Thím Tôi, Hoa Tuyết Trên Lò Lửa Đỏ...
Tấm trướng vải.
Không Hư Hoàng Quốc Bảo
Hồng lô nhất điểm tuyết -
Một đoá hoa tuyết trên lò lửa đỏ.
Đó là câu thơ trong bài thi điếu ngũ ngôn tứ tuyệt nổi tiếng văn học sử của Trung Quốc và Việt Nam. Tác giả là Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi, đời Trần Anh Tông, đi sứ sang Tàu, gặp lúc nàng Hậu Phi sủng ái của vua nhà Nguyên vừa đột ngột vĩnh biệt cõi trần. Theo lệ, mỗi sứ thần chư hầu sang triều bái đều đọc 1 bài điếu văn. Để thử tài sứ thần nước Việt, vua nhà Nguyên trao cho Mạc Đỉnh Chi 1 bản điếu văn trống, khi mở ra chỉ vỏn vẹn có 4 hàng với chữ nhất ở mỗi hàng. Trạng nguyên Việt Nam ngẫm nghĩ giây lát và ứng khẩu đọc:
Thanh thiên nhất đoá vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt.
Y !...
Vân tán, Tuyết tiêu, Hoa tàn, Nguyệt khuyết !
Vạn vật nhiên lắùng đọng. Bất ngờ và chết sững. Trong những áng văn chương xưa nay chưa từng thấy tả vẻ đẹp nào hơn thế nữa. Tuyệt hảo quá và cũng ngắn ngủi, vô thường quá.
Một cụm mây bay giữa bầu trời xanh ngắt. Mây thì biến đổi, phù du, như tang điền, tựa thương hải. Một đoá hoa tuyết trên lò lửa đỏ. Tinh tuyền là thế mà rơi đậu trên lò rực lửa đỏ thì còn gì là tuyết. Một cành hoa vương giả quý phái nhất trong vườn thượng uyển của nhà vua ấy nữa, tươi thắm được bao lâu" Và mảnh trăng rực rỡ trên mặt ao ngọc chốn tiên đình kia, có ai dám vô tình lơ là, không rúng động" Đem tất cả những biểu trưng đẹp đẽ nhất trên cõi đời này ví với sắc đẹp của nàng ái phi thì không gì hơn nữa. Nhưng...
Mọi vật trên đời này đều ngắn ngủi, vô thường. Cái tuyệt đẹp lại còn ngắn ngủi, vô thường hơn nữa. Nên,
Ôi!... Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!
Bài thi điếu ngắn gọn, xúc tích và rung động. Vua, quan Trung quốc và các chư hầu đều phải chết sững. Chết sững vì bất ngờ. Bài tứ tuyệt đang vẽ ra cảnh giới diễm ảo khôn cùng. Thế mà trời đất nỡ hạ một nhát dao oan nghiệt!
Con người vốn tự dối mình, không chịu nhận tin niềm đau, nỗi bất hạnh lại có thể xảy đến với mình. Mây có tán loạn là tán loạn với ai chứ không phải với mình. Tuyết có tan là tan trong sân nhà ai chứ chẳng ở sân nhà mình. Hoa có tàn là hoa tàn vườn thiên hạ chứ không thể hoa trong vườn mình. Trăng có khuyết mất thì cũng khuyết mất song cửa nhà ai chứ không phải song cửa nhà mình.
Nhưng mình, cái ta đó, cố quên đi một điều là: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng!" Phàm tất cả những gì có hình tướng đều không thật! Chính là lời Phật thuyết cùng trưởng lão Tu Bồ Đề trong kinh Kim Cang.
Biết được điều này, sống được điều này là vơi đi được phần nào nỗi khổ. Không bám chặt vào những hình bóng hư giả nữa.
Ngày thím tôi mất, chiều trước hôm tang lễ, tôi lẳng lặng về viết 1 câu thư pháp duy nhất, trên tấm vải sô, mượn câu thống thiết của ngài Mạc Đỉnh Chi thay lời phụng điếu:
Ôi!... Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!
Bức trướng vải, được cố tình xé rách dọc làm 4 phần theo ý thơ và sắc ấn đúng quy cách bằng Dẫn thủ ấn chương son đỏ trên đầu, là Trai hiệu ấn "Hư Vân Yên Các" (Gác Khói Mây Nhoà), chỉ trai đường, nơi chốn viết; và Danh ấn Chương tên người viết ở cuối bức thư pháp. Tôi tự khâu bằng kim tay và ra góc sân đẳn 1 cây trúc dài khoảng bảy bộ, luồn treo bức trướng. Sáng hôm sau tại nhà quàn Peak Family, tôi trình qua chú đồng ý, treo ngay trên xà ngang lối dẫn vào Tang đường.
Nắng lên chiếu những vạt sáng ấm áp vào tấm phi trướng, đang lất phất bay trong gió nhẹ, như hương linh Thím tôi về chứng giám. Tôi thấy thím cười, nói nhỏ nhẹ với tôi, như những ngày tôi còn bé.
- Cháu ví von thím với bà Hậu phi của vua nhà Nguyên, làm thế nào thím sánh kịp.
Gió lành lạnh bên tai, măét nhoè đi, tôi trở về cái thời gian trên 40, 45 năm trước.
1. Cao sang
Về quyền quý cao sang, thím tôi cũng đã từng là mệnh phụ phu nhân, có thời từng sánh vai cùng các mệnh phụ phu nhân khác của các tướng lãnh, tổng bộ trưởng, thứ trưởng đi thăm viếng, ủy lạo thương bịnh binh, phát quà cho các gia đình cô nhi quả phụ, lên truyền hình, báo chí; nhờ ân đức phu quân cũng đã hưởng đủ mùi quyền quý cao sang, dù bà bản chất chân quê, cũng giống như đa số các mệnh phụ phu nhân khác.
2. Giai nhân
Về sắc đẹp, bà không sắc sảo, cá lặn chim sa, nhưng đằm thắm phúc hậu.
Chú tôi là Cao Tiêu, thi sĩ. Aét hẳn giai nhân trong con mắt thi sĩ, tôi dám chắc không ai sánh bằng thím. Chẳng thế mà thời trai trẻ, ông có biết bao bài ca tụng nàng thơ... Mà nàng thơ thì phải đẹp, đương nhiên. Quân vương nhà Nguyên trị vì thiên hạ, hô sống hét chết trên sinh mạng bao người. Thi sĩ nào uy quyền có kém. Là vua cả trời thơ, hô phong hoán vũ, phế lập thế giới thi ca, chẳng nằm trong tầm tay văn thi sĩ cả là gì.
3. Phước quả
Nhưng điều đáng kể hơn cả ở Thím tôi, ấy là lòng nhân đức.
Từ là ban phát, cho người niềm vui, Bi là thương xót những phần đời kém may mắn, khổ ải; thì thím tôi đáng được tuyên dương hai chữ đó. Cứ lấy trong gia đình làm căn gốc, thím ăn ở hiếu kính với cha mẹ già, nghĩa thảo với anh chị em, người thân kẻ thuộc. Mẹ tôi với thím là 2 chị em dâu chân quê, cùng cảnh ngộ. Bố tôi với Chú là 2 anh em ruột, thời đầu đi lính cùng khóa, cùng trường Võ Bị. Nhưng Bố tôi sau này có danh có phận, vợ nọ con kia, bỏ mẹ tôi lúc hăm mấy tuổi đầu ngoài Hànội. Mẹ và thím chịu cảnh con dâu ở với Ông nội tôi - bố chồng cùng bà cô quá quắt ngoài Hànội. Hai chị em dâu có lần phải rủ nhau bỏ trốn theo chồng. Thế mà thím dẫn mẹ tôi ra đến bến xe, Mẹ sợ bố chồng, bế tôi trở về, còn thím bế em Dung, con gái đầu lòng ra thoát được đến đồn chú đóng quân, ở lì luôn. Sau này, lúc về già ôn chuyện cũ, mẹ tôi thường kể thím vẫn mắng, chị dại. Mà mẹ tôi khờ dại thật, nên mất chồng, chịu khổ thiệt cả đời. Vì thế thím rất thương mẹ tôi. Di cư vào nam không có Tết nào mà thím nếu không xuống được cũng sai người đem xuống Khánh Hội lễ tết mẹ, cặp gà, tấm bánh chưng, hay những thứ khác.
Riêng đối với đứa cháu côi cút là tôi, lúc bé bị bố bỏ vào học nội trú trong trường đạo, cuối tuần nào thím cũng cho xe nhà rước tôi về. Nếu xe nhà bận, thím bắt em Dung đem xe đạp đi đón. Đậu Tú tài một xong, Tôi thường ở nhà chú thím đi học, hết Tú tài II và sau này học Luật tôi cũng phần nhiều ở với chú thím. Đến lúc tự lập đi làm cũng vậy. Nhà mẹ tôi nghèo ở dưới Khánh Hội, đường Tôn Đản, nổi tiếng khu dân anh chị du đãng. Khi nhỏ tôi cũng nhiễm tính mất dạy, du côn. Mắng các em con chú thím, tôi hay nổi doá, chửi ác, như tao đá cái hộc máu bây giờ. Có lần thím nghe được, chỉ gọi tôi lên lầu, nhỏ nhẹ dạy rằng: Thím coi cháu cũng như con, nếu các em đứa nào hư, thím cho cháu nọc ra đánh đòn chúng nó, chứ không được chửi em cái câu đá hộc máu mồm ra. Đừng ăn nói ác thế nữa. Hồi nhỏ tôi chỉ bắt chước quen miệng chửi và tưởng câu ấy cũng thường tình thôi, nào có hiểu nghĩa lý sâu xa gì, nhưng từ lần đó tôi nhớ đời lời dịu dàng thím dạy và không bao giờ tái phạm. Lớn lên học Phật tôi mới hiểu thêm, một trong thập thiện nghiệp của nhà Phật, là không được nói lời ác ngữ. Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo do Phật thuyết giảng dưới Long cung bằng Phạm âm, ngài Tam Tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch ra Hoa văn có tên là Thuyết Hải Long Cung Đại Tạng Kinh, gồm 10 điều liên quan đến Thân nghiệp, gồm 3 thứ phải tránh: Sát sanh, trộm cướp, dâm dục. Liên quan đến Ngữ nghiệp gồm 4 điều phải tránh: Vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt và ác ngữ. Liên quan đến Ý nghiệp, gồm 3 điều: Tham lam, Sân hận và Si mê, tà kiến phải tránh. Thím đâu có học một lớp Phật học nào, vậy mà đã truyền đạt cho tôi được một trong mười thiện nghiệp bằng chính tình thương của bà. Phải chăng đó chính là phước đức bà đã vun bồi từ tiền kiếp" Phật cũng đã từng xác định, trong các hạnh Bố thí, Bố thí Pháp là bậc nhất.
Thím thương và tin tôi lắm, đi đâu lâu, chìa khoá tủ tiền bạc và kẹo bánh đều giao cho tôi, mấy đứa nhỏ muốn thì xin tôi cho mới mở tủ được. Chị làm cần tiền đi chợ cũng hỏi tôi. Ngày tôi lớn khôn, đã đi làm việc, tiền bạc ngân hàng chú thím, đều đứng cả tên tôi. Các chú lính, chị người làm nào cũng đều thương mến thím. Ông chú tôi, vừa là Thi sĩ có tiếng tăm, quyền chức, bay bướm, khối cô mê mệt, lăng nhăng cũng chẳng kém gì bố tôi. Kể cả chứng cớ rành rành, như cái bà đẹp mê hồn chủ nhân hãng thầu ở Đakao ấy. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy Thím to tiếng, gây gổ với chồng, luôn xử sự đáng mặt hiền thê, rất mực chiều chồng lo cho con cái. Vì vậy mà cho đến già, Chú tôi luôn nể trọng và yêu quý thím.
Trong ba chị em dâu, gia đình bác Đạt gái tôi nghèo nhưng cũng được chồng thương yêu; mẹ tôi xấu số, chồng bỏ, đau khổ suốt đời. Chỉ có thím là người được hưởng hạnh phúc, giàu sang, phú quý đến tận lúc chết. Chồng yêu, các con hiếu để hết mực. Lớn lên nghiên cứu học Phật, tin nhân quả, tôi hiểu rằng đó là nhân phước báu của thím từ kiếp trước, kiếp này được hưởng quả, và chính những hành vi kiếp này là nghiệp nhân cho phước quả đời sau.
Nghiệp (Karma) trong thuật ngữ Phật giáo chính là hành vi tạo tác bởi chính mình. Vừa là quả vừa là nhân.
Chữ Phước điền trong Phật giáo, nghĩa là ruộng phước. Người đời gieo nhân tốt lành như trồng ruộng phước, hưởng phần nào trong đời này, không hết, dành phước duyên cho đời kế tiếp.
Những ngày cuối biết số thím đã cạn, không còn sống bao lâu nữa, tôi đem xuống khung hình đức Phật Thích Ca rất đẹp, thỉnh được nhân chuyến đi hành hương Phật tích Aán độ năm ngoái, cho thím chiêm ngưỡng. Thấy hình Phật, như thấy được Như Lai thị hiện, thím đang mệt mỏi mà tỉnh hẳn, ngồi thẳng dậy, khoanh tay và gật gật đầu chăm chú nhìn ảnh Phật, thốt lên lời tán thán: Đẹp quá... Chị Thuỷ cũng ngạc nhiên, chép miệng khen Bà là người có niềm tin mạnh mẽ ghê. Chú tôi thấy vậy mới đem đi chụp thêm ra và dán quanh tường trong phòng thím nằm. Tôi còn đem cả tấm tranh cuộn lớn, truyền thân đức Tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật, mua được ở Giang Nam đã lâu, để Thím chiêm ngưỡng, nhưng tiếc phòng nhỏ không có chỗ treo. Nhớ lần trước ghé thăm, tôi thấy cô em gái Phương Lan cũng là người hiểu đạo, có tín tâm, dạy mẹ ráng niệm Lục tự Di Đà, Nam-Mô A-Di-Đà-Phật, khiến trong lòng tôi cảm động vô cùng, nên tôi có dịp ngồi 1 mình với thím là cố nhắc bà học ôn lại lời niệm Phật nhiệm màu đó.
Phước quả của Thím còn thể hiện ở chỗ, tuy vô thường lão bịnh, thân thể tứ đại tan rã, bại hoại dần, nhưng tinh thần bà rất minh mẫn, sáng suốt. Mỗi lần tôi xuống thăm, thím đều nhận biết và vui mừng. Có hôm nghe tiếng tôi nói chuyện với Chú ở nhà ngoài, Thím cũng lần dò đòi ra ngồi nghe chuyện. Cô con gái Phương Thảo đến thăm, thử mẹ: Mẹ biết ai đó không, Tiếng thím trả lời rõ ràng: Anh Bảo. Thảo cười hỏi tiếp: Anh Bảo con ai mẹ nhớ không" Thím lại trả lời: Con Bác Minh. Bà gục gặc đầu cười cười như ngụ ý, cô tưởng tôi lẫn chắc, còn khuya...
Cho nên khi nghe chị Thủy người giúp việc kể lại, Sáng thứ Ba, các cô đi làm hết, bà ăn uống bình thường như mọi hôm, và đợi cậu Tuyên chở ông đi khám Bác sĩ định kỳ, nhà vắng không còn ai, liền nấc mấy cái trên tay chị Thuỷ rồi đi luôn, dễ dàng. Tôi biết ngay, thím tôi tỉnh táo cho đến phút cuối, tính được cả giây phút mình ra đi, nhẹ nhõm, tránh khỏi buộc ràng. Các em tôi thương mẹ, thường cố níu kéo nên tuần trước thím đã yếu, chân tay đã lạnh, nhưng đi không nỡ. Tuyên là Bác sĩ ở San Francisco về, viết toa mua thuốc cho mẹ, mỗi lần thấy mẹ yếu, trong quá khứ, thuốc vào mẹ lại hồi phục được ít ngày. Chân tay đã lạnh nhưng cô Lan xoa dầu chà xát, mẹ lại ấm dần lên. Nhưng như kinh Phật dạy, "Vô thường, lão bịnh bất dữ nhân kỳ; Triêu tồn tịch vong sát na dị thế ". Luật vô thường, sinh tử, già bịnh chẳng chừa một ai... Sớm còn tối mất, chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi đã sang đời khác rồi. Cho nên sống, phải buông bỏ tam độc Tham lam, Sân hận, Si mê tà kiến, để vun sới ruộng phước cho chính mình trong đời này và đời sau. Không gì khổ sở bằng ôm cứng lấy lòng sân hận, cũng vậy khư khư với cái Ngã u mê. Nó chính là nghiệp ác, theo mãi với mình.
Lấy lý ấy mà suy, thím tôi được hưởng sung sướng hạnh phúc trong đời này, cũng nhờ cái bản chất từ bi, thiện hạnh, sẵn có từ quá khứ, còn tiếp tục vun sới phước điền cho đời sau.
Nhìn những cơn gió phe phẩy trên bức trướng vải tôi viết phụng điếu hương linh thím, thì bà quả xứng đáng so với tích văn học trong bài thơ tứ tuyệt của ngài trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi. Tuyệt đẹp. Nhưng bài tứ tuyệt ấy cũng chỉ ca tụng được nét đẹp hình tướng của nàng Hậu phi. Như mây bay, như tuyết trắng, như hoa kiêu sa, như trăng lung linh mặt ao tiên cảnh, và thương thay tựu trung vẫn là hình tướng của vô thường, ngắn ngủi. Nàng Hậu phi kia chết lúc tuổi còn xanh thắm, hợp lệ thường tình:
Giai nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.
Thím tôi vốn khiêm cung không dám tự sánh bì, nhưng trong thâm tâm tôi thấy bà còn xứng đáng hơn ở phần phước đức. Bà đã sống hơn cả thập niên, quá cái tuổi cổ lai hy rồi. Đó là phước thọ, mấy người hưởng được.
Tôi cúi xuống âm thầm mỉm cười, nhủ với mình, cùng nhân thế...
Hương sắc trần gian làm sao bay ngược gió !
riêng hương phước đức mãi rộng toả khắp chốn, lan xa...
Không Hư - Hoàng Quốc Bảo.