Hôm nay,  

Khánh Trường, đôi điều...

02/01/202509:20:00(Xem: 665)
Tưởng niệm Khánh Trường

KTruong. Đinh Cường vẽ
Khánh Trường trong mắt Đinh Cường.

Chúng tôi quen nhau bắt đầu bằng một…thùng sách.

Tháng 9/1993, tôi và gia đình đến định cư ở một thành phố thuộc một tiểu bang miền Bắc nước Mỹ. Thành phố, tuy không nhỏ, nhưng chẳng nổi tiếng, tuy không thưa thớt người, nhưng thiếu bóng đồng hương, tuy rộn ràng nhưng là cái rộn ràng xa lạ: toàn là người…ngoại quốc. Chân ướt chân ráo mới đến xứ lạ, chẳng dám nghĩ gì xa xôi ngoài chuyện ăn chuyện ở chuyện đi làm chuyện nuôi con, thì đâu khoảng vài tháng sau đó, tôi nhận được một thùng sách khá nặng, với tên người gửi lạ hoắc: Khánh Trường. Trên lá thư ngắn kèm theo với cái “logo” Hợp Lưu ở góc trên, là vài dòng viết tay:  “Qua HHU, tôi được biết đến anh. Nghe tin anh và gia đình vừa đến đến định cư, tôi chúc mừng anh. Mong anh sớm ổn định cuộc sống và viết lách trở lại với anh em. Sơ ngộ, tôi gửi biếu anh một ít văn chương Bolsa. Mong được liên lạc thường xuyên với anh.”

Thùng sách chứa đâu khoảng trên 20 cuốn, gần một nửa trong số đó là tạp chí Hợp Lưu cũ, mấy tác phẩm của Khánh Trường, “Đoản Thi Khánh Trường”, “Có Yêu Em Không?”, “Chỗ Tiếp Giáp Với Cánh Đồng”, thêm tập “Ngựa Nản Chân Bon” của Nguyễn Mộng Giác, tập sách “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương”  cùng với các tạp chí Văn Học, Văn và Thế Kỷ 21, mỗi thứ một, hai số. Cầm từng cuốn sách, cuốn báo như được gặp lại cố nhân. Giở ra đọc vội vài dòng cuốn này rồi chụp qua cuốn khác, cũng đọc vội vài dòng, cứ như thế cho đến hết, lòng bồi hồi sung sướng như thể vừa được tái sinh. Sau gần 20 năm ở trong nước, sống như mù như câm, thấy chữ là tránh, là sợ, thùng sách mở ra cho tôi một thế giới hoàn toàn mới mẻ. Tôi ngấu nghiến đọc đêm đọc ngày, đọc hết cả thùng sách lúc nào không hay. Càng đọc, càng thích thú và, thú thật, lại càng ngạc nhiên và bỡ ngỡ vì không ngờ không khí ở hải ngoại lại lu bu “nhiều chuyện” và phức tạp như thế, nhất là chủ trương “hợp lưu”. Nhưng gì thì gì, lần đầu tiên, tôi cảm nhận được cái không khí cởi mở của một miền Nam thuở nào. Thùng sách Khánh Trường như một chiếc cầu nối tôi với thế giới sách vở văn chương hải ngoại. Nhờ những thông tin có được, tôi bắt đầu liên lạc với các tạp chí văn chương và một số các bạn văn khác. Sẵn hai bài viết, một truyện ngắn và một tiểu luận, giấm giúi mang ra được từ trong nước, tôi gửi ngay cho Nguyễn Mộng Giác, một nhà văn đàn anh chưa hề quen, đang coi sóc tờ “Văn Học” và  được anh cho đi ngay trong hai số mới nhất sau đó.

Mãi đến gần một năm sau, sau nhiều lần ngần ngại và đắn đo, tôi mới quyết định gửi bài cho Khánh Trường. Nhận được bài (một truyện ngắn có tựa đề là “Kỷ Niệm”, viết tay và gửi qua bưu điện), Khánh Trường gọi điện thoại cười bảo, tưởng ông sợ làm phiền lòng chiến sĩ nên “xù luôn Hợp Lưu” chứ. Anh cho đi ngay trên Hợp Lưu số 19, tháng 10&11/1994. Biết tôi nóng lòng chờ, báo vừa ra khỏi nhà in là Khánh Trường ưu ái gửi gấp qua đêm (overnight shipping) cho tôi. Tôi khoái nhất cái mục lục với danh sách hàng chục tên tác giả và các bài viết của họ, nên đọc đi đọc lại mãi. Không thể nào ngờ, có ngày mà tên “họ” và tên tôi có cơ duyên được nằm chung trong một số báo. Nào là những tác giả nổi tiếng một thời của văn học miền Nam (mà tôi từng yêu thích) như Bùi Giáng, Thế Uyên; nào là Luân Hoán, Hoàng Lộc, Đinh Cường, những tác giả đã từng xuất hiện trên những tạp chí văn học Sài Gòn trước 1975 như tôi; nào là Nguyễn Văn Phụng, Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Vàng Sao, những người bạn cùng lứa, sống cùng thời nhưng khác chiến tuyến; nào là Văn Cao, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều - những cây bút ở bên kia chiến tuyến; rồi nào là Trân Sa, Trần Vũ, Trần Mộng Tú, Chân Phương, Phan Nhiên Hạo, Thận Nhiên, vân vân, những khuôn mặt mới toanh của văn chương hải ngoại.

C:\Users\DadPCHome\Pictures\75726964559__54E527FF-A044-4208-8A88-8E6D68D63C24.jpg
Mục lục các bài viết trên Hợp Lưu số 19, 10&11/1994
(Hình: Thành Tôn)
 
Bài kế tiếp tôi gửi cho Hợp Lưu là bút ký “Cuộc Rượu Bên Sông”, ghi lại một chuyện “không thể nào ngờ” khác là được ngồi uống rượu cùng Phùng Quán – mà vài bài thơ của ông đã ám ảnh tôi suốt cả thời tuổi trẻ - bên bờ sông Hương, Huế. Bút ký này được Khánh Trường cho đi ở Hợp Lưu số 24 với lời giới thiệu ở đầu bài như sau:

LTS: Bài viết này lẽ ra đã đến với độc giả ở số HL 22 (tháng 4&5, 1995), để tưởng niệm thi sĩ Phùng Quáng đã mất. Nhưng do bưu điện chậm trễ, chúng tôi chỉ nhận được bản thảo thời gian gần đây. vậy xin độc giả hãy xem “Cuộc Rượu Bên Sông” như một nén nhang thắp muộn, cho một tài hoa vừa khuất - Hợp Lưu”.

C:\Users\DadPCHome\Pictures\image0.jpeg
Hình: Thành Tôn.

Hè năm 1995, tôi đi quận Cam. Lần đầu tiên. Huỳnh Hữu Uỷ dẫn tôi đến thăm Khánh Trường. Có bạn, lại là bạn mới từ xa đến, Khánh Trường hào hứng khui rượu và khui lời khui chữ. Ba chúng tôi vừa uống vừa đấu láo đủ thứ chuyện trên đời, kể cả những khó khăn và ngộ nhận về tờ Hợp Lưu trong thời gian đầu tiên. Khuya, say rượu, say bạn, say văn, tôi nằm gục trên ghế salon, mê man không biết trời chẳng biết đất. Sáng hôm sau, Khánh Trường kéo đầu dậy, chở tôi đi lang thang thăm thú chỗ này chỗ nọ người này người nọ quanh quanh khu Bolsa. Khánh Trường trên bàn nhậu, trong quán cà phê, khi trò chuyện, khi đấu láo, tranh cãi cũng là Khánh Trường của truyện ngắn, của tạp bút Kim Thi. Người sao văn vậy: giang hồ, hào sảng, nghĩ gì nói nấy, không văn hoa bóng bẩy, chẳng cần rào trước đón sau. Vui và thích và (cũng dễ)…gây gỗ. Đề tài thích thú, cũng là niềm hãnh diện của Khánh Trường, trước sau đều xoay quanh hai chữ “hợp lưu”. Chuyện hợp lưu (văn chương) thì vẫn cứ (và vẫn còn phải) tranh cãi, tranh cãi dài dài, nhưng tờ Hợp Lưu thì dứt khoát là dấu ấn bất khả bàn cãi của Khánh Trường trong văn chương hải ngoại. Nhậu thì nhậu, ăn thì ăn, những hễ gặp đề tài này, là Khánh Trường không tha: vừa biện (bạch) vừa bảo (vệ) vừa khoe. Nhớ Khánh Trường không thể không nhớ cung cách  làm văn chương “kiểu Khánh Trường”:

Ý định xuất bản một tờ báo có chủ trương hợp lưu mọi dòng văn học về một mối manh nha trong đầu. Tôi gặp vài anh chị em khác: Nhật Tiến, Đỗ Khiêm, Vũ Huy Quang, Lê Bi, Nguyễn Hương, Thân Trọng Mẫn, Phạm Việt Cường, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Mạnh Trinh…và liên lạc bằng điện thoại, thư từ với nhiều anh chị em khác nữa, cư ngụ ngoài Cali và nước Mỹ. Điều tôi không ngờ: hầu hết các văn nghệ sĩ tôi tiếp xúc đều tán đồng chủ trương của tôi. (….) Như thế, với nhiều công sức tài lực của nhiều anh chị em, Hợp Lưu ra mắt số đầu tiên đầu tháng 10 năm 1990. (…)  …giai đoạn đầu, gần như tuần nào, tháng nào, trên hầu hết các tờ báo, Hợp Lưu và nhóm chủ trương, nhất là tôi…cũng bị đem ra làm bia tập bắn. Nhẹ, lời lẽ ôn hòa xây dựng; nặng, bỉ thử thô lỗ, có khi mang cả đời tư của chúng tôi và những hệ lụy cật ruột ra bêu riếu, ném bùn. Nhiều tháng liền, cách vài ba đêm, giữa khuya, một cú điện thoại từ đâu đó gọi tới, đòi “đốt nhà, ném lựu đạn, bắn bỏ” cái kẻ “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, cái bọn “nằm vùng, đâm sau lưng chiến sĩ.” (…) Vì thế, tôi quyết định…chịu trận. Có khi cao hứng, tôi chọc lại bằng cái phong cách rất…nhảy dù: hẹn các đấng hùng anh kia đến một công viên nào đó chọi tay đôi, hoặc đấu súng đấu dao tùy chọn lựa, bảo đảm không báo trước với cảnh sát. (…) Gọi mãi, chửi mãi, hăm dọa mãi, vẫn thấy Hợp Lưu xuất hiện đều đặn, đúng kỳ trên các sạp báo ở các nhà sách. Những cú điện thoại thưa dần, rồi dứt hẳn.” (Trích: Đỗ Lê Anh Đào, Nói chuyện với nhà văn/họa sĩ Khánh Trường, “Truyện ngắn Khánh Trường tập II”, nxb Nhân Ảnh 2016, trang 365-368).

Dù không đồng ý hoàn toàn với Khánh Trường ở điểm này điểm nọ, nhưng tôi cộng tác với Hợp Lưu cho đến ngày Khánh Trường bị bệnh, phải rút lui và tiếp tục góp bài cho Hợp Lưu do Trần Vũ, Phùng Nguyễn và Đặng Hiền đảm trách. Từ đó, suốt một thời gian dài kể từ khi giã từ sân chơi, một phần vì bệnh tật và một phần khác có lẽ vì muốn xa lánh chốn thị phi, nên Khánh Trường gần như vắng mặt hẳn, ở chỗ công cộng, trên báo chí cũng như ở chốn riêng tư. Tôi thì, năm nào cũng ghé qua quận Cam, tham dự và tham gia hết sự kiện này đến họp mặt khác, nhưng dường như không mấy khi nghe (ai đó) nhắc đến tên Khánh Trường. Mãi đến tháng 6/2017, tôi hỏi Thành Tôn và rồi, cùng Thành Tôn ghé thăm anh ở khu “mobile home”, 9800 đường Bolsa, Westminster, Little Saigon. Sau nhiều năm xa cách, tôi gặp lại một Khánh Trường khác hẳn: ngồi xe lăn, thân hình thon gọn, giọng nói hiền hòa, nhẹ nhàng. Anh giới thiệu với tôi một số tranh và sách mà anh lặng lẽ sáng tác thời gian sau này. Nhưng khi đề cập đến chuyện này chuyện nọ về “chốn văn chương” ở ngoài kia, Khánh Trường xua tay, tôi ngộ rồi, giờ thì bỏ hết mọi sự ngoài tai, chỉ tập trung chăm lo cho bản thân mình. 

Đó là lần cuối cùng tôi gặp Khánh Trường. 

Khánh Trường ra đi, Hợp Lưu, tuy cũng đã ra đi từ lâu theo lẽ đời, nhưng những gì nó để lại thì vẫn cứ còn đó. Đó là một “giấc mộng văn chương”, không chỉ của riêng anh, mà là của những ai yêu mến trò chơi chữ nghĩa, nhất là trong hoàn cảnh của một đất nước mà, sau năm mươi năm, vẫn còn vô số điều là giấc mộng. Dù sao, sự kiện những kẻ đã từng tưởng như không đội trời chung, có dịp xuất hiện với nhau trên cùng một tờ báo gọi là “Hợp Lưu” cũng đáng được xem là một thành tựu. Những gì Khánh Trương khởi đầu, đã được tiếp nối với những bàn tay thiện chí khác, sau này. Như ta có thể nhìn thấy trên một vài trang mạng văn học nghệ thuật được xem là đứng đắn hiện nay…

 

– Trần Doãn Nho

(31/12/2024)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Phát thanh viên Nhã Lan của kênh truyền hình Hồn Việt TV (Orange County, CA) nói chuyện với nhà văn / nhà thơ Trịnh Y Thư về văn chương và các điều khác...
Lũ con cháu chúng tôi sang thăm cô Nhã chú Từ ở thành phố Malmo, miền Nam Thụy Điển, vào khoảng giữa tháng 10 2024. Có chúng tôi về, cô chú vui lắm và thường cùng chúng tôi ra ngoài dạo phố, ngắm cảnh, ăn uống. Trong một buổi chiều đi uống cà phê, chúng tôi chụp được tấm hình cô chú nắm tay nhau đi dạo trong một công viên thanh bình, khi trời đất vào thu, dưới ánh nắng nghiêng nghiêng của buổi hoàng hôn cuối ngày. Chúng tôi đặt tên tấm hình đó là “Vẫn nắng vàng dù buổi chiều của đời”, là câu đầu tiên trong bài hát Vầng Trăng Xưa, chú Từ sáng tác trong trại giam Hàm Tân vào năm 1985.
Tác phẩm Drei Kameraden (Three Comrades) năm 1936 của văn hào Đức, Erich Maria Remarque (1898-1970) Tâm Nguyễn dịch với tựa đề Chiến Hữu, nhà xuất bản Kinh Thi ấn hành năm 1972, gồm 28 chương dày bảy trăm trang. Đệ Nhất Thế Chiến, Remarque ở tuổi 19, bị động viên vào Quân Đội Hoàng Gia Đức, thuyên chuyển về Mặt Trận Miền Tây (The Western Front), bị thương vì các mảnh đạn bắn vào chân trái, tay phải và vào cổ, nên được tản thương về bệnh viện, điều trị cho đến khi chiến tranh kết thúc rồi được giải ngũ khỏi Quân Đội Đức. Sau khi chiến tranh chấm dứt Remarque bị ám ảnh bởi các cảnh tàn phá của chiến tranh, thân phận con người, người lính trong và sau giai đoạn bi thương của lịch sử.
Nguyễn Du là tác giả của “Truyện Kiều” và nhà văn người Đức Johann Wolfgang von Goethe là tác giả kịch thơ “Faust”. Nguyễn Du được người Việt kính trọng tôn xưng là "Đại thi hào" và được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới” vào năm 2013 cùng 107 danh nhân khác. Nếu người Việt tự hào về Nguyễn Du thì người Đức cũng rất tự hào về nhà văn lớn của họ là Goethe. Theo Viện Nghiên cứu xã hội và phân tích thống kê Đức (Forsa), Geothe được xếp đứng hàng đầu trong danh sách „Những người Đức vĩ đại nhất mọi thời đại“ [1]. Sau đó mới đến vị thủ tướng đầu tiên của Cộng Hòa Liên Bang Đức là Konrad Adenauer (1876-1967) đứng hạng nhì và đứng hạng thứ ba lại là nhà khoa học gia Albert Einstein (1879-1955), cha đẻ của Thuyết tương đối.
Với tài năng hội họa, văn, thơ, và nhất là tấm lòng và ý chí bền bỉ với văn học nghệ thuật, Khánh Trường đã chinh phục một số lượng độc giả và giới thưởng ngoạn nghệ thuật lớn, từ hải ngoại về đến trong nước, từ nhiều thập niên qua, và có lẽ Ông sẽ mãi được nhớ đến trong văn sử Việt là người khai phóng một nền văn học hậu chiến ở hải ngoại và trong nước qua tờ báo văn học Hợp Lưu. Sau ba cơn tai biến Ông đã phải mang nhiều bệnh tật, nhưng sự ra đi của ông vào cuối năm 29 tháng 12, 2024 vừa qua vẫn gây bàng hoàng đối với những người thân yêu và mến mộ ông. Nỗi niềm thương tiếc này được biểu hiện bằng đôi lời chia biệt với ông và gia đình từ khắp nơi. Việt Báo trích đăng lại.
Như anh có lần tâm sự, thủa 13, anh đã bỏ quê nhà Quảng Nam, lên Đà Lạt, sống đời lang bạt, ăn bờ ngủ bụi, thậm chí “biết tình yêu gái điếm” dù còn non choẹt. Rồi anh xuống Sài Gòn, không muốn tiếp tục làm du đãng, anh đăng lính, dù chưa đủ tuổi. Có sao đâu, chiến tranh đang lên cao điểm mà, quân đội cần lính, nhất là lính Dù, những người lỳ lợm, can đảm, tự nguyện. Những năm chiến trận, đúng châm ngôn “Nhẩy Dù cố gắng”, anh sống trọn với đồng đội, với màu cờ sắc áo. Bị thương nhiều lần, anh buộc phải giải ngũ. Đời sống dân sự chưa được bao lâu thì “xẩy đàn tan nghé”, ngày 30 Tháng Tư 75, anh bị “bên thắng cuộc” liệt vào hàng ngũ “bên thua cuộc”. Vì là cấp hạ sĩ quan, anh không chịu chung số phận như hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức, bị đầy đọa nhiều năm tháng trong các trại tù mà chế độ mới gọi bằng mỹ từ “cải tạo”. Nhưng anh vẫn bị nghi kỵ, bị phân biệt đối xử ngay chính trên quê hương mình.
Giữa mình và Khánh Trường có chút tình văn nghệ tuy thỉnh thoảng mới gặp nhau. Nay Khánh Trường vừa ra đi xin đăng lại một bài viết về Trăng Thiền cách đây cũng đã mươi năm nhân Khánh Trường triển lãm một loạt tranh mới chủ đề là Đáo Bỉ Ngạn và có gởi cho Nguyễn hình chụp một số bức để đưa lên Phố Văn. Xin mời bạn đọc theo dõi bài viết.
Thật ra, trước 1975, tôi cũng đã đọc nhiều sách, nhiều tạp san văn học ở Sài Gòn, (hay tỉnh lẻ), tôi chưa đọc đến tên Khánh trường, biết tên Khánh Trường. Tên đó (hay bút danh đó) hoàn toàn xa lạ đối với tôi.
Bạn hãy giữ lòng cho thật vui để ra đi. Trang sách cuối của Hợp Lưu bây giờ đã khép lại. Tay của bạn đã thả rơi ngòi bút và cọ màu. Bạn đã nằm xuống sau một đời lặn lội. Hãy gối đầu lên những kệ sách ký ức. Đã tới lúc bạn hãy buông xả hết, để tự thấy đời mình trôi theo dòng sông chữ nghĩa, nơi đã chép xuống những gì đẹp nhất của thế hệ chúng ta. Bạn hãy giữ lòng cho thật vui để ra đi. Cuộc đời luôn luôn là những bước ra đi. Bạn không có gì để nuối tiếc trong đời này. Bạn đã tự vắt kiệt máu trong tim ra để làm sơn cho tranh vẽ và để làm mực cho những trang báo. Nơi đó là ước mơ của yêu thương và hòa giải. Nơi đó là sự ngây thơ nghệ sĩ mà chúng ta đã đem tặng cho đời.
Khoảng thời gian bắt đầu vào đại học, ngoài những lúc phải học những bài sinh hóa khô khan, tôi tìm đến văn chương tiếng Việt qua các tạp chí như Văn Học, Văn, và Hợp Lưu. Khác với Văn và Văn Học vốn mang không khí “cổ điển”, Hợp Lưu, với chủ biên sáng lập là nhà văn Khánh Trường, bung mở một cánh cửa đón nhiều cây bút mang phong cách táo bạo, thể nghiệm, trong cả hai lãnh vực thơ và văn, đến từ trong và ngoài Việt Nam. Gặp nhiều chống đối vào những năm đầu vì có sự góp mặt của những nhà văn trong nước, nhưng Khánh Trường vẫn bất chấp, tiếp tục xây dựng Hợp Lưu thành một diễn đàn văn chương mở rộng vì “các thể chế chính trị rồi sẽ qua đi, nhưng văn học nghệ thuật sẽ còn tồn tại dài lâu, nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là phải tìm cách bảo tồn, xiển dương những giá trị kia, không phân biệt phe phái, chính kiến.” (trả lời phỏng vấn của Đỗ Lê Anh Đào trên damau.org, ngày 22 tháng 9, 2006).
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.