Tôi chạy tới nhà thương như một quán tính, tìm chỗ đậu xe một cách dễ dàng, nơi đây tôi đã ra vào quen thuộc, nơi đây tôi sắp sống với một cuộc chia ly mới. Tôi quen lắm hành lang phòng ICU, quen lắm với hình ảnh Bác Mai Thảo, Bác Đỗ Ngọc Yến, với Bố, với Mẹ... Và nay hình ảnh một thân quen quá đỗi hiện ra trước mắt - chú Khánh Trường! đang nhắm nghiền mắt, đang thoi thóp thở... Chị Hoà Bình ôm vai tôi, siết thật chặt. Hai chị em chẳng nói với nhau một lời, nhưng tôi hiểu, cả hai chị em, đang lục tìm trong quá khứ, để sống lại những ngày thật đằm thắm bên chú.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với hình ảnh của bác Mai Thảo, chú Khánh Trường và Bố. Hôm nào họ cũng hẹn hò, họ cũng gặp nhau bù khú, rôm rả tiếng cười… Ồn ào nhất vẫn luôn là chú Khánh Trường, bô lô bô la: Lần này tiền ăn sáng là 500 đô, tôi trả! Ai cũng biết Chú chỉ nói dóc! Họ hẹn hò nhau mỗi ngày ở phở Nguyễn Huệ. Họ thường chiếm chiếc bàn tròn lớn ngay trung tâm. Bao giờ cũng vậy, họ chỉ có 3 người, nhưng chừng mươi phút thì mấy chiếc ghế chung quanh được kéo vào, có khi chen chúc nhau ngồi. Đây là lúc chú Khánh Trường “làm việc,” mắt chú bắt đầu rảo quanh để kiếm… nạn nhân, và rồi chú bắt đầu cười cười, mắt nheo nheo. Buông lời “đâm thọt.”
- Anh ạ, cái thằng này có hôm nó nói thơ anh không phải thơ! Thế là sao hở anh?
- Ông đếch cần thằng nào khen thơ ông.
Vậy là mắt bác Mai Thảo lừ lừ, “đếch” liên tục. Bác càng “đếch” thì chú Khánh Trường càng bịa ra bao thứ, mặc cho nạn nhân phân trần. Có khi nạn nhân phải đứng dậy đi chỗ khác, chú khoái chí cười hô hố. Trò này diễn ra hàng ngày, nạn nhân có khi là người ở xa, có khi một người trẻ mới tập tành làm thơ… Chú bịa ra đủ thứ chuyện để bác Mai Thảo mắng. Có hôm nạn nhân là mẹ tôi.
- Anh ạ, bà Tuyền sắp ra tập thơ, nhờ em layout, đang muốn nhờ anh viết lời tựa.
Bác Mai Thảo, dừng đũa, lừ lừ nhìn mẹ tôi. Mặc cho mẹ tôi cãi chính, chú vẫn bô bô
- Thật mà anh. Tôi đã layout nửa cuốn rồi. Chờ anh thôi ạ, anh viết cho bã vài dòng thôi, mới tập tễnh, khen lắm bã lại hăng mà ra thêm cuốn hai thì phiền!
Dù mẹ tôi nói như van chú thôi đi, nhưng chú vẫn châm vào khiến bác Mai Thảo không an tâm, đe doạ mẹ tôi: “Chớ nha em! Không được nha em!”
Hôm đó bố tôi cũng bị lừa, quay qua hỏi mẹ: “Thật không Tuyền!?” Cả bàn phá lên cười. Đương nhiên người cười to nhất là chú Khánh Trường. Nhiều người là nạn nhân của chú vậy mà ai cũng thương. Trong đó có tôi. Thuở ấy, tôi là 1 đứa trẻ rụt rè, nhút nhát. Tôi không có bạn bè. Bù lại, những người bạn của Bố rất thương và nuông chìu tôi. Bác Cảnh cho tiền tôi đi học thêm. Bác Mai Thảo và chú Khánh Trường thì luôn kêu những món ăn tôi yêu thích. Dù lúc ấy tôi đã tròn như hột mít, nhưng họ cứ cho tôi ăn. Trong mắt họ tôi luôn là đứa trẻ, cần được bảo bọc, cần phải ăn no, chóng lớn. Họ ngồi hằng giờ với nhau, mỗi ngày mỗi tháng, hàng năm, mà không hề chán nhau. Trong trí nhớ của tôi, chú Khánh Trường là người yêu cái đẹp. Chú có thể đắm chìm trong nhan sắc của một nàng thơ. Nhưng ngoài vợ ra, chú chỉ yêu bạn bè. Chú có thể nhìn say đắm một người phụ nữ, cứ ngỡ chú đang yêu cuồng dại, nhưng nếu bác Mai Thảo hay bố tôi gọi, chú sẽ bỏ ngay để chạy tới với bạn. Trong mắt tôi, chú Khánh Trường cuồng, nhưng không hề dại.
Trong miền thơ ấu của tôi, chú Khánh Trường ngang tàng, hào sảng… Vậy mà có một ngày, bệnh ập đến với chú. Những người thân xung quanh tôi, có lẽ chú là người đón nhận bệnh tật đầu tiên. Và dù có bao lần dỗ bệnh, nó cứ ập tới với chú một cách thô bạo, nó dày vò thể xác chú. Tuy vậy, bạo bệnh, không làm giảm đi sự nồng nhiệt với đời, nồng nàn với văn chương, hội hoạ. Chú vẫn sừng sững như cây tùng, cây bách, chú ngạo nghễ với đời. Những căn bệnh không cướp đi của chú sự ngang tàn. Chúng lại càng không cướp đi được tiếng cười giòn tan. Sau này, những lần gặp gỡ, khi được ngồi cạnh chú, tôi luôn nhắm mắt vài giây. Trong những giây phút đó, tiếng cười của chú luôn đưa tôi về quá khứ, với hình ảnh của Bố tôi và Bác Mai Thảo. Tiếng cười hăng hắc của chú Khánh Trường khi chọc phá người này, trêu ghẹo người khác. Tiếng cười giòn giã của chú cũng kèm theo hình ảnh bác Cảnh trong quán Nguyễn Huệ - một ông Hà Thành đỏm dáng, đi tới đi lui với điếu thuốc điệu đàng trên tay. Tôi thấy lại bác Bùi Bảo Trúc với đôi mắt láu lỉnh, luôn châm chọc, giễu cợt một ai đó, bác thích bánh đậu xanh…, Họ nói lớn, cười vang như cùng là chủ nhân của tiệm phở Nguyễn Huệ,
Suốt một tuần lễ, dù có bận rộn với những ngày cuối năm, lòng tôi, trí tôi vẫn quay về nơi chốn quen thuộc - nhà thương. Tôi không còn sợ nhà thương. Những năm sau này, tôi gọi đó là nhà thương, chứ không gọi là bệnh viện, vì nơi đây, đã đem đến cho tôi những vết thương, rất cần thiết trong đời sống. Tôi vào nhà thương để tìm lại tiếng cười của chú. Tiếng cười với những người của muôn năm cũ. Nhưng cả tuần qua, nơi đây chỉ có sự tĩnh lặng, tàn nhẫn.
Tối hôm qua, chú Khánh Trường đã về với tôi trong giấc mơ. Tôi nhìn rõ khuôn mặt rạng ngời của chú. Tiếng chú cười lớn trong sớm mai. Tôi và chị Hoà Bình, ôm chầm lấy chú. Ba chú cháu chụp với nhau cả triệu tấm hình. Tim tôi không còn bị cuốn đi bởi nỗi buồn bất biến mà là niềm hạnh phúc vô biên bên chú bên chị.
Chú ơi, chú đi bình an. Khi gặp Bố, Bác Mai Thảo, Bác Bùi Bảo Trúc, Bác Cảnh… chú ôm họ thật chặt dùm con. Chú nhớ “dọa” với bác Mai Thảo mẹ con sẽ vẫn chờ lời giới thiệu của bác ấy, nhớ gọi thật nhiều món ăn, và để bác Cảnh trả tiền nghe chú.
Orchid Lâm Quỳnh
Q vẫn vậy ❤️