểm rất đặc biệt về phương tiện giao thông ở xứ Đức. Người Đức rất thực tế, không thua gì người Hoa-kỳ. Không có xe hơi thì đi xe đạp. Không có xe đạp thì đi xe lô-ca-chân.

Chung quanh khuôn viên BMW có rất nhiều xe đạp cho thuê (hình giữa và phải, Hình 6) để giúp mọi người tiện dụng trong việc giao thông. Người ta có thể mướn và trả lại xe đạp ở bất cứ chỗ nào, rất tiện lợi cho khách dùng. Xe có gắn chìa khoá điện tử. Ai mướn chỗ nào? địa chỉ ở đâu? trả tiền ra sao? để xe lại ở chỗ nào? đều được kỹ thuật cao giải quyết.

Thôi, chào tạm biệt khu kỹ nghệ BMW với câu châm ngôn đã học được:

Bế-Em-Về < Bê-Em-Vê < BMV < BMW

Anh Hoàng và chúng tôi đã đói bụng, hồi sáng đến giờ đi dạo xem xe BMW hết mấy từng lầu. Anh đưa đến một nhà hàng bán thức ăn thuần túy Đức được dân địa phương rất ưa chuộng. Đó là ăn món Schweinshaxe và uống bia. Nhà hàng có vườn cây cao, phủ dày bóng xanh tươi rợp mát. Bàn ghế ngồi ăn sắp đặt ngoài trời trông thật bình dân, thực khách nhộn nhịp có tới cả trăm người. Anh Hoàng đi mua thịt, VT.Thảo đi mua bia và brezel, còn tôi thì ngồi giữ chỗ. Tổ dân chủ tam-đầu-chế phân công, ba nhiệm vụ khác nhau, ai vào việc nấy, chắc chắn có buổi ăn ngon.

Schweinshaxe là món giò heo hầm có lớp da vàng nâu, cứng dòn bên ngoài nhưng bên trong thì thịt vẫn mềm và ướt (mũi tên đỏ, Hình 7). Hay là ở chỗ: ngoài dòn rụm và trong mềm rệu. Ngon là ở chỗ: trong ngoài đều thơm phức. Brezel là loại bánh mì nướng cứng, cuốn theo hình vòng nơ thắt nút, có phủ muối hột; nhai vài miếng thì ngon, còn ăn trọn nguyên vòng thì khô ruột (mũi tên vàng, Hình 7). Người Đức ăn thứ nầy thì nốc cả ly cối bia. Anh Hoàng cũng vậy: dáng thì là người Việt, còn ăn uống thì không kém gì một người Đức chính cống. Tôi thì nhỏ con, nên ăn uống giống như mèo liếm! Ăn rất ít nhưng thích ăn ngon. Ăn lấy vị chứ không phải lấy bị mà ăn.

Anh Hoàng nặng gấp đôi tôi mà ăn thì lại gấp ba lần. Tôi ăn chỉ hết một phần ba cái giò heo, còn anh ta làm một hơi, hết sạch dĩa ngon lành. VT.Thảo chỉ ráng hết nửa giò là cùng. Nhớ lời ông tôi dặn hồi còn bé là không nên bỏ mứa mang tội, vì ông nói, hồi năm Ất-Dậu (1945) thiên hạ chết đói cả triệu người ngoài miền Bắc bởi do thiếu thức ăn. Tôi phải róc lấy hết thịt, bỏ xương, gói lại đem về nhà, tối ăn tiếp, nhưng chắc ăn với cơm, chứ không ăn với bánh brezel vì khô quá!

Cơm nước xong xuôi rồi thì phải đi bách bộ để giúp cho bộ tiêu hóa làm việc dễ dàng hơn. Thế là chúng tôi lên xe, đi xuống khu downtown (dưới phố) sầm uất. Munich (Mnchen) là thủ đô và là thành phố to nhất của bang Bayern. Thành phố có khoảng 1.4 triệu dân số, trong đó độ gần 20 ngàn người-gốc-Việt sinh sống. Đại đa số các thành phố của Đức đều bị tàn phá trong thời kỳ thế chiến thứ hai (1945); và sau chiến tranh thì đường xá, phố phường đều được xây dựng lại và bảo quản, nên các thành phố thường hay có hai khu: Phố Cũ (Old Town) và Phố Mới (New Town).

Khu downtown của Mnchen có Quảng trường Marienplatz (Marien Square) rất nhộn nhịp. Dân chúng thích thả bộ giữa những lộ đường dành riêng cho khách bộ hành, đi xuyên qua các từng lầu, cũ mới lẫn lộn, tạo thành một bối cảnh sinh động, vừa truyền thống vừa hiện đại (hàng hai, Hình 8). Điển hình là toà nhà Town Hall (toà Thị-sảnh) cũ hơn 100 năm với ngọn tháp cao cổ kính, đối diện với khu siêu thị trẻ trung, trưng đầy mốt mới thời thượng (hàng cuối, Hình 8). Dọc đường, dưới gốc cây to, một anh nghệ sĩ hè phố đứng ngây ngơ giả làm tượng đồng bất động, thỉnh thoảng dơ kiếm gỗ hù giật mình các du khách lơ đãng, khiến mọi người chung quanh rộn ràng cười mỉm (hàng ba, Hình 8). Khách tuy giật mình nhưng vẫn tận tình cho tiền thưởng.

Tự nhiên, hình ảnh giữa cũ và mới, giữa chiến tranh và hoà bình, phân chia Đông-Tây, cộng-hoà cộng-sản, nồi da xáo thịt của nước Đức làm tôi liên tưởng đến hoàn cảnh của đất nước ViệtNam. Tại sao chính sự của nước người thì hay đến thế mà của nước ta lại tệ hại đến như vầy? Đã 38 năm trôi qua trong hoà bình mà tại sao nền chính trị của ViệtNam mình vẫn chưa cất đầu lên nổi? Chính sự, chính trị của người thì liên quan chặt chẽ, còn của ta thì ngả rẽ đôi đàng!

Kể từ năm 1990, sau 45 năm đất nước bị chia đôi, hai miền đông-tây của nước Đức đã được thống nhất. 23 năm trôi qua, hình ảnh khổ đau của xã hội cộng-sản đã nhạt nhòa trong tâm trí của người dân Đức, nhưng hận thù không cản được bước đường xây dựng của nước Đức thống nhất.

[Ghi chú: Đến nay, sau ngày thống nhất đất nước, hầu như tất cả những người Đức có công ăn việc làm (bất luận Đông hay Tây), ngoài thuế lương bổng và an ninh xã hội, phải đóng thêm cho chính phủ thuế Đoàn Kết (Solidarittszuschlag). Thuế Đoàn Kết này chỉ dùng để giúp chính phủ lo gầy dựng tái thiết cho phần phía Đông của Đức sau ngày thống nhất đất nước. Đạo luật đóng thuế Đoàn Kết lúc đầu chỉ giới hạn trong hai năm 1991 và 1992, nhưng cho đến nay, dân chúng Đức vẫn còn bị è cổ tiếp tục đóng thuế Đoàn Kết với 5.5% trên số thuế lương bổng của mình].

Nhớ lại năm 2010, nhân dịp kỷ niệm hai mươi năm giật sập bức tường Berlin, tôi đã có dịp ghé thăm trại tù của cộng-sản Đông-Đức ngày trước tại thành phố này (Berlin Stasi Prison). Cô hướng dẫn (tour guide) cho biết là các tay chúa ngục công an cộng-sản đã không bị bắt giữ, mà còn được chính phủ Tây-Đức trọng dụng, cho làm thầy giáo dạy môn tâm lý trong trường học. Lãnh đạo Tây-Đức quá nhân từ, không trả thù anh em. Hay, hay dở, là tùy ở đạo đức lãnh đạo của giới cầm quyền.

Lãnh đạo cộng-sản đã sai lầm, xem quyền lực chính trị là đỉnh điểm tối cao trong mọi mặt sinh hoạt của xã hội. Do đó bộ chính trị được đặt ở vị thế cao nhất thiên hạ và họ tiêu diệt cũng như không cho đảng phái chính trị nào khác ra tranh giành quyền lực với họ. Còn các bộ khác chỉ là thuộc hạ của chính trị bộ. Vì cấu trúc của xã hội cộng sản là mất quân bình, nên toàn hệ thống tổ chức nhà nước của cộng-sản đã không hữu hiệu, lần lượt sụp đổ như Nga-xô và Đông-Âu. Trung-cộng và Việt-cộng cũng đang trên đà tiêu vong.

Thật ra, xã hội còn có nhiều mặt sinh hoạt, quan trọng và đồng đều như nhau. Thí dụ: sinh hoạt văn hóa (văn) tạo ra tình thương, sinh hoạt kinh thương (kinh) tạo ra tiền bạc, sinh hoạt chính trị (chính) tạo ra quyền lực, và sinh hoạt giáo dục (giáo) tạo ra danh giá. Những tổ chức xã hội dân sự (civil society organization) đích thực do dân đứng ra làm chính sự sẽ tạo nên thế quân bình, giúp cho nhà nước hiện thực xã hội tự do và dân chủ một cách hữu hiệu hơn. Các mặt sinh hoạt không phải là chính trị thuộc về sinh hoạt chính sự. Do đó, làm chính trị khác với làm chính sự.
lien-au-xe-resized
Hình ảnh Liên Âu.

1.2 Chính Trị và Chính Sự

Làm chính trị là những sinh hoạt nhắm tới việc đạt được quyền lực để cai quản đất nước. Quản lý đất nước là nhiệm vụ của nhà nước. Xã hội con người gồm hai phần hỗ tương: nhân dân và nhà nước. Làm chính sự là trách nhiệm xã hội của nhân dân để tương tác giúp đỡ cho nhà nước trên con đường xây dựng đất nước. Người công dân càng ý thức đóng góp phần mình trong việc làm chính sự bao nhiêu thì dân tộc đó, đất nước đó càng tiến bộ bấy nhiêu. Thí dụ cụ thể cho ta thấy rõ ràng là công dân của hai nước Pháp và nước Đức.

Nếu ta lập chính đảng và ra tranh cử là đi làm chính trị, vì hy vọng thắng cử sẽ đạt được quyền lực cai trị đất nước. Đi bỏ phiếu là làm chính sự, vì đây là sự việc chính đáng của người công dân. Thấy nhà nước độc tài, hành xử thiếu dân chủ bắt người vô tội, người công dân có trách nhiệm phải đứng lên đòi hỏi nhà cầm quyền, tạo áp lực quốc tế, đem ra công luận thế giới không phải là những hành động chính trị, mà là đang làm chính sự, giúp cho xã hội được dân chủ hơn.

Tóm lại, hễ là con người thì ai cũng cần đến bốn thứ tình-tiền-quyền-danh để sinh tồn, hoặc có nhiều hay ít, hoặc có đều hay không đều, mà xã hội sẽ hiện hữu những mẫu người khác nhau, tùy theo sự lựa chọn về lối sống của con người đó thiên trọng vào mặt sinh hoạt nào. Thiên về quyền là đi làm chính trị, thiên về tình, tiền và danh đều là đi làm chính sự. Giá trị ở đời của làm chính trị và làm chính sự đều quan trọng như nhau. Xã hội quân bình cần hội đủ cả hai mặt sinh hoạt.

Còn một điểm nữa, tôi chưa bàn đến trong quan niệm nhân sinh này. Đó là tâm-thức. Giả sử (assumed) rằng: đã sinh ra trên đời thì ai cũng có cái tâm, tùy theo mình nhận thức được nó có hay không, hoặc giả vừa-có-vừa-không. Trong sự tản mạn này, tôi sẽ không luận về tâm-thức, nhân-ý, chữ tâm, vì chúng trừu tượng và mang tính triết lý, mà có vẻ chơi chữ nên không cần thiết cho một bài ký sự về du lịch, tuy nhiên cũng phải lướt sơ qua vì sẽ thiếu nếu không có. Nếu không có chữ tâm làm cột trụ thì chính sự sẽ thành tà sự, và chính trị sẽ thành tà trị. Cộng-sản vì thiếu tâm nên làm tà trị và biết bao chuyện tà sự đã xảy ra trong xã hội cộng-sản bất ổn.

Thỉnh thoảng các bạn thấy hai từ kép mà tôi thường dùng trong bài: Trung-cộng và Việt-cộng. Có bạn đọc đã góp ý kiến xây dựng là đừng gọi như vậy, nghe nặng nề và thiếu ngoại giao quá! Xin cảm ơn bạn đã góp ý. Tôi thấy không có nặng nề hay nhẹ nhàng mà chỉ có dài hay ngắn mà thôi! Ý tôi như thế này: Trung-cộng là giới lãnh đạo của Cộng hoà Nhân dân Trung-quốc, hay đảng-viên của đảng cộng-sản Trung-Hoa. Việt-cộng là giới lãnh đạo của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa ViệtNam, hay đảng-viên của đảng cộng-sản ViệtNam.

Từ Trung-cộng và Việt-cộng chỉ là những chữ viết tắt, ngắn gọn, không hàm ý mỉa mai. Còn bàn về bản chất của Trung-cộng và Việt-cộng thì họ chỉ là độc đảng và là thiểu số cầm quyền độc tài của hai quốc gia Trung-Hoa và ViệtNam, như chính họ đã tự nhận độc quyền trong các bản hiến pháp, cũng do chính họ viết ra mà không có sự đồng thuận của nhân dân. Đây chính là tà trị! Chỉ số về bắt người tùy tiện ở Trung-quốc và ViệtNam đứng hàng số một và số hai, một cách tương sánh, trong hai trăm xứ trên thế giới theo các cơ quan thẩm định tự do báo chí của quốc tế.

Ngay cả người Việt khi đã đi/chạy ra khỏi xứ ngoài, không còn trong vòng kềm tỏa của bạo lực cộng-sản vẫn bị những mưu kế hãm hại của Việt-cộng bám theo. Đó chính là tà sự! Lấy thí dụ, nhà nước đánh đồng gọi chung người Việt tại hải ngoại là Việt-kiều, với nghĩa chung chung là người Việt sinh sống ở hải ngoại. Nghĩa lý của từ-kép Việt-kiều chỉ đúng với một thiểu số của cán bộ ngoại giao, những người đi làm lao động thợ khách theo khế ước và du học sinh; nhưng rất trật với đa số những người dân đã chạy nạn, từ bỏ chế độ cộng-sản dưới hình thức tỵ nạn chính trị hay tỵ nạn kinh tế. Tôi dám khẳng định rằng, chạy nạn kinh tế cũng bắt nguồn từ chế độ chính trị vô minh mà ra.

Phần lớn những người tỵ nạn, sau bao năm vất vả ở xứ người, nay đã thiết lập được cuộc sống mới với gia đình hạnh phúc, ăn nên làm ra, con cái học hành tiến bộ, và nhận những quốc gia đã cưu mang mình là quê hương thứ hai. Gia đình người-gốc-Việt đã phải cật lực xây dựng tự tạo, đóng thuế đầy đủ cho đến chết, bỏ phiếu chọn người lãnh đạo xứng đáng, và hãnh diện cầm sổ thông hành (passport) của một xứ tự do, không phải là của ViệtNam. Đó là làm chính sự. Còn Việt-cộng gộp chung mọi người lại làm Việt-kiều với ý đồ lợi dụng, chỉ để dễ moi tiền vì đồng tiền liền với khúc ruột, và Việt-kiều chính là khúc ruột ngàn dặm; đấy là tạo tà sự!

1.3 Nhóm 008

Đa số người-gốc-Việt ở Đức, Pháp, Mỹ, Úc, Canada là công dân của các xứ sở dân chủ và tự do, không còn ràng buộc bởi luật lệ rừng (bắt người tùy tiện, xử người tùy thích) của Việt-cộng. Tôi rất hân hạnh được làm quen và kết thân tình với Nhóm 008, là những công dân Đức-Việt, người Đức-gốc-Việt. Nhóm 008 đang làm chính sự tại thành phố Mnchen. Còn chúng tôi là công dân Mỹ-Việt, người Mỹ-gốc-Việt: có lý có tình. Hợp lý vì chúng tôi được quyền chọn lựa người lãnh đạo đất nước Hoa-kỳ. Và hợp tình vì chúng tôi vẫn chan hoà tràn đầy tình cảm với quê hương, dân tộc và tổ quốc ViệtNam mến yêu trong lòng mình.

Xin tiết lộ cho các bạn Mỹ-Việt khác được biết. Hai kỳ bầu tổng thống vừa qua, chúng tôi bầu cho ông Obama làm tổng thống của chúng tôi. Ổng vừa đen (coi hình ổng đi), vừa trẻ (dưới 50 tuổi khi nhậm chức), vừa lai (cha đen mẹ trắng), vừa không phải là người Mỹ chính cống (cha gốc người Kenya), nhưng ổng thân dân. Chúng tôi không phải là đảng viên của đảng Dân-Chủ hay Cộng-Hoà ở Mỹ, mà cũng chưa thích vô đảng nào, chúng tôi hiện chỉ là chánh thường dân và luôn ủng hộ cho chế độ đa đảng, bất cứ ở đâu.

Tôi biết, có nhiều bạn Mỹ-Việt theo đảng Cộng-Hoà không thích Obama vì sách lược của ông ta

đối với Việt-cộng chưa thích hợp với đầu óc suy nghĩ của các bạn ấy. Theo đảng Dân-Chủ thì cũng vậy, bạn ơi! Thỉnh thoảng, cần phải vượt qua sự hạn hẹp của đảng tính. Bạn có biết không: quyền lực hành-pháp của tổng thống Mỹ cũng bị giới hạn bởi hiến pháp; nếu bạn muốn thay đổi thì hãy ráng lên, cố ảnh hưởng quyền lập-pháp với hạ-viện và thượng-viện trong quốc hội, như một công tác làm chính sự, qua các tổ chức xã hội dân sự. Đừng ngồi đó mà rủa Obama, vị tổng thống da đen đầu tiên của xứ Mỹ chúng ta. Rủa không hay! Nếu bạn có ngon, ra làm chính trị, ra tranh cử đi! Chỉ có bạn cấm cản bạn, chứ đâu có ai cấm các bạn. Hay bạn chỉ khoái gia nhập lực lượng NATO (No-Action-Talk-Only, chỉ nói thôi chứ không làm), đợi ăn tiền an sinh khi về già!

Chúng tôi thích Nhóm 008, vì họ đang làm chính sự. Anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị Việt-cộng tùy tiện bắt ở ViệtNam thì Nhóm 008 ra khu Marienplatz (công viên Marien) dưới phố Mnchen, ngồi tọa thiền ngay trước cửa Nhà Thị-chính (Town Hall), không nói năng gì hết, gây chú ý cho thiên hạ. Sống ở xứ tự do, tự do thiệt! Ngậm miệng không nói thì khỏi bị ai bắt, mà dù có hở miệng ra giảng thuyết thì cũng không ai dám siết cổ mình. Khác với VN một trời một vực.

Nhóm 008 cứ ngồi ỳ ra đó mà cầm hình anh Điếu Cày (Hình 9) ngay giữa chợ. Không cần đông, chỉ có bát tiên là đủ ăn tiền. 8 vị tiên = 4 nam + 4 nữ là rộn đám rồi! Thiên hạ đông đảo đi ngang qua thấy lạ, đứng lại hỏi, thì nhóm đã có người sẵn, đứng ra giải thích. Phải cho dân Đức và lãnh đạo nước Đức biết việc làm tà trị của cộng-sản ViệtNam. Làm chính sự như Nhóm 008 là bày tỏ sự việc chính đáng của người công dân có trách nhiệm là như vậy. Đây là lối sống của người công dân Đức-Việt, với hai vai: bổn phận với nước Đức và ý thức với đất Việt.

Ngồi hoài thì mỏi mông, cả nhóm đứng dậy đi vài vòng, không la cũng không nói, hễ có ai hỏi thì đã có người khác trả lời và tặng tờ rơi (flyer) để giải thích. Tôi hơi thắc mắc điểm này. Tại sao đặt tên nhóm là Nhóm 008, tôi hỏi. Có bạn trả lời: chúng tôi có 8 người cả thảy. Nhưng sao trong cuộc biểu tình tôi thấy các bạn có hơn cả chục mạng? hay các bạn muốn làm đồng nghiệp với điệp viên 007 (James Bond)!

Chúng tôi thăm toà nhà Town Hall của Mnchen vào tháng bảy vừa qua, và tháng tám thì Nhóm 008 du thuyết (vừa đi vừa thuyết) cho dân Đức địa phương biết chuyện Điếu Cày tại đây, nên địa điểm này gây ấn tượng tốt đẹp và sâu đậm đối với chúng tôi (hình trái, hàng trên, Hình 9).

Các bạn trong Nhóm 008 còn cho biết thêm nhiều việc làm chính sự khác của nhóm trong quá khứ, như đi biểu tình cho HS-TS-VN (Hoàng Sa – Trường Sa – ViệtNam), để chống lại chính sách bá quyền của Trung-cộng, tấn chiếm Biển Đông-Nam-Á. Các cuộc biểu tình lên đến hằng mấy trăm người trong các năm 2011 và 2012. Đặc biệt nhất là trong khi đi biểu tình, dân Đức Việt ở Mnchen đã không treo cờ nào hết, cờ vàng lẫn cờ đỏ, cờ vàng của cộng-hoà và cờ đỏ của cộng-sản.

Có thật vậy không? Sao các bạn gan cùng mình vậy? Tôi biết các bạn sống trong bối cảnh ở Đức khác với chúng tôi sống ở Mỹ, mặc dù hai xứ Đức và Mỹ đều là tự do và dân chủ. Nhưng hoàn cảnh bên ngoài, tuy ảnh hưởng nặng nề trên cuộc sống của chúng ta, vẫn không thể thay thế được lương tâm và ý chí bên trong. Tôi muốn nghe các bạn lý giải tại sao không chịu treo cờ?

1.4 Cờ Vàng và Cờ Đỏ: Không Treo Cờ Nào Hết!

Trong sáu bức hình trong nhóm Hình 10, tôi không tìm thấy bất cứ một lá cờ nào của đồng bào Đức-Việt khi đi biểu tình Hoàng Sa – Trường Sa – ViệtNam tại Mnchen. Tuyệt đại đa số những vị tham gia sinh hoạt biểu tình là công dân Đức (hay Đức-Việt), hoặc ngay cả công dân của ViệtNam (sinh viên du học, nhân công lao động, tức là Việt-kiều), nói chung là dân chúng (có người gọi là nhân dân) đã biểu lộ tình cảm của mình đối lại sách lược của Trung-cộng trong vấn nạn Biển Đông-Nam-Á. Sách lược Trung-cộng là sản phẩm của giới lãnh đạo cộng-sản, chưa chắc thể hiện ước vọng của toàn thể nhân dân Trung-quốc. Tôi đã định nghĩa rõ ràng ở phần trên: Trung-cộng là giới lãnh đạo, đảng viên cộng-sản; họ chỉ là một nhóm người thiểu số đang nắm quyền độc tài trong tay và bất chấp nguyện vọng hoà bình của đại đa số người dân Trung-quốc.

Nhân dân ViệtNam đi biểu tình chống Trung-cộng không có nghĩa là chống lại nhân dân Trung-quốc, mà chính là bày tỏ phản ứng của mình chống lại chính sách hung hãn của giới lãnh đạo cộng-sản đối với lân bang. Những vị đi biểu tình là một phần nhỏ của nhân dân ViệtNam, bao gồm công dân Đức-Việt và cả Việt-kiều đang sinh sống làm ăn tại Đức. Công dân Đức-Việt gồm đủ cả những bạn người Việt ra đi từ miền Nam sống trong chế độ cộng-hoà và những bạn người Việt ra đi từ miền Bắc sống dưới chế độ cộng-sản. Ban tổ chức Nhóm 008 đã thể hiện một cách trung thực và quang minh chính đại cho một phần nhỏ của nhân dân ViệtNam về một ngày cho tổ quốc ViệtNam. Có bạn đã gửi cho tôi xem đoạn video tape từ youtube về ngày này.

Theo video tape trên youtube, tôi thấy cả đoàn mấy trăm người biểu tình, hô to câu Hoàng Sa–Trường Sa–ViệtNam và cất tiếng vang ca Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi! Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng! theo bài hát của nhạc sĩ Trúc Hồ. (Nhạc và lời của bài này nghe được lắm. Bạn có thể lên internet vô trang dưới đây để nghe hoặc tải xuống:

http://download.chiasenhac.com/mp3/vietnam/v-pop/dap-loi-song-nui~hop-ca asia~1038801_download.html).

Cũng trên màn ảnh của youtube, tôi lại thấy nhiều diễn giả lên trình bày, đủ thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh và Đức (thiếu tiếng Tàu!) giải thích cho dân chúng Mnchen hiểu rõ tình hình ViệtNam và tính hung hãn của Trung-cộng. Diễn giả nói tiếng Pháp đúng là anh André Hồ Cương Quyết (André Menras), một người Pháp chính cống đã theo Việt-cộng trước 1975 và vào quốc tịch ViệtNam sau 1975. Tôi chưa có dịp gặp mặt hoặc trò chuyện cùng ông này bao giờ.

Một số người Việt gốc cộng-hoà đã không có cảm tình với ông tây này, vì ổng đã làm lợi cho cộng-sản trước đây. Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ. Chịu thôi! Còn bây giờ anh ta thức tỉnh, đứng lên chống lại sách lược bất nhân của giới lãnh đạo thì tại sao chúng ta không ủng hộ việc làm đó, khi hành động chống lại giới lãnh đạo cộng-sản phù hợp với tâm trạng mình và hiện trạng ViệtNam? Ô! có bạn dặn dò: coi chừng Việt-cộng chơi trò ‘địch-vận’ (giả đò theo phe mình để sau đó xỏ mủi ta). Ồ! cũng có bạn khác trả lời: cái lợi của sự dặn dò một cách tiêu cực là để không làm gì cả, giấu đi tuổi con thỏ nhát của mình. Thưa các bạn, tôi lắng nghe cả hai đường thuận-nghịch, và tôi xem kỹ hành sự của cả hai phe để còn thẩm định.

Đặc biệt nhất là trong toàn cuộc biểu tình không một lá cờ (cờ vàng, cờ đỏ, cờ Đức) cầm trên tay của bất cứ một người tham dự nào (Hình 11). Việc treo hay phất cờ đỏ, theo vài người bạn của tôi, cũng là chuyện không thể hay không cần bàn luận ở đây, bất-khả-tư-nghì!

Để tôi bạo gan bàn luận thử coi. Bàn hay không bàn tùy theo bạn đứng ở đâu. Bạn còn nhớ về câu danh ngôn của nhà tư tưởng Voltaire mà tôi đã nêu ra trong Hồi Một: Thăm Nước Pháp không? Xin nhắc lại như vầy: I do not agree with what you have to say, but I’ll defend to the death your right to say it (tôi không đồng ý với điều gì anh nói, nhưng tôi quyết bảo vệ cho đến chết quyền được nói của anh). Chỉ có đảng cộng sản độc tài đương thời là muốn độc quyền ăn nói, không cho ai nói khác, còn ai nói chuyện ngược lại là có chuyện lớn. Ở tù dễ như chơi.

Hiện giờ bạn muốn đứng ở đâu để bàn? Trong hay ngoài đất nước ViệtNam? Nếu đang ở trong nước thì ‘I can You’ (tôi khuyên can anh), công an nó dòm ngó đầy đường. Còn ở ngoài nước thì tha hồ bàn, nhất là đang sống ở những xứ tự do và dân chủ. NHƯNG … ở Mỹ: bàn thì được, chớ có khờ mà treo cờ đỏ. Cờ đỏ để cho đại sứ quán Việt-cộng treo mà thôi. Người Việt ở Mỹ, đa số là nạn nhân cộng sản, thù hận vẫn chưa nguôi, lỗi tại giới lãnh đạo ViệtNam còn xấc xược nhiều, chưa chịu sửa tánh. Nếu bạn có lỡ cầm cờ đỏ, rồi sau đấy bị ai đó quấy nhiễu bằng chưởi bới, hay đụng chạm tới thân xác của bạn, thì hãy gọi ngay số 911 (nai-quaan-quaan) để nhờ cảnh sát can thiệp. Chớ có gọi tôi, vì tôi chạy đến đứng coi bên lề, cũng không kịp bằng cảnh sát Mỹ nhúng tay vào. Nhưng ở Đức thì lại khác vì hiện trạng và sự nhận thức có khác.

Nhóm 008 ở Mnchen nhận thức khác. Gốc Nam hay gốc Bắc đều là nạn nhân chung của chế độ cộng-sản độc tài toàn trị. Nhân dân đứng lên chống lại giới lãnh đạo là điểm chánh, còn cầm cây cờ chỉ là điểm phụ. Chánh hay phụ là do hoàn cảnh chủ quan của người cầm cờ. Cầm cờ đỏ thì ngại chúng chửi, phất cờ vàng thì sợ bà con không theo. Thôi thì tạm không cầm cờ nào hết, để tụ lực giữa hai thành phần của nhân dân hầu chống lại giới lãnh đạo Trung-cộng và Việt-cộng.

Nhưng (lại nhưng nữa)! Đồng bào Việtnam ở Frankfurt, Berlin và Hamburg lại suy nghĩ khác với dân ở Mnchen. Dân xứ Đức là dân chủ và tự do mà! Họ cầm hết cả hai cờ.
lien-au-tiem-an-resized
Hình ảnh Liên Âu.

1.5 Cờ Đỏ và Cờ Vàng: Nên Treo Cờ Nào?

Tại Đức, đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống Trung-cộng có chứa đủ cả hai loại cờ vàng và cờ đỏ (Hình 12) do người-gốc-Việt xướng xuất. Cờ vàng của ViệtNam cộng-hoà (nền vàng ba sọc đỏ) và cờ đỏ của ViệtNam cộng-sản (nền đỏ ngôi sao vàng).

Cờ vàng cờ đỏ, nhắc nhở tôi nhớ lại một chuyện xa xưa, thật là xưa, cả ngàn năm về trước. Đọc ViệtSử tôi còn nhớ rõ, sau 150 năm bị Tàu đô hộ lần thứ nhất (-111 đến năm 39); Hai Bà Trưng, con cháu của Hùng Vương đã nổi dậy khởi nghĩa để đánh đuổi giặc Hán ngoại xâm: đầu voi phất ngọn cờ vàng. Cờ vàng là biểu hiệu của hai Bà. Cờ vàng là lá cờ đầu tiên của tộc Việt chống lại bạo quyền Hán. Hai trong nhiều vụ tôi nhớ đến, khi đọc sử về Hai Bà. Việc đầu là dòng họ, việc sau là màu lá cờ, và còn nhiều vụ khác nữa như tập hợp (hay chiến thắng) được 65 thành, chế tạo kiểu thành như ổ kén, thù nhà nợ nước … Tôi bàn luận tản mạn chỉ hai việc đầu tiên mà thôi.

Việc thứ nhất là về dòng họ của Hai Bà. Có phải Hai Bà là họ Trưng hay không? Tại sao bây giờ không còn ai họ Trưng nữa? Độc-giả nào tìm được thân hữu, người Việt hay cả người Tàu, có họ Trưng thì tôi sẽ xin hậu tạ. Tôi ước gì Hai Bà là họ Trương. Phải chi Hai Bà có họ Trương và hậu duệ như nông dân khăn vàng Trương Giác đã nổi dậy vào cuối đời Nhà Hậu-Hán thì đỡ quá! Trưng và Trương phát âm gần nhau lắm. Họ Trưng thêm nguyên âm ơ nữa thì thành Trương khiến tôi có thể ăn ké được (thấy nhà sang bắt quàng làm họ). Nếu không được làm con cháu của Hai Bà Trương thì tôi sẽ làm con cháu của Trương Chi – Mỵ Nương dưới thời Hùng Vương cũng xong! Tuy xấu xí mà có người mê tiếng sáo là ngon lành rồi.

Việc thứ nhì về Hai Bà là vụ màu cờ. Tại sao lại dùng cờ màu vàng, mà không màu khác? Tôi đã nghe và đọc sự giải thích về lá cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH do cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy dạy bảo. Lý luận của giáo sư thật chặt chẽ và rất hữu ích cho người cộng-hoà, nhưng vẫn chỉ là vấn đề hiện đại của lịch sử (contemporary issue) vì chỉ hiện hữu mới có khoảng một trăm năm nay mà chưa vươn tới nguồn gốc, ý nghĩa và truyền thống dân tộc xuyên suốt qua bao ngàn năm.

Tôi nghĩ thật nhanh và chủ quan theo mô thức lý luận (logic model) về cờ vàng của Hai Bà như thế này: Hai Bà đã dùng màu vàng tượng trưng cho nền văn minh nông nghiệp, màu vàng của lúa chín đầy đồng. Nông dân ưa chọn màu vàng. Hai Bà đã không dùng cờ đỏ vì nó tượng trưng cho nền văn minh du mục, màu đỏ là máu của con thú bị thợ săn bắn giết. Thợ săn ưa chọn màu đỏ. Các thời đại Châu-Tần-Hán của đế quốc Tàu sính chuộng màu đỏ và thích dùng cờ đỏ.

Hồi xưa, Bà Ngoại tôi mắt kém lắm, không đọc sách báo được. Trong khoảng thập niên 1950, tôi không nhớ rõ chính xác năm nào, cứ mỗi đầu tuần là bà dặn Dì Năm tôi đi mua truyện Tàu của nhà xuất bản Tín-Đức Thư Xã phát hành về đọc. Ai đọc? Tôi chứ còn ai nữa! Buổi trưa hè, bà hay nằm trên võng rồi bắt tôi ngồi trên ván gõ mà đọc. Tôi ức lắm vì không được chạy xuống ga xe lửa Hòa-Hưng để đá banh với đám tụi bạn cùng xóm. Ngày xưa thì tôi bực tức vì đã bị bà bắt đọc truyện mà không cho chạy đi chơi giữa trời chang nắng. Giờ nghĩ lại thật cảm ơn bà, vì nhờ vậy mà tôi biết được khá nhiều truyện Tàu. Đủ thứ truyện tôi đọc qua: từ Phong Thần đến Đông Châu Liệt Quốc, rồi Tam Quốc Chí đến Tây Du Ký, rồi Thuyết Đường Diễn Nghĩa, vân vân.

Hai Bà Trưng phất ngọn cờ vàng ở phương Nam vào thời trung-đại Nhà Hán. Sau đó có phong trào nông dân của Trương Giác, cũng chít khăn vàng (bị Hán-chế gọi là giặc khăn vàng, nổi dậy ở phương Bắc vào thời hậu-đại Nhà Hán. Có ai đã thấy được sự liên hệ giữa Nam (Việt)-Bắc (Tàu) trong bối cảnh nền văn minh nông nghiệp đã bị lãnh đạo du mục tiêu diệt trên đất trung-nguyên? Có ai biết: đám anh em kết nghĩa Lưu (Bị)-Quan(Công)-Trương(Phi) trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa rất thiển cận, đã giúp Đổng Trác tiêu diệt nông dân cờ vàng Trương Giác. Nhất là anh chàng Khổng Minh đã đốt phá nhiều trống đồng Lạc-Việt và ba hoa, đánh đâu có lại Mạnh Hoạch (lãnh tụ Điền-Việt ở phương Nam) đến 7 bận. Tôi đã trình bày với bạn rồi mà! Tôi đã ngốn ba cái “truyện Tàu” này vào thời tiểu học và còn nhớ dai lắm!

Để có dịp tôi sẽ kể bạn nghe về dây truyền thống giữa Trưng Trắc–Trưng Nhị ở miền Trung (vào năm 39), Trương Giác ở miền Bắc (vào năm 184), và Khu Liên ở miền Nam (vào năm 192) trong lịch sử châu Á. Khu Liên là lãnh tụ của xứ Lâm-Ấp, tiền thân của xứ Champa sau này. Truyện khó tin nhưng có thật, vì đã quá lâu đời nên nhiều người quên, và tùy theo mình có học đúng hay không! Nhìn rộng và sâu như vậy thì mới thấy hết cái hay của geopolitics (điạ chính trị).

Một số bạn của tôi, tuy khoái nghe truyện Tàu, nhưng hay cự tôi là sao cứ trích hoặc dẫn dụ truyện Tàu trong bài viết của mình. Thưa các bạn đọc thân mến, tiền nhân ta ngày xưa (vào đời Lý-Trần-Lê đều nhắc nhở đến các mẩu chuyện xưa dính líu đến sử Tàu) thường hay dặn dò cháu con phải làu thông cả sử Ta lẫn sử Tàu. Rất dễ hiểu, vì nhiều vùng đất trung-nguyên là của Ta đã bị Tàu đánh chiếm. Ta phải kể chuyện Tàu, nhấn mạnh loại dã sử và dân sử, khác với loại chính sử hay quan sử của các đời vua chúa Tàu thống trị. Chúng ta cần làu thông loại cổ sử của Bách-Việt và Lạc-Việt, trước cả các thời kỳ Châu-Tần-Hán của Tàu qua những chứng cứ khoa học hiện đại như DNA, anthropocene, ngôn ngữ học, hải dương học, điạ chính trị (geopolitics) thì mới vững vàng về vấn đề nguồn gốc. Tôi bảo đảm với bạn là càng nghe bạn càng mê thích! Vô-tri-thì-bất-mộ; nói theo tiếng Anh là: try it, you will like it!

Chúng ta phải kể truyện Tàu và truyện Ta, nhất là truyện Hoàng Sa – Trường Sa là của ViệtNam chúng ta. Nói hoài, kể hoài và đi biểu tình dài dài để tạo sức ép cho tới chừng nào lấy lại đất và nước mới thôi. Ai ngại thì xin đứng bên ngoài, đừng chép miệng thở dài, nhưng nhớ chớ có làm trở ngại công việc đại nghĩa chính sự (trách nhiệm công dân) của người khác. Trở lại các bức hình trong nhóm Hình 10, tôi thấy một điểm lạ: dân Đức-Việt đi biểu tình HS-TS-VN mà có đủ cả hai loại cờ vàng và cờ đỏ cộng thêm một cây cờ Đức (hình phải, hàng dưới, mũi tên màu trắng, Hình 12). Mấy bạn Mỹ-Việt, Pháp-Việt, Úc-Việt và Ca-Việt nghĩ sao về mấy ông bạn Đức-Việt của chúng ta?

Cầm cờ vàng mà chống Trung-cộng thì dễ dàng vì hai bên đã là đối thủ (đã hải chiến với nhau năm 1974). Cầm cờ đỏ mà chống Trung-cộng thì mới khó, vì giới lãnh đạo Tàu sẽ hỏi lãnh đạo Việt-cộng tại sao dám để cho nhân dân ViệtNam chống lại chúng? Trong xứ ViệtNam, đi biểu tình HS-TS-VN dù cầm cờ đỏ để chống Trung-cộng đều bị công an Việt-cộng hốt hết. Năm trước, có hai mẹ con công dân Đức-Việt về Hà Nội biểu tình chống Trung-cộng cũng bị tống lên xe luôn, nhưng công an Việt-cộng không dám giữ họ lâu, phải thả về Đức vì họ là dân ngoại quốc, dân Đức-Việt, không phải là Việt-kiều (theo lời kể của bạn SL). Về Đức thì lại tiếp tục phất cờ đỏ đi biểu tình chống Trung-cộng tiếp. Đại sứ quán Việt-cộng ở Đức tức lắm, nhưng không làm gì được. Đại sứ quán Trung-cộng còn tức hơn nữa vì bị dân Việt phơi bày sự thật trước công luận quốc tế. Có luôn cả hai loại cờ vàng và cờ đỏ trong cuộc biểu tình HS-TS-VN, đồng nghĩa với hai cú đấm liên tiếp vào chính sách bá quyền Trung-cộng. Lần sau biểu tình nếu có thêm các bạn thuộc dân tộc khác cầm cờ Trung-quốc, Mỹ-quốc, Liên-Âu thì Trung-cộng khó chối cãi. Sự tự do lựa chọn của người dân không cần phải theo đuôi chính sách của nhà nước.

Giới lãnh đạo Việt-cộng mánh lắm. Họ là vua xài thuật gây mâu thuẫn. Cứ khuếch đại sự thù hận nội tại và ganh ghét giữa dân cộng-hoà-gốc-Nam (cờ vàng) và dân cộng-sản-gốc-Bắc (cờ đỏ), thì nhân dân sẽ không thể tụ lực một cách hữu hiệu để chống lại giới cầm quyền cộng-sản.

Cũng vào hai năm trước (2011), trước toà tổng lảnh sự Trung-cộng tại thành phố San Francisco ở Mỹ, đã có hơn một chục em sinh viên du học cầm cờ đỏ biểu tình chống chính sách xâm lược HS-TS-VN (http://www.youtube.com/watch?v=5fPvOt-TH_I). Một ông gốc cộng-hoà miền Nam đứng lại xem một hồi, rồi mắng mấy em là Việt-cộng, xong bỏ đi, chắc vì thấy mấy em cầm cờ đỏ, không hợp với ông ta (theo lời kể của em NTA). Giá mà ông cộng-hòa Mỹ-Việt này có dịp qua Berlin (xứ Đức), Warszawa (xứ Ba-lan) hay Praha (xứ Tiệp) và thấy thiên hạ cầm cờ đỏ chống Trung-cộng và gây khó khăn cho đại diện Việt-cộng tại điạ phương thì ông ta bị tẩu-hoả- nhập-ma liền. Sự tức giận dễ làm cho con người trở thành vô minh một cách đột xuất.

Năm rồi (2012) khi đi thăm Bangkok, tôi đã gặp em 00Rành là người đi dán truyền đơn HS-TS-VN trên mấy cái cột đèn ở ViệtNam mấy năm trước đó. Em bị công an Việt-cộng bắt bỏ tù nhiều năm, nên sau đó em trốn lánh qua Thái-Lan và đang chờ đợi định cư ở Mỹ. 00Rành tâm tình với tôi: Việt-cộng không có mạnh như mình tưởng; nó vẫn còn đè đầu cưỡi cổ dân lành chỉ vì chúng ta còn quá yếu. Chúng ta, nhất là một số người chống cộng ở hải ngoại thuộc loại ‘chùm-chăn-hô-khẩu-hiệu’ chỉ chú ý đến màu mè thỏa mãn tâm lý bề ngoài mà quên đi thực chất bên trong, chỉ thấy cái lý cần thiết của chống cộng mà quên đi cái sự đầy đủ của dân-chủ-hoá đất nước. Em 00Rành xứng tuổi em tôi, nhưng đáng là bậc thầy về chính sự cho tôi. Chừng nào em qua định cư bên Mỹ, tôi sẽ lắng nghe theo em để hành sự tiếp.

Tôi chân thành cảm ơn Nhóm 008 và các bạn Đức-Việt đã cung cấp tài liệu và trình bày phong thái sinh hoạt chính sự của các bạn đối với quốc nạn HS-TS-VN. Đi du lịch thấy được cảnh vật lạ là chuyện thường, biết được cách suy nghĩ và hành xử của các bạn như không treo bất cứ cờ nào hoặc treo đủ loại cờ để lật tẩy Trung-cộng và Việt-cộng một cách bất bạo động thì đúng là bài học quý giá. Có và không đều là phương tiện, hoà xướng mới là tiêu đích.

Bây giờ, chúng tôi lấy xe lửa TGV chạy lên thành phố Stuttgart để xem có gì lạ!
lien-au-nha-doi-resized
Hình ảnh Liên Âu.

2. Thành Phố STUTTGART

Anh Dương Hồng Ân, con của nhạc sĩ tài danh Dương Thiệu Tước (1915-1995) ra rước chúng tôi tại nhà ga Stuttgart. Anh Hồng Ân lớn hơn tôi năm tuổi nhưng có vẻ khoẻ hơn tôi gấp hai lần. Anh là một trong ba sinh viên miền Nam đi bằng tàu biển từ SàiGòn sang Marseille (Pháp) hơn tháng trời để tới Đức du học (1962), nên bè bạn đùa gọi anh là “thuyền nhân” đầu tiên đến Đức. Được anh Hồng Ân là dân thổ địa chiếu cố và hướng dẫn đãi ngộ thì sướng gì bằng!

Stuttgart là một thành phố nhỏ với nhiều đồi núi xanh tươi (Hình 13) thuộc bang Baden-Wrttemberg, có 620 ngàn dân, lớn hàng thứ sáu trong nước Đức và chứa khoảng 5 ngàn dân Đức-Việt. Stuttgart được dân Âu châu ngợi khen là cái nôi của kỹ nghệ xe hơi, vì có các hãng chế tạo xe như Mercedes-Benz (kiểu chắc bền), Porsche (kiểu thể thao) và Maybach (kiểu sang trọng). Vì chúng tôi ở đây chỉ có hai ngày, nên anh Hồng Ân hướng dẫn đến thăm hãng xe Mercedes trước nhất. Đối thủ với hiệu xe BMW nổi tiếng của Mnchen là hiệu xe Mercedes lừng danh của Stuttgart.

2.1 Viếng Thăm Viện Bảo Tàng của Hãng Xe Mercedes-Benz

Miễn phí khi vô cửa xem BếEmVề (BMW), còn xem MẹtXêĐì (Mercedes) thì phải tốn 4 EUR một mạng. Thành phố Stuttgart bị ảnh hưởng bởi chính sách của Đảng Xanh (Grnen Party) khá nhiều nên mặc dầu là thành phố có kỹ nghệ nặng nhưng vẫn giữ môi trường tươi tốt, có nhiều cây xanh, tránh cảnh ô nhiễm. Đứng trên lầu cao trong toà nhà bảo tàng trông ra ngoài thật mát mắt (Hình 15). Viện bảo tàng Mercedes-Benz (Hình 14) không những là nơi trưng bày các kiểu xe qua nhiều thời kỳ, mà còn là nơi ôn lại lịch sử với bao thăng trầm của xã hội (Hình 15).

Một bức ảnh thật to chụp lại hình phái đoàn lực sĩ của Đức dơ tay chào theo kiểu Hitler tại thế vận hội Berlin vào năm 1936. Kế bên là những mẫu quốc kỳ Đức với các poster quảng cáo xe Mercedes trong thời kỳ thế chiến thứ hai (1941-1945). Sự thăng trầm của hãng xe đã bị biến thiên theo nhịp điệu thịnh suy trong thời kỳ của đảng Đức-quốc-xã (Nazi, 1918-1945) cầm quyền. Tôi rất thích bảo tàng viện xe hơi này vì học được bài vạn-đại-chi-dân (người dân vẫn tồn tại qua bao thời đại) của xã hội Đức. Hãng xe Mercedes vẫn sống hùng sống mạnh nhờ ở nội lực của tư nhân hơn là đỉnh cao trí tuệ của đám lãnh đạo Nazi với lãnh tụ tối cao Adolf Hitler.

Không tựa vào sức dân và không dựa vào lực lượng sản xuất của tư-doanh thì làm thể nào mà nhà nước thăng hoa cho được? Nếu hãng Mercedes là do đảng Nazi chỉ huy quản lý (hay còn gọi là quốc-xã, bây giờ cộng sản cải biến thành ra đảng-doanh) thì làm sao hãng còn tồn tại cho đến nay? Tuy con mắt tôi luôn láo liên vào vẻ kiêu sa của các mốt xe Mercedes qua nhiều thập kỷ, nhưng đầu óc lại miên man suy nghĩ về nghệ thuật quản trị và quảng cáo của giới chủ hãng.

Sự sáng tạo liên tục ra các loại xe và kiểu xe Mercedes qua nhiều thời đoạn (Hình 16) là hậu/hiệu quả và hiệu năng của phương pháp suy tư thống hợp (system thinking) của giới quản trị công-ty.

Bạn hãy nhìn kỹ các chủ đề suy nghĩ mang tính triết học và định hướng của giới quản trị Đức, đặc thù của hãng Mercedes-Benz qua các bảng giới thiệu và giải thích về việc sản xuất xe hơi. Họ đi xa hơn là chỉ-biết-tìm-kiếm-lợi-nhuận (profit). Lấy Mercedes-Benz làm bài học điển hình (case study), tôi chú ý được ba hệ-điểm (hệ thống, systems) liên quan đến tổ chức kinh thương trong nền kinh tế tư-bản của Đức: 1. bản thân của công-ty (target system), 2. liên hệ nội bộ của công-ty (sub system), và 3. bối cảnh tổng thể của công-ty (containing system). Ba hệ thống này tạo thành một khối sinh hoạt kinh thương toàn diện, bất khả phân ly. Chúng ta cần biết để thấy được khả năng vững bền (sustainability) qua hơn 125 năm của công-ty Mercedes-Benz.

Đầu tiên, hệ-điểm thứ nhất (target system): Bất cứ bản thân của công-ty nào ra đời là cũng muốn kiếm được lợi-nhuận, vì lợi-nhuận là nhu cầu (need) cơ bản của con người như ăn mặc, nhà cửa, xe cộ, vân vân. Ai sản xuất ra mấy thứ này cho mình tiêu dùng? Phải có sự hiện hữu của giới sản xuất thì sự tiêu thụ mới tồn tại. Giới sản xuất (producers) không thể tạo ra được tiền lời (lợi-nhuận) nếu không đáp ứng nỗi nhu cầu lợi-mãn (benefit) như ăn mặc, nhà cửa, xe cộ, vân vân cho giới tiêu thụ (consumers). Lợi-nhuận và lợi-mãn là hai yếu tính hỗ tương cho sự lợi-ích riêng biệt (self-interest) của hai giới sản xuất và tiêu thụ một cách tương ứng. Cho nên phải cần có viễn kiến để định hướng trong việc sản xuất, và tổ chức mang tính hệ thống để thực hiện tiến trình lâu dài và vững bền cho việc tiêu thụ.

Kế đến, hệ-điểm thứ nhì (sub system): Sự liên hệ trong nội bộ của công-ty phải được quân bình Chỉ lợi cho chủ mà không tốt cho thợ thì Mercedes sẽ không phát triển được bền vững, đó là thuộc loại công-ty ăn xổi. Từ năm 2001, Mercedes đẩy thêm chủ trương diversity (tôi tạm dịch là đa-dạng, đa-nguyên) trong tiến trình sản xuất đối với giới công nhân (hình phải, hàng giữa, Hình 16) qua hợp đồng giao ước của các nghiệp đoàn lao động độc lập (tránh công đoàn giả hiệu do nhà nước giật dây) để mọi người đồng lao cộng tác cho ra những sản phẩm tuyệt vời (Hình 17).

Sau cùng, hệ-điểm thứ ba (containing system): Sự thành công của Mercedes được nằm trong bối cảnh tổng thể của nền kinh tế Đức và sự thống nhất của Liên hiệp châu Âu (hình trái, hàng cuối, Hình 16). Không có tổ chức Liên-Âu thì chợ Mỹ và chợ Tàu tha hồ thao túng. Có Liên-Âu thì mới có chợ Tây làm nền gốc cho thị trường châu Âu hầu tranh thương với các chợ trời khác.

Xin cám ơn sự theo dõi của độc-giả về ba hệ thống tổ chức của một công-ty theo cách suy tư thống hợp về vấn đề kinh thương. Bài bản còn dài lắm! nhưng tôi chỉ đi sơ sơ vài nét đan thanh để giới thiệu cùng các bạn cho vui. Hết màn kinh tế (kinh) rồi, chúng ta xem qua màn văn hóa (văn) và chính trị (chính) một chút thì mới hưởng được trọn vẹn vở tuồng Mercedes-Benz!

Liên-Âu là sự đồng thuận kết hợp giữa những quốc gia có cùng gốc văn hoá Hy(lạp) – La(mã), và nhất là thông qua con đường bất-bạo-động, không cần đến chiến tranh để giải quyết mục tiêu thống hợp. Đức là quốc gia phát triển sau cùng và cao độ về mọi mặt như triết học, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học, kỹ thuật và phát minh của châu Âu; nhưng cũng là quốc gia yếu nhất về tài nguyên vì không có hệ thống thuộc địa để cung ứng nhân lực và vật lực cho mẫu quốc như các đế quốc Hy-lạp, La-mã (tiền thân của Ý), Anh, Pháp, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha đã xử dụng. Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai đều do lãnh đạo nước Đức khởi xướng với ước muốn tái phân chia hệ thống đế quốc của Tây phương đã đề ra. Hãy lướt sơ qua hai nền văn hoá Hy-lạp và La-mã đã ảnh hưởng châu Âu nói chung và xứ Đức nói riêng như dưới đây (Hình 18 và Hình 19)
lien-au-mercedes-resized
Hình ảnh Liên Âu.

2.2 Tiến trình phát triển Tây-Âu khởi đầu bằng hai nền văn hóa Hy-lạp và La-mã

Con người (giống homo sapiens sapiens, người-hiện-đại) theo khảo cổ học đã hiện hữu tại vùng Tây-Âu ba, bốn chục ngàn năm về trước. Nhưng giống người này còn mông muội lắm, chưa có văn minh. Tuy mặt là người, nhưng dạ còn đầy thú tính, chuyên hái lượm và săn giết thú vật để lấy thức ăn. Chung quanh Mediterranean Sea (Địa-Trung-Hải), khoảng ba, bốn ngàn năm trước công-nguyên (TCN), nhiều bộ tộc dân Hy-lạp (Greek hay Hellas) đã quy tụ chung quanh vùng biển Aegean (một phần của Địa-Trung-Hải) và tạo ra nền văn minh nông nghiệp đầu tiên trên toàn cõi châu Âu. Từ đấy, họ biết trồng trọt và chăn nuôi súc vật để sinh sống.

Vì thiếu đất đai, nên sau đó dân Hy-lạp đã tràn lan ra khắp vùng ven biển, tấn chiếm thổ dân, lấy đất tốt làm thuộc điạ (các vùng đất màu đỏ, Hình 18) vào thế kỷ thứ 8 TCN. Thí dụ: hải cảng Massilia (?assa??a), sau này trở thành thành phố Marseille của thổ dân Gaul (Gaulois), tiền thân của dân tộc Pháp (France) năm 600. Hãy tìm đọc Con Đường Liên-Âu: Thâu cả Châu về một mối – Hồi Một: Thăm nước Pháp cũng do tôi ký sự.

Đế quốc Hy-lạp dữ dằn nhất là vào thời Đại-Đế Alexander (Alexander the Great, -356 đến -323). Tay này tuổi trẻ tài cao, mới 28 tuổi mà đã cầm quân đánh chiếm toàn vùng Persia (Ba-tư), lan sang Egypt (Ai-cập) và Ấn-Độ. Đánh tới đâu, lấy vợ tới đó, lại khoái đồng-tính-luyến-ái với mấy tướng trẻ, nên sau này Đế bị bịnh Sida quật ngã (tiếng Anh là bịnh Aids) theo lời thiên hạ đồn!

Có lên thì phải có xuống! Đế quốc Hy-lạp tàn tạ chuyển qua đế quốc La-mã (Roman Empire). La-mã bắt đầu đế quốc kể từ thời Caesar Augustus (-63 đến 14). Các đạo quân legion của Roman gồm từ ba đến sáu ngàn quân bộ với kỵ binh đi chinh phục cùng khắp Bắc-Phi, Trung-Đông, Gaul (Pháp), Hispania (Spain), Britannia (Anh), Germania (Đức), Hình 19 (toàn vùng màu nâu).

Có lên rồi lại có xuống! đế-quốc La-mã tàn tạ để chuyển sang các đế quốc quân chủ khác, như Matilda (1102-1167) của Anh với khẩu hiệu ‘mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh’ (the sun never sets on the British Empire), đã chiếm hữu biết bao thuộc địa trên các châu Phi, Mỹ và Á. Đế quốc Pháp cũng bá quyền không kém, với hoàng đế Napoléon Bonaparte (1769-1821) muốn bá chủ toàn vùng Âu châu. Cùng lượt với Pháp là các đế quốc Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Hà-lan đều ra tay xâm chiếm thiên hạ. Tất cả đều dùng bạo lực: đánh trước thì được làm cha! Chỉ có Đức quốc là lẹt đẹt theo sau:

Đức là một xứ nhỏ vào thời trung cổ và thường hay bị mấy xứ khác hiếp đáp và khinh thường.

Dân Đức bị xem như một bộ tộc dã man, thiếu văn hóa, và kém văn minh. Các triều đại quân chủ Đức quốc lúc nào cũng mong muốn được ngôi vị ‘hoàng đế’ (Emperor) vĩ đại, chứ không tầm thường với chức tước ‘Vua’ (King) đã có. Cho đến thế kỷ 20, tự hào dân tộc Đức trổi dậy với đủ các bộ môn tư tưởng cùng phương tiện hùng mạnh về triết học, khoa học, võ trang và quân đội.

Và dưới sự lãnh đạo của ‘kaiser’ Wilhelm II và lãnh tụ quốc-xã Adolf Hitler, Đức đã lao đầu vào hai cuộc thế chiến. Thế chiến I (1914-1918) và thế-chiến II (1941-1945) bắt đầu từ châu Âu và lan tràn cùng khắp thế giới.

Sau khi bại trận, Đức quốc bị cộng-sản và tư-bản chia đôi thành Đông-Đức (Cộng-hòa Dân chủ Đức, theo Nga-xô) và Tây-Đức (Cộng-hoà Liên bang Đức, theo Mỹ và Tây Âu). Năm 1990, Đông và

Tây Đức thống nhất, tạo thành quốc gia tiền tiến có đông dân nhất trong Liên-hiệp Châu Âu, đồng thời đóng góp nhiều vào phúc lợi chung cho cả cộng đồng Âu-châu và thế giới.

(Trích theo sách Việt-Học Là Gì? trang 134-135 của Trương Như Thường, 2010).

Tới đây, tôi xin sang số, từ lịch sử sang ngôn ngữ để góp ý về việc ký âm mấy tên xứ nước ngoài. Thiệt tình là tôi không có cảm tình với mấy danh từ Hán-Việt dùng để ký âm tên của các quốc gia khác. Thí dụ: Anh-cát-lợi, Ý-đại-lợi, Pháp-lang-xa, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Nhật-nhỉ-man. Nghe thật kỳ cục và dễ lạc quẻ hết sức! Âm Tàu đọc chữ Tây rất khó, nên phải dùng đến chữ Tàu (hay chữ Hán) để ký âm. Thiên hạ bàn việc này cũng đã nát nước rồi nhưng tôi cũng xin phép trình bày ý kiến xây dựng của mình qua ba thí dụ dưới đây.

Thí dụ thứ nhất: xứ England, âm Việt đọc là Ín-gờ-lần (viết theo chữ abc); còn âm Tàu, không biết đọc như thế nào vì tùy thuộc theo dùng âm Quan-thoại, hay Quảng-đông, hay Phúc-kiến, nhưng viết ký âm theo chữ Hán là ? ? ?; mấy ông học trò Việt rành chữ Hán đọc theo âm Hán-Việt là Anh-cát-lợi, vừa dài vừa dai lại vừa dại (nếu làm tàng giảng thêm ý nghĩa)! Theo tôi: viết tên một xứ, nên dùng chữ gốc của xứ đó, cùng lắm là dùng tiếng English (tiếng Anh); nếu muốn giúp cho độc-giả Việt biết cách đọc thì thêm chữ abc cho dễ đọc hơn.

Thí dụ thứ hai: xứ Espađa (hay Spain), âm Việt đọc là Ét-xơ-pá-nhà (hay Xít-pen). Tàu ký âm thành ? ? ?, âm Hán-Việt đọc là Tây-ban-nha (học trò tiểu học thích đọc trại thành “Tây-bán-nhà”). Theo thiển ý của tôi, trong bài viết ta nên viết như thế này: quốc gia Espađa (Ét-xơ-pá-nha), hoặc nước Spain (Xí-pen). Tôi thích xài chữ Spain (theo tiếng Anh) hơn, vì dễ viết và dễ đọc. Cười ra nước mắt là bên ViệtNam có nơi in bản đồ xứ Mỹ với các địa danh như Xắc-cờ-ra-măng-tô, Phờ-lô-rí-đà, Ốt-tin, Mát-cha-xu-xét-tờ…mà không có một chữ gốc đi kèm.

Thí dụ thứ ba: xứ Germany âm Việt đọc là Gi-ớt-ma-ni. Tàu ký âm viết theo chữ Hán ?? ?, Việt đọc thành Nhật-nhĩ-man, để cho có ai đó gọi lầm xứ Germany là xứ Nhật. Tóm lại, tuyệt đối không nên đọc tên ngoại quốc bằng chữ Hán ký âm mà nên sử dụng chữ abc của ta. Tuy chữ abc chưa chính xác lắm bằng loại ký âm quốc tế, nhưng chắc chắn là hay hơn ký âm của chữ Tàu rất nhiều.

Bây giờ tôi sang số ngược, từ ngôn ngữ trở lại lịch sử. Lịch sử phát triển Tây-Âu bắt đầu từ đế quốc Hy-lạp, rồi sang đế quốc La-mã bành trướng cùng khắp ngã tư quốc tế vào trước công nguyên. Và sau công nguyên, lần lượt tới mấy tay đế quốc khác như Anh, Pháp, Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Hà-lan dưới các vương triều quân chủ ra sức thực dân bá quyền. Đế quốc bành trướng là phải dùng bạo lực để tiêu diệt các dân tộc bản địa nổi dậy chống đối. Không hợp! Bài học qua hai ngàn năm của Tây-Âu là bạo lực bá quyền không thích đáng cho nhân đạo, nên không bền vững. Đức bên châu Âu và Nhật bên châu Á cũng đã ê chề thấm thía với ảo vọng làm trùm thế giới trong thế kỷ 20.

Bên trời Đông-Âu, Nga đã thử nghiệm bạo lực bá quyền theo chủ nghĩa cộng sản qua gần một trăm năm phù du cũng chẳng dẫn thiên hạ đi tới đâu, ngoại trừ sự trầm luân trong bể khổ.

Liên-Âu trổi dậy như một hy vọng mới cho thế kỷ 21 (Hình 20). Hy vọng mới là do sự đồng thuận, hoà-hợp-hoà-giải những khác biệt trong quá khứ của Anh-Đức-Pháp-Ý …, chậm mà chắc cho tương lai của dân Tây-phương. Dân Đông-phương nghĩ gì và học được gì từ lịch sử Tây-phương? Giới lãnh đạo Trung-cộng và đặc biệt với Việt-cộng (đang theo đuổi mô hình phát triển của Trung-cộng) đã thu lượm bài học nào về cái nghiệp của lịch sử Âu-Tây? Sự ép buộc các dân tộc Mãn, Mông, Hồi, Tạng để đứng chung dưới hình thức thống nhất một cách biểu kiến cho sức mạnh Trung-quốc còn có thể kéo dài trong bao lâu nữa?

Dưới những khó khăn và đổ nát sau thế chiến, ý thức nhân bản mang tính bất-bạo-lực và phong thái sinh hoạt đồng thuận của Tây-Đức đã hoá giải được vấn nạn Đông-Đức. Chưa hết! sự thống nhất của Đức quốc đã củng cố địa vị trung cung cho Liên-Âu để chỉ đạo cho Chợ Tây đối đầu tranh thương cùng với Chợ Tàu và Chợ Mỹ (mũi tên vàng, Hình 20).

Thăm viếng Mnchen và Stuttgart qua hai hãng BếEmVề (BMW) và Mercedes đã cho tôi nhận thức sức mạnh nội lực và tiềm tàng của người dân Đức. Họ mạnh và được lân bang nể nang không chỉ vì kỹ thuật chế tạo xe hơi tinh vi và đắc dụng, mà còn ở chính sách bảo vệ và đoàn kết với những dân tộc Âu châu còn yếu kém, mà trước đây nước Hy-lạp và La-mã đã khinh khi dân Đức như những bộ tộc man rợ (Germanic barbarian).

Nghĩ nhiều quá thành ra đói lắm rồi! Tôi năn nỉ anh Hồng Ân dẫn đi ăn cơm ViệtNam. Cả tuần dùng thức ăn Đức, tuy ngon, bổ nhưng rát ruột quá! Không cơm, không phở, tôi chịu không nổi!
lien-au-khong-co-nao-het-resized
Hình ảnh Liên Âu.

2.3 Xuyên Qua Công Viên Đi Tìm Món Ăn Việt

Chúng tôi đi bộ xuyên qua một công viên dưới phố Stuttgart (hàng trên, Hình 21) để đến một quán ăn ViệtNam. Rất tiếc vì đói bụng quá mà quên mất tên công viên này, nhưng tên của quán ăn là Wok’s Tây Hồ. Quán nhỏ xíu chỉ có chừng 10 ghế ngồi bên trong, nhưng gọn gàng và ngăn nắp với một dàn hình ảnh của khoảng 30 món ăn thuần túy rất bắt mắt (hàng cuối, Hình 21).

Bên ngoài quán có kê thêm hai cái bàn nữa với dù che cho thực khách. Chúng tôi ngồi bên ngoài cho mát mẻ và cũng để ngắm thiên hạ đẹp đẽ qua lại. Lúc này là vừa đúng 1:30 trưa, nhà hàng nghỉ trưa, quán chỉ bán những món để mang đi (take home), chứ không có dịch vụ tại bàn. Quán chỉ có mỗi một anh đầu bếp, vừa bán vừa nấu vừa lấy tiền, thật là hiệu năng. Biết chúng tôi là đồng bào Việt, anh ta sẵn sàng nấu cho món phở và chúng tôi tự bưng ra bên ngoài bàn mà ăn. Một miếng khi đói bằng một gói khi no; một tô phở bò bằng cả kho cao lương mỹ vị!

Cơm và phở là hai món ruột của tôi. Trước và sau khi dùng bữa, tôi có thói quen từ khi còn bé là phải xá thức ăn ba cái một cách tự động và trịnh trọng (do ông tôi hồi còn sống đã luôn dạy bảo chúng tôi rằng: phải mang ơn con thú cho mình thịt nó và cảm ơn vị đầu bếp đã nấu nướng cho mình ăn, bất luận ngon hay dở, bất kể có trả tiền hay miễn phí). Tôi xuất cảng (tiếng hiện nay là xuất khẩu, bắt chước theo mẫu Trung-cộng) đặc tánh 3-xá-trước-khi-ăn từ SàiGòn sang Mỹ quốc và bất cứ nơi nào tôi thăm viếng. Trước khi thưởng thức món phở của Wok’s Tây Hồ, tôi nhờ khứu giác đi một đường dò thử mùi thơm trước, kế đến là màn sai vị giác nếm thử một muỗng nước phở nóng ấm ban đầu. Ấn tượng tô phở đầu tiên là ẩn số tùy thuộc (dependent variable) dựa vào thông số độc lập (independent variable) của ngũ giác. Quý vị thấy chưa! Tôi phải dùng đến toán-học để minh chứng cho giá trị của môn phở-học.

Hệ thống định giá về nghệ thuật ẩm thực của tôi cũng nương theo cách của Tây-phương: 5 sao là ngon nhất, 1 sao là ẹ nhất. Phở Cali (gọi tắt tên bang California của Mỹ quốc) là ngon nhất thế giới: 5 sao. Phở Stuttgart: 3 sao, phở Sydney: 4 sao, phở Bangkok: 2 sao rưỡi, phở Marseille: 3 sao, phở Berlin: 3 sao rưỡi, phở Paris: 4 sao, phở Kuala Lumpur: 2 sao, phở SàiGòn (trước 1975): 5 sao, phở anh Phạm Hoàng ở Mnchen nấu đãi chúng tôi ở nhà: 2 sao rưỡi, phở tôi-tự-nấu: 1 sao, và cuối cùng, phở HàNội (tôi ăn hồi 1997): không có sao!

Năm 1997, khi trở về thăm quê hương thứ nhất sau 30 năm xa vắng, tôi đi ăn ba tiệm phở khác nhau (lao động, bình dân, sang trọng) ở HàNội để đánh giá. Trên bàn ăn đều có một lọ ‘mì chính’ (tức bột ngọt, tức chất hoá học monosodium glutamate) để nêm thêm vào tô phở cho ngon ngọt. Tôi ăn ngon lành, không có sao cả, vì tôi đã thủ sẵn hai viên Pepto Bismol (thuốc tiêu) sau khi ăn phở HàNội. Dĩ nhiên, bạn có thể không đồng ý về bản định giá chủ quan của tôi về các món phở trên thế giới, bởi vì bạn chưa ăn chỗ tôi đã ăn, và ngược lại.

Ba người chúng tôi đang thưởng thức ngon miệng tô phở Wok’s Tây Hồ thì chị chủ quán TTX vừa về đến tiệm. Chị đi chợ mua thêm các vật dụng cùng rau cải tươi để chuẩn bị cho suất bán ban chiều. Chị đã quen biết với anh Hồng-Ân từ trước và khi được biết chúng tôi từ Mỹ qua thăm Stuttgart thì chị rất ân cần và vồn vã. Để đãi khách đồng hương, chị TTX không tính tiền nước ngọt. Chút xíu nữa là tôi đổi ý, đánh giá món phở của tiệm Wok’s Tây Hồ từ 3 sao lên 4 sao vì tấm thạnh tình của chị.

Chị cho biết: chị là dân gốc miền Bắc cộng-sản đi lao động khách ở Đông-Âu, khi bức tường Berlin sụp đổ, chị trốn sang Tây-Đức làm ăn khấm khá hơn và trở thành dân Đức-Việt. Con cái chị đều sinh tại Đức và đang theo học đại học. Chị rất buồn vì đại gia đình ở ViệtNam còn rất cơ cực nên chị phải tiếp viện hằng năm cho họ, và chính vì vậy gia đình chị trước đây đã trở thành nạn nhân béo bở cho đại sứ quán Việt-cộng ‘bắt địa’ (ăn hối lộ, làm tiền) qua các dịch vụ giấy tờ. Nhưng kể từ khi chị trở thành công dân Đức, chị đã mạnh dạn chống trả và chờ khi thuận tiện sẽ lôi đầu kẻ xấu ra toà.

Đang ăn phở ngon mà nghe những chuyện toà đại sứ Việt-cộng tham nhũng thì mất ngon đi! Danh từ “thực dân” không chỉ dành riêng cho những đạo quân ngoại quốc xâm lược mà còn có thể dùng ngay cho nhà nước cộng-sản đối với chính nhân dân của mình. Lãnh sự quán thường hay nhắm vào các cơ sở thương mại của Việt-kiều để làm tiền. Thí dụ như vợ chồng anh chị STN và HTP, chủ tiệm Asia Drachen bị bắt buộc phải gửi tiền mặt để lo chi phí giấy tờ khai báo, và toà lãnh sự báo rằng chưa nhận được. Thế là mất toi! và không có bằng chứng! Số tiền là 500 EUR, không phải nhỏ! Nhà nước Việt-cộng mánh nhưng không lành vì chưa đo lường được khả năng thích ứng của người Đức-Việt. Người Đức-Việt không còn là Việt-kiều. Họ là dân Đức.

2.4 Tương Lai của Khả Năng Thích Ứng (Zukunft der Mobilit?t) của Nước Đức

Zukunft der Mobilit?t (Future of Mobility) là một trong những khẩu hiệu, mà ông Daimler – nhà sáng chế ra xe Mercedes – đã luôn đề cao, có nghĩa là nhắm tới khả năng di chuyển/động của sinh hoạt giao thông hoặc biến chế các loại xe trong tương lai (hình phải, hàng cuối, Hình 16). Đây là tầm nhìn vi-mô (micro view) của một công-ty thương mại của nước Đức, điển hình là các loại xe BMW, Mercedes, Porsche đối với việc phát triển nền kinh tế. Nhưng tầm nhìn vĩ-mô (macro view) trên toàn cầu của nước Đức là gì đối với: 1. thực chất của Liên-Âu, 2. cấu trúc tổ chức của Liên-Hiệp-Quốc (LHQ), và 3. nền thái hoà của thế giới? Thực hiện được viễn kiến vĩ-mô vừa nêu trên tùy thuộc vào khả năng thích ứng của nước Đức.

Khả năng di động (mobility) chỉ là phương tiện mang tính sinh tồn để cung ứng cho một khả năng khác mang tính tiến hoá, cao độ hơn; đó là khả năng thích ứng (adaptation) của mọi dân tộc trong thời đại mới. Tôi muốn nói tới khả năng thích ứng của dân tộc Đức đặt trong khung thời-không của thiên niên kỷ thứ ba. Khả năng của Đức có thích ứng với 3 tầm nhìn vĩ-mô không?

1.Trước hết Liên-Âu phải có tiền tệ riêng cho mình. Giá trị nội tại của Liên-Âu là đồng tiền EUR (Euro, Hình 23). EUR được khởi xướng là công của Pháp, nhưng công nuôi dưỡng là của Đức.

Vật giá ở Pháp và Đức cái gì cũng mắc, hãy xem giá xăng trung bình 1.58 € cho 1 lít (Hình 22) độ 8.52 đôla Mỹ cho 1 gallon (4 lít) tại Mnchen so với chỉ có 3.75 đô tại San José, Cali; thế mà cuộc đời của dân Đức và Pháp vẫn phây phây sung mãn, bà con thế giới luôn ngưỡng mộ vì giá trị của đồng EUR đặt nền tin tưởng vào năng lực kinh tế hàng đầu của Đức, và tựa vào lực lượng sản xuất vững mạnh của công dân Đức. Thực chất của thị trường chung Liên-Âu và nền kinh tế riêng Đức quốc là đồng tiền hai mặt chung-riêng của chợ Tây ganh đua với chợ Mỹ và chợ Tàu.

2. Trên mặt sinh hoạt địa chính trị (geopolitics) toàn cầu, chợ Tây tuy do Đức dẫn đầu, nhưng tư thế chính trị của Đức vẫn còn yếu kém trong cấu trúc tổ chức của Liên-Hiệp-Quốc: Đức không có mặt trong Hội-đồng Bảo-an LHQ (UN Security Council, HĐBA/LHQ). Cơ quan này tuy giúp cho cuộc Chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ không trở thành thế chiến thứ ba, nhưng đã không còn hữu hiệu nhiều so với ngày nó ra đời (1945), bởi vì nó chỉ có công khởi xướng do 5 quốc gia thắng trận trong Thế chiến thứ hai mà không tạo được sự bền vững trong thế kỷ 21. Nhật và Đức đã tài trợ rất nhiều vào ngân sách cho lực lượng bảo vệ hoà bình của HĐBA/LHQ hơn hẳn Anh, Nga và Tàu trong nhiều năm qua, mà không có quyền hành hay tiếng nói gì cả.

HĐBA/LHQ chỉ có 5 quốc gia thường-trực (Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Hoa) với quyền phủ quyết (veto) và 15 quốc gia không-thường-trực được luân phiên bầu chọn. 15 quốc gia không-thường-trực chỉ là thế, tuy cần, chứ chưa đủ là lực để thay đổi thực chất cho HĐBA nói riêng và LHQ nói chung về sự quân bình. Khối Liên-Âu (Pháp, Đức, Anh, Ý và Spain) đã đóng góp 28.46% so với Mỹ (28.38%), Nhật (10.83%), Trung-cộng (6.64%) và Nga (3.15%) cho ngân sách HĐBA trong năm 2013 [http://www.un.org/en/peacekeeping/operations/financing.shtml]. Do đó, Nhật, Ấn-độ và Brasil là những quốc gia muốn tham gia vào vai trò thành viên thường-trực của HĐBA để tăng độ hữu hiệu và sức hiệu năng cho LHQ trong đại nghĩa gìn giữ hoà bình của trái đất.

3. Đức muốn gì về nền hoà bình thế giới? Là một dân tộc luôn bị chê bai là man rợ trong lịch sử cổ và trung đại, và cũng là quốc gia chiến bại, chịu bao khổ hại sau hai cuộc thế chiến trong lịch sử cận đại, chỉ vì sách lược bạo động, tấn công tha nhân. Cho nên giới lãnh đạo nhà nước cũng như tâm-ý của nhân dân Đức hiện nay là khao khát một nền hoà bình cho nhân loại, mà trong đó nước Đức có thể hành xử theo mô hình lãnh đạo nhân bản. Bằng chứng của sách lược dân chủ là nhiều đảng phái chính trị của Green Party (Đảng Xanh) ra đời với nhiều thắng lợi, và chủ trương hoà bình và an toàn như không xài lò nguyên tử cho bất cứ mục tiêu kinh tế giả hiệu nào.

Đức không thể làm riêng lẻ một mình với viễn kiến thái hoà, chung cho mọi người, mà phải hiện thực gương mẫu tốt cho khối Liên-Âu trước, để đối trọng với các siêu cường khác như Mỹ, Nga, Trung-cộng hay Nhật-bổn sau này; mặc cho chiến thuật lôi kéo của Tàu và Mỹ qua sự o bế đơn phương để xô đẩy và xé lẻ Đức theo ý họ mà thôi, như dưới thời của Giang Trạch Dân và Bush.

Khả năng thích ứng của dân tộc và đất nước Đức đã được trình bày theo sự hiểu biết chừng mực và giới hạn của người viết. Nhưng còn khả năng thích ứng của dân Đức-Việt nói riêng ra sao? và của người-gốc-Việt (Mỹ-Việt, Úc-Việt, Pháp-Việt, Ca-Việt, nói chung trên toàn thế giới sẽ ra sao trong thiên niên kỷ thứ ba này?

Sống lâu năm ở Đức, người-gốc-Việt sẽ bị Đức-hoá, dù muốn hay không, cũng như ở Mỹ sẽ bị Mỹ- hoá, ở Pháp bị Pháp-hoá theo thời gian. Thời đổi thì nhân đổi. Mỗi xứ có những độc đặc riêng biệt của nó, nhưng nhìn chung: đây đều là những quốc gia tiên tiến, có môi trường tự do và dân chủ, họ tôn trọng nhân quyền, cho phép người công dân phát triển, các tổ chức xã hội dân sự (civil society organizations) lên tiếng, để cùng với nhà nước xây dựng xã hội văn minh và công bình hơn. Công dân phát triển nhiều hay ít tùy thuộc vào khả năng học hỏi, thu nhập và sinh hoạt tự chuyển hoá của mỗi cá nhân. Người-gốc-Việt sẽ được ảnh hưởng bởi các tổ chức xã hội dân sự tại địa phương và tự nhiên họ thay đổi khả năng thích ứng của mình. Ở-bầu-thì-tròn-ở-bục-thì-dài, ngoại trừ những tay lọt ngoài vòng pháp luật. Hãy lướt qua hai trường hợp cụ thể dưới đây.

Trường hợp thứ nhất: Các cơ sở và quan chức ngoại giao của nhà nước Việt-cộng đặt tại Đức đã xem Việt-kiều sinh sống ở Đức như những con bò sữa. Vì Việt-kiều là khúc-ruột-ngàn-dặm và vì đồng-tiền-liền-với-khúc-ruột nên tham quan ô lại đã xảy ra cho đồng bào đang làm lao động thợ khách còn kẹt gia đình ở ViệtNam, hoặc các cửa hàng tiểu thương có dịch vụ gắn bó với bên nhà. Tình trạng làm tiền bất hợp pháp của các đại sứ quán và toà lãnh sự Việt-cộng sẽ bị dân Đức-Việt lật tẩy. Khả năng thích ứng sẽ tương xứng với xã hội tôn trọng pháp luật. Đức là nước Đức văn minh, không phải là đất Thủ-Đức của ViệtNam.

Trường hợp thứ hai: Trở lại chuyện không treo cờ và treo cả hai cờ của các tổ chức xã hội dân sự do công dân Đức-Việt đang làm chính sự. Lãnh đạo Trung-cộng (Tc) và Việt-cộng (Vc) không muốn thấy biểu tình HS-TS-VN mà không treo cờ hoặc treo đủ loại cờ. Biểu tình bởi cờ vàng của VNCH là chuyện đương nhiên vì dân tỵ nạn VNCH là kẻ thù của Tc và Vc. Nhưng biểu tình có cả cờ đỏ thì gây rắc rối vô cùng cho Tc và Vc. Tc sẽ hỏi Vc: tao tưởng mày ngon! tại sao lại để cho dân dưới quyền kiểm soát của mày mà dám chống lại tao? (tao-mày là dịch sát nút của hai chữ ‘ngộ’ và ‘nị’).

Còn Vc sẽ tự hỏi và tự bào chữa. Tự hỏi: không hiểu tại sao nhân dân của mình mà lại đi chống nhà nước của ta? Tự bào chữa: đây là nước Đức tự do và dân chủ, không phải là quận huyện Thủ-Đức của tụi tao; nếu là ở Thủ-Đức thì tao sẽ đạp vào mặt tụi biểu tình và quăng tụi nó lên xe bít bùng ngay!

Khả năng thích ứng xứng với xã hội đề cao nhân quyền và xiển dương dân chủ trong các cuộc biểu tình không treo cờ hoặc treo cả hai của dân Đức-Việt là như thế! Thực chất của nước Đức sau thế chiến thứ hai là đã phục tỉnh, đi theo con đường nhân bản tạo thành nếp sống mới với văn hoá dân chủ. Vì thế mà dân Tây-Đức mới có khả năng thích ứng để thống hợp một cách bất bạo động với bà con Đông-Đức, và hoà hợp với cộng đồng Liên-Âu (chợ Tây) để cạnh tranh đương đầu với chợ Tàu và chợ Mỹ trong thế kỷ thứ 21.

Khả năng thích ứng của người-gốc-Việt đã bắt rễ tại nước Đức, đã được nuôi dưỡng bởi tinh thần và phong thái sinh hoạt mang văn hoá dân chủ mới của nước Đức, để tạo thành bản chất cho các công dân Đức-Việt. Xử dụng cờ vàng, hay cờ đỏ, hay cả hai cờ, hay không có cờ nào hết, là tùy theo khả năng thích ứng của mỗi địa phương Đức-Việt, vì đây chỉ là nghệ thuật thi hành chính sự, chưa phải là lý tưởng. Lý tưởng chính trị là gầy dựng dân-chủ-hoá cho ViệtNam để người dân được đại diện bởi một ViệtNam mới với lá cờ mới biểu tượng cho tình thương và trí tuệ.
lien-au-du-lich-duc-resized
Hình ảnh Liên Âu.

2.5 Giao Lưu Nối-Vòng-Trăm-Việt Giữa Stuttgart (Đức) và San José (Mỹ)

Thưa quý bạn đọc: chúng tôi không phải là Việt-kiều, hiểu theo nghĩa là người có quốc tịch ViệtNam đang làm ăn sinh sống tại hải ngoại. Chúng tôi là người Mỹ-gốc-Việt, gọi tắt là dân Mỹ-Việt (Vietnamese American) đang thăm viếng và giao du với những người Đức-gốc-Việt, gọi tắt là dân Đức-Việt (Deutscher mit der Vietnamesischen Abstammung).

Mỹ-quốc hay Đức-quốc là xứ sở của chúng ta ngày hôm nay. Một số anh chị em chúng ta, trong quá khứ, đã là những thành phần đi du học (có cả hai bên thua cuộc lẫn thắng cuộc), là thuyền nhân chạy tỵ nạn cộng-sản, hoặc đi làm lao động khách nơi xứ người. Chúng ta đã lựa chọn và hân hạnh nhận nước Mỹ hoặc nước Đức làm quê hương thứ hai. Gia đình và con cái của chúng ta đều đã có quốc tịch và là công dân tốt của hai xứ sở này. Còn ViệtNam đối với chúng ta hiện giờ chỉ/lại là hải ngoại (ngoài biển, xứ bên ngoài).

Chúng ta, những người công dân có trách nhiệm, cần phải biết chính danh của mình để khỏi bị Việt-cộng lập lờ đánh lận con đen lạm dụng. Tiến trình phát triển tự nhiên về pháp trị (rule of law) sẽ chắc chắn như thế dù mình có ý thức nổi hay không. Bối cảnh tiến bộ về tự do, dân chủ và nhân quyền, về sự đồng thuận và bất-bạo-động của xã hội Đức mà các bạn Đức-Việt đã gắn bó và được hưởng thụ, sẽ làm thay đổi bộ mặt và giá trị của người-gốc-Việt.

Vì thế, khả năng thích ứng với bối cảnh toàn cầu hoá của người Việt hải ngoại phải như thế nào?

Người-gốc-Việt tại hải ngoại, đầu đội trời chân đạp đất, gồm có hai vai: vai bên này là hỗ trợ tiến trình dân-chủ-hoá cho ViệtNam (quê ngoại); vai bên kia là giúp cho quê hương thứ hai (quê nội) trong tiến trình thiên hạ thái bình. Đối với riêng người viết là dân Mỹ-Việt: ViệtNam là quê ngoại vì ngoại là ở ngoài xa, còn nước Mỹ là quê nội vì mình đang vui sống và đã mọc rễ trong đất nước Mỹ rồi.

Tuy nhiên, bạn có toàn quyền lựa chọn vị thế nội-ngoại cho mình, nhưng giá trị nội tại của nó vẫn là tuy-hai-mà-là-một. Cắt một vai thì cuộc sống trở thành vô ý nghĩa. Nặng hay nhẹ giữa hai vai là tùy theo hoàn cảnh của từng cá nhân hay gia đình. Trước-hay-sau là dựa vào tư thế của người hành xử. Lấy thí dụ: đi biểu tình cắt đường lưỡi bò của Trung-cộng (hay HS-TS-VN) là trách nhiệm của người Việt hải ngoại trên toàn thế giới. Vấn đề ViệtNam là một tiềm thể (subset) của vấn đề hoà bình Đông-Nam-Á một cách trực tiếp, và của thế giới một cách gián tiếp. Đồng bào Đức-Việt đã sáng tạo và làm gương (không treo cờ hoặc treo đủ mọi thứ cờ, thay vì chỉ có một loại cờ), nên đã đi trước một bước so với dân Pháp-Việt, Úc-Việt, Ca-Việt và Mỹ-Việt.

Các bạn Đức-Việt đi trước một bước vì khả năng thích ứng của các bạn thông thoáng và cao độ hơn những chỗ khác. Các bạn đã xem tính-là-tương-cận (đường lối và mục đích chung về dân-chủ-hóa cho ViệtNam làm cho đồng bào gần gũi và đoàn kết với nhau) và đã thấy được tập-là- tương-viễn (tập tục, thói quen và kinh nghiệm của quá khứ đau khổ, và đường lối suy tư thiển cận làm cho đồng bào xa rời nhau). Chỉ có các bạn Đức-Việt mới tổ chức được các cuộc biểu tình HS-TS-VN mà không có cờ hoặc đủ thứ cờ để có thể đoàn kết mọi người chống cộng sản.

Khả năng thích ứng tùy ở vận tốc thay đổi tư duy và phong thái sinh hoạt của giới hoạt động cộng đồng nguời-gốc-Việt tại hải ngoại, xuyên qua các chương trình cụ thể của tổ chức xã hội dân sự. Hai đặc tính tốt của người-gốc-Việt là nói tiếng Việt và xây dựng phát triển cộng đồng tại địa phương. Đi tới đâu người Việt cũng tụ năm tụ ba để lập những hội ái hữu dưới dạng thức của các tổ chức xã hội dân sự, và cố gắng gìn giữ tiếng Việt trong gia đình và trong hội hè. Sự khó khăn và tiêu cực lúc nào cũng có, nhưng nỗ lực tích cực để vượt qua thì cũng đầy dẫy.

Nỗ lực tích cực cho xã hội dân sự của các bạn Đức-Việt là đã tạo ra một phong thái sinh hoạt chính sự mới để: một mặt, hòa nhập vào xã hội Đức như một đầu tàu dẫn đường cho tổ chức Liên-Âu, và mặt khác, hỗ trợ cho đại nghĩa dân-chủ-hóa đất nước ViệtNam. Những hành xử tiêu cực phá hoại các đoàn thể xã hội dân sự Đức-Việt cũng đã xảy ra, qua các thủ đoạn xâm nhập giật dây và phản dân chủ của giới lãnh đạo Việt-cộng trong các cơ sở ngoại giao tại địa phương. Nhưng những thủ đoạn này không thể tồn tại dưới khung pháp luật công minh của Đức quốc.

Thật ra, Việt-cộng không mạnh như chúng ta tưởng mà vì chúng ta còn yếu trong tiến trình sinh hoạt chính sự. Thí dụ: đoàn đi biểu tình HS-TS-VN dưới cờ vàng, đối với Tc và Vc, là ngoại thù; nhưng khi có thêm cờ đỏ đi cùng như ở Đức, đối với Tc và Vc, lại là kẻ nội thù. Nội thù tai hại và gây họa hơn kẻ ngoại thù gấp bội vì họ sẽ trở về và nằm trong hệ thống. Các bạn Mỹ-Việt, Pháp-Việt, Ca-Việt, Úc-Việt cần nên mời gọi du học sinh và dân lao động thợ khách, cầm cờ đỏ đi biểu tình chống Tc và Vc chung với mình như các bạn Đức-Việt đã làm.

Cho nên chống cộng theo lối tập-tương-viễn là những hành động tiêu cực, chỉ đi theo tập quán và thói quen cũ về phần mình, đã làm chậm lại tiến trình dân-chủ-hóa cho ViệtNam. Hành sự theo kiểu NATO (No-Action-Talk-Only) là chuyện dễ làm nhất, không có tinh thần và phong thái sinh hoạt dân chủ. Vì vậy mà chúng ta ở những nơi khác, ngoài nước Đức ra, vẫn còn yếu!

Tạm biệt chuyện làm chính sự với các bạn Đức-Việt ở Stuttgart để chúng tôi còn đi thăm thành phố Frankfurt và đồng bào chúng ta ở đó.

3. Thành Phố FRANKFURT

Cứ mỗi hai năm, chúng tôi lại ghé thăm trại hè đại hội của các cựu học sinh Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), gọi tắt là Hội Ái Hữu PétrusKý – Cộng Đồng Châu Âu (HAH/PK). Trại hè được tổ chức hằng năm tại làng Ronneburg cách thành phố Frankfurt độ 45 phút lái xe. Đây là lần tổ chức thứ 19, quy tụ nhiều cựu học sinh của trường PétrusKý, trước và sau năm 1975, và các thân hữu. Các thành viên hiện đang sinh sống phần lớn tại châu Âu; bè bạn từ Mỹ, Úc và ViệtNam cũng đến tham dự; thân hữu từ các trường Gia Long, Trưng Vương … cũng tham gia; giới du sinh và lao động khách cũng có mặt. Già trẻ lớn bé quy tụ vui chơi, trao đổi, hội thảo, ăn nhậu trong vòng 3 ngày cuối tuần. Thật là đoàn kết và ý nghĩa! (Phụ chú: tôi không phải là học trò của Trường PétrusKý. Tôi là học sinh của Trường Nguyễn Bá Tòng).

Trường PétrusKý có rất lâu đời: được xây dựng hồi năm 1927 dưới thời Pháp-thuộc với tên Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, sang thời Việt-Nam Cộng-Hoà (1961) đổi tên thành Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, năm 1975 đổi thành Trung học Cấp 2-3 Lê Hồng Phong sau khi VNCH bị cộng sản cướp; và năm 1990 lại thay bằng tên Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong.

Tôi đã dự đại hội hồi năm 2008 và đọc được hai câu thiệu hấp dẫn sau đây của trường:

Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt

Tây Âu khoa học yếu minh tâm

trong tập san Diễn Đàn PétrusKý và sau đó được hầu chuyện và trao đổi cùng vị giáo sư cố vấn của hội là ông Phạm Ngọc Đảnh (1936-2011, Hình 25) thì tôi trở thành fan (người ái mộ) của hội ngay sau đó. Năm 2010, tôi có ghé lại thăm gia đình Bác Đảnh một tuần ở một làng quê của Đức, cách xa Frankfurt cả tiếng đồng hồ đi bằng xe lửa địa phương. Lần đó, bác hướng dẫn tôi thăm viếng chung quanh chợ làng và đi bách bộ dọc theo bờ ruộng lúa cả hai tiếng đồng hồ để hàn huyên và tâm tình về thời sự, đất nước, sinh hoạt chính sự, cũng như triết học và đạo lý. Bác diễn giải cho tôi nghe về tam-giáo, kể cho tôi biết về các hoạt động giúp đồng bào từ Đông-Đức và Đông-Âu tràn sang khi bức tường Berlin bị giật sập. Còn tôi thì trình lại cho bác biết về Việt-học và các sinh hoạt văn hoá và giáo dục. Bác hiền và vui lắm, ổng lớn hơn tôi trọn một con giáp nên xem tôi như người em nhỏ. Năm 2011, bác đi thăm con gái ở Sydney, Úc châu và bị bịnh mất bên đó, thọ 76 tuổi. Tôi rất thương nhớ và mến mộ công đức của bác Phạm Ngọc Đảnh.

Chương trình tổ chức hằng năm của HAH/PK rất hay. Mời các bạn xem hình sinh hoạt trước (Hình 26) rồi nghe tôi kể chuyện sau.

3.1 Dự Trại Hè Cựu Học Sinh Trường Trung Học PétrusKý

Vào khoảng chiều thứ sáu là bà con từ tứ xứ tựu về đông đảo. Trại hè được tổ chức tại một trung tâm sinh hoạt công cộng (Jugendzentrum) của địa phương Ronneburg do một ban chấp hành độ 10 cựu học sinh PétrusKý lãnh đạo (hình giữa, hàng một, Hình 26). Ban chấp hành được bầu chọn cho mỗi nhiệm kỳ hai năm một lần. Tối thứ sáu là văn nghệ cây nhà lá vườn, hay dở không thành vấn đề, ca không được thì hò, vè, ngâm thơ, kể chuyện, thứ gì cũng được miễn là không được nói tục vì có nhiều em nhỏ tuổi vị thành niên tham dự. Trong phòng hội có đủ thứ mồi ăn rất khoái khẩu. Nhiều bạn mê nhạc, ngủ ngáy khò khò mà vẫn ngồi lỳ đó chứ không chịu về phòng (hình phải, hàng bốn, Hình 26). Kéo tới 12 giờ khuya mới vãn tuồng, nhưng nghe nói có nhiều tụ nhỏ, dăm ba bạn còn cà kê dê ngỗng đến hai ba giờ sáng mới chịu tan hàng.

Chương trình ngày thứ bảy là nặng ký nhất. Sáng và trưa được nghe các buổi thuyết trình về văn học, lịch sử, thời cuộc đất nước, tình hình thế giới để biết thêm thông tin mới, mở mang đầu óc (hàng năm, Hình 26). Chiều thì được một buổi tiệc BBQ (barbecue, thịt nướng) ngoài trời, lại có thêm bia nhấm nháp, ngon đã đời. Và buổi tối thì có chương trình nhạc hội, đủ mọi thể loại với nội dung phong phú: từ ca sỉ (nhiều người) đến ca lẻ (một người), từ ca trù (truyền thống dân gian) đến ca kích (kích động nhạc hiện đại), từ ca kịch (vừa ca vừa nói vừa diễn) đến ca múa (vừa ca vừa nhảy vừa múa). Thiệt hay hết chỗ nói!
lien-au-du-lich-1-resized
Hình ảnh Liên Âu.

Về sinh hoạt buổi sáng và buổi trưa:

Trong giờ thuyết trình, các nhóm bạn khác như Diễn đàn ViệtNam 21, Trung tâm ViệtNam Hannover, Nhóm 008 đã đóng góp nhiều tầm nhìn khác biệt của cùng một vấn đề, khiến không khí bàn thảo giữa các tham dự viên trở nên sôi nổi và sống động hơn. Các đề tài nóng bỏng thời sự như Điểm sách: Bên thắng cuộc, rất xây dựng như Vài ý kiến về Xây dựng Xã hội Dân sự trong cộng đồng người Việt, và bổ ích như Ý nghĩa của chữ Việt trong thế kỷ mới, chỉ có thể được thảo luận một cách ôn hòa, học hỏi và hướng thượng như trong trại hè này.

Các loại trại hè công cộng mở rộng cho quần chúng tại những xứ khác (như Mỹ, Pháp, Úc, Canada …) khó có thể thực hiện nổi các loại đề tài kể trên vì bối cảnh nhân sự và tầm nhìn cục bộ của điạ phương không cho phép. Phê bình, phản biện và đề nghị đã được mọi người áp dụng một cách tương kính tương nhượng, khiến hội trường vừa găng mà vừa hăng, vui vẻ vấn đáp đúng theo tinh thần hội luận của Tây-Âu-khoa-học-yếu-minh-tâm mà Trường PétrusKý hằng đeo đuổi. Tầm nhìn kỳ thị, phân biệt người Việt theo Tây-Âu hay Đông-Âu, theo gốc-cộng-hòa hay gốc-cộng-sản không thấy hiện hữu trong các tham dự viên của trại hè này.

Tôi nhớ lại câu chuyện mà bác Phạm Ngọc Đảnh đã kể lại cho tôi nghe hai năm về trước. Đó là việc bác đã chứa chấp, giúp đỡ tinh thần lẫn vật chất (nơi ăn, chốn ở và học Đức-ngữ) cho gần cả trăm đồng bào Việt chạy từ Đông-Đức và Đông-Âu tràn sang Tây-Đức để sinh tồn khi bức tường Berlin sụp đổ hồi năm 1989/1990. Thấm thoát mà đã hơn 20 năm trôi qua rồi!

Bác Đảnh đã giải thích rõ với tôi: bà con mình sinh ra và lớn lên tại miền Bắc cộng-sản không có sự tự do lựa chọn; họ cũng là nạn nhân của xã hội cộng-sản. Các bạn gốc-cộng-sản này, giờ đây, đã tiến hoá thành những công dân Đức-Việt, đều có mặt trong các tổ chức xã hội dân sự, tranh đấu cho diễn trình dân-chủ-hoá ViệtNam. Càng nhắc chuyện cũ, tôi càng nhớ thương thầy Đảnh với tầm nhìn cao thượng và hành động chính sự sâu sắc của ông!

Đừng vì quá khứ ‘thắng cuộc’ kiêu căng của gốc-cộng-sản mà sinh ra thái độ nghi ngờ, sợ hãi và lợi dụng. Ngược lại, cũng đừng vì quá khứ ‘thua cuộc’ đau khổ của gốc-cộng-hoà mà tạo ra hạnh kiểm chùm chăn, hô khẩu hiệu, mackeno và NATO. Hướng tới phía trước không phải chỉ có cách nhìn qua kiếng chiếu hậu. Với phong thái sinh hoạt mới, chương trình sinh hoạt chính sự cụ thể mới là những sách lược (strategy) có hiệu quả, để yểm trợ cho phong trào dân-chủ-hoá VN. Còn việc không treo cờ trong trại hè là chuyện nhỏ, chỉ là đối thuật (tactic) mang tính hiệu năng.

Về sinh hoạt buổi chiều:

Buổi chiều có tiệc BBQ ngoài vườn, trên đồi. Tôi mừng hết lớn! Thiệt tình, tôi ăn mấy món Đức truyền thống không vô, nhất là mấy thứ thịt nguội, các loại khoai hầm và dồi luộc của đầu bếp Đức-trắng đã cho ăn vào hồi trưa. Các bạn Đức-vàng (Đức-Việt) có giận thì tôi chịu. Thức ăn ban trưa nuốt không nổi, dẫu biết rằng: ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn.

Xem lại mấy bức ảnh kia kìa: thiên hạ tụm năm tụm ba, đàn bà đàn ông, chưa chồng ế vợ đều nâng cao chai bia … một, hai, ba … dô! Mọi loại thịt hay rau, cải, củ, bắp khi được nướng lên dưới than hồng đều bốc lên một mùi thơm ngon hấp dẫn, làm cho dịch vị tiết ra và hệ thống tiêu hoá biến thiên theo tỷ lệ thuận một cách lũy tiến (exponentially positive relation). Tôi lại lấy le môn BBQ bằng toán học nữa rồi!

Về sinh hoạt buổi tối:

Tôi thích âm nhạc lắm! Tôi khoái nghe đủ thể loại: hát bộ (hát bội, chèo cổ), cải lương, cổ nhạc (bình bán vắn, bình bán dài, nam ai, lưu thủy hành vân, sơn đông hướng mã, trăng thu dạ khúc), tân nhạc (đại chúng, thính phòng, kích động...), tân cổ giao duyên. Còn nhạc tây phương thì tôi chuộng điệu blue của Mỹ-đen (một dạng subset của nhạc jazz). Chưa hết! để tôi khoe thêm hai, ba chút nữa: hồi ở trung học, tôi là trưởng ban văn nghệ của lớp đệ tứ, khả năng biết đệm guitar, solo được vài bài tủ mandolin, và chơi trống bongo, conga và luôn cả dàn (drum set).

Thứ nhạc cụ nào tôi cũng khoái chơi, nhưng chỉ biết sơ sơ để ngoại giao với bè bạn, chớ không có thiện nghệ và xuất sắc, thành ra nhà-nhiều-dao-mà-con-nào-cũng-lụt. Hồi đó, má tôi thương và chiều chuộng tôi lắm, hễ tôi muốn có nhạc cụ nào thì bà cũng dắt đi mua và sắm toàn thứ thượng hảo hạng. Nhưng tôi lại chỉ thích hiểu rộng chứ không chịu biết sâu, nên đôi khi má tôi phải cằn nhằn: mầy thuộc loại tài tử bá-nghệ-bá-tri (trăm thứ nghề khác nhau nên thứ nào cũng biết chút xíu), thành ra vị-chi-là-bá-láp (bá-láp nghĩa là không ra gì cả, đồ bỏ!).

Nếu hồi xưa tôi chịu đi sâu chuyên ngành về văn nghệ (như các bạn chơi nhạc với tôi trong ban The Sunshine ngày xửa ngày xưa, họ đều đã trở thành nhà nghề hết) thì bây giờ mấy gánh hát như Asia, Thúy Nga Paris, Vân Sơn ở hải ngoại sẽ đụng hàng dài dài với gánh của tôi rồi. Âu cũng là duyên số! Em ơi, nếu mộng không thành thì sao! Bây giờ lớn tuổi rồi, giống như hổ nhớ rừng, thường rưng rưng nước mắt khi nghe lại những tình khúc nhạc vàng đã soi thấu tâm can.

Buổi tối tham dự nhạc hội của PétrusKý thật là hấp dẫn (hàng ba và bốn, Hình 26). Các ca sĩ nghiệp dư từ Đức, Pháp, Mỹ cùng nhau cống hiến những bài ca đặc sắc của mình, không kém gì giới văn nghệ nhà nghề. Gần bốn tiếng đồng hồ văn nghệ sưởi ấm lòng người. Tôi thấy có nhiều nghệ sĩ gốc Đông-Âu ca mấy bài chầu văn thật điêu luyện trong nón quai thao và áo tứ thân dễ thương, sau đó lại ca lên những bản nhạc vàng tình cảm của thời VNCH trước 1975. Gốc mấy bạn này là dân lao động khách của miền Bắc, nay đã trở thành công dân Đức mang tâm hồn Việt của miền Nam tự do. Vài khán thính giả đứng lên yêu cầu họ ca mấy bài ‘nhạc sến’ làm cho tôi không đồng ý. Tuy không đồng ý với cách gọi tên ‘nhạc sến’ nhưng tôi rất hài lòng về các bài hát nỗi buồn hoa phượng hay chuyến tàu hoàng hôn, và kiên nhẫn chờ thời để đề nghị …

3.2 Nhạc Sến hay Nhạc Đại Chúng?

Buổi sáng chủ nhật lại có thêm màn chia sẻ tâm tình, tôi dùng dịp này để trình bày lý lẽ của mình về cách dùng danh từ ‘nhạc sến’ tối hôm qua để gọi nhạc vàng của miền Nam thân yêu. Các bạn biết rồi! tôi lớn lên trong tình thương yêu của một đại gia đình bình dân và trong bối cảnh xã hội đầy ấp tính nhân bản của miền Nam. Tôi đã hiểu rằng vì giới lãnh đạo miền Nam chưa đủ tài kinh bang tế thế trong môi trường chiến tranh lạnh của thế giới tư bản và cộng sản, nên năm 1975 ViệtNam mới bị đứt phim do những trao đổi lợi hại của siêu cường tính toán.

Trong cái xã hội đầy ấp tính nhân bản của miền Nam đó, nhạc vàng được ra đời. Mấy chục năm trời đã trôi qua, tuy chưa đủ dày so như một nháy mắt trong chiều dài lịch sử cả mấy chục ngàn năm của đất nước, nhưng loại nhạc này đã hiển hiện ra nhiều điểm đặc thù và phản ứng trái.

ngược nhau của con người hiền hoà trong xã hội loạn lạc của thời kỳ trước 1975. Ước mơ của con người, nói chung, là muốn được sống trong sự an bình, của tình yêu thương. Nhưng không vì thương yêu mà quên đi trách nhiệm của một con dân giữa thời binh biến. Phản ứng tiêu cực của loại nhạc vàng này được mang tên là nhạc sến khi nó chất chứa những nét ủy mị, dù ý thức hay vô thức, qua lời ca và điệu nhạc. Có người còn lên án nhạc sến nữa. Nhưng, no star where!

Bạn có thể tự tra cứu cả chục bài viết về nhạc sến với lời giải thích và tâm lý cá biệt của các tác giả trên mạng. Tôi tôn trọng tất cả các lý giải của mọi người. Nhìn một cách tích cực hơn, tôi gọi đó là nhạc đại chúng. ‘Đại chúng’, vì trong xóm Hoà-Hưng của Quận Ba – Sài-Gòn tôi ở hồi nhỏ, từ đầu đường cho tới cuối hẻm, bà con ai cũng thích nghe và ca hát loại nhạc vàng này (Hình 28). Có người lại nói: vì nghe nhạc sến ủy mị làm ta mất nước! Đừng có lạng quạng người ơi! Đầu của ngươi hơi nóng đó! Hãy đem con dê tế thần ra bàn hội nghị chính trị quốc tế mà cãi.

Gần nửa thế kỷ sống lớn lên tại quê hương Mỹ quốc, tôi lại được bè bạn giới thiệu và cho nghe loại nhạc thính phòng. Thật là du dương và tuyệt diệu! Tôi mê nghe nhạc thính phòng lắm và lại không bao giờ quên nhạc đại chúng của tôi.

Khi ghé thăm Brisbane ở bên Úc, thấy được hoa phượng nở, tôi lẩm nhẩm mấy câu: Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương. Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gủi nhau mất rồi, tạ từ là hết người ơi!

Trở về Hawaii ở Mỹ, nhìn cảnh hoa phượng rơi tơi tả, tôi lại rỉ rả ca tiếp:

Giã biệt bạn lòng ơi! Thôi nay xa cách rồi
Kỷ niệm mình xin nhớ mãi, buồn riêng một mình ai
Chờ mong từng đêm gối chiếc,
Mối u hoài này ai có hay?


Và vào buổi tối văn nghệ cây-nhà-lá-vườn tại một gia đình người bạn ở Paris (Pháp quốc), tôi còn nhớ đến một cô bạn ViệtNam gốc-cộng-sản (trước đi du học bên Tiệp-Khắc) dạo lên vài đoạn cuối của khúc hát ân tình:

…Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn,
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương.
Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
Mỗi lần hè thêm kỷ niệm. Người xưa biết đâu mà tìm?


[Trích bài ca Nỗi Buồn Hoa Phượng của nhạc sĩ Thanh Sơn (1938-2012), điệu Slow Rock]

mặc dù bên ngoài trời tối u, không một cánh hoa phượng rơi rụng. Nhưng giọng hát ấm cúng và lời ca trữ tình của cô đã nhắc nhở cả một bầu trời thương nhớ! Không biết cô nhớ đến người yêu nào: ở Sài-Gòn hay ở Hà-Nội, hay còn ở bên trời Đông-Âu vời vợi?

Chia rẽ gốc-cộng-hoà hay gốc-cộng-sản là để cho đầu óc hạn hẹp của mấy tay lãnh đạo cộng-sản quyết đoán mà phân chia hộ khẩu và giai cấp, và đã một thời họ ra tay cấm đoán cũng như hạ nhục nhạc vàng, nhạc đại chúng của miền Nam. Nhưng tâm hồn của người dân dù gốc gác ở Nam hay Bắc, dù ở đâu chăng nữa cũng nhớ tới người thân thương khi nghĩ tới nỗi buồn hoa phượng, hoặc cảm thấy lòng rung động khi nghe được tiếng còi hú của chuyến tàu hoàng hôn.

Tôi lại nhớ đến mấy bạn gốc-Đông-Đức trong mấy ngày của trại hè Trường PétrusKý. Họ say mê và thả hồn ca mấy bài nhạc vàng. Họ thả hồn còn tôi thì hết hồn! Hết hồn vì thành kiến trong cái đầu chật hẹp của tôi thường nghĩ rằng, dân sống quen dưới cờ đỏ không thể ca nổi nhạc cờ vàng. Anh NĐT và chị TTM ca thật điệu nghệ, giọng rã rít không thua gì Chế Linh và Thanh Tuyền.

Suốt trong ba ngày tham dự trại, tôi để ý không thấy có chào cờ vàng hay chào cờ đỏ ở đây, mà chỉ thấy có trưng cờ trường với phù hiệu PétrusKý ở giữa được bao quanh bởi 12 ngôi sao của cộng đồng Liên-Âu. Chắc là để các trại viên còn có cơ hội tụ tập nhau cho lần tới:

… nếu hay chăng người ơi, chốn xa xôi chàng trai
còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn …
(Lời bài ca Chuyến Tàu Hoàng Hôn)


Ban tổ chức trại hè PétrusKý đã nhìn tới hướng tiến phía trước, đặt quá khứ oán hờn đằng sau lưng và dùng tình ái hữu để nối kết sự liên đới với tất cả mọi người, phá chấp và không phân biệt, khiến cho sinh hoạt chính sự này đã thành công gần hai thập niên qua. Thành thật cảm ơn công sức của quý bạn cựu học sinh và các thầy cô của Trường PétrusKý trong khả năng thích ứng giới hạn của mình. Nhờ vậy mà tôi có cơ hội được quen biết thêm nhiều bè bạn từ khắp mọi nơi tụ về. Chúc các bạn chân cứng đá mềm để hợp lực vào con đường dân-chủ-hoá đất nước ViệtNam.

Cuộc vui nào cũng tới hồi kết thúc. Trại hè nào đã có giờ khai mạc, rồi cũng đến giờ bế mạc. Chúng tôi lên xe theo lời mời của vợ chồng anh chị Nguyễn Hữu Nghĩa và Trần Mỹ Nga (N&MN) trực chỉ về nhà của ảnh chỉ trong một làng quê, ở cách xa trại hè PétrusKý một tiếng rưỡi lái xe. Chúng tôi chỉ mới quen biết anh chị N&MN mới vài ngày qua, nhưng thân tình như đã! Không sao cả! Trước lạ sau quen: nhất thân nhì thế, sau đó thì tùy cơ ứng biến mà sinh ra lực.
lien-au-bieu-tinh-resized
Hình ảnh Liên Âu.

3. Làng Quê UDENHEIM và Thắng Cảnh Dọc Sông RHEIN

Đã nói là làng quê thì phải có ruộng. Thành phố làm gì có dư nhiều đất mà làm ruộng. Anh chị N&MN đã sống và làm việc nhiều năm ở thành phố Frankfurt, nhưng không thích cảnh phồn hoa đô hội ồn ào, nên dời về làng quê Udenheim để mua đất cất nhà, chuộng nơi thanh nhã và tĩnh lặng. Trời mới ban chiều, vừa về tới nhà là ảnh chỉ rủ đi thăm ruộng. Đi thì đi. Ta có ngại chi!

3.1 Đi Thăm Ruộng Vườn

Ruộng ở làng này tuy không rộng theo kiểu cò bay thẳng cánh, nhưng nhỏ nhắn xinh xắn và được phân định bởi những đường làng đất trắng. Làng chỉ có vài trăm dân, nên ai cũng biết ai.

Gặp nhau ngoài đường là bắt tay thăm hỏi. Con cái anh chị N&MN đều làm y sĩ, nên tụi nó sống ở thành phố để làm việc, thỉnh thoảng ông bà phải rời khỏi nhà để ra giữ/thăm cháu dùm các con.

Sao thấy làng vắng vẻ quá! Đầu làng có gắn bản chỉ đường với bản đồ và hình ảnh để hướng dẫn các tài xế khỏi đi lạc (hàng đầu, Hình 29). Chúng tôi lội bộ dọc theo các con đường đất để ngắm phong cảnh hữu tình, cùng ruộng vườn vắng lặng một màu xanh ngắt. Ruộng ở đây là ruộng khô, chuyên trồng các loại củ, nho và lúa mì. Ruộng khô ở Đức khác với ruộng nước của ViệtNam ta. Văn minh nông nghiệp đã phân loại ra nhiều loại ruộng khác nhau như: ruộng khô (không cần nhiều nước), ruộng nước (cần rất nhiều nước), ruộng núi (xẻ đất thành nhiều bậc như trên vùng cao nguyên), và ruộng đồng (đất bằng phẳng, trồng theo phương pháp: nước, phân, cần, giống).

Ruộng khô trồng lúa mì. Ruộng nước trồng lúa gạo. Ông già của tôi là dân ruộng ở Sa-Đéc (giữa Tiền-giang và Hậu-giang, vùng đồng bằng nam-bộ VN), nên tôi được biết sơ sơ về ruộng lúa, nhưng chưa bao giờ kinh nghiệm tay-lấm-chân-bùn như tổ tiên nông dân của mình. Tôi được sanh ra ở SàiGòn nên trở thành công dân; rồi ăn học cũng như lớn lên bên Mỹ, và khi đi làm việc kiếm cơm thì biến thành công nhân.

Ở bắc-bộ của quê hương ta, nhà quê có chữ ruộng rặc hay ruộng rạc để chỉ ruộng nước vì tiếng Việt cổ: rặc hay nắc có nghĩa là nước. Dân Tàu (gốc từ văn minh du mục phương bắc) khi giao lưu và học hỏi từ dân Ta (gốc từ văn minh nông nghiệp phương nam) về cách trồng lúa nước, đã gọi ruộng rạc thành ruộng lạc vì Tàu phát âm chữ r thành ra l. Dân Việt phát minh ra ruộng lúa nước được gọi tên là dân ruộng rạc (dân rạc), bị dân Tàu phương bắc đọc trại thành dân lạc, nên mới có chữ lạc dân (viết theo ngữ pháp Tàu, tĩnh từ đứng trước danh từ).

Tổ tiên Ta đã được gọi bằng dân Lạc-Việt, chữ Lạc viết hoa và trở thành danh từ riêng (proper noun). Lạc-Việt là bộ phận dân tộc còn sót lại của hệ thống dân Bách-Việt, các dân tộc Việt khác đã bị Tàu đồng hoá hoặc bị tiêu diệt. Lạc-Việt là tiên tổ của dân ViệtNam và dân ViệtNam là tổ tiên của các giống: Đức-Việt, Mỹ-Việt, Pháp-Việt, Úc-Việt, Ca-Việt, Nhật-Việt, Mông-Việt, Cu-Việt …. cả trăm thứ Việt khác nhau (đều cùng biết nói tiếng Việt) trong thời đại toàn-cầu-hoá của thiên niên kỷ thứ ba này; giống y như dưới thời Bách Việt có cả chục ngàn năm về trước với: Mân-Việt, U-Việt, Kinh-Việt, Dương-Việt, Điền-Việt, Âu-Việt và … Lạc-Việt!

Bạn đọc thân mến: chớ có nhắc/bảo tôi là cho xem nguồn gốc và xuất xứ của các lý lẽ trong bài viết này khi thấy tôi thuật lại gia phả của giòng giống mình. Đây là loại ký sự tản mạn, chữ nghĩa được trình bày theo kiểu phóng sự đường rừng, ghi chép lại theo lối đem tâm tình viết lịch sử. Bạn nào muốn thấu rõ nguồn gốc, ý nghĩa và ứng dụng của văn hoá nước nhà thì hãy tìm đọc sách Việt-Học Là Gì? (2010) cũng do tôi biên soạn qua mấy chục năm tha-hương-cầu-kiến. Sách có cả trăm thứ dẫn chứng, tài liệu tham khảo theo kiểu trường-quy và hàn lâm, đọc mệt nghỉ! Bây giờ xin mời bạn trở lại việc đi thăm làng quê SchornSheim.

Đi dạo một hồi, tới cái nghĩa địa nhỏ tí, có chừng bốn, năm chục cái mả, anh chị N&N hãnh diện cho biết: khi chết sẽ được chôn ở đây, vì nghĩa trang này chỉ dành riêng cho dân làng này, không cho người ngoài chen vào (hình giữa và phải, hàng hai, Hình 29). Kế sát bên là một phòng tang lễ nhỏ nhắn, sơ sài và mộc mạc; tôi nghĩ thầm: con người không có sự lựa chọn về khung thời-không mà mình được sinh ra, đến khi chết, với một may mắn tương đối vẫn có thể ao ước nơi mình được chôn cất. Từ nhà ra thăm mả chỉ dăm ba trăm thước, anh chị N&MN tính xa hay quá!

Dân Đức rất thích uống bia và rượu nho (rượu vang). Trong làng nhỏ này có nhà/hãng làm rượu Fauth-Hof đã ba đời làm rượu vang, nên chúng tôi quá bộ sang thăm. Tôi đang khát nước, chỉ mong sao có được một ly nước cốt nho (grape juice) thì hạn hán sẽ gặp mưa rào ….

3.2 Ghé Ngang Hãng Rượu

Vì hãng rượu Fauth Hof nằm ở cuối làng nên bảng Auf Wiedersehen (Hẹn gặp lại) của làng cũng được cắm bên cạnh đường ra vào hãng rượu (hàng trên, hình trái, Hình 30). Hãng rượu gồm hai dãy nhà lầu hai tầng. Lầu bên phải dùng làm nhà ở trọ cho khách vãng lai (giống như kiểu motel bên Mỹ). Lầu bên trái là nhà của hai gia đình cha con chủ hãng, hai tầng trên để ở, còn hầm làm rượu thì xây ngầm dưới mặt đất để giữ độ tươi mát (hàng trên, Hình 30). Bên ngoài trời đang nóng nực mà đi xuống hầm rượu mát thì đã lắm!

Ngang hông bên trái và phía sau dãy nhà là nguyên vườn trồng nho, tôi phỏng chừng 20 mẫu Mỹ (acres) diện tích. Ngang hông bên phải là cả một vườn rau cải và cây trái, có trồng thêm khoai tây, các loại củ và bông hoa (hàng dưới, Hình 30). Đúng là loại kinh tế tự túc, thức ăn uống đầy đủ dành cho cả chục gia đình chứ không phải chỉ riêng cho hai gia đình nhà chủ. Dân Đức kinh qua nhiều cuộc chiến tranh, nên làng quê là địa điểm sinh tồn lý tưởng, chưa cần phải ra chợ. Tôi lại nghĩ thầm: phải chi có thêm một đàn gà, vài ba con vịt (tôi lại nhớ đến món tiết canh) thì đủ bộ hình bóng quê nhà! Đang nghĩ vẩn vơ thì bị anh chị N&MN hối thúc đi xuống hầm thử rượu.

Hễ nói tới uống rượu là tôi nhớ ngay đến ông Sáu Nhỏ làm cu-li ở xóm tôi ngày xưa. Tên ổng là Nhỏ mà thể xác thì lại to! Tối ngày ổng say mèm, đi xiên đi xẹo, ngã qua ngã lại, đứng không vững chắc. Trong một tiếng đồng hồ, ông Sáu làm việc chừng 15 phút còn 45 phút thì dành để nhậu. Ổng chuyên nhậu rượu đế (sản phẩm làm từ gạo mà ra). Mẹ tôi thường hay cho tiền và khuyên ổng: “thôi anh Sáu bớt uống rượu đế đi, dùng cơm nước cho thật nhiều để dành sức khoẻ mạnh mẽ mà làm việc”. Ổng bèn ca một đường lã lướt, hết chỗ chê:

Rượu từ lúa gạo mà ra

Cho nên uống rượu cũng là ăn cơm!

Còn tôi thì thấy ổng đứng không vững, nên hay chọc: “Bác Sáu đi cho thẳng một chút coi, để con chụp hình bác đẹp trai, mai đăng lên báo tìm bác gái”. Ổng phùng mang trợn má, cãi lại: “mầy chọc quê tao hả? đường xá đầy lổ hủng, tao đi phải tránh né, nên xiên qua ngã lại là chuyện thường!”. Đúng là ổng đã xỉn rồi! Tội nghiệp, bác Sáu Nhỏ từ giã cõi đời khi chưa quá tuổi 45.

Hãng rượu Fauth Hof này tuy nhỏ nhưng rất sạch sẽ và tối tân. Điện lực dùng cho máy móc lấy từ công cộng và các tấm hút năng lực mặt trời (solar energy panels) gắn trên mái nhà (hàng trên, hình phải, Hình 30, mũi tên đỏ). Nhà nước Đức đã quyết định sẽ dần dần bãi bỏ các nhà máy dùng năng lực hạt nhân (nuclear energy) để tránh rủi ro nên đề ra nhiều chính sách giúp dân chúng sử dụng các phương tiện thiên nhiên khác.

Ông Johannes chủ hãng rượu ra chào đón chúng tôi và dắt đi thăm một vòng. Ông già thật dễ thương, tuổi đã trên 70 mà còn rất phương phi. Vợ chồng ông Johannes cùng gia đình anh con trai là Gnther khoảng bốn mươi mấy tuổi là chủ nhân của hãng rượu và khách sạn nhỏ (guest house). Cơ ngơi này được bắt đầu xây dựng từ đời cha mẹ của ông Johannes sau thế chiến thứ hai chấm dứt. Chính sách tiểu thương của nhà nước Đức đã hết sức hỗ trợ cho các thương hiệu tư nhân, giúp dân phát triển kinh tế và xã hội một cách tuyệt vời: rượu Fauth Hof vững bền!

Ông chủ giải thích cho chúng tôi nghe tiến trình trồng nho, làm rượu, thẩm lượng chất men, rồi đem ra thị trường cạnh tranh và tính toán thương mại lời lỗ, y như ông thầy kinh tế học đang luận bài. Nghe quá hay vì tôi còn dốt về rượu và cách buôn bán. Tôi chỉ mắc một cái dở là tửu lượng không được nhiều: nâng ly cho thật cao như màn biểu diễn, mà uống thì như mèo liếm! Ông chủ còn chỉ bảo thêm hai hệ thống bình chứa rượu, tạo trước và sau năm 1974. Tôi nghe như nước đổ lá môn, vô tai này ra tai kia. Đã nói là tôi không mạnh rượu mà! Tôi chỉ mua một chai nước cốt nho, uống rất ngon ngọt (không nồng độ) và vài cái ly làm kỷ niệm. Cảm ơn và bái bai ông chủ!

3.3 Thắng Cảnh MAINZ Dọc Bờ Sông RHEIN

Pháp có sông Seine, Đức có sông Rhein cùng chảy ra chung một biển. Sông Rhein chảy thật dài qua hai ba xứ và chia thành nhiều khúc. Anh chị N&N lái xe gần trăm cây số, chạy dọc theo bờ sông từ thành phố Mainz qua Binger Loch và Loreley thuộc khúc trung lưu. Chạy tới đâu thì dừng lại đi bộ thăm các thành phố nhỏ, hễ đói thì ăn và khát thì uống. Đi chơi trọn một ngày dài!

Thành phố Mainz là thủ đô của tiểu bang Rheinland-Pfalz, một trong 16 tiểu bang của Cộng hoà Liên bang Đức, và có dân số độ trên 200 ngàn dân. Trung tâm thành phố Mainz được xây dựng lại sau chiến tranh với một đường cẩn đá lót dài cắt ngang qua đường xe chạy để chỉ rõ toạ độ bằng vĩ tuyến thứ 50 (hàng dưới, hình trái, Hình 32). Mainz là quê hương của tổ sư nghề in đầu tiên châu Âu. Tên ông là Gutenberg và tượng đài kỷ niệm được đặt trong trung tâm thành phố.

Hồi thế chiến, thành phố lớn nhỏ gì của Đức cũng bị tàn phá. Khu nào may mắn chưa bị giật sập thì nay đã trở thành những di tích lịch sử, giữ được vẻ đẹp cổ kính, hấp dẫn du khách đến thăm viếng và chiêm ngưỡng. Khu phố cổ của thành phố Mainz còn sót lại nhiều căn nhà đã được cất cách nay hơn ba trăm năm (hàng cuối, Hình 33), trông rất lạ mắt!

Dọc bờ sông Rhein có nhiều thành phố nhỏ rất xinh xắn với nhiều con đường lót đá chật hẹp, ảnh hưởng của xây cất La-mã, nhưng thật sạch sẽ. Những dãy nhà gạch hai tầng san sát vào nhau: ăn ở tầng trên, cửa hàng hiệu buôn tầng dưới, thật là tiện lợi. Tôi chú ý đến một nhà thờ tróc nóc ở trên đồi (hàng giữa, hình phải, Hình 34, mũi tên đỏ). Hỏi ra thì mới biết nhà thờ bị dội bom tróc nóc trong thời kỳ chiến tranh và dân chúng điạ phương muốn giữ lại làm di tích lịch sử, nhớ nó mà chừa. Dân Đức đã bị đòn nhiều lần nên sợ chiến tranh lắm!

Hai ngàn năm về trước, đế quốc La-mã đã lấn chiếm toàn xứ Gaul (nay là Pháp) và tiến lên phương bắc để lấy xứ Germania, nhưng khi vươn lên tới sông Rhein thì bị các dân tộc Germania chận lại dọc theo bờ sông. La-mã đã gọi các bộ tộc này là dân mọi rợ (Germanic barbarian). Các sử gia Đức ngày nay gọi tổ tiên họ là dân tự do (Free Germania). Đến thời trung cổ của thế kỷ 14 đến 18, các lâu đài của những bang chúa độc lập được thiết dựng dọc theo bờ sông Rhein (mũi tên vàng, Hình 35). Trục thủy lộ theo đường sông Rhein rất quan trọng cho sự chuyển vận hàng hoá từ xưa cho đến nay (hàng nhì, hình phải, Hình 35). Tàu bè vượt qua ranh giới tiểu bang phải chịu đánh thuế. Sở thuế thủy lộ được đặt ngay giữa cù-lao trên dòng sông (hàng một, hình giữa, Hình 35), ai đi đường sông phải nộp-tiền-mải-lộ.

Chạy dài theo sông Rhein hết hơi! Ngày mai, chúng tôi sẽ viếng thăm thành phố Frankfurt …

3.4 Nhà Thờ St. Bartholomew’s Cathedral in Frankfurt AM Main

Tôi chuộng đi thăm chùa chiền và nhà thờ lắm! Đi thăm cảnh nhiều hơn là đi học đạo. Ở Frankfurt có nhà thờ chánh toà được xây cất rất công phu, tên là Thánh Bartholomew (Hình 34).

Tuy được gọi là nhà thờ chánh toà (cathedral), nhưng không có một giám mục nào cai quản, vì theo nghĩa chữ cathedral thì phải có vị giám mục chăm sóc. Nhà thờ được xây lên khoảng năm 680 nhưng chưa có nóc tháp (tower). Đến thế kỷ thứ 16 thì tháp mới được dựng thêm thành nóc thật cao, 95 thước cách mặt đất, và có cả thảy 328 bậc thang để leo lên. Để kỷ niệm công trình đồ sộ của nhà thờ này, mang ảnh hưởng đế quốc La-mã trên xứ Đức, nên dân chúng điạ phương đã vinh danh nhà thờ này thành ra cathedral (chánh toà).

Chúng tôi đi dạo một vòng để xem cảnh nhà thờ bên ngoài, trước khi bước vào bên trong chánh toà. Các chạm trổ trên nóc, trên tường nhà thờ thật là tinh vi, tỉ mỉ và sắc xảo. Ngó lên trên tháp cao thì mỏi cổ, nhưng ngó xuống cửa ra vào thì lòng cảm thấy dạt dào! Nhà thờ thấy rất uy nghi và trang nghiêm nhưng không có vườn sân và hoa cỏ chung quanh, thành ra có vẻ hơi trơ trọi. Bên kia lề đường, cách chỉ vài bước, là đủ thứ tiệm ăn hoặc thương hiệu bán quần áo.

Bước vào bên trong nhà thờ thì tôi cảm thấy toàn cảnh hơi tối, có lẽ vừa mới bị chói nắng bên ngoài. Chỉ có ánh sáng thiên nhiên xuyên qua các cửa kiếng và vài ngọn đèn điện nằm sát chân tường, hợp với nhiều ánh đèn cầy lung lay trên bàn thờ, là có thể dùng làm điểm tựa để đưa chúng tôi chậm bước trầm ngâm tiến sâu vào chánh điện (Hình 37).

Nhà thờ Công-giáo La-mã (Roman Catholics) chứa rất nhiều hình tượng giống như trong các chùa ViệtNam để tôn thờ các vị thánh/tăng. Trong khi ấy các nhà thờ Tin Lành (Protestants) thì đơn giản, nhỏ nhắn và mộc mạc hơn, vì không nhắm nhiều đến hình thức bề ngoài. Tư thế nào cũng có lợi điểm và thất điểm của nó. Khí hậu trong nhà thờ bằng gạch rất mát mẽ khiến cho khách thập phương cảm thấy khoẻ ra. Tôi vội ngồi xuống băng ghế cây, nhắm mắt tịnh tâm!

Năm phút sau, mở mắt dậy, tôi nhìn thấy cảnh vật chung quanh mình rõ nét hơn. Tôi mon men đến một bức tượng to lớn, cao gấp hai người thường, được dựng đứng ở bờ tường bên trái. Đó là tượng của Saint Bartholomew mà tên của Ngài được đặt cho nhà thờ này. Tượng trông rất uy nghi với đầu đội thánh miện, tay phải ôm cuốn Thánh Kinh và tay trái thì cầm phương trượng (mũi tên vàng, Hình 37). Hình tượng này nhắc nhở tôi liên tưởng đến hai việc: kinh sách và quyền bính.

Việc thứ nhất về kinh sách, Nho-học có căn dặn: học hành cần phải có kinh sách, nhưng nếu tuyệt đối tin vào đó như đinh đóng cột thì chẳng thà đừng có nó (tận tín thư bất như vô thư).

Việc thứ nhì về quyền bính, Phật-học có mẩu chuyện về lục-tổ Huệ-Năng đã rũ bỏ y bát tượng trưng cho quyền lực của giáo hội. Không có quyền bính thì không thể tổ chức lực lượng. Mà có nó quá nhiều, khi không thể kiểm soát và quân bình (check-and-balance) được, thì chắc chắn lạm dụng và độc tài sẽ hoành hành thao túng. Quyền bính đã thấm nhập từ đời cho đến đạo và ngược lại.

Tôi đi vòng qua phía tường bên phải của nhà thờ thì đến một phòng cầu nguyện. Trên bàn có chứa rất nhiều nến nhỏ đang cháy lung linh làm sáng tỏ một góc phòng. Chúng tôi bỏ một đồng EUR vào trong hộp khoá và châm đốt lên một ngọn nến, cầu sao cho thế giới, quốc gia và gia đình được luôn an bình. Ánh đèn chỉ sáng rõ được một góc nhỏ, tôi lại tiến dần vào khu giữa nhà thờ và ngước nhìn lên nóc vòm rộng lớn trên đầu (hàng dưới, hình thứ ba bên phải, Hình 37).

Vòm nhà thờ Công-giáo thường được xây theo kiểu lườn chiếc tàu của ông Noah lật úp, tượng trưng cho sự che chở của Đức Chúa Trời trong trận lụt hồng thủy với 12 cột nhà chống đỡ, tượng trưng cho 12 đại tông đồ theo chân Chúa Jesus. Tôi nghe mấy chuyện này hồi tôi còn bé khi đi theo Ông Ngoại tôi viếng nhà thờ SàiGòn. Ông tôi là người Ki-tô hữu khi còn là thanh niên, nhưng sau đó thì rời các tổ chức tôn giáo, chỉ giữ Chúa lại trong lòng. (Chuyện này dài và ly kỳ lắm. Vị nào muốn biết thêm về ông tôi, xin hãy tìm đọc bài ký sự Thăm Nước Pháp thì sẽ rõ).

Bà tôi thích đọc chuyện Tàu, còn ông tôi lại thích chuyện Tây. Tôi ở cửa giữa, nghe được thứ nào thì ngốn vô thứ nấy. Về chuyện ông già Noah thì nhiều sách vở, kể cả nhiều tôn giáo hay kể lại vụ ông thoát hiểm trận đại hồng thủy, vì thượng đế muốn tiêu diệt thế gian băng hoại này nên đã làm ra ngập lụt lớn, dâng nước nhận chìm tất cả. Chúa chỉ cho hai vợ chồng ông Noah và 3 cặp vợ chồng của con ông là Shem, Ham và Japheth đóng chiếc tàu thật to, rồi leo lên đó cùng muôn loài vật, mỗi thứ một cặp để được tồn tại sau cơn nước dâng. Thiên hạ xấu xa, các loại tà ma, là bị nước cuốn trôi tiêu hết. Chỉ còn lại mỗi gia đình của ông Noah là sống sót! Sau đó, 8 người (bốn ông cộng với bốn bà) tái tạo lại xã hội loài người tốt hơn. Hy vọng thế giới kỳ này, mong cho nhân loại sống đàng hoàng và tử tế hơn! Nếu chúng còn lạng quạng thì sẽ dâng nước nữa. Thiếu gì tsunami !!! Sóng tử thần dâng tới đâu, thiên hạ đi chầu Diêm-vương tới đó.

Ông tôi hồi thanh niên là người theo đạo Chúa, nhưng lại rành về Nho-học và bói toán. Ông cho rằng, đại-gia-đình gồm 8 người của Noah chính là cái bùa bát-quái đã hộ trì và cứu độ chúng sinh. Nghe thì lạ mà nghĩ sâu xa cũng có lý! Theo Nho-học: bát-quái là tám quẻ (càn-khôn/li-khảm/tốn-chấn/cấn-đoài) tượng trưng cho 4 cặp yếu tố đối (x)ứng tạo dựng nên xã hội con người và muôn loài. Quan niệm xã-hội này phát sinh từ nền văn minh nông nghiệp của vùng Đông-Nam-Á cả chục ngàn năm về trước. Phân tích và tổng hợp 4 cặp hằng số văn hoá–kinh tế– chính trị– giáo dục trong xã hội (determinantally social variables) là cả một nan đề trong xã-hội-học.

Hồi còn học trung-học (thế kỷ 20) ở ViệtNam, thầy dạy Việt-văn của tôi thường hay lập luận: Đông là Đông và Tây là Tây, mỗi thứ là một độc đặc, khó mà gặp nhau. Thầy tôi mất rồi, và tôi đang sống ở thế kỷ thứ 21, thế kỷ của sự toàn-cầu-hoá, tôi lại nghĩ đến cách so sánh đại-đồng-mà-tiểu-dị theo kiểu của ông Ngoại tôi về gia đình ông Noah và bát-quái. Đông và Tây vẫn có thể gặp nhau ở một điểm chung, để thấy rõ loài người có nhiều điểm lớn giống nhau. Dượng Năm tôi (chồng của Dì Năm, 1924-2013) là một tín đồ đạo Cao-Đài. Ổng hay nói: Dịch-Thánh đồng tông, Đông-Tây cùng gốc! Hồi đó, tôi không hiểu dượng tôi nói gì cả!

Giờ đây, ngẫm lại thấy dượng mình cũng hữu lý phần nào. Mình muốn thế gian hoà bình thì phải tìm và tin vào cái giống nhau (đại đồng) để còn đối thoại và kết nối. Chứ đi tìm cái khác biệt nhỏ nhoi (tiểu dị), rồi cứ cho mình ngon, mình thắng, và mô hình của mình là hạng nhứt thiên hạ thì có ngày sẽ thành nhức cư ! Mà hễ nói một cách vô lý thì dù có tiến sĩ cũng không cần nghe theo!

Chào tạm biệt nhà thờ, chúng tôi lội bộ qua công trường Rưmerberg nổi tiếng (Hình 38). Khu này thiên hạ đi chơi đông lắm. Dân Đức rất có kỹ luật. Ngoài nơi công cộng mà không cảm thấy ồn ào náo nhiệt mặc dù dân chúng đi đầy đường. Cùng một khung thời gian và cùng một số người tương đương hiện diện, nếu bạn ở bên Marseille (Pháp) thì độ dBA (cường độ đo âm thanh) sẽ cao hơn nhiều, và nếu bạn ở HồngKông (Tàu) thì được một chợ âm thanh hỗn loạn. Và nếu bạn ở “thành phố HCM ” (ViệtNam) thì sẽ có một độ ồn ào không thua gì ở HồngKông (bên hông Chợ Lớn) cộng thêm những tiếng chửi thề tục tĩu ngoài đường phố.

Vào thời trung cổ, khu Rưmerberg được thành lập dưới ảnh hưởng của giáo hoàng La-mã. Rưmer

tiếng Đức có nghĩa là Roman (người La-mã). Khu này đặc biệt dành cho tổ chức hội chợ, lễ lộc nên rất nổi tiếng. Chúng tôi đến nơi thì thấy rác giấy đầy sân, hỏi ra mới biết là có một buổi lễ chạy đua hay đi bộ gì đó vừa mới tàn cuộc.

Chung quanh công trường này còn nhiều di tích lịch sử như nhà Rưmer (thế kỷ thứ 15), đền thờ Alte Nikolaikirche (năm 1264) và tượng nữ thần công lý Gerechtigkeitsbrunnen (hàng hai, Hình 38) được xây ngay chính giữa sân rộng (năm 1543).

Tượng nữ thần, tay phải cầm kiếm tay trái cầm cán cân công lý, nhưng lạ là mắt không bị bịt lại như các tượng ở trong toà án mà chúng ta thường thấy. Tôi nghĩ thầm: cũng đúng thôi! ở trong toà thì cần bịt mắt để giữ tính vô tư và công bằng vì đã không thấy sự kiện. Còn đứng ở giữa chợ như nữ thần Justitia thì cần phải mở mắt ra và cây kiếm cầm phải to hơn để thấy cảnh xằng bậy ở đâu là chém ngay tới đó! Khác với cảnh hiệp sĩ mù nghe gió kiếm như trong phim Nhật-Bổn.

Chỉ cách thần công lý có vài bước là nơi mà đảng Đức-quốc-xã (Nazi) của hung thần Hitler đã đốt sách vở của các phe phái khác, không nghĩ như họ (năm 1933). Tưởng họ dữ chứ đâu dè họ sợ. Kẻ độc tài và bạo quyền thường hay sợ; sợ người khác nghĩ khác mình. Sau chiến tranh, dân điạ phương đã xây một tấm bảng bằng đồng, lộng trong sân đá lót gạch để ghi nhớ hành động đốt sách xấu xa, không phải của Nazi (hai hình trái, hàng cuối, Hình 38).

Ra khỏi công trường Rưmerberg vài dãy phố thì chúng tôi thấy cảnh sát sắp sửa chận một khúc đường lại, cắm bảng không cho xe hơi chạy ngang, để dành chỗ cho dân chúng tụ tập chơi trò chạy-trên-giày-trượt (roller skate). Thành phố Frankfurt làm tiền thiệt nhiều mà chơi thì cũng lắm! (ba hình phải, hàng cuối, Hình 38).

Chúng tôi bắt đầu bị kiến cắn bụng rồi. Mấy người bạn rủ đi qua bên kia bờ sông, cũng không xa công trường Rưmerberg, để đến một nhà hàng nổi trên sông có nhiều món nhậu đặc sản của dân Frankfurt. Tôi nghe bèn chịu liền. Ngon dở thì hậu xét. Đặc sản điạ phương là ưu tiên!

Muốn đi qua bờ bên kia thì phải đi ngang một cây cầu, dành đặc biệt cho khách bộ hành, và đặc biệt hơn nữa là cho những cặp tình nhân (Hình 39). Chuyện như thế này: mỗi cặp tình nhân khắc tên của hai người lên trên một ổ khoá, được xem như là con tim của tình yêu, và sau khi khoá ổ vào thành cầu vững chắc thì vứt chìa khoá xuống dòng sông sâu.

Úi chà! biết chừng nào cầu mới sập! Làm thể nào tìm cho ra chìa khoá con tim? Tình yêu của đôi ta là bất diệt: Thương em không biết để đâu

Khắc trên ổ khoá vứt chià xuống sông!
chứ không phải: Thương em không biết để đâu
Để trên nòng súng lâu lâu bóp cò!


3.5 Chiếc Cầu Mang Ngàn Khóa Tình Yêu (Eiserner Steg Love Bridge)

Đây là chiếc cầu bằng sắt (đúng ra là bằng thép). Dọc theo lan can hai bên bờ rào có cả ngàn ổ khoá, đủ mọi màu sắc, được khoá dính chùm vào nhau thành từng xâu. Mỗi ổ khoá thấy khắc tên của một cặp tình nhân, bằng đủ loại ngôn ngữ. Tôi cố tìm cho ra một ổ khoá có khắc tên bằng tiếng Việt, nhưng tìm hoài vẫn chưa thấy. Nguyên cây cầu dài, chứa đến cả ngàn tên, tôi tin thể nào cũng có cặp tình nhân người Việt cột vào đây. Nhưng nhiều quá, đếm không xuể! Chịu thua!

Úi dà! Tôi lại thấy tên hai anh chàng này Rdiger & Jưrg khắc trên một ổ khoá màu xanh dương thật là tình tứ. Chưa hết! Có một ổ khoá treo tòn ten trên đòn sắt cao khoảng năm, sáu mét (hình hai, hàng hai, Hình 39, mũi tên đỏ). Đúng là vì muốn biểu lộ sự yêu thương mà anh chàng nào đó

dám leo cao để treo trái tim mình trên nóc. Không biết cặp tình nhân này tên gì, vì đâu có ai cả gan dám leo lên cao mà đọc. Mà leo lên bằng cách nào? Nếu chàng có té thì chắc là khó sống, mà có sống thì chắc là cũng khó nuôi! Tôi bèn tức cảnh sinh tình, tặng cho anh chàng này 4 câu:

Thương em: cầu cao cách mấy anh vẫn phải trèo.
Dù trơn dù trợt anh leo tới cùng!
Có té xuống đất, nặng lắm, thì kể như khùng. Tuy khùng, anh vẫn muốn hun em!


3.6 Các Món Đặc Sản của Frankfurt

Frankfurt còn được dân địa phương gọi trại là Bankfurt, ý muốn nói thành phố này có nhiều ngân hàng (nhà băng, bank) cho sinh hoạt kinh thương. Đại thương lẫn tiểu thương. Đại thương thì đã có Ngân hàng Trung ương Liên-Âu đặt căn cứ tại Frankfurt lo liệu. Còn tiểu thương thì thiên hình vạn trạng. Trong các tiệm nhỏ bán tặng phẩm cho khách du lịch, tôi thấy hàng Made in Germany (làm tại Đức) bày bán cạnh tranh với các món nhập cảng của Made in China (làm tại Tàu). Dĩ nhiên giá hàng Đức mắc hơn hàng Tàu, nhưng nghệ thuật và phẩm chất của Đức cao độ hơn gấp bội. Đúng với câu tiền-nào-của-nấy! (hai hình đầu, hàng trên, Hình 40).

Ngồi dưới quán ăn nhìn lên trên bờ sông, tôi thấy một cặp chuyên viên tiếp thị (marketeers) ở trần. Vâng, họ ở trần! họ vừa đi vừa viết phấn xuống đường: tên của công ty truyền thông mà họ muốn quảng cáo (hình phải, hàng trên, Hình 40). Chắc cách quảng cáo này hiệu nghiệm lắm! Đói quá rồi, chúng tôi gọi thức uống và món ăn đặc sản của dân chúng Frankfurt ưa thích.

Thức uống là Apfelwein (apple wine, rượu táo), khoảng 6% độ rượu, nhẹ hơn bia, nhưng vẫn làm cho tôi ngây ngất. Xin thành thật khai báo: tôi uống rượu dở lắm, nói một cách y-học là tôi bị dị ứng với rượu; nhiều khi chỉ ngửi hơi rượu mạnh là đã ngà ngà rồi. Món ăn có tên là Handkse mit Musik màu trắng sệt (hand = cầm tay; ks = cheese, phó-mát; mit = với; musik = nghĩa đen là âm nhạc, nghĩa bóng là đánh rắm). Món ăn này là tổng hợp của ba thứ: nước giấm, hành tây và kmmel (gia vị vùng Trung-đông) trộn vào nhau bằng tay, toàn là những thức chua cay mùi đời, giống như ba loại nhạc khí cổ truyền cộng lại thành một ban nhạc hoà tấu không-giống-ai. Không xì ra hơi mới là lạ! (hình giữa, hàng dưới, Hình 40, mũi tên đỏ). Để tối nay xem tình hình tiêu hoá ra sao! Hy vọng tôi không sáng tác ra musik, để còn thanh tao đi thăm thành phố khác.

4. Thành Phố HANNOVER

Tôi đã ghé qua thành phố Hannover rất nhiều lần. Tôi cũng đã có dịp tiếp xúc và lắng nghe học hỏi từ các vị lãnh đạo thành phố này như các vị thị trưởng, nghị viên, vân vân. Nhưng khi nhắc đến thành phố Hannover thì tôi lại nhớ nhất về ba vị sinh sống ở đây: anh Sông Lô, anh Mài và anh Philipp Rưsler. Tôi đã trò chuyện cùng ba vị này rồi, có nhiều ký ức rất tốt đẹp và cộng thêm vài ba bài học, nên kể lại đây hầu các bạn:

4.1 Những ngày xưa thân ái

Sông Lô là bút hiệu của anh Lê Nam Sơn, một cựu sĩ quan pháo binh trong binh chủng Thủy-quân-lục-chiến của quân lực VNCH. Đơn vị của anh đã tử thủ Cổ Thành Quảng Trị. Sau năm 1975 anh bị tù tội bởi cộng-sản và vượt biển tìm tự do tại Tây-Đức. Anh Phạm Văn Mài là chiến sĩ bộ đội cộng-sản miền Bắc đã tấn công xâm lấn miền Nam vào năm 1972; trong trận đánh này, anh bị trọng thương vì bị pháo bên địch và giải ngũ sau đó. Anh Mài xin đi làm lao động khách cho Đông-Đức vào thập niên 1980 để sinh sống. Ở ngoại quốc, anh nhận thức về con đường ViệtNam trong mai hậu sẽ bị bế tắc vì nạn độc tài và tham nhũng, nên anh quyết định ở lại Đức khi bức tường Berlin sụp đổ và anh dấn thân trở thành nhà đấu tranh cho dân chủ.

Anh Sơn và anh Mài, hai người hai chiến tuyến, chưa bao giờ quen biết nhau hoặc được gặp mặt nhau trên đất nước ViệtNam trước 1975, nhưng trên xứ Đức thống nhất, hai anh đã có duyên và thuận dịp nên đã được họp mặt trong một buổi tiệc tại thành phố Hannover. Số là trong đêm văn nghệ tối hôm đó, anh Mài đã cống hiến bài hát đại chúng Những ngày xưa thân ái với giọng ca vàng, thật truyền cảm của anh:

… những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai
Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa
Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ
Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ ?...
(Nhạc và lời của Phạm Thế Mỹ, 1930-2009, điệu Boléro)


Chính bài ca này đã đem anh Sông Lô đến gặp anh Mài vì anh Sông Lô rất yêu thích và thường ca bài nhạc vàng này để kỷ niệm những người bạn trong quân ngũ đã vĩnh viễn ra đi trong chiến trận. Hỏi ra thì mới biết: hai anh đều có mặt trong trận đánh Cổ Thành đẵm máu hồi năm 1972. Và cũng có thể: vết thương vì bị pháo của anh Mài là đã do đơn vị của anh Sông Lô nã vào.

Hỏi ra thì lại được biết thêm: anh Mài thuộc sư đoàn 304 cộng-sản, anh đã tìm thấy bản nhạc Những Ngày Xưa Thân Ái trên đường xâm nhập. Anh Mài thấy quá hay, hợp với tâm trạng mình, nên đem ra hát cho các bạn khác nghe. Từ đây trên đất Đức, quê hương thứ hai, hai anh Sơn và Mài bỏ qua chuyện cũ, chuyện nồi da xáo thịt của hai phía tương tàn dành nhau chính nghĩa, để thấy rõ thực trạng đau buồn của ngày hôm nay là do tầng lớp lãnh đạo yếu kém dẫn đường, và hai anh đã ý thức được nhiệm vụ mới. Hai anh đã trở thành cặp song ca Đức-Việt của thời cuộc. Ca sỉ, không còn là ca lẻ nữa!

Hai anh Sơn & Mài đã đi giúp vui văn nghệ cho bà con khắp vùng Đức quốc, được đồng bào ta nhiệt liệt ủng hộ và lan ra các xứ Liên-Âu khác nữa. Người Việt ủng hộ hai anh, một phần vì giọng ca trìu mến và điêu luyện của hai anh, phần khác do ý nghĩa và giá trị hơn, vì một tình bạn khắn khít mới ra đời bởi sự nhận thức cho con đường dân-chủ-hóa ViệtNam. Tình bạn mới không từ những quá khứ đau buồn, không có sự tự do lựa chọn khi được sinh ra tại bắc hay nam, giữa cộng-sản hay cộng-hoà, mà từ hoạt động làm chính sự vì dân chủ của hai anh cho tương lai:

… những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai
Anh còn gì cho tôi tôi còn gì cho anh
Chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù
Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho anh.
(Nhạc và lời của Phạm Thế Mỹ, 1930-2009, điệu Boléro).


Tương lai của ViệtNam là làm sao để không còn nghe tiếng nói độc tài đảng trị, giọng tham nhũng tràn lan và lời nguyền rủa bởi ngoại bang lấn áp. Tiếng hát của cặp song ca Sông Lô-Mai Huyền, người Đức-Việt, đã làm cho toà đại sứ Việt-cộng sợ hãi không dám cấp giấy chiếu khán cho anh Lê Nam Sơn về thăm quê hương; và lại nghiêm cấm không cho anh Phạm Văn Mài được ra khỏi phi trường Nội-Bài (Hà-Nội), mới vài năm về trước, do lịnh của công an khi anh Mài muốn về thăm sinh nhật một đồng đội cũ, người cựu chiến binh cộng-sản đang lâm trọng bịnh.

Tôi may mắn, có dịp đã nhìn thấy sự trình diễn của hai bạn đôi năm về trước trong một cuộc sinh hoạt vui vẻ của cộng đồng cư dân Đức-Việt ở Hannover. Xin trân trọng ngã nón chào đón hai bạn Sơn Mài, và khe khẽ hát theo: … những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai… !

(Xem thêm chi tiết: http://tqlcvn.org/thovan/van-ngayxua-thanai.htm).

4.2 Ông ấy là đảng trưởng của chúng tôi !

Philipp Rưsler là một người Đức hoàn toàn, từ trái tim cho đến đầu óc, ngoại trừ cái xác ViệtNam. Chỉ vì có cái xác Việt mà nhiều người Việt cảm thấy tự hào vì thấy có một ông Phó thủ tướng, người-gốc-Việt, cho một cường quốc của Liên-Âu. Nhưng khả năng của anh Philipp này tài giỏi đến độ nào mà dân Đức, một dân tộc tự hào về giống nòi của mình, đã tin dùng để cho Philipp Rưsler trở thành Phó thủ tướng? Tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với ông và những người cộng sự của ông, nên thấy được một vài điều lý thú.

Trong kỳ bầu cử quốc hội của xứ Đức tháng 9 vừa qua, kết quả thắng thế của các chính đảng được liệt kê theo thứ tự như sau: đảng FDP (Tự Do Dân Chủ, 4.8%), đảng Xanh (Grnen, 8.4%), đảng Tả (Linke, 8.6%), đảng SPD (Dân Chủ Xã Hội, 25.7%), và đảng CDU/CSU (Liên Minh Dân Chủ Cơ Đốc, 41.5% của bà Thủ tướng Angela Merkel). Anh Philipp Rưsler là đảng trưởng của đảng FDP và về chót, nên hết làm Phó thủ tướng.

Ba năm về trước (2010), tôi tham dự một buổi tiếp xúc của anh Philipp do Bộ Y-tế xứ Đức tiếp đón phái đoàn công dân Đức-Việt về sách lược của nhà nước. Anh Philipp cao lớn, mới có 37 tuổi, vóc dáng bảnh trai như tài tử Hollywood của Mỹ. Anh ta nói lưu loát Anh-văn khi gặp gỡ chúng tôi.

Tôi không quan tâm lắm về các câu hỏi chính trị, kinh tế hay y tế như các bằng hữu khác đã đặt, mà tôi lại muốn hỏi một câu mang tính xã-hội-học. Buổi họp dự định là một tiếng đồng hồ. Mới được nửa tiếng là anh Philipp phải vội vã rời khỏi phòng họp để đi tiếp đón một vị lãnh tụ ngoại quốc khác theo yêu cầu đột xuất của Bộ Ngoại-giao Đức khẩn báo. Tôi cụt hứng vì chưa kịp đặt câu hỏi. Nhưng không sao, vì anh Philipp còn để lại bốn vị thuộc hạ thân tín trong Bộ Y-tế để tiếp đón và trò chuyện cùng nhóm chúng tôi cho hết nửa tiếng còn lại.

Tôi hỏi: theo sự nhận xét của tôi, có hai dân tộc hùng cường trên thế giới, châu Á có Nhật, châu Âu có Đức, hai xứ này khó có thể cho phép người ngoại tộc (không phải dân Đức chính cống) lên ngồi cương vị lãnh đạo trong giới sinh hoạt chính trị giòng chính; tại sao lại có trường hợp ông Philipp Rưsler lên làm Bộ trưởng của Đức quốc?

Anh phụ tá của Philipp Rưsler trả lời tôi một cách ngoại giao, khôn khéo và nhỏ nhẹ: luật căn bản hiến định của xứ tôi cho phép vị Thủ tướng (lãnh tụ chính đảng đa số, bấy giờ là bà Angela Markel) mời chọn vị lãnh tụ chính đảng thiểu số làm Phó để làm quân bình sinh hoạt chính trị cho nhà nước. Đa số hợp tác với thiểu số để cùng nhau xây dựng xã hội. Rồi anh ta lại bồi tiếp: anh có biết không? Ông Philipp Rosler chính là đảng trưởng của chúng tôi!

Tôi vẫn chưa hiểu đa số cùng thiểu số xây dựng xã hội là như thế nào? Khi gặp lại các bạn Dương Hồng Ân, Trần Mỹ Nga thì được các vị chỉ bảo thêm: Sau cuộc bầu cử quốc hội và thủ tướng, chỉ những đảng phái đạt được trên 5% trong số cử tri đi bầu mới có cơ hội có chân trong quốc hội (thượng nghị viện) và tham gia chính quyền. Trong lần bầu cử năm 2009, đảng FDP của Rưsler đạt được tỷ lệ trên 11%, với đảng trưởng là Udo Westerwelle, đảng FDP đã được mời vào đứng chung trong liên minh CDU/CSU để thành lập nội các. (CDU/CSU tuy đạt được đa số cử tri so với những đảng khác nhưng vẫn chưa đạt được tỷ số trên 50% của tổng số cử tri nên bắt buộc phải liên minh với một đảng khác để có được đa số trong quốc hội). Ông đảng trưởng của đảng thiểu số trong liên minh cầm quyền thường được ủy nhiệm chức vụ Phó thủ tướng và giữ chức Bộ trưởng bộ ngoại giao. Một năm sau (2010), nội bộ FDP lủng củng, Udo Westerwelle phải nhường chức đảng trưởng FDP cho Phillip Rưsler, và Westerwelle chỉ còn giữ chức vụ Bộ trưởng ngoại giao trong nội các của Merkel. Trở thành đảng trưởng của FDP, Rưsler đương nhiên đảm nhận chức vụ phó thủ tướng, thay Westerwelle.

À, thì ra thế! Hễ lên làm được đảng trưởng hay trong hàng lãnh đạo cao cấp của chính đảng thì có thể trở thành lãnh đạo nhà nước vì hiến pháp vận hành của xã hội Đức phải tuân thủ làm theo. Đức là một quốc gia dân chủ, cấp tiến và pháp trị. Câu hỏi mang tính xã-hội-học của tôi hơi bị lỗi thời vì nó thiên về tâm lý nòi giống hơn là chính trị thực dụng. Luật căn bản 1949 được xem như bản hiến pháp hiện hành của xứ Đức, đã cho phép Philipp Rưsler, một đảng trưởng của đảng thiểu số trở thành vị Phó thủ tướng đầu tiên, người châu Á nói chung và Đức-Việt nói riêng, trong chính trường Đức.

Bài học làm đảng trưởng này cứ lảng vảng trong đầu óc tôi. Tôi, một công dân Mỹ-Việt, già quá-đát rồi, lại không khoái làm lãnh tụ chính trị, cũng không thích tham gia chính quyền, nhưng ước vọng là làm sao cho con cháu người Mỹ-Việt của chúng tôi có thể lên làm đảng trưởng hay có chân trong giới lãnh đạo đảng phái của Mỹ. Tại sao không? Chính đảng đa số cũng được, mà đảng thiểu số thì càng hay, vì Mỹ có hơn 40 đảng hiện hành (hệ thống đa đảng). Đảng nhỏ dễ leo lên cao hơn đảng lớn.

Xứ Mỹ là xứ dân chủ, cấp tiến và pháp trị, nhất là chính trị thực dụng, đâu có thua gì xứ Đức. Leo lên làm đảng trưởng rồi, thì khi Mỹ-vàng (nói riêng cho Mỹ-Việt) ra tranh cử tham chánh sẽ kéo theo đảng viên Mỹ-trắng, Mỹ-đen, Mỹ-nâu ủng hộ. Đâu có khó gì! Các bạn đã thấy chưa? Chúng tôi đã rất tự hào về vị Tổng thống Mỹ-đen đầu tiên trong lịch sử Hoa-Kỳ.

Tôi biết có một số bạn Mỹ-Việt đã không có bầu cho Barack Obama vì nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Một tiêu chuẩn quan trọng là bạn thuộc về đảng đa số Cộng-Hoà hay Dân-Chủ. Tôi không phải là đảng viên của Dân-Chủ hay Cộng-Hoà, nhưng tôi thấy anh Obama ngon lành theo tiêu chuẩn chủ quan của tôi, nên tôi đã bầu cho ổng. Nếu ổng tệ thì 4 năm sau, tôi sẽ bầu cho vị khác. Nếu bạn là đảng viên Cộng-Hoà hay thiên về Cộng-Hoà thì xác suất cao là bạn không muốn bầu cho Obama vì anh ta thuộc đảng Dân-Chủ. Để tôi hỏi bạn câu này: Xứ Mỹ là lưỡng đảng hay đa đảng? Tại sao cứ để lưỡng đảng Cộng-Hoà hay Dân-Chủ chiếm trọn não trạng của chúng ta?

Tôi cũng biết có một số công dân Mỹ-Việt ra sinh hoạt chính trị, nghĩa là ra tranh cử để tham gia lãnh đạo chánh quyền. Hệ thống chính trị Mỹ có 5 cấp được đem ra bầu cử, từ cao xuống thấp: 1. Liên bang (Federal); 2. Tiểu bang (State); 3. Quận hạt (County); 4. Thành phố (City), và 5. Khu vực (District). Leo lên cấp 1 có ông Cao Quang Ánh làm được một thời. Leo lên cấp 2 có ông Trần Thái Văn (California) và Hubert Võ (Texas). Leo lên cấp 3 có cô Janet Nguyễn (Nam Cali). Leo lên cấp 4 có Madison Nguyễn (San José, CA); Tạ Đức Trí, Andy Quách (Wesminster, CA) vân vân. Đại khái là như thế! Tôi không có danh sách đầy đủ. Chỉ có một điều dễ thấy là, các ông bà chính trị gia này, một là đảng viên đảng Cộng-Hoà, hai là đảng Dân-Chủ.

Cộng-Hoà (Republican) và Dân-Chủ (Democrat) là đảng đa số. Không có mạng Mỹ-Việt cầm quyền nào thuộc đảng thiếu số. Chính trị gia Mỹ-Việt chỉ là đảng viên tầm thường, chỉ mong được lòng của đảng để tranh thủ sự ủng hộ của đảng lớn, đưa mình ra tranh cử cho chắc ăn. Não trạng chỉ là hạng ăn theo, chứ chưa dám chủ động. Chủ động phải là đầu đảng như làm đảng trưởng hay trong ban tham mưu lãnh đạo đảng. Phong thái lãnh đạo theo đảng lớn chỉ là trông cậy vào tá-lực (nhờ vào sức người khác), mà quên đi xây dựng nội-lực (sức của chính mình).

Anh Trần Thái Văn có lần được tham mưu của đảng Cộng-Hoà đề cử ra tranh cử cấp 1 (dân biểu liên bang) sau khi có kinh nghiệm đã làm dân biểu tiểu bang (cấp 2). Anh Mỹ-vàng chạy đông chạy tây đến các cộng đồng Mỹ-Việt để gây quỹ ra tranh cử. Nhưng không dè mấy tuần sau, ban tham mưu đảng lại kêu anh rút vào và đưa một tay Mỹ-trắng khác ra thay thế. Sao kỳ vậy? Nếu anh TTVăn có chức sắc cao trong đảng thì chắc mấy tay khác không dám động đến. Đằng này vì không có nội-lực thì phải chịu thua thôi! Dựa vào nó, thì nó bảo ra, kêu vào là phải rồi!

Bài học bên Đức của đảng trưởng Philipp Rưsler có thể quý giá cho các chính trị gia Mỹ-Việt trong tương lai. Xứ Mỹ còn có 3 đảng lớn thứ ba là: Constitution Party, Green Party of The U.S. và Libertarian Party. Vào đảng nhỏ để tạo chủ lực rồi từ từ leo lên. Chưa hết đâu! Còn chừng 42 đảng khác nữa. Các bạn có thể vô mạng này mà xem (http://www.politics1.com/parties.htm), nhưng nhớ đừng dại dột mà đút đầu vô mấy đảng cộng-sản cóc con để làm đảng viên. Xứ Mỹ là xứ dân chủ thứ thiệt, nên pháp luật cho phép cộng-sản thành lập chính đảng, nhưng dân Mỹ (Mỹ-trắng, Mỹ-đen, Mỹ-nâu và Mỹ-vàng) không ai chịu theo hết. Chỉ còn Mỹ-dốt là hoan hô cộng-sản! Ông bà mình dạy: Thà làm đầu con rít,

Còn hơn làm đít con rồng.

Chúng tôi chuẩn bị từ giã Hannover sau hai ngày viếng thăm. Xin ghi lại dăm ba tấm hình lưu niệm (Hình 41).

5. Made-in GERMANY:

Con đường Liên-Âu – Thâu cả châu về một mối

Để kết luận chuyến đi du lịch/học lần này, tôi dùng khung thẩm định văn-kinh-chính-giáo trong Việt-Học để áp dụng khi phân tích xã hội xứ Đức. Dĩ nhiên, khung xã hội này rất tổng quát và đơn giản, nhưng mặt khác nó có thể giúp chúng ta dễ hiểu vấn đề hơn. Có bạn sẽ cho rằng: còn rất nhiều thành tố sinh hoạt xã hội khác cần phải kể thêm, ngoài bốn mặt văn hoá, kinh tế, chính trị và giáo dục; thí dụ như luật pháp, quân sự, y tế, khoa học, nghệ thuật, văn học, triết lý. Đúng thế! Bạn còn có thể kể thêm cả chục mặt sinh hoạt quan trọng khác nữa.

Nhưng nếu dài giòng văn tự để kể hết các mặt sinh hoạt, lớn và nhỏ trong xã hội, thì chúng ta đang làm công việc phân loại (classification). Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa các thành phần hỗ tương trong xã hội với nhau. Đó là công việc hệ-thống-hoá (taxonomy, systematics). Thí dụ: luật pháp và quân sự có thể đứng chung dưới dàn chính trị; y tế và khoa học cho đứng chung trong kinh tế; còn nghệ thuật, văn học đặt dưới trướng của giáo dục; và triết lý có thể ở trong mặt sinh hoạt văn hoá. Điểm quan trọng là sự liên hệ giữa các mặt sinh hoạt xã hội này cần đi theo các nguyên lý vận dụng vạn-vật-đồng-nhất-thể như tứ-linh, ngũ-hành, bát-quái mà văn minh nông nghiệp của phương Đông đã phát kiến để ơn ích cho loài người từ trước.

5.1 Về văn hoá

Tuy bị Hy-lạp-hoá và La-mã-hoá như các nước Tây-Âu khác trong quá khứ, nhưng vì ở xa và bị ảnh hưởng sau, nên Đức quốc đã chọn thế đứng riêng và thoát ra khỏi gọng kìm bị ngoại-hoá một cách tương đối. Vào thế kỷ 18, nước Phổ (tiền thân của nước Đức ngày nay) đã thiết lập nên một nền văn hoá dân tộc Đức độc đặc, tương sánh với các cường quốc khác của châu Âu. Thế kỷ 19 và 20 tiếp theo là sự đóng góp của Đức vào nền thịnh vượng chung của Tây phương trên các mặt triết học, khoa học, nghệ thuật và kỹ thuật.

Thất bại trong hai cuộc thế giới đại chiến cũng là bài học tốt cho nền văn hoá của Đức tránh khỏi hầm tai vạ bởi tinh thần dân tộc độc tôn và quá khích, nếu có, trong tương lai. Dân Đức và nhà nước đã hoan nghênh và chào đón Đức Đạt-lai Lạt-ma của Tây-Tạng lưu vong mà không e dè về sự hăm he chống đối của nhà nước bá/bạo quyền Trung-cộng. Dân Đức đã không muốn thấy lại cảnh một dân tộc lớn mạnh đi ức hiếp một dân tộc yếu kém và hiền hoà.

5.2 Về kinh tế

Sau thế chiến (1945), tuy bị chia đôi bởi thế giới tư-bản và cộng-sản được dẫn đầu do Mỹ và Nga trong cuộc chiến tranh lạnh, nhưng Tây-Đức đã phục hồi nhanh chóng và thống nhất với Đông-Đức một cách hoà bình, phi vũ lực (1990). Nhờ kinh qua sự khó khăn của thời kỳ chiến tranh và với tinh thần chịu đựng bền bĩ, kinh tế nước Đức đã phục hồi và tăng trưởng vượt bực nhờ các sách lược tiết kiệm và đầu tư thay vì chỉ biết chăm chú nhiều vào tiêu thụ như các nước khác.

Kinh tế của Đức hiện nay được dùng làm trụ cột cho thị trường chung của chợ Liên-Âu. Một mặt, Đức giữ cho nước mình được bền vững, mặt khác Đức hỗ trợ và giúp đỡ cho các quốc gia thành viên khác thoát ra khỏi các cuộc suy trầm kinh tế vì tiêu xài quá mức như Hy-lạp, Tây-ban-nha, Ý … Đức không những chỉ biết lo riêng cho mình mà còn biết bảo vệ sự toàn vẹn của nền kinh tế Liên-Âu (chợ Tây) để tranh thương cùng chợ Mỹ, chợ Tàu và nhiều chợ nhỏ khác.

Giá trị của đồng EUR không thua kém gì đồng USD trên thương trường quốc tế (Hình 42). Hai bức tượng đồng qua hình dáng của con bò mộng (bull) và con gấu (bear) tượng trưng cho hai trạng thái tiến công và thoái thủ trong thị trường tài chánh ở trung tâm ngân hàng Frankfurt, dùng để ám chỉ sách lược kinh tế nhịp nhàng của Liên-Âu.

5.3 Về chính trị

Nhân dân Đức đã trải qua kinh nghiệm giữa hai chủ nghĩa tư-bản và xã-hội, nên sau chiến tranh đã ý thức đến giá trị và con đường nhân bản. Luật căn bản 1949, được đặt ra sau chiến tranh, đã nhấn mạnh về nhân phẩm con người với 20 điều luật về nhân quyền và dân chủ xã hội, và biến thành bản hiến pháp cho Cộng hoà Liên bang Đức quốc sau cuộc thống nhất Đông và Tây-Đức.

Nội dung của bản hiến pháp Đức hiện nay là một nối dài về dân chủ đại nghị như của nước Anh và tổng hợp về hiến định phân quyền thực dụng của nước Mỹ. Nhưng đây chỉ là (nghệ) thuật chính trị. Còn lý (tưởng) chính trị của nước và dân Đức là tiến tới xây dựng một tổ chức toàn cầu chân chính và nhân bản hơn để đưa loài người tới mơ ước thiên hạ thái bình.

5.4 Về giáo dục

Một mặt, phương pháp giáo dục phải tạo điều kiện cho cá nhân phát triển tột bậc trong nghiên cứu và sáng tạo, nhưng ở mặt khác, sách lược về giáo dục phải xã-hội-hoá được toàn dân trong ý thức trách nhiệm của người dân đối với trời, đất và người. Giáo dục của nước Đức đã đi hàng đầu trong hướng giáo dục cộng đồng (đại học hai năm) và môn công dân giáo dục. Thẩm định mặt sinh hoạt giáo dục không phải chỉ trên căn bản học-vị/thuật mà còn ở sự rèn luyện nhân cách. Các thành phố Đức chúng tôi có dịp đi ngang qua đã cho thấy ảnh hưởng quan trọng của đức tính người công dân như tính tự trọng cá nhân và sự an toàn trong xã hội.

Tóm lại, xuyên qua 4 mặt sinh hoạt văn-kinh-chính-giáo của xã hội Đức, nhân dân và nhà nước xứ Đức đã chứng tỏ khả năng hiện thực mang tính liên-lập để giữ vững sách lược phát triển một cách quân bình và vững bền hơn. Không những giữ vững cho riêng quốc gia mình mà còn cho toàn khối Liên-Âu hầu tạo thế ba-chân-vạc cho tiến trình hoàn-cầu-hóa trong thế kỷ 21.

Chân Thành Cảm Tạ Quý Ông Bà và Quý Anh Chị Đã Giúp Sức Cho Chúng Tôi Trong Chuyến Sinh Hoạt Việt-Học Hè 2013 tại Pháp Quốc và Đức Quốc

Gia đình Nguyễn Quốc Nam. Lâm Hoàng Tùng. Gia đình Trần Phước Lý

Dr. Nguyễn Văn Trần. Bùi Đình Đại. Thu Sương & Lam Sơn 719

Gia đình Nguyễn Gia Kiểng. Dr. Nguyễn Thành Khương

Phạm Đức Bình. Dr. Thục Quyên. Bùi Lộc. Hồ Thành Công và Nhóm 008

Dr. Dương Hồng Ân. Vũ Ngọc Yên

Gia đình Vũ Đình Hải. Lâm Đăng Châu. Sông Lô. Phạm Văn Mài

Phạm Quốc Phong. Phạm Quốc Phương. Dr. Nguyễn Mạnh Hùng

Gia đình Trần Mỹ Nga & Nguyễn Hữu Nghĩa

và nhiều bạn khác chưa nêu tên.

BÀI KÝ SỰ NÀY KÍNH TẶNG HƯƠNG LINH

Giáo Sư PHẠM NGỌC ĐẢNH (1936 – 2011)

Thầy cố vấn của Hội Ái Hữu Pétrus Trương Vĩnh Ký – Âu Châu

HẾT

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.