Hôm nay,  

Vui Buồn Thẩm Mỹ: Còn Có Một Thứ ‘Made In USA’

20/12/201910:51:00(Xem: 2416)

 

Trong tiệm.

Sáng sớm cô Hòa, khách ruột của Thu, mở hàng:

-Bữa qua có chuyện ngộ lắm. Cái bàn cầu nhà tui cứ xục xịch hoài. Cái này có từ hồi mua nhà 10 năm trước, chứng tỏ hai con ốc nó cũ tới mức nào mới lỏng le vậy. Định bụng phải thay cái mới. Nói là làm, tôi lấy thước ra đo khoảng cách của hai lỗ gắn bàn cầu ghi lại đặng kiếm cho đúng cỡ. Bàn cầu lớn, nhỏ không tính, chỉ cần tính khoảng cách hai cái lỗ gắn vô cái bồn là yên chí. Tui chạy ra Home Depot. Đứng trước khu chưng bày bàn cầu, đủ kiểu đủ loại đủ hiệu, cái tròn cái bầu dục, cái làm bằng gỗ cái bằng nhựa và tất cả đều là “Made in china”. Thiệt là?  chạy trời không khỏi nắng. Thử đi một vòng mà coi, từ món lớn tới món nhỏ, từ cánh cửa vật liệu xây cất tới con ốc gói hột bông hoa rau quả cây cối, đều là làm ở Trung cộng. Tôi thấy một loại cùng hiệu như cái ở nhà, chỉ chưng có 2 kiểu thôi trong khi những hiệu khác thì hằng hà. Trong bụng nghĩ thôi thì lựa cái bầu dục, bự, ngồi cho êm tuy là khác hiệu. Đem về ráp mấy con ốc linh tinh xong tui đem bàn cầu gắn vô cái bồn. Chết rồi, không vừa, cái bàn ló ra khỏi cái bồn một khúc. Thôi, vậy là cái bồn nhà mình là loại thông thường chứ không phải loại lớn. Đem đi đổi. Lần này lấy hiệu giống như cái bồn cũ. Về, mò hoài hổng ra cách ráp mấy con ốc. Bực mình, cái khác hiệu thì ráp dễ còn cái cùng hiệu thì khó quá. Đem trở ra tiệm đổi lại cái khác hiệu nhưng nhỏ hơn. Về ráp mấy con ốc xong đặt lên cái bồn thì hai con ốc vặn hoài cứ lung lay, không cứng chắc. Ngủ dậy, sáng sớm 7 giờ, tôi suy nghĩ, cái bàn ngồi phải cùng hiệu với cái bồn cầu thì mới đúng. Thôi thì chịu khó tháo cái này ra đi đổi nữa. Phần khó ráp thì đợi thằng con về mượn nó làm giùm.

Vô tiệm trả lại, lấy đúng cái mình muốn. Đem ra chỗ tính tiền tự động. Ủa, sao giá là $0.01. Một cent. Cho chạy qua máy lần thứ hai cũng ra $0.01, tổng cộng là $0.02. Ủa, sale kiểu gì mà cái bồn cầu chỉ có 1 cent?

Bấm chuông gọi người giúp thì một lúc lâu mới thấy bà Mễ tới. Bà tới cho chạy qua máy lần nữa, cũng ra con số $0.01, bây giờ, tổng cộng ba lần, tăng lên là $0.03. Hỏi, bộ bán sale đặc biệt sao? Bà trả lời:

-Không phải đâu. Có gì đó không đúng, để tôi gọi người sếp tới giải quyết vì khi món hàng là giá $0.01 thì không thể bán được mà phải để trở vô kho.

Tui phát rầu. Hình như cái này là cái duy nhứt còn trong tiệm. Nhà đang cần cái bàn cầu mà vầy thì mất công chạy qua tiệm khác kiếm nữa. Tiệm nào bây giờ?

Cậu thanh niên “sếp” tới, thì cũng ra con số 1 cent. Cậu biểu chờ để cậu ra sau coi lại.

Trong khi chờ đợi, bà Mễ cứ xin lỗi vì tui phải chờ, bà nói:

-Thường thường, xảy ra trường hợp này là vì nhân viên quên dán giá tiền vô món đồ. Khi nào cậu ấy xem xét xong đem món đồ trở lại tôi sẽ hạ bớt phần trăm vì sự thành thật của bà. Rất nhiều người họ trả 1 cent rồi ra về chớ không gọi chúng tôi tới đâu. Tui nói:

-Tại vì tui nghĩ có gì sai khi thấy giá đề là $39.99 kia mà, đâu có bán sale.

Khi cậu “sếp” trở lại, cậu ta cầm cây viết “Marker” gạch lên món đồ rồi đưa cho tôi, cười nói:

-Đây, bà cứ cầm lấy.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên:

-Hả?

Cậu ấy và bà Mễ cùng cười. Bà nói:

-Bà cứ cầm về, là của bà.

Tui cám ơn hai người, ôm món đồ ra về.

Thì ra, nhờ tánh thành thật mà mình được một món đồ miễn phí.

Bà Sáng đang ngồi cho Sương uốn tóc, ghế kế bên, bỏ tờ báo xuống, tiếp chuyện:

-Vụ này làm tôi nhớ hôm trước cũng ngộ ngộ. Hôm đó tôi ra kiếm mua vài bịch dăm bào về lót sân. Chỗ nào cỏ mọc lên nhiều quá, nếu nhỗ hết cỏ, trải tấm ny-lông lên rồi để dăm bào cho kín, sẽ có vài điều lợi là: Giữ được nước, cỏ không mọc, nhìn thấy sạch, phân biệt, nổi lên những bụi bông gốc cây.  Tới chỗ họ chất đống những bịch dăm bào cao ngều ngệu, tôi đút chiếc xe đẩy gần kề, lấy thế, kéo một bao qua xe thì mấy ngón tay mình chọc thủng cái bao một lỗ. Giựt mình tôi ngừng tay rồi dáo dác kiếm nhân viên để nhờ họ giúp. Chẳng thấy ai, tôi mới tới quầy tính tiền hỏi cô thu ngân thì cô nói: -À, bây giờ vắng khách để tôi tới phụ.

Tới nơi, tôi kêu cô lấy bao nào đừng bị rách thì cô nói - À, hay là vầy, nếu cô chịu mua mấy cái bao bị rách thì sẽ hạ giá cho cô. Tôi chịu. Thế là cô lôi ra được 5 bao, cái nào cũng có lỗ, dăm bào bị rớt ra lả tả nhưng  không nhiều. Kệ, bớt đuợc đồng nào hay đồng ấy. Chẳng ngờ khi tính tiền cô hạ phân nửa giá, thay vì gần 4 đồng một bao nay chỉ còn một đồng mấy mỗi bao. Chỉ mất có vài nắm dăm bào mà được trừ đi tới nửa giá, lời quá xá.

Chị Ngà nói:

-Ờ, mua quần áo cũng vậy đó. Cũng lâu rồi, có lần mua cái áo, ra chỗ tính tiền chợt thấy thiếu một cái nút áo, tui chỉ cho cô thu ngân thấy để đổi cái khác thì cô nói sẽ trừ đi hai chục phần trăm. Tui chịu liền vì về nhà lấy cái nút sơ cua họ để trong cái túi ny-lông nhỏ kẹp trong trôn áo, múa tay vài đường kim mũi chỉ đính vô là xong.

Sương nói:

-Tại chị đi nhằm tiệm đó, có lần em cũng chỉ cho họ thấy một chỗ bị sướt đường chỉ hỏi có bớt hông thì cô thu ngân nói cổ không được phép bớt tiền cho khách hàng, cái áo này sẽ dạt qua một bên. Sao họ không bớt liền cho mình, người đang muốn mua. Quái lạ. 

Thanh nói:

-Thiêt tình! Nhiều tiệm vậy đó. Thà là họ bỏ món đồ bị khiếm khuyết qua để sau đó bán sale hay bán mão cho mấy tiệm nhỏ, còn hơn là bớt phần trăm cho khách.

Thu nói:

-Có lẽ làm như vậy để không bị mất giá trị của món đồ, hoặc để cho người gian không có cơ hội. Tui nghe nói có nhiều người đi sắm đồ vô mấy tiệm lớn họ cầm theo cây kéo, họ cắt giá tiền của món đồ giá rẻ đính vô món đồ giá mắc hoặc lắt bỏ nút áo để được giảm giá. Gian lận mà, họ có đủ cách.

Láng nói:

-No béo gì đâu mà làm như vậy ta? Nhưng mấy công ty lớn dư biết những mánh khóe này cho nên họ không chịu bớt phần trăm tại quầy là vậy. Cũng như ngăn chận không cho thu ngân ăn có với bạn bè và người than để ăn gian. Mấy anh chị thấy lẩn quẩn gần chỗ máy tính tiền luôn có nhân viên trông chừng những người thu ngân đó sao.

Láng nói:

-Mà cũng có khi nhân viên họ làm lộn xộn. Có lần em thấy cái ghế nhựa để ngồi ngoài bãi biển giá rẻ quá. Bình thường là hăm mấy đô mà kỳ đó giá chỉ có một đô mấy. Em coi kỹ lần nữa thì cái bảng để giá tiền gắn trên cái ghế là một đô mấy. Em liền rút ra hai cái. Đem ra quầy tính tiền cô thu ngân nói có gì sai, gọi người sếp tới, cô ta chạy tới đống ghế xem xét, trở lại cô nói vì cái bảng giá tiền để ngay đó nên họ sẽ bán cho em 2 cái ghế với giá đó, bởi vì cái bảng giá đúng là hăm mấy đô, nhân viên đã để lộn qua món hàng khác.  

Tuấn nói:

-À, ấy là trường hợp tiệm biết tự nhận lỗi và tôn trọng khách chứ không thì họ sẽ nói là không bán với giá lộn được.

Cô Hòa cười:

-Nói gì thì nói, bữa đó tự dưng mình cũng được tặng không một món đồ cũng vui. Vậy bữa nay ai tặng tôi món gì đây?

Thu buột miệng nói liền:

-Em. Em tặng chị một miếng vàng lá trên móng tay hi hi hi, cho người đẹp lát vàng đầy tay hi hi nè chị lựa đi muốn vàng trắng hay vàng vàng?.

Cô Hòa cười ngất:

-Ha ha ha nói chơi tưởng thiệt hả Thu? ờ cho thì lấy, màu vàng thì mới giống vàng lá chớ. Ờ, tính tới tính lui cô Thu này làm móng tay cho tui cả chục năm rồi, tiền thâu vô sơ sơ cũng đủ sắm cả chục lượng vàng há? Nói chơi thôi mấy cô đây cũng ngồi còng lưng từ sáng tới chiều ngày này qua ngày khác, nhứt là thời buổi cạnh tranh quá gay go này mới kiếm đủ sống chớ, phải hông nà? Thôi xong rồi, bàn tay cùi thành bàn tay tiên rồi, tui ghé qua Mall coi có gì bán onsale hôn, mua cho mấy đứa cháu. Ối thôi, con nít ở đây sướng dàn trời, đồ chơi đầy một nhà mà lúc nào gặp cũng đòi đồ chơi. Nhớ hồi nhỏ mơ ước một con búp bê biết mở mắt nhắm mắt muốn chết mà có được đâu!

Thu nói:

-Dạ đúng, con em cũng vậy đó. Mà đồ chơi của tụi nó có tên đàng hoàng nha, mấy quái vật mấy thần tượng của nó, mình kêu lộn nó hổng chịu đâu. Thôi, móng tay móng chân chị khô rồi, đi sắm đồ vui vẻ hẹn gặp lại chị kỳ tới nha.

Cô Hòa ra khỏi tiệm, mấy chị em nhìn theo, lòng bâng khuâng. Cô Hòa ơi, còn có một thứ “Made In USA” là tụi tui nè, thợ làm nails đây cô ơi./.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trước hết, chúng ta thừa hưởng một nền văn hóa phụ hệ. Người đàn ông nắm hết quyền hành và đàn áp đàn bà theo ý riêng. Những thế hệ trước năm 1950, hầu hết đàn bà Việt là nô tỳ cho đàn ông, một loại nô lệ tự nguyện theo truyền thống và có thể bị hành hạ nhiều hơn nữa, nhưng không được xã hội, chính quyền bênh vực. Về sau, nhờ du nhập văn hóa, văn minh tây phương và bộ luật gia đình thời đệ nhất cộng hòa, người đàn bà Việt mới trút bớt gánh khổ bị áp bức, tuy nhiên, tinh thần tự nguyện nô tỳ vẫn hiện diện trong huyết mạch của những thế hệ trẻ, kéo dài qua hải ngoại, cho dù nơi đây tôn trọng phụ nữ bậc nhất.
Nghe họ nói chuyện với nhau thì hiểu ra. Nhóm phụ nữ này hầu hết hơi phúng phính nên họ đã tạo ra một trò chơi vừa vui vừa có ích, họ mang vô sở cái cân và mạnh ai nấy leo lên cân rồi ghi số cân vô sổ. Họ mở ra một cái quỹ, mỗi tuần mỗi người góp vô quỹ 5 đô la rồi bắt đầu ăn cữ ăn kiêng, tới cuối tháng, người nào sụt số cân nhiều nhứt sẽ được thưởng số tiền gom chung đó, rồi họ bắt đầu góp tiền cho tháng tới. Họ làm sao mà giống giống như chơi hụi mở hụi khui hụi góp hụi vậy ta.
Hiểu biết về màu sắc làm nền cho nghề nghiệp thẩm mỹ, đặc biệt trong công việc trang điểm và nhuộm, tẩy tóc; ví dụ như: Màu đỏ dự phần vào đời sống con người qua máu và lửa. Chúng ta cũng nhận xét rằng những người thời xưa đã kết hợp màu đen với bóng đêm, và màu vàng cho những ngày tươi sáng. Màu trắng tượng trưng cho sự trinh trắng, trong khi màu tím chỉ được dùng trong giới trưởng giả mà thôi.
Có những chiều thu vương nắng cuối thôn …mùa thu đã về trên bầu trời thênh thang mây, mùa thu về với những chiếc lá nâu vàng thay nhau đổi màu, mùa thu về trên vai áo nâu non, tóc mùa thu cũng nâu vàng theo nắng thu rất vội. Mùa thu chỉ vừa mới chớm.
Tối qua ngủ được, sáng sớm chị Ngà thức dậy, khỏe khoắn, lòng vui vui. Đứng lên quơ tay quơ chưn, làm vài động tác cho giãn gân cốt. Hai cánh tay dơ lên cao khỏi đầu, hạ xuống ngang vai, rồi khỏi hông. Hít thở vài cái. Một hồi.
Đường nâu + sữa = hợp chất tẩy da chết cho toàn thân thể. Da-ua + mật ong = dưỡng chất dành cho da nhạy cảm (sensitive skin) và da hay bị ửng đỏ
Chúng ta thường đi bộ, nhiều người thích đi bộ. Từ đi bộ trong nhà, cho tới ngoài đường, chợ búa, mua sắm, trong sở làm v…v…như là một sinh hoạt tự nhiên. Đi bộ thực ra cũng là một môn thể thao chậm, kiểu “Low-impact”. Đi bộ vừa thong thả tự do, thích hợp với mọi lứa tuổi mà còn rất tốt cho sức khoẻ và sắc đẹp cho cả hai phái nam và nữ.
Phần mái ở trước trán (bang), nhiều bạn gái thích cắt ngắn, trông nhí nhảnh trẻ trung, nhất là khi cột tóc đuôi ngựa. Nhưng phần tóc nầy mọc ra dài rất nhanh, chúng ta nên tập tự cắt lấy, để khỏi phải chạy ra tiệm chỉ để cắt chút xíu ở phần tóc nầy, vừa mất thì giờ lại tốn tiền.
Nè mấy người, ai muốn học gắn lông mi từ sợi từ sợi y như lông mi thiệt hông tui dạy tính rẻ, lấy vốn đồ nghề lại coi. Thu chanh chua càng nói càng lớn tiếng: Xời ơi bà nầy, vừa vô ơn vừa bòn. Trong túi có chín đồng, cố ngó quanh quất xung quanh coi có lòi ra thêm một đồng nào đâu đó đặng bỏ vô túi. Chẵn mười đồng!
Quí vị muốn tránh cảm giác choáng váng hay nhức đầu dữ dội sau khi uống rượu chăng ? Hãy ăn vài lát dưa leo trước khi đi ngủ. Khi thức dậy, quí vị sẽ thấy tỉnh táo và hết nhức đầu. Dưa leo chứa một lượng đường vừa đủ, các loại vitamin B, và các chất điện giải để tái bổ sung những tinh chất sinh tố cần thiết mà cơ thể đã bị mất đi, hầu tái lập sự cân bằng, xua tan cảm giác choáng váng hay nhức đầu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.