Viện Khổng Tử sẽ mở cửa tại Hà Nội... Có gì để lo ngại? Việt Nam
sẽ bị đồng hóa sớm? Thanh thiếu niên sẽ mê Tàu hơn Ta? Hay chỉ đơn
giản là tìm hiểu văn hóa quốc tế, để tạo nền hòa bình thế giới?
Đúng là có nhiều nỗi lo. Thậm chí, khổng lồ như Mỹ mà cũng sợ các
Viện Khổng Tử. Báo Tuần Việt Nam trong bản tin tựa đề “Đằng sau cọ
xát Mỹ - Trung về Viện Khổng tử” ngày 30/5/2012 (nghĩa là, mới năm
ngoái) đã kể chuyện Mỹ trục xuất 600 giảng viên Viện Khổng Tử
Bản tin năm ngoái của Tuần Việt Nam viết:
“Có lẽ sự "cọ xát" giữa hai cường quốc Mỹ-Trung đã đụng
chạm đến điều thuộc về bản chất: văn hóa. Trong một động thái có
liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa yêu cầu hàng chục giảng viên thuộc
Viện Khổng tử Trung Quốc tại Mỹ phải về nước không muộn hơn ngày
30/6 năm nay (2012).
Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuyển đề nghị này đến các trường đại học Mỹ
nơi có Viện Khổng tử hoạt động. Theo tường thuật của tờ China Daily,
phía Mỹ cho rằng những giảng viên Trung Quốc đến Mỹ dưới dạng thị
thực trao đổi học thuật (J-1) để dạy cho học sinh cấp tiểu học và
trung học cơ sở đã vi phạm quy định của luật di trú Mỹ. Nếu các
giáo viên này muốn tiếp tục dạy học tại Mỹ họ phải về nước và
nộp đơn xin một loại thị thực khác.
Theo đề nghị có phần bất ngờ này, 51 trong số khoảng 600 giảng viên
Trung Quốc đang làm việc cho nhiều Viện Khổng tử tại Mỹ phải về
nước trong tháng 6. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
cho biết hai bên Mỹ-Trung đang trao đổi và tham vấn với nhau về vấn đề
này. Hội sở của Viện Khổng tử tại Trung Quốc cho rằng những giáo
viên này đều được lựa chọn kỹ lưỡng bởi cả hai bên và họ đều đã
trải qua quá trình đào tạo "đặc biệt"...”(ngưng trích)
Đó là nỗi lo hồi năm ngoái, của chính phủ Mỹ.
Năm nay, 2013, cũng có nỗi lo của Ta, nhưng không phải của nhà nước Hà
Nội, mà là từ trí thức Bắc Hà.
Đài RFI trong cuộc phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện
Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội, trong bản tin phát thanh hôm Thứ Hai 21/
10/2013.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã nêu lên những nguy cơ tiềm ẩn từ Viện
Khổng tử sẽ được thành lập ở Việt Nam, trích:
“...Theo tôi biết, trên thế giới hiện đã có hơn 40 nước có tổng cộng
hàng trăm Học viện Khổng tử. Riêng Thái Lan thì đã có 13 Học viện
Khổng tử. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nét tương đồng nhau
về mặt văn hóa và gần đây là người ta có nhắc đến tương đồng về
chính trị, nhưng đến bây giờ mới xúc tiến mạnh việc thành lập Viện
Khổng tử ở Việt Nam. Theo tôi biết, học viện này sẽ được đặt trong
Đại học Hà Nội (Đại học Ngoại ngữ cũ).
Từ khi nhận được tin này, những nhà nghiên cứu, những nhân sĩ, trí
thức rất là lo lắng. Lo lắng nhiều hơn là vui mừng. Nhiều nước đã
đặt các học viện, các trung tâm văn hóa ở Việt Nam, nhưng những học
viện, những trung tâm đó không gây lo ngại nhiều như Học viện Khổng tử
này. Lý do là vì trong người dân Việt Nam luôn thường trực một tinh
thần phản kháng, một sự tự đề kháng đối với văn hóa Trung Quốc,
mặc dù là tư tưởng của Khổng tử, các thiết chế, mô hình Nhà nước
theo kiểu Nho giáo của Khổng tử đã có mặt trên đất nước Việt Nam từ
rất lâu rồi.
Chúng tôi rất lo lắng bởi vì Viện Khổng tử này chắc chắn không phải
được lập nên để tuyên truyền về giáo lý, tinh thần triết học hay
cuộc đời và sự nghiệp của Khổng tử, cũng như về Nho học: Nhân, Lễ,
Nghĩa, Trí, Tín, Tam Tòng Tứ Đức...
...RFI: Nhưng trong sự xâm lăng văn hóa này phải chăng cũng có sự tiếp
tay của các lãnh đạo văn hóa, đã cho chiếu quá nhiều phim ảnh Trung
Quốc trên truyền hình quốc gia, đến mức giới trẻ Việt Nam bây giờ
thuộc sử Tàu hơn là sử Việt?
Đúng là bây giờ trẻ con cấp 1, cấp 2, cấp 3 thuộc sử Tàu hơn là sử
Việt. Văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng rất nhiều đến ngôn ngữ thường
ngày của các em. Sóng truyền hình Trung Quốc tràn lan như vậy. Không
những thế các bộ phim của cũng thế. Chúng ta thấy rằng là năm 2010,
phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tức là phim Đường tới thành Thăng
Long, từ kịch bản, đạo diễn, cho đến diễn viên và vai quần chúng,
cũng như bối cảnh, hậu kỳ, trang phục đều là do người Trung Quốc
làm.
Bộ phim mang tính phản văn hóa như vậy cho nên các nhà nghiên cứu, các
học giả đã yêu cầu không được chiếu bộ phim đó trong đại lễ 1000 năm
Thăng Long. Về sau người ta mới phát hiện bộ phim đó không chỉ mang
tính phản văn hóa, mà còn phản quốc, vì những nội dung lịch sử đã
bị bóp méo và làm sai lạc...”(ngưng trích)
Phản quốc? Phản văn hóa? Bộ phim Ngàn Năm Thăng Long của Ta đưa qua Tàu
quay phim, bị bóp méo thành phản quốc, phản văn hóa...
Trời nào mà chịu nổi như thế? Ai bảo không lo đâu?
Chính phủ Mỹ còn lo nữa, huống gì Ta?