CUỐI NĂM ĐI KIỆN CHỒNG
Bạn,
Theo báo Thanh Niên dẫn lời một số luật sư cộng tác với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPSG nhận xét: "Năm hết Tết đến, có không ít nữ công nhân đòi nộp đơn kiện những ông chồng vô trách nhiệm , bỏ bê vợ và không chu cấp cho con." Điều đáng nói là nhiều nữ công nhân có chồng, có con, nhưng không có giấy hôn thú. Báo Thanh Niên ghi nhận hiện trạng này như sau.
Luật sư Nguyễn Thế Thông, Công ty luật hợp danh Anh Luật (quận 5, TPSG) cho biết, trong những lần kết hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.SG tư vấn pháp luật tại các khu nhà trọ, khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.SG, thỉnh thoảng luậy sư này gặp những nữ công nhân đến nhờ "gỡ rối" chuyện hôn nhân - gia đình của họ.
Theo luật sư Thông, thời gian cận Tết, số lượng nữ công nhân đến gặp luật sư của trung tâm tăng lên. "Đồng lương ít ỏi nên khi Tết đến, nữ công nhân đối diện với bao nỗi lo toan. Hơn lúc nào hết, họ cần sự chia sẻ nhưng một số người bạn đời của họ ngoảnh mặt quay lưng. Bên cạnh đó, sự bức bối dồn nén, tích tụ bao lâu, nay có dịp bùng nổ...", luật sư Thông nói.
Những người này quê quán khác nhau nhưng thường có cùng mẫu số: chung sống với người khác như vợ chồng nhưng không "đăng ký kết hôn". Khi người đàn ông phai nhạt tình cảm, họ muốn luật pháp can thiệp để giải quyết cho họ hai vấn đề: không cho người đàn ông họ coi là chồng kết hôn với cô gái khác; người đàn ông đó phải cùng có trách nhiệm nuôi con. Tuy nhiên, theo luật sư Thông, khi những vụ việc này được đưa ra tòa giải quyết, tòa sẽ thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng của hai người. Đối với đứa con, khi có đủ cơ sở chứng minh người đàn ông là cha đứa bé, tòa sẽ yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
"Mặc dù rất thông cảm với những nữ công nhân này, nhưng có khi tôi cũng phải nói thẳng là tôi "bó tay" trước những yêu cầu của họ. Họ rất coi nhẹ tờ giấy đăng ký kết hôn, trong khi nó là căn cứ pháp lý quan trọng để công nhận quan hệ vợ chồng của họ và bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ", một luật sư nói.
Bạn,
Báo Thanh Niên cho biết, theo luật sư này, mặc dù công tác phổ biến pháp luật "có vẻ được đẩy mạnh, nhưng một bộ phận giới trẻ khi cưới nhau vẫn "không thích" làm giấy tờ kết hôn. Đến khi đụng chuyện, họ mới vỡ lẽ nhưng có những trường hợp đã quá muộn màng.