Bạn,
Theo báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, cảnh trí và những khu nuôi thú trong Thảo cầm viên Sài Gòn ngày càng “xuống cấp”, hầu hết du khách vào thăm Sài Gòn đều than phiền điều kiện sống mất vệ sinh, mùi hôi thối xông ra từ các chồng thú của “những con thú sao mà ốm quá”. Các chuồng nuôi cọp, sư tử, hươu sao, nai cà tông luôn có mùi khai khăng khẳng của nước tiểu, phân thú và thức ăn tươi sống bị thối rữa. Đặc biệt, ở chuồng nuôi hà mã, mùi hôi cứ xông thẳng vào mũi khách thăm. Không ai không ngán ngẩm khi những chú hà mã nặng hơn 2.5 tấn đang lặn hụp trong cái hồ chỉ rộng hơn gấp đôi thân hình của chúng. Nước trong hồ lợn cợn bã phân bị tan ra bởi những lần vùng vẫy của chú ta và bất cứ chỗ nào trong chuồng cũng dính đầy phân hà mã. Mùi hôi phát ra từ đây như bức tường “thép” đã đẩy lùi du khách khi muốn thăm.
Đến thăm Thảo cầm viên, phóng viên báo TT ghi lại rằng toàn bộ của khu chuồng khỉ trước kia rộng chưa đến 80 m 2, nay đã được ngăn ra làm hai. Khoảng chuồng rộng nhất cũng chỉ hơn 50 m2 nhưng được dùng làm nơi ở cho tám loài chim khác nhau như: đại bàng đầu trọc, đại bàng bụng trắng, diều núi, ó cá, diều hoa, niệc mỏ vằn, hồng bàng, kên kên Ấn Độ. Tất cả những loài chim trên có môi trường kiếm sống không đồng nhất và sống ở những điều kiện địa hình khác nhau. Loài ó cá kiếm sống chủ yếu ven bờ sông lớn, còn diều núi thích nghi với những vùng núi cao trên 2,500 m. Tuy ở những miền khác nhau nhưng cả tám loài bị trói buộc vào một môi trường sống thì hoàn toàn không có loài nào có thể thích nghi được. Phần diện tích chuồng còn lại dành cho mặt khỉ đỏ vẫn đang cố ngủ vùi trên ngọn bê tông, mặc cho tiếng máy bơm nước vẫn rào rào. Công việc cọ rửa này chỉ diễn ra khi những chú khỉ mặt đỏ cố bám và leo lên nóc chuồng để tránh mùi hôi thối phát ra từ bên dưới. Việc dùng vòi nước để cọ rửa chuồng khỉ chỉ làm trôi đi một phần thức ăn dư thừa và phân khỉ nhưng lại làm tươi tốt thêm đám rong rêu đã bám chặt lâu ngày. Ngoài ra khu chuồng liên hợp này còn có công trình tu một nửa, bổ một nửa vì tường bên trong phủ đầy rong rêu nhưng bên ngoài lại được phủ một lớp sơn nước khá đẹp và được trang trí thêm những cây bồ đề con mọc nghênh ngang trên nóc chuồng.
Cũng theo báo TT, trong một sân khác của Thảo cầm viên, đảo khỉ (diện tích chưa đến 15 m2) được dựng lên vài cái cây với một khối núi nhân tạo cao hơn 2 mét, nền được lót đá và tráng xi măng. Nơi đây cũng là mảnh đất lành của ba loài thú có môi trường sống gần như khác nhau hoàn toàn. Loài đon sống ở khu vực rừng núi đá cũng khá thích hợp với mặt nền toàn đá và khối núi bằng xi măng, loài nhím đuôi ngắn lại thích sống ở rừng cây cao và ưa bay nhảy. Giải thích cho việc không thể thực hiện đúng môi trường sinh thái đặc thù của từng loài thú, viên giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn cho biết là để tạo điều kiện cho các loài thú tự thích nghi với môi trường sống mới cũng như người VN có thể thích nghi với môi trường sống ở châu Âu.
Bạn,
Báo TT dẫn lời của một vị khách cao niên, 73 tuổi, ở phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, Sài Gòn nói rằng ông rất buồn vì sự đổi thay tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Vị khách già nói: Lúc trước các chuồng thú rất sạch, không có mùi hôi thối như bây giờ.