Westminster (Thanh Huy) – Ba cuốn sách: Tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ”; Tập truyện “Người Đàn Bà Khác”, và Tạp chí Ngôn Ngữ ấn bản đặc biệt Trịnh Y Thư, đã được ra mắt lần đầu tiên tại Coffee Factory, Westminster, Nam California vào lúc 4 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 12 tháng 10 năm 2024, với sự tham dự của nhiều văn nghệ sĩ, các bằng hữu xa gần, các cơ quan truyền thông báo chí, và thân hữu của nhà văn Trịnh Y Thư.
Mặc dù một buổi chiều Thứ Bảy với nhiều tổ chức sinh hoạt của các hội đoàn, các nhạc hội vận động tranh cử của các ứng cử viện gốc Việt đã tổ chức cùng một lúc, thế mà số người đến tham dự hơn 150 thân hữu và quan khách đã ngồi chật bên trong quán café, có lẽ vì Trịnh Y Thư là người đã sống và lăn lộn với nền văn học hải ngoại hơn mấy chục năm nay, cũng có lẽ vì Ông là một người bạn chân tình luôn hết lòng với bạn văn nghệ và được mọi người hết mực yêu mến.
Những khuôn mặt quen thuộc từ nhiều lãnh vực trong cộng đồng nhận thấy có: Giáo Sư Lê Văn Khoa và phu nhân là Ca Sĩ Ngọc Hà, Ông Chánh Án Nguyễn Trọng Nho cùng phu nhân là Giáo Sư Phạm Vân Bằng, Nữ Tài Tử Kiều Chinh, Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm và phu nhân là nhà văn Trần Ngọc Anh, Luật Sư Phan Huy Đạt và phu nhân, Giáo sư Vũ Tường của Đại học Oregon, Nhà thơ Trúc Chi cùng phu nhân, Nhà báo Phan Tấn Hải, Chủ nhiệm Việt Báo cô Nina Hòa Bình Lê, Nhà báo Doãn Quốc Hưng, Nhà báo Lý Kiến Trúc, Bác Sĩ Bích Liên và phu quân, Nhà Thơ Thành Tôn, Nhà Thơ Lê Hân, Nhà Thơ Nguyễn Tư Phương (từ San Jose), Nhà Thơ Vũ Hoàng Thư, Nhà Thơ Vũ Thùy Hạnh, Nhà Thơ Lê Chiều Giang (từ San Diego), Nhà Thơ Lê Giang Trần, Nhà Thơ Ngô Tịnh Yên, Nhà Văn Lê Lạc Giao, Nhà Văn Tô Đăng Khoa, Nhà Văn Trần C. Trí, Nhà Văn Trương Huy Văn, Nhà Văn Trần Yên Hòa, Nhà Thơ Nguyễn Đức Bạn, Nhà Văn Cung Tích Biền và phu nhân, Nhà Báo Kiều Mỹ Duyên, Nhà Văn Phạm Quốc Bảo, Nhà Văn Thái Vĩnh Khiêm, Nhà Văn Đào Ngọc Phong. Trong giới hội họa, có Họa sĩ Nguyên Khai, Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, Họa sĩ Phan Chánh Khánh, Họa sĩ Cao Bá Minh, Họa sĩ Ann Phong, Họa sĩ Ái Lan, Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, Họa sĩ Đào Nguyên Dạ Thảo, Họa sĩ Pauline Đàm. Giới Nghệ thuật trình diễn có các Ca Sĩ Nhật Hạ, Nguyễn Cao Nam Trân, Đồng Thảo (từ San Jose), Ái Liên, Thu Vân, Lâm Dung, Thu Vàng, Bích Liên. Trong giới âm nhạc có nữ nhạc sĩ Đào Nguyên (từ San Jose) và nhạc trưởng Thomas Ngô. Và, hai nữ xướng ngôn viên khả ái của OC cũng có mặt là cô Nhã Lan và cô ThụyVy, và nhiều thân hữu khác.
Buổi giới thiệu sách chính thức bắt đầu vào lúc 4 giờ chiều với phần điều hợp linh động và hào hứng của nhà báo Đinh Quang Anh Thái. Nhìn về phía khách tham dự, Ông đùa nói: “Hầu như toàn bộ tinh hoa văn hóa của cộng đồng người Việt Nam Cali chiều nay hội tụ ở đây, nếu có thế lực đánh phá tấn công thì chúng ta gần như… tiêu hết.”
Mở đầu chương trình, Trưởng Ban Tổ Chức, bà Nguyễn Thị Thanh Lương chào mừng quan khách tham dự và nói qua về lý do có buổi Ra Mắt Sách và giới thiệu nhà văn Trịnh Y Thư lên nói lời cảm tạ đến ban tổ chức cùng quý quan khách, thân hữu tham dự.
Trong bài phát biểu, nhà văn Trịnh Y Thư nói: “Chỉ còn ít tháng nữa là chúng ta bước sang năm thứ 50 của cuộc sống lưu vong, xa quê hương. 50 năm, nửa thế kỷ là một quãng thời gian rất dài trong một đời người, biết bao biển dâu, dời đổi xảy ra trong suốt thời gian ấy, làm sao chúng ta nhớ hết được. Nhưng có một điều bám chặt mãi trong tâm tư chúng ta, không cách gì gỡ ra được, đó là cái lịch sử khốc liệt đầy dẫy những thảm cảnh trên quê hương mà ít nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp, chúng ta đều đã trải qua và gánh chịu. Nó sẽ ở lại với chúng ta cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Sự thật là chúng ta không thể bôi xóa quá khứ và cách hay nhất cho chúng ta tìm ra sự an ủi phần nào là ký thác nó vào văn chương. Bởi văn chương là liều thuốc nhiệm mầu có thể hóa giải bớt những đau đớn, trầm luân của kiếp người. Tôi quả thấy đó là điều may mắn. Bởi qua văn chương, tôi tìm thấy niềm hy vọng. Hy vọng văn chương là sợi dây thắt buộc chúng ta vào nhau, vẫn nhìn nhau như con người với tất cả tình thương yêu và sự quý trọng.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng thơ văn. Ai cũng biết như vậy. Biến cố đổi đời 30/4/75 không hề thay đổi tâm thức đó trong lòng người Việt dù phải lìa bỏ quê hương. Và chỉ vỏn vẹn 3 năm trôi qua từ cái biến động tang thương đó, chính xác là tháng Tư năm 1978, nhà văn Võ Phiến và nhà văn Lê Tất Điều cho ra mắt cộng đồng tờ Văn Học Nghệ Thuật, một tạp chí chuyên đề văn chương. Và từ buổi đó cho đến ngày hôm nay, văn học luôn là một sinh hoạt, tuy không ồn ào náo động nhưng luôn âm ỷ và bền bỉ, trong giới yêu mến chữ nghĩa và độc giả khắp nơi.
Dòng văn học hải ngoại, theo tôi, sở dĩ được quý trọng là vì đó là một nền văn học nhân bản mang tính tự do và khai phóng. Nói như thế vì tôi nghĩ nó kế thừa các tố chất này của nền văn học miền Nam Việt Nam trước 75. Kế thừa nhưng không lặp lại cái cũ, mà cách tân. Đó chính là con đường chúng ta đang đi ngày hôm nay ở hải ngoại.
Và chúng ta không thể không nhớ đến những nhà văn nhà thơ một thời đã ở với chúng ta mà nay không còn nữa. Tôi muốn nhân dịp này cùng quý vị và các bạn thắp một nén tâm hương đến những người anh người chị văn nghệ như Mai Thảo, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, Nguyễn Xuân Hoàng, Vũ Khắc Khoan, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Thảo Trường, Minh Đức Hoài Trinh, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Mộng Giác, Viên Linh và biết bao vị nữa mà tôi không thể nêu hết ra đây được. Họ là những người từ thuở ban đầu đã có công vun xới, xây dựng một nền văn học hải ngoại như tôi vừa đề cập bên trên. Những cuốn sách khiêm tốn của tôi ra mắt ngày hôm nay không thể có được nếu không có những tác phẩm của các vị đàn anh đàn chị đó làm bảng chỉ đường cho tôi noi theo. Tri ân họ, vì tôi cảm thấy tôi chịu ơn họ vô cùng.”
Sau đó Nhà Văn Đặng Thơ Thơ lên giới thiệu về tác giả Trịnh Y Thư, Bà cho biết:
“Trịnh Y Thư là người đa tài: viết văn, làm thơ, chơi đàn, soạn nhạc, dịch thuật và viết nhận định văn học. Anh từng làm chủ bút tạp chí Văn Học, sau này phụ trách Việt Báo Weekly News và nhà xuất bản Văn Học Press. Anh đã đóng góp cho nền văn học hải ngoại hầu như trong mọi lãnh vực trong bốn thập niên vừa qua. Tầm ảnh hưởng của Trịnh Y Thư còn tỏa rộng đến độc giả trong nước với những tập truyện ngắn cũng như các tác phẩm dịch thuật của anh.
Trong Trịnh Y Thư có một trí thức và một nghệ sĩ luôn kết hợp với nhau khi viết văn, làm thơ, viết nhận định. Văn nghiệp Trịnh Y Thư vì vậy có sự cân đối giữa các mảng phân tích và sáng tác, hư cấu và lý luận. Qua những tác phẩm và những cuộc phỏng vấn, chúng ta thấy sự trình bày của anh về mọi vấn đề đều có sự kết hợp đó, giữ cho mọi thứ ở trạng thái quân bằng, trung dung mà vẫn cô đọng và chuẩn xác. Điều này làm nên tính cách Trịnh Y Thư luôn chừng mực, cẩn trọng, tránh sự thái quá cực đoan, càng biết nhiều hiểu rộng lại càng khiêm tốn.
Cái đọc của Trịnh Y Thư phong phú, đa dạng, mới mẻ. Anh có sự cảm thụ văn chương và các bộ môn nghệ thuật sâu sắc, một tâm hồn nghệ sĩ mẫn cảm, một thái độ trầm tĩnh trước cuộc sống và sự nắm bắt tinh nhạy về nhân sinh của một người thông hiểu nhiều nền văn hóa. Có thể thấy cái đọc của anh góp phần vào cái viết tạo nên văn cách Trịnh Y Thư. Các bài tạp luận, ký, tùy bút trong hai cuốn Chỉ là đồ chơi và Theo dấu thư hương là khung cửa mở ra những thế giới tạo thanh, tạo hình, tạo nghĩa và mời gọi người đọc cùng đi theo anh vào hành trình thưởng thức thi ca, văn chương, âm nhạc, hội hoạ, và cuộc sống.
Trong sáng tác văn xuôi, Trịnh Y Thư có lẽ là người đầu tiên đưa kỹ thuật siêu hư cấu và giải cấu trúc kiểu Milan Kundera vào tiểu thuyết (Đường về thủy phủ) và các truyện ngắn (trong tập truyện Người đàn bà khác), qua đó chúng ta thấy tác giả lên tiếng trực tiếp giữa các diễn biến, can thiệp vào dòng suy nghĩ của nhân vật, và giải thích tiến trình câu chuyện. Thật ra, điều này luôn xảy ra với người viết khi tìm cách xử trí tình thế và lý giải nhân vật, chỉ có điều là chúng ta không viết ra, mà giữ lại trong vùng khuất của tư duy sáng tác, cất giữ trong ngăn kéo bí mật của người viết. Trong các tác phẩm của Trịnh Y Thư, anh đẩy bàn viết, mở ngăn kéo, đưa không gian viết của anh đến sát gần người đọc. Kỹ thuật viết như thế cho người đọc cảm thức vừa xem màn kịch trên sân khấu vừa chứng kiến mọi tình tiết trong hậu trường – có đạo diễn điều động, có diễn viên chuẩn bị đạo cụ và y trang – thấy mọi thứ vừa có liên quan với nhau vừa hướng đến những tự sự khác nhau, tạo ra những chiều kích mới cho việc sáng tác và thưởng thức.
Trịnh Y Thư có công lớn trong việc đưa những tác giả ngoại quốc đến với người thưởng ngoạn văn chương trong và ngoài nước, từ những người viết cổ điển đến hiện đại, rồi đương đại. Tuy số lượng sách dịch trong nước rất nhiều nhưng dịch giả có trình độ chuyên môn như Trịnh Y Thư lại rất hiếm. Anh là một trong số hiếm hoi những nhà văn viết thông thạo và nắm được linh hồn của cả hai ngôn ngữ Anh-Việt. Những bản dịch của anh, ngoài việc chính xác và trung thành với nguyên tác về ngữ nghĩa và ý tưởng, còn có sự linh động, uyển chuyển và tài hoa trong việc vận dụng chữ nghĩa để tái tạo một tác phẩm văn học trong một ngôn ngữ khác.
Đấy là Trịnh Y Thư, người đa tài, đa đoan và đa mang (chữ anh dùng cho chính mình). Bây giờ là một trong những nhân vật cột trụ của văn học hải ngoại, Trịnh Y Thư vẫn là người trầm lặng, và thầm lặng nữa, ngay giữa đám đông. Anh như luôn ưu tư về một điều gì đó, như có gì đang bủa vây tâm trí mà không thể nói ra, khiến ngay giữa cuộc vui anh cũng như chỉ tham gia một nửa. Trịnh Y Thư ngồi giữa mọi người mà vẫn là một khối cô đặc, được tạc vào một vùng khí trong suốt và không thể xuyên thủng, như một hiện hữu đóng băng trong một thế giới riêng. Trong thế giới đó, Trịnh Y Thư đang đối mặt với những thứ “chỉ là đồ chơi” đang tranh giành nhau sự chú tâm của anh: một đoạn văn dịch, một luận đề, một ý tưởng cho tiểu thuyết, một hòa âm cho bản đàn đang soạn… Hoặc có thể anh đang trú ẩn trong không gian của riêng anh, không gian có “Duềnh quyên bóng động hai hàng, Nghìn thu từ độ vẫn bàng hoàng trôi”, của những ý thơ, những thi ảnh, những khả thể của cảm xúc và sáng tạo”.
Tiếp theo Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc lên nói về tác phẩm (rất tiếc phần âm thanh vì lý do kỹ thuật không sử dụng được nên phần phát biểu chỉ giới hạn cho những người ngồi gần mới nghe được ông nói). Một bài nhận định khá dài của tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ” (độc giả có thể đọc trong cuốn sách)… Có đoạn ông cho biết:
“Cuốn sánh vẽ ra được một toàn cảnh với các chi tiết, tạo được một ấn tượng về cuộc chiến, về không gian và cuộc sống xã hội, lịch sử của các giai đoạn gối tiếp nhau. Và về cuộc bể dâu mà con người phải đối mặt, với những quyết định sai lầm của chính nó. Hay với cái “quyết định”, cái hướng đi mù lòa, xiên xẹo và xộc xệch của lịch sử […] Cuốn tiểu thuyết nầy, với lịch sử được dùng làm phông nền qua những gam mẩu rất mờ nhạt, và ước muốn của nó, theo tôi thấy, là hướng về phía ánh sáng, về sự yên bình, về sự xoa dịu, qua lòng hiểu biết và niềm tin vào cái thiện, cái tốt…”
Nhà Văn Cung Tích Biền, cựu chánh án Nguyễn Trọng Nho, nữ tài tử Kiều Chinh và nhà xuất bản Lê Hân cũng lên gửi lời chúc mừng và chia sẻ cảm nghĩ về tác giả, tác phẩm. Nữ tài tử Kiều Chinh nhắc lại câu nói bà thường nói với mọi người: "Không có Trịnh Y Thư thì không có cuốn 'Kiều Chinh: Nghệ Sĩ Lưu Vong'. Được biết Trịnh Y Thư chính là người chịu trách nhiệm biên tập và xuất bản cuốn Hồi Ký nổi tiếng của người diễn viên huyền thoại của Việt Nam này.
Lẽ ra buổi ra mắt sách có phần văn nghệ đặc biệt do các nghệ sĩ thân hữu trình diễn, vì lý do âm thanh nên phần văn nghệ không được thực hiện, nhưng mọi người vẫn ngồi lại chuyện trò cùng tác giả đến phút chót trong không khí thân tình.
Bạn đọc muốn mua sách, xin truy cập vào các đường dẫn sau:
Tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ”:
Duong ve thuy phu by Trinh Y. Thu, Hardcover | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)
Tập truyện “Người Đàn Bà Khác”:
Nguoi dan ba khac by Trinh Y. Thu, Hardcover | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)
Tạp chí Ngôn Ngữ ấn bản đặc biệt Trịnh Y Thư:
Hoặc liên lạc với tác giả qua địa chỉ email sau để mua sách có chữ ký của tác giả: trinhythu@gmail.com
Thanh Huy – Việt Báo