Theo báo Sài Gòn, tại Việt Nam, nhiều địa phương đang bị ô nhiễm bởi nước thải từ các khu công nghiệp, rác, sự gia tăng của các phương tiện giao thông. Ngoài Sài Gòn, Hà Nội, tại một số tỉnh, thành phố lớn, nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng ở mức báo động. Báo SGGP ghi nhận thực trạng tại Đà Nẵng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long như sau.
Tại Đà Nẵng, chất lượng nước sông Hàn, sông Cu Đê đã bắt đầu có dấu hiệu bị ô nhiễm coliform, nitơ, dầu mỡ... và thường bị nhiễm mặn vào mùa hè. Chất lượng nước sông Phú Lộc bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các thông số vi sinh vật, kim loại nặng. Nguyên nhân gây ô nhiễm sông Phú Lộc là do nước thải sinh hoạt, công nghiệp và nước rỉ rác chưa được khử đã thải trực tiếp vào.
Nước ngầm bị ô nhiễm tại nhiều khu vực thuộc các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ. Đáng lưu ý nhất là nước thải công nghiệp trên địa bàn ước khoảng 40,000m2/ngày, đêm thuộc 7 khu công nghiệp (KCN) thế nhưng chỉ có khu công nghiệp Hòa Khánh có hệ thống xử lý tập trung với công suất 5,000m2/ngày, đêm. Phần lớn lượng nước thải còn lại "xử lý chưa đạt yêu cầu hoặc không xử lý" nhưng vẫn được đổ trực tiếp ra các sông, biển, hồ trên địa bàn. Môi trường không khí một số nơi trong khu vực nội thành đã bị ô nhiễm, đặc biệt các điểm giao thông được ghi nhận bị ô nhiễm bụi khá cao, có nơi có dấu hiệu ô nhiễm CO; các đường phố chính nồng độ bụi và độ ồn đều vượt quy chuẩn cho phép.
Ngoài nước thải công nghiệp, uớc tính Đà Nẵng thải ra khoảng 1,200 tấn chất thải rắn mỗi ngày, trong đó rác thải sinh hoạt khoảng 570 tấn/ngày, đêm. Hầu hết chất thải rắn nguy hại của các cơ sở công nghiệp chưa được thu gom và khử. Toàn bộ chất thải rắn tại 21 bệnh viện tuyến quận - huyện trở lên ước khoảng 1,659 tấn/năm, trong đó có khoảng 16% chất thải nguy hại nhưng đến nay vẫn chưa được "quản lý tốt", chỉ một lượng nhỏ được "xử lý bằng lò đốt", còn lại được đổ lẫn với chất thải sinh hoạt rồi chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn.
Ở đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 20 khu công nghiệp và 117 cụm công nghiệp với gần 20,000 hécta đất. Các cơ sở sản xuất này hàng năm thải ra hơn 47 triệu m3 nước thải công nghiệp, 220 tấn rác thải công nghiệp chưa qua "xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu."
Bạn,
Cũng theo báo SGGP, trung bình mỗi năm, sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long sử dụng khoảng 2 triệu tấn phân hóa học và hàng trăm ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật. Dư lượng của phân hóa học và thuốc trừ sâu về lâu dài sẽ làm ô nhiễm môi trường nước mặt và nước ngầm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong khu vực này.