Hôm nay,  

Nét Buồn Lung Linh

23/07/200800:00:00(Xem: 7038)
Một buổi chiều mùa hạ, sân chùa ẩm ướt sau cơn mưa rả rích từ lúc sáng tinh mơ. Chút ánh sáng yếu ớt còn lại của buổi chiều tà như bất lực khi cố xuyên qua những đám mây xám xịt. Trên đầu là một vòm trời u ám, buồn tênh. Mà hình như bầu trời đã buồn như thế từ cái ngày mà Đại Lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang, đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN vừa viên tịch.

Bước vào bên trong lễ Phật và chào quý Thầy, con xuống hội trường, nơi tổ chức buổi lễ thắp nến tưởng niệm và thọ tang Ôn, do chùa Pháp Vân thừa lệnh của HĐĐH GHPGVNTNHN/Canada tổ chức. Phật tử đã tề tựu đông đủ đâu khoảng 200 và tất cả đã yên vị. Rộn ràng mà lặng lẽ. Đông đủ mà trang nghiêm. Trên khán đài là chiếc bàn thờ của Ôn. Những hoa, đèn và trầm hương như làm tôn vinh thêm nét hiền từ, thanh thoát nhưng cũng đầy vẻ uy nghiêm của di ảnh Người.

Con xin được phép gọi Hoà Thượng là Ôn, vừa tôn quý lại vừa bình dị, thân thương và gần gũi. Để con không có cái nhìn phân biệt e dè khi biết Ôn là một vị Tăng Thống  danh nghiêm. Để con không có cảm giác cách xa giữa hai thế hệ cách nhau hơn nửa thế kỷ. Để một ấu-phật-tử là con có đủ tự tin để viết về những cảm xúc của con dành cho Ôn, người mà con chưa một lần gặp mặt.

Người đi dấu vết chưa nhòa
Bát y truyền lại sương pha lạnh lùng
Tam sanh hẹn kiếp tao phùng
Tôn phong Tổ ấn gửi cùng non sông
(Pháp sự khoa nghi-Thích Huyền Quang)

Đúng 7 giờ tối, TT Nguyên Lạc mở đầu buổi lễ bằng những câu thơ ấy trong Pháp sự khoa Nghi mà Ôn đã viết trong khi bị quản thúc tại quê nhà. Để sau những áng văn hay và cảm động “Một vị cao tăng nhập niết bàn, tất không phải là điều bi lụy, bởi rằng Ngài là bậc đến có nơi, về có chốn, đến thế gian vì nguyện lực từ bi cứu tế, không vì nghiệp lực chuyển sinh.  Nhưng, bi thiết là cảm trạng của nhân sinh trong cõi vô thường, nhìn có không qua hình tướng sinh diệt.  Âu đó cũng là lẽ thường, lẽ thường trong cõi mộng!”.TT cung thỉnh chư tôn đức Tăng Ni quang lâm lễ đài. Chư Tôn Đức Tăng Ni đến từ nhiều chùa trong Giáo Hội thuộc miền Đông Canada: TT Bổn Đạt, TT Trí Thành, TT Viên Diệu, TT Tâm Hoà, TT Nguyên Lạc, TT Nhật Quán,  ĐĐ Tâm Đăng, ĐĐ Đạo Hạnh, ĐĐ. Nguyên Mãn, ĐĐ.Tâm Minh, Ni Sư Diệu Minh, Sư Cô Từ Diệu, Sư Cô Chân Huệ, Sư Cô Tịnh Quang, Ni Cô Diệu Thuần.

Tiếng trống bi hùng cùng tiếng nhạc Đăng Đàn Cung vang lên như nâng bước chân khoan thai từ tốn của quý tăng ni trong cánh áo vàng giải thoát đang dần tiến đến lễ đài, nơi có di ảnh thay cho kim quan của một bậc cao tăng. Hàng trăm búp sen tay trong tà áo lam, áo trắng nghiêng mình cung đón các trưởng tử Như Lai.
Nghi lễ chào cờ luôn là phần mở đầu cho cho một chương trình lễ nghi không chỉ của riêng Phật Giáo. Bài quốc ca Canada, bài VNCH, rồi bài Phật giáo kỳ lần lượt được mở lên. Lúc này cũng là lúc mọi người lắng tâm nghe tiếng thời gian trôi, để tam nghiệp là thân khẩu ý thanh tịnh. Phút mặc niệm tưởng nhớ công đức hóa độ của Ôn. Hội trường trang nghiêm chìm trong tĩnh lặng lắng nghe TT Tâm Hoà tuyên bố lý do của buổi lễ đêm nay: “Ôn đi đã hai tuần, vào ngày 5-7-2008 tại tu viện nguyên Thiều –Bình Định-VN. Lẽ ra, Chùa phải tổ chức buổi lễ tưởng niệm và thọ tang Ngài ngay trong thời gian ấy để biểu tỏ niềm tri ân đối với một bậc Hùng Sư- Đại Sĩ, một danh Tăng của Phật Giáo Việt Nam, một kẻ sĩ hiên ngang bất khuất trước cường quyền và bạo lực luôn tranh đấu và đòi hỏi những khát vọng chân chính của Dân Tộc. Nhưng vì Phật sự đa đoan và nhằm ngay vào khoảng thời gian an cư của chư tôn đức tăng ni trong Giáo Hội được tổ chức tại chùa Bát Nhã Calgary, theo truyền thống của đức Thế Tôn để lại, nên buổi lễ Thắp Nến, Tưởng Niệm và Thọ Tang Ngài phải dời lại cho đến hôm nay 20-07-2008. Tuy nhiên, trong mùa An Cư Kiết Hạ tại chùa Bát Nhã Calgary, khi nghe tin Ôn Viên Tịch, Giáo Hội cũng đã ra Thông Tư Khẩn cho các đơn vị Giáo Hội thuộc miền Tây Canada kịp thời tổ chức lễ Thọ tang cho chư Tôn Đức trong trường hạ và cho đồng bào Phật tử các giới.”

TT Viên Diệu thay mặt chư tôn đức tăng ni đọc tiểu sử và hành trạng cuộc đời của Ôn. Giọng đọc to rõ của TT làm sống lại cuộc đời Ôn. Trong số những phật tử đến tham dự chắc cũng có không ít người giống như con, chưa từng gặp Ôn, nhưng vì tiếng tăm đạo hạnh của Ôn như hương sen tỏa ngát khắp mười phương, khiến người người tôn kính mà về đây thọ tang Ôn đó. Cảm xúc thật nhiều nhưng con không đủ tư duy để viết về Ôn, không đủ kiến văn và tầm thấu hiểu về một đời 89 năm đạo hạnh vẹn toàn. Con chỉ là một phật tử sơ cơ, đến với Phật pháp để mong tìm cho mình chút gì thanh thản nơi tâm. Lời kinh chưa thuộc được dăm câu. Giáo lý thậm thâm vi diệu của đức Phật con chỉ biết sơ sài qua từng con chữ trên những trang kinh, mà lời Phật dạy là phải có nhiều nỗ lực, tinh tấn thực hành và chứng nghiệm nơi tự thân. Con chưa làm được điều đó. Vậy mà con lại ngồi đây viết về Ôn, viết về một đại lão Hoà Thượng đạo cao đức trọng, đức trí nhị nghiêm.

89 năm trụ thế, dài hay ngắn cho một đời người" Gần một thế kỷ, Ôn đã sống trọn vẹn với đạo, với đời, với dân tộc và với chính mình.

71 tuổi đạo, Ôn đã trao trọn thân tâm mình cho đạo pháp. Còn gì phải đắn đo khi xả bỏ báo thân giả tạm. Có đắn đo chăng cũng vì đại nguyện chưa thành khi chúng sanh còn lầm than đau khổ. Một lần đến rồi đi nhưngg có mấy ai để lại nỗi tiếc thương cho lần vĩnh biệt. Ôn ra đi, căn nhà trần gian thống khô này mất đi một ngưòi khách trọ. Nhưng đối với môn đồ pháp quyến là một nỗi mất mát lớn lao vì đã mất đi một người Thầy khả kính. Đối với giáo hội thì mất đi một nhà lãnh đạo tối cao, sáng suốt, luôn là tấm gương tranh đấu cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền. Còn đối với Phật Giáo VN, tăng ni như mất đi một bóng mát khi trời nắng hạn, mất đi một nơi nương tựa khi giông bão tràn về.

Những vị Thầy của con, có vị đầy đủ phước duyên được trực tiếp thọ giáo với Ôn, tiếp xúc với Ôn bằng ánh nhìn, bằng hơi thở. Có thầy gián tiếp noi theo tinh thần Bi-Trí-Dũng của Ôn mà hành đạo giữa đời. Và còn biết bao tăng ni khác cũng lần theo dấu chân Ôn đã để lại trên con đường chánh nghĩa, mà âm thầm lặng lẽ chịu biết bao những thị phi oan trái giữa biển đời nhiễu nhương. Gương bất khuất mà nhẫn nhục của Ôn soi rọi tận nơi sâu thẳm của biết bao con tim mộ đạo.

Và để tri ân công đức hoá độ của Ôn, Sau 3 lần TT Nguyên Lạc xướng lên “Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh tông tứ thập nhất thế, Nguyên Thiều Đường Thượng, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Đệ Tứ Tăng Thống thượng Huyền hạ Quang Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh” là 3 lần chư tăng ni quỳ xuống cúi đầu bái lễ với tất cả lòng thành tôn kính và biết ân, trong khi 200 phật tử chấp tay cúi đầu như muốn dâng lên Ôn những búp sen quy ngưỡng. Đạo tình chính ở nơi đây, nơi mỗi cái cúi đầu kính ngưỡng ân đức mà phật tử chúng con đã tiếp nhận, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Ánh đèn điện bỗng vụt tắt khi những ngọn nến nhỏ được chuyền tay nhau. Năm nam, năm nữ trong tà áo trắng tinh sóng bước trên lối đi từ phía hậu trường, tay trang nghiêm ngọn nến nhỏ nhoi, từng bước tiến về phía lễ đài. Một cảm giác ấm cúng dần lan tỏa khắp hội trường lung linh. Cùng lúc là những dải băng tang được trao nhau cài lên ngực áo. Lần đầu tiên con cài lên ngực một dải băng màu vàng. Mảnh băng tang đây ư" Mỏng manh, đơn giản và nhẹ nhàng, nhưng hàm chứa trong ấy là cả một cuộc đời đáng trân trọng của Ôn, là tất cả bản thể của mỗi người chỉ quy tụ ở  nơi Tâm. Âm hưởng của bản nhạc thọ tang vang rền theo tiếng trống tiếng kèn, nhưng không ồn ào mà gây cho mọi người con phật nơi đây những phút tiếc thương cảm động. Tâm thức ai nấy như chìm sâu vào những lời nguyện thật chân thành của TT Tâm Hoà. Quỳ trước di ảnh Ôn, TT đọc lời nguyện trong nỗi xúc động khôn cùng:

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Ngưỡng lạy chư lịch đại Tổ sư,
Ngưỡng bạch giác linh Đại lão Hòa thượng Đệ tứ Tăng Thống GHPGVNTN,

Sự ra đi của Hòa thượng là mất mát to lớn đối với toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam trong nước và hải ngoại. Đau lòng về nỗi mất mát này, chúng con vân tập về đây để chia sẻ với nhau, cùng gánh một đại tang cho Phật giáo Việt Nam nói chung, và GHPGVNTN nói riêng. Cài băng tang lên ngực, chúng con muốn đánh dấu sự ra đi của bậc long tượng cao vời của rừng thiền Việt Nam, đồng thời cảm nhận nỗi đau này phải được hóa giải bằng ý niệm tri ân và báo đền ân đức của Hòa thượng đối với tiền đồ Phật giáo cũng như đối với hàng hậu học chúng con. Để thể hiện niềm tri ân và ý hướng báo đền đó, chúng con xin phủ phục trước linh đài của Hòa thượng, thành kính tiếp nhận ánh sáng từ di sản to lớn mà Hòa thượng để lại.

Ngưỡng bạch giác linh Hòa thượng,

Suốt 70 năm xuất gia hành đạo, Hòa thượng đã biểu hiện trọn vẹn bản nguyện cao đẹp của một sứ giả Như Lai, thắp sáng ngọn đèn Chánh Pháp, trên thì hướng vọng mục tiêu giải thoát tối hậu, dưới thì soi sáng những nẻo đường, những khúc quanh ngặt nghèo và những thân phận đen tối trên quê hương. Cuộc đời của Hòa thượng tỏa sáng sức mạnh kỳ vĩ của một bậc đại sĩ xuất trần, từ bi vô lượng, trí tuệ vô biên. Công hạnh và thân giáo của Hòa thượng chính là ánh sáng, là phẩm cách thanh khiết trang nghiêm của Tăng-già Việt Nam trong biển đời nhiễu nhương, biến động. Ánh sáng ấy sẽ bất diệt trong lòng chúng con, cũng như trong lịch sử của Phật giáo nước nhà.

Và để ánh sáng ấy mãi lưu truyền, từ nơi đạo tràng trang nghiêm này, chúng con xin được thành tâm thừa tiếp. Từ mỗi ngọn nến thắp lên, nguyện sẽ khơi dậy cả hùng tâm, trí giác và lòng bi mẫn vô hạn của Hòa thượng đối với trần gian thống khổ; lại nguyện cho những ngọn nến nhỏ này liên tục được thắp sáng để tiếp nối bản nguyện và hành trạng của Hòa thượng đối với Đạo pháp và Dân tộc:

- Đối với Tăng-đoàn, nguyện ý thức trách nhiệm củng cố nội lực tập thể, lấy thanh tịnh hòa hợp làm nền tảng cho sự thống nhất ý lực và hướng đi cao cả của Tăng già và Phật giáo Việt Nam;

- Đối với tự thân người xuất gia, nguyện chuyên cần tấn tu đạo nghiệp để làm nơi nương tựa vững chắc cho hàng phật tử tại gia;

- Đối với tự thân người phật tử tại gia, xin nguyện giữ vững tín tâm đối với Tam Bảo, phát bồ-đề nguyện, dứt bỏ điều ác, chăm làm việc thiện để góp phần làm đẹp cuộc đời, giảm thiểu khổ đau của nhân thế;

- Noi gương Hòa thượng, chúng con nguyện trải lòng từ bi đến với muôn người, muôn loài; không khởi niệm ác, không làm điều ác, không nói lời ác, dù là đối với những kẻ không đồng quan điểm, những kẻ hủy nhục và bức hại cá nhân mình hay tổ chức của mình; chỉ lấy tình thương làm chất liệu để cảm hóa con người và xã hội;

- Noi gương Hòa thượng, chúng con nguyện phát huy trí tuệ giác ngộ, phá chấp, giốc lòng tham cứu kinh tạng để thông suốt và khai mở những phương tiện thiện xảo ngõ hầu thiệp thế độ sanh mà không rời xa tự tánh thanh tịnh;

- Noi gương Hòa thượng, chúng con nguyện thi thiết hạnh vô úy đại hùng và đại nhẫn lực đối với con người và cuộc đời; giữ tâm vững mạnh và bất động như núi tảng, như đại địa để chuyển hóa tất cả nghiệp chướng, ma chướng nặng nề của thế gian thành đề-hồ và hoa thơm của đạo vàng giải thoát.

Nến này thắp lên rồi. Đây là tinh hoa, là bản nguyện của Hòa thượng và chư lịch đại Tổ sư, chúng con nguyện chí tâm phụng mạng, không để đoạn mất. Ánh lửa này, không chỉ tỏa nơi tim óc chúng con, mà chiếu rọi nơi tận cùng bản thể; qua đó, chúng con biết sự đến và đi của Hòa thượng nơi cuộc đời giả tạm này chỉ là sự thị hiện, và trên lý vô sanh, pháp thân Hòa thượng luôn thường trú để soi sáng con đường tu tập và hành đạo của chúng con nơi trần gian khổ lụy này.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh tông, Nguyên Thiều Đường Thượng, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Đệ Tứ Tăng Thống thượng Huyền hạ Quang Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh từ bi chứng giám.

TT Bổn Đạt tiếp nối khoảng thời gian trầm lắng lúc này bằng bài điếu văn truy niệm kính dâng giác linh Ôn. Nhạc không còn, không gian như lắng đọng, để từng lời cảm động của TT như lung lay cùng ngọc nến trên tay.

Đứng ở dãy ghế gần cuối hội trường, con chỉ thấy được từ phía sau những tấm áo vàng đang kính cẩn quỳ trước di ảnh của bậc tôn sư, mà con cứ tưởng họ đang quỳ trước kim quan Ôn mà bùi ngùi hay nức nở. Cảnh tượng ấy, bóng dáng ấy sao mà cảm động quá! Người thầy, người cha đã đi về cõi Niết Bàn, trút hơi thở cuối cùng nơi quê nhà, mà đàn con muôn phương đang từ xa vọng bái. Đau lòng biết bao! Nhưng những người con ấy đã từng thừa hưởng tinh thần vô uý của Ôn nên biết chuyển hóa nỗi đau mất mát ấy thành những lời nguyện bi hùng của bậc đại sĩ, để tiếp nối đại nguyện mà một đời Ôn đã xây kiên cố trên báo thân hư huyễn của Ôn.

Trong bóng đêm huyền diệu, hàng trăm ngọn nến nhẹ lay theo nhịp thở dâng trào theo cảm xúc, con thoáng thấy trên những gương mặt cứ tưởng như lúc nào cũng an nhiên điềm tĩnh trước những buồn vui nơi trần thế, là những đôi mắt phảng phất một nét buồn, nét buồn lung linh.

Chuyển nỗi đau thành nguyện lực, trong mất mát là niềm tin. Với ý niệm đó, một rừng búp tay sen lại cung kính vươn lên trên ngực, tất cả đồng loạt cất lên tứ hoằng thệ nguyện trong niềm hi vọng kính tin vào đạo pháp:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô biên thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

Buổi lễ hoàn mãn bằng lời cảm tạ của TT Nguyên Lạc gửi đến quý tăng ni và đồng bào phật tử, đã nhín thời gian quý báu cũng như Phật sự tại địa phương mà hoan hỷ về đây cùng thọ nhận một đại tang chung. Cung tiễn chư tôn đức tăng ni hồi vị mà đạo tình ấm cúng vẫn còn đọng lại, vương vất trong suốt buổi tiệc trà bánh thân mật sau buổi lễ.

Bước ra về, bầu trời đã quang đãng hơn. Tuy mây trắng chưa kịp quay về sau chuyến cung thỉnh hộ giá Ôn về nơi đất Phật, nhưng con đã thấy những ánh hồng đang từ từ nhô ra khỏi đám mây u ám từ phía chân trời xa xa...

Về đến nhà, gỡ miếng băng tang vàng trên ngực xuống, dán trên tờ lịch của Phật A Di Đà, con mới nhận ra! Ồ! Thì ra Ôn chỉ đi an cư tận nơi Phật Quốc!

Canada, mùa an cư 2008.

Diệu Trang.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.