Phòng Tuyến Khe Sanh Trận Chiến Đầu Năm 1968
LTS:Nhân dịp Tết Dương Lịch 2007, VB giới thiệu đến bạn đọc một tài liệu chiến sử về phòng tuyến Khe Sanh đầu năm 1968. Tài liệu này được biên soạn dựa theo của các tài liệu phổ biến trên NY Times.com và hồi ký của Đại tướng Westmoreland (nguyên Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại chiến trường VN 1964-1968, đã từ trần vào tháng 7/2005, thọ 91 tuổi), bản Việt ngữ của Duy Nguyên do nhà xuất bản Thế Giới phát hành.
* Lực lượng Hoa Kỳ tại căn cứ Khe Sanh đầu năm 1968
Căn cứ Khe Sanh nằm lọt giữa một thung lũng, các ngọn đồi bao bọc chung quanh, do đó đây không hẳn là một vị trí có thể quan sát bao quát hết các vị trí địch. Vào tháng 1/1968, lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Khe Sanh có 4 tiểu đoàn: 3 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 26 và Tiểu đoàn 1/13. Tại căn cứ Pháo binh được trang bị 18 khẩu 105 ly, và sáu khẩu đại bác 155 ly. Các căn cứ Hoa Kỳ lân cận có thêm 18 khẩu pháo 175 ly. Vũ khí hạng bao gồm 6 chiến xa M48 được trang bị đại bác và 14 thiết vận xa, cộng thêm 14 chiến xa Ontos với 6 đại bác không giật 106 ly cho mỗi chiếc, và 4 chiến xa Dusters rrang bị đại bác 40 ly hoặc đại liên 50.
Cho đến giữa tháng Giêng, Khe Sanh đã được tăng cường kiên cố: Doanh trại đã sẵn sàng giao chiến với nhiều hàng rào công sự bằng bao cát hoặc thép gai mìn dày dặc. Một hệ thống nhiều đường hào bảo đảm cho việc giao thông dưới lửa đạn và trường hợp rút lui khi thất bại. Cộng quân buộc phải tránh sự quan sát theo dõi liên tục từ các ngọn đồi lân cận bằng cách đặt các vị trí tiền đồn kiên cố tại các đỉnh đồi mà địch chiếm đóng.
* Đại tướng Westmoreland và kế hoạch bảo vệ căn cứ Khe Sanh vào đầu năm 1968
Từ đầu năm 1968, các tin tức tình báo ghi nhận các cuộc tập trung và di chuyển quân của Cộng sản Bắc Việt ( CSBV) gần khu vực căn cứ Khe Sanh. Theo nguồn tin tổng hợp, sư đoàn 325 CSBV đang di chuyển đến phía Bắc của căn cứ, trong khi đó về phía Đông là các trung đoàn của sư đoàn 304 CSBV. Tổng quân số của 2 sư đoàn CSBV này được ước định gần 20 ngàn Cộng quân. Cách đó không xa, hai sư đoàn 324 và 320 CSBV đã khai triển lực lượng, sẵn sàng bao vây Khe Sanh.
Trước những diễn biến về tình hình quanh khu vực Khe Sanh, Đại tướng Westmoreland, Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã hội ý với Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH để bàn phương thức đối phó: hoặc là bỏ Khe Sanh cho CSBV, hoặc tiếp tục giữ căn cứ này để khống chế và cản trở đường tiếp liệu của Cộng quân bằng cách đánh bại cuộc tấn công của đối phương mà liên quân Việt- Mỹ đã biết trước. Sau khi cân nhắc về cuộc diện trận chiến, Đại tướng Westmoreland và Đại tướng Viên đi đến quyết định giữ căn cứ Khe Sanh bằng mọi giá.
Để thực hiện quyết định này, Đại tướng Westmoreland đã trao quyền cho Trung tướng Cushman, Tư lịnh Lực lượng 3 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ,đang hoạt động tại Vùng 1 chiến thuật, trực tiếp tổ chức cuộc phòng thủ để bảo vệ Khe Sanh. Tuy nhiên, Tướng Westmoreland cũng khuyến cáo Trung tướng Cushman không nên tập trung quá nhiều đơn vị tại căn cứ Khe Sanh, điều đó sẽ gây trở ngại cho việc tiếp tế. Sau khi nghiên cứu địa hình và những dự báo về chiến sự, Tướng Cushman tái phối trí lực lượng trú phòng với các thành phần: 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 26 Thủy quân Lục chiến (TQLC), 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 9 TQLC, 1 tiểu đoàn Pháo binh TQLC với 18 khẩu pháo binh 105 ly, tăng cường 6 khẩu 155 ly, 1 chi đội thiết xa với 5 thiết giáp trang bị đại bác cùng hai trung đội súng 106 mm không giật chạy bằng bánh xích yểm trợ, gần Khe Sanh là doanh trại Làng Vei của một đơn vị Biệt kích quân Biên phòng thuộc Lực lượng Đặc biệt VNCH.
Trọng điểm của kế hoạch bảo vệ Khe Sanh là hỏa lực yểm trợ từ các phi tuần chiến thuật và chiến lược. Phụ tá Tư lịnh Lực lượng Mỹ tại Việt Nam đặc trách điều hợp Không quân là Trung tướng Momyer được Đại tướng Westmoreland ủy nhiệm soạn thảo kế hoạch SLAM (phối hợp sự liên hoàn giữa hoạt động thám báo và hỏa lực của không quân). Kế hoạch này được tiến hành theo hai giai đoạn để tạo sự hợp đồng giữa hỏa lực của các đơn vị yểm trợ qua phi pháo và hỏa pháo cùng với hỏa lực của các đơn vị trú phòng. Tướng Westmoreland đặt cho kế hoạch này một mật danh là kế hoạch Niagara, ông muốn ví hình ảnh phi pháo đổ xuống như giòng thác.
*Các giai đoạn của kế hoạch bảo vệ Khe Sanh.
Trong giai đoạn đầu của kế hoạch Niagara, các hoạt động tập trung vào việc thu thập tin tình báo, tận dụng mọi phương tiện có sẵn để phát giác kịp thời các vị trí của Cộng quân bằng các cuộc tuần tiễu, phi cơ thám thính, kiểm thính sóng vô tuyến và đặt các bộ phận thăm dò các cuộc chuyển quân bằng hệ thống chùm điện tử.
Giai đoạn 2 của kế hoạch phối hợp hỏa lực giữa pháo binh, oanh tạc cơ bay từ hạm đội của hải quân, của không quân và hỏa lực của thủy quân lục chiến, bắn liên tục trong 24 giờ liền vào các vị trí nghi ngờ có Cộng quân điện tử. Trong giai đoạn này, hỏa lực của B 52 được xem là ưu tiên
hàng đầu trong các cuộc hỏa kích này.
Về hệ thống chiến hào và phòng thủ trong căn cứ, ngay từ đầu tháng 1/1968, các đơn vị trú phòng đã xây dựng các công sự bằng bao cát và các hàng rào bằng thép gai gài mìn dày dặc, ngoài ra còn có nhiều đường hào bảo đảm cho việc di chuyển của binh sĩ trong khi giao tranh và trong trường hợp rút lui.
* Ngày N của trận chiến Khe Sanh:
Chiến sự đã xảy ra vào ngày 21/1/1968. Tờ mờ sáng ngày này, Cộng quân khai hỏa bằng hàng loạt pháo kích vào các vị trí trong căn cứ, tiền đồn tại đồi 861 là một trong những mục tiêu đầu tiên. Tại vị trí này, ngay sau một loạt pháo kích, Cộng quân tung các phân đội đặc công tấn công theo kiểu thí mạng để chọc thủng phòng tuyến Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ nhằm dọn đường cho các các đơn vị bộ binh Cộng quân tràn vào phòng tuyến. Nhưng chỉ trong giờ đầu tiên, các đợt xung phong của Cộng quân đã bị chận đứng và bị tiêu diệt bởi sự chống trả quyết liệt của quân trú phòng và hỏa lực của TQLC từ đồi 881 bắn sang.
Khoảng nửa giờ sau khi trận chiến xảy ra, Cộng quân tập trung hỏa lực pháo binh bắn vào các vị trí ngay trong căn cứ chính. Đạn pháo và hỏa tiễn của Cộng quân đã dội vào căn cứ như mưa trước khi trời sáng. Trong cuộc tấn công bằng pháo của Cộng quân, kho đạn lớn nhất trong căn cứ bị nổ và nhiều trực thăng đậu ở khu vực sân bay bị phá hủy.
Đại tá Lownds, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 26 Thủy quân lục chiến (TQLC), báo cáo ngay với tướng Cushman và điều động đơn vị Pháo binh phản pháo. Không quân đã can thiệp kịp thời với các đợt oanh tạc dữ dội quanh các ngọn đồi để chận đứng các đợt tấn công của Cộng quân. Vấn đề đặt ra cho Đại tá Lownds là phải bổ sung đạn dược, để thay thế ngay 1,500 tấn đạn dược đã bị nổ tung trong các đợt pháo kích đầu tiên của Cộng quân. Phi đạo cũng bị hư hại nặng đến nỗi các phi cơ C 130 không đáp xuống được. Trong tình hình này, mọi sự tiếp tế và tải thương chỉ dựa vào phi cơ C 123, loại máy bay này mới có thể vượt qua được phi đạo.
Cùng một lúc với đợt tấn công vào căn cứ Khe Sanh, Cộng quân cũng đã pháo kích và tấn công vào phòng tuyến gần khu vực Làng Vei. Hàng trăm dân làng ở đây-hầu hết là sắc tộc thiểu số, đã chạy vào căn cứ Khe Sanh xin tị nạn. Những người này đã cùng với cư dân ở một ngôi làng gần Khe Sanh tạo thành một làn sóng chạy giặc.
Để giải quyết tình trạng an sinh cho những người tị nạn, Đại tá Lownds đã điều động một số đại đội TQLC hành quân mở một đoạn đường trên quốc lộ 9 nối liền ngôi làng nhỏ đến căn cứ. Lực lượng mở đường đã phải giao tranh quyết liệt để khai thông quốc lộ, nhờ vậy số dân chạy giặc vào đến căn cứ an toàn và sau đó đã được di tản về Đà Nẵng trên những phi cơ C 123.
Để có đạn dược cấp cho các đơn vị trú phòng sau khi kho đạn dược bị nổ, sáng ngày 22 tháng 1/1968, Đại tá Lownds đã xin bộ tư lịnh Lực lượng 3 TQLC Hoa Kỳ huy động tất cả các phi cơ C 123 để chở 130 tấn đạn dược trước khi trời tối. Cũng trong ngày này, Tiểu đoàn 1/9 TQLC đã được điều động đến đóng quân tại phía Tây căn cư Khe Sanh.