Hôm nay,  

"Điều gì xảy ra với cơ thể khi một người đang yêu hay đang thất tình"

16/02/202400:00:00(Xem: 1874)

Minh-họa-_-tranh-Nguyên-Khai
Minh họa: Tranh Nguyên Khai
 
Trong cuộc sống, tình yêu không chỉ đến từ các mối quan hệ lãng mạn mà còn có thể xuất hiện trong gia đình, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác. Tình yêu và các mối quan hệ lành mạnh đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, bất kể là tình yêu trong sáng hay lãng mạnh.

Theo Stephanie Cacioppo, một nhà khoa học thần kinh tại Đại học Oregon, tình yêu được coi là một nhu cầu sinh học thiết yếu đối với sức khỏe con người, giống như nhu cầu về nước uống, thức ăn và tập thể dục. Mặc dù trái tim thường được coi là "tội phạm", nhưng hầu hết các lợi ích liên quan đến tình yêu đều bắt nguồn từ bộ não, được lập trình tiến hóa để sản xuất và giải phóng hooc-môn khi chúng ta trải qua cảm xúc rung động, phát triển tình cảm và ước mong gắn bó.

"Vì tình yêu rất quan trọng đối với sức khỏe, hạnh phúc và sinh sản của chúng ta, nên không thể không tiếp tục học hỏi", Sue Carter, giám đốc danh dự của Viện Kinsey ở Indiana và là nhà sinh học nổi tiếng chuyên về gắn bó xã hội, nói.

Hiểu cách các tín hiệu được não nhận và truyền đi, cùng với những gì xảy ra khi các tín hiệu này rơi vào tình trạng khan hiếm là điều hữu ích giúp chúng ta vận hành trong thế giới của tình bạn, tình yêu, tan vỡ và mất mát.

Vai trò của các nội tiết tố Hooc-môn

Bộ não và cơ thể sử dụng một mạng lưới rộng lớn các chất dẫn truyền thần kinh và sứ giả hóa học phân tử để phối hợp các chức năng khác nhau gây ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta. Những sứ giả hóa học này, được gọi là hooc-môn, là một phần của hệ thống nội tiết của cơ thể. Hệ thống nội tiết được kết nối với nhau thông qua các cấu trúc quan trọng trong não bao gồm vùng dưới đồi, vùng hồi hải mã, vùng hạnh nhân, vùng đồi não, hạch nền và vùng hồi cingulate.

Nhóm các cấu trúc này tạo thành hệ thống cấu trúc não “limbic” - một trong những phần lâu đời nhất của não theo thuật ngữ tiến hóa. Đây là nơi lưu trữ ký ức và xử lý mùi, và là vùng não chính liên quan đến sự lôi cuốn hấp dẫn và tình cảm.

Cấu trúc này khuyến khích các hooc-môn khác nhau "tiếp tục ước ao giới thiệu bản thân sau cái nhìn ban đầu, giảm nỗi sợ bị tổn thương khi chúng ta gặp gỡ một người bạn đời mới... và tạo cảm giác tâm giao với ai đó theo thời gian", Cynthia Kubu, nhà tâm lý học tại Trung tâm Phục hồi Thần kinh tại Cleveland Clinic ở Ohio, nói.

Bảy chất hooc-môn tình yêu

Khi nói đến cơ chế hoạt động của các hooc-môn trong cơ thể khi yêu, có bảy loại chất này có vai trò quan trọng:

1) Oxytocin: được gọi là "hooc-môn tình yêu". Oxytocin giúp hình thành các mối liên hệ xã hội, tăng cường sự tin tưởng và làm tăng cường cảm giác rung động. Chất hooc-môn này được phóng ra khi hai người tham gia trò chuyện, chạm vào nhau, chơi với nhau hoặc tham gia vào các hình thức tương tác có ý nghĩa khác.

"Oxytocin làm tăng cảm giác gắn bó, yêu thương và cam kết của chúng ta đối với ai đó", Theresa Larkin, phó giáo sư y khoa tại Cao học Y khoa thuộc Đại học Wollongong ở Úc, nói.

Tuy nhiên, oxytocin cũng đã được chứng minh là đôi khi gây ảnh hưởng tiêu cực đến ký ức về những người thân yêu, cho thấy rằng hooc-môn này cũng có một mặt tối.

2) Vasopressin: là chất kích thích cảm giác phấn khích liên quan đến việc yêu một người khác. Hooc-môn này khuyến khích một số hành vi tương tự như những hành vi phóng ra từ oxytocin, nhưng các nghiên cứu cho thấy Vasopressin còn được phóng ra khi có mối đe dọa hiện diện, khiến chúng ta cảm thấy được bảo vệ những người chúng ta quan tâm hơn. Với khả năng này, nghiên cứu cho thấy chất hooc-môn này cũng có thể chịu trách nhiệm cho cảm giác chiếm hữu hoặc ghen tuông - những cảm xúc có thể được giảm bớt dưới tác dụng của oxytocin.

"Và như thế, hai chất hooc-môn Oxytocin và Vasopressin thực hiện một điệu nhảy năng động giúp giải thích những lợi ích và thiệt hại liên quan đến các khía cạnh khác nhau của tình yêu", Carter giải thích.

3) Dopamine: Được mệnh danh là "hormone cảm giác tốt", kích thích bởi những thứ mang lại niềm vui như thức ăn, tập thể dục, thậm chí cả ma túy. Trong tình yêu, dopamine được phóng ra khi hôn nhau hoặc trong quan hệ tình dục, tạo cảm giác say đắm và thôi thúc mong muốn gần gũi với người yêu.

4 & 5) Testosterone và Estrogen:
Được gọi là "hormone sinh dục", có vai trò thúc đẩy sinh sản và ham muốn tình dục cơ bản. Cả hai thường gắn liền với giai đoạn say đắm hoặc cuồng nhiệt trong tình yêu. Testosterone giữ vai trò kích thích ham muốn, còn dopamine đóng vai trò khen thưởng, khích lệ hành động quan hệ.

6) Noradrenaline: Tạo ra các phản ứng sinh lý khi gặp người mới hoặc khi yêu như tim đập nhanh, hồi hộp, đổ mồ hôi. hooc-môn này cũng ảnh hưởng đến trí nhớ, giúp các đôi uyên ương nhớ rõ những kỷ niệm thời gian đầu yêu nhau.

7) Serotonin: Là một trong số ít các loại hooc-môn giảm sút trong các giai đoạn rung động yêu đương, với mức độ giống như mức xảy ra ở người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Điều này cho thấy người đang yêu có thể có một số điểm tương đồng với bệnh nhân OCD, cả hai đều có xu hướng sở hữu, kiểm soát đối tượng.

Mặc dù nhiều hoạt động tình cảm khác nhau có thể kích thích giải phóng các chất hooc-môn khác nhau, chúng không luôn hoạt động riêng lẻ và nhiều yếu tố có thể khiến cơ thể sản sinh ra nhiều loại hooc-môn cùng một lúc. Ví dụ, cả Dopamine và Serotonin đều góp phần tạo nên suy nghĩ sở hữu, nhưng theo những cách tác động trái ngược nhau.

Jacquie Olds, phó giáo sư tâm thần học lâm sàng tại Trường Y Harvard, cho biết: “Tình yêu là một hiện tượng đa giác quan cực kỳ phức tạp, liên quan đến tất cả các giác quan của chúng ta và ảnh hưởng đến não bộ theo nhiều cách sâu sắc và bí ẩn”.

Lợi ích sức khỏe của tình yêu

Bất kể vì sao hoặc khi nào các chât hooc-môn liên quan đến tình yêu được giải tỏa, mỗi chất nội tiết tố này đều có liên quan đến những lợi ích sức khỏe thể chất và tinh thần khác nhau.

Cacioppo cho biết: “Khi mạng lưới tình yêu được bật lên, nó sẽ kích hoạt các trung tâm khen thưởng của não, giải tỏa một loạt hooc-môn, chất hóa học thần kinh và các chất gây “phê” tự nhiên, khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, đồng thời giúp cơ thể chữa lành bệnh và giúp tâm trí chúng ta đối phó với những cơn đau”.

Một số lợi ích từ việc có tình yêu trong cuộc sống đã được xác minh bao gồm giảm căng thẳng, ngủ ngon hơn, cải thiện sức khỏe, miễn dịch, giảm đau (nghiên cứu cho thấy rằng có nhiều oxytocin trong máu giúp chữa lành cơn đau), ít trầm cảm hơn, nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, cải thiện các chức năng nhận thức, và thậm chí tuổi thọ dài hơn.

Carter nói: Các mối quan hệ an toàn thuộc cả loại tình cảm lãng mạn và không lãng mạn, "tạo ra trạng thái sinh học thúc đẩy thư giãn, tăng trưởng và phục hồi". "Trong suốt cuộc đời, xây dựng các mối quan hệ yêu thương là việc rất quan trọng để có sức khỏe tốt."
 
Vì sao bạn mù quáng vì tình yêu

Các giai đoạn khác nhau của một mối quan hệ có thể mang lại những lợi ích khác nhau. Nghiên cứu cho thấy một số hooc-môn có nhiều hơn trong giai đoạn đầu yêu nhau, trong khi những hooc-môn khác mang lại lợi ích lâu dài.

Ví dụ, chất noradrenaline được tiết ra thường xuyên hơn khi bắt đầu trong quan hệ yêu đương khi còn nhiều điều chưa biết về nhau, giữ bộ não ở chế độ 'tiến hành một cách thận trọng'.

"Khi mới bắt đầu một mối quan hệ, adrenaline tăng cao, gây ra cảm giác xôn xao trong lòng và nhịp tim đập nhanh hơn. Hoạt động ở các phần não giúp chúng ta đưa ra phán đoán sáng suốt cũng giảm đi. Đó là lý do tại sao bạn có thể “mù quáng” không nhìn thấy những yếu điểm của đối tượng,” Lucy Brown, giáo sư lâm sàng về thần kinh học tại Đại học Y khoa Albert Einstein ở New York, giải thích.

Brown cho biết, khi mối quan hệ đó phát triển và mức độ cam kết tăng lên, một số niềm đam mê mãnh liệt ban đầu được dopamine khen thưởng sẽ được thay thế bằng các hormone khác.

Cô giải thích: “Oxytocin đóng vai trò quan trọng hơn trong việc duy trì các mối quan hệ lâu dài. Nó cũng góp phần mang lại cảm giác an toàn và yên tâm khi sự không chắc chắn và nỗi sợ bị tổn thương giảm bớt. Tương tự, chất Vasopressin đóng vai trò thường xuyên trong các mối quan hệ lâu dài. Nó thúc đẩy sự tận tâm và tăng cường cảm giác bảo vệ cũng như niềm tự hào về các mối quan hệ của một người.
 
Điều gì xảy ra khi chia tay?

Carter nói: Mặc dù lợi ích sức khỏe thể chất và tinh thần của những hooc-môn này rất đáng kể, nhưng “chúng ta phải trả giá bằng những phản ứng cảm xúc đau khổ khi mất đi những người bạn đồng hành”.

Chia tay có thể đồng nghĩa với việc mất đi một lượng hooc-môn tạo cảm giác dễ chịu như dopamine và oxytocin, đồng thời, làm tăng các hooc-môn liên quan đến căng thẳng như cortisol và norepinephrine.

Olds nói: “Một cuộc chia tay đột ngột làm mất đi chất dẫn truyền thần kinh mà chúng ta đã quen thuộc”. “Cũng giống như một người nghiện phải trải qua lúc kiêng thuốc, một cuộc chia tay tồi tệ và đột ngột sẽ gây ra đau khổ lớn.”

Đối với một số người, sự đau đớn không chỉ trên tinh thần, mà thậm chí là nỗi đau toàn diện trên thể chất.

Brown giải thích: “Một cuộc chia tay tạo ra phản ứng căng thẳng trong cơ thể và não bộ, và não phản ứng như thể có một kích thích đau đớn về thể xác”, gửi đến những tín hiệu gây đau đớn lên thân thể, và đó là lý do một người cảm giác như bị dao đâm từng nhát vào tim mỗi khi cơn đau trỗi dậy. Một niềm khao khát thèm muốn thường theo sát sau đó - tương tự như một người nghiện trải qua quá trình cai nghiện. Cacioppo giải thích: “Bạn tìm kiếm người đã không còn ở đó nữa, những cảm xúc tích cực mà bạn từng gắn bó với người mình yêu không còn nữa”. "Sự đau khổ hay thất tình là thế."
Kubo cho biết những cảm giác mất mát hoặc khao khát này có thể biểu hiện dưới dạng chán ăn, thay đổi cân nặng, rối loạn giấc ngủ, lo lắng hoặc trầm cảm, dẫn đến những chứng bệnh khác.

Những cảm giác như vậy có thể tăng lên đáng kể nếu người mình yêu thương qua đời. Trong những trường hợp cực đoan, điều này có thể gây tử vong cho người đang chịu tang.

Carter nói: “Oxytocin rất quan trọng trong việc bảo vệ tất cả các mô, đặc biệt là tim.” Khi dòng cung cấp các chất này đột ngột dừng lại sau cái chết của người thân hay sau khi mất người yêu, nó có thể tạo ra phản ứng tim mạch. Đối với nhiều người, điều này còn cùng nghĩa với việc giải phóng ra các chất hooc-môn căng thẳng đi kèm với sự mất mát đột ngột có thể khiến huyết áp tăng vọt, tim đập nhanh và khó thở.

Larkin cho biết, mặc dù các triệu chứng như vậy là biểu hiện thể chất tồi tệ nhất đối với hầu hết mọi người, nhưng những người mắc bệnh tim tiềm ẩn "có thể có nguy cơ bị đau tim" nhiều hơn. Đây là nơi xuất hiện tình trạng bệnh lý hiếm gặp được gọi là hội chứng trái tim tan vỡ.
Cacioppo giải thích: “Một nghiên cứu về sự đau buồn từ những năm 1960 đã xem xét 4,486 người góa vợ ở Anh”. "Trong sáu tháng đầu tiên sau khi mất vợ/chồng, họ có nguy cơ tử vong cao hơn 40% so với những người còn vợ/chồng cùng độ tuổi với họ."
May mắn thay, những kết quả tồi tệ nhất liên quan đến việc chia tay người thân - dù là chia tay hay qua đời - sẽ giảm dần theo thời gian khi chúng ta hình thành và phát triển các mối quan hệ mới.

Carter nói: “Khi các mối quan hệ xã hội bị phá vỡ do chia ly hoặc mất đi một người bạn đồng hành, hệ thống thần kinh cần thời gian để cân bằng lại và điều chỉnh”. "Theo nghĩa đen, chúng ta có thể trải qua nỗi đau của một mối quan hệ đã mất mãi mãi, nhưng khi những mối liên kết mới hình thành, chúng có thể giúp chữa lành nỗi đau tinh thần liên quan đến sự mất mát."

Tự chăm sóc cũng có thể giúp nguôi ngoai. Larkin khuyên: “Sau những ngày hoặc tuần đầu tiên khó khăn nhất, điều quan trọng là phải bận rộn làm những việc bạn thích để giảm hooc-môn căng thẳng và tăng hormone tình yêu”.

Cần phải làm gì tùy thuộc vào vị trí, hoàn cảnh của mỗi người

Điều hữu ích cần làm là tìm hiểu để nhận ra mình đang ở vị trí nào và có thể mở rộng vùng an toàn của mình, hình thành những kết nối có ý nghĩa hơn với những người thân yêu hiện có hoặc tạo ra những kết nối mới.

Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ dường như thiếu tình yêu và thiếu hụt những chất hooc-môn tạo cảm giác dễ chịu đi kèm với nó, Langeslag khuyên bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho người bạn của mình, tập trung vào điểm mạnh của họ và những kỷ niệm hạnh phúc của hai người, cùng nhau chú trọng và tham gia vào sự thân mật, âu yếm thể xác như những cách kích hoạt giải phóng các chất hooc-môn tình yêu để cải thiện tình cảm của bạn.

Và nếu bạn hiện không có tình cảm lãng mạn nào, các hooc-môn liên quan đến tình yêu vẫn có thể được kích hoạt bằng cách dành thời gian vui vẻ với các thành viên trong gia đình và bạn bè thân thiết, cái siết tay, vòng ôm, tận hưởng thiên nhiên và thậm chí gần gũi với thú cưng trong nhà, tất cả những thứ này đều bổ ích, Larkin nói.

Một điều bạn không nên làm là chấp nhận cuộc sống cô đơn. Giống như nhiều loài động vật tiến bộ khác, con người không tiến hóa để sống như những sinh vật đơn độc. Cacioppo nói: “Tình yêu không phải là điều tùy chọn. Nó không phải là thứ có thể thiếu trong một cuộc sống lành mạnh”. "Tình yêu là một nhu cầu sinh học."

Cung Đô sưu tầm/biên dịch
 
Bài gốc: “What happens to your body when you’re in love—and when you’re heartbroken” của Daryl Austin, đăng trên tạp chí National Geographic ngày 9 tháng 2, 2024.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nếu có thể kéo dài tuổi thọ hoặc thậm chí là bất tử, liệu chúng ta có thực sự muốn điều đó không? Trong cuốn sách mới có tựa đề “Why We Die: The New Science of Aging and the Quest for Immortality” (Tạm dịch “Tại Sao Chúng Ta Chết: Phát Hiện Mới Về Lão Hóa và Đi Tìm Sự Bất Tử”), Venki Ramakrishnan, khoa học gia về sinh học phân tử đoạt giải Nobel, đã sàng lọc các nghiên cứu từ trong quá khứ đến tiên tiến nhất để tìm hiểu những lý thuyết kéo dài tuổi thọ cùng với những hạn chế thực tế. Trong quá trình tìm hiểu, ông cũng đặt ra các câu hỏi quan trọng về những vấn đề liên quan đến xã hội, chính trị và đạo đức của những nỗ lực đi tìm sự sống vĩnh cửu.
Diễm biến mất. Giáo sư nói với tôi con người không thể tự biến mất. Bà hỏi chủ tiệm tóc kỹ hơn, cô chủ tiệm nói lý do cô khẳng định Diễm “biến mất”, là vì tất cả bạn bè của Diễm ở Bình Tân, ở thị trấn, ở quê của mẹ, đều cùng một thời điểm đột ngột mất liên lạc với Diễm. Không phải là chặn Zalo hay block Facebook, mà đơn giản là biến mất. Chủ tiệm tóc có vài học trò học xong nghề cũng lên mở tiệm hoặc làm thuê gần Bình Tân, Quận 12, là những chị Diễm thường ghé ở nhờ mỗi khi lên Sài Gòn. Họ đều nói họ mất liên lạc với Diễm cùng một thời điểm.
Một cậu bé 16 tuổi nâng nguyên một chiếc Volkswagen lên để cứu hàng xóm bị kẹt dưới xe. Người mẹ dũng cảm chiến đấu với gấu Bắc Cực để bảo vệ con mình. Cô con gái lôi chiếc máy kéo bị lật đè trên người cha ra. Những kỳ tích này được thực hiện nhờ có một lượng adrenaline tăng vọt và giải phóng các hệ thống của cơ thể cũng như năng lực của cơ bắp, vốn chỉ có thể ‘xuất toàn lực’ trong những tình huống căng thẳng cực độ.
Không thể nhìn thấy bằng mắt thường, không có mùi và cũng chẳng có vị, những lượng nhỏ chì (lead) hiện diện trong các vật dụng mà chúng ta sử dụng hàng ngày, trong nhà chúng ta ở, và cả trong nước chúng ta uống. Thậm chí, chì còn xuất hiện trong các bình nước tái sử dụng, như việc phát hiện ra chì trong đáy ly Stanley. Vụ việc đã làm dấy lên nhiều tranh cãi và khơi dậy sự chú ý của người tiêu dùng đối với một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu.
Là một khoa học gia nghiên cứu về cảm giác đói và việc kiểm soát cân nặng, Zachary Knight, Giáo sư Sinh lý học, Viện Khoa học thần kinh cơ bản Kavli, Đại học California, San Francisco, quan tâm đến cách bộ não thông báo cho chúng ta biết khi chúng ta đã ăn đủ no. Khi bắt đầu cảm thấy no, chúng ta sẽ ăn chậm lại. Trong nhiều thập niên, các khoa học gia cho rằng sự thay đổi tốc độ này được điều khiển duy nhất bởi các tín hiệu từ dạ dày và ruột đến não. Nhưng một nghiên cứu mới từ phòng thí nghiệm tại UC San Francisco chỉ ra rằng, trên thực tế, có một quá trình khác đang diễn ra, và nó bắt đầu ngay từ khi chúng ta nếm thử thức ăn.
Trong một bài viết về chích ngừa tăng cường cho Covid mùa đông năm nay, tôi đã nhận xét về sự tương đối trong những khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh Hoa Kỳ (CDC) về vấn đề chích ngừa Covid mũi booster. Riêng trẻ em thì sao? Khuyến nghị cho họ là gì? CDC khuyến nghị tiêm phòng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Mặc dù phân tích của CDC cho thấy trẻ em từ 5 đến 17 tuổi ít có khả năng mắc bệnh nặng do COVID hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác, nhưng trẻ em đôi khi vẫn bị bệnh nặng, ngay cả những trẻ không có bệnh lý tiềm ẩn. (Phần lớn trẻ em từ 6 tháng đến 11 tuổi nhập viện từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay (2023) đều chưa được chích ngừa Covid).
Bất kể chúng ta đang đứng ở đâu trên Trái đất, dưới chân chúng ta đều có nước chảy len lỏi bên dưới lòng đất. Nước ngầm cung cấp nước uống cho khoảng một nửa dân số thế giới và gần một nửa lượng nước dùng để tưới, tiêu dùng, giúp giữ cho các dòng sông, ao hồ và đầm lầy tồn tại qua thời kỳ hạn hán. Nước ngầm là nguồn tài nguyên có thể tái tạo, nhưng có thể mất hàng thập niên, thậm chí hàng thế kỷ để một số tầng nước ngầm phục hồi sau khi bị cạn kiệt. Những hiểu biết hiện nay về vấn đề này chủ yếu dựa vào việc ghi lại các đo lường mực nước trong các giếng ở những địa điểm khác nhau.
Gần đây quý vị vừa bị cảm lạnh, cúm, RSV hoặc COVID, bệnh đã qua nhưng mãi vẫn không thể hết ho? Rất nhiều người bị giống như vậy. Triệu chứng này có thể tồn tại trong nhiều tuần sau khi cơ thể chúng ta đã loại bỏ vi-rút. Michael Shiloh, một bác sĩ chuyên nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế UT Southwestern cho biết những bệnh nhân bị ho thường kể là họ đã bị bịnh từ 8 tuần trước khi đến gặp ông. Ông nói: “Chúng tôi thực sự không thể phát hiện thấy vi rút gì ở những người này nữa nhưng họ vẫn bị ho.”
Để tạo ra một chai Mouton Rothschild 1945, hãy pha hai phần Château Cos d'Estornel với một phần Château Palmer và Cabernet California. Đó là mánh lới của Rudy Kurniawan, một gian thương kinh doanh rượu vang, ông ta đã pha trộn các loại rượu này rồi đổ vào những chai cũ có dán nhãn giả và bán cho những người sưu tập cả tin. Năm 2014, ông ta bị kết án 10 năm tù tại một nhà tù ở Hoa Kỳ, bị tịch thu 20 triệu MK và phải trả thêm 28 triệu MK cho các nạn nhân.
Hội chứng người cứng đơ (Stiff Person Syndrome – SPS) là một căn bịnh có thể gây co thắt dữ dội và làm suy nhược các cơ, nhưng hầu hết mọi người đều không biết gì về nó mãi cho đến cuối năm ngoái, khi nữ danh ca Celine Dion công bố tình trạng bịnh của mình. Chứng rối loạn thần kinh và tự miễn dịch hiếm gặp này được cho là chỉ ảnh hưởng đến 1 hoặc 2 người trong một triệu người – và hai phần ba trong số những người bị là phụ nữ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.