Hình từ phải: Nhà văn Nam Sơn Trần Văn Chi cầm ấn bản tiềng Anh, và nhà thơ Lê Giang Trần, người dàn trang cho sách này.(Photo: PTH)
Nam Sơn Trần Văn Chi và sách:
Haven of Love and Truth
Cuốn "Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư" được một Sư cô dịch sang tiếng Anh
Phan Tấn Hải
Các bạn cao niên hẳn còn nhớ tới cuốn sách học từ thời thơ ấu, "Quốc Văn Giáo Khoa Thư" mà nhiều thế hệ cao niên từng học thời tiểu học ở Việt Nam?
Nhà văn Nam Sơn Trần Văn Chi trong bài viết năm 2004 nhan đề "Sau 50 Năm Đọc Lại Quốc Văn Giáo Khoa Thư" ghi nhận rằng:
"Những ai, trong chúng ta, ở độ tuổi 60 trở về trước, hẳn còn nhớ bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư ( QVGKT) ; Có thể đã từng đọc qua hoặc đã nghe đâu đó kể, hoặc đọc qua một vài đoạn, vài bài trong đó. Đã nửa thế kỷ qua đủ để chúng ta quên nó. Và đủ để chúng ta nhớ nó; nhưng dù thế nào nay đọc lại cũng gây cho chúng ta ít nhiều hoài niệm về thời thơ ấu. Thời mà ngày hai buổi cấp sách đến trường, thời ăn chưa no, lo chưa tới của tuổi học trò.
Trong buổi sơ khai của chữ quốc ngữ (không phải chữ Hán, chữ Tây), bộ QVGKT là bộ sách giáo khoa, do nhà nước Pháp, mà trực tiếp là Nha Học Chánh Đông Pháp, giao cho quí ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận cùng biên soạn. Bộ QVGKT gồm có 3 quyển:
- Quyển dành cho lớp Đồâng Ấu ( Cours Enfantin) là quyển dạy về luân lý (Morale) qua các bài tập đọc và tập viết.
- Quyển dành cho lớp Dự Bị ( Cours Préparatoire)
- Và quyển dành cho lớp Sơ Đẳng ( Cours Elementaire).
Hai quyển Dự Bị và Sơ Đẳng gồm các bài tập đọc (lecture), chứa đựng nội dung bao gồm : Sử ký, Địa Dư, Cách trí, Vạn vật, Vệ Sinh, Đạo Đức, Gia Đình...
Chưa có dịp tìm một cách chính xác xem coi bộ QVGKT xuất bản đầu tiên năm nào, nhưng theo bản mà chúng tôi đọc, xuất bản năm 1939 thì đã in lần thứ mười ba. Như vậy án chừng sách xuất bản đầu tiên vào những năm đầu thế kỷ 20.
QVGKT là bộ sách giáo khoa đầu tiên của Việt Nam, dành cho học trò cấp Sơ Đẳng ( Cấp I, Tiểu học ngày nay) từ Bắc vào Nam. Tuy là sách do thực dân Pháp chủ trương nhưng thực tình mà nói nó có giá trị giáo dục, Sư Phạm rất cao, mà tới nay chưa có bộ giáo khoa Việt Nam nào bì kịp ; dù trong đó có dấu ấn chính trị thực dân ! Mỗi bài trong sách đều có hình vẽ, theo lối tranh khắc trên gỗ, nét vẽ chân phương phản ảnh nội dung chứa đựng trong bài gây ấn tượng mạnh đối với đọc giả tí hon và người lớn nữa.
Các tác giả viết rất dễ hiểu, đơn giản câu văn ngắn, dùng chữ gợi hình, gần gũi với tuổi thơ Việt Nam.
Cuối bài, tác giả tóm lại ý nghĩa bằng một câu "toát yếu", mang tánh giáo dục về đạo đức, luân lý, như là mặc nhiên, không cần giải thích." (ngưng trích)
Và rồi học giả Trần Văn Chi viết một loạt bài ghi nhận, phân tích về sách QVGKT. Các bài đó đã được dịch sang tiếng Anh để những thế hệ sau khi nghiên cứu về cội nguồn sẽ biết rằng thế hệ cha mẹ của họ đã học trong bầu không khí nhân văn như thế nào.
Bản tiếng Anh nhan đề là "Haven of Love and Truth" chuyển ngữ bởi Sư cô Liên Nha, bút hiệu là Huyền Trí. Sách này đã lưu hành trên mạng Amazon, và có thể mua tại
Nhà sách Tự Lực
14318 Brookhurst St, Garden Grove, CA 92843 -
Phone: 888- 204-7749
Sách dày 346 trang. Nhiều hình ảnh hiếm quý của một thời rất xa xưa. Độc giả có những câu hỏi quan tâm có thể liên lạc trực tiếp với tác giả: tranvannamson@gmail.com .
Cũng nên nhắc rằng, ấn bản tiếng Việt nhan đề đã được nhà văn Nam Sơn Trần Văn Chi lưu hành và ra mắt hồi tháng 8/2014.
Lúc đó, nhà văn Nam Sơn Trần Văn Chi thực hiện buổi ra mắt 3 tác phẩm văn học miền Nam
1. Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư
2. Triều Nguyễn và Công Cuộc Mở Đất Phương Nam
2. Hương Vị Ngày Xưa và Món Ngon Miền Nam
vào ngày 4 tháng 8/2024 tại Nhà Sách Tự Lực.
Nhà văn Trần Văn Chi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn ban Sử-Địa khóa 1964-1968, là tổng thư ký Hội Liên Trường Petrus Ký, Nguyễn Đình Chiểu, và Phan Thanh Giản trước 1975. Ông là giảng viên, tổng thư ký Đại Học Hòa Hảo trước 1975. Hiện định cư tại Hoa Kỳ với bút hiệu Nam Sơn Trần Văn Chi, chuyên biên khảo về văn hóa xã hội, phong tục Việt Nam, văn phong tiêu biểu lối văn “bác học miền Nam,” với khoảng 10 đầu sách đã xuất bản.
Theo Giáo sư Nguyễn Trung Quân trong một bài viết năm 2017: "Nhà văn Trần Văn Chi là người lớn lên trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam có nhiều khó khăn nên tác giả đã hoạt động tích cực trong ngành văn hóa giáo dục. Tác giả từng là người vận động góp công xây dựng nền đại học quốc gia như Đại Học Cần Thơ, Đại Học Hòa Hảo. Trong phạm vi văn hóa giáo dục, ông thể hiện được sứ mạng của người cầm bút, luôn viết về văn hóa miền Nam, một nền văn hóa nhân bản, hòa ái, nêu cao những tính chất của con người miền Nam."
Nhà văn Nam Sơn Trần Văn Chi trong buổi ra mắt 3 tác phẩm hồi tháng 8/2024 đã tâm sự: "Bất cứ ai đọc vài bài trong cuốn ‘Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư’ đều thấy có mình ở trong đó, cảm thấy tình cảm quê hương rất tự nhiên không cần tô vẽ gì thêm, như trong bài ‘Chỗ Quê Hương Đẹp Hơn Cả’ (trang 133), ai đọc cũng hiểu thế nào là quê hương. Nhất là khi qua xứ người mới thấy thú vị chứ nếu ở trong nước thì chắc tôi không viết được như vậy."
Tác giả Trần Văn Chi cũng giải thích về cơ duyên được Sư cô dịch sang tiếng Anh: “Thật ra cuốn ‘Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư’ này tôi viết từng bài ở trang Văn Học Nghệ Thuật trên nhật báo Người Việt hàng tuần lúc trước. Hồi đó phải viết tay rồi nhờ người đánh máy, sau này tôi tự tập đánh máy rồi gởi bài qua tòa soạn. Đây là cuốn sách đắc ý nhất lần thứ ba được in lại ở Mỹ, có chỉnh sửa lỗi sai sót trong hai ấn bản 2005-2006 và có thêm hình ảnh minh họa theo bài. Điều tâm đắc ở đây là sau khi cuốn sách này, do nhà xuất bản Sống ấn hành 2024, ra đời, nó được một sư cô đọc qua và rất thích nên đã phát tâm dịch sang tiếng Anh. Sư cô đang làm thủ tục đưa qua Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ để làm tài liệu tham khảo về văn hóa Việt Nam thời đó.”
Dịch giả đó là Sư cô Liên Nha, bút hiệu là Huyền Trí, và bản tiếng Anh bây giờ đã có bán ở Nhà sách Tự Lực, hay là trên mạng Amazon:
https://www.amzn.com/B0DKC5VQVF