Với tài năng hội họa, văn, thơ, và nhất là tấm lòng và ý chí bền bỉ với văn học nghệ thuật, Khánh Trường đã chinh phục một số lượng độc giả và giới thưởng ngoạn nghệ thuật lớn, từ hải ngoại về đến trong nước, từ nhiều thập niên qua, và có lẽ Ông sẽ mãi được nhớ đến trong văn sử Việt là người khai phóng một nền văn học hậu chiến ở hải ngoại và trong nước qua tờ báo văn học Hợp Lưu. Sau ba cơn tai biến Ông đã phải mang nhiều bệnh tật, nhưng sự ra đi của ông vào cuối năm 29 tháng 12, 2024 vừa qua vẫn gây bàng hoàng đối với những người thân yêu và mến mộ ông. Nỗi niềm thương tiếc này được biểu hiện bằng đôi lời chia biệt với ông và gia đình từ khắp nơi. Việt Báo dành trọn số báo đầu năm trích đăng lại cùng với các bài viết thân hữu gửi về thương tiễn Ông.
Cầu mong Ông yên nghỉ.
oOo
Khánh Trường, tưởng và nhớ
Ngày 25-12, tin từ cô em gái Hoà Bình: chú Khánh Trường (KT) có gắn máy trợ y từ 10 ngày nay đã không tỉnh lại, chắc chờ các thầy đến đọc kinh rồi sẽ gỡ máy để chú ra đi thôi.
Sững sờ. Mặc dầu chẳng mấy ngạc nhiên, chuyện tất phải đến.
Trong bóng đêm, tôi hồi tưởng lang mang. Ngày tháng đã qua đi như những cơn mơ ngắt đoạn. Khi Trần Vũ nhắc KT Django (cao bồi Viễn Tây US) 40 năm trước không súng đạn mà mang một chồng Hợp Lưu (HL) đến Paris phân phát quảng cáo cho một nền văn chương có cả hai dòng, trong nước và hải ngoại, xoá làn ranh Quốc-Cộng khi đó vẫn còn là vết dao chia cắt không khoan nhượng. Rồi KT về VN đặt yêu cầu cho phát hành HL trong nước, nhưng dĩ nhiên là bị thế quyền thời vẫn còn say máu chiến thắng chối từ. Trong Ngôn Ngữ số 22 phát hành 1-11 -2022 (NN22) tôi đã viết khá chi tiết về đóng góp hàng đầu của HL trong sự nghiệp văn hoá của KT. Làm được HL như anh, phải quyền biến. Qua hiểu biết, và qua cả trực giác, phải có những nhận định sâu sắc về văn hoá và nghệ thuật để gầy lên sức sáng tạo. Làm được, phải chân tình và thẳng thắn với cộng tác viên. Làm được, phải hành xử như trượng phu với tình người và lòng tôn trọng phẩm giá của nhau. Làm được, KT đã làm được!
Qua khoảng 4 thập kỷ, KT đã viết 2 tập truyện ngắn, 8 tiểu thuyết, 2 tập thơ, thực hiện với Nguyễn Vy Khanh và Luân Hoán tập 44 năm Văn Học Hải Ngoại. Có yêu em không? vẫn là một truyện ngắn của KT còn gây ấn tượng trong tôi. Với thơ, tôi ít được đọc thơ KT nên không dám có ý kiến gì. Về hội họa, KT vẽ hàng trăm bức tranh. Có những bức gợi gam màu Michelangelo. Có những bức khiến người thưởng ngoạn nhớ tới Dali. Nhưng khi anh hạ bút vẽ đâu đó 40 bức tranh Thiền thì tôi xin khâm phục. Tâm và Thân hợp nhất, không sau không trước, không có không không, tất cả sẽ trôi về viên miễn bốc hơi thành mây trắng trong màu xanh bao la đất trời.
Ngày 27-12, Hoà Bình viết: rút máy trợ y vào khoảng 4 pm, 7 giờ sau chú KT vẫn không đi, vẫn thở…
Phép lạ?
Ngày 29-12, KT cứ tiếp tục sống. Hoà Bình viết, mặt chú thản nhiên, tiếp tục thở…
Lại phép lạ!
KT bạn tôi, đã 23 năm bạn phải ngồi xe lăn, mỗi tuần đi lọc máu 3 ngày, bạn cứ thế trơ gan cùng tuế nguyệt ư?
Này gửi bạn nhé:
Tử Sinh đồng nhất thể
Không-có cũng không-không
Vỗ tay cười thật lớn
Theo mây trôi bềnh bồng
Nam Dao
29-12-2024
oOo
Tôi kính trọng và nể phục Khánh Trường.
Khánh Trường là con người tài hoa độc đáo. Viết văn, làm thơ, hội họa, trong môn nào anh cũng không chấp nhận đi theo các đường mòn.
Khánh Trường độc lập và can đảm. Khi chủ trương tạp chí Hợp Lưu tại California, anh đăng bài của các tác giả trong nước, bị nhiều người phản đối, Khánh Trường vẫn thản nhiên "đường ta ta cứ đi."
Anh đã sống trọn một nghiệp kiếp, ra khỏi cõi đời này, tiếc rằng đi sớm quá,
Đỗ Quý Toàn 29/12/2024.
oOo
Thương tiếc Khánh Trường, một tài hoa, một tấm lòng với bạn hữu, đặc biệt là công sức đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Việt hải ngoại qua tờ Hợp Lưu. Cầu mong anh ra đi bình an.
Kiều Chinh
oOo
Những đợt sóng đau đớn rồi cũng qua đi. Sự mệt mỏi tột độ vì ngồi quá lâu trên chiếc xe lăn, giờ cũng biến mất. Anh thật sự đã được nằm một cách dễ chịu trong cảm giác thoải mái, một cách an bình. Nụ cười của anh sẽ sáng lên không còn chút gượng gạo và rồi nụ cười ấy sẽ mãi mãi chấp chới bay vào mây cao.
Tôi đến bệnh viện thăm anh lần cuối vào buổi sáng mùa lễ Giáng Sinh để chào tiễn biệt anh. Tôi thì thầm nói lời tạm biệt để thấy mình gần gũi anh hơn, vì trước sau gì anh em mình cũng sẽ gặp nhau mà. Những người y tá đi ra, đi vào, kiểm soát, ghi chép, bận rộn bên giường anh. Tôi thì thầm cầu nguyện cho anh rồi ra về. Kỷ niệm về anh của những lần gặp mặt ùa về lấp đầy ký ức của tôi. Nhớ đến anh là tôi nhớ những trận cười nghiêng ngửa vì anh rất tếu táo. Tôi thích nghe anh kể chuyện tào lao, chuyện đời chung quanh anh, chuyện vui buồn, đằng sau hậu trường của các nhân vật văn, nghệ sĩ. Không biết làm sao mà trong trí nhớ và óc thông minh cực kỳ của anh lại chứa được bấy nhiêu những chuyện tếu lâm dường ấy. Sau những câu chuyện, trạng thái buồn chán, mệt mỏi lại trở về trên khuôn mặt anh. Sự trống vắng và cô đơn trong căn nhà thể hiện và hằn sâu trong ánh mắt anh nhìn. Tôi nhớ nét ngang tàng, bạt mạng ngày tôi mới gặp anh mà thông cảm cho sự tù túng của một cuộc sống trên chiếc xe lăn. Tôi nhớ ngày đầu gặp anh và gởi bài thơ của tôi cho anh đăng trên Hợp Lưu. Những ngày đầy phong độ của người đàn ông chọc trời khuấy nước, chẳng biết đến sợ là gì.
Anh kể về thân phận những bức tranh hay những đứa con tinh thần của anh bị bỏ xó, hay bị lãng quên ở nơi nào đó trong garage. Từ lâu, tôi muốn viết một bài về tranh anh, nhân lúc anh triển lãm tranh, mà lần nào cũng lỡ dịp. Bận rộn, rồi những chuyến đi xa khiến ước muốn của tôi không thành. Tôi những muốn viết về cuộc sống thăng trầm của anh qua hội hoạ. Từ những nét chấm phá hiện thực trong tình yêu cho đến sự thăng hoa của thế giới màu sắc khi anh bước chân vào thiền của Phật Giáo. Và rồi bao hăng hái, bao nhiệt tình, với văn chương, hội hoạ, âm nhạc trôi theo ngày tháng, theo thời cuộc, và nhuệ khí của tôi giảm dần. Giờ AI và cuộc tiến hoá vi tính của nhân loại lên ngôi, tôi không biết số phận giới văn nghệ sĩ đi về đâu.
Bức ảnh tôi chụp cho anh bên bức tranh lớn "Gãy Vỡ" định sẽ đăng hôm nào anh mở triển lãm tranh nữa, bỗng thành bức ảnh cuối.
Trông tác giả ngồi cạnh tác phẩm của mình trong hình, tôi thấy bồi hồi biết bao nhiêu. Cạnh cặp vợ chồng không hạnh phúc, mỗi người nhìn về một phía, là một chiếc ghế trống hằn rõ nỗi bất hạnh. Rồi một ngày kia, anh sẽ về để ngồi vào chiếc ghế trống bên cạnh cặp vợ chồng ấy và sửa lại bức tranh cho cặp vợ chồng đó nhìn nhau hạnh phúc, mọi thứ sẽ đẹp đẽ và hạnh phúc, an bình.
Tôi tin chắc anh sẽ trở về như khi anh giải thích về thuyết "sắc tức thị không" khi anh vẽ bức "Bát Nhã".
"Khi vẽ bức này, tôi muốn nói lên thuyết ‘sắc tức thị không, không tức thị sắc’ của nhà Phật. Mặt trăng, lúc thấy, lúc không. Đêm rằm thì ai cũng thấy rõ ràng. Còn đêm ba mươi thì dù không thấy đâu cả, tôi vẫn biết chắc là bên trong màn đêm thăm thẳm kia, vẫn có mặt trăng. Còn ngọn núi kia cũng thế. Hôm nay mình nhìn thấy nó, nhưng rồi mai kia, mốt nọ, có thể, núi không còn ở đó nữa. Thế nhưng, biết đâu vài ngàn năm sau, ngay tại chỗ đó lại sẽ có một ngọn núi khác. Hôm nay, cái còn, sẽ là cái mất, trong lúc cái mất, sẽ là cái trở về.”
Anh đi thanh thản nhé anh Khánh Trường, mong anh sẽ trở về kể chuyện tếu cho mọi người nghe trong giấc mơ.
Trịnh Thanh Thủy
oOo
Khánh Trường – Bước Ngoặt Của Đời Tôi
Tôi đã không hề biết đến tên Khánh Trường cho đến khi một tiểu thuyết ngắn của tôi, “Đâm sừng vào bóng tối” được đăng trọn vẹn trên tạp chí Hợp Lưu vào năm 2001 với một chapeau trọng thị của anh. Một bất ngờ ngoài ý muốn của tôi. Và đấy cũng là điều đã xô đẩy cuộc đời tôi, văn chương tôi qua một ngã rẽ khác.
Tôi bị cho nghỉ việc khỏi báo Thanh Niên, chính thức bước sang lề trái của dòng văn chương phi chính thống. Chưa bao giờ hối tiếc về điều đó, cho dù sau đó tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Cũng nhờ thế, văn chương tôi từ bỏ cái hoa mỹ, phải đạo để định hình một dấn thân cho tự do và nhân phẩm. Tôi bắt đầu viết nhiều cho Tiền Vệ, Da Màu, Hợp Lưu, Văn Học, Văn… Và xuất bản tác phẩm tại Mỹ một cách đều đặn, cũng như cộng tác với các báo đài khác như BBC, RFA…
Năm 2006, tôi đến Mỹ qua chương trình của William Joiner Center thuộc đại học Massachusetts. Một trong những người tôi cần gặp, tất nhiên là Khánh Trường. Cùng đi với tôi có nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Phùng Nguyễn, Hoàng Ngọc-Tuấn và Thận Nhiên. Khánh Trường lúc đó đã ngồi xe lăn, nhưng anh vẫn còn hoạt bát. Dưới mắt tôi, Khánh Trường không “ngầu” như lời đồn. Anh vui vẻ, tếu táo.
Sau này, khi Khánh Trường dự định làm tạp chí Mở Nguồn cùng với Trần Vũ… đã nhờ Thận Nhiên thực hiện bài phỏng vấn tôi cho số ra mắt, nhưng dự án ấy bất thành, tôi cũng không rõ lý do. Tuy nhiên, anh Khánh Trường vẫn giữ tên Mở Nguồn cho một nhà xuất bản mới của mình. Tiểu thuyết đa phương tiện “Thần thánh không biết bơi” (2019) của tôi đã được Mở Nguồn in. Khánh Trường cũng là người đã thiết kế bìa cho tập thơ gần như duy nhất của tôi cho đến nay, “Trong hàng rào kẽm gai, tôi thở” do Nhân Ảnh xuất bản năm 2018.
Để nói về Khánh Trường, không thể không nhắc đến việc anh cùng một số thân hữu đã cho ra đời tạp chí Hợp Lưu. Một việc thuộc loại liều mạng trong bối cảnh chính trị lúc ấy. Có lẽ chỉ có thể là cựu lính dù như Khánh Trường mới đủ bản lĩnh và dũng cảm để đối phó với bốn bề địch/ta. Chỉ vì chữ “hợp lưu”. Nhưng lạ thay, theo tiết lộ của nhà thơ Lê An Thế, một trong những thành viên sáng lập, thì chữ “hợp lưu” nhạy cảm ấy lại là đề xuất của một nhà văn trong nước - Nhật Tuấn.
Giờ đây, Khánh Trường đã không còn nữa, Hợp Lưu đã đổi chủ. Thiên thần gãy cánh, những ngang tàng đã khép lại. Một cuộc đời đã xong. Nhưng, Khánh Trường cũng như Hợp Lưu sẽ còn lưu danh hậu thế không phải chỉ là sự góp phần cho hoà giải, mà quan trọng hơn, chính là cho sự thay đổi bộ dạng của văn học Việt. Công đức ấy vô lượng.
Nguyễn Viện
oOo
Chút kỷ niệm hiếm hoi
Khi còn ở trong nước tôi có thơ in ở hai tạp chí văn chương hải ngoại là Tạp chí thơ và Hợp Lưu nhưng khi ra hải ngoại chưa hân hạnh gặp Nguyễn Khánh Trường, Đỗ Kh và sau này là Đặng Hiền lần nào trong đời chỉ riêng với Khánh Trường thì chat, chit với nhau nhiều hơn, nhiều lần tặng sách cho nhau có nghĩa tôi và anh ấy tình bạn văn chương nằm giữa thân và sơ. Tôi có gửi tặng anh hai bài thơ rồi quên khuấy đi mất .Khi facebook nhắc lại anh mới gửi tin nhắn cho tôi. Tôi copy nguyên văn cả những lỗi sai cố ý của anh
“Khanh Truong
sáng ni fb nhắc lại năm xưa, đọc mấy câu thi bạn ziết cho tui, lòng vui, quả thược cây kim sát vạch rùi,ngày đặc biệt
1. Trong cơn đại dịch đọc văn của Khánh Trường
Nguyễn Hàn Chung
Kim giây xuống
sát vạch rồi
Đâu còn một thuở
nghiêng trời
phàm phu
Mắt chằm
đồi núi biên khu
Loay hoay mót lá
tàn thu khẽ khàng"
2. B à i m u ộ n g ử i m ộ t t à i h o a
2. B à i m u ộ n g ử i m ộ t t à i h o a
Tặng nhà văn họa sĩ Khánh Trường
Nguyễn Hàn chung
nương tình nào gặp khánh trường
cũng lâm ngõ hạnh con đường ngoại xâm
không bao giờ tiếc lỡ lầm
nhưng bao giờ cũng âm thầm nhớ thương
tung hoành hội họa văn chương
song tấu trên giường trên bố ngang cơ
“tịch dương” chẳng chịu lặng lờ
“đoản thi ngày cũ” bất ngờ sáng trăng
ngồi tình trên chiếc xe lăn
ngón tay còn động siêu thăng cõi này!
10/10/2022
Cả hai bài này Khánh Trường đã đọc và anh cho biết rất thống khoái, anh hứa sẽ in vào sách lưu giữ.Không biết anh có in bài nào không ? Anh đã hết cơn đau đớn nhiều năm tháng hành hạ một con người khí phách còn một ngón tay vẫn kiên trì nhẫn nại sáng tác.Thật đáng khâm phục và ngưỡng mộ .Đúng chất Khánh Trường.
ngồi tình trên chiếc xe lăn
ngón tay còn động siêu thăng cõi này!
Tiễn bạn về vô cùng thanh thản
Houston Texas cuối năm 2024
Tiễn bạn về vô cùng thanh thản
Houston Texas cuối năm 2024
Nguyễn Hàn Chung
oOo
Lời Cảm Ơn
Những năm tháng cũ, khi mà việc đi lại giữa VN và Mỹ rất khó khăn thì anh Du Tử Lê đã đi-về như thoi đưa giữa hai đất nước, có khi khoảng cách giữa hai chuyến đi chỉ 28 ngày! Nhạc sĩ Trần Duy Đức kêu lên: “Thượng Sĩ” làm cách nào đưa chị HT qua, hay “Thượng Sĩ” về VN ở hẳn, yêu kiểu hao tốn này không thọ lâu đâu!” Mặc kệ nỗi lo của Đức, anh Lê vẫn hàng tháng có mặt tại VN 5 ngày rồi anh đi. Anh đã tính về ở hẳn, đi dạy kiếm sống để được bên nhau. Bạn bè lúc ấy cũng có nhiều người bày cách này cách khác, nhưng đều không có kết quả.
Vậy mà như một phép lạ, khi anh Du Tử Lê nói chuyện với Khánh Trường, không thể mau mắn, nhiệt tình hơn. “Để tôi!” và anh viết ngay một lá thư, mời tôi sang Mỹ thuyết trình về… Dân Nhạc Việt Nam (!?). Hồ sơ xin xuất cảnh, giấy mời của anh Khánh Trường là chính, tôi được phái đoàn phỏng vấn chấp thuận ngay.
Khánh Trường! Anh là người ơn lớn của gia đình tôi, nhờ anh chúng tôi đã có nhau sau bao năm cách trở. Cảm ơn anh! Muôn vàn cảm ơn anh, anh Khánh Trường!
Hạnh Tuyền
oOo
Cánh Chim Phiêu Bạt Đã Tìm Giấc Yên...
"Cõi ta đang sống dư thừa nhục đau"* – câu thơ như vết dao khắc lên cõi nhân gian, tưởng chừng để lại một dấu ấn khó phai.
Khánh Trường, người đã rời bỏ cõi tạm hôm nay, mang theo hơi thở cuối cùng nhưng để lại một thế giới chữ nghĩa, nơi ông hóa thân thành nghệ nhân để kể lại những câu chuyện buồn vui kiếp người.
"Dư thừa nhục đau" – phải chăng đó là lời buộc tội nhân thế, hay chỉ là tiếng thở dài ném vào hư không? Dư thừa, không phải vì đời sống chất chồng nỗi niềm, mà bởi chính mình hoang phí cảm xúc, để khổ đau lấn át thương yêu.
Hình ảnh thơ ông mở ra những chiều kích suy tưởng sâu thẳm. Khánh Trường không tô vẽ cuộc đời bằng những sắc màu rực rỡ, và thơ ông mang một vẻ đẹp lặng lẽ, siêu thực. Cái cách ông đối diện nhục đau, bấy giờ, chính là sự bao dung trầm lặng, một niềm hy vọng gửi gắm vào bóng tối. Cõi đời có thể dư thừa khổ đau, nhưng lòng người vẫn có thể đủ đầy thương yêu.
Giữa khoảnh khắc chia ly, câu thơ này như một cánh hạc vừa bay lên, nhẹ nhàng mà đầy ấn tượng!
R.I.P
Trần Triết
oOo
Chia Tay Khánh Trường (1948-2024)
Tôi không thể nói tôi là bạn của Khánh Trường. Tôi gặp anh chỉ có một lần. Tôi có nhiều dịp qua California nhưng không thấy có nhu cầu đến thăm anh. Dù vậy, ở một phương diện nào đó, tôi cũng có thể nói quan hệ giữa anh và tôi khá gần gũi. Có sách gì mới, anh cũng đều gửi tặng tôi. Có khi, nhận được, tôi gửi lời cám ơn; nhưng cũng có khi, bận quá, tôi im lặng. Anh vẫn cứ gửi. Cảm động nhất là khi anh làm tờ Hợp Lưu (1991), tờ tạp chí văn học thuộc loại sáng giá nhất ở hải ngoại. Lúc ấy, tôi mới từ Paris sang Úc định cư. Đất nước mới, văn hoá mới, ngôn ngữ mới và công việc mới, tôi bận đến ngộp thở. Giữa lúc ấy, Khánh Trường gửi các số Hợp Lưu cho tôi. Tôi cứ để tờ báo trên kệ, không có thời gian để đọc. Và im thin thít, không những không có bài cộng tác, mà còn, thậm chí, cả một lời cám ơn cũng không có. Vậy mà anh vẫn cứ gửi báo. Từ năm này qua năm khác. Nhờ đó, tôi có đầy đủ toàn bộ Hợp Lưu từ số đầu đến số cuối. Mỗi lần nhìn chồng báo cao ngất trên kệ, tôi rất cảm kích trước sự kiên nhẫn và hào sảng của anh.
Khánh Trường viết nhiều, từ thơ đến truyện ngắn và truyện dài, hơn nữa, anh còn vẽ tranh và là một trong những người trình bày bìa sách đẹp nhất ở hải ngoại. Tuy nhiên, tên tuổi của anh chủ yếu gắn liền với tờ Hợp Lưu. Đó là một trong bốn tờ tạp chí văn học nổi tiếng nhất ở hải ngoại, bên cạnh tờ Văn của Mai Thảo, Văn Học của Nguyễn Mộng Giác và Tạp chí Thơ của Khế Iêm. So với ba tờ kia, Hợp Lưu có phần nhỉnh hơn. Báo đẹp hơn, bài vở phong phú và mới mẻ hơn. Báo cũng quy tụ nhiều người viết hơn. Chính vì vậy, năm 1994, sau hơn ba năm ngưng bút, khi bắt đầu viết trở lại, tôi đã quyết định gửi cho Hợp Lưu, dù về phương diện tình cảm, tôi thân với Mai Thảo và Nguyễn Mộng Giác hơn. Điều đặc biệt, với những bài ấy, tôi ký tên thật Nguyễn Ngọc Tuấn thay vì Nguyễn Hưng Quốc như thường lệ. Trên Hợp Lưu số 21 (tháng 2.1995), Khánh Trường công khai hoá chuyện bút hiệu của tôi:
“Qua ba bài viết vừa rồi, nhiều độc giả thư, điện thoại về toà soạn, hỏi: Nguyễn Ngọc Tuấn là ai? Sau nhiều đắn đo, toà soạn quyết định công khai (rất mong tác giả không phiền lòng): Nguyễn Ngọc Tuấn là tên thật của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, một tên tuổi không xa lạ với độc giả trong ngoài nước. Từ ngày giã biệt Paris (Pháp) sang định cư và giảng dạy tại Đại học Victoria, Melbourne, Úc châu, Nguyễn Hưng Quốc ngưng viết một thời gian, công việc giảng dạy chiếm của ông khá nhiều thời gian, phần khác, ông muốn đọc, suy gẫm và tìm kiếm một phương pháp phê bình, nghiên cứu khác.” (tr. 31)
Cũng trong Lời toà soạn ấy, Khánh Trường nhận xét về mấy bài viết mới của tôi:
“Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam có một lý thuyết mới về thơ mang tính sáng tạo, chứ không phải việc lặp lại ý kiến của người trước. Lý thuyết này đúng hay sai, có lẽ còn quá sớm để kết luận. Duy một điều cần ghi nhận: đây là nỗ lực đầy thiện chí, nhằm giúp giới cầm bút Việt Nam sớm vượt qua tình trạng trì trệ trong tư tưởng văn học hiện nay.”
Năm 2001, Khánh Trường bị tai biến; năm sau, anh lại bị tai biến lần nữa; năm sau nữa, anh cũng lại bị tai biến. Hậu quả của những lần tai biến ấy, cộng với nhiều chứng bệnh khác, anh phải ngồi xe lăn, tay chân cử động rất khó khăn. Viết trên computer, anh chỉ sử dụng được một ngón tay duy nhất. Vậy mà anh vẫn viết. Hơn nữa, viết mạnh. Trong năm bảy năm gần đây, hầu như năm nào anh cũng có sách mới, có năm đến 2,3 cuốn, cuốn nào cũng bề thế. Và hay. Không phải cực kỳ xuất sắc. Nhưng vẫn hay. Trên trung bình rất xa. Chúng làm cho sự nghiệp viết lách của Khánh Trường thêm dày dặn hơn.
Bây giờ thì anh đã buông bỏ hết. Cầu anh thanh thản ở nơi xa xôi, nơi anh không còn phải chịu đựng những cơn đau đớn về thể xác như đã từng trong suốt hơn 20 năm vừa qua.
Tôi không thể nói tôi là bạn của Khánh Trường. Tôi gặp anh chỉ có một lần. Tôi có nhiều dịp qua California nhưng không thấy có nhu cầu đến thăm anh. Dù vậy, ở một phương diện nào đó, tôi cũng có thể nói quan hệ giữa anh và tôi khá gần gũi. Có sách gì mới, anh cũng đều gửi tặng tôi. Có khi, nhận được, tôi gửi lời cám ơn; nhưng cũng có khi, bận quá, tôi im lặng. Anh vẫn cứ gửi. Cảm động nhất là khi anh làm tờ Hợp Lưu (1991), tờ tạp chí văn học thuộc loại sáng giá nhất ở hải ngoại. Lúc ấy, tôi mới từ Paris sang Úc định cư. Đất nước mới, văn hoá mới, ngôn ngữ mới và công việc mới, tôi bận đến ngộp thở. Giữa lúc ấy, Khánh Trường gửi các số Hợp Lưu cho tôi. Tôi cứ để tờ báo trên kệ, không có thời gian để đọc. Và im thin thít, không những không có bài cộng tác, mà còn, thậm chí, cả một lời cám ơn cũng không có. Vậy mà anh vẫn cứ gửi báo. Từ năm này qua năm khác. Nhờ đó, tôi có đầy đủ toàn bộ Hợp Lưu từ số đầu đến số cuối. Mỗi lần nhìn chồng báo cao ngất trên kệ, tôi rất cảm kích trước sự kiên nhẫn và hào sảng của anh.
Khánh Trường viết nhiều, từ thơ đến truyện ngắn và truyện dài, hơn nữa, anh còn vẽ tranh và là một trong những người trình bày bìa sách đẹp nhất ở hải ngoại. Tuy nhiên, tên tuổi của anh chủ yếu gắn liền với tờ Hợp Lưu. Đó là một trong bốn tờ tạp chí văn học nổi tiếng nhất ở hải ngoại, bên cạnh tờ Văn của Mai Thảo, Văn Học của Nguyễn Mộng Giác và Tạp chí Thơ của Khế Iêm. So với ba tờ kia, Hợp Lưu có phần nhỉnh hơn. Báo đẹp hơn, bài vở phong phú và mới mẻ hơn. Báo cũng quy tụ nhiều người viết hơn. Chính vì vậy, năm 1994, sau hơn ba năm ngưng bút, khi bắt đầu viết trở lại, tôi đã quyết định gửi cho Hợp Lưu, dù về phương diện tình cảm, tôi thân với Mai Thảo và Nguyễn Mộng Giác hơn. Điều đặc biệt, với những bài ấy, tôi ký tên thật Nguyễn Ngọc Tuấn thay vì Nguyễn Hưng Quốc như thường lệ. Trên Hợp Lưu số 21 (tháng 2.1995), Khánh Trường công khai hoá chuyện bút hiệu của tôi:
“Qua ba bài viết vừa rồi, nhiều độc giả thư, điện thoại về toà soạn, hỏi: Nguyễn Ngọc Tuấn là ai? Sau nhiều đắn đo, toà soạn quyết định công khai (rất mong tác giả không phiền lòng): Nguyễn Ngọc Tuấn là tên thật của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, một tên tuổi không xa lạ với độc giả trong ngoài nước. Từ ngày giã biệt Paris (Pháp) sang định cư và giảng dạy tại Đại học Victoria, Melbourne, Úc châu, Nguyễn Hưng Quốc ngưng viết một thời gian, công việc giảng dạy chiếm của ông khá nhiều thời gian, phần khác, ông muốn đọc, suy gẫm và tìm kiếm một phương pháp phê bình, nghiên cứu khác.” (tr. 31)
Cũng trong Lời toà soạn ấy, Khánh Trường nhận xét về mấy bài viết mới của tôi:
“Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam có một lý thuyết mới về thơ mang tính sáng tạo, chứ không phải việc lặp lại ý kiến của người trước. Lý thuyết này đúng hay sai, có lẽ còn quá sớm để kết luận. Duy một điều cần ghi nhận: đây là nỗ lực đầy thiện chí, nhằm giúp giới cầm bút Việt Nam sớm vượt qua tình trạng trì trệ trong tư tưởng văn học hiện nay.”
Năm 2001, Khánh Trường bị tai biến; năm sau, anh lại bị tai biến lần nữa; năm sau nữa, anh cũng lại bị tai biến. Hậu quả của những lần tai biến ấy, cộng với nhiều chứng bệnh khác, anh phải ngồi xe lăn, tay chân cử động rất khó khăn. Viết trên computer, anh chỉ sử dụng được một ngón tay duy nhất. Vậy mà anh vẫn viết. Hơn nữa, viết mạnh. Trong năm bảy năm gần đây, hầu như năm nào anh cũng có sách mới, có năm đến 2,3 cuốn, cuốn nào cũng bề thế. Và hay. Không phải cực kỳ xuất sắc. Nhưng vẫn hay. Trên trung bình rất xa. Chúng làm cho sự nghiệp viết lách của Khánh Trường thêm dày dặn hơn.
Bây giờ thì anh đã buông bỏ hết. Cầu anh thanh thản ở nơi xa xôi, nơi anh không còn phải chịu đựng những cơn đau đớn về thể xác như đã từng trong suốt hơn 20 năm vừa qua.
Nguyễn Hưng Quốc
oOo
Khánh Trường, người Luôn tạo bất ngờ.
Quả thật Khánh Trường có quá nhiều cái lạ. Giờ lâm chung cũng khá lạ lùng. Gần ột tuần trước khi anh thật sự vĩnh biệt, trên các trang mạng đã tràn đầy những lời chia buồn. Đủ kiểu dạng. RIP, về miền mây trắng, tiêu diêu miền cực lạc, ra đi bình an nhé bạn, mong gặp bạn lữ, những người trăm cũ nơi thượng giới. Sự nhạy cảm, rót lòng đưa tiễn từ bạn hữu bốn phương cũng là do thời buổi thông tin nhanh nhẹn. Chỉ cần một vài giây đồng hồ, người bên này trái đất biết việc rủi may, chết sống tận bên kia địa cầu. Máy đo nhịp tim và hoạt động não đã báo
không còn hoạt động từ nhiều ngày. Mũi phải thở bằng máy trợ thở, tiếp xy. Cuối cùng, ngày thứ Ba, 24/12, chị Oanh nhắn tin cho biết các Sư Tây Tạng tới tụng kinh đưa tiễn. Ngày Thứ Sáu, ba giờ chiều, một lần tụng kinh nữa,do các sư cô chùa Sùng Nghiêm, để sau đó là bác sĩ rút ống trợ thở, để Khánh Trường Ra
Đi. Thì cứ rút. Nhưng nhịp tim vẫn cứ đập! Nina HB thông báo trên FB sau 11:00PM thứ Sáu ngày rút ống: “Rời UCI Health - Fountain Valley lúc 11:10 pm, 7 tiếng sau giờ rút ống (4:00pm), chú vẫn thở đều. Nhịp tim, huyết áp, mọi chỉ số ổn định. Khanh Truong của chúng ta vẫn không đành bỏ cuộc thế gian.”
Theo một nghĩa nào đó, Khánh Trường anh vẫn còn... sống. Gần hai tuần qua, khi tôi viết những dòng này, 6 giờ chiều ngày 29 tháng 12 -2024, Hòa Bình Lê nhắn tin cho biết trên trang facebook của Khánh Trường, Khánh Trường đã thật sự từ biệt chúng ta, ra đi lúc 4:33PM.
Tôi là một người rất yêu mến văn chương. Cấp trung học theo học ban C – ban văn chương, lên đại học học ban Triết. Tuổi 18 tập tành viết lách. Nhưng đường đời không như mong muốn, sau 1975, nền văn học Miền Nam bị xóa trừ. Ngoài đói kém về cơm áo, đói về cái đọc là rất trầm trọng. May thay khoảng 1991, Nhà văn Trần Vũ về nước, tặng mấy tập Hợp Lưu, một tạp chí Văn học Hải ngoại do Khánh Trường chủ trương. Từ đó tôi biết Khánh Trường. Thời đó, tình hình chính trị còn đầy thù nghịch giữa ngoài và trong nước. Những nhà văn viết bài từ trong nước gởi ra ngoài đăng tải, thảy đều bị bắt bớ, tù tội, như Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy. Và ngoài nước có chút mảy may liên hệ với chế độ Cộng sản trong nước là sẽ bị “tai nạn”, cả bị giết hại như Hoài Điệp Tử. Thế mà Khánh Trường đã chủ trương tờ Hợp Lưu quy tụ nhiều cây bút trong và ngoài nước, bài vở xuất sắc và độc đáo.
Khánh Trường đứng mủi chịu sào, chịu búa rìu dư luận chống phá. Ông vừa là cây bút rất tài năng vừa có tài đọc, tuyển chọn bài vở, viết tạp ghi văn nghệ, tin văn học, với nhiều bút hiệu khác. Cho tới nay, và mãi mãi, Hợp Lưu vẫn là một chỗ đứng trong nền văn học Việt. Chuyện bất khả từ.
Tôi sang Mỹ, sau đó 5 năm, Cung Tich Biền mới chịu qua sum hop gia đình. Chúng tôi đến thăm Khánh Trường. Tình thân giữa hai ông “giang hồ “gặp gỡ, vẫn rượu, trà , cà-phê vui vẻ. Tôi cảm nhận sự chịu đựng cuộc đời trong cái cười hiền hậu, trong ánh mắt lặng lẽ buồn của Khánh Trường.
Cho dù nhiều người phê phán anh hơn thua với cuộc đời, giang hồ không biết sợ, chúng tôi vẫn nói với nhau, cái chân tình mới quan trọng, giữa hai kẻ giang hồ này là sự chân tình, bỏ hết vướng mắc bên ngoài, chỉ còn tình bạn.
Tôi rất yêu hội họa, và những lớp học hội họa tại Đại học Fullerton đã cho tôi chút nghề để nhìn tranh, nhận ra cái khốc liệt, mạnh mẽ, chia lìa trong tác phẩm Khánh
Trường. Lĩnh vực nào ông cũng đầy tài năng, một cõi riêng, độc đáo.
Tháng Bảy vừa qua, Khánh Trường có ra mắt một tập thơ. Lại một lẫn nữa, thấy thêm một lĩnh vực khác của một Khánh Trường khác. Nhìn chung, cảnh giới văn chương nghệ thuật của ông là một thế giới rộng mở, đẩy tự do và sáng tạo.
Hôm nay, Khánh Trường đã rời khỏi nơi này, xin gởi nơi đây Lời Bái Biệt, chia xẻ nỗi mất mát với chị Oanh, người vợ cam chịu cô đơn trong nhiều năm bên anh. Cảm phục chị.
Hoàng Thị Kim
oOo
Nhớ mãi.
Năm 1992 khi tôi bắt đầu học thạc sĩ hội họa tại Quận Cam, tôi tìm về nguồn.
Những bài viết của các tác giả người Việt hải ngoại trên báo trên sách, những cuốn Hợp Lưu là món ăn tinh thần của tôi.
Tôi quen Khánh Trường qua hội họa. Tôi biết tôi không "lanh" nhưng "lành", và họa sĩ Khánh Trường cũng biết điều đó. Anh hay nói giỡn với tôi, nhưng anh trân trọng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình của tôi. Anh phỏng vấn tôi, đăng tranh tôi trên bìa tạp chí Hợp Lưu từ số 37 tháng 10 năm 1997 và tiếp tục sau đó.
Nhìn lại, vậy là hai anh em đã đi trên con đường nghệ thuật tạo hình hơn 30 năm. Có lúc chúng tôi triển lãm chung, từ Hội VAALA, tới phòng triển lãm Báo Người Việt, Old Courthouse Museum và phòng triển lãm trong chùa. Khi tôi triển lãm, anh ghé xem. Và khi anh triển lãm, từ lúc còn đi bằng chân đến lúc đi xe lăn, tôi ghé.
Gần đây khi cô Lê Hòa-Bình và các bạn rủ tôi một ngày ngồi vẽ chung với anh Khánh Trường, tôi đồng ý ngay. Hôm đó chúng tôi vui lắm, các bạn ngồi đàn hát và nhìn chúng tôi hai đứa vẽ chung một tác phẩm. Nét và màu của 2 họa sĩ cứ lượn trên mặt canvas. Có lúc nét cọ đi song song, có lúc nét này chồng chất lên nét kia mà lướt. Có những lúc tranh tưởng đã hoàn tất, nhưng anh Khánh Trường cười và anh lại vẽ lên tiếp, anh mệt mà anh không chịu ngưng. Tôi thấy và biết anh vui. Những khoảnh khắc ấy tôi sẽ nhớ mãi.
Ann Phong
Gửi ý kiến của bạn