Nỗi Kinh Hoàng Chính Trị của Merkel, Thủ Tướng Đức
Ngọc Châu
Như chúng ta đã biết Tiến sĩ Horst Kưhler, tổng thống Đức bất ngờ tuyên bố từ chức hôm 30 tháng 5 năm 2010 và đây là lần đầu tiên chuyện này xảy ra trong lịch sử nước Đức. Bối cảnh đưa đến sự từ chức có liên quan đến những lời phát biểu của vị nguyên thủ quốc gia do đài Deutschlandradio phỏng vấn, gây tranh luận về sự tham chiến của quân đội Đức tại A Phú Hãn.
Ngay sau khi tin TT Koehler từ chức được loan đi thì ba đảng thuộc liên minh cầm quyền (CDU+CSU + FDP) do thủ tướng Merkel lãnh đạo xúc tiến ngay việc tìm người kế vị cho cuộc bầu cử Tân Tổng Thống, theo luật Đức ấn định là 30 ngày sau khi tổng thống từ chức.
Tuy có nhiều giả thuyết đã được đưa ra trong việc lựa chọn ứng cử viên tổng thống của liên đảng CDU+CSU và FDP nhưng thực tế khác hẳn. Trái ngược với phỏng đoán là bà đương kim Bộ Trưởng Lao Động, Ursula von der Leyen (CDU), hôm 03-06-2010, liên minh cầm quyền đã ra mắt công chúng và giới truyền thông ứng cử viên tổng thống chính thức của liên minh CDU+CSU+FDP, đó là đương kim thống đốc Niedersachsen, ông Christian Wulff (CDU), năm nay 51 tuổi. Nữ thủ tướng Merkel đã giới thiệu ông Wulff và nói rằng ông ta là người xứng đáng kế vị cựu tổng thống Koehler. Trên lý thuyết, với đa số phiếu liên minh cầm quyền hiện có (hơn 20 phiếu) thì cho dù bỏ phiếu kín ông Wulff xem như sẽ là người kế vị Hosrt Kưhler trong cuộc họp của Hội đồng Quốc gia vào ngày 30-06-2010.
SPD và Xanh thì đưa nhà đấu tranh dân chủ thời DDR (cộng sản Đông Đức cũ) là ông Joachim Gauck, năm nay 70 tuổi ra tranh cử chức tổng thống. Riêng đảng Tả Khuynh thì cho biết họ không ủng hộ Wulff và Gauck vì dưới cái nhìn của họ, như chủ tịch đảng Tả Khuynh, ông Ernst nói qua báo Märkischen Allgemein cho rằng Gauck chưa đủ khả năng để tạo nên những xung lực (Impulse) trong hoàn cảnh hiện tại nên chưa phải là ứng cử viên xứng đáng. Cuối cùng Tả khuynh đã đưa ra ứng cử viên tổng thống riêng, được mệnh danh là "người dàn bà hôm kia" (eine Frau von vorgestern) đó là bà Luc Jochimsen, 74 tuổi, một cựu nữ phóng viên truyền hình. Ngay sau khi Tả Khuynh giới thiệu bà Jochimsen, tờ báo Weser-Kurier phát hành từ Bremen đã chế nhạo là liên minh cầm quyền nên nồng nhiệt cảm ơn đồng chủ tịch đảng Tả Khuynh là Loetzsch và Ernst vì qua đó, chuyện Wulff được bầu làm tổng thống Đức có lẽ sẽ dễ dàng hơn.
Riêng Joachim Gauck, một nhân sĩ có uy tín lớn trong xã hội Đức càng ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ dân chúng cũng như của những chính trị gia, kể cả thành viên của các đảng cầm quyền CDU và FDP.
Việc đề cử ông Gauck được xem là một nước cờ cao của đảng SPD và đảng Xanh. Ông Gauck là người theo khuynh hướng tự do bảo thủ tuy không phải là đảng viên của một trong các đảng thuộc liên minh tự do bảo thủ đang cầm quyền tại Đức. Do đó việc ứng cử của ông đã gây tranh cãi trong nội bộ của các đảng CDU, CSU và đảng Dân Chủ Tự Do (FDP). Theo cuộc thăm dò mới đây của hãng Forsa thì mặc dù có 61% đảng viên CDU/CSU nhưng chỉ có 42% đảng viên FDP sẽ bầu cho Wulff. Trong khi đó Gauck nhận được 58% từ đảng SPD và 75% của đảng Xanh. Cũng theo cuộc thăm dò này, nếu được phép bầu tổng thống trực tiếp thì 42% dân Đức sẽ bầu cho ông Gauck và 32% sẽ bầu cho Christian Wulff.
Ông Joachim Gauck, sinh năm 1940, là một mục sư dấn thân đấu tranh cho dân quyền ở DDR (cộng sản Đông Đức cũ). Ông là một trong những thành viên lãnh đạo của phong trào Diễn Đàn Mới (Neues Forum) ở thành phố Rostock (Bắc Đông Đức) và là người đã tổ chức những cuộc biểu tình lớn dẫn đến sự sụp đổ chế độ cộng sản Đông Đức vào cuối năm 1989. Trong thời gian chuyển tiếp chờ thống nhất nước Đức ông Gauck được bầu vào quốc hội Đông Đức và phụ trách Uỷ Ban Đặc biệt để Kiểm soát việc Giải tán Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức (1990). Thời đó ông đã vận động quốc hội thông qua đạo luật quy định việc quản lý các tài liệu lấy được từ cơ quan mật vụ cộng sản Stasi. Sau khi nước Đức chính thức thống nhất vào ngày 03-10-1990 ông được thủ tướng Helmut Kohl bổ nhiệm làm Đặc uỷ Chính phủ về các Hồ sơ Cá nhân tìm thấy tại cơ quan mật vụ Stasi. Đến năm 1992, khi đạo luật về Stasi có hiệu lực, ông Gauck được cử làm Đặc Uỷ Liên Bang lo về các Hồ sơ của Cơ quan Mật vụ Stasi. Cơ quan này, với 2.000 nhân viên do ông lãnh đạo được gọi tắt từ đó là Cơ quan Gauck. Do luật Đức quy định không cho ông được giữ chức quá 2 nhiệm kỳ nên ông ta không ra ứng cử chức vụ này vào năm 2000 nữa.
Chúng tôi đã nói trong bài viết trước đây, từ 03-06-2010 đến ngày bầu cử còn khá lâu, biết đâu sẽ còn nhiều bất ngờ xảy ra! Và đúng như sự phỏng đoán, nhiều biến cố chính trị xảy ra làm suy giảm uy tín của bà Merkel rất trầm trọng, ngay trong ngày bầu cử hôm nay, 30.06.2010. Một biến cố ít thấy trên chính trường Đức, làm trò cười cho dân Đức mà có lẽ Merkel, liên minh cầm quyền gồm CDU, CSU và FDP không bao giờ quên được!
Không như liên minh cầm quyền chờ đợi, ông Wulff đã rớt đài trong lần bầu cử thứ nhất. Hội đồng Quốc Gia gồm 1244 lá phiếu. Để đắc cử ông Wulff chỉ cần chiếm đa số phiếu tuyệt đối là 623 phiếu (quá bán!). Tuy nhiên Wulff chỉ đạt được có 600, trong khi đó liên minh CDU+CSU và FDP tính ra có 644 lá phiếu, vị chi có 44 người trong liên minh không bầu ông Wulff. Gauck được 499 phiếu và bà Jochimsen được 126. Liên minh cầm quyền do bà Merkel chới với qua kết quả công bố trên nên ba vi chủ tịch của CDU (Merkel), FDP (Westerwelle) và CSU (Seehofer) kêu gọi thành viên đảng mình phải ủng hộ tuyệt đối Wulff trong lần bầu cử thứ hai, viện dẫn trong lần bầu cử thứ ba sẽ bị lệ thuộc vào lá phiếu của Tả khuynh, chưa nói đến chuyện nếu Wulff thất bại thì liên minh chính phủ mất mặt nhiều vì chính họ có hơn số phiếu tuyệt đối để thắng cử. Nhưng bất chấp lời kêu gọi khẩn thiết là muốn thắng cử chúng ta phải đoàn kết, hãy bầu cho Wulff của các vị chủ tịch đảng, Wulff cũng lại thất cử trong lần bầu thứ hai. Ông ta chỉ được 615 phiếu ủng hộ, Gauck được 490 và Jochimsen 123.
Lần bầu thứ ba, theo luật Đức không cần phải chiếm đa số phiếu tuyệt đối. Ứng cử viên nào nhiều phiếu nhất trong đợt này sẽ thắng cử. Bà Jochimsen rút tên, vị chi chỉ còn Wulff và Gauck. Chính điểm này làm cho liên đảng CDU+CSU và FDP lo sợ. Nếu thành viên của họ bỏ phiếu cho Gauck và Gauck thắng thì đó là sự ê chề cho họ và phản ảnh rõ rang sự thiếu tín nhiệm đối với bà Merkel, người tích cực ủng hộ và đề cử ông Wulff. Trước khi bầu lần chót, Xanh và SPD kêu gọi Tả Khuynh hãy ủng hộ ông Gauck. Liên minh cầm quyền lên tiếng đòi hỏi thành viên đừng quên vai trò và trách nhiệm, đừng quên tất cả đều nằm trong tầm tay của mình. Chủ tịch đảng CSU, Seehofer nói: "Chúng ta phải bầu cho Wulff để ông ta thắng với đa số phiếu tuyệt đối (tức quá bán)".
Kết quả lần bầu cử thứ ba: Wulff đắc cử với 625 phiếu và Gauck chỉ được 494 phiếu. Qua đó chúng ta có thể hiểu rằng Tả Khuynh bỏ phiếu trắng, không ủng hộ Gauck như đã tuyên bố.
Tóm lại, theo thiển ý tôi, qua cuộc bầu cử trên chúng ta có thể rút tỉa được vài kinh nghiệm hay vài nhận xét như sau:
* Trong nội đảng CDU và liên minh có nhiều người không ủng hộ ông Wulff do bà Merkel đề cử, có thể họ cảm tình với bà von der Leyen hơn, người cũng đã được CDU đề nghị.
* Mặc dù bà Merkel đã tính toán rằng Wulff sẽ thắng ít ra sau lần bầu cử thứ ba nhưng theo sự phân tích của các chhuyên gia chính trị thì đây là một sự tính toán trong cơn khủng hoảng. Merkel đã thất bại trên chính trường Đức, uy tín sút giảm nhiều.
* Merkel đã đánh giá sai lầm hoàn toàn khả năng am hiểu chính trị cuả dân chúng Đức khi mà bà ta đề cử "người lính của đảng (Parteisoldat) Wulff" ra tranh chức Tổng Thống. Bà Merkel đã phạm cái lỗi là chỉ nghĩ đến ưu thế cho chính bà cũng như cho CDU, theo phương châm "trước tiên cho đảng, rồi sau mới đến quốc gia"!
Chính sự muốn “đánh bóng mình” đã đưa đến sự thất bại ở trên. Qua đó người ta có thể nhận thấy rằng "chính ứng cử viên của bà Merkel" trên thực tế đã không đáp ứng đúng sự chờ đợi từ nội đảng. Những người không đồng tình, không bỏ phiếu cho Wulff từ liên minh trong hai lần bỏ phiếu đầu đã cho chúng ta thấy trong một xã hội dân chủ, tự do bầu tổng thống đã được "khai thông", không có chuyện gật đầu bảo sao nghe vậy. Với bài học này, thủ tướng Merkel, các vị chủ tịch đảng trong tương lai sẽ phải cân nhắc và suy nghĩ kỹ hơn các yếu tố cần phải có khi tuyển chọn một ứng cử viên Tổng Thống!
Cho dù Wulff thắng cử, nói theo kiểu cựu thủ tướng Đức Schroeder (SPD): " không cần biết, đa số phiếu là đa số phiếu" thì sự đắc cử của Wulff cũng chẳng giúp gì cho bà Merkel. Uy tín của bà ta bị suy giảm đi một cách trầm trọng. Merkel & Co đã làm trò cười cho dân Đức! Bà ta muốn chứng tỏ rằng mình, với tư cách thủ tướng và chủ tịch đảng CDU là người có quyền lực trong tay nhưng kết quả thì ngược lại, Merkel đã đưa cái yếu của mình cho nhân dân Đức thấy!
Hiện tại liên minh cầm quyền đang tự đánh dấu hỏi: "ai là người chịu trách nhiệm cho sự thất bại về chính trị trong cuộc bầu cử 30-06-2010"". Sự thiếu tin tưởng nhau sẽ lớn dần, sự hoài nghi về khả năng lãnh đạo của Merkel và Westerwelle tăng nhanh. Người ta sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó liên minh cầm quyền tan vỡ. Không ngay trong năm này nhưng có thể trong năm tới, khi mà hai đảng của họ CDU và FDP thất bại trong vài cuộc bầu cử nghị viện tiểu bang …
Giới truyền thông Đức ví von rằng cuộc bầu cử tổng thống Đức ngày 30.06.2010 giống như là chuyện trinh thám, không khác gì cảnh lo sợ khi đá phạt đền của một trận đá banh theo kiểu K.O, đội nào may mắn thắng thì vào vòng kế tiếp, thua bị loại!
Đối với riêng Christian Wulff, đây là sự bắt đầu không tốt, từ phương diện chính trị cho đến nhân tính. Người ta cảm thấy tội nghiệp cho ông ta nhưng so với những vị tiền nhiệm kể từ 1949 như Theodor Heuss, Heinrich Lübke, Richard von Weizsäcker, Gustav Heinemann, Walter Schell, Karl Carstens, Roman Herzog, Johannes Rau và Horst Kưhler thì ông Christian Wulff, tuy đã làm cho bà Merkel, Westerwelle và Seehofer run sợ và được đắc cử sau lần bầu thứ ba là vị Tổng Thống trẻ nhất của Đức (nhiệm kỳ 5 năm và theo luật Đức chỉ được phép tái nhiệm một lần) khi chỉ mới 51 tuổi !!
Có lẽ đó là nguồn an ủi duy nhất dành cho ông Wulff qua cuộc bầu cử ngày 30-06-2010, một ngày khó quên trong cuộc đời chính trị của ông!!
* Ngọc Châu (tóm lược)
(M_Germany, 30.06.2010)
Tài liệu tham khảo: Der Spiegel, N-TV, Focus.