Bạn,
Theo báo SGGP, vài năm gần đây diện tích đất nông nghiệp ở các tỉnh miền Tây Nam phần ngày càng thu hẹp dần. Nhiều cánh đồng lúa xanh rì, vườn cây ăn trái ngọt thơm bị teo tóp để thay vào đó là những khu công nghiệp , khu đô thị, khu dân cư, cuối cùng người dân không còn đất đai, vườn ruộng để mưu sinh. Riêng tại tỉnh Cà Mau, tám năm trước, tỉnh này có trên 200,000 hécta đất trồng lúa nhưng hiện tại chỉ còn trên 80,700 hécta. Báo SGGP ghi nhận thực trạng này như sau.
Rảo quanh thành phố Cà Mau ( tỉnh lỵ Cà Mau) dễ dàng nhận ra 17 khu dân cư, khu tái định cư và các khu đô thị mới đã và đang được quy hoạch trên tổng diện tích khoảng 979 hécta. Các huyện của Cà Mau có các khu công nghiệp như: khu công nghiệp Khánh An (U Minh) rộng 360 hécta; khu công nghiệp Hòa Trung ở xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) và xã Lương Thế Trân (huyện Cái Nước) rộng 350 hécta; khu công nghiệp Sông Đốc (huyệnTrần Văn Thời) rộng 457 hécta và khu công nghiệp Năm Căn (Năm Căn) rộng 400 hécta.
Tại Bạc Liêu, theo quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 , diện tích đất trồng lúa giảm từ 73,670 hécta xuống còn 62,034 hécta. Trong khi đó, đất dành cho khu công nghiệp tăng từ 51 hécta lên 857 hécta. Tại Sóc Trăng, các khu công nghiệp, khu đô thị cũng được quy hoạch ào ạt. Những dự án đang thực hiện như: khu dân cư đô thị mới 5A ở Sóc Trăng, khu công nghiệp An Hiệp, khu công nghiệp Tân Phú và khu công nghiệp Cái Côn đã "ngốn" đến 768 hécta, trong đó phần lớn là đất "bờ xôi ruộng mật" trồng lúa và cây ăn trái cho năng suất cao.
Nhiều nơi sau khi quy hoạch xong các khu công nghiệp thì đất bị giải tỏa nhưng nhà đầu tư lại bỏ trống đất trong một thời gian dài. Điển hình như khu công nghiệp Bình Minh ở tỉnh Vĩnh Long sau khi "khai tử" 130 hécta a bưởi Năm Roi đặc sản của hàng trăm gia đình, đẩy nông dân vào cảnh không còn đất đai, vườn ruộng nhưng 4 năm qua, một phần lớn diện tích trong khu công nghiệp này vẫn là nơi thả trâu, bò. Cũng tại khu công nghiệp này, sau khi điều chỉnh một phần làm khu dịch vụ nhà ở chuyên gia, chủ đầu tư đã biến trên 30 hécta đất thành khu nhà phố, khu biệt thự bờ sông để bán với giá cao ngất ngưởng.Còn ở Sóc Trăng, nhiều gia đình cư dân ở khu Cái Côn cho rằng mỗi năm gia đình nông dân khu vực này làm ruộng 2-3 vụ, thu lợi nhuận 30-50 triệu đồng/ hécta, có nhiều khu vườn cây ăn trái đặc sản cho lãi ròng trên 100 triệu đồng/ hécta nhưng hiện nay đã và đang bị "hóa kiếp" để nhường đất cho khu công nghiệp.
Bạn,
Cũng theo báo SGGP, nhiều lão nông ở xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) than thở: "Khu công nghiệp Cái Côn mọc lên không biết sẽ tạo ra công ăn việc làm cho bao nhiêu lao động ở đây nhưng trước mắt đã đẩy hàng trăm người dân vào cảnh mất đất".