Khánh Trường một thời du đãng.
Khánh Trường một người lính.
Khánh Trường nhà văn, nhà thơ, họa sĩ.
Và Khánh Trường là người khơi giòng, hợp lưu.
Dù đóng vai nào, Khánh Trường cũng hết lòng, “chơi tới bến”, đẩy tới cùng cái mà người khác chỉ đẩy một nửa.
***
Như anh có lần tâm sự, thủa 13, anh đã bỏ quê nhà Quảng Nam, lên Đà Lạt, sống đời lang bạt, ăn bờ ngủ bụi, thậm chí “biết tình yêu gái điếm” dù còn non choẹt.
Rồi anh xuống Sài Gòn, không muốn tiếp tục làm du đãng, anh đăng lính, dù chưa đủ tuổi. Có sao đâu, chiến tranh đang lên cao điểm mà, quân đội cần lính, nhất là lính Dù, những người lỳ lợm, can đảm, tự nguyện.
Những năm chiến trận, đúng châm ngôn “Nhẩy Dù cố gắng”, anh sống trọn với đồng đội, với màu cờ sắc áo. Bị thương nhiều lần, anh buộc phải giải ngũ. Đời sống dân sự chưa được bao lâu thì “xẩy đàn tan nghé”, ngày 30 Tháng Tư 75, anh bị “bên thắng cuộc” liệt vào hàng ngũ “bên thua cuộc”. Vì là cấp hạ sĩ quan, anh không chịu chung số phận như hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức, bị đầy đọa nhiều năm tháng trong các trại tù mà chế độ mới gọi bằng mỹ từ “cải tạo”. Nhưng anh vẫn bị nghi kỵ, bị phân biệt đối xử ngay chính trên quê hương mình.
Không thể ở lại, anh vượt biên, đến Thái Lan, sau đó đến Mỹ định cư với thân xác vẫn còn vài mảnh đạn vì quá nhỏ nên không thể gắp ra được. Anh kể, vết thương chiến tranh vẫn luôn làm anh đau nhức vào mỗi độ trời trở lạnh.
Còn vết thương tinh thần nữa chứ. Anh vẫn thường bị giấc ngủ chập chờn, nửa đêm choàng tỉnh sau những cơn mộng dữ máu đổ thịt rơi.
Nhưng anh quyết không để bóng ma quá khứ phủ lấp cuộc đời mình. Anh quyết – như cách nói của nhà thơ Lê Đạt trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm – “đứng trên lưng quá khứ để nhìn thấy tương lai.”
Anh bắt đầu tự học tiếng Anh, ngôn ngữ của vùng đất mới mà thời còn ở quê nhà nó lạ lẫm với anh lắm. Và rồi từng bước một, như con chim làm tổ, anh tự học vẽ bằng sách vở tiếng Anh để “cầm cọ đúng quy cách khi tả người, tả cảnh, chứ không chỉ vẽ theo cảm xúc như thời trước khi bỏ nước ra đi”, anh nói với tôi như thế.
***
Vẽ, viết truyện, làm thơ, tạo nên một Khánh Trường lừng lẫy cho đến ngày anh nhắm mắt xuôi tay.
Dấu ấn lớn nhất anh để lại là 82 số báo Hợp Lưu: Từ số đầu tiên Tháng 10 năm 1991 đến số cuối cùng Tháng Tư 2005, ròng rã 14 năm, anh đã “đi tới, không chịu núp sau lưng quá khứ”.
Trong lá thư tòa soạn của số báo ra mắt, Khánh Trường viết:
“Văn học là một phần của văn hóa, dứt khoát không thể tách rời khỏi cội nguồn dân tộc. Mỗi quốc gia, do điều kiện địa lý, truyền thống, tập quán… đều có cho mình một nền văn hóa riêng, người làm văn học không thể xa rời cái “riêng” đó nếu họ còn cầm bút và viết bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Chúng tôi tin rằng, khát vọng sâu xa nhất trong mỗi văn nghệ sĩ, là mong được gửi sáng tác của mình đến tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt trong ngoài. Khát vọng đó, buồn thay, do lòng thù hằn; do những vướng víu quá khứ; do tầm nhìn hữu hạn bị chi phối bởi định kiến chính trị; có khi do đố kỵ và nhất là do muốn yên thân, chúng ta đều cố tình tránh né. Người có chút tự trọng thì im lặng, âm thầm làm việc trong cô đơn. Kẻ cuồng tín, cơ hội, thì lớn tiếng gào thét, để rồi chỉ sản sinh rặt một thứ văn chương khẩu hiệu, hô hào đấu tranh sắt máu, bất chấp mọi thủ đoạn, phương tiện. Hoặc tệ hại hơn, chỉ loay hoay trong ý đồ đen tối: tìm mọi cách bôi bẩn nhau, gây chia rẽ, phân tán, nghi ngờ, khiến cho chân giả bất phân, khiến cho dù là anh em bằng hữu thân thiết, có khi cũng không dám nói thẳng nói thật điều mình nghĩ. Sống giữa chế độ Cộng Sản, điều đó không đáng ngạc nhiên, nhưng trình trạng này xẩy ra tại đây, trên các phần đất tự do, mới là chuyện đau lòng. Lối hành xử hẹp hòi đầy thiên kiến đó, tự căn bản, đã hoàn toàn xa rời với chức năng của người cầm viết, vô hình chung chúng ta tự đẩy mình vào ngõ cụt không lối thoát.”
Khánh Trường viết như thế vào năm 1991, viết táo tợn, viết dũng cảm, dám đưa lưng giữa hai lằn đạn: Đạn của chế độ đang toàn trị tại quê nhà và đạn của những người căm thù Cộng Sản tại hải ngoại.
Tôi còn nhớ, một người bạn từng là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa nói với tôi sau khi đọc Hợp Lưu số 1: “Thằng này láo thật! Nó tưởng nó là ai mà viết như thế!”
Một anh bạn khác sống tại Tiệp Khắc, từng là bộ đội Miền Bắc, đọc Hợp Lưu do tôi gửi tặng, bèn nhờ tôi nhắn với anh Khánh Trường: “Viết thế thì đám công an văn hóa trong nước chúng nó căm lắm đấy.”
***
Tôi rất thích một tấm hý họa, vẽ một ngã ba đường, với một đám đông người xếp hàng tề chỉnh đi về hướng phải, còn hướng trái chỉ có duy nhất một người. Thông điệp của bức hý họa rõ lắm: Khi tin điều mình làm là đúng, thì dù đơn độc cũng không lùi bước.
Khánh Trường thuộc mẫu người đó, khơi nguồn hợp lưu, bất chấp những chỉ trích – của cả hai phía – và thậm chí còn bị đe dọa “sẽ có người lấy tý máu của mày đấy”.
Những lúc căng quá, một số bằng hữu lo sợ an ninh của anh, góp ý anh nên “xét lại”. Máu “một thời du đãng, một thời chiến trận” nổi dậy, anh phang ngay một câu “Đ.M thằng nào ngon đến tìm tao đi, tao cho địa chỉ.”
Và rồi anh cương quyết khẳng định: “Có Hợp Lưu, những người cầm bút trong và ngoài nước mới có cơ hội đến gần nhau, cùng hướng tới mục đích chung: hỗ tương bù đắp cho nhau để góp phần nâng cao phẩm chất của văn học nghệ thuật nước nhà….
… Hợp Lưu sẽ phá vỡ mọi biên cương, mọi định kiến, mọi ràng buộc, mọi điều ‘cấm ký’, cập nhật và theo sát những trào lưu mới của văn hóa nhân loại.”
Khánh Trường chủ trương như thế, phá vỡ mọi biên cương, mọi định kiến, mọi ràng buộc, mọi điều “cấm ký” nhưng đọc kỹ từng số Hợp Lưu, chúng ta dễ nhận ra rằng, tờ báo không có chỗ cho những tiếng nói của những kẻ đang cầm quyền tại Việt Nam và những người cực đoan tại hải ngoại.
Hợp Lưu – tức là Khánh Trường – dù chủ trương “đứng trên vai quá khứ” nhưng không vì thế mà quên đi lòng thương cảm số phận Việt Nam, con người Việt Nam, vì sau một cuộc chiến đẫm máu 20 năm, vết thương trong lòng người vẫn còn rỉ máu.
Đọc Hợp Lưu số cuối cùng với chủ đề “30 Tháng Tư 1975, nhìn từ Miền Nam”, chúng ta sẽ nhận ra tình cảm đó. Khánh Trường viết: “Vì sao nhìn từ Miền Nam? Vì tâm tình của những con người đã cùng gánh chịu chung một cuộc chiến, 30 năm sau vẫn chưa được công nhận và phổ biến trên chính quê hương của mình. Dù nhìn dưới góc độ nào, chúng ta vẫn không thể phủ nhận những tiếng nói của một lớp người đã trực tiếp cọ xát với biến cố, cùng những thảm kịch do biến cố này tác động trực tiếp lên cuộc đời họ. Xét trên bình diện lịch sử cũng như nhân văn, những tiếng nói này là chứng từ ở một thời điểm nhiều giông bão trong dòng lịch sử dân tộc.
***
Dũng cảm, ngang tang, “thẳng ruột ngựa”, nhưng lúc đang giữa đường đi tới, Khánh Trường bị một cơn tai biến đánh gục. Ngồi xe lăn, nói năng khó khăn, anh vẫn không đầu hàng số phận: anh nhờ chị Oanh, vợ anh, dùng băng keo cột cây cọ vào tay để anh vẽ. Anh còn rị mọ gõ từng ngón trên bàn phím computer để làm thơ, viết truyện.
Theo nhận xét của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, “với khoảng hơn 40 tác phẩm sáng tác sau cơn đột biến, Khánh Trường thay đổi cách vẽ hiện thực tỉ mỉ qua trừu tượng phóng khoáng, cho thích ứng với khả năng không còn điều khiển sơn cọ theo ý muốn. Hơn 40 họa phẩm của Khánh Trường, đường nét không còn mang tính chất trau chuốt nương đồ, màu sắc gần gũi với đất đá thiên nhiên, và bố cục tranh thiên về một sự hài hòa tĩnh lặng. Sự đơn giản từ đường nét, màu sắc, bố cục trong tranh đã đem lại sự hồn nhiên, mộc mạc như trẻ thơ, như những tác phẩm từ hang động của nền nghệ thuật sơ khai, của sự vui thú trong sáng tạo nghệ thuật hơn là kỹ thuật khéo tay nhà nghề. Nhưng hội họa Khánh Trường không chỉ là phương tiện để anh vui chơi với màu sắc hình thể, mà còn là cứu cánh để đi tiếp đoạn đường đời.”
Mười ba năm ngồi xe lăn, mỗi tuần ba lần đi lọc thận, cổ họng bị ung thư đục ruỗng, vậy mà cho tới trước tuần lễ cuối cùng phải vào bệnh viện và chìm trong hôn mê trước khi nhắm mắt xuôi tay, mỗi lần cùng một vài bằng hữu thật thân đến thăm anh, anh luôn chỉ cho xem những bức tranh anh vừa vẽ xong. Anh còn hẹn sang năm 2025 sẽ triển lãm tranh và ra mắt thơ-văn của anh.
Bây giờ thì hết rồi.
“Ô hay nhà bác Khánh Trường. Thế Gian tan tác vấn vương làm gì”, nhà văn Nam Dao từ Canada viết lời tiễn biệt bạn mình như thế!
Vĩnh biệt anh Khánh Trường. Nhớ búi tóc dài, giọng nói bất cần đời, giáng đi ngang tàng của anh thời chưa đổ bệnh. Và nhớ nụ cười “hiền” của anh sau khi anh hiểu vòng xoay đời người là “sinh, lão, bệnh, tử”.
Đinh Quang Anh Thái
Gửi ý kiến của bạn