Nhưng cũng nên nhìn xem thế nào là "chống khủng bố". Trên thế giới có những chính phủ liên minh với Mỹ "chống khủng bố". Sự liên minh này có mức độ khác nhau, tích cực nhất là Anh Quốc và những nước Tây phương trong khối NATO hay Liên Âu, sẵn sàng hợp tác với Mỹ về quân sự trong cuộc chiến chống chế độ Taliban. Nhưng có những nước chỉ sẵn sàng cho sử dụng các căn cứ quân sự, và một số nước Hồi giáo giới hạn các căn cứ đó không được dùng làm nơi xuất phát tấn công. Hồi Quốc (Pakistan) là trường hợp điển hình. Những nước đó đang phải đối phó với vấn đề nội bộ là có đông dân theo đạo Hồi chống lại việc tấn công quân sự một nước Hồi giáo khác như A Phú Hãn. Tổ chức khủng bố al-Qaida của bin Laden đang lợi dụng tâm trạng đoàn kết Hồi giáo để kích động dân chúng biểu tình "phản chiến", nhưng đồng thời vẫn hô "chủ chiến" để phát động Thánh chiến chống Mỹ và những nước liên minh với Mỹ.
"Thánh chiến" (Jihad) là từ ngữ quen thuộc trong đạo Hồi (Islam). Thật ra, bất cứ tôn giáo nào khi bị kẻ thù tấn công, các tín đồ đều muốn cầm vũ khí chống lại để bảo vệ tôn giáo, gọi là "thánh chiến". Nhưng với Islam, chữ Jihad được nói đến nhiều sau khi đạo được phỗ biển vào thế kỷ thứ 6 ở Trung Đông, điều này cũng dễ hiểu bởi vì Islam xuất hiện sau Do thái giáo và Thiên chúa giáo, tất nhiên đã gập phải nhiều sự chèn ép, nhất là Islam lại phát triển trong một vùng có nhiều sắc tộc Ả Rập sinh sống vào một thời điểm chưa được mở mang về mọi mặt, nhiều nơi các bộ lạc còn sống du mục nghèo đói trong sa mạc mênh mông, chưa quy tụ thành một quốc gia có biên cương vững chắc, trong khi lại sống sát bên một trung tâm quyền lực của Thiên chúa giáo đã phát triển mạnh nhất vào đầu thiên niên kỷ 2, qua Âu châu và Trung Á. Nhưng tình thế đã khác vào cuối thế kỷ 19 khi các nước Âu Châu chiếm những vùng đất rộng lớn của ngưới Ả rập ở Trung Đông và Bắc Phi để làm thuộc địa. Phần lớn những biên cương của nước Ả Rập ngay nay là do các nước thực dân vẽ ra vì nhu cầu chia chác.
Chế độ thuộc địa cố nhiên có nhiều khía cạnh tiêu cực nhưng cũng có mặt tích cực là đưa người Ả rập tiếp xúc với thế giới văn minh, đồng thời cũng làm người Tây phương hiểu rõ hơn văn hóa cổ truyền và đức tin Hồi giáo của người Ả Rập. Đến đầu thế kỷ 20, các dân tộc Ả Rập lại có thêm một sức mạnh mới. Họ là chủ những kho vàng "đen" - tức dầu lửa - lớn nhất thế giới, do đó ảnh hưởng mạnh đến nền văn minh kỹ nghệ hóa của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước Tây phương. Islam nhờ đó mạnh thêm và đến thời kỳ sau Thế chiến II, khi phong trào độc lập dân tộc bùng lên khắp thế giới, đấu tranh chính trị, độc lập dân tộc và đức tin Islam họp thành một khối vững chắc, được Tây phương nể nang, chiều chuộng vì những lý do kinh tế dễ hiểu. Phác qua lịch sử Trung Đông như vậy để trở lại mục tiêu của al-Qaida muốn phát động Thánh chiến.
Nhưng khủng bố muốn gây Thánh chiến, họ cần phải giải đáp hai câu hỏi then chốt: Hồi giáo có bị tấn công không và Thánh chiến đánh theo cách nào" Mỹ và các nước đồng minh đã nhiều lần xác nhận không tấn công Hồi giáo mà chỉ tấn công khủng bố và nước cho khủng bố ẩn náu. Vậy Hồi giáo và khủng bố là hai chuyện khác nhau, do đó Thánh chiến không thể đồng nghĩa với khủng bố. Cả những tu sĩ Hồi giáo cấp cao ở nơi đã xuất phát đức tin Islam tức Ả Rập Saudi cũng không muốn chấp nhận khủng bố là một vũ khí của Thánh chiến. Kinh điển Coran của Islam không hề cho phép giết người vô tội. Chết là sự hy sinh cao cả nhất của người chiến sĩ, nhưng đó là cái chết ngoài mặt trận chớ không phải cái chết "quyết tử" của một hay vài người đánh bom tự sát làm cả ngàn người dân chết theo.
Trên thế giới đã có nhiều nước tỏ thái độ trước nạn khủng bố ngày 9-11 ở Mỹ. Phản ứng của Hà Nội cũng có nhiều điểm vui. Nhiều báo trên thế giới đã bình luận thái độ của chế độ CSVN giống như một anh "hát xiệc đi trên dây" cố giữ làm sao cho thăng bằng giữa hai thái cực. Riêng tôi nghĩ thái độ đó chẳng qua cũng vì hai nhu cầu thiết thực. Về mặt chính thức Hà Nội nói chống khủng bố là để tự vệ, không lẽ nói ủng hộ để mang họa vào thân và lãnh búa rìu của dư luận Mỹ và phần lớn thế giới với những hậu quả dễ thấy trước. Còn về các vụ oanh kích của Mỹ, Hà Nội tỏ ý ủng hộ thận trọng nhưng đòi Mỹ phải tự chế tối đa. Đây là nhu cầu lấy lòng các nước Ả Rập giầu có để cũng cố mậu dịch, chẳng hạn như trao đổi với Iraq.
Nhưng về mặt không chính thức, Hà Nội cho báo chí đăng tải những lời phát ngôn cứng rắn hơn, vì trong thâm tâm các tay lãnh đạo CSVN sợ việc Mỹ lật đổ chế độ Taliban với sự hỗ trợ của các thế lực trong nước sẽ tạo thành một tiền lệ "can thiệp nội bộ" ở nơi khác. Có một lời bàn quân sự về chiến tranh A Phú Hãn đáng chú ý. Cựu tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975, nay tỏ vẻ chê chiến tranh và nói "chiến tranh không tiêu diệt được thù hận...nó cũng giống như đổ dầu vào lửa, nó chỉ làm thù hận sâu sắc thêm". Chí lý thay. Nếu ông ta biết nói câu này trước khi xua quân bắn phá và đánh chiếm miền Nam thì hay biết mấy.